Hội Chứng Ống Cổ Tay Ở Bà Bầu Và Cách Điều Trị An Toàn
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu thường do phù nề trong quá trình mang thai dẫn đến thu hẹp không gian bên trong, tăng áp lực lên dây thần kinh giữa. Tình trạng này gây tê yếu, đau nhức thường xuyên và giảm khả năng vận động. Các biện pháp giảm đau đơn giản có thể hữu ích.
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu là gì?
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba của thai kỳ. Bệnh thể hiện cho tình trạng nén/ tăng áp lực lên dây thần kinh giữa trong đường hầm cổ tay. Điều này dẫn đến tê bì, châm chích, giảm chức năng vận động, yếu cơ và đau đớn.
Đối với phụ nữ mang thai, hội chứng ống cổ tay chủ yếu xảy ra phù nề khiến không gian trong ống cổ tay bị thu hẹp. Một số trường hợp khác do những chuyển động lặp đi lặp lại ở cổ tay và bàn tay dẫn đến chấn thương.
Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm và tăng dần theo thời gian khiến mẹ bầu khó chịu. Tuy nhiên các biện pháp giảm đau cơ bản có thể giúp giảm đau và các triệu chứng khác của bệnh.
Nguyên nhân gây hội chứng ống cổ tay ở bà bầu
Ống cổ tay là một đường hầm nhỏ được xương và dây chằng cổ tay tạo thành. Sưng hoặc bất kỳ tình trạng nào khiến đường hầm bị thu hẹp đều gây chèn ép dây thần kinh giữa (dây thần kinh đi qua ống cổ tay, chạy từ cổ xuống cánh tay và cổ tay).
Hội chứng ống cổ tay khi mang thai thường làm khởi phát các triệu chứng ở người có khuynh hướng di truyền. Nguyên nhân là do chất lỏng tích tụ và những thay đổi trong nội tiết tố gây phù nề và tăng áp lực tạm thời trong ống cổ tay.
Bên cạnh đó khả năng giữ nước (tích nước trong quá trình mang thai) và mức progesterone cao (một hormone sinh dục và steroid nội sinh) làm tăng kích thước của bao hoạt dịch. Điều này giảm không gian bên trong và tạo một lực nén ở dây thần kinh giữa.
Khi đường hầm cổ tay hẹp và dây thần kinh giữa bị nén, thai phụ sẽ cảm thấy đau đớn, tê bì, yếu chi và mất cảm giác ở các ngón tay.
Ngoài ra hội chứng ống cổ tay ở bà bầu cũng có thể xảy ra do chấn thương. Điều này thường bao gồm những chuyển động lặp đi lặp lại ở cổ tay và bàn tay, gãy xương cổ tay dẫn đến hội chứng ống cổ tay cấp tính.
Đôi khi không có nguyên duy nhất dẫn đến hội chứng ống cổ tay ở bà bầu. Bệnh lý này có thể phát triển do sự kết hợp của nhiều yếu tố nguy cơ.
Yếu tố nguy cơ
Nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay ở bà bầu thường liên quan đến những tình trạng dưới đây:
- Thừa cân béo phì trước khi mang thai
Kết quả thống kê cho thấy những người bị thừa cân / béo phì trước khi mang thai thường dễ phát triển hội chứng ống cổ tay hơn.
- Tiểu đường thai kỳ
Bệnh tiểu đường trong thai kỳ làm tăng khả năng giữ nước trong cơ thể, dẫn đến sưng tấy. Từ đó làm tăng nguy cơ khởi phát hội chứng ống cổ tay và các triệu chứng liên quan.
Ngoài ra lượng đường trong máu cao có thể gây viêm (chẳng hạn như viêm khớp cổ tay). Tình trạng này dẫn đến đỏ, sưng tấy bên trong ống cổ tay và chèn ép dây thần kinh giữa.
- Tăng huyết áp thai kỳ
Tăng huyết áp thai kỳ làm tăng nguy cơ giữ nước kèm theo tình trạng sưng tấy. Điều này làm thu hẹp không gian của đường hầm cổ tay và chèn ép dây thần kinh giữa.
- Hormone Relaxin trong các lần mang thai
Ở những lần mang thai tiếp theo, cơ thể tăng tiết hormone Relaxin giúp cổ tử cung và xương chậu nở rộng. Điều này tạo không gian cho thai nhi phát triển và giúp quá trình sinh nở diễn ra thuận lợi.
Tuy nhiên mức hormone Relaxin cao có thể gây viêm và sưng tấy ở ống cổ tay. Từ đó dẫn đến sự chèn ép dây thần kinh giữa.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng ống cổ tay ở bà bầu
Do dây thần kinh giữa bị chèn ép nên hội chứng ống cổ tay gây ra những triệu chứng nghiêm trọng, khó chịu và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Dưới đây là một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp:
- Đau cổ tay, đau thường lan xuống các ngón tay hoặc/ và cẳng tay
- Tê và ngứa ran ở ngón tay, cổ tay và bàn tay tương tự như cảm giác kim châm
- Tê vào ban đêm
- Có cảm giác nhói ở ngón tay, cổ tay và bàn tay
- Sưng tấy ở ngón tay
- Rối loạn hoặc giảm cảm giác
- Cơ yếu hoặc bị teo
- Giảm khả năng vận động, khó khăn khi thực hiện những hoạt động bình thường. Chẳng hạn như:
- Nắm chặt đồ vật
- Xử lý các vật thể nhỏ
- Viết
- Sử dụng bàn phím máy tính…
- Dị cảm (ngứa ran lan tỏa ra bên ngoài).
Một số triệu chứng khác khi hội chứng ống cổ tay nặng hơn:
- Làm rơi đồ vật
- Yếu trong bàn tay
- Không có khả năng thực hiện những hoạt động có chuyển động nhẹ, như cài cúc áo
- Kích thước của các cơ ở gốc ngón tay giảm rõ rệt (teo).
Phần lớn các trường hợp có triệu chứng khởi đầu vào tuần thứ 30 của thai kỳ. Các triệu chứng thường nghiêm trọng hơn theo thời gian (khi thai kỳ tiến triển). Ngoài ra cảm giác đau đớn, tình trạng tê bì và ngứa ran thường nghiêm trọng hơn vào ban đêm.
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu có thể ảnh hưởng đến một hoặc cả hai bàn tay. Tuy nhiên hơn 50% bệnh nhân có các triệu chứng ở cả hai tay.
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu có nguy hiểm không?
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu thường tự khỏi, không cần điều trị y tế. Sau khi sinh, cân nặng và tình trạng tích nước giảm bớt. Điều này giúp giảm sưng, tăng không gian trong ống cổ tay. Từ đó giảm sự chèn ép và kích thích dây thân kinh giữa.
Tuy nhiên những triệu chứng của bệnh thường gây khó chịu, ảnh hưởng đến tâm trạng và khả năng vận động. Mặt khác việc không kiểm soát các triệu chứng có thể gây ra một số biến chứng sau:
- Suy giảm chức năng và khả năng vận động
- Hội chứng ống cổ tay mãn tính gây tổn thương các dây thần kinh vĩnh viễn
- Đau cổ tay mãn tính
- Loạn dưỡng giao cảm phản xạ
- Teo cơ tay
Chẩn đoán hội chứng ống cổ tay khi mang thai
Thông thường hội chứng ống cổ tay ở bà bầu được chẩn đoán dựa trên các kiểm tra lâm sàng và một số xét nghiệm. Trong lần thăm khám đầu tiên, bác sĩ kiểm tra sức khỏe và những triệu chứng ở cánh tay bị thương (sưng, đau, tê yếu…).
Ngoài ra thai phụ được yêu cầu thực hiện một số động tác cơ bản ở cánh tay bị thương. Điều này giúp xác định tình trạng yếu chi, mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Đồng thời xác định dây thần kinh bị tổn thương.
Một số xét nghiệm trong chẩn đoán hội chứng ống cổ tay khi mang thai:
- Dấu hiệu Tinel: Trong xét nghiệm này dây thần kinh bị ảnh hưởng được chạm nhẹ. Nếu bị nén hoặc có tổn thương dây thần kinh, người bệnh sẽ có cảm giác ngứa ran lan tỏa. Đối với hội chứng ống cổ tay, dây thần kinh trung gian (dây thần kinh giữa) chạy qua cổ tay sẽ được kiểm tra.
- Thử nghiệm Phalen (thử nghiệm uốn cong cổ tay): Trong khi thực hiện thử nghiệm, bệnh nhân đặt khuỷu tay lên bàn, cổ tay ngã về phía trước và thư giãn. Nếu có hội chứng ống cổ tay, người bệnh sẽ bị tê và ngứa ran ngón tay trong khoảng 1 phút. Hội chứng ống cổ tay sẽ càng nặng nếu triệu chứng xuất hiện càng nhanh.
- Nghiên cứu về điện cơ và dẫn truyền thần kinh: Nghiên cứu về điện cơ và dẫn truyền thần kinh thường được thực hiện để xác định chẩn đoán ở phụ nữ mang thai. Trong xét nghiệm này, điện cực mỏng hoặc kim sẽ được sử dụng để phân tích, ghi lại những tín hiệu nhận và gửi của dây thần kinh. Thông thường tín hiệu điện sẽ bị chặn hoặc chậm nếu dây thần kinh giữa bị tổn thương.
Cách chữa hội chứng ống cổ tay ở bà bầu an toàn
Điều trị hội chứng ống cổ tay ở bà bầu chủ yếu bằng các phương pháp điều trị bảo tồn để đảm bảo an toàn trong thai kỳ. Các nghiên cứu cho thấy một số biện pháp giảm đau đơn giản (như chườm lạnh, dùng nẹp cố định cổ tay…) có thể làm dịu nhanh các triệu chứng.
Dưới đây là những phương pháp điều trị hội chứng ống cổ tay an toàn trong thai kỳ:
1. Nghỉ ngơi và hạn chế chuyển động
Khi cảm thấy đau hoặc mỏi cổ tay, hãy chuyển sang một hoạt động khác hoặc nghỉ ngơi một chút. Điều này giúp giảm áp lực lên dây thần kinh giữa trong ống cổ tay và làm dịu cơn đau.
Mẹ bầu nên hạn chế thực hiện những chuyển động khiến cổ tay bị cong. Chẳng hạn như gõ bàn phím hoặc những hoạt động khiến bàn tay bị uốn cong quá mức.
Ngoài ra cần tránh lặp đi lặp lại những chuyển động ở bàn tay và cổ tay. Bởi điều này có thể làm tăng mức độ đau nhói ở những người mắc hội chứng ống cổ tay.
2. Dùng nẹp
Thai phụ thường được yêu cầu sử dụng nẹp để điều trị hội chứng ống cổ tay. Thiết bị này giúp giữ cổ tay không bị cong (cổ tay ở vị trí trung tính). Từ đó giảm nhẹ cảm giác đau đớn, tránh tăng mức độ chèn ép dây thần kinh giữa.
Ngoài ra nẹp cổ tay còn giúp hạn chế những cử động không cần thiết, tránh tư thế xấu và những tư thế khác có thể làm tăng mức độ đau. Đồng thời giảm kích thích dây thần kinh, tạo điều kiện cho mô được chữa lành.
Nẹp cổ tay có thể được dùng vào ban ngày hoặc vào ban đêm khi những triệu chứng trở nên tồi tệ hơn.
3. Chườm lạnh
Đây là một trong những cách giảm đau do hội chứng ống cổ tay hiệu quả. Liệu pháp này giúp hạn chế lượng dịch và máu ứ dọng ở vùng cổ tay, giảm viêm và sưng trong ống cổ tay. Từ đó giảm áp lực lên dây thần kinh giữa.
Ngoài ra liệu pháp chườm lạnh còn có tác dụng giảm đau hiệu quả. Khi áp dụng liệu pháp này, hãy đặt một chiếc khăn lạnh hoặc một túi nước đá lên cổ tay khoảng 10 phút, 3 – 4 lần một ngày.
3. Liệu pháp “tắm tương phản”
Liệu pháp này liên quan đến việc sử dụng nhiệt và chườm lạnh. Ngâm cổ tay trong nước lạnh khoảng 1 phút, chuyển sang ngâm cổ tay trong nước ấm khoảng 1 phút. Thực hiện xen kẽ khoảng 6 phút và lặp lại thường xuyên.
Liệu pháp “tắm tương phản” có tác dụng giảm sưng đau, tăng lưu thông máu và thư giãn. Đồng thời giảm cảm giác tê bì do hội chứng ống cổ tay ở bà bầu.
4. Nâng cổ tay
Bất cứ khi nào có thể, hãy nâng cao cổ tay hơn tim bằng cách đặt một hoặc hai chiếc gối bên dưới bàn tay của bạn. Đây là một cách giúp giảm sưng cổ tay hiệu quả.
5. Tập yoga
Nên tập yoga từ 30 – 60 phút/ ngày để điều trị hội chứng ống cổ tay ở bà bầu. Một số nghiên cứu cho thấy các bài tập yoga có thể giúp tăng cường độ bám ở những người mắc hội chứng ống cổ tay và giảm đau hiệu quả.
Một số lợi ích khác:
- Tăng lưu thông máu, giảm sưng
- Cải thiện chức năng vận động và tính linh hoạt cho cổ tay
- Tăng cường các cơ hỗ trợ và cải thiện sức mạnh cho cánh tay
- Giảm cảm giác tê bì, châm chích
- Ổn định sức khỏe tổng thể và tăng tính dẻo dai
- Duy trì cân nặng an toàn.
Tuy nhiên thai phụ nên tập yoga theo hướng dẫn của chuyên viên. Ngoài ra nên luyện tập đều đặn, tập với cường độ thích hợp, không gắng sức.
6. Dùng thuốc giảm đau
Nếu hội chứng ống cổ tay ở bà bầu gây đau nhiều hoặc đau kéo dài, thuốc giảm đau có thể được cân nhắc. Hầu hết các trường hợp được hướng dẫn sử dụng Acetaminophen (Tylenol). Thuốc này có tác dụng giảm đau, phù hợp với cơn đau nhẹ và vừa. Thuốc được đánh giá là an toàn ở bất kỳ thời điểm nào trong giai đoạn mang thai.
Tuy nhiên Acetaminophen (Tylenol) nên được sử dụng ở liều thích hợp. Không nên dùng thuốc này vượt quá 3000 mg mỗi ngày.
Ibuprofen (Advil) cũng là một trong những loại thuốc giảm đau hiệu quả. Thuốc thuộc nhóm NSAID (thuốc chống viêm không steroid), có tác dụng trị đau và viêm sưng. Tuy nhiên thai phụ cần tránh sử dụng thuốc này trừ khi bác sĩ cho phép. Bởi Ibuprofen có khả năng làm tăng nguy cơ thiếu nước ối và một số vấn đề khác.
7. Vật lý trị liệu
Để điều trị hội chứng ống cổ tay ở bà bầu, liệu pháp giải phóng myofascial có thể được sử dụng. Đây là một kiểu xoa bóp có tác dụng giảm tình trạng ngắn và căng ở các dây chằng và cơ quanh cổ tay. Từ đó giúp cải thiện chức năng và khả năng vận động, thư giãn và giảm đau do hội chứng ống cổ tay.
Ngoài ra vận động trị liệu có thể được chỉ định cho nhiều trường hợp. Những bài tập đơn giãn giúp tăng chuyển động ở cổ tay và cánh tay, giảm đau, cải thiện tính linh hoạt và giảm tình trạng tê yếu.
Tham khảo thêm: 10 Bài Tập Hội Chứng Ống Cổ Tay Hiệu Quả, Mau Khỏi Bệnh
Tiên lượng
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu thường không cần điều trị y tế. Các biện pháp giảm đau đơn giản có thể giúp giảm nhanh các triệu chứng của bệnh. Đồng thời tạo cảm giác thoải mái từ vài tuần đến vài tháng sau khi sinh. Nhiều trường hợp khác có triệu chứng biến mất sau khi sinh 12 tháng.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, đau kéo dài nhiều năm sau đó. Ngoài ra những người có các triệu chứng nghiêm trọng hoặc triệu chứng bắt đầu sớm trong thời kỳ mang thai có nhiều khả năng tái phát sau khi sinh.
Điều quan trọng là phải thăm khám và chữa trị theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp kiểm soát triệu chứng nhanh chóng và đảm bảo an toàn.
Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay ở bà bầu
Không thể ngăn ngừa hoàn toàn hội chứng ống cổ tay khi mang thai. Bởi những triệu chứng chủ yếu khởi phát do sự tích nước của cơ thể trong thai kỳ. Tuy nhiên những biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ chèn ép dây thần kinh giữa ở thai phụ:
- Duy trì cân nặng an toàn trước và trong thời kỳ mang thai. Tránh thừa cân béo phì. Những người có cân nặng dư thừa nên tập luyện kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh để giảm cân an toàn.
- Kiểm soát tốt lượng đường huyết trong thai kỳ. Tiêu thụ những loại thực phẩm lành mạnh và ít đường, ăn nhiều rau xanh, trái cây và củ quả để giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ dẫn đến hội chứng ống cổ tay.
- Thường xuyên kiểm tra và kiểm soát tốt tình trạng tăng huyết áp trong thai kỳ.
- Thận trọng để không gây chấn thương cổ tay.
- Nghỉ ngơi hợp lý, không lạm dụng cổ tay hoặc lặp đi lặp lại những chuyển động làm tăng áp lực lên dây thần kinh giữa. Nếu cần sử dụng cổ tay hoặc co cổ tay thường xuyên (chẳng hạn như đánh bàn phím), hãy nghỉ ngơi hoặc xoa bóp cổ tay thư giãn mỗi 1 giờ.
Hội chứng ống cổ tay ở bà bầu thường không quá nghiêm trọng. Hầu hết trường hợp có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, các triệu chứng mất đi trong vòng 1 năm sau khi sinh. Tuy nhiên nếu đau đớn kéo dài hoặc nghiêm trọng, hãy trao đổi với bác sĩ chuyên khoa để tìm cách điều trị an toàn và tốt nhất.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!