Tiêm Corticoid Vào Khớp: Công Dụng, Tác Hại và Lưu Ý

Theo dõi IHR trên goole news

Tiêm Corticoid vào khớp là phương pháp được áp dụng phổ biến cho những bệnh nhân bị viêm khớp và đau nhức nặng, không có đáp ứng với thuốc dạng uống. Phương pháp này giúp giảm các triệu chứng tức thì, tác dụng có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Tuy việc lạm dụng có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng.

Tiêm Corticoid vào khớp
Tìm hiểu tiêm Corticoid vào khớp là gì? Công dụng, quy trình và phản ứng phụ sau tiêm

Tiêm Corticoid vào khớp là gì?

Corticoid là một loại thuốc kháng viêm mạnh, có khả năng ức chế hệ miễn dịch, chống dị ứng, chống viêm và giảm nhẹ những triệu chứng liên quan. Corticoid được phân thành hai dạng gồm Glucocorticoid (chống viêm) và Mineralocorticoid (giữ muối). Trong đó Glucocorticoid được dùng cho hầu hết các trường hợp bệnh (khi cần).

Thuốc Corticoid được điều chế ở nhiều dạng khác nhau, phổ biến gồm viên nén, viên nang, thuốc tiêm, thuốc bôi điều trị tại chỗ… Đối với những bệnh nhân bị viêm khớp và đau nhức nặng, tiêm Corticoid vào khớp sẽ được chỉ định.

Tiêm Corticoid vào khớp là một thủ thuật dùng kim tiêm đưa trực tiếp thuốc Corticoid vào khớp tổn thương với một liều lượng thích hợp. Thủ thuật này được thực hiện nhằm mục đích giảm phản ứng viêm, kiểm soát triệu chứng đau nhức và các triệu chứng đi kèm

Vì Corticoid là một loại thuốc rất mạnh nên khi sử dụng thuốc có thể mang đến hiệu quả tức thì, tác dụng chống viêm và giảm đau có thể kéo dài từ vài tháng đến vài năm. Nếu cần thiết, tiêm Corticoid vào khớp có thể được nhắc lại. Tuy nhiên cần tránh lạm dụng hoặc dùng với liều cao bởi thuốc có thể gây ra nhiều rủi ro nghiêm trọng.

Tác dụng của tiêm Corticoid vào khớp

Tiêm Corticoid vào khớp giúp giảm các triệu chứng viêm và đau ở khớp (khớp gối, khuỷu tay, khớp háng…). Tác dụng này nhanh và mạnh hơn so với những loại thuốc khác. Điển hình như thuốc chống viêm không Steroid.

Nếu dùng thuốc đúng liều và đúng cách, viêm và các triệu chứng đi kèm có thể được kiểm soát từ vài tháng đến vài năm (thường từ 3 – 12 tháng). Trong một số trường hợp, tiêm Corticoid vào khớp được nhắc lại để duy trì hiệu quả, kéo dài thời gian giảm viêm cho người bệnh hoặc kiểm soát tình trạng viêm tái diễn.

Trong trường hợp mô viêm chỉ khu trú ở một vùng nhỏ (như viêm gân cơ, viêm bao khớp…), tiêm Corticoid có thể giúp bệnh nhân điều trị dứt điểm bệnh lý.

Ngoài ra tiêm Corticoid nội khớp có thể mang đến một vài lợi ích khác, bao gồm:

  • Phục hồi chức năng cho khớp và một phần cơ thể bị bất động do viêm
  • Hàm lượng Corticoid được hấp thu từ khớp tổn thương vào hệ tuần hoàn có thể giảm bớt tình trạng viêm khớp toàn thân.
Tiêm Corticoid vào khớp giúp giảm các triệu chứng viêm và đau ở khớp
Tiêm Corticoid vào khớp giúp giảm nhanh và mạnh các triệu chứng viêm và đau ở khớp

Tiêm Corticoid vào khớp có hại không?

Bên cạnh những lợi ích nêu trên, bệnh nhân có thể gặp một vài bất lợi khi tiêm Corticoid vào khớp. Cụ thể:

  • Kim tiêm xuyên thủng da có thể gây nhiễm trùng nếu không vệ sinh vết thương và chăm sóc đúng cách.
  • Phát sinh tác dụng phụ và biến chứng ở một số trường hợp.
  • Các gân cơ có thể bị yếu do tiêm vùng kề cận gân hoặc tiêm trúng gân. Một vài trường hợp bị đứng gân
  • Tiêm Corticoid làm tăng đường huyết ở những bệnh nhân bị đái tháo đường.
  • Tiêm Corticoid làm tăng huyết áp nên cần được kiểm tra huyết áp thường xuyên và chỉ được dùng thuốc Corticoid khi cần thiết.
  • Giảm hoặc mất khả năng đề kháng của cơ thể. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc khiến bệnh nghiêm trọng hơn.
  • Corticoid có khả năng che khuất dấu hiệu và triệu chứng của một vài tình trạng nhiễm trùng.
  • Thuốc Corticoid làm giảm hiệu quả điều trị và phòng bệnh của kháng sinh và vắc xin.

Tác dụng phụ và biến chứng

Tiêm Corticoid vào khớp có thể làm phát sinh tác dụng phụ và biến chứng. Tuy nhiên những bất thường này thường chỉ xảy ra ở những bệnh nhân có sai sót trong điều trị, tiêm thuốc với liều cao hoặc tiêm lặp lại nhiều lần.

+ Tác dụng phụ

  • Ảnh hưởng đến mô khớp, yếu gân, và dây chằng (đặc biệt là khi tiêm nhắc lại nhiều lần)
  • Mỏng sụn khớp
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng khớp
  • Tăng tiết mồ hôi và mất ngủ
  • Cảm giác nóng bừng mặt thoáng qua

+ Biến chứng

Biến chứng ngắn hạn (thường xảy ra sau khi tiêm 24 giờ)

  • Nhạt màu da và teo da tại vị trí tiêm
  • Chảy máu tại chỗ
  • Nhiễm trùng chỗ tiêm
  • Đau vết tiêm
  • Phản ứng sau tiêm (phản ứng viêm tăng nặng hơn do kích ứng với thuốc)

Biến chứng dài hạn

  • Đứt gân
  • Mỏng da, teo da, dễ bầm tím
  • Tăng cân
  • Phù nề
  • Đục thủy tinh thể
  • Tăng huyết áp
  • Loãng xương
  • Hoại tử xương vô mạch

Biến chứng do tiêm không đúng vào vị trí

  • Thuốc không đến vị trí cần chữa trị làm giảm hiệu quả
  • Tiêm chệch vào mạch máu, xương, cơ, dây thần kinh quanh khớp dẫn đến:
    • Teo cơ
    • Làm mất chứng năng vận động khớp
    • Xuất huyết
    • Đau dai dẳng
    • Xốp xương
Tiêm không đúng vào vị trí làm mất chứng năng vận động khớp
Tiêm không đúng vào vị trí làm mất chứng năng vận động khớp, đau dai dẳng, xốp xương, xuất huyết…

Khi nào cần tiêm Corticoid vào khớp?

Những trường hợp dưới đây thường được chỉ định tiêm Corticoid vào khớp để điều trị:

Lưu ý: Tiêm Corticoid vào khớp có thể được chỉ định cho những trường hợp không được liệt kê trong bài viết.

Chống chỉ định và thận trọng

Tiêm Corticoid vào khớp không được áp dụng cho những trường hợp sau:

  • Viêm khớp nhiễm khuẩn (lao khớp, viêm khớp mủ)
  • U xương khớp (ác tính và lành tính)
  • Tổn thương khớp xảy ra do bệnh lý thần kinh, bệnh máu
  • Nhiễm khuẩn ngoài da vùng cần tiêm khớp
  • Bệnh nhân bị tiểu đường phụ thuộc vào Insullin
  • Bệnh lý tim mạch hoặc có nguy cơ
  • Phụ nữ mang thai
  • Phụ nữ đang nuôi con bú
  • Bệnh vảy nến
  • Các bệnh lý liên quan đến nhiễm nấm, siêu vi và vi khuẩn

Thận trọng khi chỉ định tiêm Corticoid vào khớp cho những bệnh nhân có các vấn đề sau:

  • Tiền sử hoặc đang bị đái tháo đường
  • Tăng huyết áp
  • Nhiễm nấm
  • Bệnh máu
  • Suy giảm miễn dịch (HIV)
Chống chỉ định cho bệnh nhân bị tiểu đường phụ thuộc vào Insullin
Tiêm Corticoid vào khớp không được áp dụng cho những bệnh nhân bị tiểu đường phụ thuộc vào Insullin

Quy trình tiêm Corticoid vào khớp

Tiêm Corticoid vào khớp sẽ được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm tại phòng thủ thuật xương khớp vô khuẩn (đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế).

1. Trước khi tiêm

Trước khi tiêm Corticoid nội khớp, bác sĩ kiểm tra hồ sơ bệnh án và đơn thuốc (chỉ định) của bệnh nhân, chống chỉ định.

2. Trong khi tiêm

Tiêm Corticoid vào khớp sẽ được thực hiện với những bước cơ bản dưới đây:

  • Bước 1: Xác định vị trí tiêm qua hình ảnh siêu âm
  • Bước 2: Rút Corticoid vào ống tiêm. Có thể kết hợp Corticoid với một lượng vừa đủ thuốc gây tê tại chỗ (điển hình như Lidocain). Phương pháp này giúp tăng hiệu quả giảm đau và hạn chế đau sau tiêm.
  • Bước 3: Sử dụng Detadine hoặc dung dịch cồn 90 độ tiệt trùng da trên khu vực được tiêm.
  • Bước 4: Gây tê tại chỗ ở khu vực tiêm (nếu cần) bằng cách dùng bình xịt chứa ethyl clorua để làm lạnh nhanh.
  • Bước 5: Đâm kim tiêm xuyên qua da vào khớp qua. Nhẹ nhàng và từ từ bơm thuốc vào vùng tiêm.
  • Bước 6: Rút kim và dán băng vô trùng tại vị trí tiêm.

Trong trường hợp có tràn dịch khớp, lượng dịch khớp sẽ được rút ra trước khi tiêm Corticoid vào khớp. Dịch khớp sẽ được quan sát bằng mắt thường kết hợp xét nghiệm mẫu thử để đánh giá tình trạng. Dịch khớp sẽ được rút ra thường xuyên để giảm áp lực cho ổ khớp và hạn chế đau nhức.

Quy trình tiêm Corticoid vào khớp
Quy trình tiêm Corticoid vào khớp tổn thương

3. Chăm sóc bệnh nhân sau khi tiêm

Người bệnh được hướng dẫn vận động thụ động khớp tiêm 3 lần. Đồng thời giữ băng dính và giữ khô vị trí tiêm trong vòng 24 giờ.

Sau 24 giờ, có thể loại bỏ băng dinh chống khuẩn. Bệnh nhân có thể vệ sinh và rửa nước bình thường tại chỗ tiêm.

4. Theo dõi

Bệnh nhân cần theo dõi cơ thể sau khi tiêm để xử lý kịp thời và đúng cách nhất.

  • Theo dõi hiệu quả điều trị.
  • Theo dõi các tác dụng phụ và biến chứng có thể xảy ra sau khi tiêm 24 giờ.
  • Chỉ số theo dõi: Tình trạng chảy máu tại chỗ, HA, mạch, tình trạng viêm trong 24 giờ.

Tai biến và cách xử lý sau khi tiêm Corticoid

Một số tai biến có thể gặp và cách xử lý sau khi tiêm Corticoid vào khớp:

+ Kích thích phó giao cảm

Biểu hiện

Các biểu hiện kích thích phó giao cảm xảy ra do bệnh nhân có tâm lý không ổn định, quá sợ hãi. Cụ thể:

  • Vã mồ hôi
  • Choáng váng
  • Ho khan
  • Rối loạn cơ tròn
  • Có cảm giác tức ngực, khó thở…

Cách xử lý

  • Đặt bệnh nhân nằm trên giường với tư thế đầu thấp, giơ cao chân
  • Theo dõi huyết áp và tim mạch
  • Thực hiện các biện pháp xử lý cấp cứu khi có bất thường.

+ Đau khi tiêm từ 12 – 24 giờ

Đau khi tiêm thường xảy ra do phản ứng viêm màng hoạt dịch với thuốc Corticoid sau khi tiêm vào khớp. Tình trạng này thường xảy ra sau khi tiêm từ 12 – 24 giờ.

Biểu hiện

  • Đau nhức tại vị trí tiêm
  • Đau sâu bên trong
  • Cơn đau có thể lan tỏa toàn bộ khớp
  • Bệnh nhân khó di chuyển do đau nhức

Cách xử lý

Đối với trường hợp đau sau khi tiêm, người bệnh có thể được chỉ định thuốc giảm đau Paracetamol để cắt giảm triệu chứng.

Dùng thuốc giảm đau Paracetamol để cắt giảm triệu chứng
Dùng thuốc giảm đau Paracetamol để cắt giảm triệu chứng đau sau khi tiêm

+ Nhiễm khuẩn phần mềm quanh khớp và khớp

Nhiễm khuẩn phần mềm quanh khớp và nhiễm khuẩn khớp chủ yếu xảy ra do thủ thuật tiêm (viêm mủ).

Biểu hiện

  • Sưng đau tại chỗ tiêm
  • Sốt

Cách xử lý

  • Hút dịch khớp, xét nghiệm kiểm tra tình trạng
  • Dùng thuốc kháng sinh để điều trị nhiễm khuẩn phần mềm quanh khớp và khớp.

Tiêm Corticoid vào khớp cần lưu ý gì?

Khi tiêm Corticoid vào khớp điều trị bệnh, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây:

  • Chỉ tiêm Corticoid vào khớp khi được thăm khám, chẩn đoán tình trạng và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Người thực hiện thủ thuật phải là người có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm và hiểu rõ về cấu tạo khớp để tránh tiêm thuốc sai cách, sai vị trí dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, hiệu quả kém do thuốc không đến vị trí cần chữa trị.
  • Tuyệt đối không được thực hiện thủ thuật tại nhà với những người không có kinh nghiệm, chưa đủ trình độ, không có điều kiện tiêm. Ngoài ra cũng cần hết sức thận trọng và không nên thực hiện thủ thuật ở những phòng khám hoặc bệnh viện không đủ điều kiện tiêm, không đảm bảo vô trùng.
  • Trước khi thực hiện thủ thuật tiêm Corticoid vào khớp, tiền sử bệnh tật của bệnh nhân và liều lượng thuốc phải được cân nhắc. Việc không chú ý đến tiền sử bệnh tật có thể dẫn đến giảm dung nạp glucose ở những bệnh nhân bị đái tháo đường; tăng huyết áp, suy tim co thắt ở những bệnh nhân có nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
  • Hạn chế tiêm nhắc đi nhắc lại nhiều lần hoặc dùng liều cao. Bởi điều này có thể gây ra những tác dụng phụ toàn thân. Thường gặp gồm giảm khả năng miễn dịch, tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và siêu vi nấm, giữ muối và nước.
  • Loại thuốc được tiêm vào khớp thường là hỗn dịch. Chính vì thế thuốc cần được lắc kỹ trước khi tiêm.
  • Cần đảm bảo phòng thủ thuật xương khớp và các thiết bị được vô khuẩn tuyệt đối theo quy định. Ngoài ra khi tiêm Corticoid vào khớp, thuốc phải được đưa vào đúng chỗ và tiêm từ từ. Điều này giúp hạn chế nhiễm khuẩn khớp, tổn thương cơ, rách gân hoặc những di chứng nghiêm trọng khác sau điều trị.
  • Tiêm Corticoid vào khớp có thể gây ra dị ứng. Do đó cần xem xét tiền sử dị ứng của bệnh nhân trước khi thực hiện thủ thuật.
  • Chú ý đến huyết áp và lượng đường trong máu sau khi tiêm. Bởi Corticoid có thể gây ra các rối loạn như tăng huyết áp, tăng đường huyết.
  • Áp dụng các biện pháp dự phòng biến chứng sau tiêm Corticoid vào khớp. Cụ thể như kê đơn thuốc hoặc dùng thuốc bổ sung canxi cho người có nguy cơ loãng xương; sử dụng các thuốc hỗ trợ để hạn chế rối loạn điện giải, tổn thương dạ dày tá tràng, tăng huyết áp, tăng đường máu, nhiễm khuẩn….
  • Bệnh nhân chăm sóc khu vực tiêm đúng cách. Không nên thoa thuốc hay rửa nước vào chỗ tiêm trong vòng 24 giờ.
  • Theo dõi sức khỏe, những chỉ số và biểu hiện sau khi tiêm. Nếu có các biểu hiện bất thường (chảy máu, choáng…), người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ chuyên khoa để được sơ cứu và xử lý đúng cách.
  • Cần đến khám lại nếu chỗ tiêm bị sưng đau kéo dài trên 3 ngày.
Chỉ tiêm Corticoid vào khớp khi được thăm khám và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa
Chỉ tiêm Corticoid vào khớp sau khi được thăm khám, kiểm tra sức khỏe và có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa

Tiêm Corticoid vào khớp được chỉ định cho nhiều trường hợp, phổ biến nhất ở những bệnh nhân có khớp viêm và đau nặng, viêm mô quanh khớp, viêm khớp dạng thấp… Thủ thuật này giúp giảm đau, giảm viêm nhanh và mạnh. Tuy nhiên tiêm Corticoid chỉ nên thực hiện khi cần thiết, có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Đồng thời thủ thuật phải được thực hiện đúng cách và dùng thuốc đúng liều để giảm tác dụng phụ và biến chứng.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Thoái Hóa Cột Sống Có Nên Tập Gym Không
Thoái hóa cột sống có nên tập gym không? Các chuyên gia cho biết người bị thoái hóa cột sống cổ hoặc lưng đều có thể tập gym. Tuy nhiên cần luyện tập đúng cách và lựa chọn những bài ...
Xem chi tiết
Thoái Hóa Khớp Gối Có Nên Chơi Thể Thao
Nếu thắc mắc thoái hóa khớp gối có nên chơi thể thao không, người bệnh có thể tham khảo một số chia sẻ của chuyên gia thông qua bài viết bên dưới. Điều trị kịp lúc và vận động phù ...
Xem chi tiết
Thoát Vị Đĩa Đệm Có Chơi Cầu Lông Được Không
Thoát vị đĩa đệm có chơi cầu lông được không là thắc mắc của nhiều người yêu thể thao nhưng đang gặp vấn đề về cột sống. Cầu lông là môn thể thao thú vị và rèn luyện sức khỏe, ...
Xem chi tiết
Chữa Thoát Vị Đĩa Đệm Bằng Sóng Cao Tần
Chữa thoát vị đĩa đệm bằng sóng cao tần là phương pháp tiên tiến đang thu hút sự quan tâm của nhiều người bệnh. Với khả năng giảm đau nhanh chóng và hạn chế tác động lên các mô xung ...
Xem chi tiết
Bệnh Đa U Tủy Xương Sống Được Bao Lâu
Bệnh đa u tủy xương sống được bao lâu phụ thuộc vào rất nhiều vấn đề, chẳng hạn như giai đoạn bệnh, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và tình trạng sức khỏe tổng thể. Điều quan trọng ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua