Đau Mu Bàn Chân
Đau mu bàn chân là tình trạng phổ biến xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tình trạng này thường xảy ra do chấn thương xương khớp khi bị tác động bởi một số yếu tố từ bên ngoài. Hoặc khớp thoái hóa hay chịu nhiều áp lực từ cân nặng. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, mu bàn chân bị đau là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh xương khớp nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây đau mu bàn chân
Thông thường bệnh nhân sẽ bị đau mu bàn chân do những nguyên nhân được liệt kê dưới đây:
1. Chấn thương
Chấn thương được xác định là nguyên nhân phổ biến khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đau nhức ở mu bàn chân. Đối với trường hợp này cơn đau thường kèm theo biểu hiện sưng, đỏ tấy hoặc bầm tím ở mu bàn chân.
Chấn thương mu bàn chân thường xảy ra trong khi chơi những bộ môn thể thao tiếp xúc, chạy đường dài, lặp đi lặp lại động tác nhảy hoặc những cử động ở cổ chân/ bàn chân. Lúc này bàn chân, các xương cùng mô mềm bên trong sẽ chịu nhiều áp lực từ trọng lượng cơ thể. Từ đó khiến mu bàn chân dễ bị sưng và đau nhức.
Ngoài ra chấn thương mu bàn chân cũng xảy ra khi có va đập mạnh, trượt và té ngã. Trường hợp này thường gặp ở những người lao động chân tay, công việc có cường độ vận động cao, chơi thể thao hoặc thường xuyên lái xe.
Một số chấn thương thường gặp có liên quan đến mu bàn chân gồm: Gãy xương bàn chân, trật mắt cá chân, sai khớp, rách dây chằng khớp cổ chân, bong gân…
2. Tăng cân
Trọng lượng cơ thể vượt mức an toàn khiến bàn chân chịu nhiều áp lực. Điều này kéo dài làm tăng mức độ nhạy cảm của bàn chân. Đồng thời khiến khớp và mô mềm dễ bị tổn thương, sưng và đau mu bàn chân có thể khởi phát mà không rõ nguyên nhân.
Đau mu bàn chân do tăng cân dễ xảy ra hơn ở người thừa cân béo phì có công việc buộc phải đứng nhiều hoặc ngồi nhiều.
3. Tuổi tác
Kết quả nghiên cứu cho thấy, bàn chân sẽ trở nên phẳng và rộng hơn ở những người lớn tuổi. Điều này khiến mu bàn chân lõm xuống chèn ép vào dây thần kinh. Từ đó gây đau mu bàn chân hoặc/ và mắt cá chân.
Ngoài ra sự thoái hóa xương khớp theo tuổi tác còn khiến các khớp mất ổn định, kém linh hoạt, nhạy cảm và dễ bị tổn thương. Điều này làm tăng nguy cơ phát sinh những cơn đau nhức khó chịu ở khớp chân.
Đau mu bàn chân là bệnh gì?
Đau mu bàn chân thường chỉ là một phản ứng cơ học bình thường và xảy ra bởi những nguyên nhân không quá nghiêm trọng. Bệnh nhân có thể đột ngột đau nhói hoặc đau âm ỉ trong vài ngày khi bị tác động lực, sau đó có thể tự khỏi mà không cần phải áp dụng bất kỳ biện pháp nào.
Tuy nhiên trong nhiều trường hợp đau mu bàn chân là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nghiêm trọng, thường liên quan đến xương khớp. Cụ thể như:
1. Bệnh gout
Đau mu bàn chân là triệu chứng thường gặp ở những bệnh nhân bị gout (gút). Đây là một dạng viêm khớp thể hiện cho tình trạng rối loạn chuyển hóa nhân purin, nồng độ axit uric trong máu vượt mức an toàn khiến các tinh thể nhỏ tích tụ ở khớp. Điều này làm bùng phát các đợt viêm cấp tính kèm theo tình trạng sưng, đỏ và đau khớp. Trong đó có biểu hiện đau ở mu bàn chân.
Những biểu hiện của bệnh gout có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào. Tuy nhiên các khớp ở ngón chân, bàn chân, ngón tay, mắt cá chân, đầu gối là những khớp dễ bị ảnh hưởng nhất. Để nhận biết bệnh gout bạn có thể dựa vào một số triệu chứng dưới đây:
- Đau mu bàn chân
- Đau bàn tay và các ngón tay
- Sưng và đỏ khớp
- Cứng khớp, hạn chế khả năng cử động
- Xuất hiện hạt tophi dưới da
- Viêm khớp, các khớp viêm thường xảy ra đồng thời….
2. Viêm khớp dạng thấp
Tương tự như bệnh gout, bệnh viêm khớp dạng thấp cũng có thể gây đau ở mu bàn chân. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị rối loạn, tấn công vào lớp màng của màng bao quanh khớp (synovium) dẫn đến viêm, sưng và đau khớp.
Trong giai đoạn tiến triển, bệnh viêm khớp dạng thấp có thể khiến các khớp, xương và sụn quanh khớp bị phá hủy. Đồng thời làm giãn và mất tính cố định khớp của dây chằng, khớp bị biến dạng và mất tính liên kết.
Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết bệnh viêm khớp dạng thấp
- Đau khớp (bao gồm cả đau khớp ở mu bàn chân và ngón chân)
- Cứng khớp
- Hạn chế khả năng vận động
- Có cảm giác nóng ở vùng da quanh khớp
- Đỏ khớp
- Xuất hiện một hoặc nhiều nốt thấp nổi gồ trên bề mặt da, có đường kính từ 5 – 20mm và không di động
3. Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp là nguyên nhân phổ biến khiến bệnh nhân bị đau ở mu bàn chân, đặc biệt là người thừa cân béo phì. Bệnh xảy ra do quá trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể, có chấn thương trước đó hoặc bệnh nhân sinh hoạt kém lành mạnh kết hợp với cân nặng vượt mức an toàn.
Thoái hóa khớp có thể gây tổn thương ở bất kỳ khớp xương nào, trong đó có các khớp ở bàn chân. Bệnh xảy ra khiến khớp bàn – cổ chân, khớp bàn – ngón chân bị mài mòn kèm theo cảm giác đau nhức. Cơn đau thường có xu hướng nghiêm trọng hơn khi chạy, nhảy, vận động mạnh hoặc ít vận động, đứng lâu, ngồi lâu một chỗ.
Ngoài triệu chứng đau nhức, người bệnh còn có cảm giác cứng khớp, khớp kêu lục cục khi di chuyển, viêm, sưng và hạn chế khả năng vận động.
4. Bệnh của mạch máu
Đau mu bàn chân có thể là dấu hiệu cảnh báo những bệnh lý liên quan đến mạch máu, điển hình như: Hội chứng Renaul (co mạch), viêm tắc động mạch, u cuộn mạch… Những bệnh lý này thường có triệu chứng khá mô hồ trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên ở giai đoạn tiến triển, bệnh cản trở quá trình lưu thông máu, gây đau ở mu bàn chân, giảm khả năng di chuyển và chịu trọng lượng cơ thể.
Ngoài việc dựa vào triệu chứng, người bệnh có thể sớm phát hiện các bệnh ở mạch máu thông qua kỹ thuật chụp hình động mạch và siêu âm mạch máu.
5. Bệnh của dây thần kinh
Một số bệnh liên quan đến dây thần kinh như chèn ép dây thần kinh do hội chứng đường hầm, viêm thần kinh ngoại biên, đau thần kinh tọa do thoát vị đĩa đệm… là những nguyên nhân khiến mu bàn chân thường xuyên có dấu hiệu bị đau nhức.
Đối với trường hợp này, bệnh nhân có thể bị đau kèm theo tình trạng tê bì, dị cảm, cơn đau lan rộng từ mu bàn chân đến các ngón chân, bệnh nhân khó cử động hoặc đi lại, lâu ngày dẫn đến yếu cơ và teo cơ.
Thông thường để phát hiện và chẩn đoán chính xác các bệnh của dây thần kinh, người bệnh sẽ được kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp đo điện cơ. Sau đó được hướng dẫn điều trị với các phương pháp trị viêm và giải nén dây thần kinh.
6. Bệnh của dây chằng và gân cơ
Bệnh nhân thường có cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ tại mu bàn chân do những bệnh lý liên quan đến dây chằng và gân cơ. Điển hình như chấn thương dây chằng chéo, bong gân, đứt dây chằng, giãn dây chằng, viêm dây chằng, viêm cân gan chân, chấn thương kèm đau nhức do quá tải trên gân cơ…
Phần lớn các bệnh của dây chằng và gân cơ không quá nghiêm trọng. Người bệnh có thể dễ dàng kiểm soát triệu chứng bằng các biện pháp giảm đau tại nhà hoặc sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
7. Bệnh hoại tử chỏm xương bàn chân (Freiberg’s infraction)
Hoại tử chỏm xương bàn chân thể hiện cho tình trạng tủy xương và tế bào xương thuộc chỏm xương bàn chân bị thiếu máu nuôi dưỡng dẫn đến tổn thương hoại tử. Bệnh gây ra những ổ khuyết xương, vùng thưa xương và tăng nguy cơ gãy xương trong giai đoạn tiến triển.
Ngoài ra việc không sớm điều trị có thể khiến chỏm xương bàn chân lún xẹp, mất tính ổn định và chức năng khớp, thoái hóa thứ phát, tàn phế ở trường hợp nghiêm trọng. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bệnh xảy ra ở nữ giới phổ biến hơn so với đàn ông.
Bệnh hoại tử chỏm xương bàn chân xảy ra kèm theo triệu chứng đau nhức ở vùng bàn chân trước. Cơn đau thường giảm nhanh khi nghỉ ngơi. Đau nhiều hơn khi chạy, nhảy hoặc khi đi nhiều. Trong giai đoạn nặng, bệnh còn gây ra một số triệu chứng khác, bao gồm:
- Đơ cứng khớp
- Biến dạng khớp
- Hạn chế khả năng vận động và đi lại của người bệnh.
Thông thường hoại tử chỏm xương bàn chân sẽ được chẩn đoán bằng cách kiểm tra triệu chứng và đánh giá tổn thương thực thể thông qua hình ảnh cận lâm sàng. Tuy nhiên để sớm phát hiện bệnh lý, bệnh nhân cần được chụp cộng hưởng từ hoặc CT scan. Việc chụp X-quang trong giai đoạn đầu thường không phát hiện ra tổn thương.
8. Bệnh u thần kinh gian ngón chân
Bệnh u thần kinh gian ngón chân khiến bệnh nhân bị đau ở kẽ xương bàn 3 – 4. Nguyên nhân là do u thần kinh gian ngón chân nằm giữa hai đầu xương bàn chân. Mặt khác u này dễ bị chèn ép khi có tác động và chấn thương.
Cơn đau thường trở nên nghiêm trọng và đau dai dẳng hơn khi người bệnh mang giày cao gót, mang giày thể thao hoặc dép quá chật, đi lại nhiều, chạy và nhảy. Ngoài ra người bệnh sẽ có cảm giác đau nhói khi ép các ngón chân lại với nhau hoặc khi dùng tay ấn vào khu vực bị tổn thương.
Bệnh u thần kinh gian ngón chân xảy ra ở nhiều độ tuổi khác nhau. Tuy nhiên bệnh phổ biến hơn ở người trẻ, là vận động viên điền kinh, thường xuyên chạy hoặc lặp lại động tác nhảy nhiều lần.
9. Nứt hoặc gãy xương bàn chân
Nứt hoặc gãy xương bàn chân thường xảy ra ở những người bị chấn thương do va đập, tai nạn giao thông, tai nạn nghề nghiệp hoặc chấn thương khi đang chơi thể thao. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí xương nứt/ gãy, bệnh nhân có thể đột ngột đau nhói hoặc đau âm ỉ kéo dài sau chấn thương. Ngoài ra nứt/ gãy xương bàn chân còn gây ra những triệu chứng đau
- Cơn đau lan rộng, đau nhiều ở mu bàn chân hoặc đau toàn bộ bàn chân. Đau nhiều hơn khi cố gắng đứng dậy hoặc ấn vào trong
- Xương gãy ngang có thể lồi lên và chọc ra khỏi da
- Bàn chân bị trẹo đi hoặc gây ra một số biến dạng xương khác
- Bệnh nhân gặp khó khăn trong việc cử động bàn chân và các khớp
- Không thể đứng dậy do bàn chân bị mất khả năng chịu trọng lượng của cơ thể
- Sưng tấy và bầm tím tại khu vực bị tổn thương
- Có cảm giác nóng đỏ khi sờ
Đối với những trường hợp bị đau mu bàn chân do nứt hoặc gãy xương bàn chân, người bệnh cần nhanh chóng gọi cấp cứu để được hỗ trợ và xử lý kịp thời.
10. Chồi xương ở khớp cổ chân
Chồi xương ở khớp cổ chân thường xảy ra ở những bệnh nhân có khớp xương bị thoái hóa hoặc những người thường xuyên đi lại nhiều khiến khớp chịu nhiều áp lực. Đối với trường hợp này, bệnh nhân thường có cảm giác đau ở mu bàn chân kèm theo tình trạng sưng và nóng đỏ ở khớp.
Ngoài ra khi thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán, hình ảnh X-quang có thể cho thấu khe khớp hẹp lại, một hoặc nhiều chồi xương mọc ở bờ trước khớp cổ chân. Lúc này chồi xương sẽ có xu hướng cấn vào xương cổ chân khi đi lại. Từ đó tạo ra cảm giác đau nhức cho bệnh nhân.
Đau mu bàn chân được điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, mức độ nghiêm trọng của bệnh lý và các triệu chứng đi kèm, người bệnh có thể áp dụng một trong những phương pháp điều trị sau:
1. Biện pháp giảm đau tại nhà
Một số biện pháp dưới đây có thể giúp cơn đau thuyên giảm một cách rõ rệt, cụ thể:
- Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là cách giảm đau hiệu quả đối với những trường hợp bị đau mu bàn chân do căng thẳng và chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể, đi lại nhiều, thường xuyên lặp đi lặp lại một động tác hoặc vận động mạnh. Khi nằm nghỉ, các khớp xương và mô mềm sẽ được thư giãn, máu huyết lưu thông, giúp xoa dịu cảm giác đau nhức.
Ngoài ra việc nghỉ ngơi, tránh vận động mạnh khi chấn thương và thoái hóa khớp còn giúp làm giảm áp lực và ổn định khớp xương, giảm sưng khớp, hạn chế đau tái phát trong giai đoạn tiến triển của bệnh.
- Kết hợp thoa dầu nóng và xoa bóp
Để cải thiện cảm giác đau nhức ở mu bàn chân, người bệnh có thể sử dụng một ít dầu tràm trà hoặc dầu nóng thoa lên mu bàn chân. Sau đó nhẹ nhàng bóp chân dọc từ ngón chân đến khớp mắt cá chân. Lực từ bàn tay có thể giúp bạn kích thích quá trình lưu thông máu, cải thiện tổn thương và xoa dịu cảm giác đau nhức khó chịu.
Ngoài ra xoa bóp còn giúp các khớp xương và mô mềm thư giãn, ổn định cấu trúc ổ khớp. Đồng thời giảm sưng đau, tăng độ bền và độ linh hoạt cho khớp tổn thương, người bệnh dễ dàng hơn trong việc di chuyển. Vì thế người bệnh nên xoa bóp 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 30 phút để cải thiện cơn đau.
- Dùng nhiệt nóng
Khi bị đau mu bàn chân, người bệnh có thể ngâm chân với nước nóng hoặc áp dụng biện pháp chườm nóng để kiểm soát cơn đau. Bởi những tác động từ nhiệt nóng có thể giúp bạn kích thích quá trình tuần hoàn máu, đảm bảo lưu lượng máu đến khớp tổn thương và đẩy nhanh tốc độ phục hồi.
Ngoài ra việc sử dụng nhiệt độ cao còn giúp bạn thư giãn khớp, dây chằng và gân cơ, tăng độ đàn hồi, tính linh hoạt của ổ khớp. Từ đó hạn chế tình trạng co cứng và cảm giác đau nhức.
Để sử dụng nhiệt nóng làm dịu cảm giác đau nhức mu bàn chân, bạn thể ngâm chân trong một chậu nước ấm (70 độ C) 2 lần/ ngày, mỗi lần 10 phút. Hoặc rót nước ấm (70 độ C) vào chai thủy tinh. Sau đó chườm và lăn trực tiếp lên mu bàn chân. Người bệnh chườm nóng từ 2 – 3 lần mỗi ngày, mỗi lần 15 – 20 phút.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh phù hợp với những bệnh nhân bị đau mu bàn chân kèm theo triệu chứng sưng đỏ do chấn thương, viêm dây chằng, viêm gân cơ, bong gân. Biện pháp này có tác dụng giảm đau bằng cách gây tê mô mềm. Ngoài ra nhiệt độ thấp từ biện pháp chườm lạnh còn có tác dụng giảm sưng, giảm viêm và thư giãn các khớp xương.
Vì thế để giảm đau mu bàn chân và cải thiện những triệu chứng liên quan, người bệnh nên đựng đá lạnh trong túi vải, sau đó chườm lên khu vực bị tổn thương. Có thể thực hiện biện pháp này khi bị đau hoặc chườm lạnh từ 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần 15 phút.
- Nâng mu bàn chân
Hãy nâng mu bàn chân của bạn cao hơn tim khi cơn đau xuất hiện. Điều này sẽ giúp cơn đau nhanh chóng thuyên giảm trong thời gian ngắn. Để thực hiện bạn có thể kê gối dưới gót chân hoặc sử dụng một vật nâng đỡ khác để mu bàn cân cao hơn bình thường.
- Ép mu bàn chân
Sử dụng chun quấn quanh mu bàn chân có thể giúp ổn định khớp và cải thiện cơn đau. Tuy nhiên người bệnh lưu ý không nên quấn quá chật vì điều này có thể gây nghẽn mạch và tê cứng bàn chân.
- Sử dụng thảo dược thiên nhiên
Để giảm cảm giác đau nhức ở mu bàn chân và hạn chế những biểu hiện đi kèm, người bệnh có thể chườm nóng với lá ngải cứu hoặc ngâm chân vào nước gừng pha muối ấm.
Chườm nóng với lá ngải cứu giảm đau mu bàn chân
Tác dụng:
-
- Kích thích quá trình lưu thông máu
- Giảm và cải thiện tình trạng cứng khớp
- Tăng độ linh hoạt cho các khớp thuộc bàn chân
- Làm ấm và hỗ trợ quá trình ổn định khớp, cải thiện tổn thương và giảm đau.
Hướng dẫn thực hiện:
-
- Rửa sạch và để ráo 100 gram ngải cứu
- Xào nóng ngải cứu cùng với một nắm muối hạt, sau đó đựng các nguyên liệu trong một túi vải sạch
- Buộc túi vải và chườm trực tiếp lên mu bàn chân
- Thực hiện 2 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút. Kiên trì trong 5 ngày sẽ thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể.
Giảm đau mu bàn chân bằng cách kết hợp lá ngải cứu, lá lốt và muối hạt
Tác dụng:
-
- Giảm đau, giảm viêm và hạn chế tình trạng cứng khớp
- Cải thiện độ linh hoạt cho các khớp, tăng khả năng vận động cho bệnh nhân
- Ổn định quá trình tuần hoàn máu, rút ngắn thời gian phục hồi tổn thương.
Hướng dẫn thực hiện:
-
- Rửa sạch và để ráo 50 gram ngải cứu, 50 gram lá lốt
- Cắt nhỏ các nguyên liệu
- Xào nóng ngải cứu, lá lốt cùng với một nắm muối hạt
- Sau 5 phút, đựng các nguyên liệu trong túi vải sạch
- Buộc túi vải và chườm trực tiếp lên mu bàn chân
- Thực hiện 2 – 3 lần/ ngày, mỗi lần 20 phút.
Ngâm chân trong nước gừng pha muối ấm giảm đau
Tác dụng:
-
- Thư giãn khớp xương và mô mềm
- Cải thiện triệu chứng sưng và cứng khớp
- Cải thiện cảm giác đau nhức mu bàn chân
- Kích thích lưu thông máu
- Đào thải độc tố và cải thiện giấc ngủ.
Hướng dẫn thực hiện:
-
- Rửa sạch và cắt lát 1 củ gừng
- Nấu gừng với 1 lít nước
- Thêm 10 gram muối hạt và khuấy cho tan khi nước sôi
- Tắt bếp và để nước nguội bớt
- Ngâm chân từ 10 – 20 phút kết hợp xoa bóp nhẹ nhàng
- Ngâm chân vào nước gừng pha muối ấm mỗi ngày 1 lần.
2. Điều trị y tế
Bệnh nhân cần đến bệnh viện và nhờ đến sự chăm sóc của bác sĩ chuyên khoa khi:
- Các biện pháp tại nhà không thể giúp cơn đau thuyên giảm sau 7 ngày áp dụng
- Đột ngột đau nhói ở mu bàn chân sau một chấn thương mạnh
- Biến dạng mu bàn chân hoặc có nghi ngờ gãy xương
- Ấn vào mu bàn chân cảm thấy đau nhói
- Đau nhức nghiêm trọng kéo dài trên 2 ngày
- Đau mu bàn chân xuất hiện đồng thời với tình trạng viêm khớp, sưng đỏ nghiêm trọng, cứng khớp, khó cử động hoặc đi lại
- Có dấu hiệu hoại tử xảy ra ở mu bàn chân.
Sau khi thăm khám, bệnh nhân có thể được yêu cầu điều trị y tế với những phương pháp sau:
- Sử dụng thuốc
Để giảm đau và cải thiện các triệu chứng đi kèm, người bệnh có thể được yêu cầu điều trị với một trong những loại thuốc sau:
Paracetamol
Paracetamol được sử dụng phổ biến trong điều trị các cơn đau (bao gồm cả đau nhức xương khớp), có hoặc không kèm theo sốt. Loại thuốc này có tác dụng cải thiện cơn đau ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.
Việc sử dụng Paracetamol có thể gây buồn ngủ. Vì thế nên thận trọng với loại thuốc này khi đang lái xe hoặc thực hiện những công việc cần độ tập trung cao.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID)
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng cho những trường hợp bị đau mu bàn chân kèm theo triệu chứng viêm khớp. Việc sử dụng nhóm thuốc này sẽ giúp bạn giảm viêm và giảm đau ở mức độ trung bình.
Thuốc corticosteroid
Corticosteroid được sử dụng cho những bệnh nhân không có đáp ứng với các loại thuốc nêu trên hoặc có dấu hiệu sưng khớp nghiêm trọng. Thuốc này có tác dụng giảm viêm và giảm đau hiệu quả. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được yêu cầu điều trị với corticosteroid đường uống hoặc tiêm trực tiếp vào khớp viêm.
Tuy nhiên bệnh nhân cần thận trọng khi sử dụng corticosteroid dài ngày hoặc dùng với liều cao vì thuốc có thể gây tác dụng phụ. Điển hình như tay chân teo lại, tăng huyết áp, ảnh hưởng đến thần kinh…
- Vật lý trị liệu
Người bệnh sẽ được hướng dẫn vật lý trị liệu nếu cơn đau làm ảnh hưởng đến khả năng vận động và đi lại. Biện pháp này có tác dụng giảm đau, cải thiện độ linh hoạt, hạn chế tình trạng cứng khớp.
Ngoài ra vật lý trị liệu đúng cách còn giúp bạn tăng cường sức cơ, tăng sức bền và độ chắc khỏe cho xương khớp, cải thiện chức năng của mu bàn chân cùng các khớp liên quan. Đồng thời giảm viêm, cải thiện khả năng vận động cho người bệnh.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật thường ít khi được chỉ định cho những trường hợp bị đau mu bàn chân. Thông thường phương pháp chỉ được áp dụng khi bệnh nhân bị đau mu bàn chân do gãy xương, viêm khớp kèm theo tổn thương ổ khớp nghiêm trọng, tắc nghẽn mạch máu hay chèn ép dây thần kinh và những bệnh lý nghiêm trọng khác. Tùy thuộc vào từng tình trạng, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở.
Đau mu bàn chân thường xảy ra do những chấn thương thông thường hoặc căng thẳng khớp quá mức. Tuy nhiên trong nhiều trường hợp khác, cơn đau là biểu hiện của những bệnh lý nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Vì thế nếu có nghi ngờ mu bàn chân bị đau do gãy xương hoặc do bệnh lý, cơn đau kéo dài trong nhiều ngày, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để kịp thời thăm khám và xử lý. Tránh chủ quan để phòng ngừa rủi ro.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!