Giãn Dây Chằng Lưng Có Nên Chườm Đá? Điều Nên Biết
Giãn dây chằng lưng có nên chườm đá không là câu hỏi chung của nhiều người bệnh. Trên thực tế, chườm đá là một phương pháp điều trị chấn thương hiệu quả, thường được áp dụng ngay khi bị thương. Với tác động nhiệt lạnh, phương pháp này giúp tiêu viêm, giảm sưng và xoa dịu nhanh cảm giác đau nhức.
Giãn dây chằng lưng là gì?
Trước khi tìm hiểu “Giãn dây chằng lưng có nên chườm đá không?”, người bệnh cần hiểu rõ về chấn thương này. Giãn dây chằng lưng là thuật ngữ y tế chỉ tình trạng căng giãn quá mức của các dây chằng lưng. Điều này tạo nên vết xước/ rách trên mô kèm theo cảm giác đau đớn.
Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân đau lưng đột ngột và nghiêm trọng hoặc đau nhẹ và tăng dần theo thời gian. Đau xuất hiện đồng thời với sưng (viêm), tụ huyết (bầm tím), co thắt/ co cứng cơ. Những trường hợp nặng còn có cột sống mất vững, bệnh nhân khó cử động hay thực hiện các hoạt động sinh hoạt bình thường..
Giãn dây chằng lưng thường liên quan đến té ngã, những chuyển động đột ngột hoặc quá mức. Chẳng hạn như xoắn, vặn, uốn cong lưng đột ngột hoặc quá tầm. Điều này khiến dây chằng bị kéo giãn và tổn thương.
Hầu hết giãn dây chằng lưng ở mức độ nhẹ và vừa. Những triệu chứng có thể giảm nhanh khi áp dụng các biện pháp chăm sóc. Trong đó chườm đá là một phương pháp dùng trong xử lý chấn thương ở bệnh nhân bị giãn dây chằng. Sau khi áp dụng, các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng. Một số trường hợp nặng cần dùng thêm thuốc để khắc phục.
Giãn dây chằng lưng có nên chườm đá không?
Chườm đá là một phương pháp xử lý chấn thương bằng nhiệt độ thấp. Phương pháp này giúp co mạch, giảm lưu thông máu, điều trị tổn thương và sưng đau sau chấn thương.
Vậy giãn dây chằng lưng có nên chườm đá không? Theo các chuyên gia, bệnh nhân bị giãn dây chằng lưng nên chườm đá càng sớm càng tốt. Khi chấn thương xảy ra, các dải mô (dây chằng) bị xước/ rách. Điều này kích thích phản ứng viêm bên trong dẫn đến sưng tấy, nóng đỏ và đau đớn.
Các mô xung quanh bị chèn ép nếu giãn dây chằng gây sưng tấy nghiêm trọng. Điều này làm tăng mức độ đau đớn. Chính vì thế mà bệnh nhân thường có cơn đau tăng dần theo thời gian. Ngoài ra mạch máu vỡ sau chấn thương khiến máu bầm đọng lại ở vùng tổn thương. Điều này tạo ra những vết bầm tím lan rộng.
Nghiên cứu cho thấy, chườm đá giúp các triệu chứng của chấn thương thuyên giảm đáng kể. Nguyên nhân là do nhiệt độ thấp làm tê liệt chấn thương, co mạch và giảm lưu lượng máu đi qua. Điều này giúp giảm ứ dịch ở vùng bị thương, ngăn vết bầm lan rộng.
Ngoài ra nhiệt độ thấp từ biện pháp chườm lạnh còn có tác dụng điều trị viêm, ngăn phát triển phản ứng viêm bên trong dây chằng bị thương. Đồng thời hỗ trợ đưa dây chằng về vị trí trung lập. Từ đó giúp giảm sưng tấy và đau nhức.
Chườm lạnh mang đến hiệu quả giảm sưng viêm và đau nhanh chóng. Tuy nhiên cần nhiều phương pháp khác để phục hồi dây chằng bị thương.
Khi nào cần chườm đá chữa giãn dây chằng?
Chườm đá được đánh giá là phương pháp xử lý tốt nhất cho những bệnh nhân bị đau cấp tính do chấn thương (bao gồm cả giãn dây chằng lưng) và viêm cấp (những tổn thương mới của các mô). Chính vì thế mà phương pháp này nên được áp dụng ngay khi chấn thương xảy ra.
Sau chấn thương, bệnh nhân cần giữ lưng ở tư thế nghỉ ngơi hoàn toàn, tránh những hoạt động liên quan để ngăn đau và tổn thương thêm. Trong 24 giờ đầu, dùng túi đá áp lên vị trí tổn thương càng sớm càng tốt.
Chườm đá được áp dụng sau mỗi buổi tập để giảm viêm và đau vì đây cũng là một loại viêm cấp. Phương pháp này cũng được sử dụng cho những bệnh nhân bị đau mãn tính nhưng không phổ biến bằng chườm nóng.
Giãn dây chằng lưng có nên chườm nóng không?
Tương tự như chườm đá, chườm nóng cũng là một phương pháp giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên đặc tính và cách thức hoạt động của hai phương pháp này hoàn toàn khác nhau.
Cụ thể chườm nóng sử dụng nhiệt độ cao (khoảng 40 – 70 độ C) để giãn mạch, tăng lượng máu đi qua vùng tổn thương. Điều này giúp thúc đẩy quá trình chữa lành các mô, giảm nhức và tê buốt.
Ngoài ra chườm nóng còn giúp thư giãn khớp xương, cải thiện tình trạng co thắt và cứng khớp, tăng khả năng vận động cho bệnh nhân. Tuy nhiên những trường hợp bị giãn dây chằng lưng và chấn thương nói chung không nên áp dụng biện pháp chườm nóng.
Chườm nóng làm tăng mức độ viêm cấp, sưng và đau nhiều hơn. Ngoài ra dùng nhiệt độ cao còn khiến dây chằng lưng thêm căng giãn, khó trở lại vị trí ban đầu. Đồng thời tăng tích tụ máu bầm do ứ huyết, bệnh nhân đau nhức âm ỉ.
Chính vì thế mà chườm nóng chỉ nên được sử dụng sau chấn thương ít nhất 3 ngày, đau do bệnh lý.
Cách chườm đá chữa giãn dây chằng lưng
Sau khi bị giãn dây chằng lưng, người bệnh cần nghỉ ngơi tại chỗ với vùng lưng được thư giãn hoàn toàn. Sau đó chườm lạnh và sử dụng nẹp lưng trong vài ngày. Để đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần chườm lạnh đúng cách, mỗi lần 15 – 20 phút, 2 – 4 tiếng 1 lần, liên tục 48 – 72 giờ.
Tùy thuộc vào nhu cầu, người bệnh có thể chườm lạnh bằng:
- Túi gel lạnh
- Khăn lạnh
- Túi đá
Hướng dẫn cách chườm lạnh chữa giãn dây chằng lưng hiệu quả:
+ Cách 1: Sử dụng túi đá lạnh
Chuẩn bị:
- 1 túi chườm hoặc khăn bông
- 5 – 6 viên đá lạnh (kích thước nhỏ).
Cách thực hiện:
- Cho đá lạnh vào túi chườm hoặc bọc gọn trong khăn bông
- Nằm sấp trên giường
- Dùng gối hoặc khăn bông mềm xếp gọn, kê cao vùng ngực và lưng
- Đặt túi đá lên khu vực bị đau, giữ nguyên từ 15 – 20 phút. Thư giãn
- Lặp lại mỗi 2 – 4 giờ 1 lần. Sau vài lần có thể cảm thấy cơn đau thuyên giảm đáng kể.
+ Thực hiện cách 2: Dùng khăn lạnh hoặc túi gel lạnh
Chuẩn bị:
- Khăn lạnh hoặc túi gel lạnh.
Cách thực hiện:
- Nằm sấp, thư giãn toàn bộ cơ thể
- Đặt khăn lạnh hoặc túi gel lạnh lên vùng bị đau
- Thư giãn trong 20 phút
- Thực hiện mỗi 2 – 3 giờ/ lần.
+ Thực hiện cách 3: Massage với đá lạnh
Chuẩn bị:
- Một vài viên đá lạnh.
Cách thực hiện:
- Dùng đá lạnh đặt trực tiếp lên vùng bị thương. Massage đều cho đến khi đá tan hết, tối đa 10 phút
- Thực hiện mỗi 4 giờ 1 lần.
Lưu ý khi chườm đá chữa giãn dây chằng lưng
Chườm đá là một biện pháp hữu hiệu cho bệnh nhân bị giãn dây chằng lưng. Hầu hết các trường hợp có sưng và đau thuyên giảm sau khi thực hiện biện pháp này. Tuy nhiên chườm đá cần được kết hợp với nghỉ ngơi, dùng nẹp để hạn chế đau và chấn thương thêm. Những trường hợp đau nhiều hoặc đau không giảm có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Khi những triệu chứng thuyên giảm, các bài tập phục hồi giãn dây chằng lưng cần được thực hiện đúng cách và an toàn. Điều này giúp khắc phục cơn đau, dây chằng tổn thương phục hồi hoàn toàn, bệnh nhân sớm trở lại hoạt động thể chất.
Một số lưu ý giúp chườm đá chữa giãn dây chằng lưng đạt hiệu quả cao và an toàn:
- Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, người bệnh có thể thay đổi thời gian chườm đá, không quá 20 phút/ lần, khoảng cách giữa những lần chườm đá không ít hơn 2 tiếng.
- Không chườm đá quá mức để tránh gây tổn thương mô.
- Không massage bằng đá lạnh quá 10 phút/ lần để hạn chế tình trạng bỏng lạnh.
- Thời điểm chườm đá tốt nhất là ngay sau chấn thương và luyện tập với cường độ cao.
- Không nên áp dụng biện pháp chườm đá ở những vùng có vết thương hở hoặc có vấn đề về tuần toàn.
- Chườm đá nên được áp dụng đồng thời với những biện pháp chăm sóc khác (chế độ dinh dưỡng phù hợp, nghỉ ngơi, bất động…) để đạt hiệu quả tối đa. Tập phục hồi chức năng khi các triệu chứng thuyên giảm.
- Nếu có cơn đau nặng hoặc kèm theo những biểu hiện nghiêm trọng khác, hãy đến bệnh việc sau khi xử lý chấn thương bằng biện pháp chườm đá.
Những thông tin nêu trên giúp giải đáp “Giãn dây chằng lưng có nên chườm đá không?”, cách thực hiện và các lưu ý an toàn. Nhìn chung chườm đá là một phương pháp xử lý chấn thương hiệu quả, giúp giảm nhanh tình trạng sưng, viêm và đau đớn. Tuy nhiên phương pháp này cần được thực hiện đúng cách, kết hợp với những biện pháp chăm sóc khác để đạt hiệu quả tối đa.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!