Rách chóp xoay vai là gì? Nguyên nhân và cách điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Rách chóp xoay vai là tình trạng tổn thương và rách một hay nhiều gân trong chóp xoay khớp vai. Tình trạng này thường xảy ra sau một chấn thương, thoái hóa hoặc sử dụng khớp quá mức. Đứt/ rách gân chóp xoay khiến bệnh nhân đau nhói, khớp tổn thương mất hoàn toàn tầm vận động. Dựa vào tình trạng, bệnh nhân được điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật.

Rách chóp xoay vai
Tìm hiểu nguyên nhân gây rách chóp xoay vai, dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán và cách điều trị

Rách chóp xoay vai là gì?

Chóp xoay khớp vai là một phức hợp gồm 4 và các gân liên quan. Nó có tác dụng hỗ trợ cánh tay và khớp vai để dễ dàng hơn trong các hoạt động, cung cấp sức mạnh. Đồng thời cho phép vai xoay theo nhiều hướng khác nhau, ngăn các đầu xương dịch chuyển hoặc nhiễu loạn lực cắt, duy trì mối liên kết giữa đầu xương cánh tay và cạn hố glenoid.

Rách chóp xoay vai là tình trạng tổn thương và rách một hay nhiều gân trong chóp xoay khớp vai. Tình trạng này khiến bệnh nhân đột ngột đau nhói, cơn đau lan rộng toàn bộ vai và xuống cánh tay, mất hoàn toàn hoặc giảm tầm vận động của khớp.

Thông thường tổn thương chóp xoay vai sẽ xảy ra sau một chấn thương, bệnh nhân lạm dụng khớp, mở rộng cánh tay hoặc xoay khớp vai vượt tầm. Vết rách có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào của sợi gân. Tuy nhiên nơi bám tận của gân là vị trí dễ bị tổn thương nhất.

Phân loại rách chóp xoay vai

Để phân loại rách chóp xoay vai, người bệnh cần dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm: Hình dạng rách, kích thước của vết rách, vị trí và độ dày của chỗ rách.

1. Phân loại theo kích thước

Dựa vào kích thước lỗ rách, rách chóp xoay vai được phân thành các loại sau:

  • Rách nhỏ: Lỗ rách dưới 1cm
  • Rách vừa: Lỗ rách dao động từ 1 – 3cm
  • Rách rộng: Lỗ rách dao động từ 3 – 5cm
  • Rách lớn: Lỗ rách trên 5cm

2. Phân loại theo độ dày và vị trí

Phân loại rách chóp xoay theo độ dày và vị trí:

  • Rách một phần: Rách một phần ở mặt khớp hoặc ở mặt hoạt dịch
  • Rách toàn phần: Rách lớn, rộng hết độ dày của gân chóp xoay.

3. Phân loại theo hình dạng

Rách chóp xoay vai có thể xảy ra với các hình dạng sau:

  • Hình chữ L
  • Hình chữ U
  • Hình liềm
  • Rách hết độ dày của gân chóp xoay.

4. Phân loại theo vị trí đầu gân đứt

Tổn thương chóp xoay vai được phân thành 3 cấp độ, bao gồm:

  • Cấp độ 1: Đầu gân đứt nằm phía trên điểm bám vào xương cánh tay.
  • Cấp độ 2: Đầu gân đứt nằm ngang với chỏm xương cánh tay.
  • Cấp độ 3: Đầu gân đứt nằm ngang với ổ chảo.
Phân loại rách chóp xoay vai
Phân loại rách chóp xoay vai dựa vào tình dạng rách, kích thước của vết rách, vị trí và độ dày của chỗ rách

Nguyên nhân gây rách chóp xoay vai

Rách chóp xoay vai xảy ra do những nguyên nhân sau:

  • Chấn thương: Đây là nguyên nhân gây rách chóp xoay vai thường gặp. Tổn thương sẽ xảy ra nếu bệnh nhân té đập vai khi đang giữ tư thế tay dang ngang.
  • Thoái hóa: Tương tự như xương, khớp và những cơ quan khác trong cơ thể, gân chóp xoay cũng bị thoái hóa theo thời gian. Điều này làm suy giảm chức năng và độ đàn hồi của chúng. Vì thế tổn thương chóp xoay vai có thể dễ dàng xảy ra sau một va chạm nhẹ, dang ngang cánh tay hoặc thậm chí không rõ nguyên nhân. Ngoài ra các vấn đề về chuyển hóa và sự lưu thông máu cũng có thể khiến các gân bị thoái hóa dẫn đến đứt/ rách.
  • Một số nguyên nhân khác: Chấn thương và thoái hóa là hai nguyên nhân chính. Tuy nhiên rách chóp xoay vai cũng có thể xảy ra do một số yếu tố tác động khác, bao gồm:
    • Sự mất vững của cánh tay và khớp ổ chảo, thường gặp sau nhiều lần trật khớp vai.
    • Lặp đi lặp lại một động tác làm tăng áp lực lên khớp vai. Đặc biệt là khi nâng cao tay quá đầu và xoay cánh tay.

Đối tượng nguy cơ

So với thông thường, những đối tượng dưới đây sẽ có nguy cơ rách chóp xoay vai cao hơn:

  • Người trên 50 tuổi
  • Vận động viên cử tạ, bơi lội
  • Những người có công việc chân tay
  • Bệnh nhân có chấn thương vai lặp đi lặp lại ở một vị trí

Triệu chứng rách chóp xoay vai

Triệu chứng của tình trạng rách chóp xoay vai thường xảy ra đột ngột và nghiêm trọng. Cụ thể:

  • Đau nhức
    • Đột ngột đau nhói tại vị trí tổn thương
    • Cơn đau không giảm ngay cả khi nghỉ ngơi
    • Đau nghiêm trọng hơn vào ban đêm (đặc biệt là khi va chạm hoặc nằm đè lên vai), cử động tay lên xuống
    • Cơn đau có xu hướng lan rộng toàn bộ bả vai và xuống cánh tay
  • Yếu khớp vai
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Đông cứng khớp vai, teo cơ quanh khớp vai nếu đau nhức nhiều và kéo dài
  • Đôi khi xuất hiện tiếng kêu lạo xạo khi cử động chỏm xương cánh tay
Triệu chứng rách chóp xoay vai
Rách chóp xoay vai gây đau nhức nặng nề, đau không giảm ngay cả khi nghỉ ngơi, yếu khớp vai, hạn chế khả năng vận động

Rách chóp xoay vai có nguy hiểm không?

Rách chóp xoay vai có thể được chữa khỏi bằng các phương pháp điều trị bảo tồn hoặc phẫu thuật. Trong trường hợp không điều trị hoặc chậm trễ, một số vấn đề dưới đây sẽ xảy ra:

  • Lỏng và mất vững khớp
  • Gân nhị đầu bị chèn ép và tổn thương
  • Viêm khớp thoái hóa sớm
  • Thoái hóa khớp vai tiến triển
  • Vai bị đông cứng do bất động vai trong thời gian dài
  • Hư khớp
  • Liệt khớp vai
  • Teo cơ tay

Chẩn đoán rách chóp xoay vai

Bệnh nhân cần được kiểm tra triệu chứng, khám lâm sàng và cận lâm sàng để chẩn đoán rách chóp xoay vai.

1. Khám lâm sàng và kiểm tra triệu chứng

Bác sĩ quan sát và kiểm tra các triệu chứng lâm sàng xảy ra quanh khớp vai. Đánh giá mức độ, vị trí và bộ phận bị ảnh hưởng bởi cơn đau. Đồng thời kiểm tra khả năng mở rộng cánh tay và sức cơ.

Sau khi kiểm tra triệu chứng, các thử nghiệm dưới đây sẽ được thực hiện:

  • Nghiệm pháp cánh tay rơi: Bác sĩ nâng cao cánh tay bệnh nhân, sau đó thả ra. Đồng thời bệnh nhân được yêu cầu giữ nguyên cánh tay nâng. Nếu không giữ được, cánh tay bị rớt xuống thì kết quả nghiệm pháp cánh tay rơi sẽ là dương tính. Trong trường hợp này, bệnh nhân có khả năng cao bị rách chóp xoay vai.
  • Nghiệm pháp Jobe: Bệnh nhân được yêu cầu dạng tay 90 độ. Sau đó kháng lại lực ép khi bác sĩ ép tay bệnh nhân xuống dưới. Nghiệm pháp Jobe sẽ dương tính nếu bệnh nhân bị đau. Lúc này có khả năng cao bị rách chóp xoay.
  • Nghiệm pháp xoay ngoài cánh tay có tính đối kháng: Bệnh nhân được yêu cầu dạng vai, giữ khuỷu tay gập 90 độ, sau đó xoay ngoài. Lúc này bác sĩ sẽ kháng lại lực xoay ngoài. Trong trường hợp bệnh nhân bị đau, nghiệm pháp xoay ngoài cánh tay có tính đối kháng sẽ dương tính. Đây có thể là biểu hiện rách chóp xoay.

2. Kiểm tra cận lâm sàng

Một số kỹ thuật sẽ được thực hiện để xác định rách chóp xoay vai và đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh.

  • Siêu âm khớp vai: Siêu âm khớp vai tạo ra hình ảnh chi tiết về các mô mềm giúp xác định gân chóp xoay rách. Tuy nhiên các tổn thương kèm theo ở khớp vai rất khó để phát hiện thông qua kỹ thuật này.
  • X-quang khớp vai ba tư thế: Bệnh nhân được yêu cầu chụp X-quang khớp vai với ba tư thế gồm outlet, nghiêng và thẳng. Từ đó kiểm tra những bất thường của xương và các hình thái mỏm cùng. Ngoài ra kỹ thuật này còn giúp kiểm tra tình trạng thoái hóa khớp có làm hẹp khoang dưới mỏm cùng hay không. Cuối cùng xác định nguyên nhân gây rách chóp xoay vai.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT được chỉ định cho những bệnh nhân có chấn thương rất lớn, rách chóp xoay kèm theo tổn thương xương. Kỹ thuật này giúp xác định vị trí, mức độ nghiêm trọng nhằm mục đích thay khớp để chữa khỏi bệnh lý.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Một lượng nhỏ thuốc cản từ sẽ được tiêm vào khớp trước khi tiến hành chụp MRI khớp vai. Khi được tiêm vào khớp, thuốc cản từ sẽ nhanh chóng di chuyển vào những ngóc ngách của khớp. Điều này giúp bác sĩ dễ dàng hơn trong việc phát hiện và đánh giá hết các tổn thương ở khớp vai và chóp xoay khớp vai. Cụ thể như hình thái rách gân, kích thước vết rách, số lượng gân rách và những tổn thương đi kèm.
Chụp cộng hưởng từ (MRI)
Chụp cộng hưởng từ chóp xoay khớp vai giúp xác định hình thái rách gân, kích thước vết rách, số lượng gân rách…

Phương pháp điều trị rách chóp xoay vai

Có hai chỉ định trong điều trị rách chóp xoay vai. Bao gồm điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật.

1. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn rách chóp xoay vai được chỉ định cho những bệnh nhân bị viêm gân chóp xoay và rách bán phần gân chóp xoay hoặc bệnh nhân không thể phẫu thuật do có bệnh lý nội khoa nặng.

Các phương pháp được chỉ định gồm:

+ Nghỉ ngơi

Người bệnh cần nghỉ ngơi hợp lý, tránh tạo áp lực cho bên vai tổn thương. Có thể mang đai hỗ trợ và ngồi thẳng lưng trên ghế có lưng tựa hoặc nằm nghiêng sang bên vai không bị tổn thương. Bệnh nhân cần tránh thực hiện những động tác khiến cơn đau khớp vai trở nên nghiêm trọng hơn.

+ Sử dụng thuốc

Một số loại thuốc giảm đau, chống viêm sẽ được kê đơn để kiểm soát các triệu chứng của tình trạng rách chóp xoay vai.

  • Thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau ở mức trung bình và giảm viêm. Thuốc thường được chỉ định trong thời gian đầu trị rách chóp xoay vai. Tùy thuộc vào tình trạng và khả năng đáp ứng của mỗi người, Ibuprofen, Aspirin, Naproxen hoặc một số thuốc giảm đau chống viêm không steroid khác sẽ được chỉ định.
  • Tiêm corticoid tại chỗ: Nếu không đáp ứng với nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid, corticoid sẽ được sử dụng để tiêm điều trị tại chỗ. Thuốc này có tác dụng giảm đau, kháng viêm nhanh và mạnh hơn. Tuy nhiên một số trường hợp có thể nhận thấy cơn đau tái phát sau vài tháng điều trị. Cần nhắc lại liều tiêm nếu cần thiết.
Tiêm corticoid tại chỗ
Tiêm corticoid tại chỗ cho những bệnh nhân không đáp ứng với nhóm thuốc giảm đau chống viêm không steroid

+ Vật lý trị liệu

Thông thường bệnh nhân bị rách chóp xoay vai sẽ được hướng dẫn một số bài tập vật lý trị liệu để giảm đau và tăng cường sức mạnh cho các cơ còn lại, giúp nâng đỡ khớp vai. Trong thời gian đầu điều trị, các bài tập có cường độ nhẹ, đơn giản và tập thụ động dưới sự trợ giúp của chuyên gia. Những bài tập này chủ yếu được thực hiện với mục đích giảm đau, cải thiện khả năng nâng cánh tay, mở rộng vai và tăng sức cơ.

Sau 2 – 3 tuần, bệnh nhân được hướng dẫn những bài tập có cường độ cao hơn, phức tạp hơn và luyện tập chủ động. Những bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ và phục hồi chức năng.

Vật lý trị liệu sẽ được thực hiện kéo dài cho đến khi cơn đau được kiểm soát, phục hồi chức năng và trở về với đời sống bình thường.

Ngoài luyện tập, một số hình thức vật lý trị liệu dưới đây cũng được thực hiện để hỗ trợ:

  • Siêu âm trị liệu
  • Nhiệt trị liệu
  • Kích thích điện
  • Điện quang

2. Điều trị phẫu thuật

Điều trị phẫu thuật cần thiết cho những trường hợp sau:

  • Rách bán phần gân chóp xoay nhưng thất bại sau 3 tháng điều trị nội khoa
  • Rách hoàn toàn gân chóp xoay

Tùy thuộc vào kích thước, vị trí vết rách và những tổn thương đi kèm, bệnh nhân có thể được mổ mở hoặc phẫu thuật nội soi.

+ Phẫu thuật nội soi 

Phẫu thuật nội soi rách chóp xoay vai là phương pháp phẫu thuật điều chỉnh, mài mỏm cùng vai kết hợp khâu gân chóp xoay rách thông qua 2 – 3 vết mổ nhỏ (khoảng 2cm). Trong khi phẫu thuật, bác sĩ sử dụng các thiết bị có kích thước tương tự kèm theo camera qua vết mổ vào sâu bên trong nhằm mục đích vừa quan sát vừa tiến hành điều trị.

Tùy thuộc vào tình trạng, kinh nghiệm điều trị của bác sĩ và trang thiết bị hiện có, phẫu thuật nội soi khâu gân chóp xoay rách được thực hiện theo kỹ thuật khâu hai hàng hoặc khâu một hàng.

Phẫu thuật nội soi giúp xử lý hầu hết các tổn thương, có tính thẩm mỹ cao, ít xâm lấn và ít làm ảnh hưởng đến mô mềm. Vì thế vết thương có thời gian phục hồi nhanh và ít phát sinh biến chứng nhiễm trùng. Tuy nhiên phương pháp này có chi phí điều trị khá cao.

+ Phẫu thuật mổ mở

Trong trường hợp có vết rách lớn không thể dùng phương pháp nội sôi hoặc rách nhiều gân, người bệnh sẽ được chỉ định mổ mở. Phương pháp này giúp điều chỉnh, chuyển cơ thông thường và khâu gân rách thông qua vết mổ có kích thước lớn.

Đối với những trường hợp nặng, chóp xoay bị rách lớn kèm theo những tổn thương khác, bệnh nhân sẽ được mổ thay khớp vai để đảm bảo duy trì chức năng của khớp vai sau phẫu thuật.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân mang nẹp dạng cánh tay và được theo dõi định kỳ, kiểm tra và xử lý các bất thường (nếu có). Nếu không có biến chứng phẫu thuật, vết mổ lành, bác sĩ sẽ kiểm tra, cắt chỉ và tư vấn tập phục hồi chức năng.

+ Biến chứng phẫu thuật

Mặc dù ít gặp nhưng một số biến chứng dưới đây có thể xảy ra khi phẫu thuật điều trị rách chóp xoay vai. Bao gồm:

  • Cứng khớp vai
  • Chèn ép chỗ sửa chữa
  • Nhiễm trùng
  • Rách chóp xoay tái phát
  • Tổn thương thần kinh phân bố chóp xoay (tạm thời hoặc vĩnh viễn)
Điều trị phẫu thuật
Điều trị phẫu thuật cho bệnh nhân không có đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc rách hoàn toàn gân chóp xoay

3. Tập phục hồi chức năng

Tập phục hồi chức năng thường được chỉ định sau phẫu thuật điều trị rách chóp xoay vai hoặc sau điều trị bảo tồn (nếu cần thiết).

Mục đích luyện tập và thời gian áp dụng:

  • Tập duy trì tầm độ khớp: Khoảng 4 – 6 tuần đầu.
  • Tập sức mạnh: Bắt đầu từ tuần thứ 6 trở đi.

+ Tập duy trì tầm độ khớp

Tuần thứ 1: Bệnh nhân mang đai Desault và thực hiện các động tác:

  • Tập nhún vai
  • Tập gồng cơ
  • Tập duỗi các ngón tay, cổ tay và khuỷu tay
  • Tập vận động chủ động gấp

Tuần thứ 2 đến tuần 3: Bệnh nhân mang đai Desault và thực hiện các động tác:

  • Tập nhún vai
  • Tập gồng cơ
  • Tập vận động chủ động gấp
  • Tập duỗi các ngón tay, cổ tay và khuỷu tay
  • Tập kéo ròng rọc
  • Tập bàn tay bò tường

Tuần thứ 4 đến tuần 6: Bệnh nhân bỏ đai Desault và thực hiện các động tác:

  • Tập kéo ròng rọc
  • Tập bàn tay bò tường
  • Tập phục hồi tầm vận động khớp vai tối đa

+ Tập sức mạnh

Từ tuần thứ 6: Bệnh nhân bỏ đai Desault và thực hiện các động tác:

  • Tập duy trì tầm vận động khớp vai
  • Tập sức mạnh với dây thun và tạ

Biện pháp phòng ngừa rách chóp xoay vai

Người bệnh cần loại bỏ các thói quen xấu và luyện tập đúng cách để giảm tổn thương do khớp vai bị lão hóa và phòng ngừa rách chóp xoay vai.

  • Trong khi làm việc, cần chú ý đến tư thế ngồi/ đứng và mang vác vật năng. Không nên cúi xuống bàn phím hoặc thiết bị. Thay vào đó cần ngồi thẳng, kéo bả vai ra sau và thực hiện giãn cơ vai.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá để giảm nguy cơ thoái hóa khớp vai dẫn đến rách chóp xoay.
  • Kiểm soát lượng cholesterol bằng cách luyện tập và ăn uống khoa học để giảm nguy cơ rách chóp xoay.
  • Cần làm quen dần với những vận động nặng để tránh rách chóp xoay. Cụ thể không nên vận động quá sức hoặc đột ngột thực hiện các vận động nặng. Cần tập thể dục giúp tăng sức cơ và tăng cường sự dẻo dai. Điều này giúp gân cơ khỏe mạnh, bắt kịp động lực và thực hiện tốt các vận động nặng mà không gây tổn thương.
  • Tránh khuân vác vật nặng trong tư thế tay giơ cao hơn đầu.
  • Thận trọng trong các hoạt động để hạn chế chấn thương.
  • Khởi động từ 10 – 15 phút trước khi chơi những môn thể thao cần vận động nhiều ở chóp xoay khớp vai. Cụ thể như bơi lội, cử tạ… Điều này giúp làm nóng cơ thể, tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của khớp vai, giảm nguy cơ rách gân.
  • Nên tập thể dục, tập dưỡng sinh hoặc yoga từ 30 – 60 phút mỗi ngày để tăng cường các cơ và gân ở bả vai, duy trì tính linh hoạt, cải thiện sự chắc khỏe của khớp vai và giảm nguy cơ thoái hóa. Lưu ý lựa chọn những bộ môn/ bài tập có cường độ phù hợp với lứa tuổi, luyện tập đúng tư thế và đúng cách.
Biện pháp phòng ngừa rách chóp xoay vai
Tập thể dục, tập dưỡng sinh hoặc yoga mỗi ngày để cải thiện cơ và gân ở bả vai, phòng ngừa rách chóp xoay vai

Rách chóp xoay vai chủ yếu xảy ra do chấn thương và thoái hóa, thường gặp ở người lớn tuổi và người lao động nặng. Đối với những trường hợp nhẹ, rách bán phần gân chóp xoay, bệnh nhân sẽ được điều trị bảo tồn. Ở những trường hợp nặng, rách toàn phần, người bệnh sẽ được chỉ định phẫu thuật để khâu vết rách và phục hồi chức năng. Vì bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng nên việc điều trị sớm và đúng cách là điều cần thiết.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Chày Có Đá Bóng Được Không
Gãy xương chày có đá bóng được không phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ, phương pháp điều trị và quá trình phục hồi của người bệnh. Do đó, nếu bị gãy xương, người bệnh nên đến bệnh viện ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Cổ Tay Có Phải Mổ Không
Gãy xương cổ tay có phải mổ không phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương cũng như chỉ định điều trị của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để được chẩn đoán ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Bàn Chân Bao Lâu Thì Đi Lại Được
Gãy xương bàn chân bao lâu thì đi lại được, khi nào lành hẳn còn phục thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy. Bàn chân có cấu trúc phức tạp, giúp cân bằng trọng lượng cơ thể và ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Ngón Tay Để Lâu Có Sao Không
Nếu thắc mắc trật khớp ngón tay để lâu có sao không người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Điều trị sớm là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua