Đau Lưng Tiểu Ra Máu
Đau lưng tiểu ra máu có thể xảy ra do hoạt động thể chất quá mức hoặc các vấn đề sức khỏe liên quan đến thận. Điều quan trọng là xác định nguyên nhân và có kế hoạch điều trị hiệu quả, kịp thời.
Nguyên nhân nào gây đau lưng tiểu ra máu?
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau lưng tiểu ra máu. Hầu hết các nguyên nhân này đều lành tính và không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi tình trạng đau lưng và tiểu ra máu có thể xảy ra mà không liên quan đến bất cứ nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ nào.
Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản dẫn đến đau lưng và tiểu ra máu:
1. Tập thể dục quá mức
Tập thể dục quá mức là một trong những nguyên nhân chính gây đau lưng tiểu ra máu. Máu có thể xuất hiện trong nước tiểu sau khi thực hiện các môn thể thao va chạm, chẳng hạn như bóng đá, đấm bốc hoặc đô vật. Các hoạt động va chạm có thể gây tổn thương thận hoặc bàng quang và gây có máu trong nước tiểu. Ngoài ra, máu trong nước tiểu kèm đau lưng cũng có thể liên quan đến các môn thể thao đường dài, chẳng hạn như chạy việt dã.
Trong hầu hết các trường hợp, đau lưng tiểu ra máu do hoạt động thể chất quá mức sẽ được cải thiện trong một tuần. Nếu nhận thấy máu xuất hiện ngay sau khi tập thể dục, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
2. Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận là một loại nhiễm trùng đường tiết niệu, có thể bắt đầu trong ống dẫn nước tiểu từ cơ thể (niệu đạo) hoặc trong bàng quang. Nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai quả thận. Ngoài ra, vi khuẩn có thể lây lan vào máu và dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng.
Dấu hiệu phổ biến khi bị nhiễm trùng thận bao gồm:
- Đau lưng tiểu ra máu
- Sốt, ớn lạnh
- Cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Cần đi tiểu thường xuyên
- Đau háng
- Buồn nôn và nôn
- Nước tiểu có mủ, màu đục hoặc có mùi hôi
- Đau bụng
Điều trị nhiễm trùng thận thường là sử dụng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định nhập viện và truyền dịch thông qua tĩnh mạch để kiểm soát các triệu chứng. Ngoài ra, nhiễm trùng thận có thể tái phát, do đó người bệnh cần có kế hoạch nghỉ ngơi, phòng ngừa phù hợp.
3. Bệnh tuyến tiền liệt
Các vấn đề về tuyến tiền liệt, chẳng hạn như viêm tuyến tiền liệt, có thể gây ra tình trạng nước tiểu lẫn máu. Nhiễm trùng có thể gây đau lưng dưới hoặc trực tràng và đi tiểu thường xuyên hơn. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau khi đi tiểu
- Xuất tinh đau đớn
- Đau xung quanh bìu và dương vật
- Ớn lạnh
- Sốt
- Đau cơ
Bệnh tuyến tiền liệt sẽ được điều trị tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Ngoài ra, người bệnh cần giữ tinh thần lạc quan, thực hiện các kỹ thuật kiểm soát căng thẳng, trầm cảm, lo lắng để ngăn ngừa các cơn đau mãn tính.
4. Nhiễm trùng đường tiết niệu
Nhiễm trùng đường tiết niệu chủ yếu xảy ra do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Dạng phổ biến nhất của nhiễm trùng đường tiết niệu là viêm bàng quang không biến chứng, chủ yếu ảnh hưởng đến phụ nữ, bởi vì phụ nữ có niệu đạo ngắn và rộng nên dễ bị nhiễm trùng hơn.
Đôi khi vi khuẩn có thể tiến triển lên trên và dẫn đến nhiễm trùng thận (viêm bể thận). Đây là một dạng nhiễm trùng nặng có thể gây đau lưng. Các triệu chứng khác cơ thể bao gồm:
- Khó tiểu
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên, đặc biệt là vào ban đêm và gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ
- Nước tiểu đục
- Đau bàng quang
Nếu tình trạng đau lưng tiểu ra máu liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ có thể chỉ định kháng sinh trong một tuần hoặc lâu hơn để kiểm soát các triệu chứng. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị nhập viện và các biện pháp điều trị can thiệp khác.
5. Chấn thương
Chấn thương thận, niệu quản hoặc bàng quang cũng có thể gây đau lưng tiểu ra máu. Chấn thương có thể có nhiều dạng, chẳng hạn như:
- Chấn thương nhẹ ở thận hoặc đáy chậu, thường xảy ra do té từ trên cao xuống, tai nạn giao thông đường bộ hoặc tham gia các môn thể thao va chạm mạnh.
- Lấy sinh thiết từ bàng quang, thận hoặc tuyến tiền liệt.
- Chấn thương niệu đạo trong các hoạt động tình dục hoặc giao hợp thô bạo.
- Nội soi bàng quang gần đây hoặc đặt một công cụ vào niệu đạo
Các chấn thương có thể trở nên nghiêm trọng và dẫn đến nhiều biến chứng. Do đó, nếu bị té ngã hoặc va chạm mạnh vùng thắt lưng, hông, thận, bàng quang, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Đau lưng tiểu ra máu có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị, tình trạng đau lưng tiểu ra máu sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Nhiễm độc máu
- Sẹo thận
- Đau lưng mãn tính, kéo dài
Ngoài ra, người bệnh được khuyến cáo đến bệnh viện hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ ngay khi nhận thấy các dấu hiệu như:
- Nôn mửa
- Mất kiểm soát bàng quang
- Ớn lạnh
- Nước tiểu chứa nhiều máu
Đế bệnh viện càng sớm càng tốt nếu:
- Nước tiểu đục màu
- Tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật
- Đau lưng và đi tiểu thường xuyên gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Bác sĩ có thể tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán, xác định bệnh lý và có kế hoạch điều trị phù hợp nhất.
Điều trị tình trạng đau lưng tiểu ra máu như thế nào?
Các biện pháp điều trị đau lưng tiểu ra máu được chỉ định dựa trên nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Bác sĩ thường chỉ định kiểm soát tình trạng gây ra máu trong nước tiểu, sau đó kiểm tra xem đã hết máu chưa. Nếu vẫn còn máu trong nước tiểu, bác sĩ sẽ đề nghị các xét nghiệm đường tiết niệu hoặc đề nghị người bệnh đến gặp bác sĩ chuyên khoa thận.
Nếu không thể kiểm soát nguyên nhân gây đau lưng tiểu ra máu sau một liệu trình điều trị, bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh thực hiện xét nghiệm nước tiểu và theo dõi huyết áp trong 3 – 6 tháng, đặc biệt là ở nhóm đối tượng có nguy cơ ung thư bàng quang, chẳng hạn như người cao tuổi, hút thuốc lá hoặc tiếp xúc với các hóa chất công nghiệp.
Để kiểm soát tình trạng đau lưng tiểu ra máu, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp, chẳng hạn như:
1. Uống nhiều nước
Uống nhiều nước và giữ đủ nước trong cơ thể có thể giúp kiểm soát cũng như điều trị tình trạng tiểu ra máu. Tuy nhiên uống nhiều nước sẽ khiến nước tiểu bị loãng và người bệnh sẽ đi tiểu thường xuyên hơn. Mặt khác, đi tiểu thường xuyên có thể giúp loại bỏ vi khuẩn gây nhiễm trùng và nâng cao sức khỏe đường tiết niệu.
Người bệnh được khuyến cáo nên uống khoảng 2 – 3 lít chất lỏng mỗi ngày. Chất lỏng có thể bao gồm nước, đồ uống không chứa caffeine hoặc nước súp, nước hầm xương. Tuy nhiên, lượng nước tiêu thụ phụ thuộc vào độ tuổi và cân nặng của người bệnh. Do đó, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi bổ sung nhiều nước.
2. Đi tiểu thường xuyên
Đi tiểu thường xuyên có thể giúp loại bỏ nhiễm trùng bằng cách di chuyển vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu, bàng quang. Việc nhịn đi tiểu khi cần có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn tiếp tục sinh sôi, phát triển và khiến các triệu chứng đau lưng tiểu ra máu trở nên nghiêm trọng hơn.
Đi tiểu sau khi quan hệ tình dục cũng có thể góp phần kiểm soát các triệu chứng tiểu ra máu. Hoạt động tình dục có thể đẩy vi khuẩn đi sâu hơn vào bên trong niệu đạo của cả nam và nữ. Do đó, đi tiểu sẽ giúp đẩy vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
3. Chườm nóng
Chườm nóng làm tăng lưu lượng máu và chất dinh dưỡng đến khu vực bị đau, góp phần cải thiện cơn đau, cứng khớp và phục hồi khả năng chuyển động linh hoạt. Để chườm nóng giảm đau, người bệnh có thể đặt một tấm khăn ấm, ẩm lên da, để yên trong 15 – 20 phút mỗi lần. Lưu ý cần đặt một tấm vải mỏng giữa da và vật liệu chườm để tránh gây tổn thương da.
Sau khi chườm nóng, da có thể hơi hồng một chút. Điều này là vô cùng bình thường và không phải là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng. Tuy nhiê, sau khi chườm nóng sẽ để da nghỉ ngơi, quay trở lại trạng thái ban đầu. Người bệnh có thể chườm nóng trở lại sau 2 – 3 tiếng nếu cần thiết.
Liên hệ với bác sĩ hoặc đến bệnh viện ngay khi có các dấu hiệu tổn thương da, chẳng hạn như:
- Da có màu đỏ tía, đỏ sẫm hoặc đỏ và trắng lốm đốm
- Phát ban
- Sưng tấy
- Phồng rộp
4. Điều trị với thảo dược
Có một số loại thảo dược có tác dụng tương tự như kháng sinh, có thể kiểm soát tình trạng tiểu ra máu và đau lưng. Tuy nhiên, trước khi sử dụng các loại thảo dược bổ sung, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Các loại thảo dược phổ biến được sử dụng bao gồm:
- Chiết xuất tỏi: Tỏi có chứa allicin, một thành phần được tạo thành từ lưu huỳnh và hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn hiệu quả. Các nghiên cứu cho biết, allicin có tác dụng đáng kể trong việc tiêu diệt các loại vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiểu.
- Trà hoa cúc: Hoa cúc có chứa các hợp chất chống viêm, chống vi khuẩn. Trà hoa cúc cũng hoạt động như một chất lợi tiểu, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn ra khỏi đường tiết niệu.
- Trà xanh: Trà xanh có chứa một số hợp chất có tác dụng chống vi khuẩn và chống viêm, góp phần tiêu diệt vi khuẩn ở đường tiết niệu.
- Lá dâu tây: Một số nghiên cứu cho thấy lá dâu tây có khả năng kháng khuẩn, hỗ trợ tiêu diệt vi khuẩn đường tiết niệu hiệu quả.
- D-Mannose: Đây là một loại đường tự nhiên có trong quả nam việt quất, táo và cam, thường được sử dụng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Thường xuyên sử dụng hoạt chất này có thể giúp kiểm soát tình trạng đau lưng tiểu ra máu.
5. Tập thể dục vừa phải
Đau lưng tiểu ra máu có thể phổ biến hơn ở vận động viên, người tập luyện với cường độ cao và liên tục. Các môn thể thao nguy cơ cao bao gồm chạy marathon hoặc các môn thể thao tiếp xúc mạnh như bóng đá hoặc đô vật cũng góp phần làm tăng nguy cơ.
Tập luyện với cường độ vừa phải, phù hợp sẽ giúp người bệnh tận dụng tối đa hoạt động thể chất. Đảm bảo không tập luyện quá sức hoặc tham gia các khóa huấn luyện khắc nghiệt, điều này sẽ khiến tình trạng đau lưng, tiểu ra máu trở nên nghiêm trọng hơn.
Một số bài tập phù hợp cho người đau lưng và tiểu ra máu bao gồm:
- Tập aerobic: Các bài tập aerobic vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh, bơi lội, đi xe đạp trong nhà, có thể góp phần nâng cao sức khỏe, giảm đau lưng và ngăn ngừa các triệu chứng đi tiểu ra máu.
- Rèn luyện sức mạnh: Thực hiện các bài tập sức mạnh ít nhất hai lần mỗi tuần, chẳng hạn như tập tạ tự do, leo núi hoặc làm vườn, có thể hỗ trợ tăng sức bền và ngăn ngừa tổn thương cột sống.
Cường độ tập thể dục cần giữ ở mức vừa phải hoặc mạnh mẽ để đạt được lợi ích tối đa. Đối với vận động viên, cần thực hiện kế hoạch tập luyện theo hướng dẫn của huấn luyện viên để ngăn ngừa các rủi ro phát sinh. Nếu cảm thấy đau đớn, khó chịu hoặc tiểu ra máu sau khi luyện tập, hãy đến bệnh viện hoặc liên quan với bác sĩ ngay lập tức.
6. Uống thuốc giảm đau không kê đơn
Thuốc giảm đau được sử dụng để kiểm soát cơn đau ở vùng thắt lưng, đau xương chậu hoặc đau bụng, ngay cả khi người bệnh không đi tiểu ra máu. Các loại thuốc giảm đau không kê toa phổ biến nhất bao gồm Paracetamol và thuốc chống viêm không steroid (như Aspirin hoặc Ibuprofen).
Sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất. Không lạm dụng hoặc kết hợp với các loại thuốc khác mà khỏi hỏi ý kiến của bác sĩ.
7. Uống thuốc theo toa
Đối với tình trạng đau lưng tiểu ra máu do nhiễm trùng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc kháng sinh. Các loại kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng, hỗ trợ cầm máu và kiểm soát cơn đau.
Trong trường hợp nhiễm trùng toàn thân hoặc phức tạp, bác sĩ có thể đề nghị nhập viện và sử dụng thuốc theo đường truyền tĩnh mạch để ngăn ngừa các rủi ro phát sinh.
Phòng ngừa tình trạng đau lưng tiểu ra máu
Để nâng cao hiệu quả điều trị và phòng ngừa tình trạng đau lưng tiểu ra máu, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Đi tiểu ngay khi muốn, không được nhịn hoặc trì hoãn nhu cầu đi tiểu
- Sau khi đi tiểu và đặc biệt là sau khi đi đại tiện, cần lau từ trước ra sau để ngăn ngừa vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo
- Đi tiểu trước và sau khi quan hệ tình dục
- Tránh sử dụng các loại xà phòng thơm hoặc thụt rửa sâu vào bên trong niệu đạo
- Mặc quần rộng rãi, thoải mái
- Tăng cường chất lượng giấc ngủ, đảm bảo nằm đúng tư thế để tránh gây áp lực lên cột sống hoặc thận, bàng quang
- Giữa tư thế tốt, tránh vặn, xoắn cột sống hoặc nâng các vật nặng quá mức
Đau lưng tiểu ra máu thường không liên quan đến các tình trạng nghiêm trọng và không ảnh hưởng đến tính mạng. Tuy nhiên, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!