Loãng xương và thoái hóa khớp: Phân biệt để tránh nhầm lẫn

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Cần phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp để có những phương pháp điều trị thích hợp, giúp giảm nhanh tình trạng. Hai bệnh lý này có một số điểm tương đồng về triệu chứng và nguyên nhiên. Tuy nhiên thoái hóa khớp và bệnh loãng xương là những bệnh riêng biệt, cần điều trị với các phương pháp khác nhau.

Phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp
Thông tin cơ bản giúp phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp, các phương pháp điều trị hiệu quả

Thế nào là bệnh loãng xương và thoái hóa khớp?

Loãng xươngthoái hóa khớp dễ bị nhầm lẫn với nhau do có nhiều điểm tương đồng về nguyên nhân và triệu chứng. Tuy nhiên đây là hai bệnh lý riêng biệt. Việc chẩn đoán xác định là đều cần thiết để có phương pháp điều trị thích hợp.

  • Loãng xương

Bệnh lý này là một dạng rối loạn chuyển hóa của xương. Bệnh thể hiện cho tình trạng mất/ suy giảm mật độ xương (giảm chất lượng xương). Từ đó dẫn đến xương yếu, đau đớn và làm tăng nguy cơ gãy xương bệnh lý.

Bệnh loãng xương chủ yếu xảy ra ở người lớn tuổi. Bệnh có thể ảnh hưởng đến bất kỳ xương nào trên cơ thể. Tuy nhiên cột sốngxương chậu là những xương bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Loãng xương
Loãng xương là tình trạng mất/ suy giảm mật độ xương dẫn đến xương yếu và gãy xương bệnh lý
  • Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp còn được gọi là viêm xương khớp. Bệnh thể hiện cho tình trạng hao mòn sụn và xương dưới sụn của một hoặc nhiều khớp. Điều này khiến khớp hỏng kèm theo sưng và đau đớn.

Tương tự như bệnh loãng xương, thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi. Nguy cơ mắc bệnh cao hơn ở những người có chấn thương trước đó, lạm dụng khớp hoặc lặp đi lặp lại một vài chuyển động trong thời gian dài.

Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp xảy ra khi sụn và xương dưới sụn bị hao mòn kèm theo sưng và đau đớn ở khớp

Bệnh thoái hóa khớp có thể ảnh hưởng đến bất kỳ khớp nào của cơ thể. Tuy nhiên cột sống, khớp vai, khớp gối và khớp háng là những khớp dễ bị ảnh hưởng nhất.

Phân biệt loãng xương và thoái hóa khớp

Một số thông tin được liệt kê dưới đây có thể giúp dễ dàng phân biệt bệnh loãng xương và thoái hóa khớp:

Bệnh lý Loãng xương Thoái hóa khớp
Bộ phận bị ảnh hưởng Xương Khớp gồm sụn và xương dưới sụn (đầu xương)
Đặc trưng Giảm mật độ (chất lượng) xương, tăng nguy cơ gãy xương Hỏng khớp
Triệu chứng
  • Đau đớn ở các đầu xương. Đau nhiều hơn ở những đầu xương chịu nhiều áp lực từ trọng lượng của cơ thể.
  • Đau lưng cấp, đột ngột khởi phát và đột ngột giảm.
  • Xương yếu, dễ gãy khi có va chạm nhẹ
  • Dáng đi khom và đốt sống gãy xẹp do giảm mật độ xương
  • Gù lưng
  • Chèn ép dây thần kinh do xẹp lún đốt sống. Thường gây đau thần kinh tọa với cơn đau từ thắt lưng lan xuống chân. Một số trường hợp khác bị đau thần kinh liên sườn.
  • Không có dấu hiệu viêm (sưng, đỏ…)
  • Đau khớp
  • Cứng khớp, khó co duỗi và cử động
  • Cảm thấy khớp mềm khi sờ
  • Giảm khả năng vận động và mất tính linh hoạt
  • Co duỗi khớp nghe thấy tiếng kêu răng rắc hoặc lục cục
  • Gai xương phát triển làm tăng mức độ đau đớn ở khớp bị ảnh hưởng
  • Sưng khớp
  • Biến dạng khớp
  • Tràn dịch khớp (chẳng hạn như tràn dịch khớp gối)
  • Sờ thấy nóng ran.
Nguyên nhân
  • Nguyên nhân không thể thay đổi: Tuổi cao, phụ nữ, người có tầm vóc thấp bé, di truyền… có nguy cơ loãng xương cao hơn.
  • Thiếu canxi: Thiếu hụt từ chế độ ăn uống hoặc một số bệnh lý làm giảm hấp thu khoáng chất này.
  • Thuốc: Dùng lâu dài một số loại thuốc như steroid (corticosteroid viên uống hoặc thuốc tiêm).
  • Bệnh lý: Bệnh viêm ruột, bệnh gan/ thận, Lupus ban đỏ, bệnh đa u tủy, viêm khớp dạng thấp… có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương.
  • Lối sống kém lành mạnh: Hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động.
  • Nguyên nhân không thể thay đổi: Tuổi cao, di truyền, phụ nữ… làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp.
  • Thừa cân:Trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực lên khớp và gây hỏng khớp.
  • Chấn thương: Chấn thương trong thể thao hoặc lao động.
  • Căng thẳng lặp đi lặp lại: Lạm dụng khớp, vận động mạnh hoặc lặp lại nhiều lần một số chuyển động ở khớp.
  • Dị dạng xương: Khiếm khuyết sụn, xương dị dạng bẩm sinh làm tăng tốc độ thoái hóa khớp xương.
  • Bệnh chuyển hóa: Bệnh huyết sắc tố và tiểu đường làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Phân loại
  • Loãng xương nguyên phát
  • Loãng xương thứ phát
Các loại phổ biến:
Biến chứng
  • Tăng nguy cơ té ngã và chấn thương
  • Đau mãn tính
  • Suy thoái gân
  • Nhiễm trùng khớp hoặc chảy máu trong khớp
  • Hoại tử xương
Phương pháp chẩn đoán
  • Kiểm tra lâm sàng
  • Chụp X-quang quy ước
  • Đo loãng xương (đo khối lượng xương)
Khả năng điều trị Không thể điều trị dứt điểm Không thể điều trị dứt điểm

Điều trị loãng xương và thoái hóa khớp

Không thể điều trị dứt điểm bệnh loãng xương và thoái hóa khớp. Tuy nhiên những phương pháp thích hợp có thể giúp giảm nhẹ và kiểm soát tốt các triệu chứng. Đồng thời ngăn bệnh tiến triển.

1. Điều trị loãng xương

Mục tiêu điều trị:

  • Kiểm soát triệu chứng
  • Tăng mật độ xương
  • Giảm nguy gãy xương

Phương pháp điều trị cụ thể:

+ Thuốc

Thuốc điều trị loãng xương thường được sử dụng:

Các thuốc điều trị loãng xương
Các thuốc điều trị loãng xương giúp giảm đau, làm chậm hủy xương, tăng mật độ xương và chống gãy xương
  • Thuốc giảm đau: Paracetamol hoặc một loại thuốc giảm đau khác sẽ được sử dụng để giảm nhẹ cơn đau do bệnh loãng xương. Thuốc có hai tác dụng chính gồm hạ sốt và giảm đau, phù hợp với cơn đau nhẹ và âm ỉ. Paracetamol thường được dùng ở liều 325 – 600mg, lặp lại mỗi 4 đến 6 giờ khi cần.
  • Thuốc kháng thể đơn dòng: Thuốc này được dùng để tạo ra mật độ xương, giúp xương chắc khỏe hơn. Denosumab là thuốc kháng thể đơn dòng thường được sử dụng. Thuốc này được dùng bằng cách tiêm tĩnh mạch với liều 6 tháng/ lần (1 mũi tiêm).
  • Bisphosphonat: Thuốc Bisphosphonat phù hợp với bệnh nhân bị loãng xương và có nguy cơ gãy xương. Thuốc có tác dụng làm giảm tiêu xương bằng cách thúc đẩy quá trình apoptisis (tế bào hủy xương tự tử). Từ đó làm chậm / ngăn chặn quá trình hủy xương, tăng mật độ xương trong các xương bị ảnh hưởng.
  • Thuốc Calcitonin: Calcitonin điều trị loãng xương bằng cách làm giảm hoặc ức chế quá trình tiêu calci trong xương. Đồng thời giảm nồng độ calci trong huyết thanh. Thuốc Calcitonin thường được dùng kết hợp với vitamin D và hormone cận giáp. Sự kết hợp giúp ức chế quá trình tiêu xương ở bệnh nhân bị loãng xương thứ phát
  • Thuốc Calci Cacbonat + vitamin D3: Thuốc này được sử dụng để bổ sung canxi và vitamin D. Từ đó tăng mật độ xương và kiểm soát bệnh loãng xương.

+ Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone được áp dụng cho những bệnh nhân bị loãng xương liên quan đến suy giảm hormone. Liệu pháp này giúp duy trì mật độ xương (chất lượng xương ở phụ nữ mãn kinh).

+ Bổ sung canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống

Để cải thiện chất lượng xương, hãy bổ sung canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống lành mạnh. Canxi là một khoáng chất xây dựng xương. Cung cấp đủ lượng canxi cần thiết giúp cải thiện mật độ xương, kích thích tái tạo xương. Từ đó giảm đau, kiểm soát loãng xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Một số loại thực phẩm giàu canxi:

  • Các loại rau lá xanh
  • Cá mòi
  • Cá hồi
  • Hạnh nhân
  • Sữa và những chế phẩm của sữa (phô mai, sữa chua)
  • Chế phẩm của đậu nành
  • Ngủ cốc nguyên hạt
  • Các loại hạt
Bổ sung canxi từ chế độ ăn uống
Bổ sung canxi từ chế độ ăn uống giúp cải thiện mật độ xương, giảm các triệu chứng của bệnh loãng xương

Vitamin D cải thiện chất lượng xương bằng cách tăng khả năng hấp thụ canxi. Những loại thực phẩm giàu vitamin D gồm:

  • Ngũ cốc
  • Lòng đỏ trứng
  • Dầu gan cá tuyết
  • Chế phẩm từ đậu nành
  • Nấm
  • Tôm
  • Dầu gan cá

Ngoài bổ sung canxi và vitamin D, những người bị loãng xương cũng cần đảm bảo:

  • Xây dựng chế độ dinh dưỡng cân bằng và lành mạnh.
  • Bổ sung thêm chất chống oxy hóa, vitamin A, C, E, magie, kali và những khoáng chất khác.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Tránh ăn nhiều dầu mỡ, thực phẩm chế biến sẵn, chứa chất bảo quản.

Tham khảo thêm: Bị Loãng Xương Nên Ăn Gì, Kiêng Gì Để Nhanh Phục Hồi?

+ Thay đổi lối sống

Người bị loãng xương cần:

  • Ngừng hút thuốc lá.
  • Hạn chế uống rượu bia và những loại thức uống có cồn khác.
  • Thận trọng trong sinh hoạt, loại bỏ những nguy cơ té ngã.
  • Bổ sung canxi và vitamin D từ viên uống nếu cần thiết (theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa).

2. Điều trị thoái hóa khớp

Tương tự như loãng xương, thoái hóa khớp không thể chữa khỏi. Những biện pháp dưới đây có thể giúp ngăn bệnh tiến triển và giảm nhẹ các triệu chứng.

Mục đích điều trị:

  • Làm chậm qua trình thoái khớp
  • Giảm đau, sưng viêm và các triệu chứng khác
  • Tăng khả năng vận động và phạm vi
  • Ổn định và cải thiện chức năng cho ổ khớp.

Các phương pháp điều trị cụ thể:

+ Thuốc

Bệnh nhân bị thoái hóa khớp chủ yếu được dùng thuốc giảm đau và kháng viêm để kiểm soát các triệu chứng. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm:

  • Acetaminophen: Thuốc có tác dụng làm giảm những cơn đau nhẹ và hạ sốt.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Naproxen, Ibuprofen hoặc một loại NSAID khác sẽ được sử dụng để giảm đau, sưng và nóng khớp. Thuốc có tác dụng chữa viêm, giảm những cơn đau vừa, chống kết tập tiểu cầu.
  • Kem/ gel bôi chứa Capsaicin: Bôi một lượng nhỏ thuốc này lên khớp giúp làm dịu tình trạng viêm và giảm đau.
  • Opioid: Thuốc giảm đau nhóm opioid (thuốc giảm đau gây nghiện) có thể được dùng cho những cơn đau vừa và nặng. Thuốc có tác dụng giảm đau, thường mang đến hiệu quả nhanh chóng.

+ Tiêm khớp

Dựa trên mức độ tổn thương và các triệu chứng, bệnh nhân có thể được tiêm huyết tương giàu tiểu cầu, thuốc corticoid hoặc axit hyaluronic vào khớp.

Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP)
Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) giúp tăng khả năng tái tạo sụn khớp, giảm viêm và đau nhức
  • Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP): Huyết tương giàu tiểu cầu được lấy từ máu của chính người bệnh. Sau đó tiêm vào khớp bị để tăng khả năng tái tạo sụn, xương. Từ đó làm chậm quá trình thoái hóa và phục hồi chức năng vận động. Ngoài ra phương pháp này còn giúp chống viêm và giảm nhẹ cơn đau.
  • Tiêm corticoid vào khớp: Đây là một thuốc kháng viêm mạnh. khi được tiêm vào khớp, corticoid nhanh chóng phát huy tác dụng trị viêm sưng và giảm đau đớn.
  • Tiêm axit hyaluronic: Axit hyaluronic được tiêm vào khớp để giảm sưng và đau do thoái hóa khớp.

+ Chăm sóc và điều trị tại nhà

Thoái hóa khớp có thể được kiểm soát bằng một số biện pháp chăm sóc và điều trị tại nhà. Cụ thể:

  • Vận động nhẹ nhàng: Người bị thoái hóa khớp nên thường xuyên tập thể dục và vận động nhẹ nhàng. Điều này giúp duy trì khả năng vận động và phạm vi, cải thiện tình trạng cứng khớp. Ngoài ra luyện tập nhẹ nhàng còn giúp tăng lưu thông máu, giảm đau và ngăn thoái hóa khớp tiến triển. Đạp xe, đi bộ, kéo giãn, thể dục nhịp điệu dưới nước là những bộ môn phù hợp.
  • Chườm ấm: Liệu pháp này có tác dụng giảm đau, thư giãn, tăng lưu thông máu và giảm cứng khớp. Khi chườm ấm, đặt chai nước ấm hoặc một miếng đệm sưởi lên khớp bị thương, giữ trong 20 phút, mỗi ngày 2 lần.
  • Xoa bóp: Khi xoa bóp nhẹ nhàng, quá trình lưu thông máu được cải thiện, tăng lưu lượng máu đến khớp bị thương. Từ đó cung cấp dinh dưỡng thúc đẩy chữa lành sụn và xương. Ngoài ra liệu pháp xoa bóp còn có tác dụng giảm đau, thư giãn khớp xương, cải thiện vận động và ngăn cứng khớp.
  • Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng hợp lý, giảm cân khi bị thừa cân béo phì. Điều này giúp giảm áp lực lên khớp bị thương và ngăn thoái hóa khớp tiến triển.
  • Chế độ ăn uống phù hợp: Tăng cường bổ sung các chất chống oxy hóa, canxi, magie, vitamin A, C, D, E, omega-3 trong quá trình điều trị. Những thành phần dinh dưỡng này đều có khả năng giảm viêm sưng và làm chậm quá trình thoái hóa xương khớp.

Tham khảo thêm: 15 Thực Phẩm Tốt Cho Người Thoái Hóa Khớp – Nên Bổ Sung

+ Phẫu thuật

Phẫu thuật thay khớp (chẳng hạn như thay khớp gối, thay khớp háng…) có thể được chỉ định cho những bệnh nhân có các tình trạng sau:

  • Khớp hư hỏng nặng
  • Đau đớn nghiêm trọng và không giảm, ảnh hưởng đến chức năng và khả năng vận động
  • Không đáp ứng với điều trị bảo tồn.

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân có thể được thay khớp bán phần hoặc toàn phần. Trong đó một phần hoặc toàn bộ khớp hỏng được thay thế bởi khớp giả (được làm từ kim loại hoặc một vật liệu khác). Quá trình này được thực hiện thông qua mổ mở.

Phẫu thuật thay khớp
Phẫu thuật thay khớp cho những bệnh nhân có khớp hỏng nặng, điều trị bảo tồn không cải thiện

Đôi khi phẫu thuật cũng được chỉ định cho những bệnh nhân có gai xương phát triển lớn. Trong quá trình này, gai xương sẽ bị loại bỏ để giảm áp lực lên ổ khớp. Đồng thời giảm cứng khớp và giảm đau.

Một số lựa chọn khác:

  • Cắt bỏ xương
  • Hợp nhất các xương

Trên đây là cách phân biệt bệnh loãng xương và thoái hóa khớp, các phương pháp điều trị hiệu quả. Hai bệnh lý này có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên cần phân biệt rõ ràng để có phương pháp điều trị thích hợp, ngăn bệnh tiến triển và gây biến chứng. Tốt nhất nên thăm khám với bác sĩ chuyên khoa ngay khi có triệu chứng bất thường.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Khám Loãng Xương Ở Bệnh Viện Nào
Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM, bệnh viện Hòa Hảo, bệnh viện E... có thể giúp giải đáp khám loãng xương ở bệnh viện nào tốt và uy tín. Những bệnh viện này tập trung đội ngũ y ...
Xem chi tiết
Bệnh Loãng Xương Có Chữa Được Không
Bệnh loãng xương có chữa được không là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Bệnh lý này thường xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh và người lớn tuổi, không có thuốc đặc trị. Bệnh diễn tiến âm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua