Gãy Liên Mấu Chuyển Xương Đùi Và Thông Tin Cần Biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là một loại gãy xương xảy ra ở đầu trên xương đùi, thường gặp ở người cao tuổi có xương khớp suy yếu hoặc mắc bệnh loãng xương. Tổn thương này khiến bệnh nhân không thể đứng vững, đau háng nghiêm trọng. Các triệu chứng thường nặng nề hơn khi vận động háng và dồn trọng lượng ở bên tổn thương.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi
Tìm hiểu dấu hiệu nhận biết gãy liên mấu chuyển xương đùi, nguyên nhân, hướng điều trị hiệu quả

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là gì?

Xương đùi là xương lớn, chắc khỏe và được phân thành ba đoạn, gồm đầu trên xương đùi, thân xương đùi và đầu dưới xương đùi. Trong đó đầu trên xương đùi được chia nhỏ thành bốn phần: Vùng mấu chuyển, vùng dưới mấu chuyển, cổ xương đùi và chỏm xương đùi.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là tình trạng gãy xương hoặc có vết nứt ở vùng mấu chuyển khiến người bệnh đau đớn nghiêm trọng, khó đứng vững và dồn trọng lượng lên chân tổn thương.

Chấn thương này chủ yếu xảy ra do té ngã trong tư thế dập háng xuống sàn, thường gặp ở người lớn tuổi và phụ nữ mãn kinh có xương khớp suy yếu do suy giảm nội tiết tố.

Thông thường người bệnh sẽ được sơ cứu cố định xương gãy và dùng thuốc kiểm soát cơn đau. Sau đó đánh giá tình trạng và điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi bằng phương pháp phẫu thuật. Một số người mắc bệnh mãn tính hoặc có thể trạng yếu có thể cân nhắc điều trị bảo tồn để giảm rủi ro.

Triệu chứng gãy liên mấu chuyển xương đùi

Gãy liên mấu chuyển xương đùi gây ra những triệu chứng khó chịu và nghiêm trọng, cụ thể:

  • Đau háng nghiêm trọng
  • Không thể tự đứng dậy
  • Đau nhức nghiêm trọng hơn khi vận động háng và dồn trọng lượng về bên tổn thương
  • Chênh lệch độ dài của hai chân. Chân bệnh ngắn hơn chân lành
  • Bàn chân bên bệnh có xu hướng xoay ra ngoài
  • Một số trường hợp có vết bầm tím và sưng nóng ở khớp háng

Nguyên nhân gây gãy liên mấu chuyển xương đùi

Gãy liên mấu chuyển xương đùi thường xảy ra khi người bệnh té ngã trong sinh hoạt, tai nạn giao thông và một số chấn thương khác tác động trực tiếp lên vùng trên xương đùi. Đặc biệt những người trượt chân ngã trong tư thế dập háng xuống sàn sẽ có khả năng nứt gãy vùng vùng mấu chuyển cao hơn.

Chấn thương này không giới hạn độ tuổi và giới tính. Tuy nhiên gãy liên mấu chuyển xương đùi phổ biến hơn ở người lớn tuổi, phụ nữ tiền mãn kinh hoặc mãn kinh có xương khớp suy yếu, bệnh nhân bị loãng xương.

Nguyên nhân gây gãy liên mấu chuyển xương đùi
Trượt chân ngã trong tư thế dập háng xuống sàn thường gây gãy liên mấu chuyển xương đùi

Phân độ gãy liên mấu chuyển xương đùi

Gãy liên mấu chuyển xương đùi được phân thành ba nhóm chính (theo AO). Trong mỗi nhóm chính (A1, A2, A3) có ba tiểu nhóm (1, 2, 3) với mức độ nghiêm trọng tăng dần.

  • Loại A1: Gãy vững và đơn giản, dễ nắm chỉnh. Có một đường gãy bắt đầu từ mấu chuyển chạy dọc đến vỏ xương bên trong. Có 3 dạng:
    • A1.1: Đường gãy xuất hiện ở nền cổ mấu chuyển.
    • A1.2: Đường gãy xuất hiện ở liên mấu chuyển.
    • A1.3: Đường gãy xuất hiện ở dưới mấu chuyển bé.
  • Loại A2: Gãy không vững, mấu chuyển bị gãy có nhiều mảnh rời. Hướng đường gãy bắt đầu từ mấu chuyển chạy dọc đến vỏ thân xương bên trong. Có 3 mức gãy vỏ thân xương bên trong:
    • A2.1: Gãy có một mảnh rời.
    • A2.2: Gãy có hai mảnh rời.
    • A2.3: Gãy có ba mảnh rời hoặc nhiều hơn
  • Loại A3: Gãy rất không vững, xương gãy dễ di lệch, khó phục hồi và khó nắn chỉnh. Đường gãy bắt đầu từ vỏ thân xương đùi bên dưới mấu chuyển lớn chạy dọc và sâu vào trong mấu chuyển bé. Ngoài ra nhóm A3 còn bao gồm những trường hợp có đường gãy bên ngoài, phát triển từ dưới mấu chuyển lớn chạy dọc và kết thúc phía trong mấu chuyển bé (đường gãy chéo ngược).
    • A3.1: Đường gãy chéo, chếch lên, đường gãy đơn giản.
    • A3.2: Đường gãy ngang, đường gãy đơn giản.
    • A3.3: Đường gãy đơn giản, chéo và chếch lên kèm theo gãy mấu chuyển nhỏ.

Gãy liên mấu chuyển xương đùi có nghiêm trọng không?

Gãy liên mấu chuyển xương đùi cần được chẩn đoán và điều trị sớm. Bởi khi xảy ra ở người lớn tuổi, chấn thương này có thể làm mất khả năng sống độc lập và rút ngắn tuổi thọ.

Ngoài ra gãy liên mấu chuyển xương đùi không được điều trị kịp thời còn khiến người bệnh bất động lâu trên giường và tăng nguy cơ phát sinh những biến chứng dưới đây:

  • Teo cơ chân do mất khối lượng cơ
  • Tăng nguy cơ nhiễm trùng, đặc biệt là viêm phổi và nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Gây ra các cục máu đông
  • Loét các điểm tỳ

Nếu biến chứng xuất hiện kéo dài, bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong cao.

Chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi

Thông thường người bệnh sẽ được kiểm tra bệnh sử, tình trạng sức khỏe và cơ chế chấn thương để chẩn đoán nguy cơ gãy liên mấu chuyển xương đùi. Sau đó bệnh nhân được kiểm tra triệu chứng lâm sàng kết hợp các xét nghiệm hình ảnh để đánh giá mức độ nghiêm trọng (chẩn đoán cấp độ) và xác định hướng điều trị.

1. Kiểm tra triệu chứng lâm sàng

Bác sĩ chuyên khoa có thể quan sát, sờ, ấn/ gõ nhẹ để xác định và đánh giá các triệu chứng.

  • Đau nhức nhiều khi sờ hoặc khi thực hiện các chuyển động theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Sưng tấy kèm theo bầm tím quanh khớp háng
  • Chiều dài hai chân không đồng đều, có thể nhận thấy rõ khi quan sát
  • Bàn chân xoay ngoài
  • Dồn trục đau khi ấn hoặc gõ
  • Sờ thấy mấu chuyển lệch khỏi vị trí bình thường

2. Kiểm tra hình ảnh

Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính (CT) sẽ được chỉ định để kiểm tra mức độ nghiêm trọng và định hướng điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi.

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang khớp háng thấy có vết nứt gãy vùng mấu chuyển. Ngoài ra dựa trên hình ảnh thu được từ kỹ thuật này, bác sĩ có thể đánh giá cấp độ gãy và những tổn thương khác liên quan đến đầu trên xương đùi do chấn thương gây ra.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính thường được chỉ định cho những bệnh nhân có vết gãy phức tạp, chấn thương mạnh làm tổn thương nhiều vị trí khác. Dựa vào hình ảnh CT, bác sĩ có thể xác định các tổn thương xương (bao gồm tổn thương nhỏ, khó thấy trên hình ảnh X-quang) và những tổn thương mô mềm do xương gãy làm ảnh hưởng.
Chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi
Chụp X-quang và chụp cắt lớp vi tính giúp kiểm tra, chẩn đoán gãy liên mấu chuyển xương đùi

Phương pháp điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi

Phần lớn những trường hợp gãy liên mấu chuyển xương đùi được chỉ định phẫu thuật điều trị để khắc phục tình trạng. Một số trường hợp có thể trạng suy yếu hoặc không thể phẫu thuật do các bệnh mãn tính, người bệnh sẽ được điều trị bằng phương pháp bảo tồn.

Ngoài ra quá trình điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi còn bao gồm các biện pháp sơ cứu và phục hồi chức năng.

1. Sơ cứu

Ngay khi phát hiện gãy liên mấu chuyển xương đùi, người bệnh sẽ được sơ cứu bằng một số phương pháp sau:

  • Nẹp chống xoay: Nẹp chống xoay được sử dụng để cố định đoạn xương gãy, tránh để xương di lệch và vết gãy trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Thuốc giảm đau: Trong giai đoạn sơ cứu, người bệnh sẽ được yêu cầu sử dụng một số loại thuốc để kiểm soát cơn đau, ngăn các triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn.

2. Điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn thường được cân nhắc cho những trường hợp sau:

  • Bệnh nhân không thể phẫu thuật do có nhiều bệnh mãn tính hoặc thể trạng thiếu
  • Gãy di lệch ít, người bệnh có thể ngồi dậy được

Những phương pháp được áp dụng trong điều trị bảo tồn gãy liên mấu chuyển xương đùi:

  • Bó bột: Trong khi điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi, người bệnh được nắn chỉnh xương để giảm tối đa mức độ di lệch. Sau đó tiến hành bó bột để cố định chỗ gãy. Phương pháp điều trị này giúp xương luôn ở vị trí đúng trong khi lành. Từ đó hỗ trợ liền xương hiệu quả.
    • Bệnh nhân trẻ: Bó bột chậu đùi bàn chân kết hợp luyện tập sớm.
    • Bệnh nhân lớn tuổi: Phần lớn các trường hợp đều được bó bột chống xoay.
  • Kéo xương: Một số trường hợp cần thực hiện biện pháp kéo xương trên bàn Braun để giúp xương di lệch trở về vị trí ban đầu và giảm nguy cơ ngắn chi.

3. Điều trị phẫu thuật

Các phương pháp phẫu thuật được dùng trong điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi:

  • Phẫu thuật kết hợp xương gãy

Phẫu thuật kết hợp xương gãy thường được áp dụng cho những bệnh nhân dưới 65 tuổi và có mật độ xương tốt. Phương pháp này có tác dụng cố định hai đầu xương gãy bằng vít kim loại trong khi xương lành. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bác sĩ có thể dùng thêm một tấm kim loại để hỗ trợ.

Trong khi phẫu thuật kết hợp xương gãy, bác sĩ sẽ tiến hành rạch da để tạo ra một vết mổ lớn. Sau đó sắp xếp các mảnh xương gãy và giúp chúng khích vào nhau. Đóng đinh nội tủy để cố định trong suốt thời gian xương lành.

Đối với những trường hợp có vết gãy lớn, nhiều vít kim loại sẽ được gắn vào xương (từ vết gãy đến xương đùi). Các đầu vít kết nối với nhau thông qua một tấm kim loại để giữ xương và đạt hiệu quả điều trị cao hơn.

Phẫu thuật kết hợp xương gãy
Phẫu thuật kết hợp xương gãy cho bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi dưới 65 tuổi và có mật độ xương tốt
  • Phẫu thuật thay một phần khớp háng

Những trường hợp gãy liên mấu chuyển xương đùi có đầu xương gãy bị di lệch nhiều hoặc hư hỏng, người bệnh cần cân nhắc phẫu thuật thay một phần khớp háng theo chỉ định của bác sĩ.

Để thực hiện, bác sĩ sẽ sử dụng một số dụng cụ hỗ trợ loại bỏ một hoặc nhiều phần hư hỏng của khớp háng. Sau đó sử dụng thiết bị nhân tạo có kết cấu tương tự để lắp vào vị trí còn trống. Thiết bị được thay thế có nhiệm vụ tương tự như một bộ phận bình thường, giúp duy trì sự ổn định và khả năng vận động của khớp sau khi lành.

  • Phẫu thuật thay toàn phần khớp háng

Phẫu thuật thay toàn phần khớp háng thường được xem xét và áp dụng cho những trường hợp sau:

    • Gãy liên mấu chuyển xương đùi kèm theo thoái hóa khớp háng từ trước
    • Xương yếu do loãng xương khiến xương không đủ độ chắc khỏe để giữ vững các phương tiện kết hợp xương (đinh, vít kim loại, tấm kim loại…)
    • Điều trị thất bại với phương pháp kết hợp xương trước đó

Đối với phẫu thuật thay toàn phần khớp háng, bác sĩ sẽ tiến hành loại bỏ khớp háng hư hỏng. Sau đó sử dụng khớp nhân tạo (kết cấu và chức năng tương tự) để thay thế. Phương pháp điều trị này mang đến hiệu quả cao, nhanh và lâu dài hơn cho hầu hết trường hợp.

Sau phẫu thuật thay toàn phần khớp háng, người bệnh sẽ được hướng dẫn những bài tập giúp thích nghi với khớp nhân tạo và phục hồi chức năng nhanh hơn.

4. Phục hồi chức năng

Để phục hồi chức năng cho bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, người bệnh sẽ được hướng dẫn vận động nhẹ nhàng kết hợp các bài tập vật lý trị liệu. Những bài tập này có tác dụng tăng cường sức mạnh, phục hồi chức năng, giúp chuyển động linh hoạt và nâng cao khả năng chịu lực của khớp.

Ngoài ra các bài tập vật lý trị liệu còn có tác dụng cải thiện các khối cơ quanh khớp, giúp bệnh nhân sớm đứng vững và đi lại bình thường. Đồng thời hỗ trợ giảm đau và hạn chế những biến chứng sau phẫu thuật.

Thông thường vận động và vật lý trị liệu – phục hồi chức năng sẽ được áp dụng vào ngày đầu tiên sau phẫu thuật. Tùy thuộc vào tình trạng, người bệnh sẽ được hướng dẫn chuyển động đúng cách và luyện tập với những bài tập nhẹ. Cường độ luyện tập sẽ tăng dần vào những ngày tiếp theo để đảm bảo bệnh nhân sớm trở về với đời sống bình thường.

Khi tập đi, người bệnh sẽ được hướng dẫn dùng nạng hoặc khung tập đi để hỗ trợ. Sau 8 – 12 tuần, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập đi không dùng nạng/ khung hỗ trợ.

Vận động nhẹ nhàng kết hợp các bài tập vật lý trị liệu
Vận động nhẹ nhàng kết hợp bài tập vật lý trị liệu giúp phục hồi chức năng sau điều trị gãy liên mấu chuyển xương đùi

Chăm sóc bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi

Dưới đây là cách chăm sóc bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi giúp liền xương và phục hồi chức năng nhanh hơn.

+ Chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân không phẫu thuật

Tuần đầu

  • Tập ngồi dậy sớm, nhẹ nhàng co duỗi chân đau, không thòng chân đau xuống giường
  • Tập thở bụng
  • Tập gồng các ngón chân bên đau và bên chân lành
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều thịt, cá và các loại rau
  • Nằm trên một chiếc đệm mỏng, dùng loại chống loét, giường rộng rãi
  • Dùng gối tròn nhỏ có chiều dài khoảng 40 – 50cm đặt giữa chân và đầu gối.

Tuần thứ 2

  • Tập ngồi dậy sớm, nhẹ nhàng co duỗi chân đau, không thòng chân đau xuống giường
  • Tập thở bụng
  • Tập gồng các ngón chân bên đau và bên chân lành
  • Uống nhiều nước, ăn nhiều thịt, cá và các loại rau
  • Dùng thuốc chống loãng xương.

Tuần thứ 3 – 4

  • Tăng cường co duỗi đầu gối và khớp háng.

Tuần thứ 5

  • Bỏ gối nhỏ giữa hai đầu gối
  • Thòng hai chân xuống mép giường.

Từ tuần thứ 6

  • Tập đi hai nạng
  • Tập chống chân đau.

Sau 3 tháng

  • Tập đi không dùng nạn.

Lưu ý

  • Không nên khép hai chân lại vì sẽ làm ngắn chân.
  • Không nên nằm quá lâu trên giường để hạn chế nguy cơ loãng xương do bất động.
  • Không nên lót khăn hoặc gối vào khoeo chân. Bởi điều này có thể dẫn đến tình trạng co rút khớp gối chân đau.
  • Tái khám ngay nếu loét ở mông, đau nhiều hơn bình thường hoặc cẳng chân kéo dài.
  • Theo dõi các biến chứng để kịp thời thăm khám và xử lý. Cụ thể như đơ khớp do không cử động, chèn ép thần kinh mạch máu, loét da.

+ Chăm sóc, phục hồi chức năng cho bệnh nhân phẫu thuật kết hợp xương

Ngày đầu sau mổ

  • Theo dõi tổng trạng
  • Cử động nhẹ nhàng trên giường

Ngày thứ 2 sau mổ

  • Tập ngồi dậy từ từ, cố gắng thẳng lưng và tựa lưng trên ván
  • Tập thở bụng
  • Thực hiện động tác co duỗi nhẹ chân bệnh.

Ngày thứ 3

  • Tập ngồi thẳng và thòng chân xuống giường.

Ngày thứ 4

  • Tập đi bằng hai nạng hoặc khung tập đi (thực hiện theo hướng dẫn của bác sĩ và dựa vào sức khỏe tổng thể).

Ngày thứ 5 – 7 (được xuất viện)

  • Tập đi
  • Tắm nắng mỗi sáng.

Ngày thứ 10 – 14

  • Cắt chỉ vết mổ
  • Tăng cường co duỗi khớp háng.

Ngày thứ 15 – 30

  • Tập đá tạ
  • Tập đi, chống mạnh dần chân đau
  • Tái khám và chụp X-quang mỗi tháng.

Sau 2 tháng

  • Tập đi bỏ nạng bên chân đau.

Sau 3 – 4 tháng

  • Tập đi bỏ nạng bên chân lành.

Sau 4 – 6 tháng

  • Xương lành, tập vận động với cường độ thích hợp.

Lưu ý

  • Không nên nằm quá lâu trên giường để tránh gây loãng xương.
  • Nên thường xuyên cử động, luyện tập với cường độ thích hợp theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Tránh ngồi xổm và ngồi tréo chân.
  • Không nên chống mạnh chân đau quá sớm.
  • Tái khám nếu cảm thấy đau nhiều hơn bình thường.
Chăm sóc bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi
Chăm sóc bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi giúp phục hồi nhanh, hạn chế biến chứng

Gãy liên mấu chuyển xương đùi bao lâu lành?

Nếu được điều trị tích cực, bệnh nhân bị gãy liên mấu chuyển xương đùi thường lành xương trong khoảng 3 – 5 tháng điều trị bảo tồn và 4 – 6 tháng điều trị phẫu thuật. Đối với điều trị bảo tồn, các biện pháp chăm sóc cần được thực hiện đúng và luôn luôn theo dõi các biểu hiện. Nguyên nhân là do biến chứng có thể xảy ra và tiến triển ở những người lớn tuổi do nằm lâu.

Phòng ngừa gãy liên mấu chuyển xương đùi

Phần lớn gãy liên mấu chuyển xương đùi xảy ra ở người lớn tuổi và những người có hệ xương khớp suy yếu. Một số biện pháp dưới đây có thể giảm nguy cơ chấn thương:

  • Thận trọng ngay cả khi chơi thể thao và thực hiện các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt là người lớn tuổi. Điều này giúp hạn chế nguy cơ té ngã dẫn đến gãy liên mấu chuyển xương đùi.
  • Thường xuyên dọn dẹp nhà cửa, tránh để các vật dụng ở đường đi để không gây tình trạng vướng chân và té ngã. Đặc biệt là những gia đình có người già, trẻ nhỏ và người có thị lực yếu.
  • Một số loại thuốc điều trị có thể gây loãng xương và một số tác dụng phụ làm tăng nguy cơ té ngã (nguyên nhân gây gãy liên mấu chuyển xương đùi). Cụ thể như hoa mắt, yếu chi, chóng mặt, nhức đầu… Vì thế cần cân nhắc và liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nếu có tác dụng phụ trong khi dùng thuốc.
  • Người già và những người có hệ xương khớp suy yếu, khó đi lại, thường xuyên mất thăng bằng nên dùng các thiết bị hỗ trợ như khung tập đi, nạng… theo sự hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Những dụng cụ này có thể giúp hạn chế tình trạng té ngã hiệu quả.
  • Loại bỏ thói quen hút thuốc lá và không nên uống nhiều rượu bia. Bởi một số thành phần có hại có thể gây đào thải canxi trong xương, giảm hấp thụ canxi từ thực phẩm. Từ đó làm giảm mật độ xương, hệ xương suy yếu.
  • Tập thể dục mỗi ngày 30 – 60 phút để duy trì hệ xương khớp chắc khỏe, tăng cường các cơ hỗ trợ và cải thiện sự cân bằng. Đối với người lớn tuổi có nguy cơ cao bị gãy liên mấu chuyển xương đùi, bạn cần thường xuyên đi bộ, đạp xe, yoga… Bởi những bộ môn này có tác dụng rèn luyện cơ và tăng khả năng chịu trọng lượng cho xương. Đồng thời hỗ trợ duy trì mật độ xương, tăng khả năng đứng vững và giữ thăng bằng cho người lớn tuổi, người có xương khớp suy yếu. Điều này giúp hạn chế tối đa nguy cơ gãy xương nói chung và gãy liên mấu chuyển xương đùi nói riêng.
  • Không nên ngồi/ đứng lâu một chỗ, lười vận động. Bởi những điều này làm tăng nguy cơ thoái hóa xương khớp và gãy liên mấu chuyển xương đùi khi có lực tác động.
  • Thiết lập một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng và cân bằng. Đặc biệt cần ăn nhiều thực phẩm giàu canxi và vitamin D để đáp ứng nhu cầu về khoáng chất và vitamin cho cơ thể. Canxi và vitamin D giúp xây dựng và duy trì hệ xương khớp chắc khỏe, tăng mật độ xương, hạn chế loãng xương trong tương lai. Đối với người lớn tuổi, nên tăng cường bổ sung thêm chất chống oxy hóa, magie, kali, phốt pho, omega-3, vitamin C… Đây đều là những thành phần tốt cho hệ xương và sức khỏe tổng thể, tham gia vào quá trình chống thoái hóa và bệnh loãng xương.
Thiết lập một chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng
Thiết lập chế độ ăn uống giàu dinh dưỡng, tăng bổ sung canxi và vitamin D giúp hạn chế gãy liên mấu chuyển xương đùi

Gãy liên mấu chuyển xương đùi là chấn thương thường gặp ở người cao tuổi và người có các bệnh lý khiến hệ xương khớp suy yếu. Tuy nhiên chấn thương này có thể được phòng ngừa và điều trị bằng nhiều phương pháp, hạn chế biến chứng trong tương lai. Vì thế ngay khi té ngã gây đau nhức nhiều hoặc có nghi ngờ gãy xương, người bệnh cần được đưa đến bệnh viện, chẩn đoán và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Mổ Rách Sụn Chêm Ở Đâu Tốt
Xác định mổ rách sụn chêm ở đâu tốt là điều cần thiết và quan trọng để có kế hoạch thăm khám, điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Ngón Tay Để Lâu Có Sao Không
Nếu thắc mắc trật khớp ngón tay để lâu có sao không người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Điều trị sớm là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Bàn Chân Bao Lâu Thì Đi Lại Được
Gãy xương bàn chân bao lâu thì đi lại được, khi nào lành hẳn còn phục thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy. Bàn chân có cấu trúc phức tạp, giúp cân bằng trọng lượng cơ thể và ...
Xem chi tiết
Bị Gãy Xương Có Nên Quan Hệ
Những người bị gãy xương có nên quan hệ không? Cần thực hiện những biện pháp nào giúp xương mau lành là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Theo các chuyên gia, người bị gãy xương cần có một ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Đòn Vai Có Phải Phẫu Thuật
Gãy xương đòn là tổn thương cực kỳ phổ biến, chiếm 5% tổng số các trường hợp gãy xương và thường được điều trị bằng các phương pháp bảo tồn. Vậy gãy xương đòn vai có phải phẫu thuật không, ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua