Top 3 Thuốc Nhược Cơ Phổ Biến Giúp Trị Bệnh Hiệu Quả

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Thuốc ức chế miễn dịch, steroid và thuốc ức chế men Cholinesterase là các thuốc nhược cơ được sử dụng phổ biến. Những loại thuốc này có tác dụng kháng viêm, tăng nồng độ acetylcholine giúp kích thích các thụ thể. Đồng thời giảm phản ứng quá mức của hệ thống miễn dịch. Từ đó giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh.

Thuốc nhược cơ
Các thuốc nhược cơ gồm thuốc ức chế miễn dịch, steroid và thuốc ức chế men Cholinesterase

Các thuốc nhược cơ được dùng phổ biến

Nhược cơ là một dạng rối loạn thần kinh cơ. Đặc trưng của bệnh là tình trạng suy yếu và mệt mỏi nhanh chóng của các cơ trên cơ thể (đặc biệt là các cơ tự chủ). Điều này liên quan đến sự suy giảm số lượng acetylcholine (trên bản vận động cơ) dẫn đến sự gián đoạn trong giao tiếp bình thường giữa cơ bắp và các dây thần kinh.

Bệnh nhược cơ gây ra các triệu chứng nghiêm trọng (như nhìn đôi, sụp một hoặc hai mí mắt, thay đổi nét mặt, khó nuốt, khó nhai, yếu cơ…) và không thể điều trị khỏi bệnh. Tuy nhiên các phương pháp điều trị có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng.

Dùng thuốc thường là phương pháp điều trị ban đầu cho chứng nhược cơ. Hầu hết bệnh nhân có đáp ứng tốt, chỉ một số trường hợp cần phẫu thuật.

Dưới đây là những thuốc nhược cơ được dùng phổ biến:

1. Thuốc ức chế men Cholinesterase

Bệnh nhân bị nhược cơ được dùng thuốc ức chế men Cholinesterase để giảm nhẹ tình trạng. Cholinesterase là một loại enzym thủy phân, nó có khả năng làm mất tác dụng của acetylcholin (chất dẫn truyền thần kinh ở thần kinh ngoại vi và hệ thống thần kinh trung ương).

Thuốc ức chế men Cholinesterase có tác dụng tăng cường sự giao tiếp giữa cơ bắp và thần kinh bằng cách ức chế hoạt động của Cholinesterase, làm mạnh acetylcholin. Điều này giúp cải thiện tình trạng suy yếu và chóng mỏi của các cơ trong cơ thể, giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh nhược cơ.

Ngoài ra những loại thuốc ức chế men Cholinesterase còn có tác dụng cải thiện sức mạnh cơ bắp và sự co cơ. Thuốc được sử dụng với nhiều loại khác nhau, bao gồm:

  • Pyridostigmine (Mestinon)

Đây là loại thuốc đầu tiên được sử dụng cho bệnh nhược cơ, thường được điều chế ở dạng viên nén. Thuốc có tác dụng cải thiện quá trình dẫn truyền tín hiệu điện giữa các dây thần kinh và cơ. Đồng thời giảm tình trạng yếu cơ nhưng chỉ kéo dài vài giờ.

Pyridostigmine phù hợp với những bệnh nhân bị nhược cơ nặng vào sáng sớm hoặc về đêm.

    • Liều khuyến cáo: Uống 30mg/ lần x 3 lần/ ngày. Hoặc dùng 30 – 90mg mỗi 6 giờ. Uống trước khi đi ngủ.
    • Liều tối đa: 120mg/ lầm, 3 giờ 1 lần.
thuốc nhược cơ Pyridostigmine (Mestinon)
Pyridostigmine có tác dụng làm tăng quá trình dẫn truyền tín hiệu điện giữa dây thần kinh và cơ
  • Ambenonium (Mytelase)

Ambenonium (Mytelase) cũng là thuốc điều trị nhược cơ thuộc nhóm thuốc kháng Cholinesterase. Thuốc giúp ức chế hoạt động của Cholinesterase đối với acetylcholine.

    • Liều khuyến cáo: Uống 5 – 25mg/ lần x 3 – 4 lần/ ngày.

Thuốc ức chế men Cholinesterase mang đến hiệu quả điều trị cao. Tuy nhiên thuốc cần được dùng theo chỉ định của bác sĩ để tránh tác dụng phụ. Bao gồm:

  • Buồn nôn, nôn
  • Toát mồ hôi
  • Da tái xanh
  • Nhịp tim chậm
  • Chảy nước dãi
  • Tiêu chảy
  • Đau bụng
  • Hạ huyết áp.

2. Thuốc corticoid (steroid)

Thuốc corticoid (chẳng hạn như prednisone) là thuốc nhược cơ được dùng phổ biến và mang đến hiệu quả điều trị cao. Nhược cơ là một dạng rối loạn thần kinh cơ, liên quan đến rối loạn miễn dịch. Do đó việc sử dụng Corticosteroid có thể mang đến nhiều lợi ích.

Thuốc có tác dụng ức chế hệ thống miễn dịch, giảm lượng kháng thể được sản xuất. Điều này giúp ngăn chặn sự phá hủy (làm hỏng) những thụ thể dẫn truyền thần kinh (acetylcholine). Đồng thời cải thiện chức năng của protein tyrosine kinase. Từ đó giúp làm mạnh cơ bắp, cải thiện quá trình dẫn truyền tín hiệu giữa cơ bắp và các dây thần kinh.

Thuốc Corticosteroid đặc biệt phù hợp với những bệnh nhân bị nhược cơ toàn thân từ trung bình đến nặng. Thuốc được dùng khi những triệu chứng trở nên tồi tê hơn hoặc bệnh nhân có những vấn đề về thở và nuốt.

thuốc nhược cơ Prednison
Prednison được sử dụng để giảm lượng kháng thể được sản xuất, kiểm soát bệnh nhược cơ

Trong điều trị rối loạn, thuốc được dùng thông qua đường uống với liều lượng như sau:

  • Liều khởi đầu: 10 – 15mg/ ngày. Tăng dần liều dùng đến khi đạt mức 1 – 2mg/ kg trọng lượng.

Tiêm Methylprednisolone (Solu-Medrol) nếu không thể dùng thuốc qua đường uống. Liều dùng khuyến cáo:

  • Người lớn: 40 – 60mg/ lần x 3 – 4 lần/ ngày.
  • Trẻ em: 1 – 2mg/ kg trọng lượng/ lần x 3 – 4 lần/ ngày.

Trong một số trường hợp, Corticosteroid được dùng ở liều cao, giảm dần đến liều thấp nhất có hiệu quả hoặc uống cách nhật. Thuốc mang đến hiệu quả tốt và nhanh chóng (từ vài ngày đến vài tuần).

Tuy nhiên một số tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra khi dùng thuốc Corticosteroid kéo dài. Cụ thể:

  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Tăng cân
  • Loãng xương
  • Tiểu đường
  • Viêm loét dạ dày (có thể dùng thuốc ức chế bơm proton để ngăn ngừa)

3. Thuốc ức chế miễn dịch chữa nhược cơ

Thuốc ức chế miễn dịch có thể được thêm vào đơn thuốc điều trị nhược cơ, chẳng hạn như: Mycophenolate mofetil (Cellcept), Azathioprine (Azasan, Imuran), Cyclosporine (Sandimmune, Gengraf), Tacrolimus (Astrograf XL, Prograf), Methotrexate (Trexall).

Thuốc có tác dụng làm thay đổi hệ thống miễn dịch, hạn chế sản sinh các kháng thể tấn công vào hệ thống liên lạc giữa cơ bắp và dây thần kinh. Từ đó cải thiện sức cơ, kiểm soát bệnh nhược cơ và giảm nhẹ các triệu chứng.

Thuốc ức chế miễn dịch phù hợp với những trường hợp sau:

  • Không thể kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc Corticosteroid
  • Corticosteroid gây ra nhiều tác dụng phụ hoặc cần dùng liều cao

Thuốc có thể được dùng để thay thế hoặc kết hợp với Corticosteroid. Thuốc ức chế miễn dịch được dùng ở dạng viên nén và dùng mỗi ngày. Cần một thời gian dài (ít nhất 9 tháng) để thuốc có hiệu lực đầy đủ. Chính vì thế Pyridostigmine (Mestinon) và Corticosteroid thường được dùng trong thời gian đầu điều trị.

Có thể ngừng sử dụng thuốc ức chế miễn dịch khi những triệu chứng được kiểm soát trong thời gian dài. Trong quá trình điều trị, cần theo dõi chức năng thận, gan và số lượng bạch huyết.

Thuốc ức chế miễn dịch
Thuốc ức chế miễn dịch – Azathioprine (Imuran) có tác dụng làm thay đổi hệ thống miễn dịch

Liều dùng thuốc tham khảo:

  • Azathioprine (Imuran 50mg): Uống 1 viên/ ngày, liên tục 7 – 10 ngày. Tăng liều 2 – 4 viên/ ngày nếu dung nạp tốt.
  • Cyclosporine: Uống 6mg/ kg trọng lượng/ ngày.

Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc ức chế miễn dịch:

  • Mệt mỏi
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng
  • Chán ăn
  • Chảy máu bàng quang
  • Suy thận
  • Suy gan

Các loại thuốc nhược cơ cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Để chữa bệnh hiệu quả và an toàn, bệnh nhân cần tuân thủ liều lượng, cách dùng và sử dụng thuốc đúng thời điểm. Thông báo với bác sĩ nếu thuốc không hiệu quả hoặc có bất kỳ tác dụng phụ nào.

Các phương pháp điều trị nhược cơ khác

Ngoài thuốc nhược cơ, một số phương pháp khác có thể được áp dụng (dựa trên tình trạng sức khỏe và mức độ nghiêm trọng của bệnh nhân).

  • Liệu pháp tiêm tĩnh mạch

Nếu những triệu chứng đột ngột xấu đi, liệu pháp tiêm tĩnh mạch có thể được áp dụng.

    • Kháng thể đơn dòng: Eculizumab (Soliris) và Rituximab (Rituxan) là thuốc kháng thể đơn dòng được sử dụng để tiêm tĩnh mạch cho bệnh nhược cơ. Thuốc có tác dụng điều hòa những đáp ứng của kháng thể, trung hòa tác nhân gây bệnh, hỗ trợ thực bào bằng cách opsonin hóa kháng nguyên. Kháng thể đơn dòng có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nên chỉ được dùng khi thực sự cần thiết, bệnh nhân không đáp ứng với các phương pháp khác.
    • Tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch (IVIg): IVIg cung cấp những kháng thể bình thường cho cơ thể, thay đổi phản ứng của hệ thống miễn dịch. Từ đó điều trị tốt bệnh nhược cơ. Tiêm tĩnh mạch Globulin miễn dịch phát huy tác dụng trong vòng 1 tuần, có thể kéo dài từ 3 – 6 tuần. Tác dụng phụ nhẹ, bệnh nhân thường chỉ đau đầu, giữ nước, chóng mặt và ớn lạnh.
  • Liệu pháp thay huyết tương – Plasmapheresis (plaz-muh-fuh-REE-sis)

Liệu pháp thay huyết tương – Plasmapheresis có tác dụng lọc kháng thể, loại bỏ những kháng thể ngăn chặn quá trình truyền tải tín hiệu từ các dây thần kinh đến cơ bắp (tại những vị trí thụ cảm).

Tương tự như quy trình lọc máu, lượng máu trong cơ thể sẽ được chuyển qua một máy lọc bỏ các kháng thể bất lợi. Từ đó kiểm soát bệnh nhược cơ và giảm nhẹ các triệu chứng. Tuy nhiên hiệu quả của liệu pháp Plasmapheresis chỉ kéo dài trong vòng vài tuần.

Việc lặp đi lặp lại quy trình có thể dẫn đến tình trạng khó tiếp cận tĩnh mạch. Đồng thời gây ra những vấn đề liên quan đến chứng tăng huyết áp.

Liệu pháp thay huyết tương - Plasmapheresis
Thay huyết tương giúp loại bỏ những kháng thể ngăn chặn quá trình truyền tải tín hiệu giữ thần kinh và cơ
  • Phẫu thuật

Phẫu thuật được chỉ định cho những bệnh nhân bị nhược cơ có khối u trong tuyến ức (u tuyến ức). Phương pháp này giúp cắt bỏ tuyến ức, cải thiện các triệu chứng của bệnh nhược cơ. Phẫu thuật cắt bỏ tuyến ức cũng mang đến hiệu quả cho những bệnh nhân không có khối u.

Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể được hóa trị để điều trị xâm lấn hạch bạch huyết hoặc xạ trị để điều trị nhiễm trùng còn sót lại.

  • Biện pháp cải thiện bệnh nhược cơ tại nhà

Những biện pháp dưới đây có thể hỗ trợ giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh nhược cơ:

    • Dùng miếng che mắt: Nếu nhược cơ gây chứng nhìn đôi, miếng che mắt có thể giúp giảm nhẹ tình trạng. Biện pháp này có thể được sử dụng khi xem TV, đọc sách, viết hay thực hiện bất kỳ hoạt động nào cần tập trung.
    • Dùng dụng cụ điện và thiết bị điện: Những dụng cụ và thiết bị điện như bàn chải đánh răng điện có thể giúp ngăn ngừa việc sử dụng cơ quá mức. Đồng thời duy trì năng lượng cho bệnh nhân.
    • Lập kế hoạch: Những kế hoạch hoạt động nên được thực hiện vào thời điểm bạn có nhiều năng lượng nhất.
    • Áp dụng biện pháp phòng ngừa an toàn tại nhà: Loại bỏ những vật dụng cản trở đường đi, lắp đặt thanh vịn hoặc thực hiện bất kỳ hoạt động nào có thể đảm bảo sự an toàn cho người bệnh.
    • Điều chỉnh thói quen ăn uống: Nghỉ ngơi giữa những lần cắn thức ăn và dành thời gian nhai. Có thể chia bữa ăn chính thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày, nên ăn thức ăn mềm, dễ nhai và nuốt. Ngoài ra nên bổ sung đầy đủ dinh dưỡng từ thực phẩm để cải thiện sức mạnh cơ bắp và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh nhược cơ.
Chia nhỏ bữa ăn và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng
Chia nhỏ bữa ăn và bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức cơ, giảm nhẹ triệu chứng của bệnh

Trên đây là thuốc nhược cơ được dùng phổ biến và những phương pháp hỗ trợ điều trị. Những loại thuốc này có khả năng ức chế hoạt động miễn dịch, kháng viêm, làm mạnh và tăng nồng độ acetylcholine giúp kích thích các thụ thể. Từ đó kiểm soát bệnh nhược cơ và giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh. Tuy nhiên những loại thuốc này cần được dùng đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Bệnh Đa Xơ Cứng Có Chết Không
Người bệnh đa xơ cứng có chết không, có di truyền không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Đây là một bệnh tự miễn, không có cách chữa khỏi. Bệnh làm khởi phát các triệu chứng nghiêm trọng, gây ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua