Hội Chứng Dải Chậu Chày (Iliotibial Band Syndrome)
Hội chứng dải chậu chày là chấn thương đầu gối phổ biến ở những người thường xuyên gập đầu gối 30 độ. Tình trạng này có thể được cải thiện bằng nhiều biện pháp đơn giản, chẳng hạn như giảm hoạt động gây ảnh hưởng đến đầu gối hoặc sử dụng thuốc giảm đau theo hướng dẫn của bác sĩ.
Hội chứng dải chậu chày là gì?
Dải chậu chày (Iliotibial Band) là một dải mô sợi dày và chắc chắn, bắt đầu từ hông, chạy dọc theo đùi ngoài, kết nối với mép ngoài của xương ống chân (xương chày) ngay bên dưới khớp gối. Dải chậu chày kết hợp với cơ tứ đầu (cơ đùi) để tạo sự ổn định ở bên ngoài khớp gối trong quá trình vận động.
Hội chứng dải chậu chày (Iliotibial Band Syndrome) là tình trạng tổn thương hoặc kích ứng các mô sợi ở dải chậu chày. Tình trạng này thường xảy ra ở những người thường xuyên gập đầu gối 30 độ, chẳng hạn như vận động viên chạy bộ, đạp xe, đi bộ đường dài, bơi lội hoặc leo núi.
Khi sử dụng quá mức, dải chậu chày bị thắt chặt. Điều này khiến dải chậu chày cọ xát vào bên ngoài đầu gối. Sự cọ xát có thể gây đau nhức hoặc đau nhói ở bên ngoài của đầu gối. Đôi khi cơn đau này có thể lan đến đùi và vùng hông (háng).
Các triệu chứng của Hội chứng dải chậu chày thường bắt đầu như những cơn đau nhẹ và tăng lên nếu không được điều trị phù hợp. Cách tốt nhất để cải thiện tình trạng này là ngừng hoạt động cường độ mạnh, dành thời gian nghỉ ngơi và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên môn.
Dấu hiệu và triệu chứng Hội chứng dải chậu chày.
Các triệu chứng của Hội chứng dải chậu chày có thể không giống nhau ở mỗi người bệnh về cường độ và tần suất.
Trong hầu hết các trường hợp, người bệnh có thể nhận thấy các triệu chứng như:
- Đau đớn ở bên ngoài đầu gối, đặc biệt là khi chạy hoặc làm các hoạt động khác liên quan đến khớp gối
- Đau đớn dai dẳng khi tập thể dục
- Đầu gối mềm khi chạm vào
- Đau có thể ảnh hưởng đến đùi trong, hông, háng và mông
- Đỏ và nóng xung quanh đầu gối, đặc biệt là phần bên ngoài
Các triệu chứng thường xuất hiện trong một thời gian ngắn sau khi bắt đầu hoạt động thể chất. Triệu chứng phổ biến nhất là xuất hiện các cơn đau ở bên ngoài đầu gối, đặc biệt là khi người bệnh tiếp tục các hoạt động gây đau.
Nếu không dừng các hoạt động kích ứng, dải chậu chày có thể bị cọ xát liên tục vào đầu gối. Điều này có thể dẫn đến sưng và đau đầu gối dữ dội.
Nguyên nhân gây Hội chứng dải chậu chày
Nguyên nhân phổ biến của Hội chứng dải chậu chày là tập luyện quá mức hoặc vận động thể lực tăng cường đột ngột. Bên cạnh đó các vấn đề cơ sinh học hoặc bệnh lý liên quan cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
Cụ thể, có ba nhóm nguyên nhân cơ bản có thể gây Hội chứng dải chậu chày bao gồm:
1. Thói quen luyện tập
Các thói quen luyện tập thể dục, thể thao và vận động có thể làm tăng nguy cơ Hội chứng dải chậu chày bao gồm:
- Tập luyện trong thời gian dài hoặc thường xuyên ngồi trong tư thế yoga gập đầu gối. Tình trạng này thường phổ biến ở những người vừa mới bắt đầu luyện tập ép chân lên đùi
- Liên tục chạy trên các đường cong, điều này khiến chân hơi cong vào trong và dẫn đến tình trạng dải chậu chày bị căng quá mức so với xương đùi
- Khởi động hoặc hạ nhiệt không đầy đủ khi tập luyện
- Chạy lên đồi và xuống dốc quá mức
- Chạy lên và xuống cầu thang
- Đi bộ đường dài
- Chèo thuyền
- Bơi ếch
2. Bất thường về giải phẫu chân
Các bất thường về giải phẫu bàn chân có thể làm tăng nguy cơ Hội chứng dải chậu chày bao gồm:
- Vòm bàn chân quá cao hoặc quá thấp
- Lực ở bàn chân quá mức
- Chiều dài hai chân không đồng đều
- Chân vòng kiềng
- Viêm khớp gối
- Có thói quen xoay bàn chân hoặc mắt cá chân khi đi hoặc chạy bộ
- Chân không ổn định, thường nghiêng quá mức
- Cơ bụng, cơ mông hoặc cơ hông quá yếu
3. Mất cân bằng cơ
Các tác động từ cơ có thể gây Hội chứng dải chậu chày bao gồm:
- Cơ bắp hông yếu
- Cơ bắp multifidus (là một chuỗi các cơ bắp nhỏ, nằm ở hai bên cột sống) yếu
- Dải chậu chày bên trái và bên phải không đều, có thể là do thói quen ngồi bắt chéo chân trong thời gian dài
Khi nào cần đến bệnh viện?
Hầu hết các trường hợp Hội chứng dải chậu chày không nghiêm trọng và có thể cải thiện bằng cách nghỉ ngơi phù hợp. Nếu các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài hơn vài ngày, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và chăm sóc y tế phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh nên đến bệnh viện ngay nếu nhận thấy các dấu hiệu như:
- Đau khi đi bộ, cứng khớp gối hoặc không có khả năng uốn cong đầu gối
- Sưng tấy, nổi mẩn đỏ, nóng da hoặc thay đổi màu da ở đầu gối
- Các triệu chứng liên quan đến chấn thương ở hông hoặc xung quanh khớp gối
- Sốt hoặc xuất hiện các triệu chứng bất thường khác
Chẩn đoán Hội chứng dải chậu chày
Chẩn đoán Hội chứng dải chậu chày thường dựa trên các triệu chứng lâm sàng và tiền sử bệnh. Hiếm khi người bệnh cần thực hiện xét nghiệm hình ảnh để chẩn đoán bệnh.
1. Tiền sử bệnh
Nếu người bệnh bị đau ở đầu gối, đùi, hông, người bệnh nên ghi lại các thói quen luyện tập trước khi đến gặp bác sĩ để hỗ trợ quá trình chẩn đoán. Bác sĩ có thể cần tìm hiểu một số thông tin, chẳng hạn như, thời gian, cường độ và tần suất của cơn đau.
2. Kiểm tra thể chất
Bác sĩ có thể ấn hoặc sờ nắn vào khớp gối hoặc các khu vực lân cận để hỗ trợ chẩn đoán bệnh. Bác sĩ cũng có thể ấn vào phần xương đùi bên trong để xác định vị trí cụ thể của cơn đau.
Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị kiểm tra nén đầu gối, trong đó người bệnh được yêu cầu uốn cong và mở rộng đầu gối trong khi bác sĩ dùng ngón cái để tạo áp lực lên xương đùi bên. Nếu cơn đau xuất hiện khi người bệnh uốn cong đầu gối, người bệnh sẽ được chẩn đoán Hội chứng dải chậu chày.
Ngoài việc kiểm tra khớp gối, bác sĩ có thể đánh giá sức mạnh và tính linh hoạt của cơ tứ đầu (nằm ở phía trước đùi) và gân kheo (nằm ở mặt sau của đùi).
3. Chẩn đoán hình ảnh
Nếu cần chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ có thể đề nghị chụp cộng hưởng từ MRI để xác định các tổn thương.
4. Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng dải chậu chày cần được chẩn đoán phân biệt với một số tình trạng thần kinh gây ảnh hưởng đến đầu gối. Các chẩn đoán phân biệt thường bao gồm:
Viêm dây chằng xương bánh chè:
Dây chằng xương bánh chè nối xương đùi với cơ ở vùng kheo (một cơ nhỏ nằm ở phía sau đầu gối). Cơ vùng kheo hoạt động với gân cơ bắp chân để kiểm soát chuyển động về phía trước và khả năng xoay của đầu gối.
Viêm dây chằng xương bánh chè xảy ra khi gân bánh chè bị kích thích và thường liên quan đến việc đi bộ xuống dốc quá mức. Điều này dẫn đến cơn đau ở bên ngoài đầu gối, đôi khi lan ra ở phía sau gối.
Người bệnh cũng có thể bị sưng tấy và đỏ da dọc bên ngoài đầu gối hoặc mất ổn định ở đầu gối.
Viêm gân cơ hai đầu đùi:
Viêm gân cơ hai đầu đùi thường xảy ra ở người chạy quá nhiều dẫn đến kích thích, chèn ép ở bắp tay và gây đau đầu gối.
Điều trị Hội chứng dải chậu chày
Hội chứng dải chậu chày thường được điều trị bằng các biện pháp bảo tồn. Nếu người bệnh tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ và dành thời gian nghỉ ngơi cần thiết, các triệu chứng có thể được cải thiện trong khoảng 6 tuần.
Để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng, người bệnh cần lưu ý các nguyên tắc điều trị như sau:
- Không thực hiện các hoạt động gây ra cơn đau
- Uống thuốc giảm đau không kê đơn
- Vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ
- Thận trọng khi sử dụng thuốc để tránh các tác dụng phụ không mong muốn
- Cân nhắc phẫu thuật trong trường hợp cần thiết
1. Phương pháp điều trị chấn thương cơ bản – RICE
Quy trình RICE là phương thức điều trị chấn thương cơ bản được áp dụng để chăm sóc ngay lập tức để cải thiện cơn đau do Hội chứng dải chậu chày. Các bước điều trị chấn thương ban đầu như sau:
- Nghỉ ngơi (Rest – R): Người bệnh bị đau đầu gối hoặc được chẩn đoán Hội chứng dải chậu chày nên dành thời gian nghỉ ngơi. Đây là bước đầu tiên trong quá trình điều trị và phục hồi các chấn thương liên quan.
- Chườm đá (Ice – I): Chườm túi đá hoặc khăn lạnh mỏng lên đầu gối trong khoảng 15 phút sau mỗi 2 giờ có thể hỗ trợ giảm cơn đau và giảm viêm.
- Nén (Compression – C): Người bệnh được chẩn đoán mắc Hội chứng dải chậu chày có thể được chỉ định bang nén ở đầu gối. Nén khu vực này có thể hỗ trợ ổn định đầu gối, giảm ma sát khi dây thần kinh trượt qua đầu gối và hỗ trợ giảm đau.
- Nâng cao chân (Elevation – E): Nâng cao chân, đặc biệt là khi chườm lạnh ở đầu gối có thể hạn chế lượng máu lưu thông đến khu vực này và hỗ trợ giảm đau.
2. Sử dụng thuốc điều trị
Để giảm đau và giảm viêm do Hội chứng dải chậu chày, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) đường uống hoặc các loại thuốc thoa tại chỗ. Các loại thuốc đường uống phổ biến bao gồm ibuprofen và naproxen.
Đối với các cơn đau nghiêm trọng, bác sĩ có thể cân nhắc tiêm steroid (cortisone) để hỗ trợ cải thiện các triệu chứng. Thuốc được đề nghị cho các trường hợp thuốc giảm đau đường uống hoặc thoa ngoài da không mang lại hiệu quả.
3. Vật lý trị liệu
Sau khi tình trạng viêm và đau được cải thiện, vật lý trị liệu là một phương pháp quan trọng trong việc điều trị các triệu chứng Hội chứng dải chậu chày. Nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh các ỹ thuật phù hợp để cải thiện sức mạnh, khả năng vận động và tăng cường tính linh hoạt ở chân.
Ngoài việc cải thiện cơn đau ở đầu gối và tăng cường sức mạnh, nhà vật lý trị liệu cũng có thể sửa các lỗi cơ bản khi luyện tập và hướng dẫn người bệnh các kỹ thuật hạn chế các chấn thương, căng cơ trong tương lai.
4. Phẫu thuật
Phẫu thuật để kéo dài dải chậu chày hiếm khi được áp dụng để điều trị Hội chứng dải chậu chày. Phẫu thuật thường chỉ được chỉ định ở các trường hợp đau đớn kéo dài, gây hạn chế hoạt động bình thường và đã áp dụng các biện pháp điều trị bảo tồn nhưng không mang lại hiệu quả.
Có nhiều loại phẫu thuật khác nhau có thể kéo dài dải chậu chày. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp, phẫu thuật là không cần thiết và người bệnh có thể cải thiện các triệu chứng trong 6 đến 12 tuần với phương pháp điều trị nội khoa.
5. Bài tập giãn cơ
Bên cạnh các biện pháp điều trị, người bệnh có thể tham khảo một số bài tập hỗ trợ điều trị và phòng ngừa tình trạng này. Người bệnh và những người thường xuyên tập thể dục nên thực hiện các bài tập giãn cơ để ngăn ngừa các triệu chứng.
Các bài tập phổ biến bao gồm:
Căng cơ mông:
- Người tập nằm ngửa, nâng cao chân trái
- Bắt chéo chân phải qua đầu gối chân trái và dùng tay để kéo chân về phía ngực cho đến khi cảm thấy chân căng ra
- Giữ yên trong vài giây
Đứng duỗi thẳng:
- Người tập đứng bằng cả hai chân, sau đó đặt một chân ra phía sau chân còn lại
- Hạ thấp cơ thể, uốn cong ở đầu gối đến khi cảm thấy căng ở chân
- Giữ yên trong vài giây
Tập con lăn:
- Đặt một con lăn xốp rộng trên mặt đất hoặc một tấm thảm tập yoga
- Sử dụng cẳng tay để hỗ trợ và nằm ngửa trên con lăn với con lăn ở vị trí dưới hông
- Di chuyển cơ thể về phía trước để con lăn di chuyển lên và xuống
Phòng ngừa Hội chứng dải chậu chày
Hội chứng dải chậu chày có thể ảnh hưởng đến mọi người, tuy nhiên thường ảnh hưởng đến những người chạy bộ. Do đó, để hạn chế các rủi ro, người bệnh có thể tham khảo các biện pháp cải thiện như:
- Tập luyện với cường độ vừa phải, không luyện tập quá sức và cần dành thời gian để nghỉ ngơi.
- Chọn giày phù hợp với để hỗ trợ dành cho người chạy bộ hoặc chơi thể thao. Ngoài ra, thay giày khi cần thiết, thường là sau khoảng 600 km hoặc khi giày đã mòn.
- Cân nhắc luyện tập kết hợp, chẳng hạn bơi lội, chạy bộ, chèo thuyền hoặc đi bộ đường dài để cân bằng cơ thể.
- Trao đổi với bác sĩ đề các biện pháp và thiết bị hỗ trợ để tránh các tổn thương liên quan.
Trong hầu hết các trường hợp, Hội chứng dải chậu chày có thể được cải thiện bằng các phương pháp đơn giản tại nhà hoặc thuốc giảm đau. Để ngăn ngừa các triệu chứng tái phát và hạn chế nguy cơ tổn thương, người bệnh có thể tham khảo các bài tập giãn cơ hoặc thay đổi chế độ luyện tập.
Trong các trường hợp cần thiết, người bệnh có thể cần phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!