Cách Tắm Nắng Để Hấp Thụ Vitamin D Hiệu Quả Và Lưu Ý
Tắm nắng có thể giúp cơ thể hấp thụ 80% lượng vitamin D cần thiết hàng ngày. Tuy nhiên phơi nắng quá nhiều có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư da. Do đó, điều quan trọng là tìm hiểu thời gian phù hợp cũng như cách tắm nắng để hấp thụ vitamin D hiệu quả. Bên cạnh đó cũng cần phải biết những lưu ý cần thiết để phơi nắng một cách an toàn nhất.
Tắm nắng là gì?
Tắm nắng hay phơi nắng là việc để cơ thể tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong một khoảng thời gian nhất định để hấp thụ vitamin D cũng như vì một số lợi ích sức khỏe khác nếu được thực hiện đúng cách.
Tuy nhiên cũng có rất nhiều khuyến cáo về việc nên tìm kiếm bóng râm cũng như sử dụng kem chống nắng, ngay cả vào những ngày nhiều mây và vào mùa đông để tránh các tác hại từ mặt trời cũng như môi trường.
Trên thực tế, có nhiều rủi ro liên quan đến việc phơi nắng quá nhiều, chẳng hạn như hình thành các khối u ác tính trên da. Tuy nhiên, khoa học cũng chứng minh, việc tắm nắng đúng cách có thể giúp cơ thể tổng hợp đủ liều lượng vitamin D cần thiết. Khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, da chuyển cholesterol thành vitamin D, điều này có thể ngăn ngừa một số bệnh lý thông thường, tăng cường sức khỏe và hạn chế nguy cơ mắc nhiều loại ung thư.
Do đó, điều quan trọng là tắm nắng đúng cách, ở mức độ vừa phải, lành mạnh để đảm bảo an toàn.
Phơi nắng có tốt không? Những lợi ích của việc tắm nắng
Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp cơ thể tổng hợp vitamin D một cách tự nhiên. Ngoài ra tắm nắng cũng mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật cũng như giúp cải thiện tâm trạng.
Cụ thể một số lợi ích của việc phơi nắng bao gồm:
1. Tổng hợp vitamin D
Vitamin D là một loại vitamin quan trọng và cần thiết cho nhiều hoạt động của cơ thể. Các nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa mức vitamin D thấp và nhiều bệnh lý trong cơ thể, chẳng hạn như:
- Bệnh Parkinson
- Đau nhức xương khớp
- Hình thành các cục máu đông
- Bệnh tiểu đường
- Huyết áp cao
Vitamin D cũng cần thiết trong thời kỳ mang thai và cho con bú. Vì nồng độ vitamin D đầy đủ có liên quan đến việc giảm nguy cơ sinh non và nhiều biến chứng thai kỳ khác. Thiếu vitamin D có thể khiến người mẹ có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao, tăng nguy cơ loãng xương và nhiều vấn đề sức khỏe khác cho thai nhi.
Các nghiên cứu cũng cho thấy, phụ nữ mang thai nên thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tăng cường sức khỏe của cả mẹ và bé. Ngoài ra, bổ sung đầy đủ lượng vitamin D cần thiết trong thai kỳ cũng giúp thai nhi hình thành xương và răng khỏe mạnh.
Một số nghiên cứu gần đây cũng cho biết thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời giúp phụ nữ sống lâu và khỏe mạnh hơn. Các nghiên cứu khác cũng cho biết, phơi nắng thường xuyên giúp giảm một nửa nguy cơ ung thư vú.
2. Chữa lành các tình trạng da
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phơi nắng có thể điều trị một số tình trạng da, chẳng hạn như:
- Bệnh vẩy nến
- Bệnh chàm
- Vàng da
- Mụn
Mặc dù điều này mang lại lợi ích không giống nhau, tuy nhiên các bác sĩ da liễu cũng khuyến khích người bệnh nên thường xuyên tắm nắng để tăng cường sức khỏe cho da.
3. Xây dựng xương chắc khỏe
Tiếp xúc với tia cực tím B (UVB) trong ánh nắng mặt trời có thể giúp tăng cường sức khỏe xương, ngăn ngừa nguy cơ còi xương ở trẻ em, loãng xương và nhuyễn xương ở người lớn.
4. Ngăn ngừa ung thư
Mặc dù phơi nắng quá nhiều có thể góp phần dẫn đến ung thư da, tuy nhiên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vừa đủ có thể góp phần phòng ngừa nhiều loại ung thư.
Theo một số nghiên cứu, những người sống ở nơi có ít thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời có nguy cơ mắc một số bệnh ung thư cao hơn những nơi khác. Các bệnh ung thư thường bao gồm:
- Ung thư ruột kết
- Ung thư gan
- Ung thư buồng trứng
- Ung thư tuyến tụy
- Ung thư tuyến tiền liệt
5. Các lợi ích khác
Ngoài việc giúp cơ thể tổng hợp vitamin D cần thiết, việc phơi nắng thường xuyên cũng có thể mang lại một số lợi ích như:
- Giảm nguy cơ trầm cảm: Tắm nắng hoặc dành nhiều thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể làm giảm các nguy cơ trầm cảm. Ánh nắng mặt trời có thể kích thích não tiết ra hormone serotonin, giúp cải thiện tâm trạng và thúc đẩy cảm giác bình tĩnh. Ngay cả khi không bị trầm cảm, dành thời gian dưới ánh nắng mặt trời có thể giúp cải thiện tâm trạng và giúp bạn vui vẻ hơn.
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ: Tắm nắng có thể giúp điều chỉnh nhịp sinh học và cơ thể sẽ buồn ngủ một cách tự nhiên khi mặt trời lặn.
- Tăng cường hệ thống miễn dịch: Vitamin D giúp cơ thể chống lại bệnh tật, bao gồm bệnh tim, xơ cứng cơ, cảm cúm, các bệnh tự miễn dịch và ung thư.
Tắm nắng có hại không?
Tăng nắng có một số rủi ro nhất định. Việc dành thời gian phơi nắng quá nhiều có thể dẫn đến rám nắng, sạm da, khiến da kích ứng, đỏ ửng và ngứa.
Phơi nắng quá nhiều cũng có thể gây cháy nắng, với biểu hiện chính là đau đớn, rát da, phồng rộp. Cháy nắng có thể ảnh hưởng đến tất cả các bộ phận của cơ thể, thậm chí là môi hoặc mí mắt. Cháy nắng có thể làm tăng nguy cơ ung thư hắc tố.
Ngoài ra, dành quá nhiều thời gian tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mà không có sự bảo vệ phù hợp có thể dẫn đến ngộ độc ánh nắng mặt trời. Các biểu hiện phổ biến bao gồm nổi mẩn đỏ, ngứa trên ngực, cánh tay và chân.
Ngoài ra, việc tắm nắng quá nhiều khi mang thai có thể dẫn đến mất nước do đổ nhiều mồ hôi. Ngồi dưới ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể người mẹ và tăng thân nhiệt thai nhi. Một số nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ cơ thể cao có thể dẫn đến việc mang thai lâu hơn.
Tuy nhiên, vitamin D vô cùng quan trọng trong thai kỳ. Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ mang thai cần tiêu thụ 4.000 IU vitamin D mỗi ngày. Do đó, để tránh các rủi ro do thiếu vitamin D hoặc do phơi nắng mang lại, phụ nữ mang thai nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp.
Thời gian phơi nắng vào giờ nào là tốt nhất?
Trong ánh nắng mặt trời bao gồm tia UVA, UV và UVC. Tia UVB là tia duy nhất có thể giúp cơ thể tổng hợp vitamin D, hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi và ngăn ngừa nhiều bệnh tật.
Tia UVB có bước sóng ngắn, khoảng từ 290 – 320 nm. Có khoảng 95% tia UVB sẽ bị tầng ozone hấp thụ và có rất ít các tia UVB có thể xuyên qua tầng ozone đến bề mặt Trái Đất.
Thông các nghiên cứu, tia UVB có thể xuyên qua tầng ozone nhiều nhất trong khoảng từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Tuy nhiên khoảng thời gian này cũng có nhiều tia UVA có hại cho da, đặc biệt là cho da của trẻ sơ sinh. Do đó, thời gian tắm nắng phù hợp nhất để da có thể hấp thụ vitamin D là trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều.
Thời gian tắm nắng trong bao lâu?
Một số chuyên gia da liễu tin rằng, chỉ cần bạn không có các biến chứng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời thông thường, thời gian bạn có thể phơi nắng là khoảng 20 phút mỗi ngày mà không cần sử dụng kem chống nắng trong khoảng trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Để hạn chế nguy cơ bị cháy nắng, bạn có thể duy trì tắm nắng trong 5 – 10 phút mỗi ngày.
Thời gian tắm nắng có thể phụ thuộc vào phản ứng của da. Bạn có thể bắt đầu từ 5 phút mỗi ngày và tăng dần đến khi đạt được 20 phút mỗi ngày. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể tăng thời gian tắm nắng nếu sử dụng các sản phẩm chống tia UV cũng như bảo vệ da phù hợp.
Ngoài ra, thời gian tắm nắng cũng phụ thuộc vào vị trí địa lý, chất lượng ánh nắng mặt trời và chất lượng không khí. Chất lượng không khí kém, nhiều bụi, mây mù có thể chặn một số tia UV và làm giảm tác dụng tắm nắng.
Cách tắm nắng để hấp thụ vitamin D an toàn và hiệu quả
Để phơi nắng hấp thụ vitamin an toàn và hiệu quả nhất, bạn nên lưu ý một số vấn đề như:
1. Chuẩn bị
Khi tắm nắng cần mặc trang phù phù hợp, chẳng hạn như quần đùi, áo ba lỗ hoặc không mặc gì cả ở nơi phù hợp để cơ thể được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên ít nhất 20 phút trước khi phơi nắng. Điều này có thể ngăn chặn một số tia UV có hại và bảo vệ da.
Mang kính râm chống tia cực tím để bảo vệ đôi mắt, bởi vì mắt rất dễ bị tổn thương nếu không được chăm sóc phù hợp.
Ngoài ra, sau khi phơi nắng, không nên sử dụng các sản phẩm chăm sóc da ngay lập tức. Điều này có thể làm tăng nguy cơ tổn thương da.
2. Trong thời gian phơi nắng
Nằm phơi nắng trực tiếp trong 10 phút, sau đó lật người và tiếp tục phơi trong 10 phút để toàn bộ cơ thể đều được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Sau 20 phút nếu vẫn muốn phơi nắng, bạn nên thoa một lớp kem chống nắng mới để bảo vệ da. Nếu da ướt, đổ nhiều mồ hôi, bạn cũng nên thoa lại kem chống nắng.
Thời gian tốt nhất để tắm nắng là trước 9 giờ sáng và sau 4 giờ chiều. Vào khoảng 12 giờ trưa, các tia UV chiếu vào trái đất ở góc 90 độ, lúc này ánh nắng mặt trời là cực mạnh. Do đó, bạn không nên tắm nắng hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá lâu trong thời gian này, nếu không bạn sẽ bị cháy nắng.
Khi tắm nắng cần uống đủ nước và uống nước liên tục để tránh mất nước. Nước giữ cho các tế bào da khỏe mạnh và có thể ngăn ngừa lại tác hại của ánh nắng mặt trời. Nếu cảm thấy nóng hoặc mệt, hãy nghỉ ngơi trong bóng râm trước khi vào lại nhà.
Ngoài ra, không nên tắm nắng quá 1 giờ đồng hồ, kể cả đã thoa kem chống nắng. Điều này có thể khiến da bị tổn thương, dẫn đến nhiều rủi ro khác, bao gồm cả ung thư da.
Lưu ý khi tắm nắng để hấp thụ vitamin D
Tia UVB không thể xuyên qua quần áo và kính mắt, do đó khi tắm nắng hấp thụ tia UVB cần cởi bỏ quần áo để lộ da để tắm nắng trực tiếp. Không tắm nắng qua ô cửa kính, bởi vì điều này khiến cơ thể hấp thụ tia UVA và bỏ qua tia UVB. Có thể cởi bỏ quần áo từ từ, để lộ cơ thể từ bàn chân, bàn tay, bắp chân, cánh tay đến khi toàn bộ cơ thể đều tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Ngoài ra, khi tắm nắng cần lưu ý một số vấn đề an toàn khác, chẳng hạn như:
- Thoa kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và thoa trước 15 phút khi phơi tắm.
- Nếu đầu không được bảo vệ bởi tóc, bạn cũng nên thoa kem chống nắng trên đầu để bảo vệ đỉnh đầu.
- Nghỉ ngơi trong bóng râm nếu cảm thấy nóng và mệt mỏi.
- Uống nhiều nước nếu tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài.
- Ăn nhiều cà chua để tăng cường nồng độ lycopene, điều này có thể giúp ngăn ngừa nguy cơ nổi mẩn đỏ do tiếp xúc với tia UV.
Ngoài ra, tắm nắng chỉ cung cấp khoảng 80% lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Do đó, bạn cũng cần bổ sung vitamin D thông qua chế độ ăn uống hàng ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ cần được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ để bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết cũng như ngăn ngừa nguy cơ loãng xương.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!