Phục Hồi Chức Năng Sau Phẫu Thuật Thay Khớp Gối Và Lưu Ý

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKI Doãn Hồng Phương | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối có thể giúp người bệnh sớm lấy lại khả năng vận động, tăng sức mạnh cho các cơ quanh khớp, kiểm soát sưng và đau. Ngoài ra một số bài tập cụ thể còn giúp lấy lại khả năng chịu lực độc lập của chân bệnh. Tuy nhiên quá trình và thời gian luyện tập cần tuân theo hướng dẫn của chuyên gia.

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối giúp tăng sức mạnh, sớm lấy lại khả năng vận động

Lợi ích của phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối

Thay khớp gối là phương pháp sử dụng khớp nhân tạo (bằng nhựa hoặc kim loại) thay thế cho sụnxương hư hỏng ở đầu gối. Phương pháp này giúp phục hồi chức năng và cấu trúc của khớp gối, ngăn liệt khớp. Đồng thời giúp giảm sưng và đau đầu gối, hỗ trợ người bệnh lấy lại chức năng vận động.

Khi bạn được phẫu thuật thay khớp gối, phục hồi chức năng sau phẫu thuật là một giai đoạn quan trọng. Trong giai đoạn này, người bệnh sẽ luyện tập với các hoạt động, bài tập cụ thể để phục hồi chức năng của khớp gối. Từ đó giúp người bệnh đứng dậy, đi lại và trở về với lối sống năng động.

Dưới đây là lợi ích của quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối:

  • Hỗ trợ giảm đau và sưng nề
  • Phục hồi chức năng của khớp gối, lấy lại khả năng co duỗi linh hoạt và chức năng gấp gối (gấp 100 độ và duỗi gối 0 độ)
  • Ngăn các biến chứng sau phẫu thuật thay khớp gối. Cụ thể như cứng khớp gối, hình thành cục máu đông…
  • Tăng vận động xương bánh chè
  • Lấy lại cơ trương lực của gân, chẳng hạn như gân cơ tứ đầu đùi
  • Phục hồi khả năng chịu lực độc lập của chân bệnh
  • Tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ đầu gối
  • Người bệnh trở lại hoạt động sinh hoạt bình thường và năng động.

Hướng dẫn phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối

Trong quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối, 12 tuần đầu sau phẫu thuật là khoảng thời gian rất quan trọng. Việc luyện tập đúng thời điểm có thể giúp chữa lành vết thương và phục hồi chức năng hiệu quả nhất.

Phục hồi chức năng cần được thực hiện theo hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu. Ngoài ra bệnh nhân cần cam kết tuân thủ nguyên tắc luyện tập, thúc đẩy bản thân luyện tập nhiều lần mỗi ngày. Điều này giúp cải thiện cơ hội thành công lâu dài và chữa lành vết thương nhanh hơn.

Dưới đây là quá trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối trong 12 tuần.

Giai đoạn 1: Từ tuần 1 đến tuần 2 sau phẫu thuật

Ngày 1

Phục hồi chức năng nên được bắt đầu ngay khi người bệnh tỉnh dậy sau phẫu thuật thay đầu gối.

Mục đích:

  • Giảm đau, kiểm soát tình trạng sưng nề
  • Duy trì sức mạnh của cơ.

Phương pháp phục hồi:

Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối
Dùng máy chuyển động thụ động liên tục giúp duỗi – gấp thụ động, ngăn cứng khớp và tích tụ mô sẹo
  • Chườm lạnh khớp gối 15 – 20 phút/ lần, mỗi ngày ít nhất 3 lần.
  • Cử động cổ chân và chân.
    • Tập co cơ tĩnh. Trong bài tập này, bệnh nhân nằm với chân duỗi thẳng, thực hiện co cơ tĩnh chân bệnh. Tập 10 lần/ ngày, co 5 giây nghỉ 5 giây.
    • Cử động cổ chân.
    • Tập trượt gót chân.
  • Tập thay đổi vị trí trên giường.
  • Tập ngồi dậy.
  • Ngồi cạnh giường, di chuyển vài bước và chuyển mình đến chỗ ngủ bên giường.
  • Tập ra khỏi giường và di chuyển bằng thiết bị hỗ trợ.
  • Sử dụng máy tập CPM (máy chuyển động thụ động liên tục) để thực hiện duỗi – gấp thụ động từ 0º đến 100º. Mỗi ngày tập ít nhất 4 giờ. Thiết bị này giúp duy chuyển khớp nhẹ nhàng và từ từ. Việc luyện tập có thể ngăn ngừa cứng khớp và sự tích tụ của mô sẹo.
  • Vận động chủ động khớp gối từ 0 – 70º.

Lưu ý trong ngày đầu sau phẫu thuật:

  • Nghỉ ngơi nhiều
  • Cố gắng sử dụng đầu gối càng sớm càng tốt. Tuy nhiên tránh gắng sức, không di chuyển ra xa quá sớm.

Ngày 2

Người bệnh có thể tăng cường độ luyện tập vào ngày thứ hai sau phẫu thuật, bao gồm cả những bài tập vận động chủ động khớp gối và khớp háng.

Mục đích:

  • Giảm đau và giảm sưng nề
  • Duy trì sức mạnh của cơ
  • Cải thiện khả năng gập duỗi khớp gối.

Phương pháp phục hồi:

  • Chườm lạnh khớp gối 15 – 20 phút/ lần, mỗi ngày ít nhất 3 lần.
  • Tập co cơ tĩnh. Tập 10 lần/ ngày, co 5 giây nghỉ 5 giây.
  • Cử động cổ chân.
  • Tập trượt gót chân.
  • Tập thay đổi vị trí trên giường.
  • Tập ngồi dậy.
  • Tập ra khỏi giường và di chuyển bằng thiết bị hỗ trợ.
  • Sử dụng máy tập CPM để thực hiện duỗi – gấp thụ động từ 0º đến 100º. Mỗi ngày tập ít nhất 4 giờ.
  • Thực hiện bài tập độc lập trên giường 5 lần mỗi ngày.
  • Tập vận động khớp cổ chân.
  • Tập ngồi trên ghế 30 phút, mỗi ngày 2 lần.
  • Tập gập duỗi dạng khép háng chủ động hoặc luyện tập chủ động có trợ giúp.
  • Tập xuống giường và di chuyển, đến nhà vệ sinh hoặc đến buồng tắm với người trợ giúp.
  • Vận động chủ động khớp gối từ 10 – 80º.
Phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối
Vận động chủ động khớp gối từ 10 – 80º trong ngày thứ 2 sau phẫu thuật thay khớp gối

Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 sau phẫu thuật

Mục đích:

  • Tăng cường sức mạnh của các cơ
  • Duy trì những bài tập tại nhà
  • Di chuyển được với những dụng cụ trợ giúp như gậy, nạng, khung tập đi.

Phương pháp phục hồi:

  • Tập co cơ tĩnh.
  • Cử động cổ chân và tập trượt gót chân.
  • Tập thay đổi vị trí trên giường và tập ngồi dậy.
  • Tập ra khỏi giường và di chuyển bằng thiết bị hỗ trợ.
  • Sử dụng máy tập CPM để thực hiện duỗi – gấp thụ động từ 0º đến 100º. Mỗi ngày tập ít nhất 4 giờ.
  • Thực hiện bài tập độc lập trên giường 5 lần mỗi ngày.
  • Tập vận động khớp cổ chân.
  • Tập ngồi trên ghế 30 phút, mỗi ngày 2 lần.
  • Tập gập duỗi dạng khép háng chủ động.
  • Thực hiện những bài tập khớp gối:
    • Tập duỗi khớp gối hoàn toàn.
    • Tập gấp chủ động khớp gối thêm 10º ở ngày thứ 3. Vận động khớp gối đạt 100º ở ngày thứ 5.
  • Thực hiện những bài tập có sức cản giúp làm mạnh sức cơ cẳng chân và sức cơ đùi.
  • Tập đứng chịu lực:
    • Đứng chịu lực lên hai chân
    • Đứng chịu lực lên từng chân
    • Tập giữ thăng bằng khi đứng nếu người bệnh đã chịu được trọng lượng
    • Luyện tập tăng cường sức mạnh, dồn trọng lượng lên chân cần phẫu thuật.
  • Thực hiện những bài tập gấp duỗi dạng khép khớp háng ở tư thế đứng, thực hiện ở chân phẫu thuật.
  • Tập đi lại với khung tập đi và nạng.

Giai đoạn II: Từ 2 đến 5 tuần sau phẫu thuật

Trong giai đoạn II, bệnh nhân phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối cần duy trì những bài tập ở giai đoạn I. Đồng thời thực hiện thêm những bài tập kéo giãn và vận động khớp gối chủ động để tăng cường sức mạnh cho các cơ.

Tập gấp duỗi khớp gối để phục hồi chức năng sau phẫu thuật
Tập gấp duỗi khớp gối với bài tập chủ động có trợ giúp để tăng tầm vận động, giảm phù nề và đau khớp

Mục đích:

  • Giảm phù nề và giảm nhẹ cảm giác đau đớn
  • Tăng cường sức mạnh của các cơ hỗ trợ đầu gối
  • Tăng tầm vận động của khớp gối, khoảng 0 đến 115º
  • Phục hồi khả năng vận động, trở lại những hoạt động thường ngày
  • Bắt đầu thực hiện những bài tập phục hồi chức năng tại nhà
  • Phục hồi sức mạnh cho chân tổn thương.

Phương pháp điều trị:

  • Tiếp tục thực hiện những bài tập phục hồi chức năng trong giai đoạn I
  • Tập gấp duỗi khớp gối với những bài tập thụ động
  • Tập gấp duỗi khớp gối với những bài tập chủ động có trợ giúp
  • Mỗi tuần tập gấp gối thêm 5º. Tầm vận động khớp gối đạt 0 đến 115º khi đến tuần thứ 5
  • Thực hiện những bài tập kéo giãn khớp gối thụ động (theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu)
  • Tập vận động khớp gối chủ động có sức cản (tăng dần sức cản) giúp tăng cường sức mạnh cơ
  • Thực hiện những bài tập xuống tấn khi đến tuần thứ 3
  • Tập di chuyển có chướng ngại vật (có sử dụng nạng, chướng ngại vật ít nguy hiểm), tập di chuyển trên đệm
  • Tập đi bộ và đứng trong 10 phút
  • Luyện tập cách sử dụng hố xí bệch, cách di chuyển tại giường, đi giày dép, đi vào nhà tắm
  • Tập đạp xe đạp mỗi ngày 2 lần, mỗi lần 15 phút.

Về mặt kỹ thuật, đầu gối có sự cải thiện đáng kể, có thể uốn cong hơn 90 độ, duỗi thẳng đầu gối và tăng cường sức mạnh. Một số trường hợp còn đau và sưng có thể gây khó khăn nhưng thường không đáng kể. Đầu gối đủ khỏe để tập đi chủ động, không gánh trọng lượng lên nạng hoặc khung tập đi.

Giai đoạn III: Từ 6 đến 8 tuần sau phẫu thuật

Trong giai đoạn 3, người bệnh hầu như có thể phục hồi được sức mạnh và khả năng vận động. Vì thế bệnh nhân được hướng dẫn trở lại với những hoạt động thường ngày.

Mục đích:

  • Phục hồi hoàn toàn phạm vi chuyển động và khả năng vận động của khớp gối bị thương (có thể lên đến 120º)
  • Tăng cường sức mạnh ở đầu gối cùng những cơ xung quanh.
  • Trở lại hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Phương pháp phục hồi:

  • Tập đứng và đi lại đường dài, có hoặc không dùng nạng
  • Tập nâng gót chân và ngón chân: Trong khi đứng, bệnh nhân nhấc ngón chân lên, sau đó đến gót chân.
  • Co một chân đầu gối: Uốn cong đầu gối và di chuyển lên xuống trong khi đứng.
  • Bắt cóc ở hông: Thực hiện động tác nâng cao chân trong khi nằm nghiêng.
  • Tập giữ thăng bằng ở chân: Bệnh nhân tập đứng trên từng chân càng lâu càng tốt.
  • Step-up: Tập bước lên và bước xuống một bước, xen kẽ mỗi chân.
  • Bắt đầu trở lại những hoạt động thể chất ít tác động như đạp xe cố định, bơi lội
  • Tiếp tục thực hiện những bài tập phục hồi chức năng trong các giai đoạn trước để tăng độ bền và rèn luyện sức mạnh. Bệnh nhân cần cố gắng đạt được phạm vi chuyển động từ 0 – 115 độ.
Tập đứng và đi lại đường dài giúp phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối
Tập đứng và đi lại đường dài giúp phục hồi hoàn toàn phạm vi và khả năng vận động của khớp gối

Giai đoạn III là thời điểm quan trọng trong giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối. Cam kết phục hồi chức năng tích cực có thể giúp người bệnh trở lại lối sống bình thường và năng động. Đồng thời giúp đầu gối hoạt động tốt trong tương lai.

Từ tuần thứ 8 sau phẫu thuật, cảm giác đau và cứng khớp thuyên giảm đáng kể, người bệnh có thể đi bộ với đoạn đường dài hơn mà không cần chuyên viên hay thiết bị hỗ trợ. Ngoài ra người bệnh có thể thực hiện những hoạt động thể chất như bơi lội, đi xe đạp và đi bộ giải trí.

Giai đoạn IV: Từ 9 – 12 tuần sau phẫu thuật

Trong giai đoạn này, hãy tiếp tục thực hiện những bài tập do chuyên viên hướng dẫn. Người bệnh cần tránh thực hiện những hoạt động có tác động mạnh mẽ khiến đầu gối bị đau hoặc tổn thương. Chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ, chạy bộ, thể dục nhịp điệu, đạp xe cường độ cao, trượt tuyết…

Người bệnh cần trao đổi và thực hiện các bài kiểm tra với chuyên viên vật lý trị liệu trước khi bắt đầu bất kỳ hoạt động mới nào. Vào tuần thứ 12, người bệnh có thể không đau khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường và tập thể dục giải trí như bơi lội, đi xe đạp..

Lưu ý khi phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối

Trong các giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề dưới đây:

Hoạt động thể chất có cường độ nhẹ để phục hồi hiệu quả
Hoạt động thể chất có cường độ nhẹ để tránh đau và gây tổn thương cho đầu gối
  • Không lấy chân bệnh làm chân trụ. Đồng thời không đứng quá lâu và không gập gối quá mức trong vài tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Trong khi luyện tập, cần tránh ép gối quá nhiều.
  • Sử dụng những chiếc ghế ngồi có tay vịn, đủ cao để đầu gối gập ở góc 90 độ.
  • Loại bỏ những vật dụng có thể gây vấp ngã cho người bệnh trong quá trình tập đi.
  • Sử dụng thảm chống trượt cho nhà tắm, tránh ẩm ướt.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ nếu muốn bắt đầu bất kỳ hoạt động mới nào.
  • Tránh thực hiện những hoạt động thể chất có cường độ nặng, gây đau và làm tổn thương đầu gối hay các mô xung quanh.
  • Nên tham gia vào những môn thể thao, hoạt động có cường độ nhẹ như đạp xe, đi bộ, bơi lội, đánh golf, khiêu vũ…
  • Nếu đau khi tập vật lý trị liệu, người bệnh nên chườm lạnh 20 phút, mỗi ngày vài lần để giảm sưng và đau. Ngoài ra người bệnh có thể kiểm soát sưng bằng cách nâng cao chân.
  • Thường xuyên thay đổi tư thế khớp gối để duỗi gối hoàn toàn và luân phiên gấp gối tối đa.
  • Trong các giai đoạn phục hồi chức năng, người bệnh có thể được hướng dẫn một số loại thuốc điều trị bổ sung như thuốc kháng sinh, thuốc chống phù nề, thuốc giảm đau, thuốc chống huyết khối tĩnh mạch. Bệnh nhân sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
  • Theo dõi và tái khám định kỳ. Cụ thể khám lần đầu vào tuần thứ 3 sau phẫu thuật, sau đó cách 1 tháng tái khám 1 lần cho đến hết tháng thứ 6. Cuối cùng cách 1 năm tái khám 1 lần.
  • Bệnh nhân có thể bắt đầu quan hệ tình dục sau 3 tuần.
  • Người bệnh có thể trở lại công việc văn phòng nhẹ nhàng sau 4 – 6 tuần. Mất 3 tháng để trở lại những công việc cần sử dụng nhiều sức hoặc di chuyển nhiều.
  • Bệnh nhân có thể lái xe sau phẫu thuật thay khớp gối từ 6 – 8 tuần. Tuy nhiên người bệnh cần đảm bảo an toàn, không còn cảm giác đau khi co – duỗi khớp gối. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến của chuyên viên vật lý trị liệu.
  • Tránh ngồi khoanh chân (ngồi xếp bằng) trong 6 tuần đầu sau phẫu thuật.
  • Hạn chế xoay khớp gối.
  • Không nên quỳ trên đầu gối phẫu thuật.
  • Mang giày hỗ trợ di chuyển.
  • Sau phẫu thuật, không nên kê gối dưới khớp gối khi ngủ. Bởi điều này có thể khiến đầu gối bị uốn cong vĩnh viễn, mất duỗi.
  • Trong giai đoạn phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối, người bệnh cần đảm bảo cung cấp đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể từ nhiều loại thực phẩm lành mạnh. Đặc biệt nên bổ sung những thành phần dinh dưỡng hỗ trợ cho quá trình phục hồi vết thương và chống nhiễm trùng. Cụ thể như:
    • Các vitamin nhóm B, vitamin A và vitamin E giúp tạo mô mới, thúc đẩy quá trình chữa lành vết thương
    • Vitamin C giúp tăng đề kháng, chống lại tình trạng nhiễm trùng hay mưng mủ, giảm đau
    • Vitamin D và canxi giúp xương khớp chắc khỏe, giảm đau nhức khớp xương
    • Omega-3 tăng khả năng kháng viêm, thúc đẩy chữa lành tổn thương.

Trên đây là quy trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật thay khớp gối và những điều cần lưu ý trong giai đoạn hồi phục. Phục hồi chức năng sớm và tích cực giúp người bệnh trở lại lối sống bình thường, đầu gối hoạt động tốt trong tương lai.

Trường hợp không tập trị liệu có thể gây cứng khớp và tăng nguy cơ mất khả năng vận động. Chính vì thế người bệnh nên tập cử động trong ngày đầu sau phẫu thuật. Sau đó áp dụng nguyên tắc luyện tập theo hướng dẫn của chuyên viên vật lý trị liệu.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Sụn Khớp Có Tái Tạo Được Không
Sụn khớp có tái tạo được không là thắc mắc chung của nhiều người, đặc biệt là người lớn tuổi, bệnh nhân bị thoái hóa khớp hoặc chấn thương cần phục hồi sụn. Một số thông tin trong bài viết ...
Xem chi tiết
Đi Bộ Có Tăng Chiều Cao Không
Đi bộ có tăng chiều cao không? Nên đi bộ như thế nào? Luyện tập trong bao lâu là vấn đề được nhiều bạn trẻ quan tâm. Kết quả nghiên cứu cho thấy, đi bộ cũng như bất kỳ hình ...
Xem chi tiết
Gác Chân Lên Tường Hay Bị Tê Chân Có Sao Không
Gác chân lên tường là tư thế yoga có thể cải thiện lưu thông máu, giúp giảm căng thẳng và cải thiện chất lượng giấc ngủ. Tuy nhiên, đôi khi tư thế này có thể gây tê, mỏi hoặc đau ...
Xem chi tiết
Bị Gai Cột Sống Có Nên Uống Canxi Không
Bị gai cột sống có nên uống canxi không? Bổ sung canxi có khiến các triệu chứng gai cột sống trở nên nghiêm trọng hơn không? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin chi tiết và hướng ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Gối Có Đi Được Không
Trật khớp gối có đi được không tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và hoàn cảnh cụ thể của chấn thương. Do đó, nếu trật khớp gối hoặc sau khi chấn thương, người bệnh nên đến bệnh viện ngay ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua