Đau Thốn Gót Chân
Đau thốn gót chân thường do viêm gân gót chân, viêm cân gan chân, gai gót chân… Cơn đau khiến người bệnh khó chịu, đi lại và vận động khó khăn. Tùy thuộc vào nguyên nhân, bệnh nhân còn có biểu hiện co thắt, gót chân sưng đỏ, sờ thấy ấm nóng.
Đau thốn gót chân là bị gì?
Đau thốn gót chân là những đợt đau nhói bên trong như dao đâm, âm ỉ kéo dài. Đau thường nghiêm trọng hơn vào mỗi buổi sáng hoặc khi tăng áp lực lên chân đau (bước đi, chạy, nhảy…). Đau thốn gót chân xảy ra do nhiều nguyên nhân, dưới đây là những nguyên nhân thường gặp.
1. Viêm gân Achilles
Viêm gân Achilles (viêm gân gót chân) là một trong những nguyên nhân gây đau thốn gót chân thường gặp. Bệnh lý này xảy ra khi gân nối xương gót chân với bắp chân (gân Achilles) bị tổn thương và viêm do lạm dụng. Viêm gân Achilles thường gặp ở vận động viện, đặc biệt là vận động viên nhảy xa, chạy đường dài và chạy nước rút.
Trong thời gian đầu, gân Achilles bị viêm khiến người bệnh có cảm giác đau nhẹ ở gót chân/ phía trên gót chân, đôi khi đau ở phía sau chân. Đau tiến triển theo thời gian, thường gây thốn ở gót chân. Đau nhiều hơn khi chạy và leo cầu thang.
Triệu chứng khác:
- Cứng bắp chân
- Sưng và khó chịu ở gót chân
- Ấm nóng ở vùng tổn thương, hạn chế khả năng vận động.
Tham khảo thêm: 7 Cách Trị Viêm Gân Gót Chân Tại Nhà Nhanh Khỏi Nhất
2. Đứt gân Achilles
Một chấn thương mạnh ở mặt sau cẳng chân có thể kéo căng dẫn đến rách một phần hoặc đứt gân Achilles. Chấn thương này thường gặp ở người chơi thể thao hoặc bị tai nạn giao thông.
Khi gân Achilles bị đứt, người bệnh có thể nghe thấy tiếng kêu bốp. Ngay sau đó là cảm giác đau thốn và buốt ở mặt sau của cẳng chân và mắt cá chân. Ngoài ra, đứt gân Achilles còn gây một số triệu chứng sau:
- Không thể đứng trên chân tổn thương
- Không có khả năng đẩy bàn chân khi đi bộ hoặc uốn cong bàn chân xuống
- Sưng gót chân hoặc gần gót chân.
3. Viêm can gân chân
Viêm can gân chân (viêm cân gan bàn chân) là nguyên nhân gây đau thốn gót chân thường gặp. Bệnh lý này là một tình trạng viêm và rối loạn cơ gan chân (dải mô kết nối xương gót chân với ngón chân, hỗ trợ vòm bàn chân).
Tình trạng này chủ yếu xảy ra ở những người thường xuyên lặp lại động tác ở bàn chân hoặc vận động mạnh, cơ gan chân chịu nhiều áp lực dẫn đến rách và viêm.
Dấu hiệu và triệu chứng nhận biết viêm can gân chân:
- Đau thốn gót chân và phía dưới cùng của bàn chân. Mức độ đau tăng dần theo thời gian
- Đau thốn nhiều hơn khi bước xuống giường vào buổi sáng hoặc sau khi nghỉ ngơi
- Đau bắt đầu khi thực hiện các cử động của bàn chân
- Tê bàn chân, sưng tấy, bầm tím ở một số trường hợp.
4. Gai gót chân
Đôi khi đau thốn gót chân là dấu hiệu cảnh báo gai xương ở gót chân (gai gót chân). Gai xương phát triển khi canxi tích tụ ở vòm bàn chân hoặc gót chân. Trong thời gian đầu, gai xương nhỏ, nằm ở đằng sau, mặt dưới của gót chân. Sau một thời gian, gai xương phát triển làm ảnh hưởng đến những bộ phận khác thuộc bàn chân.
Đau do gai gót chân tương tự như dao đâm hoặc đinh ghim. Đau bắt đầu hoặc nghiêm trọng hơn vào buổi sáng, đứng lên từ giường hoặc sau khi ngồi.
Ngoài cảm giác đau thốn, bệnh nhân bị gai gót chân còn có những biểu hiện sau:
- Sưng viêm ở phía trước của gót chân
- Nóng rát
- Gót chân nhô ra
- Khó đi bằng chân trần.
5. Gãy xương gót chân
Gãy xương gót chân xảy ra khi có lực cực mạnh tác động trực tiếp lên gót chân hoặc vòm bàn chân. Trong nhiều trường hợp khác, xương gót chân gãy do chấn thương năng lượng cao tác động vào bàn chân (dồn trục dọc). Chẳng hạn như tiếp đất bằng gót chân khi ngã từ trên cao; gãy xương do căng thẳng ở vận động viêm điền kinh.
Thông thường gãy xương gót gây ra những triệu chứng sau:
- Đau thốn xung quanh xương gót và bàn chân
- Không thể đứng trên các ngón chân bên chân đau
- Đau nhiều hơn khi tăng áp lực lên chân, cụ thể như cố gắng đi lại, chạy
- Sưng nề
- Bầm tím
- Hội chứng khoang cấp tính ở một số trường hợp.
Chụp X-quang thấy xương gót chân vỡ hoặc xuất hiện những vết nứt nhỏ trên xương.
6. Viêm bao hoạt dịch gót chân
Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm xảy ra ở các túi nhỏ chứa chất lỏng đệm cho cơ gần khớp, xương và gân. Tình trạng này có thể xảy ra ở gót chân hoặc bất kỳ vị trí nào trên cơ thể.
Viêm bao hoạt dịch gót chân thường do người bệnh lặp đi lặp lại những chuyển động làm ảnh hưởng đến gót chân, chạy đường dài hoặc nhảy liên tục.
Triệu chứng đau do viêm bao hoạt dịch ở gót chân:
- Đau thốn, đau năng nề
- Đau có xu hướng lan rộng từ gót chân đến các ngón chân
- Đau nghiêm trọng hơn khi tăng áp lực lên bàn chân, di chuyển, ấn vào vị trí tổn thương
Triệu chứng khác:
- Cứng khớp
- Khó đi lại
- Sưng
- Nóng đỏ
7. Khối u xương ở gót chân
Trong một số trường hợp, đau thốn gót chân bắt đầu từ u xương đang phát triển ở gót chân. Bệnh lý này khởi phát khi có sự phân chia và phát triển bất thường của những tế bào xương. Từ đó hình thành một khối u ở xương. Tùy thuộc vào tình trạng mà u xương có thể lành tính hoặc ác tính.
Phần lớn u xương là u lành tính, không gây tử vong. Tuy nhiên khối u có thể phát triển với kích thước lớn, chèn ép vào các mô dẫn đến tổn thương. Nếu được phát hiện sớm, khối u lành tính có thể được loại bỏ mà không gây biến chứng. Đối với khối u ác tính, bệnh nhân có khả năng bị ung thư xương di căn khắp cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ tử vong.
Khi một khối u xương phát triển ở gót chân, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:
- Đau gót chân. Ban đầu đau âm ỉ, không thường xuyên. Sau đó đau thốn, đau thường xuyên làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và giấc ngủ
- Khi sờ có thể nhận thấy một khối u nhỏ
- Xương yếu và dễ gãy
- Sốt
- Đổ mồ hôi về đêm
- Cơ thể thường xuyên mệt mỏi.
8. Nguyên nhân khác
Đôi khi, đau thốn gót chân có thể xảy ra do những nguyên nhân sau:
- Sarcoidosis (các tập hợp nhỏ của những tế bào viêm, tích tụ ở các bộ phận trên cơ thể)
- Viêm tủy xương
- Hội chứng đường hầm cổ chân (hội chứng ống cổ chân)
- Chấn thương gây căng cơ hay bong gân
- Viêm khớp phản ứng ở mắt cá chân hoặc/ và các khớp ở bàn chân
- Vận động gắng sức.
Đau thốn gót chân có nguy hiểm không?
Đôi khi đau thốn gót chân khởi phát do một chấn thương thông thường hoặc những tình trạng không nghiêm trọng khác, chẳng hạn như viêm gân gót chân, viêm cân gan chân, gai gót chân… Những trường hợp này thường có đáp ứng tốt với điều trị nội (bao gồm cả biện pháp chăm sóc tại nhà).
Tuy nhiên ở nhiều trường hợp khác, đau thốn ở gót chân có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều tình trạng nghiêm trọng, như viêm xương khớp, gãy gót chân, u xương, đứt gân gót chân… Đối với những trường hợp này, người bệnh cần được chăm sóc và điều trị y tế để tránh rủi ro.
Một số vấn đề có thể phát sinh do không điều trị:
- Ung thư xương
- Đau gót chân mãn tính
- Giảm khả năng vận động
- Thay đổi dáng đi, tăng nguy cơ dị tật
- Mất thăng bằng và ngã gây ra những chấn thương khác
- Hoại tử.
Đau thốn gót chân khi nào cần đến bệnh viện?
Những trường hợp dưới đây cần đến bệnh viện để được khám và điều trị y tế:
- Cơn đau bắt đầu đột ngột
- Đau thốn gót chân dài ngày. Mức độ đau tăng theo thời gian hoặc không giảm sau 5 ngày chăm sóc
- Đau nhức kèm theo sưng nóng, tê bì, ngứa rang hoặc mất cảm giác ở bàn chân
- Cơn đau làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường, đau tồi tệ hơn hoặc tái phát nhiều lần
- Đau lan sang bàn chân hoặc nhiều vị trí khác
- Đau đột gột, không thể đứng dậy sau chấn thương, gót chân phát ra tiếng bóp, cổ chân lỏng lẻo
- Mắc bệnh tiểu đường.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau thốn gót chân
Để chẩn đoán nguyên nhân gây đau thốn gót chân, bác sĩ thăm khám kỹ lưỡng, kiểm tra vị trí và mức độ đau. Đồng thời xác định các biểu hiện đi kèm (co cứng, tê bì, bầm tím, khớp lỏng lẻo…). Ngoài ra người bệnh được yêu cầu đứng hoặc đi trên chân đau để kiểm tra khả năng chịu lực và vận động.
Một số xét nghiệm hình ảnh cũng được chỉ định để rõ hơn về nguyên nhân gây đau. Bao gồm:
- Chụp X-quang: Kiểm tra xương, xác định những vấn đề liên quan như gãy xương, gai gót chân, u xương…
- Chụp MRI: Kiểm tra cấu trúc khớp, xương và các dải mô bao quanh. Chụp cộng hưởng từ (MRI) thường được dùng cho trường hợp nặng, có tổn thương tiền ẩn.
Điều trị đau thốn gót chân
Hầu hết bệnh nhân bị đau thốn gót chân có thể kiểm soát triệu chứng bằng biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà. Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ (điều trị nội khoa/ phẫu thuật).
1. Giảm đau thốn gót chân tại nhà
Những biện pháp có thể làm dịu cảm giác đau thốn gót chân:
- Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi khi bị tổn thương gót chân. Không đi lại nhiều hay đứng lâu, không vận động gắng sức hay cố gắng làm tăng áp lực lên bàn chân. Biện pháp này cho phép tổn thương cấp tính được chữa lành, giảm đau, tránh tổn thương thêm nghiêm trọng.
Bệnh nhân nghỉ ngơi hoàn toàn từ 1 – 2 ngày, có thể dùng nạng hỗ trợ đi lại, tránh hoạt động làm tăng áp lực lên chân. Sau đó đi lại và kéo giãn nhẹ nhàng, không gắng sức.
- Chườm đá
Hãy chườm đá nếu chấn thương hoặc viêm gân đau ở gót chân. Nhiệt độ cao giúp co mạch, giảm viêm, sưng và đau nhức. Từ đó cải thiện vận động. Khi điều trị, đặt túi đá lên gót chân trong 15 phút, mỗi ngày 3 lần. Kiên trì trong vài ngày để giảm nhẹ tình trạng.
- Nén
Dùng băng thun, băng vải hoặc băng gạc nén bàn chân, mắt cá chân và gót chân tổn thương. Biện pháp này phù hợp với người bị chấn thương (bong gân, căng cơ), viêm gân gót chân, đứt gân gót chân, gãy xương.
Khi nén, gót chân và bàn thân tổn thương được cố định, giảm những tác động bên ngoài/ cử động làm tăng mức độ tổn thương và đau. Đồng thời hỗ trợ chữa lành tổn thương. Biện pháp này nên được thực hiện vào ban đêm để tránh tổn thương thêm do những cử động không chủ ý.
Lưu ý: Không nén quá chặt.
- Nâng cao chân
Nâng cao chân tổn thương khi ngồi hoặc nghỉ ngơi, gót chân cao hơn tim. Biện pháp này giúp giảm sưng và bầm tím bằng cách giảm lưu lượng máu đến bàn chân, giúp máu huyết về tim dễ dàng.
- Mang giày phù hợp
Những bệnh nhân bị đau thốn bàn chân (đặc biệt gai gót chân) nên đi giày rộng thoải mái, đế mềm và gót thấp. Ngoài ra nên dùng miếng lót gót chân hoặc miếng lót mềm trong giày. Điều này giúp hạn chế đau nhức, tránh tổn thương thêm nghiêm trọng.
Không mang những đôi giày dép/ giày thô cứng, không có miếng lót gót chân, giày dép chật chội. Không đi chân trần, giày cao gót hoặc những đôi giày có mũi nhọn chật.
- Kéo giãn nhẹ nhàng
Nếu bị đau thốn gót chân, hãy thử những bài tập kéo giãn nhẹ nhàng. Điều này giúp thư giãn khớp xương, tăng sức bền và sự dẻo dai cho cơ, gân. Đồng thời cải thiện cảm giác đau nhức, hạn chế cứng khớp do bất động lâu ngày.
- Uống Paracetamol
Nếu đau không giảm sau 24 – 48 giờ chăm sóc, người bệnh có thể uống Paracetamol với liều 500mg/ lần, cách mỗi 6 giờ 1 lần khi cơn đau tiếp diễn. Thuốc này có tác dụng xoa dịu cơn đau từ nhẹ đến trung bình và hạ sốt hiệu quả.
Lưu ý không nên uống Ibuprofen (thuốc giảm đau kháng viêm không steroid) trong 48 giờ đầu tiên sau khi gót chân bị thương.
2. Điều trị y tế
Người bệnh cần điều trị y tế khi có tổn thương nặng, đau dữ dội hoặc tái phát kèm theo những biểu hiện khác. Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc, phẫu thuật hoặc/ và vật lý trị liệu.
- Dùng thuốc theo chỉ định
Thuốc được chỉ định dựa trên mức độ đau và tổn thương đi kèm. Dưới đây là những loại thuốc thường được sử dụng:
-
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): NSAID có tác dụng chống viêm và giảm đau. Nhóm thuốc này chủ yếu được chỉ định cho những trường hợp có cơn đau trung bình, có viêm và sưng nóng kèm theo. Aspirin, Ibuprofen, Naproxen là những thuốc chống viêm không steroid được dùng rộng rãi.
- Thuốc giảm đau thần kinh: Nếu đau do hội chứng ống bàn chân, thuốc giảm đau thần kinh có thể được chỉ định. Thuốc này giúp xoa dịu dây thần kinh tổn thương và ngăn dẫn truyền cơn đau.
- Tiêm steroid: Corticosteroid có thể được tiêm vào gót chân để giảm viêm và đau. Đây là một thuốc chống viêm mạnh, thuốc giúp tiêu viêm và giảm đau trong thời gian ngắn. Tiêm Corticosteroid thường chỉ được chỉ định cho những bệnh nhân không có đáp ứng với NSAID.
Bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác không được liệt kê trong bài viết này.
- Vật lý trị liệu
Nếu đau nhiều và khó vận động, vật lý trị liệu có thể được chỉ định. Hầu hết bệnh nhân được phục hồi với các bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ. Những bài tập này giúp giảm đau, tăng khả năng vận động, cải thiện tính linh hoạt và hạn chế chấn thương trong tương lai. Trong một số trường hợp, dùng nhiệt, massage trị liệu, điện trị liệu… cũng có thể được thêm vào quá trình vật lý trị liệu.
- Phẫu thuật
Thông thường bệnh nhân bị đau thốn gót chân được chỉ định phẫu thuật khi:
-
- Cơn đau liên quan đến u xương, viêm tủy xương, đứt gân gót chân, gãy/ vỡ xương gót chân, chèn ép dây thần kinh
- Không đáp ứng với điều trị bảo tồn
- Cơn đau làm ảnh hưởng đến sinh hoạt
Phương pháp phẫu thuật được xem xét dựa trên tổn thương thực thể. Đôi khi người bệnh được mổ nội soi để giải nén dây thần kinh, loại bỏ viêm hoặc mổ mở để sắp xương, nối gân đứt… Sau phẫu thuật, bệnh nhân được phục hồi với các bài tập vật lý trị liệu.
Biện pháp ngăn ngừa đau thốn gót chân
Nguyên nhân gây đau thốn gót chân không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên nguy cơ có thể giảm khi áp dụng những biện pháp dưới đây:
- Mang giày vừa vặn, có đệm lót và có khả năng hỗ trợ bàn chân.
- Lựa chọn những đôi giày phù hợp với hoạt động thể chất đang thực hiện.
- Luôn luôn khởi động với những bài tập kéo căng cơ trước khi tập thể dục.
- Không đột ngột tăng cường độ luyện tập.
- Hạn chế lặp đi lặp lại những chuyển động làm ảnh hưởng đến gót chân.
- Vận động cơ thể, thực hiện đúng kỹ thuật khi hoạt động thể chất.
- Xây dựng một chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Nên bổ sung nhiều thành phần tốt cho cơ, gân và xương khớp như canxi, vitamin A, vitamin C, vitamin D, vitamin E, chất chống oxy hóa, protein, omega-3. Những thành phần dinh dưỡng này thường có nhiều trong các loại rau xanh, củ quả, trái cây, các loại hạt, đậu, quả hạch, quả mọng, thịt, cá, trứng, sữa và những chế phẩm của sữa.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Nên giảm cân khi cần thiết.
- Nghỉ ngơi nếu cơ bắp bị đau hoặc cảm thấy mệt mỏi.
- Không nhảy từ trên cao. Thận trọng để không gây chấn thương trong sinh hoạt.
- Thường xuyên thực hiện những bài tập kéo giãn hay chơi các môn thể thao lành mạnh như bơi lội, đạp xe, yoga… Điều này giúp tăng cường sức cơ, duy trì độ dẻo dai cho gân và khớp xương. Ngoài ra luyện tập còn giúp cải thiện sức khỏe xương khớp, cải thiện khả năng vận động linh hoạt, giảm nguy cơ chấn thương dẫn đến đau thốn gót chân.
Có nhiều nguyên nhân gây đau thốn gót chân. Hầu hết các trường hợp đều nhẹ, có thể khắc phục bằng biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên ở một số trường hợp, cơn đau có thể khởi phát do những nguyên nhân nghiêm trọng (viêm tủy xương, khối u xương, gãy xương…). Do đó nếu đau nhiều, thường tái diễn hoặc đau không giảm, người bệnh cần điều trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!