Thuốc Tiêm Điều Trị Loãng Xương Là Gì? Điều Cần Biết
Thuốc tiêm điều trị loãng xương được chỉ định cho những bệnh nhân bị loãng xương nặng, có nguy cơ gãy xương bệnh lý hoặc không có đáp ứng với thuốc uống. Các thuốc thuộc nhóm này cần được sử dụng thận trọng, dùng đúng liều để tránh phát sinh các tác dụng ngoại ý.
Thuốc tiêm điều trị loãng xương là thuốc gì?
Thuốc tiêm điều trị loãng xương là thuốc chữa bệnh loãng xương được sản xuất ở dạng dung dịch tiêm. Hầu hết các thuốc đều được pha sẵn. Khi dùng tiêm truyền tĩnh mạch, thuốc cần được pha loãng thêm với một loại dung dịch khác (như glucose 5% hoặc NaCl 0,9%) để tăng hiệu quả điều trị hoặc/ và giảm tác dụng phụ của thuốc.
Thuốc điều trị loãng xương dạng tiêm thường được chỉ định cho những bệnh nhân bị loãng xương liên quan đến tình trạng suy tuyến sinh dục, mãn kinh, liệu pháp glucocorticoid (Corticoid) toàn thân dài hạn.
Trong thời gian điều trị, người bệnh sẽ được theo dõi chặt chẽ, đo loãng xương định kỳ kết hợp với các xét nghiệm khác để theo dõi diễn tiến bệnh. Đồng thời phát hiện sớm và xử lý các tác dụng ngoại ý.
Các thuốc tiêm điều trị loãng xương thường gặp
Dưới đây là những loại thuốc tiêm điều trị loãng xương thường gặp gồm:
- Acid zoledronic (điển hình như Aclasta 5 mg/100 ml)
- Denosumab (Prolia)
Thuốc tiêm điều trị loãng xương có tác dụng gì?
Hầu hết các thuốc tiêm điều trị loãng xương đều có tác dụng ức chế hoạt động của hủy cốt bào (tế bào làm tăng quá trình phá hủy xương) và bảo vệ những tế bào khỏe mạnh khỏi tình trạng hư hại. Điều này giúp ngăn chặn sự tiêu xương và giữ cho quá trình tạo xương diễn ra suôn sẻ. Do đó việc sử dụng thuốc sẽ giúp người bệnh cải thiện khối lượng xương, kiểm soát bệnh loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương bệnh lý.
Ngoài ra thuốc còn có tác dụng điều trị bệnh Paget xương và ngăn chặn một số vấn đề về xương ở những bệnh nhân bị ung thư tiến triển (bao gồm cả ung thư xương). Cụ thể như gãy xương, tăng calci máu…
Ai có thể dùng thuốc tiêm điều trị loãng xương?
Thuốc tiêm điều trị loãng xương thường được chỉ định cho những trường hợp sau:
- Loãng xương ở phụ nữ sau mãn kinh
- Loãng xương ở nam giới do suy tuyến sinh dục
- Loãng xương liên quan đến liệu pháp Corticoid toàn thân dài hạn
- Nguy cơ gãy xương do loãng xương hoặc ung thư
- Tăng calci máu do ung thư
- Bệnh Paget xương
Thông thường thuốc tiêm sẽ được ưu tiên cho những trường hợp rất nặng, có nguy cơ gãy xương cao hoặc dùng khi bệnh nhân không có đáp ứng với các thuốc trị loãng xương dạng viên uống.
Chống chỉ định
Không dùng thuốc tiêm điều trị loãng xương cho những trường hợp sau:
- Bệnh nhân bị dị ứng hay quá mẫn với bất kỳ thành phần nào của thuốc
- Dưới 18 tuổi
- Phụ nữ mang thai
- Phụ nữ đang nuôi con bú
- Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin <35 ml/ phút)
- Hạ calci máu
- Những người đang trong thời gian điều trị với các thuốc có tác dụng tương tự
- Vết thương sau nhổ răng hoặc nhiễm trùng răng miệng chưa lành
Thận trọng
Một số trường hợp cần thận trọng khi dùng thuốc điều trị loãng xương dạng dung dịch tiêm:
- Dấu hiệu khó nuốt kéo dài
- Có tiền sử hoặc đang bị các bệnh lý ở dạ dày và/ hoặc thực quản: Viêm hoặc loét dạ dày, thủng dạ dày, loét thực quản, xuất huyết tiêu hóa..
- Ung thư đang xạ trị/ hóa trị liệu
- U lympho bào
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh sarcoid
- Đang dùng một số loại thuốc như corticoid, thuốc ức chế thành mạch…
- Có dự định mang thai hoặc thủ thuật nha khoa xâm lấn
- Bệnh nha chu
- Không dung nạp với galactose, fructose
Cách dùng thuốc tiêm trị loãng xương
Thuốc tiêm điều trị loãng xương được dùng bằng cách tiêm truyền tĩnh mạch. Trước khi sử dụng, bác sĩ có thể pha loãng thuốc với một loại dung dịch thích hợp như NaCl 0,9% hoặc glucose 5% để giảm tác dụng phụ.
Thời gian tiêm truyền phải ít nhất 15 phút. Trước và sau khi tiêm truyền cần uống nhiều nước để kích thích đi tiểu và hạn chế những vấn đề ở thận. Ngoài ra cần đảm bảo bổ sung đủ vitamin D và canxi từ thực phẩm để tăng hiệu quả chữa bệnh loãng xương.
Liều dùng thuốc tiêm trị loãng xương
Liều dùng thuốc tiêm trị loãng xương được chỉ định dựa trên loại thuốc cụ thể, khả năng đáp ứng với thuốc và mục đích điều trị.
Cách bảo quản thuốc
Các loại thuốc tiêm điều trị loãng xương cần được bảo quản ở những nơi có nhiệt độ và độ ẩm phù hợp, không có ánh sáng chiếu trực tiếp. Nếu chưa sử dụng, dung dịch phải được giữ nguyên trong lọ, không để thuốc tiếp xúc với môi trường bên ngoài.
Lưu ý khi dùng thuốc tiêm điều trị loãng xương
Để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả khi dùng thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương, người bệnh cần đọc kỹ một số thông tin được liệt kê dưới đây:
1. Khuyến cáo khi dùng
Trước khi dùng thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ chuyên khoa nếu có các vấn đề/ bệnh lý sau:
- Dự định có con trong tương lai
- Đang nuôi con bú hoặc dự định nuôi con bú
- Dự định phẫu thuật nha khoa hoặc nhổ răng
- Đang sử dụng các thuốc làm giảm calci trong máu
- Đang được điều trị chọn lọc thận
- Hội chứng kém hấp thu (gặp khó khăn khi hấp thu chất dinh dưỡng trong dạ dày và ruột)
- Đã phẫu thuật tuyến giáp hoặc tuyến cận giáp
- Không thể sử dụng vitamin D và canxi mỗi ngày
- Hàm lượng canxi trong máu thấp
- Đang sử dụng các thuốc có cùng tác dụng
- Những tình trạng khiến cơ thể khó hấp thụ chất dinh dưỡng
- Bệnh thận
- Hệ thống miễn dịch yếu
Một số khuyến cáo khác:
- Thuốc tiêm điều trị loãng xương chỉ được dùng khi có chỉ định.
- Một số tình trạng cần điều trị trước khi dùng thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương gồm hạ calci máu, các rối loạn gây giảm chuyển hóa vitamin và khoáng chất…
- Cần thử thai trước khi sử dụng thuốc tiêm chữa loãng xương. Nói với bác sĩ ngay lập tức nếu bạn mang thai trong thời gian chữa bệnh.
- Nên áp dụng một biện pháp tránh thai hiệu quả trong khi điều trị với thuốc tiêm chữa loãng xương và ít nhất 5 tháng sau mũi tiêm cuối cùng.
- Liệt kê các thuốc đang sử dụng và trao đổi với bác sĩ chuyên khoa trước khi điều trị loãng xương với thuốc tiêm. Bởi một số loại thuốc có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh và tăng nguy cơ phát sinh tác dụng phụ.
- Cần đo nồng độ calci trong máu trước khi bắt đầu và trong khi điều tri loãng xương với thuốc tiêm.
- Trong thời gian dùng thuốc tiêm điều trị loãng xương, người bệnh cần tránh hút thuốc lá và dùng đồ uống có cồn. Bởi chúng có thể làm ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh và tăng mức độ nghiêm trọng của các vấn đề liên quan đến hệ thần kinh.
- Không dùng thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương nếu có dự định làm thủ thuật hàm mặt hoặc bị nhiễm trùng/ vết thương do nhổ răng chưa khỏi hẳn. Vì có thể làm tăng nguy cơ hoại tử xương ở hàm. Những trường hợp này cần tuân thủ nguyên tắc dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Dấu hiệu nhận biết gồm răng lung lây, sưng, vết thương chậm lành, nhiễm trùng nướu…
- Không nên lái xe, vận hành máy móc hoặc thực hiện những công việc nguy hiểm trong khi sử dụng thuốc tiêm điều trị loãng xương. Bởi thuốc có thể gây mất tập trung, buồn ngủ, hoa mắt, chóng mặt…
- Nguy cơ u xương hàm thường tăng lên ở những bệnh nhân bị ung thư được hóa trị liệu, xạ trị, dùng Steroid; rối loạn đông máu, thiếu máu và một số vấn đề về răng miệng từ trước.
- Cần uống nhiều nước để kích thích đi tiểu và giảm gây hại ở thận.
- Cần bổ sung vitamin D và canxi để tăng hiệu quả chữa bệnh.
- Thường xuyên đo nồng độ phosphat trong huyết thanh, kiểm tra chức năng thận… để sớm phát hiện và kiểm soát các vấn đề có thể xảy ra do dùng thuốc tiêm điều trị bệnh loãng xương.
- Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tiêm điều trị loãng xương với những loại thuốc có tác dụng tương tự. Cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn dùng thêm chất bổ sung (dạng viên/ dung dịch uống) hoặc cần phải chữa bệnh với những loại thuốc khác.
2. Tác dụng phụ
Phần lớn các thuốc tiêm điều trị loãng xương đều có khả năng gây tác dụng phụ. Do đó thuốc cần được sử dụng thận trọng, đúng với hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa để giảm nguy cơ.
Một số tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương:
Tác dụng phụ thường gặp
- Đau lưng
- Đau nhức xương khớp
- Đau cơ
- Nôn và buồn nôn
- Rối loạn vị giác
- Đau đầu, choáng váng
- Buồn ngủ
- Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu
- Mệt mỏi
- Đau nhức toàn cơ thể
- Táo bón và tiêu chảy
Tác dụng phụ ít gặp
- Sốt
- Khó thở
- Hạ calci máu
- Hạ magie máu, kali máu
- Rối loạn giấc ngủ
- Lo âu không rõ nguyên nhân
- Viêm mắt
- Nhịp tim nhanh và không đều
Tác dụng phụ hiếm gặp
- Hoại tử xương ở hàm
- Gãy xương đùi (bao gồm gãy đầu xương đùi, gãy thân xương đùi…)
- Đau dạ dày nghiêm trọng
- Tăng hoặc muốn đi tiểu khẩn cấp
- Nhiễm trùng bàng quang (đau hoặc/ và khó đi tiểu)
- Phản ứng dị ứng
3. Tương tác thuốc
Trước khi sử dụng thuốc tiêm điều trị loãng xương, người bệnh cần thông báo với bác sĩ chuyên khoa về những loại thuốc/ sản phẩm đang dùng. Điều này giúp hạn chế tình trạng tương tác thuốc dẫn đến nhiều vấn đề không mong muốn.
Thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương không nên được sử dụng khi đang điều trị với những loại thuốc dưới đây:
- Các thuốc cùng hoạt chất: Không sử dụng những loại thuốc có cùng hoạt chất với loại thuốc đang dùng. Vì điều này có thể dẫn đến tình trạng quá liều và phát sinh những triệu chứng nghiêm trọng.
- Thuốc dùng trong điều trị nhiễm trùng nghiêm trọng: Dùng thuốc tiêm chữa bệnh loãng xương trong thời gian sử dụng thuốc điều trị nhiễm trùng có thể làm ảnh hưởng đến chức năng thận.
- Aminoglycosid: Dùng chung Aminoglycosid (thuốc kháng sinh) với thuốc điều trị loãng xương làm tăng áp lực lên thận (do thải trừ qua thận) dẫn đến suy yếu.
- Thuốc lợi tiểu: Sự tương tác giữa thuốc lợi tiểu và dung dịch tiêm truyền điều trị loãng xương có thể làm tăng nguy cơ suy thận.
- Dung dịch truyền chứa calci, cation hóa trị hai: Không được pha loãng thuốc tiêm với dung dịch truyền chứa calci/ cation hóa trị hai. Vì điều này có thể gây tương tác thuốc dẫn đến sốc và phản ứng dị ứng.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Aspirin và một số loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể làm tăng khả năng gây tác dụng phụ của thuốc tiêm điều trị loãng xương.
4. Quá liều và cách xử lý
Thuốc tiêm điều trị loãng xương cần được sử dụng thận trọng. Nếu quá liều cấp tính, người bệnh có thể bị sốc và gặp nhiều triệu chứng nghiêm trọng. Cụ thể:
- Ngất xỉu
- Co giật
- Phát ban
- Khó thở
- Yếu
- Nôn ói
- Đau bụng nghiêm trọng
- Sốt, xanh xao
- Xuất hiện ảo giác
- Chóng mặt, hoa mắt
- Mất ý thức
- Hạ calci máu nặng
Nếu các triệu chứng xuất hiện, người bệnh cần được cấp cứu ngay lập tức. Một số biện pháp thường được áp dụng:
- Dùng thuốc giải độc (thuốc tiêm)
- Điều trị triệu chứng
- Hồi sức tích cực
- Truyền tĩnh mạch với canxi gluconat hoặc dùng viên uống canxi nếu bị hạ calci máu
- Chăm sóc và theo dõi.
Nếu bị loãng xương nghiêm trọng, có nguy cơ gãy xương bệnh lý hoặc không có đáp ứng với thuốc uống, thuốc tiêm điều trị loãng xương sẽ được chỉ định. Thuốc này thường mang đến hiệu quả nhanh và cao. Tuy nhiên các tác dụng phụ có thể xảy ra nếu dùng liều cao hoặc không đúng cách. Vì thế thuốc chỉ được dùng với liều lượng và thời gian thích hợp, dùng thuốc theo hướng dẫn của chuyên gia/ bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm: Bị Loãng Xương Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Nhanh Phục Hồi?
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!