Hội chứng đau bánh chè – đùi (Patellofemoral pain syndrome)

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Lê Hữu Tuấn | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Hội chứng đau bánh chè – đùi là tình trạng đau nhiều ở đầu gối hoặc xung quanh xương bánh chè và trước đầu gối. Hội chứng này thường xảy ra do sử dụng khớp quá mức. Trong một số trường hợp khác, cơn đau có thể xuất hiện khi bệnh nhân lao động và hoạt động thể chất nhiều, trật khớp xương bánh chè, mất cân bằng cơ tứ đầu…

Hội chứng đau bánh chè - đùi
Tìm hiểu nguyên nhân gây hội chứng đau bánh chè – đùi, triệu chứng, phương pháp chẩn đoán và hướng điều trị

Hội chứng đau bánh chè – đùi

Hội chứng đau bánh chè – đùi (Patellofemoral pain syndrome – PFPS) thể hiện cho những cơn đau xảy ra ở xương bánh chè và mặt trước đầu gối, chủ yếu xuất hiện do những vấn đề ở xương đùi và xương bánh chè.

Khi bắt đầu, bệnh nhân thường có cảm giác đau nhẹ và khó chịu ở mặt trước đầu gối. Mức độ đau tăng dần theo thời gian, thường đau nhiều hơn khi ngồi lâu, chạy hoặc khi khi leo xuống cầu thang. Hội chứng đau bánh chè – đùi không quá nghiêm trọng và thường được khắc phục bằng nhiều biện pháp khác nhau.

Dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng đau bánh chè – đùi

Đau nhiều ở đầu gối và xung quanh xương bánh chè là triệu chứng đặc trưng của hội chứng đau bánh chè – đùi. Đặc điểm của cơn đau gồm:

  • Bệnh nhân có biểu hiện đau nhẹ và đau từ từ khi khởi phát. Trong một số trường hợp bệnh nhân có thể đột ngột đau nhiều, nhất là sau chấn thương
  • Đau âm ỉ, đau khu trú sau xương bánh chè, sau đó đau lan tỏa xung quanh xương bánh chè, bệnh nhân khó xác định được vị trí đau
  • Đau nhiều khi đầu gối chịu nhiều áp lực, dây chằng ở đầu gối bị kéo giãn. Điển hình như ngồi xổm, quỳ gối, lên hoặc xuống cầu thang, chạy, đạp xe, đi bộ lên hoặc xuống dốc.
  • Đau nhiều khi ngồi lâu
  • Mức độ đau có thể nghiêm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt thường ngày
  • Khi bệnh tiến triển, bệnh nhân có thể bị đau nhức nhói kèm theo biểu hiện buốt

Biểu hiện khác:

  • Khó hoặc không thể gập gối
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Phát ra tiếng lách cách tại khớp gối khi di chuyển.
Đau nhiều ở đầu gối và xương bánh chè là triệu chứng đặc trưng của hội chứng đau bánh chè - đùi
Đau nhiều ở đầu gối và xung quanh xương bánh chè là triệu chứng đặc trưng của hội chứng đau bánh chè – đùi

Nguyên nhân gây hội chứng đau bánh chè – đùi

Chưa rõ nguyên nhân gây hội chứng đau bánh chè – đùi. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu, hội chứng này thường xảy ra khi khớp xương chậu chịu nhiều áp lực. Một số yếu tố gây áp lực lên khớp xương gồm:

  • Mất cân bằng cơ tứ đầu
  • Tăng mức độ hoạt động thể chất
  • Cấu trúc giải phẫu chặt chẽ
  • Lặp đi lặp lại các hoạt động
  • Trật khớp xương bánh chè khi khớp này di chuyển qua rãnh xương đùi.

Một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ mắc hội chứng bánh chè – đùi gồm:

  • Chấn thương: Gãy xương và một số chấn thương khác xảy ra ở xương bánh chè có thể làm tăng nguy cơ phát sinh những cơn đau ở mặt trước đầu gối và xung quanh xương bánh chè. Ngoài ra cơn đau cũng có thể phát sinh từ tình trạng thoái hóa khớp gối, trật khớp bên trong đầu gối, những khối u xương xung quanh hoặc trong trong đầu gối ở những bệnh nhân bị chấn thương trước đó.
  • Yếu cơ: Những cơ ở đầu gối và xung quanh bị hông suy yếu khiến xương bánh chè không được giữ thẳng hàng. Điều này khiến những chuyển động của xương bánh chè gặp nhiều khó khăn, dễ trật khớp và tăng nguy cơ mắc hội chứng bánh chè – đùi.
  • Phẫu thuật: Nguy cơ mắc bệnh thường tăng cao ở những bệnh nhân thực hiện phẫu thuật đầu gối trước đó. Đặc biệt là khi thực hiện phẫu thuật sửa chữa dây chằng chéo trước.
  • Tuổi tác: Hội chứng bánh chè – đùi thường xảy ra ở thanh niên và thanh thiếu niên do hoạt động thể chất quá mức. Đối với những người lớn tuổi, hội chứng có thể xảy ra do viêm khớp nhưng ít gặp.
  • Giới tính: Theo kết quả nghiên cứu, tỉ lệ bị đau xương chậu ở nữ giới cao gấp hai lần so với nam giới. Nguyên nhân là do khung xương chậu của nữ giới có xu hướng rộng hơn khiến các xương trong khớp gối dễ va vào nhau khi di chuyển.
  • Chơi thể thao: Một số môn thể thao làm tăng áp lực lên xương chậu và đầu gối (điển hình như chạy marathon, tennis) có thể làm tăng nguy cơ phát sinh những cơn đau ở khu vực này. Nguyên nhân là do những bài tập chạy và nhảy khiến những động tác lặp đi lặp lại kéo dài và làm tăng lực nén. Kết quả là thay đổi xương bánh chè hoặc xương dưới sụn của xương đùi xa, viêm bao hoạt dịch.

Mức độ nghiêm trọng của hội chứng đau bánh chè – đùi

Hội chứng đau bánh chè – đùi có thể được khắc phục bằng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên việc chủ quan trong quá trình điều trị hoặc điều trị muộn có thể khiến bệnh tiến triển nặng và trở thành một chấn thương mãn tính. Điều này khiến những cơn đau xuất hiện dai dẳng, khó điều trị, giảm linh hoạt, khả năng vận động của bệnh nhân bị hạn chế.

Hội chứng đau bánh chè - đùi thường chuyển sang chấn thương mãn tính
Hội chứng đau bánh chè – đùi thường chuyển sang chấn thương mãn tính khi không sớm thăm khám và điều trị

Hội chứng đau bánh chè – đùi được chẩn đoán như thế nào?

Hội chứng đau bánh chè – đùi thường được chẩn đoán bằng những biện pháp sau:

1. Chẩn đoán lâm sàng

Đầu tiên bệnh nhân sẽ được kiểm tra thể chất, bệnh sử và những triệu chứng lâm sàng để chẩn đoán bệnh lý.

Kiểm tra thông thường

  • Kiểm tra tiền sử chấn thương, bệnh lý và những bất thường trước đó
  • Kiểm tra tổng thể ở vùng đầu gối và khung xương chậu
  • Nhìn tư thế xương bánh chè (lệch ra ngoài hoặc nghiêng), khối cơ, tư thế đùi, cơ tứ đầu cơ bắp chân, cơ mông và một số vị trí khác.
  • Kiểm tra tư thế bàn chân và biểu hiện sưng nề ở khớp gối
  • Kiểm tra biểu hiện đau, vị trí đau, mức độ đau và những đặc tính của cơn đau. Đồng thời xác định điều kiện làm tăng và giảm mức độ đau.
  • Kiểm tra khả năng co duỗi khớp và các hoạt động thể chất
  • Xác định những biểu hiện khác khi di chuyển đầu gối
  • Thử nghiệm độ ổn định chủ động
  • Đánh giá sự mềm dẻo của dải chậu chày, cơ bụng chân – dép, cơ tứ đầu, cơ xoay và những cơ gấp háng, duỗi háng.

Đánh giá cơ trương lực và chức năng 

  • Kiểm tra dáng đi và chạy
  • Phân tích sinh cơ học động tác bước xuống và động tác bước lên của chân (bao gồm cả chân lành và chân đau)
  • Kiểm tra mức độ xệ quá mức của xương chậu bên kia và mức độ đau khi đứng xổm 1 chân. Đồng thời kiểm soát đùi, xương chậu và bàn chân.
  • Kiểm tra hoạt động cơ tứ đầu đùi, tốc độ hoạt hóa, khả năng co cơ, sức bền của khớp khi góc gối ở 0 độ, 10 độ, 20 độ và 30 độ.
  • Kiểm tra hoạt động và sức bền của cơ mông.

Kiểm tra đặc biệt

  • Kiểm ép tra bánh chè – đùi. Có biểu hiện đau từ nhẹ đến nặng khi ép xương bánh chè
  • Kiểm tra sợ trật bánh chè
  • Kiểm tra trượt xương bánh chè
  • Kiểm tra góc Q
  • Kiểm tra mất vững dây chằng
  • Kiểm tra sụn chêm

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Những kỹ thuật dưới đây có thể giúp bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán xác định hội chứng đau bánh chè – đùi. Bao gồm:

  • Chụp X-quang: X-quang thường được chỉ định trong chẩn đoán hội chứng đau bánh chè – đùi. Hình ảnh thu được từ kỹ thuật này giúp bác sĩ kiểm tra những bất thường của xương, tìm kiếm nguyên nhân gây đau và xác định hội chứng. Tuy nhiên kiểm tra tổn thương mô giúp chẩn đoán phân biệt qua hình ảnh X-quang thường kém hiệu quả hơn.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Đối với chụp cộng hưởng từ, bác sĩ chuyên khoa sẽ sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về xương, sụn và dây chằng đầu gối. Điều này giúp xác định những bất thường, tổn thương và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính giúp thu về hình ảnh chi tiết về cấu trúc bên trong khớp, xương và mô mềm từ nhiều góc độ khác nhau. Điều này giúp bác sĩ kiểm tra u xương, gãy xương, thoái xương khớp cùng nhiều vấn đề khác liên quan đến hội chứng đau bánh chè – đùi.
  • Siêu âm: Trong một số trường hợp, bệnh nhân sẽ được chỉ định siêu âm để tìm kiếm nguyên nhân gây bệnh và đánh giá bệnh lý gân cơ bánh chè.

3. Chẩn đoán phân biệt

Thông thường bệnh nhân sẽ được chẩn đoán phân biệt hội chứng đau bánh chè – đùi với những bệnh lý sau:

Chẩn đoán phân biệt hội chứng đau bánh chè - đùi cùng với hội chứng plica
Chẩn đoán phân biệt hội chứng đau bánh chè – đùi với hội chứng plica, hội chứng Sinding-Larsen và Johansson

Phương pháp điều trị hội chứng đau bánh chè – đùi

Hội chứng đau bánh chè – đùi được điều trị bằng nhiều phương pháp khác nhau, bao gồm điều trị với liệu pháp bảo tồn và phương pháp phẫu thuật. Tuy nhiên phần lớn bệnh nhân đều có đáp ứng tốt với điều trị bảo tồn, hiếm khi phẫu thuật.

1. Sử dụng thuốc điều trị hội chứng đau bánh chè – đùi

Đối với hội chứng đau bánh chè – đùi, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị với những loại thuốc sau:

  • Paracetamol: Paracetamol là thuốc giảm đau không kê đơn. Thuốc có tác dụng giảm đau cho những bệnh nhân có cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Đồng thời giúp tăng khả năng vận động cho người bệnh.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) được sử dụng phổ biến cho những bệnh nhân mắc hội chứng đau bánh chè – đùi. Loại thuốc này có tác dụng giảm đau và chống viêm trong thời gian ngắn, ít gây tác dụng phụ so với những loại thuốc khác. Những loại thuốc thường được sử dụng gồm Naproxen sodium (Aleve), Ibuprofen (Advil, Motrin IB) và Acetaminophen (Tylenol).
  • Glycosaminoglycan polysulfate (GAGPS): Trong quá trình điều trị đau bánh chè – đùi, việc sử dụng thuốc chứa Glycosaminoglycan polysulfate giúp người bệnh tăng mức độ trùng hợp và tổng hợp axit hyaluronic trong dịch khớp. Đồng thời ức chế hoạt động của các enzym phân giải protein. Từ đó giúp hạn chế đau và tăng cường những chuyển động cho khớp.

2. Trị liệu tại nhà

Hội chứng đau bánh chè – đùi có thể phát sinh từ việc bệnh nhân hoạt động khớp quá mức khiến khớp chịu nhiều áp lực. Chính vì thế tần suất và mức độ nghiêm trọng của cơn đau có thể được cải thiện khi người bệnh giảm hoạt động đầu gối và dành nhiều thời gian nghỉ ngơi. Biện pháp này nên được áp dụng cho đến khi tổn thương lành hẳn và hết đau.

Ngoài ra để giảm đau hiệu quả, kiểm soát và phòng ngừa hội chứng đau bánh chè – đùi tái phát, bệnh nhân nên thực hiện thêm một số trị liệu sau:

  • Chườm lạnh

Khi cơn đau phát sinh, bạn có thể sử dụng một túi đá lạnh chườm lên khu vực đau để cải thiện tình trạng. Biện pháp này có thể giúp giảm đau và giảm viêm nhưng không phù hợp với những người đang có biểu hiện co cứng.

  • Chườm nóng

Chườm nóng phù hợp với những người bị đau kèm theo biểu hiện co cứng, khó hoặc không thể duỗi khớp. Biện pháp này có tác dụng cải thiện cơn đau, thư giãn cơ và dây chằng. Từ đó cải thiện các hoạt động sinh hoạt của bệnh nhân.

  • Sử dụng dụng cụ hỗ trợ

Nẹp đầu gối hoặc sử dụng nạng có thể giúp người bệnh giảm áp lực lên xương chậu và khớp gối. Từ đó di chuyển dễ dàng và cải thiện cơn đau. Ngoài ra bệnh nhân có thể được hướng dẫn bằng đầu gối để tăng cường khả năng vận động và giảm đau.

  • Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu luôn được áp dụng đối với những bệnh nhân mắc hội chứng đau bánh chè – đùi. Phương pháp này có tác dụng giảm đau, đẩy nhanh tiến độ phục hồi tổn thương. Đồng thời tăng cường sức bền của các cơ hỗ trợ đầu gối.

Bên cạnh đó vật lý trị liệu còn giúp người bệnh tăng vận động, kiểm soát sự liên kết giữa các chi. Từ đó giúp nâng cao độ linh hoạt cho xương khớp. Thông thường bệnh nhân sẽ được tập trung điều chỉnh những hoạt động của đầu gối và xương chậu như đi đứng, ngồi xổm, gập hông, co duỗi đầu gối…

Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu giúp giảm đau, tăng cường vận động và độ linh hoạt, đồng thời kiểm soát sự liên kết giữa các chi
  • Tập thể dục

Sau một thời gian vật lý trị liệu, các chuyên gia có thể hướng dẫn bệnh nhân thực hiện những bài tập tại nhà giúp cải thiện sự linh hoạt của các chi, mang đến lợi ích cho đầu gối và xương chậu. Điền hình như yoga, bài tập kéo giãn.

Ngoài ra bệnh nhân có thể tham gia vào những hoạt động thể chất khác như bơi lội, đi bộ trên mặt phẳng, đạp xe, chạy dưới nước… để nâng cao sự linh hoạt cho khớp. Đồng thời nâng cao sức khỏe, cải thiện khả năng vận động và phòng ngừa đau tái phát.

  • Chỉnh hình bằng miếng lót giày

Đầu gối và khớp xương chậu có thể chịu nhiều áp lực khi bàn chân lăn vào trong quá nhiều hoặc vòm thấp. Điều này làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đau bánh chè – đùi. Để giảm áp lực và giảm đau, bệnh nhân có thể được yêu cầu chỉnh hình bàn chân bằng miếng lót giày.

Thông thường chỉnh hình bàn chân sẽ được sử dụng kết hợp với vật lý trị liệu hoặc những chương trình luyện tập thể dục khác để nâng cao hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này thường chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn.

3. Phẫu thuật

Phần lớn các trường hợp mắc hội chứng đau bánh chè – đùi đều có đáp ứng tốt với những phương pháp điều trị không phẫu thuật. Tuy nhiên nếu cơn đau không có biểu hiện thuyên giảm, bệnh nhân khó chịu, khó hoặc không thể di chuyển các khớp, người bệnh sẽ được chỉ định điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh, bệnh nhân có thể được chỉ định điều với với một trong hai phương pháp phẫu thuật sau:

  • Phẫu thuật nội soi khớp

Phẫu thuật nội soi khớp thường được chỉ định cho những trường hợp tổn thương sụn, chấn thương không quá nghiêm trọng, lệch/ trật khớp. Khi điều trị, bệnh nhân sẽ được chỉnh hình các khớp xương và loại bỏ những mảnh sụn bị tổn thương thông qua một hoặc nhiều vết rạch nhỏ trên da.

  • Phẫu thuật chỉnh xương bánh chè (mổ hở)

Phẫu thuật chỉnh xương bánh chè thường được chỉ định cho những trường hợp nặng, thất bại khi điều trị nội khoa và có nguy cơ trở thành một chấn thương mãn tính. Trong thời gian phẫu thuật, bác sĩ sẽ tiến hành nắn lại xương và điều chỉnh lại góc cùa xương bánh chè. Điều này giúp khắc phục cơn đau, cải thiện vận động của khớp, giảm áp lực lên sụn. Đồng thời giúp ổn định khớp và chức năng của mô mềm.

Các bước thực hiện phẫu thuật chỉnh xương bánh chè gồm:

    • Tạo một vết mổ mở trên da
    • Tiến hành tách một phần hoặc toàn bộ củ chày
    • Thực hiện nắn để xương và gân để chúng có thể di chuyển đúng cách về phía bên trong của đầu gối
    • Sử dụng vít để cố định xương
    • Khâu và thường xuyên kiểm tra theo dõi xương bánh chè trên kết quả chẩn đoán hình ảnh.
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định cho những trường hợp bị đau nhiều, tổn thương sụn, trật khớp

Biện pháp phòng ngừa hội chứng đau bánh chè – đùi

Một số biện pháp dưới đây có thể giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc hội chứng đau bánh chè – đùi.

  • Kiểm soát cân nặng: Để làm giảm áp lực lên xương khớp và hạn chế đau, bạn cần giữ cân nặng ở mức an toàn, tránh thừa cân béo phì bằng cách ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục mỗi ngày.
  • Thực hiện bài tập kéo giãn: Để hạn chế những vấn đề về xương khớp và giảm nguy cơ đau bánh chè – đùi, bạn nên thường xuyên thực hiện những bài tập kéo giãn. Bên cạnh đó những bài tập này có tác dụng nâng cao sự linh hoạt và chuyển động của các khớp.
  • Duy trì thói quen vận động và luyện tập đúng cách: Để nâng cao sức khỏe xương khớp và hạn chế nguy cơ mắc bệnh, bạn cần duy trì thói quen vận động và luyện tập đúng cách. Nên tập thể dục từ 45 đến 60 phút mỗi ngày, thực hiện những bài tập tốt cho đầu gối và xương bánh chè như bơi lội, yoga, đạp xe, đi bộ trên mặt phẳng… Tuy nhiên cần lưu ý không vận động quá sức, không thay đổi cường độ luyện tập một cách đột ngột. Ngoài ra các chuyên gia khuyên rằng bạn nên khởi động từ 5 đến 10 phút trước khi chạy để làm ấm cơ thể và giảm nguy cơ mắc bệnh.
  • Lựa chọn giày phù hợp: Khi tham gia vào các hoạt động sinh hoạt và luyện tập thể thao, bạn nên lựa chọn giày phù hợp để làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đau bánh chè – đùi. Cụ thể bạn nên lựa chọn những đôi giày có khả năng hấp thụ sốc tốt, vừa vặn và tạo cảm giác nhẹ khi mang. Ngoài ra bạn cần cân nhắc về việc lót giày nếu có bàn chân phẳng.
  • Vật lý trị liệu: Đối với vận động viên, bạn nên vật lý trị liệu theo sự hướng dẫn của bác sĩ để tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của các khớp xương, giúp xương bánh chè di chuyển theo đúng rãnh của nó. Đồng thời tối ưu hóa kỹ thuật xoay người, chạy và nhảy, đầu gối hướng vào trong khi ngồi xổm, bước xuống từ bậc thang, tiếp đất khi chạy. Từ đó làm giảm nguy cơ mắc hội chứng đau bánh chè – đùi.
Kiểm soát cân nặng
Kiểm soát cân nặng và hạn chế đau bằng cách ăn uống lành mạnh và luyện tập thể dục mỗi ngày

Hội chứng đau bánh chè – đùi (Patellofemoral pain syndrome) không phải là một bệnh lý nguy hiểm và có thể được kiểm soát bằng nhiều biện pháp khác nhau. Tuy nhiên việc không sớm điều trị có thể gây chấn thương mạn tính, bệnh nhân khó khăn khi vận động. Vì thế ngay khi cơn đau xuất hiện, bạn cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn biện pháp xử lý phù hợp.

Câu hỏi liên quan
Bệnh Đa Xơ Cứng Có Chết Không
Người bệnh đa xơ cứng có chết không, có di truyền không là thắc mắc của nhiều bệnh nhân. Đây là một bệnh tự miễn, không có cách chữa khỏi. Bệnh làm khởi phát các triệu chứng nghiêm trọng, gây ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua