Bắp Chân Bị Sưng To
Bắp chân bị sưng to (phù) do nhiều nguyên nhân. Tình trạng này phát triển do bệnh lý và những vấn đề toàn thân. Một số trường hợp khác có triệu chứng khởi phát từ một chấn thương và các vấn đề tự nhiên. Chính vì thế mà triệu chứng và phương pháp điều trị thường khác nhau ở mỗi người.
Triệu chứng sưng bắp chân
Bắp chân bị sưng to (sưng bắp chân) là tình trạng phù nề ở mặt sau của cẳng chân. So với những vị trí khác của cơ thể, sưng bắp chân thường ít gặp hơn. Tuy nhiên triệu chứng thường khởi phát từ những nguyên nhân nghiêm trọng, cần được điều trị y tế sớm.
Một số trường hợp khác có bắp chân bị sưng do chấn thương và những vấn đề tự nhiên như mang thai hoặc ngồi máy bay đường dài… Những trường hợp này thường nhẹ, tự khỏi hoặc được khắc phục nhanh bằng các biện pháp chăm sóc.
Bắp chân bị sưng được mô tả bởi những triệu chứng sau:
- Một hoặc cả hai bên bắp chân (mặt sau của cẳng chân) to ra
- Sưng dọc theo tĩnh mạch chân
- Cảm thấy khó chịu khi đi bộ hoặc đứng
- Mỏi chân hoặc/ và đau. Triệu chứng này phổ biến và nghiêm trọng hơn khi đi bộ hoặc đứng
- Có cảm giác nặng nề
- Da căng hoặc bóng
- Da đỏ hoặc đổi màu
- Sờ thấy ấm ở những khu vực bị sưng tấy
- Hạn chế phạm vi chuyển động
Mức độ nặng nhẹ và triệu chứng đi kèm phụ thuộc vào nguyên nhân khiến bắp chân sưng to.
Nguyên nhân khiến bắp chân bị sưng to
Giống như bất kỳ bệnh lý nào ở chân (chẳng hạn như viêm khớp, đau bắp chân), bắp chân bị sưng to có thể làm phát sinh nhiều vấn đề. Tuy nhiên không phải tất cả các trường hợp bị sưng bắp chân đều do bệnh lý.
Sưng bắp chân thường khởi phát do những nguyên nhân dưới đây:
1. Nguyên nhân tự nhiên
Đôi khi bắp chân bị sưng liên quan đến một số tình trạng của cơ thể. Chúng thường bao gồm:
- Mang thai
Bắp chân bị sưng thường do sự giữ nước trong thời kỳ mang thai. Đôi khi sưng do thừa cân và trong thời kỳ hành kinh. Ở phụ nữ mang thai, (đặc biệt là tam cá nguyệt thứ ba), thai nhi lớn dần làm tăng áp lực lên tĩnh mạch ở chân. Điều này làm cản trở quá trình lưu thông máu, tăng lượng chất lỏng tích tụ dẫn đến sưng nhẹ.
Trong nhiều trường hợp, sưng bắp chân là triệu chứng sớm của tiền sản giật. Sưng thường xuất hiện đồng thời với triệu chứng đau đầu khó chịu, thay đổi tầm nhìn (nhạy cảm với ánh sáng hoặc nhìn mờ).
Đôi khi sưng chân kèm theo khó thở ngay sau khi sinh hoặc trong tam cá nguyệt cuối cùng. Điều này có thể do bệnh cơ tim chu sinh (suy tim liên quan đến thai kỳ). Chính vì thế, hãy liên hệ với bác sĩ nếu sưng bắp chân kèm theo các biểu hiện bất thường khi mang thai.
- Ngồi lâu
Ngoài mang thai, tình trạng này cũng có thể xảy ra ở những người ngồi lâu trong thời gian dài, chẳng hạn như giữ nguyên đôi chân trong nhiều giờ đi máy bay. Đau bắp chân do các nguyên nhân tự nhiên không nghiêm trọng. Ngoài ra triệu chứng có thể tự giảm hoặc giảm nhanh bằng một số biện pháp chăm sóc.
2. Thuốc
Bắp chân bị sưng thường là tác dụng phụ của một số loại thuốc. Chẳng hạn như:
- Thuốc nội tiết tố có chứa progesterone hoặc estrogen
- Thuốc điều trị trầm cảm
- Thuốc nhóm steroid
- Một số thuốc chẹn kênh canxi, chẳng hạn như Amlodipine (Norvasc), Nifedipine (Nifediac CC, Nifedical XL, Procardia, Adalat CC, Afeditab CR)
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), thường bao gồm Aspirin, Ibuprofen, Naproxen Celecoxib (Celebrex)
- Metformin và một số loại thuốc điều trị tiểu đường khác
Tình trạng sưng nề thường giảm sau một thời gian ngưng dùng thuốc.
3. Chấn thương
Phù thường xảy ra sau khi bị chấn thương ở bắp chân. Triệu chứng này thường kèm theo cảm giác đau đớn, bắp chân bầm tím hoặc chuyển màu. Một số chấn thương thường gặp:
Chấn thương này chủ yếu xảy ra do vận động quá sức làm tăng áp lực và khiến cơ bắp chân bị căng giãn quá mức. Các triệu chứng nhận biết căng cơ bắp chân gồm: Sưng tấy, đau bắp chân, bầm tím, hạn chế khả năng vận động, khó đi lại.
Chấn thương nặng ở ống chân có thể gây gãy xương chày hoặc/ và gãy xương mác. Điều này gây đau đớn, bắp chân bị sưng to, bầm tím. Những trường hợp gãy hở có thể gây tổn thương mô mềm.
- Phẫu thuật
Sau một thủ thuật ở chân, người bệnh thường bị sưng tấy ở bắp chân.
- Đứt gân Achilles
Gân Achilles (gân gót chân) là phần mô nối bắp chân với xương gót chân. Nó có nhiệm vụ hỗ trợ bàn chân khi di chuyển, đẩy gót chân lên khỏi mặt đất để kiễng chân lên. Trong trường hợp gân Achilles chịu nhiều áp lực và bị kéo căng quá mức, nó có thể bị đứt hoặc rách.
Một người bị đứt gân Achilles thường có những triệu chứng sau:
-
- Đau gân Achilles
- Đau gót chân và cẳng chân liên tục
- Sưng đỏ
- Nghe thấy tiếng kêu bất thường khi gân bị đứt
- Hạn chế khả năng vận động
- Không thể đi lại bình thường
Đối với đứt gân Achilles, sưng tấy thường khởi phát muộn hơn, trong vài giờ sau chấn thương.
4. Các tình trạng viêm nhiễm
Bắp chân bị sưng to thường liên quan đến một số tình trạng viêm nhiễm, chẳng hạn như:
- Các bệnh tự miễn dịch
Những rối loạn trong cơ thể khiến hệ thống miễn dịch nhầm lẫn tế bào khỏe mạnh với ngoại lai. Đồng thời sản sinh các tự kháng thể tấn công vào các tế bào dẫn đến tổn thương. Những bệnh lý có cơ chế này được gọi là bệnh tự miễn.
Một số bệnh lý tự miễn khiến bắp chân bị sưng to gồm:
- Nhiễm trùng
Sưng bắp chân có thể là dấu hiệu của một tình trạng nhiễm trùng. Điều này thường xảy ra do cơ thể bị nhiễm khuẩn hoặc virus, nhiễm trùng nơi có vết thương hở hoặc chấn thương đụng dập không được chăm sóc tốt.
Bắp chân bị sưng to cũng có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm mô tế bào. Đây là một loại nhiễm trùng do vi khuẩn (thường là viêm khuẩn liên cầu nhóm A) làm ảnh hưởng đến các mô bên dưới và da. Vi khuẩn gây bệnh xâm nhập vào da qua một vết thương hở, vết bỏng, vết xước hay thậm chí là vết mổ và vết đốt hoặc vết cắn của bọ.
Các triệu chứng viêm mô tế bào có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm cả bắp chân:
-
- Rộp
- Sưng tấy
- Da bị lõm
- Đau và nhức vùng bị ảnh hưởng
- Đỏ quanh khu vực vi khuẩn xâm nhập vào
5. Suy tim sung huyết
Đây là một bệnh lý nghiêm trọng xảy khi tim của bạn quá yếu để bơm đủ lượng máu cơ thể cần. Điều này dẫn đến tình trạng tích tụ chất lỏng dẫn đến sưng nề, thường gặp ở bắp chân.
Ngoài ra bệnh nhân bị suy tim sung huyết còn có những triệu chứng sau:
- Cơ thể mệt mỏi
- Khó thở
- Ho
- Chóng mặt
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Nếu bị suy tim, hãy liên hệ ngay với trung tâm y tế để được hỗ trợ và điều trị tích cực kịp thời.
6. Huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT)
Người bệnh cần thận trọng vì huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) có thể là nguyên nhân khiến bắp chân bị sưng to. Bệnh lý này xảy ra khi có một cục máu đông hình thành trong tĩnh mạch ở chân.
Theo thời gian, cục máu đông có thể vỡ hoặc/ và theo đường máu di chuyển đến phổi. Khi điều này xảy ra, người bệnh bị thuyên tắc phổi và có nguy cơ tử vong cao. Huyết khối tĩnh mạch sâu thường gặp ở những người sử dụng liệu pháp hormone, mang thai và bất động lâu ngày.
Một số triệu chứng và dấu hiệu giúp nhận biết huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT):
- Sưng to ở một hoặc cả hai chân
- Nhức hoặc đau nhiều ở chân
- Đau bàn chân và đau chân khi đi bộ hoặc đứng
- Sờ thấy da chân ấm lên
- Da đỏ hoặc chân đổi màu sắc
- Các tĩnh mạch mềm hoặc cứng, sưng, đỏ khi chạm vào.
7. Viêm tắc tĩnh mạch
Viêm tắc tĩnh mạch (viêm tắc tĩnh mạch nông) là tình trạng những cục máu đông hình thành gần bề mặt da, có thể phát triển lớn và không có khả năng vỡ ra. Khi tình trạng này xảy ra, chân bệnh sẽ có những triệu chứng nghiêm trọng sau:
- Sưng to ở một hoặc cả hai chân
- Đau chân
- Chuột rút
- Vùng da bệnh chuyển sang màu đỏ hoặc xanh lam
- Sờ thấy ấm da
8. Hội chứng khoang
Hội chứng khoang cấp tính là những tổn thương khởi phát trên một số nhóm cơ ở chân hoặc tay sau một chấn thương. Tình trạng này thường gặp ở người bị gãy xương.
Bệnh xảy ra khi máu bị giữ lại trong khoang do quá trình lưu thông máu bị cản trở. Điều này khiến áp suất tăng lên do màng đệm không thể căng ra. Từ đó gây ra những tổn thương nghiêm trọng cho các cơ và một số mô khác trong khoang.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng khoang:
- Căng cơ
- Đau dữ dội
- Có cảm giác bỏng rát hoặc ngứa ran
- Tê và yếu ở một số trường hợp
- Vị trí bị ảnh hưởng sưng to (bắp chân, cẳng tay…)
9. Giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch mãn tính
Một trong những nguyên nhân khiến bắp chân bị sưng to là tình trạng giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch mãn tính. Đây đều là những bệnh lý nguy hiểm, thường xảy ra khi các van bên trong tĩnh mạch chân không còn khả năng giữ cho máu chảy về tim. Điều này khiến máu tích tụ thành từng vũng, hình thành các đám giãn tĩnh mạch màu xanh lam.
Một số dấu hiệu khác giúp nhận biết giãn tĩnh mạch và suy tĩnh mạch mãn tính:
- Chân sưng tấy
- Đau khi đứng hoặc ngồi trong một thời gian dài
- Thay đổi màu sắc của da. Da ở cẳng chân chuyển sang màu nâu, xuất hiện đám tĩnh mạch màu tím hoặc màu đỏ
- Da khô, nứt nẻ và kích ứng
- Xuất hiện vết loét.
10. Bệnh ở thận
Khi thận không hoạt động bình thường, các vấn đề về thận sẽ xảy ra. Ở người bình thường, cơ quan này giúp lọc chất thải và nước ra khỏi máu. Khi bị suy thận, chất lỏng không được lọc có xu hướng tích tụ bên trong cơ thể khiến tay và chân bị sưng.
Một số triệu chứng khác:
- Buồn nôn
- Hụt hơi
- Mệt mỏi
- Bầm tím
- Chảy máu bất thường
- Thường xuyên khát.
Đôi khi suy thận cấp tính có thể xảy ra do thận đột ngột ngừng hoạt động. Điều này cũng có thể khiến mắt cá chân, bàn chân và bắp chân bị sưng to.
11. Viêm khớp
Trong nhiều trường hợp, bắp chân bị sưng to do một số bệnh viêm khớp và vấn đề khác ở khớp. Cụ thể như:
- Bệnh gout: Viêm, sưng và đau khớp xảy ra khi các tinh thể axit uric lắng đọng trong khớp, thường do ăn nhiều thức ăn và uống nhiều rượu.
- Viêm khớp dạng thấp: Một dạng viêm khớp mà hệ thống miễn dịch nhầm lẫn và tấn công vào mô khớp.
- Viêm xương khớp: Đây là một loại hao mòn sụn và viêm do lão hóa.
- Viêm bao hoạt dịch khớp gối: Viêm bao hoạt dịch là tình trạng viêm xảy ra một túi chứa đầy chất lỏng. Túi này hoạt động như một lớp đệm giữa xương, gân, da hoặc cơ.
Bắp chân bị sưng to khi nào cần đến bệnh viện?
Bệnh nhân có bắp chân bị sưng to cần được thăm khám và điều trị sớm. Tình trạng này có thể được kiểm soát tại nhà. Tuy nhiên nhiều nguyên nhân nghiêm trọng cần được xác định và điều trị y tế sớm. Vì thế nếu biện khác khắc phục tại nhà không đủ, người bệnh nên dùng thuốc kê đơn theo hướng dẫn của bác sĩ.
Ngoài ra người bệnh cần gọi trung tâm y tế nếu sưng bắp chân kèm theo những triệu chứng sau:
- Hụt hơi
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Buồn nôn
- Khó thở
- Cơ thể mệt mỏi
- Chóng mặt
- Đỏ và ấm khi chạm vào
- Đau chân nghiêm trọng
Liên hệ với bác sĩ nếu có các triệu chứng dưới đây sau điều trị:
- Vết sưng tồi tệ hơn
- Khó thở
- Đau ngực
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Sưng không giảm.
Chẩn đoán nguyên nhân khiến bắp chân bị sưng to
Trong khi khám bệnh, bác sĩ quan sát, kiểm tra sưng và các triệu chứng khác. Đồng thời đánh giá tình trạng toàn thân thông qua các triệu chứng và bệnh sử. Sau thăm khám, một số xét nghiệm sẽ được chỉ định để rõ hơn về nguyên nhân khiến bắp chân bị sưng to.
Các xét nghiệm có thể bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Điện tâm đồ
- Chụp X-quang
- Chụp MRI hoặc chụp CT
- Phân tích nước tiểu
Bắp chân bị sưng to điều trị như thế nào?
Bắp chân bị sưng to có thể thuyên giảm khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên bệnh nhân có thể cần phải điều trị y tế nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
1. Chăm sóc tại nhà
Một số biện pháp giúp giảm sưng bắp chân hiệu quả:
- Nghỉ ngơi: Dừng các hoạt động mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ cho đến khi hết sưng. Thông thường sưng nhẹ do chấn thương nhẹ hoặc sinh em bé có thể tự biến mất khi được nghỉ ngơi đầy đủ hoặc sau khi sinh em bé.
- Chườm đá: Chườm đá lên bắp chân bị sưng to trong vòng 15 đến 20 phút, thực hiện càng sớm càng tốt. Lặp lại sau mỗi 3 hoặc 4 giờ đồng hồ. Đây là biện pháp giúp giảm sưng và đau hiệu quả.
- Nén: Dùng băng thun quấn vừa khít cổ chân và bắp chân bị sưng của bạn. Điều này giúp cố định và hỗ trợ cơ xương bị thương, giảm đau và hạn chế những chuyển động không cần thiết. Lưu ý không làm đứt tuần hoàn máu khi nén.
- Nâng cao: Nâng cao chân của bạn càng xa tim càng tốt hoặc nâng cao hơn tim. Điều này tạo điều kiện cho chất lỏng di chuyển khỏi vùng sưng. Từ đó giảm sưng và đau hiệu quả. Thông thường dùng hai gối kê dưới chân sẽ cung cấp độ cao chính xác.
- Vận động nhẹ nhàng: Có thể vận động nhẹ nhàng khi sưng và đau giảm. Biện pháp này giúp phục hồi vận động, tăng tính linh hoạt. Đồng thời hạn chế tình trạng cứng khớp và teo cơ do bất động lâu ngày. Ngoài ra biện pháp này còn giúp tuần hoàn khí huyết và tăng tốc độ phục hồi tổn thương.
2. Điều trị y tế
Điều trị y tế cho tình trạng bắp chân bị sưng to thường bao gồm dùng thuốc và phẫu thuật (tùy thuộc vào nguyên nhân).
- Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc dưới đây được chỉ định dựa trên các triệu chứng và nguyên nhân:
-
- Thuốc giảm đau hoặc chống viêm: Đơn thuốc giảm đau (chứa Acetaminophen) hoặc chống viêm không kê đơn (chứa Naproxen sodium hoặc Ibuprofen) có thể được áp dụng cho tình trạng sưng tấy gây đau đớn. Acetaminophen mang đến hiệu quả giảm đau cho trường hợp nhẹ. Naproxen sodium và Ibuprofen giúp giảm đau do viêm sưng bắp chân.
- Thuốc lợi tiểu: Thuốc lợi tiểu được kê đơn cho những bệnh nhân có bắp chân bị sưng to do suy tim sung huyết. Thuốc này có thể thúc đẩy hoạt động của thận và tăng đào thải chất lỏng.
- Thuốc corticoid: Thuốc này thường được chỉ định cho bệnh nhân bị viêm khớp hoặc viêm bao hoạt dịch làm ảnh hưởng và khiến bắp chân bị sưng to. Corticoid có khả năng ức chế miễn dịch, chống viêm mạnh và giảm đau. Thuốc có thể được dùng dưới dạng uống hoặc tiêm.
- Thuốc kháng sinh: Nhóm thuốc này được dùng trong điều trị nhiễm trùng. Kháng sinh có tác dụng loại trừ vi khuẩn gây viêm và ngăn các triệu chứng tái diễn.
- Phẫu thuật
Phẫu thuật thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị sưng bắp chân do chấn thương cần đặt lại xương, phẫu thuật sửa chữa vùng bị thương, hội chứng khoang. Phương pháp này giúp điều chỉnh lại xương gãy, giải phóng áp lực khỏi khoang.
Biện pháp ngăn ngừa bắp chân bị sưng
Bắp chân bị sưng to có thể được ngăn ngừa bởi những biện pháp sau:
- Kiểm soát tốt tình trạng y tế. Hãy kiểm soát các triệu chứng và dùng thuốc thận trọng.
- Những người có nguy cơ bị tích tụ chất lỏng (như suy tim sung huyết, bệnh thận) cần hạn chế lượng chất lỏng được đưa vào cơ thể mỗi ngày.
- Khởi động trước khi hoạt động thể chất để giảm nguy cơ chấn thương.
- Chọn giày vừa vặn và phù hợp với hoạt động đang thực hiện để hỗ trợ chân và ngăn ngừa chấn thương.
- Áp dụng chế độ dinh dưỡng ít natri không khuyến khích giữ nước. Cụ thể nên hạn chế ăn thức ăn nhanh, súp đóng hộp và bữa ăn đông lạnh do thường chứa natri dư thừa.
- Thường xuyên ngâm chân vào nước hoặc nâng cao chân nếu đứng nhiều trong ngày. Điều này có thể giúp ngăn ngừa bắp chân bị sưng to.
- Chăm sóc vết thương hở đúng cách, ngăn ngừa nhiễm trùng.
- Không ngồi lâu một chỗ. Nên thường xuyên đứng lên và di chuyển xung quanh.
Bắp chân bị sưng to do nhiều nguyên nhân, bao gồm nhóm nguyên nhân tự nhiên (có thể tự giảm), chấn thương và bệnh lý. Thông thường triệu chứng có thể giảm khi áp dụng một số biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên nếu tình trạng nghiêm trọng, sưng không giảm hoặc kèm theo biểu hiện khác, người bệnh cần thăm khám để được bác sĩ hướng dẫn cách điều trị.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!