Suy Dinh Dưỡng Bào Thai Là Gì? Các Thông Tin Cần Biết
Suy dinh dưỡng bào thai là sự kém hoặc chậm phát triển của thai nhi. Điều này khiến trẻ sinh ra không đủ 2,5kg, sức khỏe suy yếu, có khả năng chết trong giai đoạn sơ sinh. Trẻ bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ do nhiều nguyên nhân, phần lớn do chế độ ăn uống thiếu chất và không lành mạnh.
Suy dinh dưỡng bào thai là gì?
Suy dinh dưỡng bào thai (hay thai suy dinh dưỡng) là tình trạng kém hoặc chậm phát triển của thai nhi khiến trẻ bị suy dinh dưỡng khi còn trong bụng mẹ. Sau khi sinh, trẻ có biểu hiện yếu ớt, cân nặng không đủ tiêu chuẩn (dưới 2,5 kg) ngay cả khi trẻ sinh đủ tháng.
Tình trạng này chủ yếu xảy ra do chế độ ăn uống kém khoa học của mẹ dẫn đến thiếu chất. Một số trường hợp khác xảy ra do nhau thai phát triển kém, điều kiện làm việc và sức khỏe của mẹ.
Thai suy dinh dưỡng trong tử cung thường gây nhiều vấn đề nghiêm trọng, tăng nguy cơ chết lưu. Vì thế thai phụ cần có biện pháp phòng ngừa và chăm sóc đặc biệt để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Thông thường suy dinh dưỡng bào thai có thể được phát hiện khi khám thai.
Dấu hiệu và mức độ suy dinh dưỡng bào thai
Trẻ sơ sinh có cân nặng dưới 2,5kg là dấu hiệu nhận biết trẻ từng bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ. Sau khi được thăm khám, trẻ có thể thuộc một trong ba mức độ suy dinh dưỡng bào thai dưới đây:
- Mức độ 1
Đây là mức độ nhẹ. So với tuổi thai tương ứng, trẻ có cân nặng giảm ít, chiều dài cơ thể bình thường, vòng đầu bình thường. Ở mức độ này, trẻ có thể phát triển bình thường về thể chất (vận động) và tinh thần nếu được chăm sóc và nuôi dưỡng tốt.
Đối với trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai mức độ 1, khối lượng tế bào bình thường, sự phân chia tế bào tương đối hoàn chỉnh trong thời kỳ bào thai.
- Mức độ 2
Đây là mức độ trung bình. Khi bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ, chiều dài cơ thể và cân nặng của trẻ thấp hơn so với trẻ cùng tuổi, vòng đầu bình thường. Ở mức độ này, trẻ có thể sống qua giai đoạn sơ sinh. Tuy nhiên trong khi sinh nở, trẻ thường bị giảm đường huyết, viêm phổi, chảy máu và ngạt.
Những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai mức độ trung bình không thể phát triển bình thường. Hầu hết trẻ có dấu hiệu chậm lớn, chậm phát triển về tinh thần. Một số trường hợp khác còn có di chứng thần kinh.
- Mức độ 3
Mức độ 3 là mức độ nặng của tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Ở mức độ nặng, trẻ thường có vòng đầu nhỏ khi sinh. Điều này thể hiện cho tình trạng suy giảm số lượng tế bào não và tế bào của các cơ quan khác ngay trong bào thai.
Ngoài ra, thai suy dinh dưỡng mức độ nặng còn có cân nặng và chiều dài suy giảm rõ rệt. Phần lớn trẻ bị chết trong giai đoạn sơ sinh do hít phải nước ối, ngạt, viêm phổi và bị nhiễm trùng nặng.
Nguyên nhân gây suy dinh dưỡng bào thai
Tình trạng suy dinh dưỡng bào thai thường do những nguyên nhân sau:
1. Chế độ dinh dưỡng thiếu chất
Thai phụ được khuyên bổ sung đủ thành phần dinh dưỡng trong thời kỳ mang thai để nuôi dưỡng và giúp thai nhi khỏe mạnh. Vì thế việc ăn uống thiếu chất có thể gây thiếu hụt chất dinh dưỡng trong cơ thể, thai nhi yếu và chậm phát triển.
Để ngăn ngừa và giúp bé phát triển toàn diện, thai phụ cần đảm bảo ăn nhiều thực phẩm lành mạnh, giúp bổ sung đủ chất đạm, tinh bột, vitamin và khoáng chất.
2. Tình trạng sức khỏe của mẹ
Các nghiên cứu cho thấy, những người mẹ có sức khỏe suy yếu thường có thai thi bị suy dinh dưỡng. Cụ thể trẻ sinh ra gầy yếu và thường bị dị tật bẩm sinh nếu mẹ bị cúm, sốt phát ban, nhiễm khuẩn cấp trong thời kỳ mang thai.
3. Độ tuổi mang thai
Khả năng cung cấp dinh dưỡng cho thai nhi ở người trên 30 tuổi thấp hơn so với những người sinh nở ở độ tuổi 25 – 30. Nguyên nhân là do quá trình lão hóa theo thời gian khiến các cơ quan suy yếu một phần.
Theo các chuyên gia, phụ nữ nên mang thai ở tuổi 25 – 30 để đảm bảo sức khỏe của trẻ nhỏ. Người trên 35 tuổi cần thăm khám định kỳ và chăm sóc hợp lý. Bởi những trẻ được sinh ở người có độ tuổi này thường có nguy cơ dị tật bẩm sinh cao.
4. Làm việc gắng sức khi mang thai
Suy dinh dưỡng bào thai có thể xảy ra do mẹ bầu làm việc gắng sức. Bởi tình trạng tiêu hao năng lượng khi lao động khiến năng lượng trong cơ thể không đủ để phân bố cho sự phát triển của thai nhi. Từ đó gây ra tình trạng suy dinh dưỡng. Ngoài ra những người làm việc vất vả trong thời kỳ mang thai còn có nguy cơ mất sữa sớm.
5. Nhau thai phát triển kém
Dinh dưỡng, máu và oxy được truyền tải qua nhau thai để đảm bảo sự phát triển toàn diện của thai nhi. Tuy nhiên ở những người có bánh nhau nhỏ, các sản phẩm chuyển hóa sẽ có sự suy giảm, thai nhi không nhận đủ dưỡng chất cần thiết. Từ đó dẫn đến tình trạng kém và chậm phát triển của trẻ.
6. Bổ sung canxi quá sớm
Canxi là một khoáng chất quan trọng, cần được bổ sung đầy đủ trong thời kỳ mang thai. Khoáng chất này giúp đảm bảo sự phát triển toàn diện về khung xương. Đồng thời ngăn ngừa tình trạng đau nhức xương khớp khi mang thai.
Tuy nhiên việc bổ sung canxi quá sớm là điều không cần thiết, đôi khi có thể gây phản ứng ngược. Lượng canxi được bổ sung sớm không được thai nhi hấp thụ hoàn toàn. Điều này gây ra tình trạng dư thừa, canxi lắng đọng trong bánh nhau làm giảm chất lượng nhau thai. Khi đó quá trình trao đổi chất bị suy giảm, thai nhi không nhận đủ dinh dưỡng dẫn đến suy yếu.
Suy dinh dưỡng bào thai có nguy hiểm không?
Suy dinh dưỡng bào thai là một tình trạng nguy hiểm cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời. Bởi tình trạng này có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng sau:
- Chậm phát triển: Thai suy dinh dưỡng làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ. Bao gồm cả chiều cao, cân nặng, não bộ và thể chất.
- Tăng nguy cơ nhiễm khuẩn: Hệ miễn dịch không hoàn thiện nếu suy dinh dưỡng do thiếu vitamin C, vitamin D, vitamin A. Điều này làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy, sởi…
- Dễ bị hạ đường huyết: Thai suy dinh dưỡng khiến trẻ hạ đường huyết. Đối với trường hợp này, trẻ thường có dấu hiệu run rẩy, rên nhẹ, khóc thét, co giật, thậm chí là ngưng thở và tím tái. Mẹ cần cho trẻ bú để cải thiện tình trạng.
- Hạ thân nhiệt: Trẻ bị suy dinh dưỡng trong bụng mẹ có cơ thể suy yếu sau khi sinh, thường nhạy cảm với nhiệt độ bên ngoài. Việc không ủ ấm và chăm sóc trẻ đúng cách khiến thân nhiệt của trẻ giảm mạnh và gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng khác.
- Di chứng về tâm thần: Thai suy dinh dưỡng khiến trẻ chậm phát triển về thần kinh và tăng nguy cơ phát sinh biến chứng.
- Tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh: Suy dinh dưỡng bào thai làm tăng nguy cơ sinh non, dị tật bẩm sinh khi thai nhi không được bổ sung đủ axit folic, vitamin B12 và kẽm. Các nghiên cứu cho thấy, thai nhi bị thiếu axit folic sẽ có nguy cơ sinh non cao gấp 2 lần so với thông thường. Ngoài ra việc không bổ sung đủ axit folic trong thời kỳ mang thai còn gây dị tật ống thần kinh.
- Thai chết lưu: Suy dinh dưỡng bào thai khiến sức khỏe của trẻ suy yếu và làm tăng nguy cơ chết lưu.
- Chết trong giai đoạn sơ sinh: Những trẻ bị suy dinh dưỡng nặng có thể chết trong giai đoạn sơ sinh.
Cách phát hiện suy dinh dưỡng bào thai
Suy dinh dưỡng bào thai thường được phát hiện trong khi thăm khám. Trong những kỳ khám thai, thai phụ được kiểm tra chi tiết về vòng bụng, chiều cao tử cung, cân nặng. Thông qua kích thước vòng bụng, bác sĩ có thể đánh giá sự tương ứng đối với tuổi thai và xác định kích thước của thai nhi.
Đối với chỉ số cân nặng, thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng nếu mẹ chỉ tăng dưới 6kg trong thời kỳ mang thai. Khi có thai kỳ khỏe mạnh, mẹ thường tăng từ 10 – 12kg.
Sau khi sinh, những trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai có cân nặng không đủ 2,5 kg, bao gồm cả những trường hợp sinh non và sinh thiếu tháng.
Phòng ngừa và cách điều trị suy dinh dưỡng bào thai
Để ngăn ngừa và điều trị suy dinh dưỡng bào thai, thai phụ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Điều này giúp đảm bảo quá trình cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho thai nhi và tăng cường sức khỏe tổng thể. Từ đó giúp mẹ bầu và thai nhi khỏe mạnh, em bé phát triển toàn diện, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng bào thai.
Dưới đây là nguyên tắc và cách ăn uống giúp phòng ngừa và điều trị suy dinh dưỡng bào thai:
1. Nguyên tắc ăn uống cho phụ nữ mang thai
Một số nguyên tắc ăn uống dành cho phụ nữ mang thai:
- Không bỏ bữa. Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ (khoảng 5 – 6 bữa) và ăn liên tục trong ngày.
- Bổ sung đủ thành phần dinh dưỡng với hàm lượng thích hợp thông qua thực phẩm lành mạnh. Việc dư thừa hoặc thiếu chất dinh dưỡng đều có thể gây ra nhiều vấn đề không mong muốn.
- Không ăn những loại thực phẩm có hại như thực phẩm tái hay sống.
- Không ăn kiêng.
- Tăng cân dần dần.
- Uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
2. Nhóm dinh dưỡng cần bổ sung
Đảm bảo bổ sung đủ dinh dưỡng thông qua chế độ ăn uống mỗi ngày. Đặc biệt nên bổ sung những nhóm chất sau:
- Năng lượng: 2.550 kcal/ngày.
- Chất đạm và chất béo: Chất đạm và chất béo giúp xây dựng tổ chức cơ thể của mẹ và bé. Vì thế cần bổ sung khoảng 55 – 192 gram protein. Riêng đối với chất béo, chất này cần chiếm khoảng 20% tổng năng lượng (khoảng 40 gram). Đậu xanh, vừng, đậu phộng, tôm, cua, cá hồi, cá trích, sữa, trứng…. là những loại thực phẩm chứa nhiều chất đạm và chất béo.
- Kẽm: Chất kẽm giúp xây dựng và duy trì hệ thống miễn dịch khỏe mạnh, hỗ trợ sản xuất nhau thai, phòng ngừa nhiễm trùng trong tử cung. Đồng thời giúp cân bằng nội tiết tố. Vì thế bổ sung 15mg kẽm mỗi ngày có thể giúp mẹ và thai nhi khỏe mạnh, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng thai kỳ, sinh non, sinh già tháng, sảy thai, thai chết gần ngày sinh… Chất này có nhiều trong thịt, các loại hải sản (như hàu, cua, sò, hến), ngũ cốc nguyên hạt, cây họ đậu, trứng và cá.
- Chất sắt: Phụ nữ mang thai cần bổ sung 60mg nguyên tố sắt mỗi ngày để tăng khối lượng máu, đảm bảo lượng máu được cung cấp đến thai nhi. Đồng thời bù lại lượng máu mất lúc sinh. Để bổ sung chất sắt, cần ăn nhiều nghêu, ốc, sò, thịt, ngũ cốc, hến, tiết động vật…
- Axit folic: Để phòng ngừa suy dinh dưỡng bào thai và giúp trẻ tăng cân điều độ, mẹ cần bổ sung 300 – 400 mcg Axit folic/ngày. Ngoài ra thành phần dinh dưỡng này còn có tác dụng ngăn ngừa dị tật ống thần kinh ở trẻ. Axit folic có nhiều trong các loại trái cây, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt…
- Canxi: Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng và không thể thiếu trong thời kỳ mang thai. Khoáng chất này giúp đảm bảo sự hình thành khung xương chắc khỏe cho trẻ, ngăn ngừa còi xương và suy dinh dưỡng ở trẻ em. Theo các chuyên gia, phụ nữ mang thai và đang nuôi con bú cần bổ sung từ 800 – 1000mg canxi mỗi ngày thông qua các loại thực phẩm lành mạnh. Cụ thể như phô mai, sữa chua, sữa và những chế phẩm từ sữa, tôm, cua, các loại rau lá xanh, các loại đậu và hạt…
- Các loại vitamin: Trong thời kỳ mang thai, mẹ cần bổ sung đa dạng các loại vitamin để nâng cao sức khỏe và hệ miễn dịch, phòng ngừa suy dinh dưỡng thai kỳ.
- Vitamin A: Bổ sung 600 mcg vitamin A/ ngày. Thành phần dinh dưỡng này có nhiều trong rau màu xanh đậm, các loại củ quả màu đỏ và vàng, trứng, sữa, gan…
- Vitamin C: Bổ sung từ 80 – 85mg vitamin C/ ngày. Loại vitamin này có nhiều trong trái cây thuộc họ cam quýt, đu đủ, dâu tây, kiwi, bông cải xanh, ớt chuông, cà chua, xoài…
- Vitamin B1: Bổ sung 1,1mg vitamin B1/ ngày. Các loại hạt thuộc họ đậu và ngũ cốc là nguồn bổ sung vitamin B1 đồi dào.
- Vitamin B2: Phụ nữ mang thai cần bổ sung 1,5mg vitamin B2 thông qua các loại rau xanh, sữa, gan, trứng, cá, thịt, nấm.
- Vitamin D: Đối với vitamin D cần bổ sung 10 mcg/ngày. Loại vitamin này có nhiều trong dầu gan cá tuyết, nấm, tôm, lòng đỏ trứng, hàu, cá trích, cá mòi…
- I-ốt: Cần bổ sung đủ Iốt để giảm nguy cơ sảy thai tự nhiên, thai chết lưu và sinh non. Ngoài ra kết quả nghiên cứu cho thấy, không bổ sung đủ Iốt mỗi ngày làm tăng nguy cơ khuyết tật bẩm sinh ở trẻ (điếc, liệt chi, nói ngọng hoặc câm…), tổn thương não. Vì thế trong thời kỳ mang thai, nữ giới cần bổ sung 175 – 200 mcg Iốt/ ngày. Thành phần dinh dưỡng này được tìm thấy nhiều nhất trong nghêu sò, rong biển, cá, muối ăn…
3. Nhóm thực phẩm cần tránh/ không nên ăn nhiều
Thai phụ cần giảm hoặc tránh ăn những loại thực phẩm dưới đây để đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh:
- Cắt giảm những loại thực phẩm chứa gia vị cay nóng. Chẳng hạn như ớt, tiêu, tỏi…
- Không ăn các loại thịt/ hải sản tái hoặc sống để tránh bị nhiễm trùng.
- Hạn chế ăn những loại thực phẩm chế biến sẵn.
- Tránh uống nhiều trà đặc hay cà phê.
- Tuyệt đối không uống rượu bia, không hút thuốc lá cũng như sử dụng chất kích thích.
4. Chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn của thai kỳ
Thai phụ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng trong từng giai đoạn của thai kỳ để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện, ngăn ngừa và điều trị chứng suy dinh dưỡng bào thai.
- Chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng đầu
Trong 3 tháng đầu mang thai, các tổ chức và cơ quan của thai (chằng hạn như phổi, não, tủy sống, gan, tim…) sẽ hình thành. Chính vì thế mà chất đạm cần được bổ sung với hàm lượng thích hợp. Lưu ý ăn uống lành mạnh, ít dầu mỡ để tránh gây vấn đề ở hệ tiêu hóa và nghén.
Ngoài ra mẹ bầu cũng cần bổ sung thêm sắt và axit folic thông qua các chế phẩm, dùng theo hướng dẫn của bác sĩ. Trong giai đoạn này, mẹ bầu cần tăng mỗi tháng 1kg.
- Chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng giữa
Trong giai đoạn này, thai nhi có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Vì thế mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ năng lượng. Mỗi khẩu phần ăn nên có một bát cơm và một lượng thức ăn phù hợp để tăng 250 kcal/ngày.
Ngoài ra mẹ bầu cần đảm bảo chế độ ăn uống giàu chất kẽm và canxi để hoàn thiện sự phát triển về khung xương và hệ thống miễn dịch của trẻ.
- Chế độ dinh dưỡng trong 3 tháng cuối
Trong 3 tháng cuối, thai nhi chủ yếu phát triển về cân nặng. Vì thế trong giai đoạn này, thai phụ cần đảm bảo chế độ ăn uống đủ chất dinh dưỡng để để đảm bảo trẻ phát triển toàn diện, ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng bào thai. Bên cạnh đó cần chú ý đến năng lượng. Nên tăng 450 kcal/ngày bằng cách ăn hai bát cơm với một lượng thức ăn hợp lý.
5. Các lưu ý
Thai phụ cần lưu ý một số điều dưới đây để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé:
- Luôn luôn chọn những loại thực phẩm tươi và sạch, hợp vệ sinh và có giá trị dinh dưỡng cao.
- Ăn chín uống sôi.
- Nên ăn nhiều rau quả và trái cây tươi để bổ sung chất xơ, vitamin và khoáng chất.
- Đa dạng các loại thực phẩm trong một bữa ăn. Không nên tập trung vào một nhóm thực phẩm.
- Việc bổ sung dinh dưỡng từ dung dịch hoặc viên uống cần có sự can thiệp của bác sĩ chuyên khoa.
- Nên chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày. Đặc biệt là những người bị nghén trong khi mang thai.
- Tránh làm việc gắng sức. Không nên nghỉ ngơi thụ động vào tháng cuối thai kỳ. Tốt nhất nên vận động nhẹ nhàng để hỗ trợ quá trình sinh nở trong tương lai. Không nên làm việc trên cao.
- Không nên ngâm mình dưới nước.
- Luôn suy nghĩ tích cực và lạc quan, vui vẻ mỗi ngày. Mẹ bầu cần kiểm soát căng thẳng, tránh lo âu quá mức để không làm ảnh hưởng đến thai nhi.
- Đảm bảo ngủ đủ giấc và ngủ sớm. Nên ngủ tối thiểu 8 tiếng mỗi đêm, ngủ từ 30 – 60 phút vào mỗi buổi trưa.
- Tránh hít khói thuốc lá hay khói bụi thụ động. Nên giữ môi trường sống trong lành.
- Tiêm phòng đủ các mũi theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Khám thai định kỳ. Tiến hành xử lý nếu có các biểu hiện bất thường như thai ít máy hoặc không máy, xuất huyết âm đạo, đau bụng dữ dội, đau bụng từng cơn…
- Khám vú để phát hiện những bất thường ở núm vú. Đồng thời được hướng dẫn cách nuôi con bằng sữa mẹ.
Cách chăm sóc trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sau sinh
Nếu được nuôi dưỡng và chăm sóc đúng cách, trẻ bị suy dinh dưỡng bào thai sau khi được sinh ra có thể phục hồi sự phát triển và cân nặng bình thường. Dưới đây là một số cách chăm sóc giúp tăng cơ hội sống sót và phục hồi ở trẻ:
- Cho trẻ bú sữa mẹ và ủ ấm ngay sau sinh. Nên cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn trong suốt 6 tháng đầu, bú nhiều hơn bình thường, chia thành nhiều cữ, cho trẻ bú cả ban đêm.
- Trong thời kỳ cho con bú, mẹ cần ăn uống đều độ và đủ chất, ăn chín uống sôi để sữa dồi dào, sạch và đủ dinh dưỡng.
- Đối với những trẻ bú kém, mẹ nên vắt sữa và cho trẻ uống từng thìa.
- Thường xuyên âu yếm, vỗ về cũng như biểu lộ tình cảm đối với trẻ nhỏ. Việc chăm sóc tâm lý và khích lệ trẻ có thể giúp trẻ ngủ ngoan và ăn ngoan hơn. Đồng thời giúp trẻ ổn định và phát triển trí não.
- Thay bắng rốn và cho trẻ tắm với nước sạch mỗi ngày.
- Theo dõi tình trạng sức khỏe và các biểu hiện bên ngoài của trẻ. Xử lý nhanh những trường hợp hạ canxi máu, hạ đường máu hoặc hạ thân nhiệt.
- Chỉ cho ăn bổ sung (ăn dặm) khi trẻ được 6 tháng tuổi. Trong chế độ ăn của trẻ, cần đảm bảo bổ sung đủ vitamin và khoáng chất, dùng những loại thực phẩm lành mạnh và giàu dinh dưỡng. Điều này giúp duy trì sức khỏe cho trẻ, phòng ngừa các rủi ro do suy dinh dưỡng.
- Bổ sung thêm vi chất dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
- Cho trẻ tiêm đầy đủ các loại vắc xin theo quy định của Bộ y tế.
- Nếu tình trạng suy dinh dưỡng kéo dài đến khi trẻ 2 tuổi, mẹ cần thiết lập cho trẻ chế độ ăn uống đủ chất, đa dạng thực phẩm và cách chế biến để giúp trẻ ăn ngon.
Suy dinh dưỡng bào thai là một tình trạng nguy hiểm, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ. Những trường hợp nặng nặng có thể khiến thai chết lưu hoặc đe dọa đến tính mạng của trẻ sơ sinh. Vì thế, mẹ bầu cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hàng ngày, ăn uống đều độ và bổ sung đủ thành phần dinh dưỡng để phòng ngừa. Ngoài ra cần khám thai định kỳ và xử lý theo hướng dẫn của bác sĩ nếu có biểu hiện bất thường.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!