Đau Khớp Ngón Tay
Đau khớp ngón tay là tình trạng phổ biến xảy ra do nhiều nguyên nhân, bao gồm cả bệnh lý. Cần xác định rõ để có biện pháp khắc phục kịp thời. Việc thăm khám và điều trị y tế là cần thiết trong rất nhiều trường hợp.
Đau khớp ngón tay là dấu hiệu bệnh gì?
Đau khớp ngón tay đề cập đến cảm giác đau nhói, chuột rút hay đau nhức ở bất cứ khớp ngón tay nào, bao gồm cả ngón tay cái. Nó có thể là kết quả của một tai nạn hay một tình trạng y tế.
Các dấu hiệu thường gặp có thể bao gồm:
- Đau kèm theo sưng
- Đau nhói hay đau khi cử động
- Đau tại chỗ bị thương
- Đau kèm theo cục
- Đau âm ỉ hoặc dai dẳng kéo dài
Cơn đau thường có xu hướng tồi tệ hơn khi chuyển động khớp hoặc ấn vào. Tình trạng này ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động thường ngày của một người.
Trong hầu hết các trường hợp, đau khớp ngón tay thường không nghiêm trọng và có xu hướng tự hết. Tuy nhiên đây có thể là dấu hiệu cải báo một bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến gây đau khớp ngón tay:
1. Chấn thương
Chấn thương ngón tay là một trong những tình trạng xảy ra phổ biến. Đặc biệt là ở các vận động viên hay những người phải làm việc với máy móc nặng. Nguyên nhân phổ biến của chấn thương ngón tay có thể bao gồm:
- Bong gân: Đề cập đến tình trạng dây chằng bị kéo căng hoặc bị rách.
- Căng thẳng: Xảy ra khi cơ hay gân bị kéo căng quá mức.
- Trật khớp ngón tay: Xương ngón tay bị ép ra khỏi khớp của nó.
- Gãy xương: Đề cập đến tình trạng xương ngón tay bị gãy.
Lựa chọn điều trị phụ thuộc vào từng loại chấn thương. Trường hợp bong gân nhẹ hay căng cơ thì phương pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao) có thể đáp ứng. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu dùng thuốc giảm đau không kê toa. Đối với các chấn thương nghiêm trọng như trật khớp hay gãy xương thì can thiệp y tế là cần thiết.
2. Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay có thể ảnh hưởng tới dây thần kinh giữa, kéo dài từ cẳng tay, qua ống cổ tay và vào lòng bàn tay. Tình trạng này có thể gây đau hay tê ở các ngón tay và bàn tay nếu dây thần kinh giữa bị nén bên trong ống cổ tay.
Hội chứng ống cổ tay có thể phát triển khi có chấn thương ở cổ tay hay bàn tay. Ngoài ra các cử động lặp đi lặp lại, ví dụ như đánh máy cũng có thể gây kích thích các dây chằng và hình thành hội chứng ống cổ tay. Ở một số người, nguyên nhân gây ra tình trạng này vẫn chưa được xác định.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà sẽ có giải pháp điều trị phù hợp. Có thể bao gồm:
- Đeo nẹp
- Tránh một số hoạt động nhất định
- Dùng thuốc giảm đau theo toa hay thuốc chống viêm không steroid
- Tiêm steroid
- Vật lý trị liệu
3. Viêm gân và viêm bao gân
Gân là thuật ngữ mô tả dây mô collagen gắn cơ với xương. Viêm gân và viêm bao gân chính là hai vấn đề phổ biến ảnh hưởng tới gân.
- Viêm gân: Xảy ra khi gân bị viêm nhiễm. Tình trạng này có thể dẫn tới sưng tấy, đau nhức, khó chịu và làm giảm chức năng vận động.
- Viêm bao gân: Đề cập đến tình trạng viêm xảy ra ở lớp màng mỏng bao quanh gân. Nó có thể dẫn tới đau khớp, sưng viêm và cứng khớp.
Liệu pháp RICE (nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao) có thể đáp ứng với các trường hợp bị viêm gân nhẹ. Còn ở những người có các triệu chứng nghiêm trọng hay dai dẳng, bác sĩ có thể yêu cầu:
- Tiêm corticosteroid để giảm sưng
- Vật lý trị liệu
- Phẫu thuật khi cần thiết
4. Viêm xương khớp
Viêm xương khớp là thuật ngữ chung đề cập đến các tình trạng dẫn tới viêm, sưng, đau và cứng khớp. Có hai loại viêm khớp phổ biến bao gồm thoái hóa khớp và viêm khớp dạng thấp.
- Thoái hóa khớp: Liên quan đến tình trạng mất sụn (mô lót các khớp). Dạng viêm khớp phổ biến này thường gặp ở những người trên 50 tuổi.
- Viêm khớp dạng thấp: Đây là một tình trạng viêm mãn tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh.
Ngoài ra còn có các loại viêm xương khớp khác. Bao gồm viêm khớp vị thành niên, viêm khớp vảy nến, lupus, bệnh gout, bệnh Raynaud, loãng xương…
Các triệu chứng của viêm xương khớp có thể bao gồm:
- Đau và sưng khớp
- Cứng khớp kéo dài khoảng 30 phút, nhất là vào buổi sáng
- Khó đi, ngồi hay đứng lên
- Mất khả năng vận động ở các khớp nhỏ
- Khó thực hiện một số động tác thường ngày
Mục tiêu điều trị viêm khớp là giảm đau, cải thiện khả năng vận động của khớp và làm chậm tiến triển của bệnh. Lựa chọn điều trị có thể bao gồm:
- Thuốc điều chỉnh ức chế phản ứng miễn dịch
- Thuốc giảm đau uống hay bôi
- NSAID hoặc corticosteroid để giảm viêm
- Vật lý trị liệu
- Phẫu thuật
- Dùng các thiết bị hỗ trợ
- Thay đổi lối sống
5. U nang hoạt dịch
Nang hoạt dịch là thuật ngữ dùng để mô tả các u chứa chất lỏng có xu hướng phát triển ở mặt sau cổ tay và phần cuối của các khớp ngón tay. Khi chạm vào có thể cảm thấy các khối u này mềm hoặc cứng. Chúng thường vô hại nhưng trong một số trường hợp có thể gây đau hoặc yếu.
Nguyên nhân chính xác của u nang hoạt dịch đến nay vẫn chưa được biết. Tuy nhiên các nhà nghiên cứu cho rằng, chúng có thể phát triển từ các chấn thương mô liên kết. Hoặc hình thành do các tình trạng mãn tính ảnh hưởng tới khớp.
U nang hoạt dịch thường tự khỏi mà không cần phải can thiệp y tế. Tuy nhiên nếu các khối u gây đau và ảnh hưởng tới vận động, bác sĩ có thể cân nhắc dẫn lưu hoặc phẫu thuật cắt bỏ tùy thuộc vào vị trí của chúng.
6. Bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt có thể dẫn tới các biến chứng xương khớp khác nhau gây ảnh hưởng tới các khớp ngón tay. Chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay, bệnh thần kinh tiểu đường hay chứng co cứng Dupuytren.
- Chứng co cứng Dupuytren: Đề cập tới sự dày lên của các mô liên kết trong lòng bàn tay. Theo thời gian, các dải mô liên kết sẽ trở nên ngắn hơn. Điều này khiến cho các ngón tay cong về phía lòng bàn tay. Từ đó gây đau nhức, khó chịu, xuất hiện nốt sần, khó thực hiện các chuyển động tốt.
- Bệnh thần kinh tiểu đường: Đề cập đến tổn thương dây thần kinh phát triển ở bệnh nhân tiểu đường. Bệnh có thể ảnh hưởng tới các dây thần kinh ở cánh tay, bàn tay và ngón tay. Điều này gây ra cảm giác nóng rát, ngứa ran, tê hay yếu.
Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Đối với chứng co cứng Dupuytren có thể là tiêm corticosteroid, thuốc giảm đau và vật lý trị liệu. Còn với bệnh tiểu đường thường là dùng thuốc giảm đau thần kinh, thuốc mỡ lidocain hoặc miếng dán, vật lý trị liệu.
7. Khối u
Mặc dù hiếm gặp nhưng các khối u vẫn có thể phát triển trong mô mềm, xương, gân hay dây chằng của ngón tay. Một khối u xuất hiện trong hay gần khớp ngón tay có thể gây đau, cứng và giảm vận động.
Trường hợp khối u là ung thư có thể gặp phải các triệu chứng sau:
- Đau xương thoáng qua
- Sưng và đau tại vị trí ảnh hưởng
- Xương yếu, có thể dẫn tới gãy xương
- Mệt mỏi
- Giảm cân ngoài ý muốn
Các khối u lành tính, không phải ung thư không nhất thiết phải điều trị y tế. Đặc biệt là trong trường hợp không bị đau hay thay đổi khả năng vận động thì người bệnh có thể sống an toàn với khối u.
Trường hợp khối u ở khớp ngón tay là ung thư thì bác sĩ thường khuyên cắt bỏ. Nếu khối u bắt nguồn từ ung thư xương thì bác sĩ có thể yêu cầu phẫu thuật, xạ trị hay hóa trị liệu.
Ngoài ra, ung thư mô mềm cũng có thể gây ra khối u ở khớp ngón tay. Việc điều trị với các trường hợp này thường liên quan tới một số hình thức phẫu thuật.
Chẩn đoán bệnh gây đau khớp ngón tay
Chẩn đoán các bệnh lý gây đau khớp ngón tay cần dựa vào thăm khám lâm sàng và kết quả của các xét nghiệm cần thiết. Nếu bạn có một vết cắt hay khối u mọc trên ngón tay thì bác sĩ có thể chẩn đoán tình trạng bệnh chỉ cần dựa vào khám sức khỏe.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, biểu hiện và dấu hiệu có thể không rõ ràng. Bác sĩ cần tìm kiếm thêm các thông tin để xác định chẩn đoán. Có thể bao gồm:
- Hỏi về tiền sử bệnh
- Kiểm tra loại thuốc bạn đang dùng
- Hỏi về biểu hiện triệu chứng
- Hỏi về nghề nghiệp của bạn
Bác sĩ sẽ sử dụng các thông tin này để quyết định xét nghiệm nào là cần thiết để đưa ra chẩn đoán chính xác. Xét nghiệm máu và xét nghiệm hình ảnh thường được dùng để chẩn đoán nguyên nhân gây đau khớp ngón tay.
Trong đó, chụp X-quang là phương pháp được dùng phổ biến. Hình ảnh X-quang giúp bác sĩ quan sát thất bất kỳ vết gãy hay sự phát triển bất thường nào trong xương ngón tay.
Trường hợp chụp X-quang không đủ để xác định chẩn đoán thì bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh bổ sung. Cụ thể như chụp CT – Scan hoặc MRI. Đôi khi một nghiên cứu thần kinh cũng rất cần thiết để tìm kiếm tổn thương hay rối loạn chức năng thần kinh.
Cách điều trị chứng đau khớp ngón tay
Lựa chọn điều trị đau khớp ngón tay cần căn cứ vào nhiều yếu tố liên quan. Điển hình như mức độ đau, triệu chứng đi kèm và nguyên nhân gây đau. Một số trường hợp, điều trị tại nhà có thể đáp ứng. Tuy nhiên đôi khi cần can thiệp y tế để khắc phục triệu chứng và ngăn ngừa các vấn đề rủi ro phát sinh.
1. Giải pháp tại nhà
Với các trường hợp bị căng cơ hay bong gân thì bạn có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên nếu bị sưng hoặc đau quá mức thì việc thăm khám bác sĩ vẫn là cần thiết.
Nếu cơn đau ở khớp ngón tay kích hoạt ở mức độ từ nhẹ tới trung bình, bạn có thể thử nghiệm các biện pháp khắc phục tại nhà. Mục đích là để làm giảm đau và thúc đẩy các tổn thương chóng lành.
Điều trị tại nhà có thể bao gồm:
- Dành thời gian để các khớp ngón tay được nghỉ ngơi. Nếu tiếp tục hoạt động, các triệu chứng có thể trở nên tồi tệ hơn.
- Chườm đá lên tổn thương để làm giảm đau và sưng. Nhiệt độ thấp sẽ giúp hạn chế cấp máu và làm tê liệt tạm thời các rễ dây thần kinh cảm giác.
- Sử dụng một số loại thuốc giảm đau không kê toa (OTC). Điển hình như acetaminophen hay ibuprofen.
- Dùng kem hay thuốc mỡ giảm đau tại chỗ.
- Dùng kem hay thuốc mỡ chống phản ứng với tinh dầu bạc hà hay capsaicin.
- Băng ngón tay bị tổn thương vào ngón tay khỏe mạnh để hỗ trợ tốt hơn.
- Tập một số bài tập tác động thấp cho các khớp ngón tay. Ví dụ như co – duỗi, nắm – buông hay thực hiện bài tập với dây thun.
2. Điều trị y tế
Trong một số trường hợp, các giải pháp tại nhà có thể không đáp ứng tốt. Hãy chủ động thăm khám bác sĩ khi:
- Cơn đau trở nên dữ dội, kéo dài hoặc tồi tệ hơn
- Tê hoặc ngứa ran
- Không có khả năng duỗi thẳng hay uốn cong các khớp ngón tay
- Sốt
- Cơn đau không dứt sau khoảng 1 – 2 tuần điều trị tại nhà
Lúc này bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám và chẩn đoán nguyên nhân gây đau. Tùy thuộc vào vấn đề nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng sẽ có biện pháp điều trị phù hợp.
Điều trị y tế cho đau khớp ngón tay có thể bao gồm:
– Sử dụng thuốc:
Dùng thuốc được cho là giải pháp điều trị chính với các trường hợp bị đau nhức khớp ngón tay. Tùy thuộc vào biểu hiện và mức độ nghiêm trọng của triệu chứng mà bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc phù hợp.
Các loại thuốc được dùng phổ biến bao gồm:
- Thuốc bôi tại chỗ
- Thuốc giảm đau thông thường
- Thuốc chống viêm không steroid
- Thuốc giảm đau thần kinh
- Thuốc giãn cơ
- Tiêm corticosteroid
Ngoài ra, tùy thuộc vào bệnh lý nguyên nhân mà bác sĩ sẽ kê toa một số loại thuốc khác. Người bệnh cần dùng thuốc đúng liều lượng và tần suất theo chỉ dẫn từ bác sĩ. Tuyệt đối không cân chỉnh lại liều dùng hay thay đổi kế hoạch điều trị bằng thuốc khi bác sĩ chưa cho phép.
– Vật lý trị liệu:
Các phương pháp vật lý trị liệu có thể hữu ích với các trường hợp bị đau nhức khớp ngón tay. Đây là những giải pháp không xâm lấn an toàn, có thể hỗ trợ tốt cho các giải pháp điều trị chính.
Bác sĩ có thể cân nhắc yêu cầu một số liệu pháp sau:
- Sóng ngắn trị liệu
- Châm cứu
- Massage trị liệu
- Tác dụng nhiệt
- Vận động trị liệu
– Can thiệp phẫu thuật:
Đa phần các trường hợp bị đau khớp ngón tay có thể đáp ứng với điều trị bảo tồn. Tuy nhiên vẫn có một số trường hợp, tình trạng đau nhức tiến triển nghiêm trọng, cản trở vận động. Hoặc khớp ngón tay có nguy cơ bị phá hủy hay có sự xuất hiện của các khối u, bác sĩ có thể cân nhắc yêu cầu phẫu thuật.
Các phẫu thuật được thực hiện với mục đích sửa chữa khớp, thay khớp hay hợp nhất khớp. Bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng tiềm ẩn các vấn đề rủi ro. Do đó cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi thực hiện.
Phòng ngừa tình trạng đau khớp ngón tay
Bạn hoàn có thể ngăn ngừa hoặc làm giảm tần suất xuất hiện của tình trạng đau khớp ngón tay. Cách tốt nhất là nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng ngừa. Bao gồm:
- Thường xuyên dành thời gian nghỉ giải lao khi thực hiện các chuyển động tay lặp đi lặp lại nhiều lần.
- Khi chơi các môn thể thao tiếp xúc nên trang bị đồ bảo hộ thích hợp.
- Nếu gặp phải các tình trạng sức khỏe mãn tính, hãy nghiêm túc tuân thủ các khuyến nghị điều trị từ bác sĩ chuyên khoa.
- Xây dựng và duy trì chế độ ăn uống cân bằng. Đồng thời kiểm soát trọng lượng cơ thể khỏe mạnh.
- Kiểm soát tốt lượng đường trong máu.
- Thường xuyên dành thời gian cho việc hoạt động thể chất. Đặc biệt chú ý đến các bài tập dành cho cánh tay, bàn tay và các ngón tay.
Không nên chủ quan khi thường xuyên bị đau khớp ngón tay. Nếu cơn đau kéo dài, dữ dội và không đáp ứng các giải pháp khắc phục tại nhà hãy sớm thăm khám bác sĩ. Can thiệp y tế là cần thiết để xác định và điều trị triệt để căn nguyên gây đau.
Tham khảo thêm: Lá lốt chữa đau nhức xương khớp – Mẹo hay dân gian
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!