Đau Đầu Căng Cơ

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau đầu căng cơ là tình trạng căng thẳng quá mức của các cơ ở vùng đầu cổ dẫn đến những cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Cơn đau thường âm ỉ và căng tức ở sau đầu, cổ hoặc/ và quanh trán. Điều này tương tự như một chiếc kẹp hoặc một dải băng ép đang quấn quanh và siết chặt hộp sọ.

Đau đầu căng cơ
Đau đầu căng cơ là một trong những dạng đau đầu thường gặp nhất, liên quan đến các cơ ở đầu và cổ

Đau đầu căng cơ là gì?

Đau đầu căng cơ (Tension headache) còn được gọi là đau đầu kiểu căng thẳng, đau đầu do căng thẳng – một dạng đau đầu thường gặp nhất. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng các ở vùng đầu và cổ bị căng quá mức dẫn đến những đợt đau nhói từ nhẹ đến trung bình, đôi khi đau dữ dội.

Cơn đau có xu hướng âm ỉ kéo dài kèm theo cảm giác căng tức ở những vùng bị ảnh hưởng như trán, sau đầu và cổ. Điều này khiến người bệnh có cảm giác như hộp sọ bị một chiếc kẹp hoặc một dải băng ép đang quấn quanh và siết chặt.

Hầu hết những trường hợp đau đầu căng cơ đều có dấu hiệu đau đầu từng cơn, thường tái diễn từ 1 – 2 lần mỗi tháng. Trong một số trường hợp, đau đầu căng cơ cũng có thể là mãn tính. Mặc dù vậy cơn đau không làm ảnh hưởng đến thị lực, sức mạnh và sự cân bằng của bạn. Đồng thời không ngăn cản người bệnh thực hiện các hoạt động thường ngày.

Để kiểm soát cơn đau, người bệnh cần thiết lập những thói quen lành mạnh, áp dụng biện pháp chăm sóc kết hợp sử dụng thuốc một cách hợp lý.

Phân loại đau đầu căng cơ

Có hai loại đau đầu căng cơ, bao gồm:

1. Đau đầu căng thẳng từng đợt

Cơn đau xảy ra ít hơn 15 ngày mỗi tháng, tái diễn trong ít nhất ba tháng. Tùy thuộc vào mức độ căng cơ, những cơn đau đầu có thể kéo dài từ 30 phút đến 7 ngày. Đối với những người bị đau đầu từng đợt, cơn đau có xu hướng bắt đầu từ từ và thường khởi phát vào giữa ngày. Nếu tình trạng này diễn ra lâu ngày, cơn đau có thể trở thành mãn tính.

2. Đau đầu căng thẳng mãn tính

Cơn đau xảy ra hơn 15 ngày mỗi tháng, tái diễn trong ít nhất ba tháng. Khi xuất hiện, cơn đau có thể liên tục và kéo dài hàng giờ. Đối với những trường hợp mãn tính, cơn đau có xu hướng bắt đầu và biến mất sau một khoảng thời gian dài hơn.

Cơn đau mãn tính có thể giảm dần hoặc trở nên nghiêm trọng hơn trong ngày. Ngoài ra cơn đau không dứt hẳn ở hầu hết các trường hợp.

Có hai loại đau đầu căng cơ
Có hai loại đau đầu căng cơ gồm đau đầu căng thẳng từng đợt và đau mãn tính

Phân biệt đau đầu căng cơ và chứng đau nửa đầu

Đau đầu căng cơ thường dễ bị nhầm lẫn với chứng đau nửa đầu do có nhiều triệu chứng giống nhau. Mặt khác, những người bị đau đầu kiểu căng thẳng từng đợt có thể bị đau nửa đầu.

Tuy nhiên đau đầu kiểu căng thẳng không giống như một số dạng đau nửa đầu. Bởi tình trạng này không làm ảnh hưởng hay liên quan đến rối loạn thị giác. Đồng thời không gây buồn nôn và nôn (triệu chứng thường gặp ở người bị đau nửa đầu).

Về các hoạt động thể chất, hoạt động không làm nặng hơn cơn đau kiểu căng thẳng nhưng có thể làm khởi phát hoặc tăng mức độ nghiêm trọng của cơn đau nửa đầu. Ngoài ra đau do căng thẳng cũng không cản trở người bệnh hoạt động thể chất.

Tăng nhạy cảm với âm thanh hoặc ánh sáng xảy ra ở những người bị đau đầu kiểu căng thẳng nhưng thường không xảy ra ở người có cơn đau nửa đầu.

Dấu hiệu nhận biết đau đầu căng cơ

Đau đầu là dấu hiệu phổ biến nhất ở những người bị đau đầu căng cơ. Thông thường cơn đau sẽ có những đặc điểm dưới đây:

  • Đau kèm theo cảm giác căng tức từ nhẹ đến trung bình, đôi khi đau và căng dữ dội khiến người bệnh khó chịu
  • Cơn đau diễn ra ở phía trước, hai bên hoặc trên cùng của đầu
  • Cơn đau có thể bắt đầu ở phía sau đầu và lan rộng về phía trước
  • Cơn đau siết chặt quanh toàn bộ đầu hoặc trở thành một dải áp lực âm ỉ
  • Cả hai bên đầu đều bị ảnh hưởng như nhau
  • Cơn đau thường bắt đầu vào giữa ngày hoặc muộn hơn trong ngày
  • Các cơ ở hàm, vai và cổ của bạn bị căng đau

Một số triệu chứng khác, bao gồm:

  • Cảm thấy rất mệt mỏi
  • Khó ngủ
  • Thay đổi tâm trạng, thường xuyên cáu gắt
  • Nhạy cảm nhẹ với tiếng ồn hoặc ánh sáng
  • Đau cơ
  • Đau ở da đầu, ở vai và cổ
  • Cảm giác như có áp lực đè nặng lên mắt
Dấu hiệu nhận biết đau đầu căng cơ
Cơn đau xảy ra ở phía trước, hai bên hoặc trên cùng của đầu, căng và đau cơ ở hàm, vai và cổ

Nguyên nhân gây đau đầu căng cơ

Đau đầu căng cơ thường xảy ra do những nguyên nhân dưới đây:

  • Căng thẳng

Cẳng thẳng từ công việc, học tập hoặc những mối quan hệ có thể kích thích đau đầu căng cơ (nguyên nhân phổ biến nhất). Phần lớn cơn đau khởi phát sau một tình huống khiến người bệnh bị căng thẳng quá mức.

Trong nhiều trường hợp khác, cơn đau bắt đầu từ sự tích tụ của căng thẳng qua nhiều tình huống. Thông thường, căng thẳng hàng ngày có thể khiến bệnh nhân bị đau đầu mãn tính.

  • Chế độ ăn uống không lành mạnh

Thường xuyên sử dụng những loại thực phẩm chứa Tyramine (nho khô, phô mai, men rượu, chế phẩm lên men từ đậu nành), Monosodium glutamate (như bột ngọt) hoặc dùng nhiều Cafein sẽ khiến cơn đau đầu căng cơ khởi phát.

Ngoài ra cơn đau cũng có thể khởi phát ở những người thường xuyên bỏ ăn trưa hoặc bỏ ăn sáng. Do khoảng cách giữa hai bữa ăn quá xa nên cơn đau thường bắt đầu sau khi dùng bữa.

  • Nguyên nhân khác

Ngoài chế độ ăn uống không lành mạnh và căng thẳng, đau đầu căng cơ cũng có thể xảy ra bởi những nguyên nhân dưới đây:

    • Thiếu ngủ
    • Giảm lượng nước tiêu thụ trong ngày
    • Tư thế kém
    • Nhiễm trùng xoang
    • Cảm cúm hoặc cảm lạnh
    • Hút thuốc
    • Cơ thể mệt mỏi kéo dài
    • Khô mắt hay mỏi mắt
    • Sử dụng rượu
    • Nhiệt độ lạnh
    • Lái xe hoặc nhìn vào màn hình máy tính trong một thời gian dài
    • Làm việc gắng sức, nghỉ ngơi không đủ
    • Căng thẳng về tinh thần hoặc cảm xúc, bao gồm cả trầm cảm
    • Những vấn đề liên quan đến răng hoặc hàm
Thiếu ngủ
Căng thẳng, thiếu ngủ là những nguyên nhân gây đau đầu căng cơ thường gặp

Đau đầu căng cơ có nguy hiểm không?

Đau đầu căng cơ thường được kiểm soát tốt bằng cách loại bỏ nguyên nhân (kiểm soát căng thẳng, ăn uống đủ chất…), chăm sóc và kết hợp dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tuy nhiên ở những trường hợp không chăm sóc và điều trị tốt, cơn đau có thể gây mất tập trung, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và năng suất công việc. Ngoài ra không điều trị tốt có thể gây ra tình trạng mãn tính.

Chẩn đoán đau đầu căng cơ

Thông thường để chẩn đoán đau đầu căng cơ, người bệnh sẽ được khám thần kinh và sức khỏe. Trong khi thăm khám, bác sĩ có thể yêu cầu mô tả đặc điểm đau, mức độ đau, tần suất, vị trí, cường độ đau và những triệu chứng đi kèm. Đồng thời kiểm tra yếu tố bệnh sinh (bệnh sử, chấn thương, yếu tố nghề nghiệp…)

Thông qua thăm khám lâm sàng, bác sĩ có thể dễ dàng xác định chứng đau đầu căng cơ, nguyên nhân và phân loại. Tuy nhiên ở những trường hợp đau đầu phức tạp hoặc bất thường, bệnh nhân được đề nghị một số kỹ thuật kiểm tra hình ảnh. Phương pháp này giúp loại trừ những nguyên nhân gây đau nghiêm trọng, điển hình như khối u.

Một số kỹ thuật thường được chỉ định gồm:

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh rõ nét về não bộ, các cơ và mô mềm ở vùng đầu cổ. Từ đó xác định tình trạng căng cơ. Đồng thời phân biệt đau đầu kiểu căng thẳng với đau do khối u hoặc chèn ép dây thần kinh.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính có thể cung cấp hình ảnh toàn diện về não của bạn. Điều này giúp kiểm tra những bất thường và xác định nguyên nhân gây đau đầu.

Điều trị đau đầu căng cơ

Đau đầu căng cơ có thể nhanh chóng thuyên giảm khi loại bỏ các nguyên nhân gây đau và sử dụng thuốc theo đơn của bác sĩ.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Để giảm nhẹ chứng đau đầu căng cơ và hạn chế tái phát, bạn nên uống nhiều nước hơn, ngủ sớm và ngủ đủ giấc. Đồng thời ăn uống đầy đủ, đảm bảo không bỏ bữa. Bởi tình trạng thiếu ngủ, mất nước và bỏ bữa đều có khả năng làm khởi phát cơn đau.

Ngoài ra một số biện pháp chăm sóc khác cũng có thể giúp giảm đau hiệu quả, bao gồm:

  • Nghỉ ngơi

Đau đầu căng cơ chủ yếu xảy ra do căng thẳng, cơ thể mệt mỏi. Chính vì thế khi cơn đau khởi phát, người bệnh nên dành thời gian nghỉ, để cơ thể được thư giãn trong tư thế thoải mái nhất. Điều này giúp não bộ và các cơ bị căng được xoa dịu, giảm căng thẳng và giảm đau. Không nên cố gắng suy nghĩ hoặc tiếp tục thực hiện những hoạt động kích thích cơn đau.

  • Kiểm soát căng thẳng

Người bệnh có thể ngồi thiền, đọc sách hoặc áp dụng những biện pháp thư giãn khác để kiểm soát căng thẳng. Điều này có thể giúp giảm nhẹ và hạn chế các cơn đau tái phát trong tương lai.

Kiểm soát căng thẳng
Ngồi thiền giúp kiểm soát căng thẳng, giảm nhẹ và hạn chế các cơn đau tái phát
  • Điều chỉnh tư thế hợp lý

Cần duy trì những tư thế đúng trong sinh hoạt để hỗ trợ khắc phục đau đầu căng thẳng và ngăn ngừa tái phát. Cụ thể khi ngồi làm việc, người bệnh không nên cúi đầu quá nhiều, nên ngồi thẳng lưng, giữ thẳng đầu giữa hai vai. Điều này giúp các cơ ở đầu và cổ hoạt động tốt hơn, hạn chế căng thẳng.

  • Ăn uống lành mạnh và cân bằng

Ngoài việc không bỏ bữa, người bệnh cũng cần thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh và cân bằng. Đồng thời bổ sung đầy đủ dưỡng chất để giúp các cơ và những bộ phận khác trong cơ thể được nuôi dưỡng, đảm bảo cơ bắp dẻo dai, khỏe mạnh và hoạt động tốt.

Ngoài ra người bệnh cần loại bỏ thói quen uống rượu và hút thuốc lá, không dùng quá nhiều Cafein. Bên cạnh đó bạn cần hạn chế ăn những loại thực phẩm chứa quá nhiều Monosodium glutamate và Tyramine.

  • Chườm lạnh

Để làm dịu cơn đau, bạn có thể áp dụng biện pháp chườm lạnh. Biện pháp này có tác dụng giảm sưng và đau hiệu quả, giúp các cơ bị căng trở lại vị trí cũ. Khi chườm lạnh, hãy dùng một chiếc khăn bông mềm bọc rau củ đông lạnh, đá hoặc túi đá chườm lên vị trí đau trong 10 phút, mỗi ngày 3 lần. Không nên đặt nước đá trực tiếp lên da để tránh gây bỏng lạnh.

  • Chườm nóng

Tương tự như chườm lạnh, chườm nóng cũng là một biện pháp giảm đau hiệu quả. Biện pháp này có tác dụng xoa dịu các cơ đang bị căng, kích thích lưu thông máu, thư giãn và giảm đau.

Khi chườm nóng, người bệnh có thể sử dụng khăn nóng, gạc ấm, chai nước ấm hoặc đệm sưởi có nhiệt độ thích hợp đặt lên những vùng bị đau, giữ trong 15 phút. Sau 3 – 4 lần thực hiện, bạn có thể nhận thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể.

  • Duy trì vận động thể chất

Duy trì thói quen luyện tập và vận động có thể giúp giải tỏa căng thẳng, nâng cao sức khỏe tổng thể và cải thiện sức mạnh cơ bắp. Bên cạnh đó thường xuyên thực hiện những bài tập kéo giãn còn giúp tăng tính linh hoạt của cơ thể, cải thiện sức bền cho cơ ở vùng đầu cổ. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng căng cơ và làm phát sinh những cơn đau nhức.

Duy trì vận động thể chất
Duy trì vận động thể chất giúp tăng sức bền cho cơ ở vùng đầu cổ, nâng cao sức khỏe tổng thể, cải thiện sức mạnh cơ bắp

2. Sử dụng thuốc

Nếu cơn đau tái phát hoặc đau nhiều và không thể thuyên giảm bằng các biện pháp chăm sóc, người bệnh có thể sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

  • Thuốc giảm đau không kê đơn

Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn thường là phương pháp chữa trị đầu tiên ở những bệnh nhân bị đau đầu căng cơ. Ở những bệnh nhân bị đau đầu căng thẳng từng đợt, việc sử dụng thuốc có thể giúp bạn kiểm soát tốt tình trạng. Đối với những trường hợp bị đau mãn tính, người bệnh có thể ngăn ngừa cơn đau tái phát.

Những loại thuốc giảm đau không kê đơn thường được sử dụng gồm:

    • Acetaminophen (Tylenol): Để cắt giảm những cơn đau nhẹ, người bệnh có thể sử dụng thuốc Acetaminophen. Thuốc này thường mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng.
    • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Tùy thuộc vào khả năng đáp ứng, một trong những thuốc chống viêm không steroid như Aspirin, Naproxen (Aleve) hoặc Ibuprofen (Advil, Motrin) có thể được chỉ định. Nhóm thuốc này có tác dụng điều trị những cơn đau ở mức trung bình. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng trị viêm.

Lưu ý không nên sử dụng quá nhiều thuốc giảm đau không kê đơn. Vì điều này có thể gay ra tình trạng lạm dụng thuốc, phát sinh tác dụng phụ hoặc khiến cơn đau đầu tái phát.

  • Thuốc giãn cơ

Nếu cơn đau không giảm sau khi dùng thuốc giảm đau thông thường, một số thuốc giảm đau giãn cơ như Methocarbamol (Robaxin) hoặc Cyclobenzaprin (Amrix, Fexmid, Flexeril) có thể được chỉ định.

Thuốc này hoạt động bằng cách ngăn chặn truyền tín hiệu đau về não bộ, thư giãn các cơ đang co thắt hoặc căng cứng. Từ đó giúp giảm đau nhanh và hiệu quả.

Thuốc giãn cơ
Dùng thuốc giãn cơ khi không có đáp ứng với thuốc giảm đau thông thường, cơ cứng và co thắt nghiêm trọng
  • Thuốc chống trầm cảm ba vòng

Nếu đau đầu căng cơ xảy ra do căng thẳng quá mức, người bệnh có thể được hướng dẫn sử dụng thuốc chống trầm cảm ba vòng để kiểm soát tình trạng. Thuốc này có tác dụng tạo ra cảm giác thư giãn, làm chậm hoạt động của não bộ, điều hòa thần kinh. Ngoài ra thuốc còn có tác dụng giảm đau hiệu quả.

Một số thuốc chống trầm cảm ba vòng thường được sử dụng gồm Protriptyline (Vivactil) và Amitriptyline (Elavil).

  • Thuốc chứa chất tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI)

Venlafaxine ( Effexor), Paroxetine (Paxil), Fluoxetine (Prozac) hoặc những loại thuốc chứa chất tái hấp thu serotonin có chọn lọc khác có thể được sử dụng trong phòng ngừa và điều trị đau đầu căng cơ.

Việc sử dụng nhóm thuốc này giúp người bệnh tăng nồng độ serotonin trong não. Từ đó duy trì sự cân bằng cho tinh thần, giảm căng thẳng. Đồng thời cắt giảm những cơn đau đầu.

  • Triptan

Nếu bị đau đầu căng cơ từng cơn, người bệnh có thể được chỉ định dùng thuốc Triptan. Thuốc này có khả năng tác động lên những dây thần kinh ở não. Từ đó giúp giảm đau hiệu quả.

3. Chất bổ sung

Một số chất bổ sung được tìm thấy trong chế độ ăn uống có thể có thể giúp phòng ngừa và giảm đau đầu, bao gồm cả đau đầu căng cơ. Dưới đây là những chất thường được bổ sung gồm:

  • Coenzyme Q10
  • Riboflavin
  • Butterbur
  • Feverfew
  • Magie

Mặc dù mang đến nhiều lợi ích nhưng các chất bổ sung cần được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo an toàn và đạt hiệu quả tối đa.

4. Liệu pháp thay thế

Một số liệu pháp dưới đây có thể mang đến lợi ích cho quá trình điều trị đau đầu căng cơ:

  • Châm cứu: Châm cứu có thể giúp giảm căng thẳng và giảm những cơn đau đầu căng cơ. Liệu pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng những mũi kim nhỏ châm vào một số vùng trên cơ thể.
  • Liệu pháp nhận thức hành vi (CBT): Liệu pháp nhận thức hành vi là liệu pháp trò chuyện giúp người bệnh xác định được những tình huống khiến bản thân lo lắng và căng thẳng. Từ đó kiểm soát đúng cách và giúp các cơn đau thuyên giảm.
  • Phản hồi sinh học: Phản hồi sinh học là một kỹ thuật thư giãn giúp người bệnh học được cách kiểm soát căng thẳng và cơn đau.
  • Hít thở sâu: Tập hít thở sâu có thể giúp bạn kiểm soát căng thẳng và đối phó với những cơn đau.
  • Xoa bóp: Xoa bóp lên những khu vực bị đau có thể giúp các cơ đang căng được thư giãn, tăng lưu thông máu và xoa dịu cơn đau. Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng thư giãn các dây thần kinh và não bộ, cải thiện chất lượng giấc ngủ, giúp kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
Xoa bóp
Xoa bóp giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, kiểm soát căng thẳng, tăng lưu thông máu và xoa dịu cơn đau

Biện pháp phòng ngừa đau đầu căng cơ

Để phòng ngừa chứng đau đầu căng cơ, bạn có thể thực hiện một số biện pháp dưới đây:

  • Thư giãn và kiểm soát căng thẳng: Bạn cần dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, tránh làm việc gắng sức. Nếu lo âu hoặc căng thẳng, bạn có thể ngồi thiền, tập yoga, xoa bóp, thở sâu hoặc áp dụng liệu pháp hành vi để thư giãn và kiểm soát căng thẳng. Từ đó phòng ngừa chứng đau đầu căng cơ.
  • Giữ tinh thần lạc quan: Bạn nên giữ tinh thần lạc quan và óc hài hước để giảm căng thẳng.
  • Thường xuyên tập thể dục: Tập thể dục 5 lần mỗi tuần, ít nhất 30 phút/ lần có thể giúp giữ cho bạn khỏe mạnh, tăng cường sức mạnh và giảm căng thẳng. Ngoài ra một số bài tập còn giúp bạn thư giãn và kéo dài các cơ quanh cổ, vai và đầu. Từ đó hạn chế tình trạng căng thẳng quá mức và tránh phát sinh cơn đau.
  • Cải thiện tư thế: Thực hiện tư thế đúng trong sinh hoạt cơ thể giúp hạn chế tình trạng căng cơ. Trong khi đứng, nên giữ đầu ngang bằng và vai về phía sau. Trong khi ngồi, đảm bảo đầu và cổ không đổ về phía trước, giữ đầu thẳng giữa hai vai, vai thẳng, đùi song song với sàn.
  • Không lạm dụng thuốc giảm đau: Mặc dù mang đến nhiều lợi ích trong điều trị các cơn đau nhưng cần tránh lạm dụng thuốc giảm đau. Bởi dùng thuốc giảm đau nhiều hơn 2 lần mỗi tuần có thể khiến đau đầu căng cơ khởi phát.
  • Ngủ đủ giấc: Khi nghỉ ngơi đầy đủ, cơ thể của bạn sẽ khỏe mạnh và kiểm soát căng thẳng hiệu quả.
  • Uống nhiều nước: Để phòng ngừa chứng đau đầu căng cơ, bạn nên uống nhiều nước mỗi ngày, hạn chế tình trạng mất nước. Bởi chất lỏng có nhiệm vụ duy trì hoạt động bình thường của các cơ.
  • Hạn chế caffein và rượu: Nên loại bỏ thói quen uống rượu, uống ít cà phê và trà để giảm phát sinh cơn đau đầu căng cơ.
  • Ăn uống đều độ và cân bằng: Ăn uống đều độ và cân bằng giúp các cơ được cung cấp dinh dưỡng, phát triển tốt, chắc khỏe và hoạt động bình thường. Một số loại thực phẩm nên ăn mỗi ngày gồm rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, thịt, cá, trứng… Ngoài ra bạn nên cố gắng ăn vào những thời điểm cố định trong ngày. Không nên để khoảng cách giữa hai bữa ăn quá xa để tránh gây đau đầu.
Ăn uống đều độ và cân bằng
Ăn uống đều độ và cân bằng giúp cơ phát triển tốt, chắc khỏe và đảm bảo hoạt động bình thường

Đau đầu căng cơ là một tình trạng thường gặp, chủ yếu xảy ra do căng thẳng, cơ thể mệt mỏi. Tình trạng này thường lành tính, có thể được phòng ngừa và kiểm soát bằng nhiều biện pháp. Tuy nhiên những trường hợp điều trị không đúng cách có thể dẫn đến đau mãn tính, làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống. Do đó bệnh nhân cần thăm khám và điều trị theo chỉ định của bác sĩ nếu cơn đau xuất hiện.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua