Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân: Nguyên nhân, cách trị
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân thường gặp ở người bị viêm gân gan bàn chân. Một số trường hợp khác bị đau do viêm khớp, tổn thương mô mềm do chấn thương hoặc gai xương. Triệu chứng thường nhẹ, được khắc phục bằng biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên một số trường hợp đau do viêm tiến triển, cần điều trị theo chỉ định.
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân do đâu?
Bàn chân được tạo từ 26 xương, 30 khớp, 100 sợi cơ cùng dây chằng và gân. Bộ phận này giúp nâng đỡ cơ thể, giữ thăng bằng và cho phép con người thực hiện các hoạt động. Tuy các xương và mô ở lòng bàn chân dễ bị tổn thương dẫn đến đau nhói. Tình trạng này có thể khởi phát vào buổi sáng sau khi ngủ dậy.
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân thường do những nguyên nhân dưới đây:
1. Viêm cân gan bàn chân
Hầu hết bệnh nhân bị viêm cân gan bàn chân bị đau lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Đây là một tình trạng viêm xảy ra ở cơ gan chân (mô nối xương gót chân với ngón chân, hỗ trợ vòm bàn chân) dẫn đến đau nhức lòng bàn chân và gót chân.
Đau do viêm cân gan bàn chân thường nghiêm trọng. Mức độ đau tăng lên hoặc khởi phát khi bắt đầu những bước đi đầu tiên (sau nghỉ ngơi hoặc ngủ dậy). Một số đặc điểm khác của cơn đau:
- Đau nhói (đau sắc nét), thường chỉ xảy ra ở một bên chân
- Đau khởi phát khi đưa ngón chân về ống chân, bàn chân uốn cong, đứng lâu hoặc đứng dậy sau khi ngồi
- Đau giảm nhẹ khi đi bộ, tăng lên sau khi tập thể dục
- Đau cấp tính và sưng cục bộ nếu cơ gan chân bị rách hoặc đứt.
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân khiến người bệnh khó chịu, ảnh hưởng đến đi lại và khả năng vận động.
2. Viêm khớp dạng thấp
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân có thể liên quan đến viêm khớp dạng thấp (RA). Đây là một bệnh viêm khớp mãn tính do rối loạn miễn dịch trong cơ thể. Bệnh khởi phát khi các tự kháng thể tấn công vào các cơ quan hoặc mô khỏe mạnh của một vùng (do hệ miễn dịch bị rối loạn).
Trong bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh nhân bị sưng, cứng, đỏ, nóng và đau nhức ở các khớp (bao gồm các khớp của bàn chân). Ngoài ra RA còn gây tê cứng bàn chân, đau và mềm ở lòng bàn chân khiến người bệnh không thể đi lại vào buổi sáng khi thức dậy.
Viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến nhiều khớp và cơ quan. Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị biến dạng khớp và viêm ngoài màng tim không triệu chứng.
3. Viêm gân Achilles
Viêm gân Achilles (viêm gân gót chân) có thể khiến bệnh nhân bị đau lòng chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy, đặc biệt là khi thực hiện những bước đi đầu tiên. Bệnh lý này xảy ra khi gân nối xương gót và cơ bắp chân bị viêm hoặc kích thích. Viêm gân Achilles thường gặp ở những bệnh nhân sử dụng gân gót chân quá mức, chảy/ nhảy liên tục hoặc tiếp đất không đúng kỹ thuật.
Gân Achilles bị viêm gây ra một số dấu hiệu sau:
- Bắp chân cứng chắc
- Sưng ở phía sau gót chân
- Đau nhẹ ở phía sau chân, dọc theo lòng bàn chân. Mức độ đau tăng dần theo thời gian
- Han chế phạm vi chuyển động
- Sờ thấy ấm ở da gót chân
- Đau và cứng khớp vào buổi sáng
Bệnh nhân bị viêm gân Achilles cần nghỉ ngơi và phục hồi chức năng theo chỉ định. Tránh những hoạt động gắng sức khi bị thương để ngăn ngừa đứt gân Achilles.
4. Hội chứng bàn chân bẹt
Hội chứng bàn chân bẹt (bàn chân phẳng) là tình trạng vòm bàn chân rất thấp hoặc không có vòm bàn chân. Tình trạng này khiến gan bàn chân lõm vào trong, mũi bàn chân hướng ra ngoài khi đứng và đi, lòng bàn chân chạm đất thay vì có phần đệm phía trước và gót chân.
Bàn chân bẹt phổ biến, thường do bẩm sinh và không gây đau. Tuy nhiên tình trạng này có thể gây rối loạn liên kết ở chân, căng cơ và dây chằng ở bàn chân (do không được nâng đỡ). Từ đó dẫn đến đau, sưng ở gót chân và vòm bàn chân.
Vì thế người bệnh cần thăm khám nếu sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân. Điều này giúp đánh giá tình trạng, bệnh nhân được hướng dẫn các phương pháp khắc phục hiệu quả.
5. Gai gót chân
Đôi khi gai gót chân khiến bệnh nhân bị đau lòng bàn chân vào buổi sáng khi ngủ dậy. Thông thường gai xương phát triển ở mặt dưới hoặc phía sau gót chân do lắng tụ canxi. Các gai thường có hình móc câu, nhọn, kéo dài từ gót chân đến vòm bàn chân, kích thước lên đến 1.5cm.
Gai gót chân thường không được nhìn thấy bằng mắt thường, có thể gây đau hoặc không. Tuy nhiên theo thời gian, gai xương ảnh hưởng đến các bộ phận khác của bàn chân, chẳng hạn như dây thần kinh và các mô khác trong khu vực. Điều này gây đau đớn dữ dội, đặc biệt là vào buổi sáng khi ngủ dậy.
Đặc điểm đau và các triệu chứng khác:
- Đau như dao đâm hoặc ghim đâm ở gót chân, lan rộng đến lòng bàn chân và mũi bàn chân
- Đau âm ỉ ở gót chân suốt cả ngày
- Đau nghiêm trọng nhất vào buổi sáng
- Đau có thể khởi phát khi đứng lên sau một thời gian ngồi
- Sưng và viêm ở phía trước của gót chân
- Khó đi bằng chân trần
- Một số trường hợp có thể nhìn thấy gót chân nhô ra.
6. Chấn thương
Đôi khi sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân là hậu quả của chấn thương vào ngày hôm trước. Tình trạng này xảy ra khi người bệnh tiếp đất từ trên cao hoặc không đúng kỹ thuật, chạy chân trần hoặc mang giày không vừa vặn, hoạt động thể chất gắng sức… khiến các mô bị tổn thương.
Tùy thuộc vào thương tổn, cơn đau có thể khởi phát đột ngột hoặc từ từ. Đau lòng bàn chân do chấn thương thường kèm theo những biểu hiện sau:
- Sưng
- Ửng đỏ hoặc bầm tím
- Đau khu trú ở một vị trí hoặc đau toàn bộ lòng bàn chân
- Đau tăng hoặc đột ngột đau khi bước xuống giường vào buổi sáng
- Rát hoặc nóng xung quanh khu vực bị ảnh hưởng
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân do chấn thương thường không nghiêm trọng. Các triệu chứng có xu hướng tự giảm sau vài ngày.
Khắc phục tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân
Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau nhói ở lòng bàn chân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy thường kèm theo nhiều triệu chứng khó chịu. Chẳng hạn như sưng, viêm, co cứng hoặc co thắt, hạn chế vận động, giảm chức năng của bàn chân…
Tuy nhiên các triệu chứng thường không quá nghiêm, người bệnh có thể kiểm soát bằng một số biện pháp chăm sóc và giảm đau tại nhà. Một số trường hợp nặng, đau không giảm sau chăm sóc cần được điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Những biện pháp giúp khắc phục tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân gồm:
1. Chườm đá
Dùng túi đá lạnh hoặc túi chườm mát áp lên vùng bị đau có thể giúp cải thiện tình trạng. Biện pháp này phù hợp với những bệnh nhân bị đau lòng bàn chân sau ngủ dậy do chấn thương, nhiễm trùng, viêm khớp hoặc một số tình trạng viêm khác.
Chườm đá có tác dụng co mạch, giảm máu lưu thông đến vùng bị thương, gây tê, giảm đau và viêm sưng hiệu quả. Khi áp dụng, bọc túi đá trong vải nhỏ, đặt lên chân từ 15 – 20 phút mỗi lần. Những người bị viêm cân gan bàn chân có thể lăn phần chân bị đau trên chai nước lạnh hoặc đông lạnh trên sàn. Không được đặt đá trực tiếp lên da.
2. Nâng cao chân
Nằm xuống và nâng bàn chân bị thương khi nghỉ ngơi hoặc khi ngủ. Điều này có thể giúp giảm cảm giác mỏi, đau và sưng ở bàn chân. Lưu ý chân bị thương nên được nâng cao hơn tim để tăng hiệu quả giảm sưng tấy. Biện pháp này đặc biệt phù hợp với bệnh nhân bị đau lòng bàn chân do chấn thương, viêm cân gan bàn chân.
3. Chườm ấm
Chườm ấm lên lòng bàn chân và gót chân bị đau có thể mang đến một số lợi ích sau:
- Giảm nhẹ và hạn chế tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân
- Thư giãn, giãn mạch, tăng tuần hoàn máu
- Tăng tốc độ chữa lành các mô bị thương
- Cải thiện chất lượng giấc ngủ
- Hạn chế cứng khớp, cải thiện khả năng đi lại và vận động linh hoạt.
Khi thực hiện, đặt khăn ấm/ miếng đệm sưởi ấm hoặc lăn chai nước ấm lên lòng chân bị đau. Mỗi ngày thực hiện 2 – 3 lần (sáng sớm và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần 20 phút.
4. Ngâm chân với nước ấm
Ngâm chân trong nước ấm trước và sau khi ngủ có thể giúp ngăn ngừa, cải thiện tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân. Biện pháp này có thể giúp xương khớp, mô mềm và dây thần kinh tổn thương được thư giãn, giảm co thắt. Từ đó giảm đau và hạn chế tình trạng cứng khớp, cải thiện chất lượng giấc ngủ.
Trong khi ngâm chân, có thể hòa tan một lượng muối Epsom trong nước ấm. Hàm lượng magie trong loại muối này có khả năng chữa đau do viêm khớp, thư giãn, loại bỏ độc tố từ cơ thể và kháng viêm. Ngâm chân với nước ấm mỗi lần 10 phút để sớm cải thiện tình trạng.
5. Mang nẹp vào ban đêm
Trong một số trường hợp, bệnh nhân được hướng dẫn mang nẹp khi đang ngủ để hạn chế tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân. Thiết bị này giúp giữ chân của bạn ở vị trí nghỉ ngơi, tránh ngủ với bàn chân hướng vào bởi điều này có thể kích thích cơn đau.
Mang nẹp vào ban đêm đặc biệt hiệu quả và hữu ích đối với quá trình điều trị viêm cân gan bàn chân. Tham khảo ý kiến bác sĩ về cách dùng nẹp đúng và hiệu quả nhất.
6. Dùng giá đỡ vòm
Dùng giá đỡ vòm hoặc nẹp chỉnh hình có thể giúp ổn định bàn chân khi đi bộ hoặc đứng dậy. Từ đó giúp loại bỏ cơn đau hiệu quả. Thiết bị này phù hợp với bệnh nhân bị viêm cân gan bàn chân, gai gót chân và bàn chân bẹt.
Ngoài ra những người bị gai gót chân và bàn chân bẹt nên lựa chọn những đôi giày phù hợp, có đệm lót hỗ trợ, giày vừa vặn. Những đôi giày này có thể giúp giảm áp lực lên chân bị thương, ngăn đau lòng bàn chân vào buổi sáng hôm sau.
7. Massage lòng bàn chân
Người bệnh có thể nhẹ nhàng xoa bóp lòng bàn chân và mu bàn chân để tăng lưu thông máu, giảm đau nhức. Ngoài ra biện pháp này còn giúp thư giãn, cải thiện khả năng vận động và hạn chế đau chân vào buổi sáng.
Khi massage, ngồi trên một chiếc ghế thoải mái, nhẹ nhàng thực hiện động tác xoa bóp lòng bàn chân. Sau đó kéo ra và uốn cong các ngón chân để tăng hiệu quả thư giãn và giảm đau.
Có thể dùng tinh dầu hoặc kem dưỡng da khi xoa bóp. Những sản phẩm này có thể giúp bôi trơn da, thư giãn, massage lòng bàn chân và ngón chân dễ dàng hơn. Ngoài ra có thể dùng con lăn chân, lăn trên sàn để xoa bóp.
8. Bôi thuốc giảm đau tại chỗ
Để giảm tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân, người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau tại chỗ (chẳng hạn như gel Diclofenac, salicylat) bôi vào lòng bàn chân. Những loại thuốc này có thể giúp giảm viêm và đau hiệu quả. Một số dược phẩm khác còn giúp làm mát và giảm sưng nhanh chóng. Chẳng hạn như thuốc bôi chứa tinh dầu bạc hà, nhựa thông và bạch đàn.
9. Dùng thuốc giảm đau không kê đơn
Một số thuốc giảm đau không kê đơn như Acetaminophen và NSAID có thể giúp giảm viêm và đau hiệu quả. Acetaminophen có tác dụng giảm đau, hạ sốt, mang đến hiệu quả nhanh ở bệnh nhân bị đau từ nhẹ đến vừa.
Trong khi các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) như Ibuprofen và Naproxen natri có thể giảm đau và viêm. NSAID mang đến hiệu quả tốt cho bệnh nhân có cơn đau vừa.
Thuốc giảm đau không kê đơn có thể được dùng trong vài tuần để giảm đau hoàn toàn. Tuy nhiên cả Acetaminophen và NSAID cần được dùng theo hướng dẫn của bác sĩ để tránh tác dụng phụ.
10. Vận động nhẹ nhàng
Nên duy trì thói quen đi lại nhẹ nhàng hoặc kéo giãn với các bài tập thể dục thích hợp. Điều này giúp cải thiện tuần hoàn, phục hồi sức cơ và sự dẻo dai cho xương khớp. Đồng thời nâng cao sức khỏe, hạn chế cứng khớp và đau nhức lòng bàn chân vào buổi sáng.
Lưu ý kiểm soát cơn đau trước khi luyện tập. Nên bắt đầu với những chuyển động hay kéo giãn nhẹ nhàng, luyện tập vừa sức để tránh tăng áp lực lên bàn chân dẫn đến đau nhức.
11. Điều trị y tế
Người bệnh nên thăm khám và điều trị y tế theo chỉ định nếu:
- Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân không giảm hoặc tái diễn nhiều lần sau 3 – 5 ngày chăm sóc
- Đau hoặc sưng dữ dội
- Khó khăn trong các hoạt động
- Có vết thương hở ở chân
- Nghi ngờ đứt gân hoặc gãy xương
- Sưng chân hơn 1 ngày.
Thông thường bệnh nhân được chẩn đoán nguyên nhân gây đau bằng cách kiểm tra triệu chứng, bệnh sử/ chấn thương, xét nghiệm hình ảnh (chụp X-quang, MRI, CT, xét nghiệm máu…).
Ngoài ra bệnh nhân có thể được yêu cầu đứng trên chân bị thương, đi lại và thực hiện một số nghiệm pháp để đánh giá thêm về tình trạng. Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ tổn thương, bệnh nhân có thể được điều trị với các thuốc giảm đau mạnh hơn và vật lý trị liệu để phục hồi chức năng.
Những bệnh nhân có gai xương lớn hoặc không đáp ứng với điều trị bảo tồn có thể cần phẫu thuật để khắc phục tình trạng. Điều quan trọng trong điều trị là tuân thủ chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
Phòng ngừa sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân
Một số biện pháp giúp hạn chế tình trạng sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân:
- Duy trì trọng lượng an toàn. Giảm cân nếu dư thừa để tránh tăng áp lực lên lòng bàn chân.
- Hoạt động thể chất hoặc luyện tập vừa sức. Nghỉ giải lao giữa những buổi tập.
- Mang giày dép vừa vặn, có đệm hỗ trợ vòm chân.
- Tránh chạy bộ hoặc đi bộ nhiều trên nền cứng. Không nên đứng lâu.
- Tiếp đất đúng kỹ thuật khi nhảy xuống từ một độ cao.
- Thường xuyên xoa bóp, chườm ấm để thư giãn lòng bàn chân. Chườm lạnh sau mỗi buổi luyện tập.
- Khởi động trước khi chơi thể thao. Thực hiện các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng sau mỗi buổi tập.
- Giữ tư thế tốt khi chơi thể thao, làm việc hoặc nâng vật.
- Duy trì thói quen luyện tập thể dục để tăng cường sức khỏe, cải thiện sự dẻo dai và sức bền cho hệ xương khớp. Đồng thời rèn luyện sức mạnh, giảm nguy cơ chấn thương và các tình trạng viêm.
- Thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và cân bằng. Đặc biệt nên ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất (vitamin D, C, canxi, magie…), chất chống oxy hóa, protein và omega-3 để nâng cao sức khỏe xương khớp.
Sáng ngủ dậy bị đau lòng bàn chân xảy ra do nhiều nguyên nhân. Đau và các triệu chứng đi kèm thường nhẹ, được kiểm soát bằng các biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên nếu sưng và đau nhức dữ dội, đau lòng bàn chân không giảm, người bệnh cần chẩn đoán và điều trị với bác sĩ chuyên khoa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!