Đau Lưng Khó Thở
Đau lưng khó thở có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, đặc biệt là khi người bệnh không rõ nguyên nhân. Do đó, người bệnh nên xác định các nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Đau lưng khó thở là bệnh gì?
Lưng là bộ phận dễ bị tổn thương do các cơ cần được giữa ở tư thế thẳng và hỗ trợ các hoạt động cơ bản hàng ngày. Khi các cơn đau lưng xuất hiện cùng với tình trạng khó thở, hoặc đau đớn khi thở, có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Trong hầu hết các trường hợp, đau lưng khó thở thường liên quan đến tình trạng căng cơ hoặc do làm việc quá sức. Tuy nhiên, đôi khi tình trạng này có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng cần được chăm sóc phù hợp.
Ngoài đau lưng khó thở, người bệnh có thể gặp các triệu chứng như đau ngực, đổ mồ hôi, buồn nôn, chóng mặt hoặc mất ý thức. Nếu xuất hiện các triệu chứng này, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc gọi cấp cứu để tránh các rủi ro nghiêm trọng.
Đau lưng và khó thở có thể liên quan đến một số nguyên nhân và điều kiện y tế, chẳng hạn như:
1. Căng cơ liên sườn
Các cơ liền sườn chạy dọc giữa các xương sườn liền kề và đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng và đóng lại của khung xương sườn khi hít thở. Nếu một hoặc nhiều cơ này bị căng dọc theo cột sống lưng, các dấu hiệu có thể bao gồm đau lưng, cứng lưng hoặc đau đớn dữ dội. Ngoài ra, việc hít thở cũng có thể gặp nhiều khó khăn, do căng cơ liên sườn gây ảnh hưởng đến quá trình mở rộng và co lại của khung xương sườn.
Nguyên nhân dẫn đến căng cơ liên sườn có thể bao gồm:
- Lạm dụng quá mức: Thực hiện nhiều hoạt động sử dụng đến các cơ liên sườn, chẳng hạn như người chèo thuyền, có thể khiến các cơ liên sườn căng quá mức hoặc xuất hiện các vết rách nhỏ. Điều này có thể dẫn đến đau lưng khó thở đột ngột hoặc sau một cử động nhỏ.
- Chấn thương trực tiếp: Một số chấn thương và va chạm, chẳng hạn như té ngã trực tiếp có thể gây ảnh hưởng đến xương sườn và các cơ liên sườn, dẫn đến đau đớn và khó thở.
Căng cơ liên sườn thường được cải thiện sau vài ngày và lành hoàn toàn trong vòng 6 – 8 tuần. Để kiểm soát cơn đau, người bệnh có thể chườm đá, chườm nóng hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Bác sĩ cũng khuyến cáo người bệnh nên thay đổi các hoạt động trong vài ngày để bảo vệ các cơ bị căng và tránh các tổn thương khác. Nếu cơn đau nghiêm trọng, dữ dội, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Tật gù cột sống nghiêm trọng
Cột sống ngực (lưng trên) khỏe mạnh thường hơi cong về phía trước. Trong phạm vi bình thường, độ cong này khoảng 20 – 50 độ. Tuy nhiên, nếu độ cong này lớn hơn 50 độ, tình trạng này được xem là gù cột sống lưng.
Tật gù cột sống có thể phát triển ở mọi lứa tuổi và tỷ lệ ảnh hưởng đến nam – nữ là như nhau. Nếu không được điều trị phù hợp, tật gù cột sống có thể phát triển, khiến độ cong ngày càng lớn và dẫn đến đau lưng khó thở hoặc một số dấu hiệu đặc trưng, chẳng hạn như:
- Người bệnh ở trong tư thế khom lưng về phía trước, có thể quan sát rõ rệt khi nhìn từ bên cạnh;
- Đau lưng từ nhẹ đến nặng;
- Mất độ cao tự nhiên;
- Gặp khó khăn khi đứng thẳng;
- Thường xuyên mệt mỏi.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, tật gù cột sống có thể gây chèn ép phổi, dẫn đến khó thở, đau tức ngực và chán ăn.
Thông thường tình trạng gù cột sống lưng được điều trị bằng các bài tập thể dục và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Nếu tình trạng bệnh đã phát triển dẫn đến khó thở nghiêm trọng, người bệnh có thể cần được phẫu thuật.
3. Béo phì
Thừa cân, béo phì có thể khiến các cơ ở lưng cần phải hoạt động nhiều hơn để hỗ trợ các hoạt động cơ bản hàng ngày. Béo phì cũng gây tích tụ nhiều mỡ thừa xung quanh ngực hoặc lưng, điều này có thể khiến người bệnh bị đau lưng khó thở hoặc đau đớn khi hít thở sâu.
Giảm cân và giảm lượng mỡ thừa ở ngực, lưng là cách tốt nhất để giảm áp lực cho lưng. Ngoài ra, người bệnh nên thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe và cải thiện các triệu chứng theo thời gian.
4. Viêm phổi
Viêm phổi là bệnh nhiễm trùng mãn tính ở phổi, thường phát triển sau khi người bệnh bị cúm hoặc cảm lạnh. Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này không nghiêm trọng và người bệnh có thể phục hồi hoàn toàn mà không dẫn đến bất cứ biến chứng nào. Tuy nhiên ở người lớn tuổi hoặc người có các bệnh lý khác, viêm phổi có thể dẫn đến nhiều bệnh lý và rủi ro không mong muốn.
Các dấu hiệu và triệu chứng viêm phổi có thể từ nhẹ đến trung bình, tùy thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như nhiễm trùng, độ tuổi của người bệnh và sức khỏe tổng thể. Cụ thể, các dấu hiệu bao gồm:
- Đau lưng trên và khó thở, đặc biệt là khi ho;
- Lú lẫn hoặc thay đổi nhận thức tâm thần (ở người từ 65 tuổi trở lên);
- Ho, có thể là có đờm hoặc không;
- Sốt, đổ mồ hôi và ớn lạnh;
- Nhiệt độ cơ thể thấp hơn bình thường;
- Buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy;
- Hụt hơi.
Các biện pháp điều trị viêm phổi phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Nếu viêm phổi do vi khuẩn, người bệnh có thể cần sử dụng kháng sinh để loại tình trạng nhiễm trùng. Đôi khi người bệnh có thể cần nhập viện để được chăm sóc sức khỏe và tránh các rủi ro liên quan.
5. Trào ngược dạ dày thực quản
Bệnh trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi axit dạ dày trào ngược lên thực quản. Điều này có thể dẫn đến đau ngực, ợ chua hoặc có vị chua trong miệng. Tuy nhiên, cơn đau có thể lan ra sau lưng, thường là ở giữa hai bả vai, đặc biệt là sau khi ăn. Ngoài ra, nếu acid dạ dày rò rỉ vào đường thở, điều này có thể dẫn đến khó thở, viêm phổi và ho mãn tính.
Tình trạng trào ngược dạ dày có thể được điều trị bằng thuốc kháng acid và thay đổi chế độ ăn uống phù hợp. Bên cạnh đó, các biện pháp khắc phục tại nhà, chẳng hạn như không nằm sau khi ăn và tránh các tác nhân tiềm ẩn, chẳng hạn như thực phẩm có tính acid, chocolate, cà phê và rượu có thể hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.
6. Lóc tách động mạch chủ
Động mạch chủ là mạch máu lớn thoát ra khỏi tim và giúp phân phối máu đi khắp cơ thể. Lóc tách động mạch chủ xảy ra khi động mạch chủ bị tổn thương và khiến máu rò rỉ vào động mạch chủ. Đây là một tình trạng hiếm gặp nhưng có thể dẫn đến đau lưng dữ dội, khó thở, đau ngực, suy nhược cơ thể và đổ nhiều mồ hôi.
Lóc tách động mạch chủ có thể gây đe dọa đến tính mạng và cần điều trị ngay lập tức. Do đó, nếu nhận thấy tình trạng đau lưng khó thở nghiêm trọng hoặc các dấu hiệu bất thường khác, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị phù hợp. Tùy thuộc vào vị trí lóc tách, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật khẩn cấp để tránh các rủi ro không mong muốn.
7. Ung thư phổi
Đau lưng khó thở không phải là dấu hiệu điển hình của ung thư phổi. Tuy nhiên, ung thư phổi có thể gây khó thở, đau ngực. Nếu ung thư di căn đến xương, tình trạng này có thể gây đau ở các bộ phận khác trong cơ thể, chẳng hạn như lưng hoặc hông.
Ung thư phổi là bệnh lý cần được điều trị bởi chuyên gia ung thư. Người bệnh có thể cần được phẫu thuật loại bỏ khối u, xạ trị hoặc hóa trị để tránh các rủi ro không mong muốn.
Đau lưng khó thở có nguy hiểm không?
Tình trạng đau lưng khó thở có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các nguyên nhân nghiêm trọng như ung thư phổi. Do đó, nếu các triệu chứng không được cải thiện trong vài ngày, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tình trạng đau lưng không được điều trị có thể dẫn đến đau mãn tính, tê, ngứa ran và ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của người bệnh. Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện và có kế hoạch chăm sóc y tế nếu xuất hiện các triệu chứng như:
- Đau lưng khó thở kèm đau ngực;
- Cơn đau lan đến cổ hoặc cánh tay (đặc biệt là cánh tay trái);
- Buồn nôn;
- Chóng mặt;
- Đổ mồ hôi không rõ lý do.
Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để tránh các rủi ro liên quan. Do đó, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ hoặc người có chuyên môn để được tư vấn phù hợp.
Đau lưng và khó thở phải làm sao?
Tình trạng đau lưng và khó thở có thể được điều trị tại nhà nếu nguyên nhân liên quan đến căng cơ hoặc lạm dụng quá mức. Tuy nhiên, trong trường hợp không xác định được nguyên nhân hoặc khi các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được điều trị y tế phù hợp.
1. Tự chăm sóc tại nhà
Các phương pháp tự chăm sóc và điều trị tình trạng đau lưng tại nhà thường được chỉ định cho các trường hợp nhẹ đến trung bình. Cụ thể các biện pháp phổ biến bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi và thay đổi hoạt động: Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn sau một số cử động, chẳng hạn như chèo thuyền hoặc làm việc nhà, người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi trong 1 – 2 ngày để cải thiện các triệu chứng. Sau thời gian nghỉ ngơi, người bệnh nên cố gắng quay trở lại hoạt động nhẹ nhàng. Nghỉ ngơi quá lâu có thể khiến các cơ lưng yếu đi và dẫn đến đau đớn nghiêm trọng hơn.
- Chườm đá và chườm nóng: Người bệnh có thể chườm đá trong vài ngày đầu sau khi nhận thấy các cơn đau và chườm nóng sau 48 giờ. Chườm đá và chườm nóng trong 20 phút mỗi lần và kiểm soát nhiệt độ phù hợp để tránh gây tổn thương mô.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể được chỉ định để giảm viêm trong cơ thể và ngăn các tín hiệu đau đến não. Các loại thuốc phổ biến thường được sử dụng bao gồm aspirin, ibuprofen, naproxen và acetaminophen. Mặc dù thuốc có thể được sử dụng mà không cần kê đơn của bác sĩ, tuy nhiên người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Xoa bóp: Xoa bóp và massage có thể giúp giảm đau lưng bằng cách giúp các cơ thư giãn và tăng cường lưu thông máu đến vùng đau. Người bệnh có thể tự massage tại nhà hoặc đến trung tâm massage chuyên nghiệp để được massage bởi chuyên gia.
2. Thay đổi hoạt động hàng ngày
Một số hoạt động và thói quen hàng ngày có thể làm tăng nguy cơ đau lưng khó thở. Do đó, thực hiện một số thay đổi thói quen có thể giúp giảm đau lưng và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Cụ thể để cải thiện tình trạng đau lưng khó thở, người bệnh có thể cần thay đổi một số hoạt động như:
- Thường xuyên tập thể dục và duy trì hoạt động thể chất: Thường xuyên đi bộ hoặc tham gia các môn thể thao không va chạm, rèn luyện sức mạnh và kéo căng có thể điều hòa lưng trên, giữa lưng khỏe mạnh, linh hoạt và duy trì chức năng lồng ngực.
- Giữ tư thế hoạt động tốt: Khi ngồi hoặc đứng, người bệnh cần giữ đầu ở tư thế trung lập để tránh gây tổn thương cho lưng và cổ. Các thay đổi đơn giản có thể bao gồm giữ cột sống thẳng khi ngồi, uốn cong đầu gối khi nâng vật nặng, mang balo bằng hai vai hoặc sử dụng đai cố định vai để tránh các chuyển động không muốn.
- Không hút thuốc: Nhiều nghiên cứu cho biết, hút thuốc có thể dẫn đến đau lưng mãn tính và khó thở. Ngoài ra, hút thuốc cũng làm tăng tốc độ thoái hóa cột sống, gây tổn thương đĩa đệm và dẫn đến nhiều vấn đề ở cột sống và lưng.
Ngoài ra, người bệnh có thể xây dựng lối sống lành mạnh, bao gồm ăn uống cân bằng, ngủ đủ giấc và kiểm soát căng thẳng để giảm nguy cơ đau lưng.
3. Điều trị khó thở
Tình trạng khó thở nghiêm trọng có thể gây mất y thức và ảnh hưởng đến đại não. Do đó, trong các trường hợp đau lưng khó thở nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng thuốc làm giảm co thắt hoặc viêm đường thở để giúp người bệnh thở dễ dàng hơn.
Nếu tình trạng đau lưng khó thở liên quan đến các điều kiện sức khỏe khác, chẳng hạn như đau tim hoặc bệnh phổi, bác sĩ có thể đề nghị các kiểm tra chuyên môn và đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.
Phòng ngừa đau lưng khó thở
Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân gây đau lưng khó thở, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế các nguy cơ với một số lưu ý, chẳng hạn như:
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh bằng kế hoạch ăn uống phù hợp và tập thể dục thường xuyên;
- Thay đổi chế độ ăn uống, thường xuyên bổ sung trái cây, rau xanh và protein lành mạnh để tăng cường sức khỏe tổng thể;
- Thường xuyên tập thể dục, bắt đầu từ các bài tập nhỏ và tăng cường độ dần dần để xây dựng sức chịu đựng của cơ thể;
- Hạn chế hút thuốc hoặc bỏ thuốc lá để tránh các vấn đề về cột sống và sức khỏe tổng thể.
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến tình trạng đau lưng khó thở. Trong nhiều trường hợp, người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng tại nhà và dành thời gian nghỉ ngơi để cơ lưng hồi phục. Tuy nhiên, điều quan trọng là người bệnh cần đến bệnh viện để xác định các nguyên nhân, đặc biệt là khi đau lưng khó thở nghiêm trọng hoặc không được cải thiện sau 2 – 3 ngày.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!