Thuốc Gây Tê Tại Chỗ: Công Dụng, Độc Tính Và Lưu Ý

Theo dõi IHR trên goole news

Thuốc gây tê tại chỗ thường được sử dụng cho những thủ thuật nhỏ có thể hoàn thành trong thời gian ngắn, bệnh nhân chóng khỏe và được cho phép trở về nhà trong ngày. Khi sử dụng thuốc, các dẫn truyền xung động thần kinh về trung ương từ ngoại vi sẽ bị ức chế có hồi phục, khiến một vùng bị mất cảm giác tạm thời.

Thuốc gây tê tại chỗ
Thuốc gây tê tại chỗ là loại thuốc có khả năng làm tê và làm mất cảm giác của một vùng nhỏ trên cơ thể

Thuốc gây tê tại chỗ là gì?

Thuốc gây tê tại chỗ là một nhóm các loại thuốc có khả năng làm tê và làm mất cảm giác của một vùng nhỏ trên cơ thể. Thuốc có nhiều dạng điều chế. Tuy nhiên thuốc tiêm được sử dụng phổ biến nhất.

Ngay sau khi tiêm, các dẫn truyền xung động thần kinh về trung ương từ ngoại vi sẽ bị ức chế có hồi phục, khiến một vùng bị mất cảm giác tạm thời. Những trường hợp tiểu phẫu có thể hoàn thành trong thời gian ngắn đều được áp dụng gây tê tại chỗ. Điều này giúp ức chế cảm giác đau, bệnh nhân hoàn toàn tỉnh khi làm phẫu thuật.

Thông thường thuốc gây tê tại chỗ sẽ được sử dụng cho những bệnh nhân có các vùng phẫu thuật nhỏ. Điển hình như tiểu phẫu răng, vết thương ngoài da, vết thương cạn, nhỏ, vết thương ở ngón tay, ngón chân, da đầu…

Không giống như thuốc gây mê toàn thân, thuốc gây tê tại chỗ không làm người bệnh bất tỉnh. Điều này có nghĩa chúng có độ an toàn cao hơn, phục hồi nhanh hơn và thường không yêu cầu bất kỳ chỉ định đặc biệt nào trước khi thực hiện.

Phân loại thuốc gây tê tại chỗ

Thuốc gây tê tại chỗ được phân thành ba nhóm, bao gồm:

1. Nhóm Amides

Những Amides là dẫn xuất của Anilin. Nhóm này gồm các thuốc:

  • Dibucain
  • Etidocain
  • Lidocain
  • Bupivacain
  • Ropivacain
  • Mepivacain
  • Prilocain

2. Nhóm Esters

Thuốc gây tê tại chỗ nhóm Esters là dẫn xuất của acid para- aminobenzoic.

Nhóm này gồm các thuốc:

  • Cocain
  • Proparacain
  • Tetracain
  • Procain
  • Benzocain
  • Chloroprocain
  • Butamben picrat

3. Nhóm khác

Ngoài nhóm Amides và Esters, thuốc gây tê tại chỗ còn có Pyclonine và Pramoxin. Hai loại này không cùng phân nhóm Amides và Esters. Pyclonine và Pramoxin thường được chỉ định cho những người bệnh có tiền sử dị ứng với amides hoặc este và không sử dụng được do một số tình trạng sức khỏe.

Thuốc gây tê tại chỗ được phân thành ba nhóm
Thuốc gây tê tại chỗ được phân thành ba nhóm gồm các Amides, các Esters và nhóm khác (Pyclonine và Pramoxin)

Tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ

Thuốc gây tê tại chỗ tác động lên các sợi thần kinh trung ương và thần kinh thực vật để ức chế cảm giác tại một vùng. Tùy thuộc vào loại thuốc và nồng độ thuốc được sử dụng, thuốc lần lượt tác động vào các sợi thần kinh trung ương bé và to.

Thứ tự mất cảm giác gồm:

  • Đau
  • Lạnh, nóng
  • Xúc giác nông
  • Xúc giác sâu
  • Vận động

Sau khi hết thuốc, thứ tự phục hồi cảm giác sẽ theo hướng ngược lại.

Một số công dụng chính của thuốc gây tê tại chỗ:

  • Điều trị cơn đau
  • Ngăn ngừa đau trong và sau khi phẫu thuật
  • Gây tê ngoài màng cứng và tủy sống
  • Làm tê các dây thần kinh cung cấp cảm giác cho một bộ phận cụ thể của cơ thể. Cụ thể như chân, cánh tay hoặc bàn tay. Thuốc được dùng để ngăn chặn cơn đau sau phẫu thuật hoặc và tiến hành một ca phẫu thuật mà không cần dùng thuốc gây mê toàn thân

Cách thuốc gây tê tại chỗ hoạt động

Thuốc gây tê tại chỗ ức chế các dây thần kinh dẫn truyền tín hiệu đến não (thuộc một bộ phận của cơ thể). Điều này giúp người bệnh không cảm thấy đau sau khi được gây tê. Mặc dù vậy người bệnh có thể cảm thấy một chút áp lực khi thực hiện thủ thuật hoặc cử động.

Thông thường chỉ mất vài phút để thuốc tê làm mất cảm giác ở vùng được tiêm. Thuốc tường hết tác dụng khoảng một vài giờ sau đó, cảm giác sẽ được khôi phục hoàn toàn.

Chỉ định dùng thuốc gây tê tại chỗ

Thông thường thuốc gây tê tại chỗ (dạng thuốc tiêm) sẽ được chỉ định cho những trường hợp cần thực hiện các thủ thuật nhỏ, có thể hoàn thành trong thời gian ngắn. Thuốc sẽ ức chế cảm giác đau và giữ cảm giác thư giãn cho người bệnh trong khi tiến hành thủ thuật hoặc phẫu thuật.

Thuốc gây tê thường được sử dụng khi thực hiện những thủ thuật nhỏ dưới đây:

  • Tiểu phẫu răng miệng (nhỏ bỏ răng, trám răng)
  • Vết thương ngoài da
  • Phẫu thuật nhỏ trên da như mụn cóc, loại bỏ nốt ruồi…
  • Một số loại phẫu thuật mắt, điển hình như loại bỏ đục thủy tinh thể
  • Vết thương cạn, nhỏ
  • Vết thương ở ngón tay, ngón chân
  • Vết thương ở da đầu
  • Sinh thiết (một mẫu mô được lấy ra từ một bộ phận trên cơ thể để kiểm tra dưới kính hiển vi, đánh giá chi tiết hơn về bệnh lý đang gặp)

Đối với thuốc xịt hoặc gel không kê đơn chứa chất gây tê tại chỗ, thuốc có thể được dùng cho những tình trạng hơi đau. Cụ thể như loét miệng và viêm họng.

Ở những trường hợp có các tình trạng nghiêm trọng hơn như đau khớp kéo dài do thoái hóa khớp, viêm khớp… thuốc steroid và thuốc gây tê tại chỗ sẽ được sử dụng đồng thời.

Thuốc gây tê tại chỗ được chỉ định cho người cần thực hiện các thủ thuật nhỏ
Thuốc gây tê tại chỗ được chỉ định cho người cần thực hiện các thủ thuật nhỏ, có thể hoàn thành trong thời gian ngắn

Chống chỉ định

Không dùng thuốc gây tê tại chỗ cho những người bị dị ứng hoặc quá mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Thuốc gây tê tại chỗ được dùng như thế nào?

Thuốc gây tê tại chỗ dạng tiêm thường được tiêm trực tiếp tại vùng cần ức chế cơn đau. Ở dạng này, thuốc được sử dụng bởi bác sĩ phẫu thuật, nha sĩ, bác sĩ gây mê, bác sĩ đa khoa hoặc một số bác sĩ có nhiệm vụ gây tê trước khi phẫu thuật/ sinh thiết/ điều trị đau cho bệnh nhân chứng đau khớp kéo dài.

Đôi khi thuốc tê được tiêm thành nhiều mũi tiêm nhỏ. Sau khi tiêm một vài phút, khu vực được tiêm sẽ hoàn toàn tê liệt. Nếu vùng được tiêm vẫn còn cảm giác, bác sĩ có thể tiêm thêm thuốc để đảm bảo cảm giác đau được ức chế hoàn toàn.

Cách sử dụng những loại thuốc bôi ngoài, gel chứa chất gây tê nhẹ:

  • Lấy thuốc với một lượng vừa đủ
  • Bôi và thoa đều trên da
  • Sử dụng mỗi ngày vài lần theo hướng dẫn của bác sĩ.

Liều dùng thuốc gây tê tại chỗ

Thông thường liều dùng thuốc gây tê tại chỗ sẽ dựa vào loại thuốc được chỉ định và vùng cần gây tê. Có thể giảm liều cho một số đối tượng và tình trạng sức khỏe như nhẹ cân, người lớn tuổi…. Thuốc thường được sử dụng trước phẫu thuật từ vài giây đến vài phút.

1. Thuốc gây tê có cấu trúc Ester

Procain (Novocain) là loại thuốc gây tê tại chỗ nhóm Ester thường được sử dụng. Thuốc này thường được dùng chung với thuốc co mạch để tăng thời gian gây tê. Thuốc Procain (Novocain) chủ yếu được sử dụng để gây tê bề sâu, thường không được sử dụng để gây tê bề mặt do ít có tác dụng.

Liều dùng khuyến cáo:

  • Gây tê kiểu tiêm thấm: Tiêm với liều 350mg – 600mg procain hydroclorid với dung dịch 0,25 hoặc 0,5%.
  • Phong bế thần kinh ngoại vi: Tiêm với liều 500mg procain hydroclorid với dung dịch 2% (25ml), 1% (50ml) hoặc 0,5% (100ml). Liều tối đa 1000mg.

2. Thuốc gây tê có cấu trúc Amid

Đối với nhóm thuốc gây tê tại chỗ có cấu trúc Amid, Lidocain là loại thuốc thường được sử dụng. Thuốc này giúp gây tê tại chỗ niêm mạc họng, mũi, miệng, đường niệu – sinh dục, thực quản và khí quế quản.

Liều dùng khuyến cáo:

Gây tê từng lớp

Tiêm dung dịch lidocain hydroclorid (0,5% – 1%) trực tiếp vào mô.

  • Không pha thêm adrenalin: Dùng 4,5 mg Lidocain /kg trọng lượng.
  • Có pha thêm adrenalin: Dùng 7 mg Lidocain /kg trọng lượng.

Gây tê phong bế vùng

Tiêm dưới da dung dịch lidocain hydroclorid (0,5% – 1%).

  • Không pha thêm adrenalin: Dùng 4,5 mg Lidocain /kg trọng lượng.
  • Có pha thêm adrenalin: Dùng 7 mg Lidocain /kg trọng lượng.

Gây phong bế thần kinh

Tiêm dung dịch Lidocain gần hoặc vào đám rối thần kinh ngoại vi/ dây thần kinh. So với những kỹ thuật nêu trên, gây phong bế thần kinh có tác dụng gây tê rộng hơn.

  • Liều dùng: Tiêm dung dịch 7mg lidocain (1% – 1,5%)/kg trọng lượng.
Liều dùng thuốc gây tê tại chỗ
Liều dùng thuốc gây tê tại chỗ dựa vào loại thuốc được chỉ định, tình trạng sức khỏe và vùng cần được gây tê

Tác dụng gây tê tại chỗ kéo dài bao lâu?

Tác dụng của thuốc gây tê tại chỗ kéo dài trong bao lâu còn phụ thuộc vào loại thuốc được chỉ định và lượng thuốc được dùng. Phần lớn các thuốc gây tê mấy khoảng vài phút để phát huy tác dụng. Một số khác có thời gian phát huy tác dụng lâu hơn nhưng tác dụng của chúng kéo dài hơn. Cụ thể:

  • Thuốc Lidocain phát huy tác dụng gây tê trong vòng 2 – 5 phút sau khi được tiêm, tác dụng kéo dài đến 2 giờ.
  • Thuốc Bupivacaine phát huy tác dụng gây tê trong vòng 5 – 10 phút sau khi được tiêm, tác dụng kéo dài đến 8 giờ.

Trong nhiều trường hợp, thuốc gây tê được sử dụng kết hợp với Hormone, Epinephrine để kéo dài tác dụng gây tê. Khi được sử dụng cùng với Epinephrine, tác dụng gây tê của thuốc Lidocaine sẽ kéo dài từ 2 – 6 giờ.

Thông thường bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng thuốc gây tê tại chỗ với liều thấp nhất và dùng loại thuốc thích hợp nhất. Nếu thực hiện một quy trình dài hơn tiểu phẫu thông thường, liều dùng thuốc gây tê có thể được lặp lại sau một khoảng thời gian nhất định. Điều này giúp kéo dài thời gian gây tê.

Tác dụng phụ khi dùng thuốc gây tê tại chỗ

Thuốc gây tê tại chỗ khá an toàn. Phần lớn bệnh nhân không gặp rủi ro hay tác dụng phụ sau khi dùng thuốc. Tuy nhiên trong một số trường hợp, bệnh nhân có thể gặp một số biểu hiện nhẹ và các tác dụng phụ tạm thời. Đối với các sai sót trong kỹ thuật là liều lượng thuốc, bệnh nhân có thể gặp biến chứng.

1. Tác dụng phụ nhẹ, thường gặp

Một số trường hợp có các biểu hiện nhẹ và thoáng qua:

  • Cảm thấy khó chịu nhẹ sau khi tiêm
  • Ngứa ran sau khi thuốc tê hết tác dụng
  • Đau nhức, bầm tím hoặc chảy máu nơi tiêm

2. Tác dụng phụ tạm thời

Một số tác dụng phụ tạm thời có thể xảy ra sau khi tiêm:

  • Đau đầu
  • Chóng mặt
  • Co giật cơ
  • Mờ mắt
  • Tê, yếu hoặc có cảm giác kim châm

3. Biến chứng

Hiếm khi người bệnh bị dị ứng với thuốc gây tê tại chỗ hoặc thuốc gây ra các biến chứng nghiêm trọng. Cụ thể:

+ Biến chứng toàn thân

Biến chứng thần kinh: Xảy ra khi thuốc ngấm vào vòng tuần hoàn với nồng độ cao.

  • Co giật
  • Buồn nôn, nôn
  • Liệt hô hấp
  • Mất định hướng

Biến chứng tim mạch

  • Ngừng tim
  • Rối loạn nhịp thất và rối loạn dẫn truyền (nhịp nhanh thất và rung thất)

+ Biến chứng cục bộ

Do tác dụng đặc hiệu: Các biểu hiện thường liên quan đến kỹ thuật gây tê.

  • Ngừng hô hấp do gây tê tủy sống
  • Hạ huyết áp
  • Thuốc chèn ép hoặc kim tiêm đâm phải gây tổn thương thần kinh

Do dị ứng, phản ứng quá mẫn

  • Khó thở
  • Ngừng tim

Trường hợp này thường xảy ra ở người sử dụng thuốc gây tê nhóm Ester của acid para aminobenzoic (những dẫn xuất được thay thế ngay tại vị trí para của nhân thơm), loại đường nối Ester (procain). Hiếm khi xảy ra với thuốc gây tê loại có đường nối amid (lidocain)A.

Dùng thuốc gây tê tại chỗ có thể tạo cảm giác khó chịu nhẹ sau khi tiêm
Dùng thuốc gây tê tại chỗ có thể tạo cảm giác khó chịu nhẹ hoặc ngứa ran sau khi tiêm

Độc tính của thuốc gây tê tại chỗ

Bên cạnh rủi ro và các tác dụng phụ nêu trên, nhiễm độc do sử dụng thuốc gây tê tại chỗ có thể xảy ra. Tuy nhiên tình trạng này thường hiếm gặp, chỉ phát triển khi nồng độ thuốc trong máu quá cao, vượt khỏi hàm lượng cho phép.

1. Nguyên nhân

Nồng độ thuốc tê trong máu tăng cao do nhiều nguyên nhân:

  • Thuốc gây tê được tiêm vào mạch máu
  • Dùng thuốc gây tê tại chỗ với liều dùng vượt quá số liều quy định
  • Tốc độ tiêm thuốc quá nhanh
  • Thuốc hấp thu vào máu quá nhanh, thường gặp ở những bệnh nhân gây tê ở vùng giàu mạch máu (điển hình như vùng niêm mạc)
  • Dùng thuốc gây tê phong bế thần kinh liên sườn khiến nồng độ thuốc trong máu tăng cao. Điều này xảy ra là do dùng thuốc phong bế thần kinh liên sườn khiến thuốc hấp thu nhanh hơn so với tiêm dưới da.

3. Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết

Nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ làm ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể. Tuy nhiên hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương chịu nhiều ảnh hưởng nhất, dễ xảy ra các biểu hiện nghiêm trọng. So với những triệu chứng ở hệ tim mạch, những triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương thường gặp và khởi phát nhanh hơn.

Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nhiễm độc cấp tính ngay cả khi chỉ tiêm một liều nhỏ. Nguyên nhân là do nồng độ thuốc tăng nhanh trong máu.

+ Triệu chứng ở hệ thần kinh trung ương

Do kích thích hệ thần kinh trung ương

  • Chóng mặt
  • Hoa mắt
  • Tê bì đầu chi
  • Ù tai
  • Buồn ngủ
  • Rối loạn vị giác
  • Lú lẫn

Do ức chế hệ thần kinh trung ương (biểu hiện nặng)

  • Mất ý thức
  • Co giật
  • Hôn mê
  • Suy hô hấp
  • Ngừng thở

+ Triệu chứng ở hệ tim mạch

Trong giai đoạn sớm và nhiễm độc nhẹ

  • Tăng huyết áp
  • Nhịp tim nhanh
  • Sau đó nhịp tim chậm và tụt huyết áp

Nhiễm độc nặng

  • Rối loạn nhịp tim (thường khó điều trị, rất nặng và dai dẳng)
  • Trụy tim mạch

So với nồng độ thuốc gây co giật, nồng độ thuốc gây trụy tim cao gấp 4 – 7 lần.

Rối loạn huyết áp và nhịp tim trong giai đoạn sớm và nhiễm độc nhẹ
Rối loạn huyết áp và nhịp tim trong giai đoạn sớm và nhiễm độc nhẹ do dùng thuốc gây tê

3. Dự phòng

Để giảm nguy cơ nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ, những biện pháp dưới đây sẽ được áp dụng:

  • Dùng thuốc đúng liều
  • Lựa chọn những loại thuốc gây tê tại chỗ ít gây độc
  • Giảm liều dùng thuốc ở một số đối tượng. Cụ thể như người thiếu cân, có thể trạng suy yếu, người lớn tuổi…
  • Tiêm thuốc chậm
  • Trong khi tiêm thuốc, nên liên tục rút pit tông để phòng ngừa tiêm vào mạch máu bằng cách xem máu có chảy ra không
  • Giảm tốc độ hấp thu thuốc vào máu bằng cách sử dụng đồng thời thuốc gây tê tại chỗ và adrenalin (epinephrin). Adrenalin thường được pha vào thuốc với nồng độ 1/200.000, liều dùng tối đa 200 mg. Liều dùng này giúp giảm 50% nồng độ tối đa của thuốc trong máu.
  • Chuẩn bị sẵn các thiết bị cần thiết để kịp thời xử lý khi tình trạng sốc hoặc nhiễm độc thuốc gây tê xảy ra.

4. Điều trị

Tùy thuộc vào loại thuốc được chỉ định và tốc độ tăng nồng độ thuốc trong máu, người bệnh được giải độc, hồi sức tích cực và có thể tỉnh lại trong thời gian ngắn.

Thông thường để đảm bảo xử lý kịp thời và đúng cách, bác sĩ sẽ liên tục hỏi bệnh nhân về các biểu hiện và cảm giác trong quá trình tiêm. Nếu phát sinh những biểu hiện bất thường hoặc có nghi ngờ nhiễm độc, bác sĩ sẽ ngừng tiêm thuốc ngay lập tức.

Ngoài ra những cách dưới đây sẽ được thực hiện nếu nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ:

  • Mở đường truyền tĩnh mạch
  • Cho bệnh nhân thở oxy nồng độ cao, đồng thời đảm bảo thông thoáng đường thở. Biện pháp này giúp hạn chế tình trạng co giật, ngăn ngừa tổn thương não và những rối loạn nhịp tim nặng, khó kiểm soát.
  • Đối với trường hợp co giật:
    • Sử dụng thuốc Diazepam đặt hậu môn hoặc tiêm tĩnh mạch.
  • Đối với trường hợp hôn mê:
    • Nhanh chóng đặt ống nội khí quản và cho bệnh nhân thở máy.
  • Đối với trường hợp trụy tim mạch:
    • Dùng thuốc co mạch (như Ephedrin) và truyền dịch.
    • Dùng Adrenalin nếu Ephedrin không đạt hiệu quả điều trị. Tiêm tĩnh mạch chậm dung dịch 1:10,000 0,5 – 1ml. Hoặc tiêm dưới da dung dịch 1:1000 0,3ml.
  •  Đối với trường hợp ngừng tuần hoàn:
    • Điều trị các rối loạn nhịp tim, có ép tim.
Sử dụng thuốc Diazepam đặt hậu môn hoặc tiêm tĩnh mạch đối với trường hợp co giật do nhiễm độc
Sử dụng thuốc Diazepam đặt hậu môn hoặc tiêm tĩnh mạch đối với trường hợp co giật do nhiễm độc

5. Tiên lượng

Bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc gây tê tại chỗ thường có tiên lượng tốt, đặc biệt là khi kịp thời phát hiện và điều trị đúng cách. Sau điều trị vài ngày, tình trạng nhiễm độc và các triệu chứng sẽ qua đi.

Lưu ý khi dùng thuốc gây tê tại chỗ

So với gây mê hay gây tê toàn thân, thuốc gây tê tại chỗ khá an toàn. Tuy nhiên người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây để dùng thuốc hiệu quả và đảm bảo tính an toàn hơn.

  • Thuốc gây tê tại chỗ ở dạng gel, thuốc bôi ngoài da (thuốc không kê đơn) nên được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Dùng 2 – 3 lần mỗi ngày hoặc khi có cơn đau.
  • Những trường hợp đau khớp do chấn thương hay bệnh lý chỉ dùng thuốc gây tê tại chỗ kết hợp với tiêm Steriod khi bác sĩ yêu cầu.
  • Thuốc gây tê tại chỗ nên được dùng với liều thấp nhất có tác dụng.
  • Trao đổi với bác sĩ về loại thuốc đang dùng và tình trạng sức khỏe trước khi dùng thuốc gây tê (nếu cần).
  • Những trường hợp không thể thư giãn hoặc hợp tác với bác sĩ chuyên khoa như trẻ em, người lớn có tâm lý sợ sệt, lo lắng quá mức, rối loạn cơ bắp hoặc không chịu được đau… nên gây mê thay vì gây tê. Tuy nhiên cần cân nhắc lợi ích và rủi ro, chỉ thực hiện khi bác sĩ chuyên khoa đồng ý.
  • Thực hiện các tiểu phẫu, phẫu thuật ở những cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ điều trị giỏi, am hiểu và nhiều kinh nghiệm trong việc sử dụng thuốc gây tê đúng liều và đúng cách.
  • Hãy nói với bác sĩ chuyên khoa nếu có biểu hiện bất thường trong khi gây tê hoặc sau tiểu phẫu có sử dụng thuốc gây tê tại chỗ. Đặc biệt là những biểu hiện toàn thân, liên quan đến hệ tim mạch hoặc hệ thần kinh trung ương.
  • Ăn uống đầy đủ để tránh tình trạng suy yếu, khó chịu, đau đầu, chóng mặt… sau khi dùng thuốc gây tê tại chỗ. Tuy nhiên một số trường hợp có thể được yêu cầu nhịn uống hoặc nhịn ăn trước khi làm thủ thuật trong một thời gian nhất định.
  • Tránh hút thuốc lá và uống rượu ít nhất 24 giờ trước khi dùng thuốc gây tê và làm thủ thuật.
  • Thông báo với bác sĩ chuyên khoa nếu có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với thuốc gây tê.
  • Theo dõi tình trạng sức khỏe sau khi dùng thuốc gây tê tại chỗ và thực hiện thủ thuật cần thiết. Mặc dù hiếm gặp nhưng tác dụng phụ và các biến chứng vẫn có thể xảy ra. Nếu có bất thường, người bệnh liên hệ sớm với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách.
Liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách nếu có bất thường sau gây tê
Liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử lý đúng cách nếu có bất thường sau dùng thuốc gây tê

Nhìn chung thuốc gây tê tại chỗ được dùng rộng rãi cho những trường hợp cần tiểu phẫu hoặc thủ thuật điều trị vết thương nhẹ, lấy răng sâu. Thuốc có độ an toàn cao, hiếm khi gây tác dụng phụ, biến chứng hay nhiễm độc. Tuy nhiên để hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh vấn đề và đảm bảo an toàn, thuốc cần được dùng đúng liều, đúng cách và tiêm thuốc đúng kỹ thuật.

Câu hỏi liên quan
16 Tuổi Còn Tăng Chiều Cao Không
16 tuổi còn tăng chiều cao không là câu hỏi thường gặp. Bởi tuổi 16 là thời gian cuối đối với giai đoạn dậy thì. Thông thường những trẻ ở độ tuổi này có thể tiếp tục phát triển chiều ...
Xem chi tiết
Đứt Dây Chằng Đầu Gối Để Lâu Có Sao Không
Đứt dây chằng đầu gối là một chấn thương cực kỳ phổ biến, thường không nghiêm trọng nếu được điều trị kịp lúc và đúng cách. Vậy đứt dây chằng đầu gối để lâu có sao không và xử lý ...
Xem chi tiết
Thoát Vị Đĩa Đệm Có Nên Đi Bộ
Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi người bệnh thực hiện một số hoạt động nhất định. Vậy bị thoát vị đĩa đệm có nên đi bộ, chạy bộ hoặc tập thể ...
Xem chi tiết
Chạy Bộ Có Giúp Tăng Chiều Cao Không
Nhiều người lựa chọn cách tăng cường vận động để cải thiện chiều cao. Tuy nhiên chạy bộ có giúp tăng chiều cao không? Khi chạy bộ cần lưu ý những gì và cách thực hiện đúng. Dưới đây là ...
Xem chi tiết
Đi Bộ Có Tăng Chiều Cao Không
Đi bộ có tăng chiều cao không? Nên đi bộ như thế nào? Luyện tập trong bao lâu là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đi bộ cũng như bất kỳ hình ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua