Đau Bàn Chân
Đau bàn chân xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Tùy thuộc vào vị trí, người bệnh có thể bị đau do thoái hóa xương khớp, gout, bàn chân bẹt, nhiễm trùng, bong gân, căng cơ, gãy xương, đứt gân gót… Thông thường để cải thiện, người bệnh sẽ được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc kết hợp dùng thuốc hoặc phẫu thuật ở những trường hợp tổn thương xương khớp nặng.
Đau bàn chân là gì?
Bàn chân là một cấu trúc giải phẫu phức tạp, bao gồm khớp, xương, cơ, gân, dây chằng, mạch máu, dây thần kinh, mô mềm và da. Chúng có thể bị ảnh hưởng bởi chấn thương, các bệnh tật ở bên trong cơ thể hoặc ở bàn chân.
Đau bàn chân là tình trạng đau nhói hoặc đau âm ỉ kèm theo sưng, đỏ/ bầm tím ở toàn bộ bàn chân. Đôi khi chỉ có một bộ phận bị ảnh hưởng như gót chân, ngón chân, vòm chân…Tình trạng này khiến các hoạt động bình thường của người bệnh bị cản trở, thay đổi dáng đi và khó đứng vững.
Có nhiều nguyên nhân gây tổn thương bàn chân và tạo cảm giác đau nhói. Phần lớn là những nguyên nhân nghiêm trọng, cần được điều trị sớm. Vì thế những người có vấn đề ở bàn chân được khuyến khích đến bệnh viện kiểm tra kỹ lưỡng và xác định nguyên nhân. Thông thường điều trị đau bàn chân sẽ dựa vào nguyên nhân gây đau. Theo đó mỗi bệnh nhân có thể được hướng dẫn các biện pháp chăm sóc (sử dụng nhiệt, nghỉ ngơi, massage…), dùng thuốc, vật lý trị liệu hoặc phẫu thuật.
Nguyên nhân gây đau bàn chân
Đau bàn chân xảy ra do nhiều nguyên nhân. Các nguyên nhân phổ biến gồm:
1. Viêm cân gan chân (Plantar Fasciitis)
Viêm cân gan chân chủ yếu gây đau nhiều ở gót chân/ vòm chân, đôi khi đau lan rộng toàn bộ bàn chân. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng viêm hoặc kích ứng của dải mô cứng liên kết xương gót chân với các ngón chân.
Khi bị viêm cân gan chân, bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau nhói hoặc đau âm ỉ ở gót chân, đau lan rộng hết vòm chân. Trong một số thời điểm, cơn đau có thể nghiêm trọng hơn và lan rộng toàn bộ bàn chân. Cụ thể như vào buổi sáng khi bước ra khỏi giường.
2. Gai gót chân
Gai gót chân là nguyên nhân gây đau bàn chân thường gặp. Bệnh lý này là sự phát triển bất thường của các tế bào xương dưới gót chân khiến gai xương hình thành và chèn ép vào mô mềm.
Phần lớn các trường hợp gai gót chân thường không bị đau. Tuy nhiên cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên ở những người có vòm cao hoặc có bàn chân phẳng. Đau ngay cả khi đứng hoặc đang đi.
3. Gãy xương
Gãy xương gót chân/ ngón chân có thể xảy ra sau một va chạm mạnh hoặc chấn thương trong khi chơi thể thao/ lao động/ tai nạn giao thông. Gãy xương khiến bệnh nhân đột ngột đau nhói ở bàn chân, đau nhiều hơn ở vị trí tổn thương kèm theo bầm, sưng to, bệnh nhân không thể đứng lên chân tổn thương.
Đối với những trường hợp bị vỡ hoặc gãy xương hoàn toàn, xương gãy có thể đâm qua da gây chảy máu và biến dạng. Bệnh nhân bị đau bàn chân do gãy xương cần được nẹp và được đưa đến bệnh viện ngay lập tức để điều trị đúng cách.
4. Viêm bóng bàn chân
Viêm bóng bàn chân gây đau ở cổ chân và thường lan rộng xuống toàn bộ bàn chân. Tình trạng này có thể xảy ra từ việc mang giày không vừa vặn hoặc vận động gắng sức.
5. U thần kinh Morton
U thần kinh Morton là sự dày lên của những mô xung quanh các dây thần kinh. Chúng nằm giữa các gốc của ngón chân. Bệnh lý này khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác đau nhức, khó chịu hoặc tê ở bàn chân. Ngoài ra đau có thể nghiêm trọng hơn ở các ngón chân.
Phụ nữ thường bị u thần kinh Morton hơn so với nam giới. Đây có thể là kết quả của việc đi giày chặt hoặc đi giày cao gót.
6. Viêm màng túi
Hai xương gần ngón chân cái chỉ được nối với nhau bằng các đường gân. Khi có chấn thương, sử dụng khớp quá mức hoặc vận động mạnh, các gân sẽ bị viêm và dẫn đến những cơn đau nhức khó chịu.
7. Bàn chân bẹt
Đau bàn chân có thể xảy ra do bàn chân bẹt. Đối với người bình thường, cấu trúc bàn chân sẽ có vòm cong để phân bố đều áp lực từ trọng lượng và giúp toàn bộ cơ thể được cân bằng khi thực hiện các hoạt động như đi, đứng, chạy…
Đối với những người bị bàn chân bẹt, khi quan sát sẽ không thấy vòm cong. Điều này khiến cơ thể bị mất cân bằng, cột sống và khớp háng có dấu hiệu xoay lệch. Bệnh xảy ra lâu ngày làm hệ xương suy yếu. Từ đó phát sinh ra những cơn đau ở gót chân, đau mắt cá, đau thắt lưng, đau đầu gối, đau cổ gáy.
8. Tổn thương gân và cơ
Những tổn thương gân và cơ ở bàn chân như căng cơ, bong gân… là một trong những nguyên nhân gây đau bàn chân phổ biến. Tình trạng này thường gây đau kèm theo sưng, yếu và bầm tím. Đôi khi các triệu chứng khiến bệnh nhân khó đứng dậy và hoạt động.
Căng cơ và bong gân thường xảy ra khi bàn chân đột ngột xoay/ lật ngang do chơi thể thao, té ngã, va chạm mạnh với các chướng ngại vật…
9. Ngón chân đầu búa
Ngón chân đầu búa là tình trạng các khớp ngón chân bị biến dạng và uốn cong lên như móng vuốt. Điều này thường gây va chạm, tạo cảm giác đau và khó chịu khi mang giày. Các triệu chứng có xu hướng nghiêm trọng hơn theo thời gian. Vì thế người bệnh cần sớm thăm khám và điều trị đúng cách.
10. Bệnh gout
Bệnh gout có thể là nguyên nhân gây đau nhức nghiêm trọng ở bàn chân. Đây là một tình trạng tích tụ axit uric trong cơ. Bệnh xảy ra khi nồng độ axit uric trong máu tăng cao (do rối loạn chuyển hóa nhân purin) làm lắng đọng các tinh thể muối urat natri ở khớp. Điều này dẫn đến những đợt viêm cấp, đau và sưng khớp. Ngoài ra các khớp bị tổn thương còn có dấu hiệu nóng và đỏ dữ dội.
Tổn thương do bệnh gout có thể xuất hiện ở bất kỳ khớp xương nào. Tuy nhiên bệnh chủ yếu làm tổn thương khớp ngón chân cái trước khi lan rộng đến các khớp khác.
11. Vuốt ngón chân
Vuốt ngón chân là tình trạng những ngón chân hướng lên hoặc hướng xuống, không thể duỗi thẳng. Tình trạng này thường khởi phát từ những tổn thương dây thần do lạm dụng rượu, bệnh tiểu đường hoặc một số bệnh lý khác trong cơ thể.
Bệnh làm suy yếu các cơ ở bàn chân. Thông thường những người bị vuốt ngón chân cần điều trị y tế kết hợp sử dụng giày dép phù hợp để phòng ngừa chai sần, kích ứng và đau nhói.
12. Trẹo ngón chân cái
Trẹo ngón chân cái gây ra cảm giác đau nhức ở phần gốc của ngón chân cái. Đối với trường hợp này, người bệnh thường đột ngột đau nhói kèm theo sưng hoặc bầm tím nhẹ ở ngón chân tổn thương. Đôi khi cơn đau có thể lan rộng sang một vài bộ phận của bàn chân như như vòm chân, gót chân nhưng thường ít gặp.
Đau bàn chân trong trẹo ngón chân cái thường xảy ra do chấn thương chơi thể thao, căng thẳng hoặc do sử dụng bàn chân/ ngón chân quá mức.
13. Bong gân ngón chân
Khi vấp ngón chân hoặc té ngã có thể gây bong gân ngón chân. Tình trạng này làm ảnh hưởng đến gân cùng với những mô mềm bao quanh ngón chân.
Đau do bong gân ngón chân thường không thuyên giảm. Các triệu chứng có thể nhanh chóng thuyên giảm sau vài ngày. Nếu có gãy xương ngón chân, người bệnh cần đến bệnh viện để được xử lý đúng cách.
14. Hội chứng cứng khớp Hallux
Hội chứng cứng khớp Hallux còn được gọi là hội chứng cứng ngón chân cái. Đây là một loại viêm khớp xảy ra ở gốc ngón chân cái. Bệnh xảy ra khiến bệnh nhân thường có cảm giác đau nhức, khó chịu kèm theo cứng khớp, khó duỗi hoặc thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày.
Các triệu chứng của hội chứng cứng khớp Hallux có xu hướng tăng mức độ nghiêm trọng theo thời gian nên cần điều trị y tế càng sớm càng tốt. Thông thường người bệnh sẽ được yêu cầu dùng thuốc kết hợp luyện tập kéo giãn để điều trị. Đôi khi phẫu thuật được chỉ định ở những trường hợp nặng.
15. Tổn thương dây thần kinh
Tổn thương dây thần kinh ở bàn chân hoặc các bệnh thần kinh thường xảy do bệnh tiểu đường. Tình trạng này khiến bệnh nhân thường xuyên có cảm giác đau buốt ở bàn chân kèm theo bỏng rát, ngứa ran, tê và châm chích tương tự như có điện.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, tổn thương dây thần kinh có thể khiến triệu chứng xuất hiện ở một vị trí hoặc toàn bộ bàn chân.
16. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp có thể là nguyên nhân gây đau bàn chân, đặc biệt là các ngón chân. Đây là một bệnh rối loạn tự miễn trong cơ thể. Bệnh xảy ra khi các rối loạn khiến hệ thống miễn dịch tự tấn công vào những mô khỏe mạnh trong cơ thể và dẫn đến viêm.
Bệnh gây tổn thương nghiêm trọng cho khớp (đặc biệt là bàn chân, bàn tay và khớp gối), ngoài khớp và những cơ quan quan trọng trong cơ thể. Các triệu chứng thường gặp gồm cứng khớp, sưng, đỏ khớp, đau nhức, nóng da, đỏ, xuất hiện nốt thấp, nhức mỏi toàn thân…
17. Thoái hóa khớp bàn chân
Thoái hóa khớp có thể xảy ra ở các khớp thuộc bàn chân (điển hình như khớp ngón chân, mắt cá…) và dẫn đến đau nhức. Bệnh thể hiện cho hiện tượng hao mòn sụn đệm trong khớp do quá trình lão hóa. Trong một số trường hợp, thoái hóa khớp bàn chân xảy ra do bàn chân dẹt, chấn thương, bất động lâu ngày hoặc sử dụng khớp quá mức.
Cứng khớp và đau bàn chân do thoái hóa khớp bàn chân khiến bệnh nhân khó đứng vững, đi lại hoặc thực hiện những hoạt động liên quan đến bàn chân. Ngoài ra gai xương có thể hình thành do thoái hóa khớp lâu ngày.
18. Một số nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân phổ biến nêu trên, đau bàn chân có thể xuất hiện do một số tình trạng y tế sau:
- Vết chai ở ngón hoặc/ và bàn chân
- Đau ở mép ngoài bàn chân do tổn thương xương
- Cứng hoặc tắc nghẽn động mạch ở bàn chân và chân
- Có vết loét ở chân
- Thừa cân/ béo phì, tăng cân do mang thai làm tăng áp lực lên bàn chân
- Bệnh động mạch ngoại vi (PAD)
- Đứt gân gót
- Viêm bao hoạt dịch ngón chân
- Móng chân mọc ngược
- Đau cổ chân
- Viêm tủy xương
- Viêm xương khớp
- Bệnh Paget của xương
- Viêm khớp vảy nến
- Viêm khớp phản ứng
- Mụn cóc
- Bệnh Raynaud
- Viêm khớp nhiễm khuẩn
- Khối u
- Hội chứng đường hầm cổ chân
- Viêm gân Achilles
- Bệnh đái tháo đường
- Giãn dây chằng
Đau bàn chân – Khi nào cần gặp bác sĩ?
Người bệnh cần đến bệnh viện và trao đổi thông tin với bác sĩ chuyên khoa nếu có một trong những vấn đề sau:
- Đau nhức nhiều, không có biểu hiện thuyên giảm/ tăng dần theo thời gian.
- Đau liên tục 48 giờ.
- Cơn đau kéo dài và không thuyên giảm sau 7 ngày chăm sóc tại nhà.
- Đau bàn chân kèm theo sưng và bầm tím nghiêm trọng.
- Cơn đau khiến bệnh nhân không thể đứng vững, đè nặng lên bàn chân hoặc đi lại.
- Xuất hiện vết thương chảy mủ hoặc vết thương hở.
- Có dấu hiệu nhiễm trùng. Điển hình như sốt trên 37,8 độ, đau vùng bị ảnh hưởng, nổi mẫn đỏ, sờ thấy ấm…
- Mắc bệnh tiểu đường, có vết thương sâu, ấm khi chạm vào, đỏ hoặc không lành.
- Đau nhiều khớp ở bàn chân.
- Đau bàn chân kèm theo ngứa ran hoặc tê buốt.
- Dị dạng ở bàn chân.
Chẩn đoán nguyên nhân đau bàn chân
Đầu tiên bác sĩ sẽ quan sát và khám các biểu hiện bên ngoài (sưng, đỏ, bầm tím, ấm, biến dạng xương). Đồng thời yêu cầu bệnh nhân mô tả triệu chứng đau, vị trí và mức độ nghiêm trọng.
Sau đó người bệnh sẽ được hướng dẫn thực hiện một số động tác chủ động và bị động để kiểm tra dáng đi, đánh giá khả năng vận động và những hoạt động khiến cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu không thể xác định nguyên nhân bằng thăm khám lâm sàng, một số xét nghiệm hình ảnh sẽ được xem xét và chỉ định. Cụ thể:
- Xét nghiệm máu: Một lượng máu nhỏ của người bệnh sẽ được đưa vào phòng thí nghiệm để kiểm tra tình trạng nhiễm trùng (phân loại, mức độ ảnh hưởng), yếu tố dạng thấp và lượng đường huyết trong máu. Từ đó góp phần chẩn đoán phân biệt.
- Chụp X-quang: Xét nghiệm này được chỉ định nếu có nghi ngờ đau bàn chân xảy ra do những tổn thương xương. Điển hình như gãy xương, gai xương, u xương…
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ tạo ra hình ảnh chi tiết về các mô mềm quanh xương khớp của bàn chân. Điều này cho phép bác sĩ kiểm tra tổn thương, xác định nguyên nhân gây đau bàn chân, đánh giá tính nghiêm trọng và mô tả khối u (nếu có).
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT tạo ra hình ảnh cắt lớp giúp kiểm tra xương và mô mềm. So vói chụp X-quang, CT có khả năng xác định những tổn thương nhỏ và khó tìm thấy.
- Siêu âm: Kỹ thuật này có thể được chỉ định để kiểm tra những vấn đề ở gân, cơ, dây chằng.
Biện pháp giảm đau bàn chân
Nếu chưa thể đến bệnh viện hoặc có cơn đau nhẹ, người bệnh có thể giảm đau nhanh bằng một số biện pháp dưới đây:
- Nghỉ ngơi
Hãy để bàn chân được nghỉ ngơi khi cơn đau bắt đầu. Người bệnh không nên vận động quá mạnh hoặc cố gắng đi lại cho đến khi cơn đau giảm hẳn. Sau khi đau thuyên giảm bạn có thể đi từng bước nhỏ hoặc thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng để hỗ trợ điều trị và giảm cứng khớp.
- Nâng cao chân
Hãy dùng một chiếc gối nâng cao chân (cao hơn tim) trong thời gian nghỉ ngơi. Biện pháp này có tác dụng giảm đau và giảm sưng đỏ nhờ hạn chế máu lưu thông qua khớp tổn thương.
- Sử dụng miếng đệm chân
Việc sử dụng miếng đệm chân có thể hạn chế những hoạt động làm cọ xát vào vùng bị ảnh hưởng. Từ đó hạn chế tổn thương và đau nhức nhiều hơn.
- Chườm lạnh
Chườm lạnh giúp giảm sưng, đau và bầm tím hiệu quả. Cách này nên được thực hiện trong 2 – 3 ngày đầu chấn thương (bong gân, giãn dây chằng…). Để thực hiện, người bệnh cần đổ đầy đá lạnh vào túi nhựa hoặc khăn bông. Sau đó áp lên khu vực bị đau từ 15 – 20 phút. Biện pháp chườm lạnh nên được thực hiện đều đặn từ 2 – 3 lần mỗi ngày.
- Massage bàn chân
Massage bàn chân chính là một trong những cách giảm đau bàn chân hiệu quả, được nhiều người áp dụng. Những động tác và lực tác động nhẹ nhàng từ bàn tay có thể giúp khí huyết lưu thông về khớp tổn thương, giảm đau, hạn chế tê bì, cứng khớp và giúp đôi chân hoạt đông linh hoạt hơn.
- Bài tập kéo giãn
Người bệnh có thể thử một số bài tập kéo giãn như xoay khớp, duỗi thẳng chân… trong thời gian điều trị đau bàn chân. Biện pháp này có tác dụng giảm căng thẳng/ áp lực cho các khớp xương và mô mềm, hỗ trợ giảm đau, hạn chế cứng khớp và giúp các hoạt động của bàn chân trở nên linh hoạt hơn.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn
Khi cơn đau xuất hiện, người bệnh nên đùng Paracetamol với liều 500mg/ lần mỗi 4 – 6 giờ. Thuốc này không chỉ giúp hạ sốt mà còn có tác dụng giảm sưng và đau hiệu quả. Tuy nhiên Paracetamol chỉ phù hợp với những cơn đau nhẹ.
Người bệnh có thể dùng Ibuprofen với liều 200 – 400mg/ lần mỗi 4 – 6 giờ nếu cơn đau nghiêm trọng hơn. Đây là thuốc giảm đau không steroid. Thuốc có tác dụng giảm đau ở mức trung bình và điều trị viêm. Tuy nhiên không nên dùng Ibuprofen trong 48 giờ đầu tiên sau khi tổn thương xuất hiện.
Điều trị y tế
Dựa vào kết quả chẩn đoán, người bệnh sẽ được hướng dẫn điều trị đau bàn chân với những phương pháp sau:
1. Sử dụng thuốc kê đơn
Đối với những cơn đau từ nhẹ đến vừa, người bệnh sẽ được yêu cầu tiếp tục sử dụng Paracetamol hoặc Ibuprofen. Đối với những cơn đau nghiêm trọng hơn, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc sau:
- Thuốc giảm đau nhóm Opioid: Opioid là nhóm thuốc giảm đau gây nghiện. Thuốc chỉ được dùng cho những trường hợp đau nhiều và không có đáp ứng với Ibuprofen. Nhóm thuốc này có khả năng giảm đau nhanh và hiệu quả nhưng chỉ dùng điều trị ngắn hạn. Opioid thường được dùng với Paracetamol để tăng hiệu quả kiểm soát đau và hạn chế tác dụng phụ.
- Thuốc chống trầm cảm: Nếu đau bàn chân làm ảnh hưởng đến giấc ngủ, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng thuốc chống trầm cảm. Thuốc này có tác dụng an thần, hỗ trợ giấc ngủ và giảm đau.
- Thuốc giãn cơ: Thuốc giãn cơ được dùng cho những trường hợp đau bàn chân do căng cơ. Thuốc này có tác dụng thư giãn các cơ căng thẳng và giảm đau.
- Steroid: Steroid được dùng cho những trường hợp viêm, sưng và đau nặng do các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp. Thuốc này có tác dụng giảm viêm, sưng và đau nhức xương khớp hiệu quả.
- Thuốc kháng sinh/ kháng lao: Thuốc này được dùng cho những trường hợp đau bàn chân do nhiễm trùng. Thuốc có tác dụng tiêu diệt tác nhân nhanh và hiệu quả.
- Thuốc trị tiểu đường: Những người có vấn đề ở bàn chân do tiểu đường cần sử dụng những loại thuốc điều chỉnh đường huyết để hạn chế tình trạng.
2. Vật lý trị liệu
Phần lớn trường hợp đau bàn chân điều được hướng dẫn bài tập vật lý trị liệu để kiểm soát tình trạng. Phương pháp này có tác dụng giảm cứng và đau khớp, hạn chế căng cơ, sưng nóng. Đồng thời tăng lưu thông máu, giảm tê buốt hiệu quả.
Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng tăng tính linh hoạt, sức bền của hệ xương khớp và nâng cao khả năng vận động của bệnh nhân. Phương pháp này phù hợp với những bệnh nhân bị đau do chấn thương, những bệnh lý liên quan đến mô mềm và xương khớp, bệnh nhân sau phẫu thuật định hình xương, điều trị ổ viêm.
3. Phẫu thuật
Những trường hợp bị đau bàn chân cần phẫu thuật:
- Gãy xương
- Bệnh Gout/ viêm khớp dạng thấp phá hủy khớp
- Ổ viêm nặng
- Gai xương có kích thước lớn
- Tổn thương không thể phục hồi
- Thất bại khi điều trị bảo tồn
Tùy thuộc vào tình trạng, phẫu thuật nội soi hoặc mổ hở có thể được chỉ định để giải quyết.
Phòng ngừa đau bàn chân
Những nguyên nhân gây đau bàn chân không được ngăn ngừa hoàn toàn. Tuy nhiên tần suất tổn thương và đau nhức có thể giảm khi thực hiện một số biện pháp dưới đây:
- Duy trì cân nặng hợp lý.
- Lựa chọn giày đi thoải mái, vừa vặn và có đệm tốt
- Hạn chế mang giày cao gót hoặc những đôi giày chặt hẹp
- Vệ sinh bàn chân mỗi ngày. Luôn mang dép khi ở ngoài trời
- Áp dụng các bài tập khởi động trước khi chơi thể thao, vận động nặng hoặc thực hiện những hoạt động có khả năng gây chấn thương cao.
- Thận trọng khi lao động, lái xe và chơi thể thao để hạn chế chấn thương bàn chân (bong gân, trật khớp, tổn thương sụn…)
- Đảm bảo bổ sung đầy đủ dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống. Điều này giúp tăng cường sức khỏe, hạn chế tình trạng thoái hóa khớp sớm. Đồng thời duy trì hệ xương khỏe mạnh và giảm nguy cơ chấn thương dẫn đến đau bàn chân.
- Nên vận động mỗi ngày với các bộ môn đơn giản và có cường độ thích hợp như yoga, tập dưỡng sinh, bơi lội, đi bộ, đạp xe… Điều này giúp duy trì độ dẻo dai và sức khỏe của xương khớp, mô mềm, gân, dây chằng… Từ đó giảm thiểu các nguyên nhân gây đau bàn chân.
Có nhiều nguyên nhân gây đau bàn chân. Phần lớn các nguyên nhân đều nghiêm trọng và cần điều trị y tế. Chính vì thế nếu cơn đau không thuyên giảm sau 7 – 14 ngày chăm sóc tại nhà hoặc kèm theo các biểu hiện nghiêm trọng, người bệnh nên tìm gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán tình trạng và hướng dẫn các phương pháp điều trị.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!