Tại Sao Viêm Khớp Dạng Thấp Gây Thiếu Máu? Cách Chữa Trị
Viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu xảy ra khi tình trạng viêm gây ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể và phá hủy các tế bào hồng cầu. Tình trạng này có thể dẫn đến suy nhược cơ thể, khó thở, buồn nôn và nhiều vấn đề sức khỏe khác. Bài viết dưới đây sẽ giúp người bệnh hiểu rõ về tình trạng thiếu máu và viêm khớp dạng thấp, từ đó có kế hoạch điều trị phù hợp.
Viêm khớp dạng thấp là gì?
Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, mãn tính và không có cách điều trị dứt điểm. Tình trạng này gây viêm các khớp và viêm toàn bộ cơ thể, từ da, tim, phổi đến các khu vực cơ thể khác.
Đối với người viêm khớp dạng thấp, hệ thống miễn dịch sẽ tấn công các mô khỏe mạnh, tạo ra các phản ứng viêm, dẫn đến đau, sưng các cơ và khớp khác nhau trên cơ thể.
Hiện tại, không có biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp, nhưng có nhiều kế hoạch giảm đau, giảm viêm và kiểm soát các triệu chứng. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc, vật lý trị liệu, để giảm viêm và phục hồi chức năng khớp.
Thiếu máu là gì?
Thiếu máu là tình trạng cơ thể có ít tế bào hồng cầu hơn mức bình thường. Hồng cầu được tạo ra từ tủy xương, mang oxy đi khắp cơ thể, nuôi dưỡng các mô, cơ quan, đồng thời thu giữ carbon dioxide và vận chuyển trở lại phổi để thải ra ngoài.
Có nhiều loại thiếu máu khác nhau, nhưng các nguyên nhân chính thường là do mất máu quá nhiều, giảm sản xuất hồng cầu hoặc tăng phá hủy hồng cầu. Nếu không có sự trao đổi khí trong cơ thể sẽ dẫn đến một số triệu chứng, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi quá mức
- Suy nhược cơ thể
- Tim đập loạn nhịp
- Chóng mặt hoặc cảm giác lâng lâng
- Da nhợt nhạt
- Hụt hơi
- Đau đầu
Xác định nguyên nhân dẫn đến thiếu máu là điều cực kỳ quan trọng để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Tại sao viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu?
Có nhiều loại thiếu máu khác nhau, phổ biến nhất là thiếu máu do thiếu sắt, sau đó là thiếu máu do bệnh mãn tính. Thiếu máu do bệnh mãn tính, đôi khi được gọi là thiếu máu do viêm, là một biểu hiện ngoài khớp (không liên quan đến khớp) phổ biến của bệnh viêm khớp dạng thấp (RA).
Thiếu máu liên quan đến viêm khớp dạng thấp được đặc trưng bởi nồng độ ferritin, loại protein được sử dụng để lưu trữ sắt, bình thường hoặc đôi khi cao nhưng nồng độ sắt trong máu thấp. Điều này được cho là tình trạng viêm toàn thân do hệ thống miễn dịch bị kích hoạt. Viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu có thể được kiểm soát bằng cách điều trị các dấu hiệu viêm, đau khớp và ổn định sức khỏe tổng thể.
Tình trạng viêm nhiễm do viêm khớp dạng thấp có thể gây tàn phá cơ thể, bao gồm các cách thức sản xuất, lưu trữ tế bào hồng cầu. Viêm nhiễm cũng gây phá hủy các tế bào hồng cầu, từ đó gây thiếu máu.
Các dạng thiếu máu khác nhau liên quan đến viêm khớp dạng thấp:
- Thiếu máu do bệnh mãn tính là khi cơ thể có lượng sắt dồi dào trong các mô nhưng lại không đủ sắt trong máu. Đối với các vấn đề như viêm khớp dạng thấp, tình trạng viêm ngăn cơ thể sử dụng sắt dự trữ để tạo ra hồng cầu mới, dẫn đến sự sụt giảm tổng thể về số lượng hồng cầu. Loại thiếu máu này cũng được gọi là hồng cầu có màu bình thường, có nghĩa là vấn đề xảy ra không phải do tổn thương hồng cầu mà là do quá trình sản xuất hồng cầu.
- Thiếu máu thiếu sắt phát triển khi lượng sắt trong mô và máu bị cạn kiệt, dẫn đến giảm sản xuất hồng cầu mới. Đây là dạng thiếu máu phổ biến nhất trên toàn thế giới. Thông thường, thiếu máu thiếu sắt có thể phát triển do chảy máu quá nhiều ở bệnh nhân viêm khớp dạng thấp. Do đó, điều quan trọng là người bệnh cần sử dụng thuốc điều trị viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), theo chỉ định của bác sĩ để tránh nguy cơ xuất huyết tiêu hóa.
- Thiếu máu tán huyết có thể xảy ra ở người viêm khớp dạng thấp, nhưng tình trạng này tương đối hiếm gặp. Trong tình trạng thiếu máu tán huyết, các tế bào hồng cầu bị phá hủy với tốc độ nhanh hơn nhiều so Với bình thường, dẫn đến số lượng hồng cầu trong máu thấp. Ngoài viêm khớp dạng thấp, các tình trạng khác, chẳng hạn như lupus ban đỏ, bệnh hồng cầu hình liềm và các vấn đề nhiễm trùng khác, cũng có thể dẫn đến thiếu máu tán huyết.
Viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu là một biến chứng phổ biến, có thể gây suy nhược và mệt mỏi. Nếu không được điều trị, thiếu máu có thể đe dọa tính mạng.
Dấu hiệu thiếu máu do viêm khớp dạng thấp
Mệt mỏi hoặc cảm thấy không đủ sức lực là dấu hiệu phổ biến nhất khi bị thiếu máu. Các dấu hiệu khác có thể bao gồm:
- Chóng mặt, cảm giác lâng lâng hoặc đứng không vững trên đôi chân
- Thở gấp, khó thở, cảm giác không thể hít thở hoặc hít một hơi thật sâu
- Nhịp tim nhanh hoặc không đều
- Có tiếng đập thình thịch hoặc vù vù trong tai, âm thanh này thường đến và đi nhanh chóng
- Đau đầu
- Da nhợt nhạt hoặc vàng hơn bình thường
- Đau ngực hoặc có cảm giác giống như có thứ gì đó đang đè hoặc ép vào ngực
Chẩn đoán thiếu máu liên quan đến viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu được chẩn đoán bằng xét nghiệm công thức máu toàn bộ (CBC). Xét nghiệm này giúp xác định số lượng hồng cầu và bạch cầu, số lượng huyết sắc tố và hematocrit, cùng với các giá trị tiểu cầu. CBC cũng giúp bác sĩ xác định kích thước hồng cầu, có thể giúp phân biệt các loại thiếu máu khác nhau.
Nếu tìm thấy bất thường trên xét nghiệm công thức máu, bác sĩ có thể đề nghị các xét nghiệm ở phòng thí nghiệm để đánh giá thêm. Các xét nghiệm này có thể bao gồm:
- Nồng độ sắt và ferritin
- Khả năng liên kết sắt
- Số lượng hồng cầu lưới
- Tốc độ lắng
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể xác định tiền sử bệnh lý, khám sức khỏe để thu hẹp nguyên nhân gây thiếu máu.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp có kết quả xét nghiệm công thức máu bất thường có nhiều khả năng được chẩn đoán thiếu máu do bệnh mãn tính. Tùy thuộc vào các dấu hiệu, triệu chứng và sức khỏe tổng thể của người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị thích hợp.
Biện pháp điều trị viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu
Điều trị tình trạng viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu phụ thuộc vào loại thuốc máu, do đó chẩn đoán chính xác là điều cực kỳ quan trọng. Trong trường hợp thiếu máu do bệnh mãn tính, đặc biệt là do viêm khớp dạng thấp, người bệnh sẽ được đề nghị giảm các hoạt động gây viêm khắp cơ thể để phục hồi số lượng hồng cầu thích hợp. Các biện pháp điều trị phổ biến bao gồm:
1. Dùng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm
Thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) là thuốc ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình viêm ở người viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp. DMARD hoạt động bằng cách ngăn chặn quá trình gây viêm và bảo vệ khớp. Nếu không có DMARD, tình trạng viêm sẽ gây phá hủy dần các mô khớp trong nhiều năm, từ đó gây mất chức năng, bại liệt và nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Một số công dụng của DMARD:
- Giảm phản ứng của hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa việc tấn công các mô khỏe mạnh
- Nhắm mục tiêu đến một tế bào nhất định, từ đó ổn định hoạt động của hệ thống miễn dịch
- Phục hồi các protein khỏe mạnh của hệ thống miễn dịch cá nhân
- Sử dụng DMARD cũng góp phần ngăn ngừa tình trạng phá hủy hồng cầu, từ đó ngăn ngừa nguy cơ thiếu máu.
Các loại DMARD phổ biến bao gồm:
- Methotrexate
- Sulfasalazine
- Leflunomide
- Azathioprine
Tác dụng phụ:
- Ăn mất ngon
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
- Đau bụng
- Phát ban
- Dị ứng
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng
- Số lượng bạch cầu thấp
- Số lượng tiểu cầu thấp
Các loại thuốc này thường được sử dụng theo đường uống dưới sự hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Không tự ý thay đổi liều lượng hoặc loại thuốc mà không hỏi ý kiến của bác sĩ.
2. Thuốc DMARD sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp
Một số loại thuốc DMARD sinh học được chỉ định sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu. Thuốc sinh học được tạo thành từ protein, nhắm vào các phân tử, tế bào và cách gây viêm cụ thể. Các loại thuốc sinh học mang lại hiệu quả cao hơn so với thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm truyền thống.
Bác sĩ có thể kê các loại thuốc sinh học nếu các triệu chứng viêm khớp dạng thấp không được cải thiện hoặc khi dùng DMARD truyền thống không mang lại hiệu quả. Hầu hết các loại DMARD sinh học để nhắm mục tiêu đến một phân tử cụ thể liên quan đến viêm và phá hủy các khớp.
Các loại DMARD sinh học phổ biến bao gồm:
- Thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF), chẳng hạn như Etanercept, Infliximab, Adalimumab, Golimumab
- Chất ức chế interleukin-1, chẳng hạn như Anakinra
- Thuốc ức chế interleukin-6, chẳng hạn như Tocilizumab và Sarilumab
- Chất ức chế tế bào T, chẳng hạn như Abatacept
- Thuốc ức chế Janus kinase, còn được gọi là thuốc tương tự sinh học, chẳng hạn như Tofacitinib, Baricitinib hoặc Upadacitinib
Thuốc DMARD sinh học được sử dụng bằng cách tiêm (chích) hoặc truyền (IV vào tĩnh mạch). Tuy nhiên các loại thuốc ức chế Janus kinase có ở dạng viên và được sử dụng thông qua đường uống.
Thuốc sinh học điều trị viêm khớp dạng thấp có thể mất vài tuần để phát huy công dụng. Do đó, người bệnh cần kiên trì sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.
Thuốc cũng có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Tăng nguy cơ nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm, virus và nhiễm trùng có thể nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến sức khỏe
- Kích hoạt lại bệnh lao, herpes zoster, viêm gan B và C, đối với người có tiền sử
- Tăng nồng độ cholesterol, số lượng tế bào máu thấp và tăng men gan
- Tăng nguy cơ đông máu, đối với thuốc ức chế Janus kinase
Một số loại DMARD sinh học có thể dẫn đến tác dụng phụ ở một số người. Do đó, luôn sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
3. Thực hiện chế độ ăn uống chống viêm
Chống viêm là điều cực kỳ quan trọng khi kiểm soát tình trạng viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh sẽ được đề nghị thực hiện chế độ ăn uống chống viêm để ổn định và cải thiện các triệu chứng viêm khớp.
Các loại thực phẩm tiêu thụ hàng ngày có thể làm dịu và thậm chí là ngăn ngừa chứng viêm bằng cách ngăn ngừa phản ứng viêm của cơ thể. Tuy nhiên, các tác nhân gây viêm là khác nhau ở mỗi người bệnh, do đó điều quan trọng là trao đổi với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể.
Một số loại thực phẩm tốt cho người viêm khớp dạng thấp bao gồm:
- Táo
- Bơ
- Các loại đậu
- Các loại quả mọng, chẳng hạn như việt quất, mâm xôi
- Bông cải xanh
- Chocolate đen (ít nhất 70% ca cao)
- Các loại rau có lá màu xanh đậm, chẳng hạn như cải xoăn, rau bina, rau cải xanh
- Các loại hạt, chẳng hạn như quả óc chó, hạnh nhân
- Khoai lang
- Các loại ngũ cốc
- Các loại thực phẩm giàu acid béo omega 3, chẳng hạn như như cá hồi, cá trích, cá thu, cá mòi, cá cơm, trứng, sữa, quả óc chó
- Các loại thảo mộc và gia vị, chẳng hạn như gừng, nghệ và tỏi
Ngoài ra, có một số loại thực phẩm làm tăng viêm, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất hồng cầu và gây thiếu máu. Do đó, để cải thiện tình trạng viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu, người bệnh cần tránh một số loại thực phẩm như:
- Các sản phẩm từ sữa giàu chất béo như phô mai, bơ và kem
- Một số loại thịt
- Bơ thực vật
- Đậu phộng
- Đồ ngọt, chẳng hạn như kem, kẹo ngọt và các món tráng miệng chế biến sẵn
- Đồ ăn vặt, chẳng hạn như khoai tây chiên, xúc xích
- Đồ uống có đường, chẳng hạn như soda, nước ngọt
- Thực phẩm chiên như gà rán, khoai tây chiên
Nếu cần thiết, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về chế độ ăn kiêng phù hợp với tình trạng viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu. Bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh về kế hoạch ăn uống chi tiết nhất nhằm cải thiện các triệu chứng thiếu máu và nâng cao sức khỏe.
4. Bổ sung sắt
Nếu tình trạng viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu được xác định là thiếu máu do thiếu sắt, bác sĩ có thể đề nghị bổ sung sắt. Thuốc bổ sung sắt, còn được gọi là thuốc sắt, được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa thiếu máu. Bổ sung sắt có thể góp phần tái tạo hồng cầu, từ đó ngăn ngừa các triệu chứng thiếu máu, góp phần làm giảm tình trạng:
- Mệt mỏi
- Chóng mặt
- Tim đập loạn nhịp
- Da nhợt nhạt
- Rụng tóc
- Móng giòn hoặc có rảnh
- Nhiễm trùng thường xuyên
Các loại thuốc sắt được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn, dung nạp tốt và tránh các tác dụng phụ, chẳng hạn như:
- Đau dạ dày
- Phân có màu đen, xanh lá hoặc sẫm màu
- Đầy hơi
- Táo bón
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn
- Co thắt dạ dày
Ngoài ra, người bệnh có thể bổ sung sắt thông qua chế độ ăn uống để tránh các tác dụng phụ. Các loại thực phẩm giàu sắt bao gồm:
- Thịt bò
- Thịt gà
- Sò
- Trứng
- Gan
- Tôm
- Cá mòi
- Cá thu
- Hàu
- Các loại đâu
- Bông cải xanh
- Rau lá xanh đậm như cải thìa, cải xoăn, rau bina
- Khoai tây
Trước khi thay đổi chế độ ăn uống, người bệnh nên trao đổi với chuyên gia dinh dưỡng để được hướng dẫn cụ thể.
5. Giảm căng thẳng
Căng thẳng có khiến tình trạng thiếu máu do viêm khớp dạng thấp trở nên nghiêm trọng hơn. Có hai dạng căng thẳng là căng thẳng cấp tính và căng thẳng mãn tính. Các điều kiện này có thể dẫn đến các biến chứng lâu dài về sức khỏe thể chất và tinh thần. Khi bị căng thẳng, cơ thể sẽ trải qua những thay đổi sinh lý, bao gồm dẫn đến thiếu máu.
Để cải thiện tình trạng này, bác sĩ có thể chỉ định bổ sung sắt nhằm khôi phục lượng sắt bình thường. Trong một số trường hợp, việc bổ sung sắt có thể gây ra tác dụng phụ như nôn mửa, táo bón và tiêu chảy. Trong những trường hợp nghiêm trọng, sắt có thể cần được truyền vào tĩnh mạch, để cung cấp sắt cho máu nhanh hơn.
Ngoài ra, để kiểm soát căng thẳng, người bệnh cần lưu ý:
- Ngủ đủ giấc
- Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh
- Dành thời gian nghỉ ngơi, trò chuyện, giao lưu với bạn bè
Kiểm soát viêm là cách tốt nhất để điều trị tình trạng viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu. Trong trường hợp nghi ngờ thiếu máu do chảy máu quá nhiều, bác sĩ sẽ xác định nguồn chảy máu và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn tình trạng này. Ngoài ra, tùy thuộc vào các chẩn đoán trong phòng thí nghiệm, bác sĩ cũng có thể hướng dẫn người bệnh kế hoạch tự chăm sóc và ngăn ngừa thiếu máu trở nên nghiêm trọng hơn.
Viêm khớp dạng thấp gây thiếu máu là tình trạng phổ biến, có thể dẫn đến mệt mỏi quá mức, thậm chí là gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, nếu có dấu hiệu thiếu máu, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!