Căng Cơ Cổ

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Chuyên môn: , Đau lưng, Loãng xương, Thoái hóa cột sống, Viêm đau khớp | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Căng cơ cổ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Đôi khi cơ tổn thương và bị kích thích bởi tư thế xấu hoặc hoạt động quá mức. Trong nhiều trường hợp khác, cơ tổn thương bắt nguồn từ những cử động lặp đi lặp lại. Tùy thuộc vào nguyên nhân, căng cơ có thể xảy ra từ từ hoặc đột ngột kèm theo những triệu chứng khó chịu.

Căng cơ cổ
Căng cơ cổ thể hiện cho tình trạng các cơ ở cổ căng thẳng quá mức, không thể tự thư giãn dẫn đến đau đớn, co thắt

Căng cơ cổ là gì?

Căng cơ cổ là một chấn thương thường gặp, thể hiện cho tình trạng căng thẳng quá mức và không thể tự thư giãn của các cơ ở cổ. Tình trạng này khiến người bệnh có cảm giác co thắt, cứng và đau ở cổ. Cơn đau có xu hướng lan rộng lên đầu và sang hai bên vai.

Về giải phẫu, cổ chứa nhiều linh hoạt. Chúng có nhiệm vụ nâng đỡ trọng lượng của đầu, cho phép đầu và cổ chuyển động linh hoạt. Tuy nhiên các cơ này dễ bị kích thích và căng do những vấn đề về tư thế, hoạt động quá mức hoặc lặp đi lặp lại những chuyển động ở cổ.

Đau cổ có thể bắt nguồn sự mài mòn của các khớp xương hoặc dây thần kinh bị nén. Tuy nhiên đau cổ do căng cơ cổ thường chỉ đề cập đến chấn thương mô mềm hoặc tình trạng co thắt cơ. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây căng cơ, các triệu chứng có thể từ từ hoặc xảy ra đột ngột, thường kéo dài từ vài ngày đến nhiều tháng.

Cơ chế bệnh sinh

Não gửi các xung thần kinh hoặc tín hiệu điện để kích hoạt những chuyển động của cơ. Điều này giúp cơ co lại hoặc thư giãn theo đúng cơ chế tự nhiên (tùy thuộc vào tín hiệu được truyền đến cơ của não). Từ đó đảm bảo các hoạt động của cơ thể diễn ra linh hoạt.

Căng cơ xảy ra khi các cơ ở vị trí ảnh hưởng bị co lại mặc dù não bộ truyền tín hiệu thư giãn đến chúng. Tình trạng này kéo dài gây ra chứng co cứng và đau cơ.

Nguyên nhân gây căng cơ cổ

Căng cơ cổ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Trong đó phổ biến nhất gồm:

1. Tư thế kém

Căng cơ cổ thường xảy ra khi người bệnh duy trì các tư thế sai trong sinh hoạt và làm việc. Cụ thể như:

  • Cúi đầu và cổ quá mức
  • Giữ tư thế cúi cổ trong thời gian dài
  • Ngồi khom lưng trước màn hình máy tính
  • Ngồi thụp xuống ghế cả ngày

Những tư thế nêu trên có thế nêu trên khiến trọng lượng của đầu ra khỏi trọng tâm của cơ thể và dồn về phía trước. Từ đó làm tăng áp lực lên các cơ ở cổ. Cơ bị kéo căng trong thời gian dài dẫn đến cứng và đau đớn.

Ngoài ra việc nhìn xuống điện thoại hoặc cúi gập người về phía trước khiến cho cổ cúi theo đầu và hướng về phía trước. Sự uốn cong này làm tăng áp lực ở phía sau cổ và khiến chúng vận động quá mức. Từ đó dẫn đến những cơn đau cấp và viêm.

Tư thế kém
Tư thế kém trong sinh hoạt và làm việc gây ra tình trạng căng cơ cổ

2. Ngủ sai tư thế

Không ít trường hợp bị cứng cơ ở cổ và đau mỏi sau khi ngủ dậy. Điều này phổ biến ở những người chỉ giữ một hoặc hai tư thế trong suốt thời gian ngủ hoặc nằm sấp. Trong khi nằm sấp với một bên mặt đặt lên gối, các cơ sẽ bị kéo căng và vận động quá mức. Từ đó gây ra tình trạng cứng và đau một bên cổ sau khi ngủ dậy.

Ngoài ra căng cơ cổ cũng xảy ra ở những người nâng đầu quá cao trong khi ngủ. Bởi điều này khiến cổ phải cúi về phía trước. Sau một đêm, cơ ở cổ sẽ có dấu hiệu co thắt và đau đớn.

3. Lặp đi lặp lại cử động ở cổ

Lặp đi lặp lại cử động ở cổ khiến các rối loạn chuyển động tái diễn nhiều lần. Từ đó gây căng cơ cổ kèm theo triệu chứng sưng, đau. Trường hợp nặng có thể bị tổn thương mô vĩnh viễn.

Ngoài ra việc lặp đi lặp lại những chuyển động của cổ còn làm tăng áp lực lên các cơ, gây ra tình trạng mỏi cơ. Từ đó tăng nguy cơ tổn thương và căng cứng cơ.

4. Nghiến răng

Thói quen nghiến răng làm tăng áp lực lên những nhóm cơ ở vùng cổ và hàm. Từ đó khiến cơ bị căng và đau. Đối với trường hợp này, người bệnh thường có cơn đau lan rộng ở cổ và đầu.

Nghiến răng
Nghiến răng gây căng cơ do làm tăng áp lực lên những nhóm cơ ở vùng cổ và hàm

5. Tổn thương cơ

Tai nạn xe hơi, có một cú đánh mạnh, chơi những môn thể thao tiếp xúc hoặc nâng tạ có thể khiến các cơ ở cổ bị tổn thương và căng quá mức. Tùy thuộc vào lực tác động, tổn thương có thể nhẹ hoặc nặng. Mặc dù vậy người bệnh nên sớm thăm khám để tránh gây ra những thương tổn vĩnh viễn.

6. Căng thẳng

Căng thẳng làm ảnh hưởng đến tất cả các cơ trên cơ thể. Bởi khi căng thẳng, não bộ sẽ giải phóng một số hormone như epinephrine và cortisol. Những loại hormone này khiến huyết áp và nhịp tim tăng cao. Đồng thời khiến các cơ thắt chặt.

Chính vì thế những người thường xuyên bị stress, căng thẳng sẽ có các cơ bị căng và co thắt trong thời gian dài. Điều này thường liên quan đến căng cơ ở cổ và vai, đau đầu căng cơ.

7. Bệnh lý

Căng cơ cổ có thể khởi phát từ một số bệnh lý ở cột sống như thoát vị đĩa đệmthoái hóa cột sống cổ. Bởi sự bất thường ở cấu trúc của cột sống có thể làm tăng áp lực lên các cơ ở cổ. Từ đó làm tăng nguy cơ căng cơ.

Dấu hiệu và triệu chứng căng cơ cổ

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng, dấu hiệu và triệu chứng căng cơ cổ có thể khác nhau ở mỗi người. Tuy nhiên chúng thường bao gồm:

  • Có cảm giác cứng, khó chuyển động cổ
  • Đau mỏi cổ, cơn đau có thể lan lên đầu hoặc ngang sang hai vai
  • Đau âm ỉ hoặc đau dữ dội. Cơn đau có xu hướng thuyên giảm theo thời gian hoặc khi xoa bóp. Đau nhiều hơn khi thực hiện các cử động ở cổ
  • Co thắt cơ bắp
Dấu hiệu và triệu chứng căng cơ cổ
Căng cơ cổ gây đau mỏi vùng cổ, cứng, co thắt cơ và khó chuyển động cổ

Căng cơ cổ có nguy hiểm không?

Căng cơ cổ thường không nguy hiểm, phần lớn bệnh nhân có triệu chứng từ nhẹ đến trung bình. Bên cạnh đó triệu chứng thường giảm sau một vài ngày áp dụng các biện pháp chăm sóc và điều chỉnh tư thế.

Tuy nhiên trong một số trường hợp, triệu chứng có thể kéo dài từ vài tuần đến vài tháng, tăng nguy cơ đau mãn tính. Ngoài ra việc không điều trị đúng cách có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm: Teo cơ, giảm khả năng cử động vùng đầu cổ, tăng nguy cơ thoái hóa cột sống cổ.

Khám và chẩn đoán căng cơ cổ

Thông thường căng cơ cổ có thể được chẩn đoán dựa trên những triệu chứng lâm sàng và khả năng cử động ở vùng đầu cổ. Ngoài ra người bệnh sẽ được kiểm tra vị trí, mức độ nghiêm trọng, tần suất và thời điểm phát sinh cảm giác đau và căng cơ.

Ở những trường hợp phức tạp hoặc có nghi ngờ căng cơ cổ do những nguyên nhân tiềm ẩn, người bệnh sẽ được kiểm tra hình ảnh với một số kỹ thuật dưới đây:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang cho phép bác sĩ chuyên khoa kiểm tra các xương ở vùng cổ – nơi tủy sống và các dây thần kinh có thể bị chèn ép dẫn đến đau đớn. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp xác định tình trạng thoát vị đĩa đệm và thoái hóa. Từ đó tiềm kiếm nguyên nhân gây căng cơ cổ hoặc loại bỏ nhưng nguyên nhân về xương có thể gây đau vùng cổ tương tự như căng cơ.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính được chỉ định nếu căng cơ kèm theo những tổn thương sâu và nghiêm trọng ở xương và các mô mềm. Hình ảnh được chụp từ nhiều hướng giúp tạo ra mặt cắt ngang chi tiết liên quan đến những cấu trúc bên trong của cổ.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong một số trường hợp, chụp cộng hưởng từ được chỉ định để kiểm tra các mô mềm và xương. Từ đó xác định nguyên nhân gây đau cổ dai dẳng có phải do căng cơ hay không.

Phương pháp điều trị căng cơ cổ

Hầu hết bệnh nhân có thể khắc phục chứng căng cơ cổ mà không cần điều trị y tế. Cách điều trị chủ yếu xoay quanh những biện pháp chăm sóc tại nhà và luyện tập. Nếu căng cơ kéo dài hoặc thường tái phát do bệnh lý, vật lý trị liệu hoặc thuốc giãn cơ có thể được chỉ định.

1. Bài tập căng và duỗi cổ

Người bệnh có thể thử một loạt động tác kéo căng và duỗi cổ để giảm căng thẳng cho vùng cổ. Điều này giúp kiểm soát cơn đau và giảm cảm giác co thắt. Những bài tập được áp dụng phổ biến gồm:

Căng cổ ngồi

Bài tập căng cổ ngồi giúp tác động vào các cơ phía bên của cổ, thư giãn, giảm co thắt và cải thiện cảm giác đau mỏi.

  • Ngồi với tư thế thoải mái, bắt chéo chân trên sàn hoặc ngồi trên ghế hai chân chạm đất
  • Đặt tay phải trên đỉnh đầu và tay trái dưới cằm
  • Nhẹ nhàng kéo đầu sang bên phải sao cho tai gần chạm vào vai
  • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây. Lặp lại động tác ở phía đối diện
  • Lặp lại động tác 3 lần mỗi bên.
Căng cổ ngồi
Căng cổ ngồi giúp thư giãn, giảm co thắt và cải thiện cảm giác đau mỏi

Căng cơ từ cằm đến ngực

Bài tập căng cơ từ cằm đến ngực giúp thư giãn các cơ ở phía sau của cổ. Bài tập này phù hợp với những bệnh nhân bị căng cơ cổ do duy trì tư thế cúi đầu và cổ trong thời gian dài.

  • Ngồi với tư thế thoải mái, bắt chéo chân trên sàn
  • Chấp tay trên đỉnh đầu, hai khuỷu tay hướng ra ngoài
  • Nhẹ nhàng đẩy đầu xuống để cằm được kéo vào hướng ngực
  • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây. Lặp lại động tác 3 lần.
Căng cơ từ cằm đến ngực
Thư giãn các cơ ở phía sau của cổ bằng bài tập căng cơ từ cằm đến ngực

Bài tập căng và duỗi cổ hai bên

Bài tập căng và duỗi cổ hai bên giúp kéo dài cơ và thư giãn nhẹ nhàng. Thực hiện bài tập này mỗi ngày có thể giúp giảm đau và căng nhanh.

  • Đứng hoặc ngồi trên sàn với tư thế thoải mái, bắt chéo hai chân
  • Đặt tay phải lên má phải
  • Từ từ đẩy nhẹ má phải ra xa nhất có thể, mặt hướng sang vai trái, mắt nhìn vào một điểm ở phía sau
  • Giữ nguyên tư thế trong 30 giây. Lặp lại động tác ở phía đối diện
  • Thực hiện động tác 3 lần mỗi bên.
Bài tập căng và duỗi cổ hai bên
Bài tập căng và duỗi cổ hai bên có tác dụng kéo dài cơ và thư giãn nhẹ nhàng

Bài tập bóp bả vai

Khi thực hiện bài tập bóp bả vai, các cơ ở cổ và vai có thể được thư giãn và tăng khả năng hỗ trợ. Từ đó giúp giảm đau và hạn chế tổn thương cơ trong tương lai.

  • Đứng thẳng trên sàn, hai chân dang rộng bằng hông
  • Giữ cho vai ở tư thế thư giãn
  • Từ từ ép hai bả vai lại phía sau cơ thể
  • Giữ nguyên tư thế từ 5 – 10 giây. Lặp lại động tác từ 5 – 10 lần.
Bài tập bóp bả vai
Bài tập bóp bả vai giúp các cơ ở cổ và vai được tác động tích cực

Chống đẩy đứng

Bài tập chống đẩy đứng giúp thư giãn các cơ ở vai và cổ. Đồng thời tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm đau và ngăn ngừa thương tổn tái phát trong tương lai.

  • Đứng cách tường khoảng một sải tay, hai bàn chân dang rộng
  • Đặt tay lên tường sao cho khuỷu tay thẳng, cánh tay thẳng hàng với vai
  • Từ từ uốn cong khuỷu tay trong khi lưng được giữ thẳng, đưa phần thân trên về phía tường
  • Giữ nguyên tư thế trong 5 giây. Duỗi thẳng khuỷu tay để trở về tư thế ban đầu
  • Lặp lại động tác từ 5 – 10 lần.
Chống đẩy đứng
Bài tập chống đẩy đứng giúp tăng cường sức mạnh cơ bắp, giảm đau, giảm co thắt cơ ờ cổ và vai

2. Chườm lạnh

Để giảm sưng và đau do căng cơ cổ, người bệnh có thể chườm lạnh trong 15 phút, mỗi ngày 3 lần. Biện pháp này có thể giúp cơ bị căng co lại, giảm máu lưu thông và ngăn tích tụ dịch ở cơ. Từ đó giúp hạn chế sưng và xoa dịu cảm giác đau đớn.

Biện pháp chườm lạnh nên được thực hiện trong 48 – 72 giờ đầu tiên sau khi bị căng cơ ở cổ.

3. Áp dụng nhiệt

Sau khi đau và sưng thuyên giảm người bệnh có thể tắm với nước ấm hoặc dùng chai nước nóng, đệm sưởi hay khăn ấm áp lên vùng cổ có cơ bị căng. Biện pháp này giúp thư giãn cơ, mạch máu, khớp xương và dây thần kinh, cải thiện lưu thông khí huyết, giảm đau. Đồng thời tăng tính linh hoạt, hạn chế tình trạng co cứng ở cổ.

Biện pháp chườm nóng nên được thực hiện trong 20 phút, mỗi ngày 3 – 4 lần. Lưu ý điều chỉnh nhiệt độ để tránh tổn thương da.

4. Ngâm mình trong nước muối ấm

Để cải thiện cảm giác căng và đau ở cổ, người bệnh có thể tắm hoặc ngâm mình trong nước muối Epsom. Biện pháp này có tác dụng giảm đau, thư giãn các cơ tổn thương giúp cải thiện tình trạng co thắt. Đồng thời giúp thư giãn tinh thần, mang đến trạng thái hài hòa.

Ngoài ra ngâm mình trong nước muối còn giúp cơ thể thải độc, tăng khả năng kháng viêm và chống khuẩn ngoài da. Khi thực hiện bạn cần chuẩn bị một chậu nước ấm, sau đó thêm một lượng vừa đủ muối Epsom. Tắm hoặc ngâm mình trong nước muối 10 phút.

Ngâm mình trong nước muối
Giảm đau, thư giãn các cơ tổn thương, cải thiện tâm trạng bằng cách ngâm mình trong nước muối ấm

5. Thiền định

Thiền định có tác dụng điều chỉnh tư thế, kiểm soát lo lắng, cải thiện cảm xúc, giảm căng thẳng. Đồng thời cải thiện khả năng đối phó và phản ứng với căng thẳng. Từ đó giảm những triệu chứng ở những người bị căng cơ cổ và đau đầu do căng thẳng.

Ngoài ra biện pháp này còn có tác dụng tăng khả năng tập trung, cải thiện chất lượng giấc ngủ, kiểm soát cơn đau, giảm nguy cơ mất trí nhớ do tuổi tác, giảm huyết áp.

Chính vì những lợi ích nêu trên, thiền định không chỉ tốt cho quá trình điều trị căng cơ cổ mà còn mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe tổng thể. Biện pháp này nên được thực hiện từ 20 – 30 phút mỗi ngày.

6. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt

Để giảm các triệu chứng căng cơ cổ và phòng ngừa tái phát, người bệnh có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt và ăn uống như sau:

  • Uống nhiều nước: Bạn cần uống nhiều nước mỗi ngày để cho phép các cơ hoạt động bình thường.
  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đủ chất: Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đủ chất để cung cấp dinh dưỡng, tăng cường dẻo dai và thúc đẩy quá trình chữa lành cơ tổn thương. Đồng thời giúp giảm đau và phòng ngừa căng cơ cổ tái phát.
  • Tập thể dục thường xuyên: Duy trì thói quen tập thể dục để kéo dài các cơ, tăng sự dẻo dai và giảm đau do căng cơ. Ngoài ra biện pháp này còn giúp tăng tính linh hoạt và tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Dùng gối hỗ trợ và thay đổi tư thế ngủ: Để cơ cổ được thư giãn và cải thiện cơn đau, người bệnh nên sử dụng gối hỗ trợ cổ có độ cao vừa phải, không kéo dài cơ quá mức. Ngoài ra nên thay đổi tư thế ngủ, tránh nằm sấp.

7. Dùng thuốc

Nếu các cơn đau không cải thiện hoặc nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến khả năng cử động cổ, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể được đề nghị để cải thiện tình trạng. Thuốc này có tác dụng chữa viêm và giảm đau. Tuy nhiên NSAID cần được dùng theo hướng dẫn để tránh tác dụng phụ.

Những loại thuốc chống viêm không steroid thường được sử dụng trong điều trị căng cơ cổ gồm Naproxen (Aleve), Ibuprofen (Motrin, Advil). Ngoài NSAID, thuốc giảm đau Acetaminophen cũng mang đến nhiều lợi ích khi sử dụng.

Đối với những trường hợp nghiêm trọng hơn, căng cơ cổ kéo dài, bác sĩ có thể chỉ định thuốc giảm đau giãn cơ. Thuốc này có tác dụng giảm co cứng và co thắt cơ, xoa dịu cơn đau nhanh chóng.

Sử dụng thuốc
Sử dụng thuốc nếu cơn đau không nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến khả năng cử động cổ

8. Xoa bóp

Liệu pháp xoa bóp có tác dụng giảm căng cơ cổ hiệu quả. Lực tác động từ bàn tay và các ngón có thể giúp các cơ bị căng được thư giãn, tăng lưu thông máu. Từ đó cho phép các tổn thương ở cơ được chữa lành.

Ngoài ra xoa bóp còn có tác dụng làm mềm các cơ, giảm đau mỏi nhanh và hiệu quả, hạn chế tình trạng co cứng và tăng tính linh hoạt cho vùng cổ. Các động tác như xoa, day, ấn… nên được thực hiện từ đỉnh đầu đến hai bên vai, thực hiện kỹ hơn ở vùng cổ căng. Điều này giúp tất cả các cơ liên quan đều được thư giãn.

9. Châm cứu căng cơ cổ

Châm cứu là phương pháp thường được sử dụng trong điều trị căng cơ cổ. Phương pháp này được thực hiện bằng cách sử dụng các kim nhỏ châm vào một số vị trí cụ thể trên cơ thể để kích thích.

Một số nghiên cứu cho thấy, châm cứu có khả năng giảm co thắt cơ, điều trị đau cơ do căng cơ cổ. Đồng thời giúp đả thông kinh mạch, kích thích hệ thần kinh làm việc tốt hơn. Ngoài ra phương pháp này còn có tác dụng điều hòa cân bằng âm dương, an thần, phục hồi chức năng vận động và cảm giác.

Châm cứu nên được áp dụng cùng với vật lý trị liệu đơn thuần (bài tập) để tăng hiệu quả điều trị. Tuy nhiên phương pháp này cần được thực hiện bởi những bác sĩ chuyên khoa hoặc người có chuyên môn cao để đảm bảo an toàn.

10. Vật lý trị liệu

Đối với những cơn đau nặng hoặc căng cơ cổ thường xuyên tái phát, người bệnh sẽ được vật lý trị liệu đơn thuần (bài tập) theo hướng dẫn của chuyên gia. Phương pháp này có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng đau và co thắt cơ, tăng sự dẻo dai và cải thiện tính linh hoạt.

Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng điều chỉnh tư thế, hạn chế căng cơ cổ tái phát trong tương lai. Tùy thuộc vào mức độ căng cơ và vị trí, người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập kéo giãn thích hợp.

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu thường xuyên giúp giảm nhẹ triệu chứng đau và co thắt cơ, phục hồi sự dẻo dai cho cơ tổn thương

Phòng ngừa căng cơ cổ

Để ngăn ngừa căng cơ ở cổ và vai, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp dưới đây:

  • Uống nhiều nước, thiết lập chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh để duy trì chức năng và hoạt động bình thường của các cơ.
  • Duy trì tư thế đúng khi làm việc và hoạt động. Tránh để đầu và cổ cúi xuống quá mức. Đồng thời tránh ngồi khom lưng trong thời gian dài. Khi đi đứng và ngồi, giữ tai, vai và hông của bạn trên một đường thẳng.
  • Điều chỉnh bàn làm việc sao cho màn hình máy tính ngang tầm mắt. Chiều cao của bàn, ghế và máy tính phải phù hợp với chiều cao của bạn.
  • Nghỉ giải lao trong khi làm việc để đứng dậy, đi lại, kéo căng vùng cổ và phần trên cơ thể. Điều này giúp phòng ngừa tình trạng căng cơ cổ. Đồng thời cải thiện tinh thần và mang đến lợi ích cho mắt của bạn.
  • Massage vùng cổ vai gáy sau khi làm việc mệt mỏi để giải phóng căng thẳng, giảm áp lực lên các cơ.
  • Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần để tăng sự dẻo dai cho các cơ, duy trì tính linh hoạt và giữ cho cơ thể luôn ở trạng thái tốt.
  • Thường xuyên tập yoga và thiền định để điều chỉnh tư thế, cải thiện thể chất, giảm stress. Từ đó giảm nguy cơ căng cơ, bao gồm cả căng cơ cổ, đau đầu căng cơ, căng cơ bắp chân khi ngủ.
Tập yoga và thiền định
Tập yoga và thiền định mỗi ngày để cải thiện thể chất, giảm stress, điều chỉnh tư thế và giảm nguy cơ căng cơ cổ

Căng cơ cổ là tình trạng thường gặp nhưng không quá nguy hiểm. Hầu hết trường hợp có thể giảm đau và co thắt cơ tại nhà. Tuy nhiên nếu các triệu chứng nghiêm trọng, thường xuyên tái diễn hoặc kéo dài, bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn cách phục hồi tổn thương cơ và kiểm soát các triệu chứng.

Tham khảo thêm:

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua