Đau Hạ Sườn Trái

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau hạ sườn trái thường là biểu hiện của nhiều bệnh lý như đau dây thần kinh liên sườn, viêm dạ dày – đại tràng, hội chứng ruột kích thích… Một số trường hợp khác bị đau sau chấn thương. Tùy thuộc vào nguyên nhân, cơn đau có thể thắt chặt và nặng nề hoặc đau âm ỉ. Đau có thể đột ngột hoặc bắt đầu từ từ.

Đau hạ sườn trái
Đau hạ sườn trái thường do chấn thương vùng xương sườn và tổn thương các cơ quan cận kề như thận, phổi, lá lách…

Tình trạng đau hạ sườn trái

Khung xương sườn gồm 24 xương sườn. Trong đó 12 xương sườn bên phải và 12 xương sườn bên trái của cơ thể. Sự kết nối của chúng tạo ra lồng ngực, giúp các cơ quan nằm bên trong được bảo vệ.

Các cơ quan ở phía bên trái gồm tim, lá lách, phổi trái, tuyến tụy, thận trái và dạ dày. Khi có vấn đề xảy ra ở bất kỳ cơ quan nào (như viêm, nhiễm trùng, tổn thương do chấn thương…), cơn đau có thể bắt đầu ở bên dưới và lan tỏa xung quanh khung xương sườn bên trái. Tuy nhiên đau hạ sườn bên trái thường không phải là dấu hiệu của đau tim.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân bị đau hạ sườn bên trái do chấn thương hoặc do tổn thương dây thần kinh liên sườn. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương của cơ quan mà người bệnh có thể bị đau như dao gâm, thắt chặt và nặng nề; đau đột ngột. Hoặc đau âm ỉ, thoáng qua trong thời gian đầu và tăng dần mức độ nghiêm trọng theo thời gian.

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân bị đau hạ sườn trái do một tình trạng lành tính, có thể dễ dàng khắc phục bằng thuốc và nhiều biện pháp khác.

Đau hạ sườn trái là bệnh gì?

Đau hạ sườn bên trái thường bắt đầu từ những nguyên nhân dưới đây:

1. Đau dây thần kinh liên sườn

Nếu cơn đau bắt đầu từ một điểm, sau đó lan rộng theo khung xương sườn, người bệnh có nhiều khả năng bị đau dây thần kinh liên sườn. Đây là một bệnh ý thường gặp, thể hiện cho tổn thương ở dây thần kinh liên sườn (nhóm dây thần kinh di chuyển từ đoạn tủy ngực D1 – D12 và phân nhánh sau khi qua lỗ ghép).

Tổn thương dây thần kinh liên sườn làm phát sinh một cơn đau nhức nghiêm trọng ở một điểm nhất định, sau đó dọc theo khung xương sườn và bụng. Cơn đau thường nhói, giật và thắt chặt. Đau tăng lên khi vận động hoặc ho/ cười/ hắt hơi. Có thể kèm theo cảm giác ngứa ran, tê, yếu (biểu hiện thường thấy do tổn thương dây thần kinh).

Khi bị đau hạ sườn bên trái do đau dây thần kinh liên sườn, người bệnh không cần quá lo lắng. Có thể dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để khắc phục tình trạng.

Đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn là một trong những nguyên nhân gây đau hạ sườn bên trái

2. Hội chứng ruột kích thích

Hội chứng ruột kích thích (viêm đại tràng co thắt) có thể là nguyên nhân gây đau hạ sườn trái. Đây là thuật ngữ chỉ những rối loạn chức năng của đại tràng. Bệnh khiến các triệu chứng tái đi tái lại nhiều lần nhưng không tìm thấy bất kỳ tổn thương thực thể nào khi thăm khám hay làm xét nghiệm.

Đối với trường hợp này, bệnh nhân bị đau hạ sườn trái thường có cảm giác đau nhói trong thời gian ngắn. Ngoài ra hội chứng ruột kích thích còn gây ra nhiều biểu hiện khó chịu khác như:

  • Tức bụng
  • Đầy hơi
  • Tiêu chảy
  • Táo bón

Sau khi đi đại tiện xong các biểu hiện có thể thuyên giảm đáng kể.

3. Viêm dạ dày – đại tràng

Đau hạ sườn trái thường xảy ra khi bạn bị viêm dạ dày – đại tràng. Đối với trường hợp này, người bệnh thường đau nhói ở một điểm bên trái. Ít lâu sau, cơn đau lan sang những khung vực xung quanh kèm theo nhiều triệu chứng nghiêm trọng khác, cụ thể:

  • Đầy bụng, khó tiêu
  • Buồn nôn
  • Ợ chua
  • Đau bụng
  • Sút cân không rõ nguyên nhân
  • Đại tiện có phân thay đổi thường xuyên, lúc rắn lúc nát. Đôi khi có chất nhầy hoặc máu lẫn trong phân
  • Thường xuyên có cảm giác mót đại tiện, ngay cả khi vừa đi xong.

Nếu bị đau hạ sườn do viêm dạ dày – đại tràng, người bệnh cần thăm khám và có biện pháp chữa trị kịp thời . Bởi tình trạng viêm kéo dài có thể gây xuất huyết dạ dày, loét dạ dày, thủng dạ dày và ung thư dạ dày.

Viêm dạ dày - đại tràng
Viêm dạ dày – đại tràng khiến người bệnh bị đau nhói ở một điểm bên trái kèm theo buồn nôn, đầy bụng, khó tiêu

4. Viêm tụy

Viêm tụy có thể tạo ra cảm giác đau đớn nghiêm trọng ở hạ sườn trái. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng viêm ở tuyến tụy (tuyến phẳng dài ẩn phía sau dạ dày ngay tại vùng bụng trên). Tùy thuộc vào thời gian khởi phát, bệnh lý này có thể là viêm cấp hay mạn tính.

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết viêm tuyến tụy:

  • Đau ở dưới vùng bụng phía bên trái (đau hạ sườn trái). Cơn đau có thể lan ra sau lưng
  • Có cảm giác sưng ở bụng bên trái
  • Buồn nôn
  • Sốt
  • Nhịp tim nhanh bất thường.

5. Sỏi thận

Đau hạ sườn trái có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh sỏi thận. Sự lắng đọng của những chất khoáng diễn ra trong thận, niệu quản, bàng quang… khiến một hoặc nhiều sỏi phát triển. Tình trạng này xảy ra khi nồng độ các chất khoáng (thường là calci) trong nước tiểu tăng cao hay lượng nước tiểu quá ít.

Sỏi thận trái khiến người bệnh thườn xuyên bị đau ở vùng hạ sườn bên trái. Cơn đau thường lan rộng ra sau lưng và bụng, đau nhiều khi đi tiểu, tiểu ra máu. Bệnh nhân bị sỏi thận cần sớm thăm khám và tiến hành điều trị. Bởi sỏi phát triển lâu ngày có thể gây suy thận, hư thận, viêm đường tiết niệu và thận ứ nước, đôi khi mất chức năng thận.

Sỏi thận
Sỏi thận trái thường do sự lắng đọng của những chất khoáng diễn ra trong thận, niệu quản, bàng quang…

6. Nhiễm trùng thận trái

Đau ở vùng bụng trên bên trái hay đau hạ sườn bên trái là một trong những triệu chứng của nhiễm trùng thận (viêm đài bể thận). Tình trạng này xảy ra khi đường tiểu dưới bị nhiễm trùng, vi khuẩn phát triển và di chuyển theo đường tiểu khiến thận bị nhiễm trùng.

Đau hạ sườn bên trái do nhiễm trùng thận trái thường kèm theo những biểu hiệu dưới đây:

  • Đau khi đi tiểu
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Sốt
  • Đau lưng và đau ở háng
  • Nôn hoặc buồn nôn

7. Chấn thương vùng xương sườn

Đau hạ sườn có thể xảy ra sau một chấn thương, điển hình như va đập, té ngã, một cú đánh mạnh, tai nạn… Tùy thuộc vào lực tác động, người bệnh có thể bị chấn thương nhẹ hoặc bị gãy xương sườn.

Đối với trường hợp nhẹ, cơn đau có thể khu trú kèm theo vết bầm nhỏ, thường nhanh chóng thuyên giảm sau khi chườm lạnh và nghỉ ngơi. Đối với gãy xương sườn, bệnh nhân đau đớn đột ngột, đau nhói và co thắt ngay sau chấn thương; vết bầm tím lan rộng, khó khăn khi thở, thở đau, không thể cử động bên tổn thương.

Dựa trên mức độ tổn thương xương sườn, người bệnh được thăm khám và điều trị với các biện pháp thích hợp. Điều trị sớm có thể giúp chữa lành xương gãy và tránh xương chọc vào các cơ quan bên trong.

Chấn thương vùng xương sườn
Chấn thương vùng xương sườn do té ngã hoặc va đập có thể gây đau hạ sườn trái, đau lan tỏa kèm theo vết bầm

8. Viêm sụn chêm

Viêm sụn chêm là tình trạng viêm xảy ra ở sụn gắn xương sườn với xương ức. Tình trạng này có thể xảy ra do chấn thương vật lý, nhiễm trùng, viêm khớp. Viêm sụn chêm gây ra một cơn đau nhói tương tự như dao dâm, thường xảy ra ở bên trái của khung xương sườn. Cơn đau thường nghiêm trọng hơn khi ấn vào xương sườn, hắt hơi hoặc ho.

9. Lá lách bị vỡ và nhồi máu

Lá lách nằm ở bên trái, phần trên của cơ thể, gần khung xương sườn. Bộ phận này giúp loại bỏ những tế bào máu hư hỏng hoặc những tế bào máu cũ. Đồng thời tạo ra những tế bào máu trắng giúp chống lại nhiễm trùng.

Lá lách to thường không gây ra bất kỳ biểu hiện nào. Tuy nhiên nếu lá lách bị tổn thương và vỡ, người bệnh sẽ thường xuyên bị đau nhói gần khung xương sườn bên trái. So với lá lách có kích thước bình thường, lá lách to thường có nguy cơ bị vỡ hơn.

Ngoài cảm giác đau nhói, bệnh nhân bị vỡ lá lách còn gặp nhiều triệu chứng dưới đây:

  • Mềm khi chạm vào
  • Huyết áp thấp
  • Tầm nhìn mờ
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn

Lá lách to thường do bệnh gan, bệnh máu, nhiễm virus, nhiễm trùng do vi khuẩn, nhiễm ký sinh trùng. Lá lách bị vỡ thường do chấn thương. Tình trạng này cần được điều trị y tế ngay lập tức để tránh rủi ro. Ngoài vỡ lách, nhồi máu lách (một phần lá lách bị hoại tử) cũng có thể gây đau hạ sườn bên trái.

Vỡ và nhồi máu lá lách
Đau hạ sườn bên trái có thể là dấu hiệu nhận biết của tình trạng vỡ và nhồi máu lá lách

10. Viêm ngoài màng tim

Viêm ngoài màng tim xảy ta khi màng ngoài tim (một túi chứa đầy chất lỏng bao quanh trái tim của bạn) bị viêm. Tình trạng viêm khiến màng ngoài tim cọ xát vào tim, từ đó dẫn đến những cơn đau gần xương sườn bên trái (đau hạ sườn bên trái).

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể bị đau nhói hoặc đau âm ỉ. Cơn đau thường trở nên tồi tệ hơn khi nằm. Viêm ngoài màng tim có thể xảy ra do vết thương, sự nhiễm trùng, chất làm loãng máu, thuốc chống động kinh.

11. Viêm ngoài màng phổi

Viêm ngoài màng phổi là tình trạng viêm xảy ra ở mô bao phủ phổi. Tình trạng này thường xuất hiện ở bệnh nhân bị viêm phổi do vi khuẩn, nấm hoặc virus, chấn thương, bệnh ác tính, nhồi máu phổi liên quan đến cục máu đông trong phổi.

Ở bệnh nhân bị viêm màng phổi bên trái, cơn đau thường xảy ra ở dưới khung xương sườn bên trái. Cơn đau nghiêm trọng và nhói như dao đâm khi thở. Nếu có biểu hiện này, người bệnh cần được thăm khám và điều trị sớm.

Viêm ngoài màng phổi
Viêm ngoài màng phổi là tình trạng viêm xảy ra ở mô bao phủ phổi dẫn đến đau đớn ở hạ sườn

Đau hạ sườn trái khi nào cần gặp bác sĩ?

Đau hạ sườn trái thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên đôi khi cơn đau là dấu hiệu cảnh báo của bệnh lý nguy hiểm, cần được điều trị y tế khẩn cấp. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp kiểm soát nguyên nhân gây đau và các triệu chứng. ngược lại bệnh nhân có thể gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa đến tính mạng.

Chính vì thế, người bệnh cần thăm khám và điều trị khẩn cấp khi đau hạ sườn trái kèm theo bất kỳ biểu hiện nào dưới đây:

  • Chóng mặt hay choáng váng
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Rối loạn tâm thần
  • Khó thở
  • Tiểu đau hoặc tiểu ra máu
  • Buồn nôn

Ngoài ra người bệnh cũng cần đến bệnh viện khi đau dưới mạn sườn bên trái thường xuyên tái phát, đau như dao đâm kèm theo vết bầm lan rộng do chấn thương, đau dữ dội khi thở.

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau hạ sườn trái

Để tìm nguyên nhân gây đau hạ sườn trái và đánh giá tình trạng, người bệnh sẽ được khám sức khỏe (mô tả, ấn, hít thở…) để cảm nhận vùng bị ảnh hưởng. Điều này giúp xác định chính xác vị trí đau và đo lường mức độ nghiêm trọng. Ngoài ra bác sĩ có thể kiểm tra bất kỳ dấu hiệu viêm hoặc sưng nào, cụ thể như viêm sưng do viêm túi lệ (viêm sụn sườn), gãy xương sườn.

Nếu nghi ngờ đau hạ sườn trái xảy ra do một tình trạng nghiêm trọng, người bệnh sẽ được chỉ định một số xét nghiệm dưới đây:

  • Điện tâm đồ: Người bệnh sẽ được điện tâm đồ nếu nghi ngờ đau dưới khung xương sườn bên trái do những vấn đề về tim. Kỹ thuật này giúp kiểm tra hoạt động điện trong tim. Từ đó giúp xác định nguyên nhân gây đau và loại trừ bất kỳ tình trạng nghiêm trọng nào.
  • Xét nghiệm máu hoặc/ và nước tiểu: Xét nghiệm máu và nước tiểu giúp kiểm tra những vấn đề về thận, viêm dạ dày và viêm tụy. Trong trường hợp nghi ngờ viêm dạ dày, một số xét nghiệm khác như nội soi (ống nội soi dài, phần đầu có gắn camera và đưa qua miệng để quan sát bên trong) hay xét nghiệm phân sẽ được thực hiện để kiểm tra niêm mạc dạ dày.
  • Chụp X-quang: Nếu nghi ngờ đau hạ sườn trái liên quan đến xương (chấn thương gây gãy xương), bệnh nhân được yêu cầu chụp X-quang để kiểm tra xương sườn. Kỹ thuật này cho phép bác sĩ kiểm tra và phát hiện những vấn đề về xương. Từ đó xác định nguyên nhân gây đau.
  • Chụp MRI: Chụp MRI được chỉ định khi phát hiện sự phát triển bất thường của các tế bào hoặc nguyên nhân gây đau hạ sườn bên trái không rõ ràng. Kỹ thuật này tạo ra hình ảnh chi tiết về các cơ quan và bất kỳ vùng viêm nào không được nhìn thấy trong quá trình thăm khám sức khỏe. Từ đó phát hiện sớm những nguyên nhân tiềm ẩn.
  • Chụp CT: Trong một số trường hợp, CT được chỉ định để phát hiện các tổn thương sâu và tiềm ẩn mà những kỹ thuật khác không thể phát hiện.
Chẩn đoán nguyên nhân gây đau hạ sườn trái
Nguyên nhân gây đau hạ sườn trái có thể được phát hiện qua khám lâm sàng và xét nghiệm hình ảnh

Điều trị đau hạ sườn trái

Có nhiều phương pháp giúp giảm đau hạ sườn trái. Điều quan trọng là cần áp dụng đúng phương pháp dựa trên mức độ nghiêm trọng và loại trừ nguyên nhân.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Nếu có cơn đau nhẹ hoặc chưa thể đến bệnh viện, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây để giảm đau hạ sườn bên trái.

  • Nghỉ ngơi

Tiếp tục vận động hay thực hiện những hoạt động ảnh hưởng đến vùng tổn thương có thể khiến cơn đau thêm nghiêm trọng. Tốt nhất người bệnh nên nghỉ ngơi, hít thở đều và chậm rãi, tránh thực hiện những động tác làm ảnh hưởng đến khung xương sườn. Điều này có thể giúp điều chỉnh tâm trạng và xoa dịu cơn đau của bạn.

  • Chườm đá

Nếu đau hạ sườn trái kèm theo bầm tím và sưng do chấn thương, hãy dùng túi chườm hoặc khăn bông bọc một vài viên đá lạnh, sau đó đặt lên vùng đau tối đa 20 phút. Biện pháp này giúp giảm đau và sưng hiệu quả, giảm bầm tím. Cần chườm đá 1 ngày 3 lần trong 3 ngày sau chấn thương.

  • Tắm nước ấm

Tắm nước ấm có thể xoa dịu cơn đau, thư giãn cơ và khớp xương. Đồng thời tăng lưu thông máu, ngăn tình trạng co thắt khiến người bệnh khó vận động.

  • Chườm ấm

Nếu bị đau hạ sườn trái do các cơ quan tổn thương, người bệnh có thể thử chườm ấm để xoa dịu tình trạng. Khi tác động bằng nhiệt độ cao, vùng tổn thương có thể giảm đau và co thắt, tăng lưu thông máu, giúp dễ thở và dễ chịu hơn. Đồng thời thư giãn các khớp xương và mô mềm, cải thiện tâm trạng.

Biện pháp chườm ấm nên được thực hiện mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20 phút. Nên kết hợp nghỉ ngơi và tắm nước ấm để tăng hiệu quả giảm đau.

2. Điều trị y tế

Trong vòng 48 – 72 giờ, người bệnh nên thăm khám để tìm kiếm nguyên nhân gây đau hạ sườn trái. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc, phẫu thuật hoặc áp dụng phương pháp điều trị thích hợp hơn.

  • Sử dụng thuốc

Dưới đây là một số loại thuốc thường được chỉ định trong điều trị đau hạ sườn trái:

    • Thuốc Acetaminophen: Loại thuốc này có tác dụng giảm đau và hạ sốt, thường được dùng cho những trường hợp có cơn đau nhẹ. Acetaminophen có thể được sử dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.
    • Thuốc kháng viêm không Steroid (NSAID): Thuốc kháng viêm không Steroid được dùng cho những cơn đau vừa, đau do viêm hoặc kèm theo sưng. Thuốc có tác dụng giảm đau và sưng, trị viêm. NSAID cần được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh gây tác dụng phụ lên hệ tiêu hóa.
    • Thuốc kháng sinh: Nếu đau hạ sườn trái liên quan đến một tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định một loại kháng sinh phù hợp để loại bỏ nguyên nhân. Trong hầu hết các trường hợp, cơn đau thuyên giảm nhanh sau khi nhiễm trùng được kiểm soát.
    • Thuốc chống co giật: Một số loại thuốc chống co giật như Pregabalin và Gabapentin có thể được dùng trong điều trị đau dây thần kinh liên sườn. Thuốc này có tác dụng giảm đau trong đau thần kinh và chống co thắt. Thuốc chống co giật chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
    • Nhóm thuốc giảm đau gây nghiện opioid: Trong một số trường hợp, opioid được dùng để giảm đau cho những trường hợp nặng, không đáp ứng với các loại thuốc giảm đau khác. Thuốc nhóm opioid có khả năng kiểm soát cơn đau nhanh chóng. Tuy nhiên thuốc này cần được dùng theo chỉ định để tránh những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc giảm đau là phương pháp thường được áp dụng trong điều trị đau hạ sườn trái
  • Bài tập thở sâu

Nếu đau hạ sườn trái kèm theo khó thở do chấn thương vùng xương sườn, viêm ngoài màng phổi… người bệnh được hướng dẫn bài tập thở sâu để cải thiện. Bài tập này có tác dụng điều chỉnh nhịp thở, giảm đau, hạn chế tình trạng khó thở hoặc đau khi thở.

  • Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể cần thiết cho những trường hợp nặng, không thể điều trị bằng phương pháp bảo tồn. Điển hình như viên sỏi thận có kích thước lớn không thể tự qua cơ thể, gãy xương sườn có đầu xương làm tổn thương cơ quan lân cận… Dựa trên nguyên nhân, người bệnh có thể được phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở.

Biện pháp phòng ngừa đau hạ sườn trái

Đau hạ sườn trái không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên một số biện pháp có thể giúp giảm nguy cơ đau do chấn thương và những bệnh lý tìm ẩn. Cụ thể:

  • Thận trọng trong sinh hoạt để tránh té ngã hay va đập dẫn đến chấn thương vùng xương sườn.
  • Mặc đồ bảo hộ khi làm việc hoặc chơi những môn thể thao mạo hiểm.
  • Kiểm soát tâm trạng, tập hít thở đều và chậm rãi.
  • Uống nhiều nước và đi tiểu ngay khi có nhu cầu để tránh bệnh sỏi thận.
  • Vệ sinh sạch sẽ để tránh nhiễm trùng đường tiểu dưới dẫn đến nhiễm trùng thận.
  • Duy trì thói quen tập thể dục để nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện chất lượng xương và giảm nguy cơ chấn thương.
  • Ăn đủ 3 bữa mỗi ngày.
  • Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh. Cụ thể như các loại đậu, hạt, rau lá xanh, cà chua, bông cải xanh, củ quả, trái cây tươi, cá, sữa, sữa chua, thịt, trứng, dầu thực vật, đậu phụ… Biện pháp này có thể giúp bổ sung các thành phần dinh dưỡng cần thiết cho các cơ quan trong cơ thể và hệ xương (chất béo, vitamin và khoáng chất, protein…).
Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng với những loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và lành mạnh
Thiết lập chế độ ăn uống cân bằng với thực phẩm giàu dinh dưỡng để tăng sức khỏe tổng thể và ngăn đau hạ sườn trái

Đau hạ sườn trái thường do chấn thương vùng xương sườn, viêm dây thần kinh liên sườn và tổn thương các cơ quan cận kề. Cơn đau không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên việc thăm khám và điều trị y tế là điều cần thiết để loại bỏ nguyên nhân gây đau. Đồng thời ngăn ngừa bệnh lý tiến triển và tránh phát sinh nhiều vấn đề nghiêm trọng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua