Phục Hồi Chức Năng Sau Mổ Đứt Dây Chằng Chéo Trước
Phục hồi chức năng sau mổ đứt dây chằng chéo trước là điều cần thiết và rất quan trọng để đảm bảo hiệu quả điều trị cũng như giúp người bệnh quay lại các hoạt động bình thường. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát các triệu chứng và tập luyện phục hồi chức năng phù hợp.
Phục hồi chức năng sau mổ đứt dây chằng chéo trước gồm những gì?
Đứt dây chằng chéo trước thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng. Trong phẫu thuật này, dây chằng bị rách sẽ được thay thế bằng cách ghép gân để phục hồi chức năng đầu gối. Một ca phẫu thuật thường diễn ra nhanh chóng và người bệnh có thể về nhà ngay sau thủ thuật. Tuy nhiên quá trình phục hồi chức năng và khả năng vận động có thể mất nhiều tháng, thậm chí là nhiều năm. Điều quan trọng là có sự theo dõi sát sao cũng như kiên nhẫn trong quá trình phục hồi chức năng sau mổ đứt dây chằng chéo trước.
Sau khi mổ đứt dây chằng chéo trước, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
1. Theo dõi phẫu thuật
Sau khi mổ đứt dây chằng, người bệnh thường được yêu cầu tái khám trong các thời điểm sau:
- Một tuần
- Hai tuần
- Sau tuần
- Ba tháng
- Sáu đến tám tháng
Trong những lần tái khám, bác sĩ phẫu thuật sẽ đánh giá khả năng phục hồi chức năng, phạm vi chuyển động, sức mạnh và chức năng của đầu gối. Bác sĩ cũng sẽ theo dõi các biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng, đau đớn hoặc cứng khớp gối dai dẳng.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng được yêu cầu tập vật lý trị liệu ngay sau khi phẫu thuật. Nhà vật lý trị liệu sẽ xác định các chương trình tập luyện thích hợp dựa trên tuổi tác, tình trạng sức khỏe và mức độ thể chất của người bệnh.
Việc phục hồi chức năng có thể mất từ 4 đến 6 tháng. Các mục tiêu chính khi phục hồi chức năng sau mổ đứt dây chằng chéo trước bao gồm:
- Lấy lại khả năng vận động và cử động đầu gối
- Phục hồi cơ tứ đầu và cơ gân kheo
- Giảm và loại bỏ dứt điểm tình trạng sưng, đau đầu gối
- Lấy lại cảm giác thăng bằng và kiểm soát chân hoàn toàn
2. Quá trình phục hồi chức năng
Quá trình phục hồi chức năng sau khi mổ đứt dây chằng chéo trước được bắt đầu ngay trong phong hồi sức. Tại đây, y tá sẽ theo dõi các dấu hiệu quan trọng và giúp kiểm soát các triệu chứng hậu phẫu thường gặp như đau đớn, buồn nôn.
- Khi các triệu chứng đã ổn định, người bệnh có thể về nhà (thường là 2 – 3 giờ sau khi phẫu thuật).
- Trong hai tuần đầu tiên sau khi phẫu thuật, bác sĩ có thể đề nghị một số điều sau:
- Chườm lạnh thường xuyên để giảm sưng và đau đớn.
- Sử dụng nạng để hạn chế tác động của cơ thể lên chân đã phẫu thuật.
- Mang nẹp sau phẫu thuật theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hầu hết bệnh nhân có thể bắt đầu làm việc trở lại sau vài ngày đến vài tuần, tùy theo tính chất công việc. Tuy nhiên các hoạt động thể chất cần mất nhiều thời gian hơn, thường là từ bốn đến sáu tháng.
3. Phục hồi thể chất
Cơ thể cần nhiều thời gian để phục hồi đúng cách và tốt sau phẫu thuật dây chằng chéo trước. Trong thời gian này, người bệnh cần hỗ trợ quá trình và tốc độ phục hồi của cơ thể với một số lưu ý như:
- Sử dụng thuốc theo quy định: Người bệnh sẽ được kê các loại thuốc giảm đau, thường được kết hợp với thuốc gây tê cục bộ, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc giảm đau gây nghiện. Trao đổi với bác sĩ về liều lượng, cách dùng và thời gian ngừng thuốc để cơ thể phục hồi tốt nhất.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng sau phẫu thuật có thể ngăn ngừa các biến chứng, cải thiện quá trình lành vết thương và tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Tăng cường chất lượng giấc ngủ: Cơ thể sẽ bắt đầu quá trình tự chữa lành các mô trong khi ngủ. Do đó, người bệnh cần ngủ ít nhất 8 tiếng mỗi đêm và ngủ ngon để đảm bảo quá trình phục hồi. Nếu bị mất ngủ, khó ngủ, người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các kỹ thuật thư giãn và tăng cường giấc ngủ.
4. Phục hồi tâm lý
Lo lắng và căng thẳng nhẹ sau khi phẫu thuật dây chằng là điều bình thường. Điều này cũng có thể gây khó khăn đối với những người có lối sống năng động, thường xuyên chơi thể thao, đặc biệt là vận động viên.
Bên cạnh đó, có một số bệnh nhân trải qua các triệu chứng suy nhược tâm lý nghiêm trọng sau phẫu thuật. Người bệnh phản ứng quá mức với cơn đau đầu gối hoặc sợ hãi chấn thương đến mức không thể quay lại các hoạt động bình thường khi cơ thể đã sẵn sàng. Các bệnh nhân là vận động viên trẻ tuổi, có thể gặp các triệu chứng rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD), chẳng hạn như khó ngủ và kém tập trung sau phẫu thuật dây chằng chéo trước.
Để cải thiện cũng như ngăn ngừa các yếu tố tâm lý, người bệnh có thể lưu ý các vấn đề này:
- Trao đổi với chuyên gia: Người bệnh nên trao đổi với chuyên gia để giải quyết các vấn đề tâm lý. Chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ có thể đề nghị các liệu pháp trị liệu kết hợp với kỹ thuật nhận thức hành vi để người bệnh cảm thấy tốt hơn.
- Áp dụng các kỹ thuật thư giãn: Nghiên cứu cho thấy, sự lạc quan và sử dụng các kỹ thuật thư giãn phù hợp có thể chữa lành các tổn thương sau phẫu thuật. Người bệnh có thể cân nhắc việc đọc sách, nghe nhạc, nghe podcast hoặc xem phim và các sở thích khác để giữ bình tĩnh trong quá trình phục hồi chức năng.
- Nhờ sự giúp đỡ: Sau phẫu thuật, người bệnh cần ít di chuyển hơn và cần được hỗ trợ trong các sinh hoạt cá nhân. Do đó đừng ngần ngại nhờ bạn bè và gia đình giúp đỡ trong khoảng thời gian ngắn để giảm căng thẳng cho cơ thể.
5. Phòng ngừa biến chứng
Vết mổ dây chằng chéo trước sẽ được che bằng hai hoặc ba miếng băng để tránh bụi, vi khuẩn. Điều quan trọng là giữ cho vết mổ sạch sẽ và khô ráo.
Thông thường người bệnh có thể tắm ngay sau khi phẫu thuật, tuy nhiên người bệnh vẫn nên bọc vết thương với màng bọc thực phẩm hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác, để đảm bảo vết thương không bị ướt.
Ngoài ra, hãy liên hệ với bác sĩ ngay khi có các triệu chứng bất thường, chẳng hạn như:
- Sốt
- Đỏ, sưng đầu gối hoặc nóng xung quanh vết mổ
- Đau đầu gối hoặc kích ứng da tại vị trí phẫu thuật
- Tiết dịch bất thường từ vị trị phẫu thuật
Điều quan trọng trong quá trình phục hồi chức năng sau mổ đứt dây chằng chéo trước là có chương trình phục hợp. Quá trình phục hồi tùy thuộc vào từng bệnh nhân, tùy thuộc vào các yếu tố cơ bản và mức độ phức tạp của chấn thương. Do đó, hãy trao đổi với bác sĩ phẫu thuật để được hướng dẫn phù hợp.
Lịch trình phục hồi phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước
Nhà vật lý trị liệu sẽ theo dõi tiến triển của người bệnh qua các giai đoạn phục hồi chức năng khác nhau và lập kế hoạch tập luyện phù hợp. Mục tiêu quan trọng nhất là phục hồi chức năng lâu dài và quay trở lại các hoạt động thể thao bình thường trước chấn thương.
Lịch trình phục hồi chức năng như sau:
1. Vài ngày sau khi phẫu thuật
Trong những ngày đầu sau khi phẫu thuật đứt dây chằng chéo trước, mục đích phục hồi bao gồm giảm sưng và đau đớn. Các phương pháp phổ biến bao gồm:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Điều quan trọng trong những ngày đầu sau phẫu thuật là dành thời gian nghỉ ngơi phù hợp. Khi nghỉ ngơi, đảm bảo đầu gối luôn thẳng và tránh để mặt trọng đầu gối kê lên bất cứ vật gì, kể cả đệm và gối.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh thường xuyên có thể giảm sưng và đau.
- Băng ép: Nếu đầu gối bị sưng, có thể băng thun trong ngày để cải thiện tình trạng.
- Nâng cao chân: Giữ chân cao hơn tim có thể giúp giảm sưng và đau.
- Nẹp đầu gối: Bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng các loại nẹp đầu gối để hỗ trợ quá trình hồi phục sau khi mổ dây chằng chéo trước. Tuy nhiên, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về lợi ích cũng như rủi ro của phương pháp để có kế hoạch hồi phục phù hợp.
- Kiểm soát cơn đau: Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.
Trong vài ngày đầu người bệnh cần hạn chế đi lại và sử dụng nạng để được hỗ trợ. Khi đã cảm thấy sẵn sàng, người bệnh có thể chuyển sang sử dụng một chiếc nạng (ở cánh tay đối diện với chân đã phẫu thuật) và cuối cùng bỏ nạng hoàn toàn.
2. Phục hồi chức năng tuần 1 – 2
Trong 1 – 2 tuần đầu của quá trình phục hồi là tập trung vào việc lấy lại toàn bộ tầm vận động của đầu gối, đặc biệt là khả năng duỗi thẳng (tức là có thể duỗi thẳng đầu gối hoàn toàn) hoặc uốn cong đầu gối một cách dễ dàng hơn.
Người bệnh sẽ thực hiện một chương trình phục hồi chức năng thể chất hàng ngày. Nhà vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn người bệnh về dáng đi, tăng cường sức mạnh nhẹ nhàng và tập aerobic. Người bệnh cũng có thể được đề nghị sử dụng xe đạp phục hồi chức năng sau phẫu thuật, tuy nhiên điều này cần nhận được sự đồng ý của bác sĩ.
Sau giai đoạn này, người bệnh có thể:
- Sử dụng nạng và di chuyển một cách bình thường
- Lấy lại gần như đầy đủ các chuyển động ở đầu gối
3. Phục hồi chức năng tuần 2 – 8
Trong các tuần 2 – 8, người bệnh cần tập luyện tăng cường sức mạnh và sự ổn định. Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu sẽ đề nghị một loạt các bài tập để tăng cường sức mạnh cơ mông, gân kheo và đầu gối. Với các bài tập này, người bệnh có thể nhận thức đầy đủ về phản ứng của đầu gối.
Các bài tập trong giai đoạn này được chỉ định và hướng dẫn bởi người có chuyên môn. Người bệnh tránh việc tự thực hiện các bài tập để ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Đến cuối giai đoạn này, người bệnh có thể:
- Phục hồi đầy đủ chuyển động
- Tình trạng sưng được cải thiện
- Có thể giữ thăng bằng trên chân bị ảnh hưởng trong ít nhất 20 giây
- Đi bộ mà không dồn trọng lượng sang chân bị thương (sử dụng một nạng chống)
Người bệnh có thể quay trở lại làm việc trong giai đoạn này, nhưng điều này phụ thuộc vào mức độ chấn thương, khả năng phục hồi và chỉ định của bác sĩ. Tránh việc thực hiện hoạt động thể chất hoặc lao động thể lực, điều này có thể khiến chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn.
4. Phục hồi trong tuần 8 – 12
Trong giai đoạn này, đầu gối rất dễ tái chấn thương trở lại, do đó quá trình phục hồi cần thận trọng và kiên nhẫn. Trong tuần 8 – 12, người bệnh cần có kế hoạch tập luyện phù hợp cũng như chăm sóc đầu gối để tránh các chấn thương. Người bệnh sẽ được yêu cầu thực hiện các bài tập tăng cường sức mạnh, giữ thăng bằng và phục hồi chức năng đầu gối.
Các bài tập bao gồm:
- Bơi lội: Trong thời gian này, người bệnh thường có thể quay trở lại bơi lội, tuy nhiên nên bắt đầu với các động tác thả trôi, giữ nổi và hoạt động nhẹ nhàng. Các tư thế bơi khác, như bơi ếch, không nên được thực hiện cho đến tháng thứ 4 sau khi phẫu thuật.
- Đạp xe phục hồi chức năng: Người bệnh bắt đầu đạp xe đạp tĩnh, cường độ tăng dần để cải thiện sức mạnh.
- Chạy: Bắt đầu chạy bộ ngắn với tốc độ 40% tốc độ bình thường. Chạy trên bề mặt bằng phẳng và êm ái, chẳng hạn như sân cỏ hoặc sân vận động.
Trước khi bắt đầu các hoạt động thể chất, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn phù hợp. Việc tập luyện không đúng cách có thể dẫn đến tái chấn thương và khiến các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.
5. Phục hồi trong tháng 3 – 6
Trong giai đoạn này, người bệnh bắt đầu chuẩn bị trở lại các hoạt động bình thường, bao gồm các môn thể thao. Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ đề nghị các bài tập phục hồi chức năng cụ thể phù hợp với mục tiêu và môn thể thao của người bệnh. Chương trình này thường bao gồm các bài tập giữ thăng bằng ở mức độ cao và các bài tập lấy lại sự ổn định ở đầu gối.
Các hạn chế trong thời gian này bao gồm quỳ gối, vặn hoặc xoay khớp.
6. Phục hồi giai đoạn 6 – 9 tháng
Trong giai đoạn này người bệnh có thể quay trở lại các môn thể thao không tiếp xúc để phục hồi chức năng dây chằng chéo trước, chẳng hạn như:
- Chảy trên đường thẳng với tốc độ tối đa
- Chạy sang ngang, chạy lùi theo hình số 8
- Nhảy cao và nhảy theo nhiều hướng khác nhau
7. Phục hồi sau 9 tháng
Giai đoạn cuối cùng trong chương trình phục hồi chức năng sau phẫu thuật dây chằng chéo trước là quay trở lại các môn thể thao tiếp xúc như bóng đá hoặc bóng chuyền. Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu sẽ đề nghị thời gian và cường độ thích hợp để đảm bảo người bệnh đã sẵn sàng.
Khi chơi thể thao người bệnh có thể sử dụng nẹp đầu gối hoặc các dụng cụ bảo vệ khác để tránh các chấn thương.
Phục hồi chức năng sau mổ đứt dây chằng chéo trước là một quy trình lâu dài đòi hỏi sự kiên nhẫn và chăm chỉ. Những nỗ lực ban đầu bao gồm giảm sưng, đau và cải thiện khả năng vận động sau phẫu thuật. Theo thời gian, quá trình phục hồi bao gồm tăng cường sức mạnh, sự cân bằng và giúp người bệnh quay lại các hoạt động thể thao bình thường.
Tiến độ phục hồi phụ thuộc vào mức độ chấn thương, chương trình tập luyện và thể chất cơ bản của người bệnh. Trao đổi với nhà vật lý trị liệu để có chương trình phục hồi chức năng tốt và phù hợp nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!