Đau Đầu Nhức Mỏi Toàn Thân
Đau đầu nhức mỏi toàn thân có thể gây mệt mỏi và suy nhược cơ thể. Các nguyên nhân có thể bao gồm chứng đau nửa đầu, mất ngủ, mất nước, thiếu tập thể dục hoặc các bệnh lý mãn tính khác. Một số nguyên nhân tương đối lành tính trong khi các nguyên nhân khác có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, điều quan trọng là các định các nguyên nhân liên quan để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Vì sao bị đau đầu nhức mỏi toàn thân?
Đau đầu nhức mỏi toàn thân có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý, bao gồm các vấn đề lành tính và bệnh lý nghiêm trọng. Tuy nhiên, phong cách sống, bao gồm thói quen ngủ, chế độ ăn uống và các loại thuốc đang sử dụng cũng có thể dẫn đến tình trạng này.
Dưới đây là một số nguyên nhân và các yếu tố rủi ro có thể dẫn đến đau đầu nhức mỏi cơ thể:
1. Thiếu tập thể dục
Tập thể dục không đủ hoặc không tập thể dục có thể là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng cơ thể đau nhức mệt mỏi, đau đầu, ít năng lượng, tăng cân, yếu cao, tâm trạng xấu và các vấn đề về giấc ngủ.
Theo thống kê có khoảng 50% dân số không tập thể dục đầy đủ. Trong đó, hầu hết mọi người đều có dấu hiệu mệt mỏi, thiếu năng lượng theo các mức độ khác nhau.
Ít vận động không phải là một bệnh lý, tuy nhiên đây là nguyên nhân phổ biến dẫn đến mệt mỏi, tăng cân và yếu cơ. Không tập thể dục đầy đủ cũng có thể dẫn đến nhiều hậu quả lâu dài, chẳng hạn như tăng nguy cơ mắc bệnh tim, ung thư, thoái hóa khớp, loãng xương và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Để cải thiện tình trạng này, bạn cần có kế hoạch tập luyện phù hợp. Theo khuyến cáo, mỗi tuần người lớn nên tập thể dục ít nhất 150 phút với hoạt động thể chất aerobic vừa phải, chẳng hạn như đi bộ nhanh hoặc 75 phút hoạt động mạnh mẽ, chẳng hạn như chạy bộ. Ngoài ra, bạn cũng nên tập trung vào chế độ ăn uống, thực hiện chế độ ăn uống nhiều rau xanh, trái cây tươi, các loại hạt và uống nhiều nước để tăng cường sức khỏe.
Những người trên 50 tuổi nên trao đổi với bác sĩ trước khi tập thể dục. Điều quan trọng là phải bắt đầu kế hoạch từ từ và tăng dần mức độ. Tránh các bài tập nặng hoặc quá mức, điều này có thể dẫn đến chấn thương.
2. Đau nửa đầu
Đau nửa đầu là một tình trạng thần kinh, dẫn đến những cơn đau đầu dữ dội thường xuyên. Các triệu chứng này có thể kéo dài trong 1 – 2 ngày và tự cải thiện mà không cần điều trị. Các triệu chứng khác có thể bao gồm mệt mỏi, đau nhức xương khớp, ít năng lượng, chán nản.
Khi cơn đau đầu xuất hiện, người bệnh có thể nhận thấy một số triệu chứng như:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh
Sau khi cơn đau đầu qua đi, người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi, đau nhức khắp người và thiếu năng lượng. Nếu các cơn đau đầu lặp lại hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch xử lý phù hợp nhất.
3. Mất nước
Tình trạng mất nước xảy ra khi cơ thể không có đủ lượng chất lỏng cần thiết để hoạt động bình thường. Điều này có thể dẫn đến tình trạng đau đầu nhức mỏi toàn thân, miệng khô dính, đi tiểu ít, nước tiểu màu vàng sẫm, tim đập nhanh, khó thở, hôn mê và bất tỉnh.
Đau đầu và nhức mỏi do thiếu nước thường được cải thiện trong vài giờ sau khi uống đủ nước. Để ngăn ngừa tình trạng mệt mỏi, đau đầu do mất nước, bạn nên uống ít nhất 8 – 10 cốc nước mỗi ngày, uống nhiều hơn nếu tập thể dục hoặc vào những ngày nóng.
4. Sử dụng quá nhiều caffeine
Caffeine là một chất kích thích hệ thống thần kinh trung ương, có thể giúp bạn tỉnh táo, giảm mệt mỏi ngay sau khi uống. Tuy nhiên, uống quá nhiều caffeine trong ngày có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, ngủ không ngon và gây mệt mỏi, đau đầu. Các triệu chứng lạm dụng caffeine khác bao gồm phiền muộn, khó ngủ, tức giận, khó tập trung, trí nhớ kém, thiếu động lực và rối loạn cương dương.
Ngoài ra, nếu sử dụng nhiều hơn 3 tách cà phê mỗi ngày, điều này sẽ làm tiêu hao năng lượng, khiến hệ thống thần kinh căng thẳng. Tình trạng này cũng khiến tim đập nhanh hơn, dẫn đến nhịp tim không đều, tăng huyết áp, lo lắng, đau đầu, đau cơ và đau nhức xương khớp.
Để cải thiện tình trạng này, bạn nên cắt giảm dần lượng caffeine hàng ngày, sau đó sử dụng caffeine có chừng mực hoặc tránh hoàn toàn caffeine.
Nếu ngừng sử dụng caffeine đột ngột, bạn có thể có các triệu chứng nghiện trong 72 giờ hoặc lâu hơn. Các triệu chứng bao gồm buồn ngủ, đau đầu, mệt mỏi và thiếu năng lượng. Do đó, việc giảm dần lượng caffeine có thể giúp cơ thể quen với lượng caffeine thấp mà không gây đau đầu nhức mỏi toàn thân. Ngoài ra, uống một lượng nhỏ sô cô la hoặc trà cũng có thể giúp giảm đau đầu và các triệu chứng nghiện caffeine khác.
5. Hội chứng mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính là một tình trạng kéo dài gây ra tình trạng cực kỳ mệt mỏi và không thuyên giảm khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng bao gồm mệt mỏi cực độ, luôn cảm thấy mệt mỏi bất kể đã ngủ bao lâu, khó tập trung, đau cơ, đau khớp mà không sưng, hạch bạch huyết mở rộng, cực kỳ mệt mỏi sau khi tập thể dục, đau đầu cũng như đau nhức xương khớp khắp người.
Các triệu chứng này có thể kéo dài ít nhất là 4 tháng và không được cải thiện khi nghỉ ngơi. Không có phương pháp cụ thể để điều trị tình trạng này, tuy nhiên đôi khi bác sĩ có thể đề nghị một số phương pháp cải thiện như:
- Thuốc chống trầm cảm có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ và giảm đau
- Chống giảm đau
- Thuốc chống lo âu
- Kỹ thuật thư giãn, giảm căng thẳng
- Thuốc chống dị ứng
- Các kỹ thuật quản lý giấc ngủ
Ngoài ra, người bệnh nên có kế hoạch ăn uống lành mạnh, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên, tránh uống rượu và caffeine vào buổi tối cũng như duy trì một thói quen ngủ lành mạnh để cải thiện tình trạng mệt mỏi.
6. Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa là một rối loạn mãn tính có liên quan đến các cơn đau lan rộng, đau nhức xương khớp, đau đầu và mệt mỏi nói chung. Cơn đau thường xuất hiện ở các điểm mềm, còn gọi là điểm kích hoạt tại nhiều vùng trong cơ thể.
Các triệu chứng khác bao gồm:
- Đau đầu nhức mỏi toàn thân
- Khó ngủ
- Ngủ trong một thời gian dài mà không cảm thấy được hồi phục
- Lo lắng, phiền muộn, stress
- Đau âm ỉ ở bụng dưới
- Khô mắt
- Có các vấn đề về bàng quang và bụng dưới
Đau cơ xơ hóa thường không gây đe dọa đến tính mạng, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng để chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu nhận thấy tình trạng đau nhức xương khớp, đau đầu, mệt mỏi kéo dài mà không được cải thiện khi nghỉ ngơi, hãy đến bệnh viện để được hướng dẫn phù hợp.
7. Rối loạn giấc ngủ
Rối loạn giấc ngủ bao gồm mất ngủ, Hội chứng chân không yên, chứng nghiến răng và chứng ngưng thở khi ngủ, đều có thể gây đau đầu nhức mỏi toàn thân. Rối loạn giấc ngủ cũng có thể liên quan đến chứng đau nửa đầu, rối loạn thần kinh và nhiều vấn đề khác.
Thiếu ngủ khiến nồng độ hormone căng thẳng cortisol tăng lên, điều này gây tác động tiêu cực đến tâm trạng. Các triệu chứng khác của cortisol cao bao gồm tăng cân, khó chịu, nổi mụn, nhức đầu và mệt mỏi.
Để cải thiện chất lượng giấc ngủ bạn có thể lưu ý một số vấn đề như, không uống đồ uống có chứa caffeine gần giờ đi ngủ, tập thể dục thường xuyên vào ban ngày, hạn chế ăn các bữa ăn lớn hoặc nhiều thức ăn cay gần giờ đi ngủ. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
8. Bệnh lupus ban đỏ hệ thống
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh lý tự miễn mãn tính, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể. Các triệu chứng của bệnh rất đa dạng, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi nghiêm trọng
- Đau đầu
- Phát ban hình bướm trên má và mũi
- Đau và sưng khớp
- Rụng tóc
- Ngón tay chuyển sang màu trắng hoặc xanh và ngứa ran khi bị lạnh (hiện tượng Raynaud)
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý tiến triển và có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, nếu nhận thấy bất cứ triệu chứng nào như trên, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
9. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn dịch khiến cơ thể tự tấn công các khớp, dẫn đến đau, sưng và tổn thương khớp. Tình trạng này cũng có thể gây sốt, mệt mỏi, sưng hạch, sụt cân, cứng khớp vào buổi sáng và bàn tay đỏ.
Ngoài việc ảnh hưởng đến khớp, viêm khớp dạng thấp đôi khi có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của cơ thể, bao gồm da, mắt, phổi, tim, máu, dây thần kinh hoặc thận.
Viêm khớp dạng thấp có thể gây mất chức năng khớp theo thời gian. Do đó, điều quan trọng là có kế hoạch kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa tổn thương khớp và duy trì chất lượng cuộc sống. Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc, dành thời gian nghỉ ngơi, tập thể dục, vật lý trị liệu và phẫu thuật để cải thiện các tổn thương khớp.
Phương pháp điều trị sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm độ tuổi, sức khỏe tổng thể, tiền sử bệnh lý và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
10. Chấn thương não
Chấn thương não là tình trạng tạm thời, xảy ra khi có các lực tác động hoặc va chạm vào đầu. Chấn thương có thể gây đau đầu nhức mỏi toàn thân, mệt mỏi, choáng váng. Đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng chấn thương đầu hoặc sau khi va chạm vào đầu.
Các dấu hiệu khác bao gồm:
- Bất tỉnh
- Mất trí nhớ, lú lẫn, dễ nhầm lẫn
- Liên tục nôn mửa
- Thay đổi hành vi
- Sự hoang mang, lo lắng, stress
- Mờ mắt
Đau đầu nhức mỏi toàn thân có nguy hiểm không?
Bất cứ ai cũng có thể bị đau đầu nhức mỏi toàn thân một lần trong đời. Các triệu chứng này có thể nhẹ và tự cải thiện trong vài ngày. Tuy nhiên đôi khi các nguyên nhân có thể nghiêm trọng và ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, điều quan trọng là xác định nguyên nhân cũng như có kế hoạch điều trị phù hợp.
Người bệnh được khuyến khích đến bệnh viện khi xuất hiện các triệu chứng như:
- Sốt
- Nôn mửa dai dẳng
- Cứng cổ
- Thay đổi tâm trạng, tính cách hoặc hành vi
- Hoang mang, lo lắng, bồn chồn, bất an
- Có vấn đề về trí nhớ
- Mất ý thức
- Có điểm yếu, tê liệu trên khắp cơ thể
Ngoài ra, người bệnh cũng nên đến bệnh viện nếu trước đó đã từng bị đau đầu nhức mỏi toàn thân hoặc khi các triệu chứng nghiêm trọng theo thời gian.
Điều trị đau đầu nhức mỏi toàn thân như thế nào?
Các triệu chứng đau đầu nhức mỏi toàn thân có thể được cải thiện với một số loại thuốc hoặc tự chăm sóc tại nhà, chẳng hạn như:
1. Sử dụng thuốc
Sử dụng các loại thuốc giảm đau là cách nhanh nhất để cải thiện các cơn đau. Tuy nhiên, các loại thuốc không thể điều trị nguyên nhân cơ thể gây đau nhức cơ thể. Do đó, nếu cơn đau không biến mất hoặc tái phát sau khi một thời gian, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Acetaminophen: Thuốc gây ảnh hưởng đến các vùng não kiểm soát nhiệt độ cơ thể và cơn đau, giúp chống lại cơn sốt và ớn lạnh, giảm đau đầu, đồng thời làm dịu cơn đau họng và đau nhức cơ thể. Lưu ý, những người bệnh gan hoặc thận và những người nghiện rượu không nên sử dụng Acetaminophen. Ngoài ra, nhiều loại thuốc khác cũng chứa Acetaminophen như một thành phần dược liệu, do đó người bệnh cần kiểm tra thành phần thuốc để tránh quá liều.
- NSAID (thuốc chống viêm không steroid): Nhóm thuốc này bao gồm aspirin, ibuprofen và naproxen, có tác dụng làm giảm sốt và giảm đau, bao gồm đau đầu, đau nhức xương khớp. Lưu ý, bệnh nhân có tiền sử dạ dày, bệnh tim, gan hoặc thận cần lưu ý khi sử dụng NSAID. Ngoài ra, trẻ em dưới 19 tuổi không được sử dụng Aspirin.
Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về liều lượng cũng như cách sử dụng thuốc. Bên cạnh đó, người bệnh nên uống nhiều nước để để giúp thuốc phát huy công dụng và tránh các tác dụng phụ tiềm ẩn.
2. Tự chăm sóc tại nhà
Bên cách các loại thuốc, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp cải thiện tình trạng đau đầu nhức mỏi toàn thân tại nhà, chẳng hạn như:
- Uống đủ lượng nước cần thiết để giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai và ngăn ngừa các cơn đau nhức cơ thể.
- Tắm nước ấm có thể giúp thư giãn và cải thiện tình trạng đau nhức. Ngâm mình trong bồn nước ấm trong khoảng 10 phút cũng có thể giúp người bệnh ngủ ngon hơn.
- Thực hiện các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ 20 phút mỗi ngày và giãn cơ giúp ngăn ngừa tình trạng cứng khớp.
- Thực hiện chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe, chẳng hạn như bổ sung nhiều rau xanh, trái cây và thực phẩm có nguồn gốc thực vật. Bên cạnh đó, cần bổ sung các loại protein cần thiết hàng ngày bao gồm trứng, cá, thịt nạc, đậu nành.
- Thực hiện các động tác kéo giãn cơ thường xuyên sẽ giúp lưu thông máu đồng đều trong cơ thể. Điều này sẽ giúp tăng cường thể chất cho cơ thể và hỗ trợ giải phóng các chất giảm đau tự nhiên như endorphin và enkephalins.
Phòng ngừa đau đầu nhức mỏi toàn thân
Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân dẫn đến đau đầu và đau nhức cơ thể, tuy nhiên có một số phương pháp nhất định có thể làm giảm nguy cơ phát triển các triệu chứng, chẳng hạn như:
- Thực hiện lối sống lành mạnh: Tập thể dục thường xuyên và thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, đa dạng, có thể tăng cường sức khỏe cũng như giảm nguy cơ mắc các bệnh lý liên quan khác.
- Theo dõi cơn đau: Nếu tình trạng đau đầu nhức mỏi toàn thân xảy ra thường xuyên, người bệnh nên ghi lại thời điểm cơn đau xuất hiện, thời gian và cường độ. Điều này có thể giúp người bệnh quản lý cơn đau cũng như giúp bác sĩ đánh giá các triệu chứng dễ dàng hơn.
- Quản lý căng thẳng và lo lắng: Người bệnh có thể thực hiện các kỹ thuật quản lý căng thẳng, chẳng hạn như massage, thiền định, tập yoga hoặc thường xuyên trò chuyện với người thân. Nếu cần thiết, hãy liên hệ với chuyên gia tâm lý để được tư vấn phù hợp.
- Quản lý các tình trạng y tế cơ bản: Điều quan trọng là xác định nguyên nhân dẫn đến cơn đau và có kế hoạch điều trị phù hợp. Điều này có thể ngăn ngừa các biến chứng cũng như giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
Đau đầu nhức mỏi toàn thân có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các nguyên nhân nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến tính mạng. Ngoài ra, đau đầu nghiêm trọng và thường xuyên cần được kiểm tra bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các rủi ro nghiêm trọng.
Bất cứ ai thường xuyên bị đau đầu nhức mỏi toàn thân nên đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp. Điều trị sớm và kịp thời có thể làm giảm nguy cơ và tránh các rủi ro, bao gồm tử vong.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!