Đau Lưng Bên Trái Gần Eo
Đau lưng bên trái gần eo có thể là do tổn thương các mô mềm hoặc liên quan đến các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể, chẳng hạn như ruột kết hoặc thận. Xác định các nguyên nhân liên quan là cách tốt nhất để tránh các tổn thương nghiêm trọng.
Đau lưng bên trái (phải) gần eo là bệnh gì?
Đau lưng bên trái hoặc phải gần eo có thể do chấn thương cơ hoặc các vấn đề với một hoặc nhiều cơ quan nội tạng. Cụ thể, các nguyên nhân phổ biến có thể bao gồm:
1. Tổn thương mô mềm
Khi các cơ ở lưng dưới bị căng hoặc hoạt động quá mức có thể dẫn đến bong gân hoặc tổn thương dây chằng. Điều này có thể dẫn đến viêm, co thắt cơ và dẫn đến đau đớn ở lưng.
Các tổn thương nhẹ có thể được điều trị bằng các biện pháp tự chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi;
- Chườm đá;
- Băng nén thắt lưng;
- Sử dụng thuốc giảm đau.
Nếu các tổn thương nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
2. Tổn thương cột sống
Đau lưng bên trái gần eo có thể là dấu hiệu của tình trạng tổn thương cột sống, chẳng hạn như:
- Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng: Tình trạng này xảy ra khi phần nhân mềm bên trong đĩa đệm thoát ra ngoài, dẫn đến chèn ép dây thần kinh cột sống, gây tê và đau dọc theo dây thần kinh cột sống. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để loại bỏ hoặc điều trị các đĩa đệm bị ảnh hưởng.
- Viêm xương khớp: Viêm xương khớp là bệnh thoái hóa khớp xảy ra khi sụn khớp bị hao mòn hoặc tổn thương theo thời gian. Khi thoái hóa xảy ra ở sụn cột sống thắt lưng có thể dẫn đến các cơn đau lưng gần eo. Các triệu chứng khác bao gồm đau khớp, cứng khớp và hạn chế phạm vi chuyển động của khớp.
- Rối loạn chức năng khớp xương cùng: Đau lưng bên trái gần eo có thể là dấu hiệu rối loạn hoặc viêm xương cùng. Cơn đau này có thể lan đến mông và một hoặc cả hai chân.
3. Sỏi thận
Đau lưng dưới bên trái gần eo có thể là dấu hiệu khi sỏi di chuyển bên trong thận trái hoặc đi qua niệu quản, các ống mỏng nối thận với bàng quang. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau đớn dữ dội, đau nhói ở lưng và dưới xương sườn;
- Đau lan xuống bụng và háng;
- Nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc nâu;
- Nước tiểu có màu đục và có mùi hôi;
- Có nhu cầu đi tiểu thường xuyên hoặc với số lượng ít hơn;
- Buồn nôn và nôn;
- Sốt, ớn lạnh.
Sỏi thận có thể dẫn đến các cơn đau đớn dữ dội, tuy nhiên sỏi thường hiếm khi dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn nếu được phát hiện kịp thời. Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau và uống nhiều nước để loại bỏ sỏi. Trong các trường hợp cần thiết, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
4. Nhiễm trùng thận
Nhiễm trùng thận trái có thể dẫn đến đau lưng bên trái gần eo và nhiễm trùng thận phải sẽ dẫn đến đau đớn ở lưng phải. Cơn đau có thể âm ỉ hoặc dữ dội.
Nhiễm trùng thận thường bắt đầu ở đường tiết niệu và bàng quang, từ đó lan đến thận, dẫn đến viêm và đau cục bộ ở thận. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Sốt;
- Ớn lạnh;
- Đau lưng, hông hoặc bẹn;
- Đi tiểu thường xuyên’
- Có cảm giác nóng rát hoặc đau khi đi tiểu;
- Buồn nôn và nôn;
- Có mủ hoặc máu trong nước tiểu;
- Nước tiểu có mùi hôi hoặc đục.
Nhiễm trùng thận cần được điều trị y tế kịp thời và đúng cách. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể làm hỏng thận vĩnh viễn hoặc khiến vi khuẩn lan vào máu và đe dọa đến tính mạng. Điều trị thường bao gồm thuốc kháng sinh hoặc nhập viện theo dõi chuyên môn.
5. Rối loạn phụ khoa
Tình trạng đau lưng bên trái gần eo ở nữ giới có thể là dấu hiệu rối loạn phụ khoa. Các triệu chứng khác có thể bao gồm đau bụng, mệt mỏi và đau đớn dữ dội khi hành kinh.
Một số tình trạng phụ khoa có thể dẫn đến đau lưng bên trái gần eo bao gồm:
- Lạc nội mạc tử cung thường dẫn đến các cơn đau lẻ tẻ, sắc và như dao cắt vào da;
- U xơ tử cung có thể dẫn đến đau lưng dưới bên trái, kinh nguyệt bất thường, đi tiểu thường xuyên và đau khi quan hệ tình dục. Hầu hết các trường hợp u xơ tử cung đều lành tính và không gây ảnh hưởng đến tính mạng.
6. Viêm đại tràng
Bệnh viêm ruột, viêm loét đại tràng được biểu hiện bằng tình trạng viêm dai dẳng ở ruột già, hay còn gọi là đại tràng. Viêm thường dẫn đến các vấn đề tiêu hóa mãn tính, chẳng hạn như tiêu chảy, đau trực tràng và giảm cân. Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng phổ biến, chẳng hạn như đau quặn bụng, đau lưng bên trái gần eo hoặc đau bụng ở một hoặc hai bên cơ thể.
Viêm loét đại tràng có thể gây suy nhược cơ thể và dẫn đến các biến chứng đe dọa đến tính mạng của người bệnh. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để kiểm tra các triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.
7. Thai kỳ
Đau lưng bên trái hoặc phải gần eo có thể phát triển trong thai kỳ, khi thai nhi phát triển và cơ thể người mẹ thay đổi để thích nghi. Cơn đau có thể thay đổi từ âm ỉ, liên tục hoặc đau nhói.
Đau lưng khi mang thai ảnh hưởng đến 50% các trường hợp, và có một số đặc trưng, chẳng hạn như:
- Đau ở nhiều cường độ khác nhau, bắt đầu hoặc bùng phát sau một số cử động hoạt động, chẳng hạn như ngồi, đứng, đi bộ, nâng vật nặng, quan hệ tình dục hoặc khi cúi người;
- Rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là khi trở người trên giường;
- Hạn chế phạm vi chuyển động ở lưng dưới;
- Thay đổi với khả năng cân bằng và dáng đi bộ.
Đau lưng khi mang thai là tình trạng phổ biến và có thể tự cải thiện sau khi người bệnh sinh con. Bên cạnh đó, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp cải thiện tại nhà, chẳng hạn như tập thể dục, giãn cơ và dành thời gian nghỉ ngơi.
Tình trạng đau lưng bên trái gần eo cần được đánh giá bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các rủi ro không mong muốn. Bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như chụp X – quang hoặc CT để có biện pháp điều trị phù hợp.
Cách điều trị tình trạng đau lưng bên trái gần eo
Có nhiều phương pháp điều trị cho tình trạng đau thắt lưng bên trái gần eo phù hợp với tình trạng của mỗi bệnh nhân. Điều trị bao gồm chăm sóc tại nhà, sử dụng thuốc giảm đau hoặc phẫu thuật khi cần thiết.
Tùy thuộc vào nguyên nhân và chẩn đoán, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị, chẳng hạn như:
1. Tự chăm sóc tại nhà
Cơn đau lưng bên trái gần eo nhẹ đến trung bình có thể được cải thiện bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Nhiều cơn đau lưng có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi phù hợp trong 1 – 2 ngày. Người bệnh không nên nghỉ ngơi kéo dài, bởi vì điều này có thể gây yếu cơ và khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thay đổi hoạt động hàng ngày: Để cải thiện cơn đau lưng, người bệnh nên tránh các hoạt động và tư thế khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn. Nếu cần duy trì một tư thế trong thời gian dài, người bên nên dành thời gian vận động hoặc kéo giãn các cơ sau mỗi 60 phút.
- Chườm nóng: Hơi nóng có thể hỗ trợ thư giãn các cơ và cải thiện lưu thông máu. Lưu lượng máu tăng lên có thể mang các chất dinh dưỡng và oxy để chữa lành các cơ và cải thiện cơn đau.
- Chườm lạnh: Nếu tình trạng đau lưng bên trái gần éo liên quan đến viêm trong cơ thể, người bệnh có thể chườm lạnh để giảm sưng, chống viêm và cải thiện cơn đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau: Các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như aspirin, ibuprofen, naproxen và acetaminophen, có thể giảm đau, chống viêm và cải thiện các cơn đau liên quan đến thần kinh cơ.
Các phương pháp tự chăm sóc tại nhà có thể mang lại hiệu quả tương đối tốt, tuy nhiên người bệnh nên áp dụng phương pháp cẩn thận để tránh gây tổn thương da. Ngoài ra, các loại thuốc có thể có tác dụng phụ và những rủi ro không mong muốn khác. Do đó, người bệnh nên sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc không đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
2. Điều trị y tế không phẫu thuật
Mục tiêu của các biện pháp điều trị y tế là để giảm đau nhưng không thể điều trị được nguồn gốc của cơn đau. Thông thường, bác sĩ sẽ kê các đơn thuốc kết hợp với chương trình vật lý trị liệu để tăng cường chức năng ở lưng.
Các phương pháp điều trị không kê đơn, bao gồm:
- Thuốc giãn cơ: Các loại thuốc này hoạt động như một chất ức chế thần kinh trung ương và tăng khả năng vận động của các cơ bị căng, giảm đau và giảm cơ thắt cơ.
- Thuốc giảm đau theo toa: Các loại thuốc giảm đau theo toa có thể gây nghiện và được chỉ định cho các cơn đau dữ dội. Thuốc được sử dụng trong một thời gian ngắn và theo chỉ định của bác sĩ để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
- Nẹp lưng: Một số bệnh nhân bị đau lưng bên trái dưới eo nghiêm trọng có thể được đề nghị nẹp thắt lưng để giảm đau và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
- Tiêm steroid ngoài màng cứng: Bác sĩ có thể tiêm thuốc trực tiếp vào phần bên ngoài của màng cứng, bao quanh tủy sống để cải thiện các cơn đau. Việc tiêm thuốc được thực hiện dưới sự hướng dẫn của tia X để đảm bảo tính chính xác xung quanh rễ thần kinh bị nén.
Các phương pháp điều trị nội khoa thường sử dụng kết hợp với các phương pháp khác, chẳng hạn như tiêm steroid được sử dụng trong một thời gian ngắn để người bệnh tiến hành vật lý trị liệu.
3. Phẫu thuật
Phẫu thuật điều trị đau lưng bên trái dưới eo có thể được đề nghị khi cơn đau kéo dài từ 6 – 12 tuần. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp đau lưng đều không cần phẫu thuật và đáp ứng tốt các biện pháp điều trị bảo tồn.
Tuy nhiên trước khi tiến hành phẫu thuật, có một số yếu tố cần xem xét, chẳng hạn như:
- Khả năng hoạt động: Phẫu thuật có thể được đề nghị nếu cơn đau lưng gây ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày;
- Loại phẫu thuật: Có một số loại phẫu thuật ít xâm lấn và có thời gian hồi phục nhanh hơn so với các phẫu thuật khác. Do đó, trước khi tiến hành phẫu thuật, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phẫu thuật điều trị đau lưng có thể dẫn đến nhiều rủi ro không mong muốn và có thời gian hồi phục lâu. Do đó người bệnh cần có sự chuẩn bị phù hợp để chăm sóc sau phẫu thuật.
Đau lưng bên trái gần eo là tình trạng liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các nguyên nhân liên quan đến cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau, cơn đau có thể được điều trị bằng các biện pháp tại nhà hoặc điều trị y tế. Điều quan trọng là xác định được nguyên nhân để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm: 10 cách trị đau lưng cho người già hiệu quả nhất
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!