Phân Biệt Viêm Khớp Dạng Thấp Và Gout – Điều Cần Biết
Viêm khớp dạng thấp và bệnh gout có rất nhiều điểm chung và dễ bị chẩn đoán nhầm lẫn. Do đó, người bệnh nên tìm hiểu cách phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout là điều cần thiết để có kế hoạch điều trị phù hợp
Thông tin cần biết về viêm khớp dạng thấp và bệnh gout
Viêm khớp dạng thấp và bệnh gout là hai loại viêm khớp khác nhau. Các tình trạng này có thể có một triệu chứng chung nhưng nguyên nhân gây bệnh và kế hoạch điều trị khác nhau. Do đó, người bệnh cần phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout để có kế hoạch điều trị phù hợp.
1. Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh lý tự miễn dịch khiến các khớp bị viêm, cứng, đau và sưng. Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong các mô hoạt dịch hoặc lớp lót của khớp.
Các đặc trưng phổ biến bao gồm phản ứng viêm, đau đớn và sưng tấy. Tình trạng này thường xuất hiện ở bàn tay, cổ tay, mắt cá chân và đầu gối ở cả hai bên cơ thể.
Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn và gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến toàn thân. Điều này có nghĩa là bệnh có thể gây ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm da, phổi, mắt, tim và hệ tuần hoàn. Bên cạnh đó, người bệnh viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bệnh tim và đột quỵ cao hơn những người khác.
2. Bệnh Gout
Bệnh gout là một loại viêm khớp gây đau dữ dội, thường gây ảnh hưởng đến khớp ngón chân cái. Tuy nhiên gout cũng có thể gây ảnh hưởng đến các phần trên của bàn chân và mắt cá chân. Đôi khi gout cũng tấn công các khớp khác trong cơ thể, chẳng hạn như các mô hoạt dịch, đặc biệt là ở bàn tay và khuỷu tay.
Các triệu chứng gout xảy ra khi nồng độ axit uric trong cơ thể tăng cao. Axit uric có trong một số loại thức ăn và đồ uống. Ngoài ra, sử dụng một số loại thuốc thường xuyên cũng có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể.
Nếu không được điều trị, bệnh gout có thể gây viêm khớp dẫn đến đau đớn dữ dội và sưng tấy khớp vĩnh viễn. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch điều trị phù hợp theo hướng dẫn của bác sĩ để làm giảm nồng độ axit uric và cải thiện các triệu chứng gout.
Cách phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout
Cả viêm khớp dạng thấp và gout đều gây đỏ, sưng và đau các khớp. Các bệnh lý này đều có thể dẫn đến khuyết tật nghiêm trọng và làm gián đoạn chất lượng cuộc sống của người bệnh. Về cơ bản, các dấu hiệu ban đầu và các khớp liên quan có thể giúp người bệnh phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout. Cách tốt nhất để xác định tình trạng bệnh là đến bệnh viện và trao đổi với bác sĩ chuyên môn.
Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, có thể phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout thông qua các đặc điểm như:
1. Đặc điểm
Viêm khớp dạng thấp:
- Đau có thể nhẹ, trung bình hoặc nặng và có thể kết hợp với tình trạng cứng khớp
- Có thể gây ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào, nhưng thường ảnh hưởng đến các khớp nhỏ bàn tay, cổ tay và bàn chân
- Tổn thương thường đối xứng ở hai bên của cơ thể
- Các khớp có thể bị đau, đỏ và sưng
Bệnh Gout:
- Các triệu chứng bệnh gout thường xảy ra ở bàn chân, phổ biến nhất là ở ngón chân cái
- Gây đỏ, sưng và đau đớn dữ dội
2. Nguyên nhân gây bệnh
Viêm khớp dạng thấp:
- Viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công các mô lót của khớp.
- Hiện tại các bác sĩ không biết nguyên nhân chính xác dẫn đến tình trạng này. Tuy nhiên viêm khớp dạng thấp được cho là có liên quan đến gen di truyền và các yếu tố kích hoạt từ môi trường, chẳng hạn như nhiễm virus.
Bệnh gout:
- Bệnh gout ảnh hưởng đến những người có quá nhiều axit uric trong máu. Cơ thể tạo ra loại axit này khi phân hủy một số loại thực phẩm, bảo gồm cả thịt. Axit này thường được đào thải thông qua thận và bài tiết qua nước tiểu.
- Khi cơ thể có quá nhiều axit uric trong cơ thể, axit uric có thể hình thành các tinh thể. Các tinh thể này có thể tích tụ bên trong các khớp và mô, dẫn đến viêm và đau.
- Một số loại thực phẩm, đồ uống có chứa purin và có thể dẫn đến bệnh gout. Thực phẩm giàu purin thường là các loại thịt (đặc biệt là thịt nội tạng), hầu hết các loại động vật có vỏ và thậm chí là một số loại rau. Bánh mì và ngũ cốc nguyên hạt cũng có chứa một lượng purin nhất định.
3. Triệu chứng nhận biết
Một trọng những lý do khiến viêm khớp dạng thấp bị nhầm lẫn với bệnh gout là tình trạng này đều dẫn đến các nốt thấp khớp. Các nốt sần này phát triển xung quanh các khớp hoặc tại các điểm chịu áp lực, chẳng hạn như khuỷu tay và gót chân.
Ngoài ra, cả hai bệnh lý này đều có thể gây đau và cứng nhiều khớp. Tuy nhiên, người bệnh có thể phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout thông qua các dấu hiệu khác nhau như:
Viêm khớp dạng thấp:
- Gây ảnh hưởng đến các khớp nhỏ hơn, chẳng hạn như lòng bàn tay và lòng bàn chân.
- Cảm thấy mềm, sưng và ấm khi chạm vào.
- Sau một thời gian, các tổn thương có thể ảnh hưởng đến các khớp khác, lớn hơn, chẳng hạn như cổ tay, khuỷu tay, vai, mắt cá chân, đầu gối và hông.
- Mặc dù không phổ biến, nhưng người bệnh cũng có thể bị mệt mỏi, chán ăn hoặc sốt.
Hầu hết các triệu chứng viêm khớp dạng thấp dẫn đến các triệu chứng ở hai bên cơ thể. Điều này có nghĩa là cơn đau có thể xuất hiện ở cả hai tay hoặc cả hai chân. Ngoài ra, viêm khớp dạng thấp có thể khiến người bệnh cảm thấy cứng khớp khi thức dậy vào buổi sáng và được cải thiện khi thực hiện các hoạt động trong ngày.
Trong các trường hợp nghiêm trọng, viêm khớp dạng thấp có thể dẫn đến các tiến triển lâu dài, kể cả khi sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Các ảnh hưởng lâu dài bao gồm:
- Mất mật độ xương
- Tổn thương các khớp
- Thay đổi khả năng vận động ở tay và chân
- Bệnh tim
- Hình thành sẹo và viêm ở mắt
Bệnh gout:
Không giống như viêm khớp dạng thấp, bệnh gout thường bắt đầu với một cơn đau đột ngột, có thể nghiêm trọng và khiến người bệnh có cảm giác như các khớp bị đốt cháy. Ngoài ra, bệnh gout thường được kích hoạt sau khi uống nhiều rượu, điều này làm tăng số lượng axit uric trong cơ thể.
Các dấu hiệu phổ biến bao gồm:
- Đau đớn dữ dội. Cơn đau có thể kéo dài trong 4 – 12 giờ sau khi bắt đầu.
- Có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào trong cơ thể, nhưng thường phổ biến ở khớp lớn của ngón chân cái. Các khớp khác có thể bị ảnh hưởng bao gồm mắt cá chân, đầu gối, khuỷu tay, cổ tay và các ngón tay.
- Khó chịu kéo dài sau cơn đau được cải thiện. Một số người bệnh có thể cảm thấy khó chịu ở khớp kéo dài trong vài ngày đến vài tuần.
- Viêm, sưng và tấy đỏ. Khớp bị ảnh hưởng có thể trở nên sưng to, mềm, nóng và đỏ.
- Phạm vi chuyển động bị hạn chế.
Bệnh gout thường chỉ ảnh hưởng đến một khớp nhất định trong cơ thể. Ngoài ra, bệnh gout thường không dẫn đến các phản ứng tự miễn như ở viêm khớp dạng thấp, chẳng hạn như sốt hoặc sương mù não (brain fog).
4. Biện pháp điều trị
Cả bệnh gout và viêm khớp dạng thấp đều không thể chữa khỏi. Tuy nhiên, cả hai bệnh lý này có thể được kiểm soát bằng một số phương pháp tương tự nhau, chẳng hạn như:
- Phương pháp điều trị đau: Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen có thể được chỉ định để cải thiện tình trạng này. Trong các trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng thuốc giảm đau theo toa. Ngoài ra, một loại thuốc được gọi là colchicine được sử dụng để làm dịu cơn gout.
- Phương pháp điều trị viêm: Corticosteroid chẳng hạn như prednisone có thể giúp giảm viêm và giảm đau do viêm khớp dạng thấp hoặc gout gây ra.
Bên cạnh phương pháp giảm đau và viêm, viêm khớp dạng thấp và gout yêu cầu các phương pháp điều trị riêng biệt phù hợp với từng điều kiện. Cụ thể, phân biệt viêm khớp dạng thấp và gout thông qua phương pháp điều trị như sau:
Viêm khớp dạng thấp:
- Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm khớp dạng thấp được điều trị bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (DMARD) hoặc thuốc sinh học mạnh.
- Thuốc sinh học là các hợp chất được biến đổi gen được xây dựng để tấn công các tế bào liên quan đến hệ thống miễn dịch. Thuốc có tác dụng làm chậm hoặc ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, làm giảm viêm và đau.
Bệnh gout:
Ngoài thuốc giảm đau và viêm, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh gout thay đổi chế độ ăn uống. Cụ thể, người bệnh gout có thể được yêu cầu:
- Hạn chế rượu
- Ăn ít thịt
- Hạn chế tiêu thụ thịt nội tạng và hải sản
- Uống nhiều nước
- Duy trì cân nặng hợp lý
Có thể cùng mắc viêm khớp và bệnh gout không?
Viêm khớp dạng thấp và gout là hai điều kiện sức khỏe xương khớp hoàn toàn khác nhau, mặc dù các triệu chứng có thể tương tự nhau. Các bác sĩ tin rằng, người bệnh không thể cùng mắc cả hai tình trạng này cùng một múc, bởi vì các phương pháp điều trị viêm khớp dạng thấp (chẳng hạn như sử dụng aspirin) có thể loại bỏ axit uric và ngăn ngừa bệnh gout.
Nếu bị đau khớp hoặc xuất hiện các dấu hiệu bệnh gout hoặc viêm khớp dạng thấp, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Phòng ngừa viêm khớp dạng thấp và bệnh gout
Mặc dù không thể phòng ngừa tất cả các nguyên nhân gây bệnh gout và viêm khớp dạng thấp, tuy nhiên người bệnh có thể hạn chế nguy cơ mắc bệnh bằng một số lưu ý như:
- Vận động phù hợp: Hoạt động thể chất và tập thể dục thường xuyên có thể giảm cứng khớp, đau khớp và hạn chế các ảnh hưởng của viêm khớp đến cơ thể.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Trọng lượng dư thừa có thể gây áp lực lên các khớp và khiến tình trạng viêm khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
- Thực hiện các bài tập có động tác thấp: Thường xuyên đi bộ, bơi lội, đi xe đạp được cho là có thể tăng cường tính linh hoạt ở khớp và giảm đau.
- Tăng cường cơ bắp: Các cơ hỗ trợ khớp, do đó giữ các cơ khỏe mạnh có thể hỗ trợ cải thiện các cơn đau khớp. Ngoài ra, tăng cường sức mạnh cơ bắp cũng có thể tăng cường sự ổn định và tăng tính linh hoạt ở khớp.
- Thực hiện chế độ ăn uống chống viêm: Người bệnh viêm khớp dạng thấp và bệnh gout nên thường xuyên bổ sung các loại thực phẩm chống viêm, chẳng hạn như các loại cá béo, trái cây, rau xanh, các loại đậu và các loại trà thảo mộc. Ngoài ra, người bệnh gout nên hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, thịt nội tạng và hải sản để tránh các rủi ro liên quan.
- Không hút thuốc lá: Khói thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ loãng xương ở người viêm khớp dạng thấp và khiến các triệu chứng gout trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, ngừng hút thuốc cũng có thể cải thiện sức khỏe xương khớp tổng thể.
Về cơ bản, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout đều là các bệnh viêm khớp, dẫn đến đau đớn và hạn chế cử động. Tuy nhiên, nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị của hai bệnh lý này là khác nhau.
Bệnh gout thường liên quan đến lối sống, chẳng hạn như chế độ ăn uống, trong khi đó viêm khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh trong cơ thể. Ngoài ra, gout thường ảnh hưởng đến ngón chân cái, trong khi viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến bàn tay, cổ tay và mắt cá chân.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!