Các Loại Thuốc Trị Giãn Dây Chằng Đầu Gối Phổ Biến
Thuốc trị giãn dây chằng đầu gối được sử dụng để giảm đau và hỗ trợ phục hồi chức năng bình thường ở đầu gối. Thuốc có sẵn dưới dạng đường uống, bôi trực tiếp lên da hoặc tiêm vào khớp gối. Điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được chẩn đoán phù hợp và có kế hoạch sử dụng thuốc phù hợp.
Các loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối phổ biến và hiệu quả
Giãn dây chằng đầu gối là một chấn thương phổ biến, xảy ra khi dây chằng chéo trước hoặc dây chằng chéo sau của đầu gối bị căng, giãn quá mức. Điều này có thể dẫn đến đau nhức đầu gối, sưng, đỏ, nóng rát và ảnh hưởng đến khả năng vận động bình thường của người bệnh.
Tình trạng này có thể là do hoạt động quá mức, chấn thương hoặc tổn thương khớp gối, sụn và các cơ xung quanh. Ngoài ra, một số tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như viêm khớp gối hoặc thoái hóa khớp gối cũng có thể dẫn đến giãn dây chằng. Các triệu chứng bao gồm khó khăn khi đi bộ, lên xuống cầu thang, đau đầu gối khi đứng hoặc ngồi trong thời gian dài.
So với các chấn thương giãn dây chằng ở các vị trí khác, giãn dây chằng đầu gối thường nghiêm trọng và khó điều trị. Nếu không được điều trị phù hợp, dây chằng có thể bị rách hoặc đứt, gây ảnh hưởng đến khớp gối và sụn chêm.
Có nhiều loại thuốc khác nhau, bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn, có thể được sử dụng để kiểm soát các triệu chứng giãn dây chằng đầu gối. Thuốc có thể được sử dụng theo đường uống, thoa tại chỗ hoặc tiêm vào khớp gối.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, người bệnh có thể tham khảo các loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối như:
1. Thuốc chống viêm không kê steroid
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là thuốc làm dịu hoặc giảm đau, thường được sử dụng để điều trị viêm khớp và các chấn thương cơ xương khớp nói chung. NSAID là loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối đầu tiên được chỉ định nhằm cải thiện cơn đau và phục hồi hoạt động bình thường.
NSAID hoạt động bằng cách ngăn ngừa cơ thể sản xuất một số hóa chất gây viêm, do đó thường mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị các tổn thương mô, chẳng hạn như đau do tổn thương dây chằng đầu gối. NSAID hoạt động giống như corticosteroid (còn được gọi là steroid), tuy nhiên không có tác dụng phụ nhiều như steroid.
Các loại thuốc NSAID có tác dụng giảm đau đầu gối, giảm sưng và viêm khớp gối. Thuốc có thể sử dụng mà không cần kê đơn của bác sĩ bao gồm:
- Acetaminophen
- Ibuprofen
- Naproxen sodium
- Aspirin
Nếu các triệu chứng nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc chống viêm không steroid theo đơn hoặc với liều cao hơn. Thuốc trị giãn dây chằng đầu gối theo đơn được chỉ định để giúp người bệnh có thể ngồi, đứng, đi lại mà không cảm thấy khó chịu, đau đớn.
Thuốc NSAID theo đơn phổ biến bao gồm:
- Indocon
- Mobic
- Celebrex
- Lodine
Không sử dụng NSAID điều trị giãn dây chằng kéo dài hơn 10 ngày, trừ khi nhận được sự chỉ định của bác sĩ. Nếu bác sĩ đề nghị sử dụng NSAID trong thời gian dài, người bệnh có thể cần được theo dõi các tác dụng phụ để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Tác dụng phụ phổ biến bao gồm:
- Đầy hơi, chướng bụng
- Ợ chua
- Đau bụng
- Buồn nôn hoặc nôn
- Tiêu chảy hoặc táo bón
- Chóng mặt
- Có vấn đề về sự cân bằng
- Khó tập trung
- Đau đầu nhẹ
- Có cảm giác lâng lâng
Nếu các tác dụng phụ kéo dài hơn một vài ngày, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
2. Thuốc thoa tại chỗ Zostrix
Zostrix là thuốc mỡ không kê đơn có chứa capsaicin, một chất chiết xuất từ ớt, có thể bôi tại chỗ để giảm đau liên quan đến giãn dây đầu gối. Thuốc hoạt động bằng cách giảm cường độ của các tín hiệu đau đến các dây thần kinh.
Cách sử dụng thuốc trị giãn dây chằng đầu gối Zostrix:
- Mang găng tay cao su dày khi sử dụng thuốc, bởi vì thuốc có thể thẩm thấu qua găng tay mỏng.
- Thoa một lớp thuốc mỏng lên đầu gối, kết hợp massage nhẹ nhàng để tăng cường hiệu quả điều trị.
- Rửa tay thật sạch sau khi sử dụng thuốc.
- Không thoa thuốc lên vùng da có vết thương hở. Nếu cảm thấy bỏng rát, hãy chườm túi đá khô được bọc trong vải mỏng lên đầu gối để cải thiện các triệu chứng. Không lạm dụng kem Zostrix, điều này có thể gây tổn thương da.
Tác dụng phụ phổ biến:
- Nếu lạm dụng hoặc sử dụng với số lượng lớn có thể gây viêm viêm da, nổi mẩn đỏ và mụn nước trên da.
- Huyết áp tăng cao, đặc biệt là khi sử dụng với nồng độ cao. Điều này có thể gây nguy hiểm cho người có tiền sử tim mạch.
- Người HIV có thể bị tiêu chảy, sụt cân và nhiễm trùng sau khi sử dụng Zostrix.
- Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể cách sử dụng và liều lượng phù hợp, an toàn.
3. Kem Diclofenac theo toa
Các loại kem Diclofenac theo toa có thể được bôi vào đầu gối để giảm đau, chống viêm và cải thiện các triệu chứng giãn dây chằng đầu gối khác. Có nhiều công thức khác nhau của thuốc trị giãn dây chằng đầu gối chứa 1%, 1.5% hoặc 2% Diclofenac, tùy thuộc vào độ mạnh cần thiết của thuốc. Nồng độ thuốc được chỉ định bởi bác sĩ chuyên môn để tránh các tác dụng phụ không mong muốn.
Cách sử dụng kem Diclofenac theo toa điều trị giãn dây chằng đầu gối:
- Rửa tay và vệ sinh đầu gối, để khô tự nhiên.
- Thoa thuốc lên đầu gối, kết hợp massage nhẹ nhàng để đảm bảo thuốc thẩm thấu tốt vào da.
- Rửa tay sạch sẽ ngay sau khi thoa thuốc.
- Để thuốc khô ít nhất là 10 phút trước khi mặc quần áo.
- Không sử dụng thuốc lên các vết thương hở và vùng da bị nhiễm trùng.
Tác dụng phụ phổ biến:
- Ngứa, kích ứng, đỏ da
- Đau đầu
Lưu ý trước khi sử dụng:
- Diclofenac có thể làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về tim và mạch máu, như đau tim và đột quỵ.
- Làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về dạ dày hoặc ruột, bao gồm xuất huyết tiêu hóa, đặc biệt là ở người bệnh có tiền sử viêm loét dạ dày.
Để hạn chế các tác dụng phụ và rủi ro không mong muốn, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
4. Miếng dán giảm đau Salonpas
Bác sĩ có thể kê các miếng dán Salonpas để giúp giảm đau do giãn dây chằng đầu gối. Miếng dán Salonpas có thành phần chính là Methyl salicylate, tinh dầu bạc hà và tá dược có tác dụng gây tê cục bộ, giúp giảm đau bằng cách ngăn chặn các dây thần kinh truyền tín hiệu đau đớn. Thuốc có thể truyền qua mặt dính của miếng dán, truyền qua da, từ đó giúp giảm đau.
Miếng dán Salonpas có thể dán trực tiếp lên da mỗi ngày một lần để giảm đau. Tuy nhiên người bệnh nên dán miếng dán tại vị trí đau nhất và tránh đặt trực tiếp lên khớp gối. Ngoài ra, không nên dán miếng dán lên các vết thương hở hoặc các vết cắt của da.
5. Thuốc corticosteroid
Corticosteroid là thuốc được sử dụng để giảm đau, chống viêm và điều hòa phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch. Corticosteroid có thể được sử dụng qua đường bôi, uống hoặc tiêm vào khớp để mang lại hiệu quả trong thời gian ngắn nhất. Tuy nhiên, Corticosteroid có nhiều tác dụng phụ, do đó chỉ được sử dụng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Một số loại Corticosteroid thường được sử dụng bao gồm cortisone, hydrocortisone, prednisone, prednisolone và methylprednisolone. Hầu hết các loại thuốc này được bán theo đơn và sử dụng trong một thời gian ngắn để ngăn ngừa các tác dụng phụ.
Tác dụng phụ phổ biến bao gồm:
- Đỏ da
- Teo da
- Loãng xương
- Mất ngủ
- Đau đầu
- Tổn thương sụn
- Nhiễm trùng khớp
- Tổn thương dây thần kinh
Các tác dụng phụ được kiểm soát bằng cách sử dụng liều thấp nhất trong thời gian ngắn nhất để đạt hiệu quả điều trị. Không tự ý thay đổi liều lượng Corticosteroid mà không nhận được sự đồng ý của bác sĩ chuyên môn.
6. Thuốc giảm đau gây nghiện
Thuốc giảm đau gây nghiện (Opioid) được chỉ định khi các loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối khác không mang lại hiệu quả điều trị. Các loại thuốc phổ biến bao gồm:
- Oxycodone
- Hydrocodone
- Morphine
- Tramadol
Liều lượng và thời gian sử dụng của thuốc Opioid phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau và theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc được sử dụng với thời gian ngắn nhất có thể nhằm hạn chế tối đa nguy cơ nghiện hoặc phụ thuộc thuốc.
Thuốc có tác dụng giảm đau mạnh, dung nạp tốt và hiệu quả nhanh. Tuy nhiên các loại thuốc này có thể gây nghiện nếu lạm dụng hoặc sử dụng với liều lượng nhiều hơn quy định.
Các tác dụng phụ phổ biến bao gồm:
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Chóng mặt
- Buồn ngủ
- Cảm thấy lâng lâng
- Nôn mửa
- Khó chịu bụng
7. Thuốc tiêm cortisone
Thuốc tiêm cortisone là thuốc chống viêm được tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm đau, sưng và viêm. Đây là thuốc tiêm đầu gối phổ biến nhất được sử dụng để điều trị giãn dây chằng, thoái hóa khớp và viêm khớp.
Tiêm cortisone được thực hiện khi người bệnh được gây tê cục bộ ở đầu gối và giữ được sử tỉnh táo trong suốt quá trình. Thuốc tiêm sẽ giúp giảm đau và các triệu chứng trong vòng 6 tuần đến 6 tháng sau khi thực hiện thủ thuật. Trong thời gian này người bệnh được khuyến khích tăng cường các hoạt động thể chất để phục hồi chức năng khớp gối.
Thuốc tiêm cortisone không được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường hoặc các vấn đề đường huyết, bởi vì cortisone có thể làm tăng lượng đường trong máu. Ngoài ra, việc tiêm nhắc lại cortisone không được khuyến khích nhằm hạn chế các rủi ro liên quan.
8. Tiêm thuốc gây tê tại chỗ
Thuốc gây tê cục bộ, phổ biến nhất là Lidocain, có thể được tiêm trực tiếp vào đầu gối. Loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối này có tác dụng làm tê, chống viêm và giảm cường độ của các tín hiệu đau. Nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, thuốc có tác dụng kéo dài trong ba tháng hoặc hơn.
Lidocain cũng thường được tiêm vào đầu gối trước khi tiêm cortisone, nhằm làm tê và giảm đau. Lidocain có tác dụng giảm đau nhanh chóng nhưng ngắn hạn và thường mất tác dụng sau khi tiêm cortisone vài giờ. Bởi vì liều lượng sử dụng thường thấp và nhẹ hơn khi tiêm Lidocain độc lập.
9. Tiêm Axit hyaluronic
Axit hyaluronic có thể được tiêm vào đầu gối để giảm đau và cải thiện chuyển động của khớp. Axit hyaluronic là một chất giống như gel tự nhiên trong chất lỏng hoạt dịch khớp, đóng vai trò như chất bôi trơn, giúp xương di chuyển linh hoạt bên trong khớp, ngay cả khi bị giãn dây chằng đầu gối.
Một mũi tiêm Axit hyaluronic có thể hỗ trợ giảm đau, giúp người bệnh đứng lâu, đi bộ, chạy bộ hoặc nâng vật nặng mà không cảm thấy khó chịu. Có thể mất khoảng 3 – 4 tuần để liệu pháp giúp giảm đau, tuy nhiên hiệu quả có thể kéo dài đến 6 tháng.
Hỗ trợ điều trị giãn dây chằng đầu gối
Bên cạnh các loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối, người bệnh có thể tham khảo một số biện pháp tự nhiên và chăm sóc tại nhà để tăng cường hiệu quả điều trị. Các biện pháp hỗ trợ điều trị bao gồm:
- Chườm lạnh hoặc chườm nóng: Liệu pháp này có thể giúp giảm đau khớp liên quan đến giãn dây chằng đầu gối, hỗ trợ thư giãn và giúp người bệnh cảm thấy thoải mái hơn.
- Xoa bóp: Massage, xoa bóp nhẹ nhàng có thể tăng cường lượng máu và chất dinh dưỡng đến khớp gối, từ đó cải thiện cơn đau cũng như giúp dây chằng đầu gối phục hồi nhanh hơn.
- Vật lý trị liệu: Chuyên gia vật lý trị liệu có thể đề nghị các liệu pháp xoa bóp, siêu âm hoặc kích thích điện để cải thiện cơn đau nhanh chóng.
- Chế độ ăn uống phù hợp: Một chế độ ăn uống đầy đủ các loại thực phẩm có nguồn gốc thực vật, chẳng hạn như các loại ngũ cốc, các loại hạt và đậu, có thể kiểm soát tình trạng viêm, đau ở đầu gối.
- Tập thể dục: Các bài tập thể dục, chẳng hạn như aerobic, đi bộ, bơi lội, có thể giúp giảm viêm, tăng cường sức khỏe khớp và cải thiện chức năng tổng thể ở đầu gối.
- Giảm căng thẳng: Căng thẳng tinh thần quá mức có thể dẫn đến nhiều cơn đau về thể chất, bao gồm đau liên quan đến giãn dây chằng đầu gối.
Các loại thuốc trị giãn dây chằng đầu gối thường mang lại hiệu quả cao và nhanh chóng. Tuy nhiên một số loại thuốc có thể có nhiều tác dụng phụ cũng như cần sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!