Đau Cơ Xơ Hóa

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau cơ xơ hóa là một tình trạng mãn tính có thể gây đau cơ, đau xương, mệt mỏi nói chung, rối loạn nhận thức và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Các triệu chứng có thể được cải thiện bằng cách quản lý căng thẳng, cải thiện giấc ngủ, tập thể dục, ăn uống lành mạnh và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.

Đau cơ xơ hóa
Đau cơ xơ hóa có thể dẫn đến nhiều điểm đau với nhiều mức độ khác nhau trên cơ thể

Đau cơ xơ hóa là gì?

Đau cơ xơ hóa là một bệnh lý mãn tính, kéo dài, dẫn đến đau nhức xương khớp, đau cơ và mệt mỏi. Cơn đau có thể xuất hiện và biến mất mà không cần điều trị, tuy nhiên sẽ tái phát trong tương lai.

Không rõ nguyên nhân dẫn đến đau cơ xơ hóa, tuy nhiên một số yếu tố như di truyền, căng thẳng, có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, phụ nữ thường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới.

Các nhà nghiên cứu tin rằng, tình trạng có thể khuếch tán cảm giác đau đớn bằng cách ảnh hưởng đến não, tủy sống, điều này khiến cơ chế xử lý cơn đau bị rối loạn.

Các triệu chứng thường bắt đầu sau một sự kích thích nhất định, chẳng hạn như chấn thương thể chất, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc căng thẳng tâm lý đáng kể. Trong một số trường hợp khác, các triệu chứng có thể tích tụ theo thời gian và xuất hiện mà không có bất cứ sự kích hoạt nào.

Đau cơ xơ hóa không gây hại cho các cơ quan và hầu như không đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên các triệu chứng bệnh có thể ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Hiện tại không có cách điều trị dứt điểm tình trạng này, tuy nhiên thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, cải thiện chất lượng giấc ngủ và sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ có thể cải thiện tình trạng này. Điều quan trọng là được chẩn đoán chính xác và điều trị đúng cách.

Đặc trưng của đau cơ xơ hóa

Đau cơ xơ hóa là một hội chứng khá phổ biến, rất dễ bị nhầm lẫn thành các bệnh cơ xương khớp khác. Mức độ tổng thể và tính chất của các triệu chứng rất khác nhau ở mỗi người. Ngoài ra, các triệu chứng có thể mãn tính hoặc đến và biến mất theo thời gian. Điều này khiến việc chẩn đoán chính xác trở nên khó khăn.

1. Tình trạng thấp khớp

Đau cơ xơ hóa là triệu chứng chung của một số bệnh viêm khớp, bao gồm đau đớn, mệt mỏi mãn tính. Tình trạng này được coi là một bệnh thấp khớp vì gây tác động đến , khớpxương. Tuy nhiên, các triệu chứng của tình trạng này có một số đặc điểm riêng, chẳng hạn như:

Biểu hiện của đau xơ cơ
Đau cơ xơ hóa có thể dẫn đến đau đớn và mệt mỏi mãn tính, tuy nhiên không gây tổn thương cơ hoặc khớp
  • Không gây tổn thương khớp hoặc cơ, mặc dù tình trạng viêm có nhiều điểm rất gần các khớp.
  • Không có dấu hiệu viêm nhiễm bên ngoài ở người lớn. Tuy nhiên ở trẻ em, bệnh có thể gây sưng nhẹ.
  • Không phải là một tình trạng thoái hóa, các triệu chứng có thể cải thiện sau khi được chẩn đoán và điều trị đúng cách.

Đau cơ xơ hóa thường được điều trị bởi bác sĩ thấp khớp, tuy nhiên đôi khi người bệnh cũng cần gặp bác sĩ nội khoa, bác sĩ vật lý trị liệu, bác sĩ thần kinh, bác sĩ chỉnh hình, bác sĩ sinh lý và các chuyên gia tâm lý để kiểm soát các triệu chứng.

2. Các điều kiện cùng tồn tại

Nhiều người bị đau cơ xơ hóa cũng gặp một số tính trạng bệnh lý khác. Theo ước tính, có khoảng 25 – 60% các trường hợp, người bệnh cũng có thể bị viêm cột sống dính khớp hoặc viêm khớp dạng thấp.

Các triệu chứng của những tình trạng này có thể cùng tồn tại và khiến tình trạng này khó chẩn đoán. Ngoài ra, thường không có xét nghiệm duy nhất được sử dụng để chẩn đoán đau cơ xơ hóa. Thay vào đó, bệnh thường được chẩn đoán bằng cách loại trừ các triệu chứng khác.

3. Nguyên nhân không xác định

Ở người bệnh đau cơ xơ hóa, não thường có phản ứng quá mức với các tín hiệu đau, làm tăng cảm giác đau ở một số bộ phận khác của cơ thể.

Các bác sĩ không rõ nguyên nhân dẫn đến các phản ứng này, mặc dù đôi khi căng thẳng, chấn thương thể chất, tinh thần hoặc các bệnh lý khác có thể dẫn đến các triệu chứng này.

Ngoài ra, bệnh lý này cũng có xu hướng xảy ra trong gia đình. Do đó các chuyên gia cho rằng, tình trạng này có thể liên quan đến một gen di truyền nhất định, mặc dù gen cụ thể vẫn chưa được tìm thấy.

4. Phổ biến ở phụ nữ

Theo các thống kê, có khoảng 2 – 4% người bệnh lớn bị đau cơ xơ hóa, trong đó có khoảng 80 – 90% các trường hợp là phụ nữ. Đối tượng nguy cơ thường rơi vào độ tuổi từ 40 – 75 và các triệu chứng cũng thường nghiêm trọng hơn ở phụ nữ.

Cách làm giảm đau cơ
Có khoảng 80 – 90% trường hợp mắc bệnh là phụ nữ

Trong những năm gần đây, nhiều nam giới cũng được chẩn đoán mắc bệnh. Ở trẻ em, tình trạng này thường được chẩn đoán ở trẻ vị thành niên và được gọi là đau cơ xơ hóa khởi phát ở tuổi vị thành niên.

Các tiêu chuẩn chẩn đoán đau cơ xơ hóa đã được thay đổi từ năm 2010. Tuy nhiên các chuyên gia cũng tin rằng, có tới 75% người bệnh không được chẩn đoán hoặc đã bị chẩn đoán sai.

Triệu chứng đau cơ xơ hóa

Các triệu chứng đau cơ xơ hóa có thể bùng phát định kỳ hoặc xuất hiện một cách bất ngờ, không thể đoán trước được. Đôi khi các triệu chứng có thể thuyên giảm đáng kể hoặc tự biến mất trong vài ngày, vài tháng và tái phát sau một thời gian.

Các loại triệu chứng của bệnh lý này khác theo tùy theo từng các nhân và giới tính. Tuy nhiên trong hầu hết các trường hợp, người bệnh sẽ gặp các triệu chứng như:

1. Đau cơ và đau xương

Người bệnh có thể bị đau âm ỉ, đau rát hoặc đau như kim châm ở nhiều bộ phận khác nhau của cơ thể. Cơn đau thường khiến cơ thể mệt mỏi, kiệt sức, tương tự như trải qua một cơn cảm cúm.

Có một số yếu tố có thể khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như hoạt động thể chất, thời tiết lạnh, ẩm ướt, căng thẳng hoặc bệnh tật.

2. Có nhiều điểm đau

Một dấu hiệu đặc trưng của đau cơ xơ hóa là xuất hiện các điểm nhỏ nhạy cảm xung quanh cơ thể. Những điểm này là những vùng ẩn sâu của các mô cơ và gân. Người bệnh có thể có nhiều điều đau khác nhau và một người có thể có đến 19 điểm đau trên khắp cơ thể.

Những điểm này sẽ bị đau khi ấn nhẹ. Người bệnh có thể cảm thấy đau cơ hoặc đau ở các dây chằng.

Hiện tượng đau cơ bắp tay
Có nhiều điểm đau trên cơ thể là dấu hiệu phổ biến của đau cơ xơ hóa

3. Cứng khớp

Một số bệnh nhân có thể bị cứng khớp tại nhiều vị trí khác nhau. Cứng khớp thường phổ biến vào buổi sáng, được cải thiện trong ngày nhưng thường nghiêm trọng hơn khi người bệnh gắng sức hoặc tập thể dục.

4. Mệt mỏi

Bệnh nhân đôi khi có thể bị kiệt sức, mệt mỏi hoặc cơ thể bị đè nặng. Điều này có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống, gây khó khăn trong công việc cũng như các thói quen sinh hoạt khác.

Do đó, một số bệnh nhân bị đau cơ xơ hóa có thể bị trầm cảm, lo âu hoặc có cảm giác bị cô lập do mệt mỏi kéo dài.

5. Chất lượng giấc ngủ kém

Hầu hết người bệnh đau cơ xơ hóa đều có vấn đề về giấc ngủ và cảm thấy mệt mỏi khi thức dậy, bất kể người bệnh đã ngủ bao lâu. Đau đớn thường là nguyên nhân chính gây mất ngủ, tuy nhiên đôi khi một số vấn đề khác, chẳng hạn như Hội chứng chân không yên, ngưng thở khi ngủ, cũng gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.

dấu hiệu nhận biết đau cơ xơ hóa
Người bệnh thường cảm thấy thiếu ngủ và mệt mỏi, bất kể đã ngủ bao lâu

Tình trạng giấc ngủ kém có thể khiến các cơ không được thư giãn và gây ảnh hưởng đến quá trình tái tái lại các mô. Do đó, một số bác sĩ cho rằng, thiếu ngủ cũng có thể dẫn đến các vấn đề về tinh thần, mệt mỏi thể chất và khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

6. Khó tập trung

Khó tập trung hay chứng “brain fog” (sương mù não) là một dấu hiệu nhận biết chứng đau cơ xơ hóa. Người bệnh có thể gặp khó khăn khi sử dụng đúng từ ngữ khi nói chuyện hoặc bị mất trí nhớ ngắn hạn. Những vấn đề này có xu hướng xảy ra nhiều lần, khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, lo lắng, căng thẳng và tăng nguy cơ trầm cảm.

Các triệu chứng kém tập trung hoặc sương mù não có thể kéo dài hàng giờ, hàng tuần hoặc lâu hơn. Đối với một số người bệnh, các triệu chứng có thể nghiêm trọng đến mức gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc và gây nguy hiểm trong một số hoạt động, chẳng hạn như lái xe hoặc vận hành máy móc.

7. Các triệu chứng liên quan

Đau cơ xơ hóa thường đi kèm với nhiều vấn đề y tế và bệnh lý tiềm ẩn khác, do đó có triệu chứng kèm theo có thể bao gồm:

thấp khớp
Đau cơ xơ hóa có thể dẫn đến các triệu chứng tương tự như viêm khớp dạng thấp hoặc bệnh viêm khớp khác
  • Viêm cột sống dính khớp
  • Lo lắng
  • Các vấn đề về bàng quang, bao gồm đi tiểu thường xuyên hoặc đau khi đi tiểu
  • Phiền muộn, lo lắng, mệt mỏi
  • Chóng mặt hoặc gặp khó khăn khi thăng bằng
  • Khô miệng
  • Nhạy cảm với ánh sáng chói, tiếng ồn lớn và một số loại thực phẩm
  • Các vấn đề phụ khoa, chẳng hạn như chu kỳ kinh nguyệt đau đớn, khô âm hộ hoặc lạc nội mạc tử cung
  • Suy giáp
  • Hội chứng ruột kích thích
  • Đau lưng dưới
  • Co giật hoặc co rút cơ
  • Viêm khớp dạng thấp
  • Ngưng thở khi ngủ
  • Bệnh lupus ban đỏ
  • Rối loạn hoặc viêm khớp thái dương hàm
  • Căng thẳng và đau nửa đầu
  • Nhạy cảm với nhiệt độ

Nguyên nhân gây đau cơ xơ hóa

Các bác sĩ không rõ nguyên nhân chính dẫn đến bệnh lý này. Tuy nhiên, tình trạng này có thể liên quan đến di truyền và được kích hoạt bởi một số yếu tố, chẳng hạn như nhiễm trùng, chấn thương hoặc căng thẳng.

Dưới đây là một số nguyên nhân cũng như yếu tố tiềm ẩn có thể dẫn đến đau cơ xơ hóa, chẳng hạn như:

1. Gen

Đau cơ xơ hóa thường xảy ra ở các thành viên trong gia đình. Nếu trong gia đình có một thành viên có tình trạng này, nguy cơ mắc bệnh của các thành viên khác thường cao hơn.

Các nhà nghiên cứu cho rằng, gen đóng một vai trò nào đó trong tình trạng này. Cụ thể, một số gen nhất định có thể ảnh hưởng đến việc truyền tín hiệu đau hóa học giữa các tế bào thần kinh.

nguyên nhân đau cơ
Đau cơ xơ hóa được cho là có liên quan đến yếu tố duy trì

2. Nhiễm trùng

Nhiễm trùng trong quá khứ có thể dẫn đến đau cơ xơ hóa hoặc khiến cho các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn. Các bệnh lý như cảm cúm, viêm phổi, nhiễm trùng đường tiêu hóa hoặc nhiễm vi khuẩn Salmonella và Shigella có thể gây ra bệnh lý này.

3. Chấn thương

Những người từng trải qua chấn thương tinh thần hoặc thể chất nghiêm trọng có thể làm tăng nguy cơ đau cơ xơ hóa. Ngoài ra, các rối loạn căng thẳng sau chấn thương tâm lý cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này.

4. Căng thẳng

Tương tự như chấn thương, căng thẳng có thể để lại những biến chứng lâu dài đến sức khỏe. Căng thẳng có thể dẫn đến những thay đổi về nội tiết tố và góp phần dẫn đến đau cơ xơ hóa.

Mặc dù không rõ nguyên nhân, tuy nhiên, các giả thuyết cho rằng, căng thẳng khiến não bộ giảm ngưỡng đau. Do đó, những cảm giác đau đớn sẽ tích tụ theo thời gian và dẫn đến các triệu chứng đau đớn, mệt mỏi quá mức.

Một giả thuyết khác cho rằng, các dây thần kinh đã phản ứng quá mức với các tín hiệu đau. Điều này khiến người bệnh trở nên nhạy cảm hơn, đến mức dẫn đến các cơn đau không cần thiết .

5. Bệnh tự miễn

Trong các bệnh lý tự miễn dịch như viêm khớp dạng thấp hoặc đa xơ cứng (Multiple Sclerosis – MS), cơ thể nhắm mục tiêu nhầm đến các mô protein, được gọi là tự kháng thể. Thông thường hệ thống miễn dịch sẽ tấn công virus, vi khuẩn, tuy nhiên trong các bệnh lý này, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các mô khỏe mạnh của cơ thể.

nguyên nhân gây đau cơ
Các bệnh tự miễn, chẳng hạn như đa xơ cứng, có thể làm tăng nguy cơ đau cơ xơ hóa

Các triệu chứng đau cơ xơ hóa rất giống với các triệu chứng rối loạn tự miễn dịch. Do đó, đôi khi tình trạng này được xếp vào bệnh tự miễn, tuy nhiên tình trạng này rất khó xác định.

Một người có thể đồng thời mắc bệnh tự miễn dịch và đau cơ xơ hóa.

6. Yếu tố nguy cơ

Có một số yếu tố và điều kiện có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đau cơ xơ hóa bao gồm:

  • Giới tính: Hầu hết người bệnh đau cơ xơ hóa được chẩn đoán là phụ nữ. Tuy nhiên nguyên nhân dẫn đến sự chênh lệch giới tính giữa các bệnh nhân là không rõ ràng.
  • Tuổi tác: Tình trạng này thường được chẩn đoán ở tuổi trung niên và nguy cơ tăng dần theo tuổi tác. Tuy nhiên đôi khi trẻ em và thanh thiếu niên cũng được chẩn đoán mắc bệnh đau cơ xơ hóa.
  • Tiền sử gia đình: Nếu sinh ra trong gia đình có thành viên mắc bệnh đau cơ xơ hóa thì nguy cơ sẽ cao hơn.
  • Tiền sử y tế: Mặc dù bệnh lý này không phải là một dạng viêm khớp, tuy nhiên người bệnh có tiền sử viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ, có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Chẩn đoán đau cơ xơ hóa như thế nào?

Việc chẩn đoán đau cơ xơ hóa thường gặp nhiều khó khăn. Do đó, người bệnh có thể trải qua nhiều lần kiểm tra, xét nghiệm bởi các bác sĩ thuộc nhiều chuyên khoa khác nhau.

1. Kiểm tra thể chất

Người bệnh thường sẽ trải qua một cuộc xét nghiệm thể chất và thông báo với bác sĩ về các điểm hoặc khu vực bị đau đớn. Một số bác sĩ có thể ấn nhẹ vào những vùng cơ thể bị đau, thường được gọi là điểm đau, những vùng sâu trong mô cơ và mô gân của người bệnh.

Bác sĩ cũng có thể kiểm tra tiền sử y tế gia đình, để xác định các thành viên khác có triệu chứng tương tự hay không, bởi vì đau cơ xơ hóa có thể liên quan đến gen di truyền.

2. Tiêu chí chẩn đoán

Hướng dẫn chẩn đoán đau cơ xơ hóa được phát triển vào năm 1990, bao gồm khám sức khỏe và kiểm tra 18 điểm đau. Vào năm 2010, Trường Cao đẳng Thấp khớp học Hoa Kỳ đã sửa đổi tiêu chí tăng thành 19 điểm đau.

Các tiêu chí xem các điểm đau là phần quan trọng của chẩn đoán. Các triệu chứng phải trải qua ít nhất ba tháng và loại trừ tất cả nguyên nhân khác có thể dẫn đến tình trạng này.

tiêu chí chẩn đoán
Bác sĩ có thể kiểm tra thể chất để xác định các điểm và mức độ nghiêm trọng của cơn đau

Về cơ bản, tiêu chí chẩn đoán bệnh dựa vào hai vấn đề chính là đau lan rộng và mức độ nghiêm trọng của cơn đau.

  • Chỉ số đau lan rộng: Bệnh nhân thường được hỏi  về các điểm bất kỳ trong số 19 điểm đau theo tiêu chuẩn. Mỗi điểm đau được tính là 1 điểm và số điểm của chỉ số này nằm trong khoảng 0 – 19.
  • Mức độ nghiêm trọng của cơn đau: Mức độ được xác định bằng tình trạng mệt mỏi và khả năng ảnh hưởng đến giấc ngủ của người bệnh. Thang điểm nghiêm trọng được xếp hạng từ 0 – 12.

Dựa theo tiêu chuẩn như trên, người bệnh được chẩn đoán đau cơ xơ hóa khi:

  • Điểm của chỉ số đau trên diện rộng từ 7 trở lên và thang đo mức độ nghiêm trọng từ 5 trở lên.
  • Điểm của chỉ số đau trên diện rộng từ 3 – 6 trở lên và thang đo mức độ nghiêm trọng từ 9 trở lên.

Biện pháp điều trị đau cơ xơ hóa

Điều trị đau cơ xơ hóa thường kết hợp nhiều biện pháp khác nhau, bởi vì không có loại thuốc hoặc phương pháp duy nhất nào có thể cải thiện tất cả các triệu chứng. Mục tiêu điều trị bao gồm giảm đau, tăng cường chất lượng giấc ngủ, cải thiện tâm trạng và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tùy thuộc vào tình trạng cụ thể, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp điều trị như:

1. Vận động nhẹ nhàng

Tập thể dục và duy trì hoạt động thể chất được xem là phương pháp điều trị đau cơ xơ hóa hiệu quả nhất. Phương pháp này có thể cải thiện trương lực cơ, giảm căng thẳng, sản xuất endorphin (chất giảm đau tự nhiên của cơ thể), từ đó giúp người bệnh ngủ ngon hơn và giúp ngăn ngừa tăng cân.

tập thể dục tăng cường sức khỏe
Thường xuyên tập thể dục và vận động nhẹ nhàng có thể cải thiện sức khỏe tổng thể

Tuy nhiên tập thể dục có thể khó khăn đối và khiến người bệnh mệt mỏi hơn. Điều quan trọng là bắt đầu chậm, sắp xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý giữa các buổi tập và tập trung vào các bài tập tác động thấp.

Trong thời gian đầu, các bài tập có thể gây đau đớn và khó chịu, tuy nhiên kiên trì trong một thời gian để mang lại hiệu quả tốt nhất.

Các môn thể dục nhịp điệu, tập thể dục dưới nước được cho là phù hợp với tình trạng này. Tuy nhiên người bệnh nên trao đổi với các chuyên gia hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn phù hợp nhất.

2. Cải thiện chất lượng giấc ngủ

Các vấn đề về giấc ngủ là một trong những triệu chứng phổ biến của người bệnh đau cơ xơ hóa. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch tăng cường chất lượng giấc ngủ để cải thiện sức khỏe tổng thể.

Tập thể dục vào ban ngày và cải thiện Hội chứng chân không yên có thể giúp người bệnh ngủ ngon hơn. Bên cạnh đó, có một số biện pháp cải thiện giấc ngủ, chẳng hạn như:

  • Thiết lập chu kỳ ngủ và thức đều đặn, tức là đi ngủ và thức dậy cùng một thời gian mỗi ngày, kể cả cuối tuần
  • Thực hiện các kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như đọc sách hoặc nghe nhạc trước khi đi ngủ
  • Ngừng sử dụng các thiết bị điện tử, chẳng hạn như điện thoại di động, máy tính hoặc TV trước khi đi ngủ khoảng 1 giờ
  • Hạn chế tiêu thụ caffeine vào buổi sáng, không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng các loại thuốc có thể làm gián đoạn giấc ngủ

3. Giảm căng thẳng

Các nghiên cứu cho biết, giảm căng thẳng và lo lắng có thể giúp cải thiện các triệu chứng đau cơ xơ hóa, giúp người bệnh thoải mái hơn và tránh các nguy cơ liên quan. Các biện pháp phổ biến bao gồm thiền định và hít thở sâu. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể liên hệ với một nhà trị liệu để được hướng dẫn cụ thể hơn.

4. Cải thiện chế độ dinh dưỡng

Một số bệnh nhân đau cơ xơ hóa có thể nhạy cảm với một số loại thực phẩm. Do đó, người bệnh được khuyến khích thực hiện chế độ ăn uống nhiều trái cây, rau xanh và ít thực phẩm tinh chế, chẳng hạn như đường, mỳ gói hoặc thực phẩm đóng hộp.

Đau cơ xơ hóa ăn gì
Người bệnh đau cơ xơ hóa được khuyến khích ăn nhiều thực vật và hạn chế thực phẩm chế biến sẵn

Chế độ ăn uống chứa thịt nạc, cá và các loại đậu cũng lành mạnh và được khuyến khích hơn so với chế độ ăn uống nhiều thịt đỏ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần uống nhiều nước để đảm bảo các hoạt động bình thường trong cơ thể.

5. Sử dụng thực phẩm bổ sung

Một số bệnh nhân đau cơ xơ hóa thường có nồng độ magie thấp và đôi khi bác sĩ có thể đề nghị người bệnh bổ sung magie hoặc kết hợp với thuốc amitriptyline. Magiê cũng có thể được cung cấp dưới dạng miếng dán ngoài da.

Một số nghiên cứu khác cũng phát hiện, việc bổ sung Coenzyme Q10, hoặc ubiquinone cũng có thể cải thiện các triệu chứng bệnh.

Bác sĩ cũng có thể đề nghị các chất bổ sung khác, bao gồm thảo dược thiên nhiên, để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng.

Ngoài ra, nếu người bệnh sử dụng các sản phẩm khác, bao gồm các dược liệu thiên nhiên hoặc mẹo dân gian cần thông báo với bác sĩ, để tránh tương tác hoặc nhạy cảm giữa các sản phẩm.

6. Thuốc điều trị

Thuốc được sử dụng để kiểm soát các cơn đau và triệu chứng đau cơ xơ hóa. Tuy nhiên không có một loại thuốc nào có thể chữa khỏi hoặc kiểm soát các triệu chứng bệnh, do đó người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc giảm đau mà không có sự chỉ định của bác sĩ.

thuốc điều trị đau cơ
Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn

Các loại thuốc phổ biến được sử dụng bao gồm:

  • Pregabalin: Đây là một loại thuốc được sử dụng để giảm đau, cải thiện tình trạng lo lắng và hỗ trợ ngăn ngừa một số vấn đề về giấc ngủ. Tác dụng phụ bao gồm tăng cân, khô miệng và chóng mặt.
  • Duloxetine: Đây là một loại thuốc chống trầm cảm, giảm giảm đau và cải thiện chức năng. Tác dụng phụ bao gồm ngứa, buồn nôn, kích động.
  • Milnacipran HCI: Đây là một loại thuốc hoạt động như thuốc chống trầm cảm, giúp làm giảm cảm giác đau đớn và mệt mỏi. Các tác dụng phụ bao gồm chóng mặt, buồn nôn và táo bón.

Các loại thuốc chống trầm cảm cũng góp phần dẫn đến suy nghĩ hoặc hành động tự sát và tim đập nhanh hơn. Người bệnh nên liên hệ với bác sĩ nếu nhận thấy các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Các loại thuốc không được xem là hiệu quả:

Một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp, thấp khớp và những cơn đau thông thường không có tác dụng tương tự đối với bệnh đau cơ xơ hóa, do đó người bệnh không nên tự ý sử dụng. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:

  • Thuốc chống viêm không steroid thường không mang lại hiệu quả điều trị tình trạng này. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể được sử dụng trong thành phần của thuốc điều trị đau cơ xơ hóa.
  • Thuốc giảm đau gây  nghiện còn được gọi là opioid, là thuốc giảm đau cực mạnh nhưng thường bị tránh sử dụng để điều trị tình trạng đau cơ xơ hóa. Ngoài ra, opioid tiềm ẩn nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng và có thể gây nghiện, do đó thường ít khi được sử dụng.

Các loại thuốc hoạt động theo những cách khác nhau thường được kết hợp để điều trị nhiều triệu chứng bệnh. Đôi khi bệnh nhân cũng nhận thấy rằng một loại thuốc mất tác dụng theo thời gian, do đó người bệnh nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.

7. Biện pháp khác

Có một số biện pháp giúp kiểm soát cơn đau và căng thẳng, chẳng hạn như yoga, thiền định, cũng được chỉ định điều trị đau cơ xơ hóa. Các biện pháp này có thể làm giảm căng thẳng, giảm đau an toàn và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.

yoga tăng cường sức khỏe
Tham gia các lớp tập thể dục, yoga hoặc thái cực quyền có thể góp phần cải thiện các triệu chứng

Các biện pháp bổ sung bao gồm:

  • Châm cứu: Châm cứu sử dụng những kim châm nhỏ tác động vào các huyệt đạo nhằm khôi phục sự cân bằng của cơ thể.
  • Xoa bóp: Liệu pháp này sử dụng những kỹ thuật và thao tác khác nhau trên khắp cơ thể để giúp giảm đau và thư giãn. Xoa bóp, massage có thể làm giảm nhịp tim, thư giãn cơ bắp, cải thiện phạm vi chuyển động của khớp, tăng khả năng giảm đau tự nhiên của cơ thể, giảm căng thẳng và lo lắng.
  • Yoga và thái cực quyền: Đây là các môn tập luyện sử dụng các chuyển động chậm, hít thở sâu và thư giãn. Cả hai phương pháp này được cho là hữu ích trong việc kiểm soát các triệu chứng đau cơ xơ hóa.

Sống chung với bệnh đau cơ xơ hóa

Hiện tại không có biện pháp điều trị dứt điểm tình trạng đau cơ xơ hóa, do đó người bệnh cần có kế hoạch cải thiện các triệu chứng cũng như sống chung với bệnh. Người bệnh cần nắm bắt được các triệu chứng và kiên trì theo đuổi phương pháp điều trị phù hợp. Đôi khi người bệnh có thể cần thử nhiều biện pháp điều trị khác nhau hoặc kết hợp nhiều liệu pháp để cảm thấy tốt hơn, do đó điều quan trọng là kiên trì và tìm ra biện pháp phù hợp nhất.

Đau cơ xơ hóa là tình trạng mãn tính, lâu dài và không có cách điều trị. Tuy nhiên việc sử dụng thuốc theo hướng dẫn, thay đổi lối sống, thường xuyên tập thể dục, chế độ ăn uống nhiều thực vật và giữ tinh thần thoải mái, có thể giúp cải thiện các triệu chứng. Trong trường hợp cơn đau nghiêm trọng, gây mất ngủ hoặc lo lắng, trầm cảm, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ để được hỗ trợ phù hợp.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua