Gãy Xương Kín Là Gì? Phân Độ Và Thông Tin Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy xương kín là tình trạng xương gãy không xuyên qua da, không tạo ra vết thương hở hoặc gây chảy máu, thường có nguy cơ nhiễm trùng thấp hơn so với gãy xương hở. Tình trạng này tạo cảm giác đau nhức và sưng nề, giảm khả năng vận động. Phần lớn bệnh nhân được chỉ định nắn chỉnh và bó bột trong khi xương lành.

Gãy xương kín
Tìm hiểu gãy xương kín là gì? Phân độ, dấu hiệu nhận biết, nguyên nhân và cách điều trị

Gãy xương kín là gì?

Gãy xương kín là chấn thương thường gặp, thể hiện cho tình trạng xương gãy không xuyên qua da, các đầu xương không gây chảy máu và không tạo vết thương hở. Mặc dù vậy trong một số trường hợp gãy xương kín, bệnh nhân vẫn bị tổn thương mô mềm nghiêm trọng. Điều này có thể làm thay đổi các chỉ định điều trị ban đầu.

So với gãy xương hở (xương gãy đâm vào da), gãy xương kín có nguy cơ nhiễm trùng thấp. Vì thế bệnh nhân không phải phẫu thuật khẩn cấp để làm sạch và điều trị vùng gãy.

Phần lớn bệnh nhân sẽ được nắn chỉnh hoặc kéo xương bằng máy kết hợp bó bột hỗ trợ quá trình lành xương. Một số trường hợp khác có thể được chỉ định phẫu thuật sau chấn thương vài ngày hoặc vài tuần.

Một số vị trí gãy xương kín thường gặp

Khi có lực tác động trực tiếp, gãy xương kín có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn xương nào. Tuy nhiên tình trạng này thường phổ biến hơn ở những vị trí sau:

  • Gãy xương hông: Đây là một loại gãy xương phổ biến ở người cao tuổi. Hầu hết các trường hợp là gãy xương kín, hiếm khi gãy xương hở. Mặc dù vậy, phần lớn bệnh nhân bị gãy xương hông không thể tự đứng dậy và phải phẫu thuật điều trị.
  • Gãy cổ tay: Gãy cổ tay là một trong những chấn thương thường gặp, cần được sơ cứu và điều trị ngay khi chấn thương xảy ra. Đối với những trường hợp gãy xương kín, bệnh nhân sẽ được bó bột để giữ xương gãy luôn ở vị trí cố định. Những trường hợp nghiêm trọng hơn cần phải phẫu thuật điều trị để hạn chế những biến chứng không mong muốn.
  • Gãy mắt cá chân: Chấn thương này thường xảy ra khi bàn chân lật và hướng vào trong, khớp mắt cá chân bị xoắn do té ngã. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân bị gãy xương kín và cần tiến hành phẫu thuật để điều trị.
  • Gãy cột sống: Gãy cột sống thường gặp ở những bệnh nhân có xương mỏng do loãng xương. Phần lớn các trường hợp bị nén cột sống dẫn đến gãy xương (gãy xương do căng thẳng), vết nứt nhỏ, các triệu chứng không nghiêm trọng và khó nhận biết cho đến khi vết nứt tiến triển.

Nguyên nhân gây gãy xương kín

Một số vấn đề khiến bệnh nhân bị gãy xương kín:

  • Tác động lực trực tiếp: Một số chấn thương thường gây gãy xương kín như va chạm xe, té ngã trong sinh hoạt hoặc lao động, chấn thương thể thao
  • Gãy xương do căng thẳng: Tăng áp lực dẫn đến gãy do sử dụng xương quá mức và lặp đi lặp lại. Tình trạng này được gọi là gãy xương do căng thẳng, thường gặp ở người bị loãng xương hoặc có hệ xương suy yếu.
  • Gãy xương do bệnh lý: Gãy xương kín thường gặp ở những người bị gãy xương bệnh lý. Đối với trường hợp này, vết nứt được tạo ra khi xương bị suy yếu do khối u, nhiễm trùng, loãng xương hoặc một số tình trạng bệnh lý khác khiến cấu trúc của xương giảm độ chắc khỏe. Khi có chấn thương rất nhẹ, xương yếu có thể bị gãy ngay lập tức.
Gãy xương kín thường xảy ra do va chạm xe, té ngã
Gãy xương kín thường xảy ra do va chạm xe, té ngã trong sinh hoạt, chấn thương thể thao

Dấu hiệu nhận biết gãy xương kín

Gãy xương kín thường không gây ra những biểu hiện nghiêm trọng và rõ ràng như gãy xương hở. Đặc biệt là những bệnh nhân bị gãy xương do căng thẳng hoặc bệnh lý, xương gãy với một vết nứt nhỏ sau tai nạn.

Tuy nhiên dựa vào những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết dưới đây, người bệnh có thể nhận biết gãy xương kín và điều trị đúng cách.

  • Phát ra tiếng kêu răng rắc khi xương gãy
  • Đau khu trú ở vùng chấn thương hoặc những vị trí liên quan
  • Đau nghiêm trọng hơn khi dùng lực, vận động hoặc chạm nhẹ
  • Sưng nề tại vị trí tổn thương
  • Bầm tím
  • Mất hoặc giảm khả năng chịu lực và vận động của xương gãy
  • Biến dạng chi, chi xoắn vặn, gập góc hoặc bị ngắn lại
  • Hai đầu xương gãy cọ vào nhau và phát ra tiến kêu lạo xạo khi chuyển động
  • Hiếm khi tình trạng sốc xảy ra sau gãy xương kín.

Phân độ gãy xương kín

Dưới đây là phân loại của Oestern và Tscherne liên quan đến những tổn thương mô mềm của gãy xương kín.

Phân độ 0

  • Dạng gãy xương đơn giản
  • Tổn thương gián tiếp ở chi
  • Tổn thương mô mềm ở mức tối thiểu hoặc không có

Phân độ 1

  • Dạng gãy nhẹ
  • Bong tróc hoặc mài mòn bề ngoài

Phân độ 2

  • Mài mòn sâu
  • Tổn thương hoặc có vết trầy xước nhiễm độc sâu với cơ hoặc da
  • Chấn thương trực tiếp ở chi
  • Tổn thương gãy xương nghiêm trọng

Phân độ 3

  • Chấn thương gây đụng dập hoặc dập nát mô dưới da trên diện rộng
  • Tổn thương nghiêm trọng cơ bên dưới
  • Nhồi máu/ tụ máu dưới da
  • Hội chứng khoang
Phân độ gãy xương kín
Cần tiến hành phân độ gãy xương kín để có những phương pháp điều trị thích hợp nhất

Gãy xương kín có nguy hiểm không?

Gãy xương kín nếu được xử lý sớm và đúng cách sẽ không làm ảnh hưởng đến sự kết nối giữa các xương, xương gãy sớm liền lại và phục hồi chức năng. Ngược lại những trường hợp không được phát hiện và điều trị chậm trễ có thể khiến xương thêm di lệch. Điều này làm tăng nguy cơ gãy xương hở và gây khó khăn cho quá trình điều trị.

Hơn thế bệnh nhân sẽ có nguy cơ đối mặt với một số biến chứng sau:

  • Nhiễm trùng
  • Hội chứng khoang
  • Hoại tử mạch máu
  • Sốc giảm dịch
  • Sốt chấn thương vô trùng
  • Huyết khối tĩnh mạch sâu

Vì thế ngay khi té ngã hoặc có va đập mạnh, người bệnh cần được khám lâm sàng và sơ cứu, cố định gãy xương đúng cách. Sau đó di chuyển nhanh đến bệnh viện để được chỉ định điều trị với những phương pháp chuyên sâu hơn.

Chẩn đoán gãy xương kín

Để chẩn đoán gãy xương kín, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra các triệu chứng đặc trưng (điển hình như đau nhức, bầm tím, sưng nề, di lệch xương, biến dạng chỗ gãy…), tiền sử chấn thương, kết quả khám sức khỏe.

Ngoài ra bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để phân loại gãy xương, xác định xương gãy và đánh giá mức độ nghiêm trọng. Những kỹ thuật thường được áp dụng gồm:

  • Chụp X-quang: Đây là kỹ thuật được chỉ định phổ biến cho bệnh nhân bị gãy xương. Hình ảnh thu được từ kỹ thuật này có khả năng xác định loại và số lượng xương gãy, mức độ nghiêm trọng (phân loại gãy xương, kích thước vết nứt/ gãy).
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Chụp cộng hưởng từ khu vực có xương gãy nhằm xác định mô mềm cùng những cơ quan lân cận đang bị tổn thương. Từ đó đề xuất phương pháp điều trị thích hợp.
Chẩn đoán gãy xương kín
Chẩn đoán gãy xương kín dựa trên triệu chứng, tiền sử chấn thương, kết quả khám sức khỏe và chẩn đoán hình ảnh

Phương pháp điều trị gãy xương kín

Để chỉ định phương pháp điều trị gãy xương thích hợp, bác sĩ thường dựa trên nhiều yếu tố. Ngay cả những trường hợp có kiểu gãy xương tương tự nhau vẫn có thể được điều trị với phương pháp khác nhau. Điều này chủ yếu xảy ra do sự tác động của độ tuổi, tình trạng sức khỏe và phác đồ điều trị của mỗi bác sĩ. Tuy nhiên các phương pháp được chọn lựa đều nhằm mục đích kiểm soát tốt nhất tình trạng gãy xương và các tổn thương đi kèm.

Dưới đây là nguyên tắc và phương pháp điều trị gãy xương kín thường được áp dụng:

1. Nguyên tắc điều trị

Một số nguyên tắc được áp dụng trong điều trị gãy xương:

  • Đưa những mảnh xương vỡ trở về đúng vị trí
  • Cố định, ngăn ngừa mảnh xương di lệch ra khỏi vị trí đúng cho đến khi lành hẳn
  • Tạo điều kiện xây dựng và phát triển xương mới xung quanh những đầu xương gãy để xương liền nhanh và hiệu quả
  • Làm lành vết thương

2. Kéo xương

Nếu xương có dấu hiệu di lệch, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiến hành nắn hoặc kéo xương liên tục bằng một thiết bị hỗ trợ. Phương pháp này sử dụng lực nhẹ, ổn định và liên tục để sắp xếp lại các xương, loại tình trạng di lệch.

3. Bó bột cố định xương

Bó bột cố định xương được chỉ định cho hầu hết bệnh nhân bị gãy xương kín. Tùy thuộc vào sự di lệch của xương gãy, người bệnh có thể chỉ bó bột cho đến khi xương lành; nắn xương/ kéo xương kết hợp bó bột; hoặc phẫu thuật cố định xương kết hợp bó bột cho đến khi xương lành hẳn.

Băng bột có tác dụng bảo vệ xương lành, giữ các đoạn xương gãy thẳng hàng cho đến khi xương liền lại và phục hồi, hạn chế tình trạng di lệch trong khi điều trị.

4. Cố định bên trong

Cố định bên trong có tác dụng giữ cho các mảnh xương gãy luôn ở vị trí đúng, xương thẳng sau khi lành. Từ đó giúp người bệnh phục hồi chức năng vận động nhanh và dễ dàng hơn.

Đối với phương pháp này, người bệnh sẽ được mổ hở với một vết rạch lớn tại vùng xương gãy, sau đó sắp xếp các mảnh xương gãy bên trong. Cuối cùng sử dụng các thiết bị cấy ghép khác nhau như đinh nội tủy, vít, tấm kim loại, chốt thép không gỉ… để cố định và đảm bảo sự ổn định của xương trong khi lành.

Trong nhiều trường hợp, bác sĩ sử dụng một số cấy ghép chỉnh hình được thiết kế đặc biệt, có khả năng tồn tại vĩnh viễn bên trong cơ thể.

Đối với những trường hợp khác, bệnh nhân cần phải phẫu thuật lại để loại bỏ bộ phận cấy ghép (đã được sử dụng để hỗ trợ tạm thời cho đoạn xương gãy trong quá trình lành thương). Chỉ định này thường được áp dụng cho những bệnh nhân bị gãy thân xương đùi và gãy xương chày (xương ống chân) với mức độ nghiêm trọng.

Phẫu thuật lần hai cũng được thực hiện ở những người sử dụng dụng cụ cố định bên ngoài.

Cố định bên trong
Cố định bên trong giúp giữ cho các mảnh xương gãy luôn ở vị trí đúng, ổn định cho đến khi xương lành

5. Cố định bên ngoài

Cố định bên ngoài là một phương pháp điều trị hiệu quả cho những bệnh nhân đa chấn thương. Phương pháp này thường được chỉ định khi chấn thương mô mềm khiến quá trình phẫu thuật tại khu vực có xương gãy không an toàn.

Phương pháp cố định bên ngoài có khả năng cố định xương một cách an toàn và hiệu quả mà không làm ảnh hưởng đến mô mềm xung quanh. Khi thực hiện, bác sĩ sẽ tạo một vết mổ, sắp xếp lại xương gãy. Sau đó đặt vít hoặc đinh kim loại ở trên và dưới vết nứt nhằm mục đích giữ cho xương luôn ở vị trí thẳng hàng.

Các dụng cụ cố định được gắn vào xương sẽ kết dính với một thanh kim loại ngoài da, tạo thành một khung cố định vững chắc. Khung cố định này sẽ được duy trì cho đến khi xương lành và các tổn thương mô mềm được xử lý xong.

Đối với những trường hợp nặng, cố định bên ngoài có thể chỉ là một biện pháp tạm thời. Người bệnh sẽ được phẫu thuật lại khi tổn thương mô mềm xung quanh chỗ gãy đã ổn định.

Phương pháp hỗ trợ điều trị gãy xương kín

Để kiểm soát các triệu chứng, phục hồi và điều trị gãy xương, người bệnh sẽ được chỉ định một vài phương pháp hỗ trợ, bao gồm:

1. Dùng thuốc giảm đau

Bất kỳ loại gãy xương nào (bao gồm cả gãy xương kín) đều tạo cảm giác đau nhức khó chịu. Chính vì thế, trước và sau khi áp dụng các phương pháp điều trị, bác sĩ sẽ chỉ định một vài loại thuốc giảm đau. Điều này giúp người bệnh điều chỉnh tâm lý và dễ dàng hơn trong những hoạt động.

Những loại thuốc giảm đau thường được sử dụng:

  • Thuốc giảm đau Paracetamol: Đây là một loại thuốc giảm đau thông thường, được dùng cho bệnh nhân có cơn đau nhẹ.
  • Thuốc giảm đau chống viêm không Steroid: Ibuprofen hoặc một loại thuốc giảm đau chống viêm không Steroid khác sẽ được dùng cho những bệnh nhân có cơn đau trung bình. Thuốc có tác dụng giảm đau, điều trị và ngăn ngừa tình trạng viêm tiến triển.
  • Codeine: Đây là một loại thuốc giảm đau gây nghiện, được dùng cho những trường hợp có cơn đau nặng. Thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả và nhanh chóng. Tuy nhiên Codeine chỉ được dùng ngắn hạn để tránh tác dụng phụ.
Dùng thuốc giảm đau
Dùng thuốc giảm đau trước và trong khi điều trị gãy xương để kiểm soát cơn đau, người bệnh vận động dễ dàng hơn

2. Vật lý trị liệu

Sau khi xương lành, người bệnh sẽ được yêu cầu đi lại và vân động nhẹ nhàng. Đồng thời vật lý trị liệu với những bài tập thích hợp để sớm phục hồi sức cơ và chức năng vận động.

Những bài tập này có tác dụng phục hồi cơ bắp và sức mạnh cho những khu vực bị ảnh hưởng, phục hồi tính linh hoạt và khả năng vận động, tăng cường sức khỏe tổng thể. Ngoài ra vật lý trị liệu còn có tác dụng giảm đau và hạn chế cứng khớp.

Trong thời gian đầu, người bệnh sẽ được vật lý trị liệu với những bài tập nhẹ. Sau một thời gian thích nghi, chuyên gia vật lý trị liệu có thể thay đổi bài tập và tăng dần cường độ luyện tập.

Biện pháp phòng ngừa gãy xương kín

Nguy cơ gãy xương kín có thể giảm khi thực hiện một số biện pháp dưới đây:

  • Duy trì chế độ ăn uống cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng.
  • Thường xuyên uống sữa, ăn nhiều sữa chua, các loại rau lá xanh, đậu, hạt, cá, hải sản… để đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng canxi cần thiết. Từ đó giúp hệ xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương kín.
  • Tắm nắng sớm mỗi ngày 15 phút kết hợp ăn nhiều thực phẩm lành mạnh để cung cấp hàm lượng vitamin D3 cần thiết. Đây là một loại vitamin giúp đẩy nhanh quá trình hấp thụ và dùng canxi của cơ thể.
  • Duy trì thói quen luyện tập và hoạt động thể chất với những bài tập, bộ môn thích hợp (yoga, đi bộ, bơi lội, đạp xe, bóng rổ…), tối thiểu 30 phút/ ngày. Điều này giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, giảm nguy cơ thoái hóa sớm, ổn định chức năng và độ chắc khỏe của khung xương. Đồng thời tăng sự linh hoạt và giảm nguy cơ gãy xương do té ngã, va chạm.
  • Giữ cân nặng ở mức an toàn để giảm áp lực từ trọng lượng đến xương.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá và không uống nhiều rượu bia. Bởi những sản phẩm này làm tăng quá trình đào thải canxi, tăng nguy cơ gãy xương và loãng xương.
  • Thận trọng trong sinh hoạt để phòng ngừa chấn thương gãy xương.
  • Không nên lạm dụng xương khớp quá mức và lặp đi lặp lại để tránh gãy xương do căng thẳng.
  • Điều trị gãy xương và nhiều bệnh lý khác khiến xương khớp suy yếu. Điều này giúp giảm nguy cơ gãy xương.
  • Mặc đồ bảo hộ khi chơi những môn thể thao tiếp xúc hoặc làm những công việc có mức độ nguy hiểm cao.
Đảm bảo bổ sung đủ hàm lượng canxi cần thiết
Đảm bảo cung cấp đủ hàm lượng canxi cần thiết để giúp hệ xương chắc khỏe và giảm nguy cơ gãy xương kín

Gãy xương kín là một tình trạng thường gặp. So với gãy xương hở, tình trạng này ít gây nhiễm trùng, da không bị thủng, đôi khi tổn thương mô mềm xung quanh và triệu chứng không quá nghiêm trọng.

Tuy nhiên người bệnh không nên chủ quan để tránh xương gãy di lệch, tăng nguy cơ nhiễm trùng, hoại tử khi không điều trị kịp thời và đúng cách. Vì thế người bệnh cần đến bệnh viện để khám chữa ngay khi chấn thương xảy ra.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Thay Khớp Háng Khi Nào Đi Lại Bình Thường
Thay khớp háng khi nào đi lại bình thường là câu hỏi chung của nhiều người bệnh. Thông thường người bệnh có thể đi lại bình thường sau phẫu thuật thay khớp háng vài tuần, khi cơn đau được kiểm ...
Xem chi tiết
Giãn Dây Chằng Nên Chườm Nóng Hay Lạnh
Giãn dây chằng nên chườm nóng hay lạnh giúp mau khỏi là vấn đề chung của nhiều người bệnh. Thực tế cho thấy cả hai đều là phương pháp giảm đau an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên mỗi biện ...
Xem chi tiết
Nứt Xương Có Cần Bó Bột Không
Nứt xương có cần bó bột không phụ thuộc vào tình trạng của vết thương, mức độ nghiêm trọng của vết gãy và chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Ngành Ngồi Mu Bao Lâu Mới Lành
Gãy xương ngành ngồi mu bao lâu mới lành phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức độ tổn thương, mức độ di lệch xương cũng như khả năng đáp ứng điều trị của người bệnh. Để rút ngắn ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Đòn Vai Có Phải Phẫu Thuật
Gãy xương đòn là tổn thương cực kỳ phổ biến, chiếm 5% tổng số các trường hợp gãy xương và thường được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Vậy gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không, ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua