Đứt Dây Chằng Chéo Sau: Dấu Hiệu, Điều Trị và Phục Hồi

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đứt dây chằng chéo sau (PCL) xảy ra sau một lực tác động mạnh hoặc chấn thương tiếp xúc trong khi chơi thể thao khiến PCL bị đứt. Tổn thương làm mất tính ổn định của khớp, hạn chế phạm vi vận động. Đồng thời gây sưng và đau đớn ở đầu gối.

Đứt dây chằng chéo sau
Tìm hiểu đứt dây chằng chéo sau, nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và hướng phục hồi hiệu quả

Đứt dây chằng chéo sau là gì?

Dây chằng chéo sau (PCL) nằm ngay sau dây chằng chéo trước (ACL), bên trong đầu gối. PCL và ACL bắt chéo hình thành hình chữ X. Chúng có nhiệm vụ hỗ trợ và điều chỉnh hoạt động qua lại của đầu gối.

PCL bắt nguồn từ mép bên của xương đùi giữa và một phần của rãnh liên sườn kéo dài về phía sau của xương chày, ngay dưới bề mặt khớp. Dây chằng chéo sau giúp ổn định các xương khớp khi vận động, đặc biệt là xương chày và xương đùi. Đồng thời ngăn xương chày di chuyển ra sau vào xương đùi và ngăn xương đùi trượt khỏi mép trước của xương chày.

Đứt dây chằng chéo sau (PCL) là tình trạng dây chằng chéo sau bị rách hoàn toàn sau một lực tác động mạnh

Đứt dây chằng chéo sau (PCL) là thuật ngữ thể hiện cho tình trạng dây chằng chéo sau bị rách toàn phần sau một lực tác động mạnh. Tình trạng này làm mất tính ổn định của khớp gối kèm theo cảm giác đau đớn và sưng dữ dội.

Tổn thương dây chằng chéo sau thường gặp ở người bị tai nạn ô tô với đầu gối gập và va vào bảng điều khiển; đầu gối uốn cong khi ngã, chấn thương tiếp xúc khi chơi thể thao hoặc chấn thương xoắn nghiêm trọng.

So với đứt dây chằng chéo trước, đứt dây chằng chéo sau ít phổ biến và khó đánh giá hơn. Thông thường tổn thương dây chằng chéo sau sẽ xuất hiện đồng thời với tổn thương của những cấu trúc khác ở đầu gối. Bao gồm cả xương, gân, sụn và một vài dây chằng khác.

Nguyên nhân gây đứt dây chằng chéo sau

Đứt dây chằng chéo sau xảy ra khi ngã với đầu gối uốn cong hoặc va đập mạnh khi xương ống quyển ngay dưới đầu gối. Điều này thường do những nguyên nhân sau:

  • Tai nạn xe ô tô với đầu gối gập và va vào bảng điều khiển
  • Té ngã và tiếp đất với đầu gối cong. Thường gặp ở người chơi bóng đá, trượt tuyết
  • Va chạm mạnh hoặc khuỵu gối với bàn chân hướng xuống
  • Đầu gối bị trẹo hoặc uốn cong quá mức trong một chuyển động đột ngột
  • Chấn thương xoắn khiến dây chằng bị kéo giãn quá mức.

Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo sau

Triệu chứng và dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo sau gồm:

  • Đau nhức đột ngột
  • Sưng nề
  • Cứng khớp gối
  • Không thể đặt trọng lượng cơ thể lên chân tổn thương
  • Khó khăn đi lại
  • Có cảm giác lỏng lẻo ở khớp gối (mất tính ổn định)
  • Đôi khi nghe thấp tiếng kêu lốp bốp khi dây chằng chéo sau bị rách.
Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo sau
Dấu hiệu nhận biết đứt dây chằng chéo sau gồm đau nhức, sưng nề, có cảm giác lỏng lẻo ở khớp gối…

Trong trường hợp không có tổn thương các cấu trúc khác của đầu gối, triệu chứng của đứt dây chằng chéo sau thường nhẹ. Đôi khi bệnh nhân không nhận thấy bất kỳ biểu hiện bất thường nào cho đến khi tổn thương nghiêm trọng hơn. Khi tổn thương phát triển theo thời gian, đau nghiêm trọng kèm theo mất tính ổn định ở đầu gối.

Nếu có tổn thương các cấu trúc khác trong đầu gối, sưng, đau cùng các triệu chứng khác có xu hướng đột ngột và nghiêm trọng. Bệnh nhân có cảm giác mất tính ổn định ở đầu gối và khó đi lại. Đồng thời không thể đứng lên hay đặt trọng lượng cơ thể lên chân tổn thương.

Phân loại đứt dây chằng chéo sau

Dựa trên mức độ tổn thương dây chằng, đứt dây chằng chéo sau được phân thành những nhóm sau:

  • Độ I: Dây chằng chéo sau bị rách một phần. Bệnh nhân đau và khó chịu nhẹ. Không có biểu hiện lỏng khớp, người bệnh có thể đứng và đi lại.
  • Độ II: Dây chằng chéo sau bị rách một phần nhưng đầu gối lỏng lẻo hơn so với độ I. Đồng thời bệnh nhân bị đau và sưng nghiêm trọng hơn.
  • Độ III: Dây chằng chéo sau bị rách hoàn toàn (đứt). Ở mức độ này, bệnh nhân đau nhiều và khớp gối mất vững.
  • Độ IV: Dây chằng chéo sau và một dây chằng khác ở đầu gối bị tổn thương.

Tùy thuộc vào tình trạng mà tổn thương dây chằng chéo sau có thể là cấp tính hoặc mãn tính. Một người bị tổn thương PCL mãn tính khi một chấn thương phát triển theo thời gian. Tổn thương PCL cấp tính khi tổn thương xảy ra do chấn thương đột ngột.

Đứt dây chằng chéo sau có nguy hiểm không?

Đứt dây chằng chéo sau có thể gây biến chứng hoặc không tùy theo mức độ nghiêm trọng và phương pháp điều trị. Hầu hết bệnh nhân bị tổn thương PCL phục hồi chức năng nếu chấn thương được điều trị sớm và đúng cách. Đặc biệt những trường hợp không có tổn thương đi kèm thường có thời gian phục hồi nhanh hơn.

Trong trường hợp đứt dây chằng chéo sau kèm theo tổn thương sụn, dây chằng hoặc những cấu trúc khác bên trong đầu gối, bệnh nhân có nguy cơ gặp biến chứng. Nếu nhiều cấu trúc trong đầu gối bị hư hỏng (độ IV), người bệnh có thể gặp một số biến chứng dưới đây:

Tăng nguy cơ viêm khớp và thoái hóa khớp gối
Chấn thương dây chằng chéo sau làm tăng nguy cơ viêm khớp và thoái hóa khớp gối

Chẩn đoán đứt dây chằng chéo sau

Đứt dây chằng chéo sau có thể được chẩn đoán bằng cách thăm khám, kiểm tra lâm sàng các cấu trúc của đầu gối. Tuy nhiên so với đứt dây chằng chéo trước, tổn thương dây chằng chéo sau khó xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng hơn. Vì thế một số xét nghiệm hình ảnh (cận lâm sàng) cũng được chỉ định để rõ hơn về tình trạng.

1. Chẩn đoán lâm sàng

Trong lần thăm khám đầu tiên, người bệnh được trao đổi với bác sĩ chuyên khoa về tiền sử bệnh và các triệu chứng. Đồng thời mô tả thời điểm và tư thế khi chấn thương xảy ra.

Ngoài ra bệnh nhân còn được kiểm tra thể chất bằng cách thực hiện sờ, nắn kết hợp với một số nghiệm pháp. Cụ thể như: Kiểm tra dấu hiệu cẳng chân bị võng ra sau, nghiệm pháp ngăn kéo sau…

Người bệnh nằm ngửa với đầu gối cong, bác sĩ kiểm tra các cấu trúc của đầu gối và ấn vào ống chân trên. Chấn thương PCL được phát hiện khi có chuyển động đầu gối bất thường. Nếu dây chằng chéo sau bị rách, đầu gối có thể bị xệ về phía sau khi bác sĩ duỗi thẳng chân bị thương.

Bên cạnh đó, bác sĩ có thể sử dụng một thiết bị được gọi là máy đo khớp để kiểm tra tổn thương cấu trúc khớp gối. Thiết bị này được ép vào chân tổn thương để đo độ căng của dây chằng. Một số chấn thương PCL cũng có thể được chỉ ra nếu có chuyển động bất thường trong khi đi bộ.

2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Một hoặc nhiều xét nghiệm hình ảnh dưới đây sẽ được chỉ định cho bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo sau:

  • Chụp X-quang: Chụp X-quang được chỉ định để phát hiện tình trạng gãy xương sau chấn thương. Ở nhiều trường hợp, bệnh nhân bị tổn thương dây chằng chéo sau bị gãy xương. Trong đó một đoạn xương nhỏ gắn với dây chằng bị gãy và bị kéo ra khỏi xương chính.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Trong khi chụp cộng hưởng từ, từ trường mạnh và sóng vô tuyến được sử dụng để tạo ra hình ảnh về những cấu trúc trong đầu gối, chẳng hạn như cơ, dây chằng và các mô mềm. Thông qua hình ảnh MRI, bác sĩ có thể xác định chính xác loại dây chằng tổn thương, mức độ và vị trí của vết rách, tổn thương ở các cấu trúc khác thuộc đầu gối.
  • Siêu âm: Hình ảnh thu được từ siêu âm có thể xác định dây chằng bị tổn thương và đánh giá tình trạng.
  • Nội soi khớp: Trong một số trường hợp, bệnh nhân được nội soi khớp để kiểm tra bên trong khớp và xác định mức độ tổn thương đầu gối. Khi thực hiện, một thiết bị hỗ trợ có gắn camera nhỏ được đưa vào khớp gối thông qua một hoặc hai vết rạch nhỏ. Sau đó xem hình ảnh bên trong khớp trên màn hình TV hoặc máy tính.
Chẩn đoán cận lâm sàng xác định dây chằng bị đứt và đánh giá mức độ nghiêm trọng
Chẩn đoán cận lâm sàng xác định dây chằng chéo sau bị đứt và đánh giá mức độ nghiêm trọng

Điều trị đứt dây chằng chéo sau

Phương pháp điều trị đứt dây chằng chéo sau dựa vào mức độ tổn thương dây chằng và các cấu trúc khác của đầu gối (nếu có), tổn thương cấp tính hay mãn tính. Thông thường, bệnh nhân được điều trị không phẫu thuật (chăm sóc, giảm đau, vật lý trị liệu…).

Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật nắn chỉnh xương gãy hoặc/ và xây dựng lại dây chằng. Sau đó vật lý trị liệu để phục hồi chức năng vận động.

1. Biện pháp chăm sóc tại nhà

Để điều trị ban đầu cho đứt dây chằng chéo sau, người bệnh có thể áp dụng phương pháp RICE (bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, nén và nâng cao). Phương pháp này có thể làm tăng tốc độ phục hồi chấn thương của dây chằng và khớp ở mức độ từ nhẹ đến trung bình.

  • Nghỉ ngơi: Khi bị tổn thương dây chằng chéo sau, hãy nghỉ ngơi và dừng các hoạt động đang thực hiện, bao gồm cả việc đứng và đi trên chân tổn thương. Điều này giúp bảo vệ đầu gối khỏi chấn thương thêm.
  • Chườm đá: Ngay khi bị thương, hãy bọc một vài viên đá lạnh bằng khăn bông, chườm lên đầu gối từ 20 đến 30 phút, mỗi 3 đến 4 giờ 1 lần, liên tục trong 2 đến 3 ngày. Chườm đá giúp giảm sưng và đau hiệu quả, giảm máu lưu thông và ứ tại đầu gối bị thương.
  • Nén nhẹ: Nén để cố định đầu gối tổn thương, hạn chế những chuyển động không cần thiết dẫn đến đau nhói hoặc gia tăng thương tổn. Ngoài ra biện pháp này còn giúp hỗ trợ giảm sưng và đau. Tùy thuộc vào tình trạng, bác sĩ có thể yêu cầu dùng băng thun hoặc băng gạc.
  • Nâng cao: Nâng cao đầu gối bị thương (cao hơn tim) để giảm sưng. Đồng thời tạo điều kiện cho máu lưu thông về tim tốt hơn, hạn chế tình trạng ứ huyết tại khớp gối.

2. Điều trị không phẫu thuật

Phần lớn bệnh nhân có thể phục hồi đứt dây chằng chéo sau mà không cần phẫu thuật. Điều trị không phẫu thuật thường được chỉ định cho những trường hợp sau:

  • Tổn thương dây chằng cấp tính độ I và độ II, hỏng dây chằng chéo sau không kèm theo tổn thương các dây chằng khác trong đầu gối
  • Những chấn thương mãn tính mới không gây ra các triệu chứng và chỉ ảnh hưởng đến dây chằng chéo sau.

Một số phương pháp điều trị không phẫu thuật thường được áp dụng:

  • Bất động

Ở bệnh nhân bị dứt dây chằng chéo sau, trọng lượng có xu hướng kéo một đoạn xương ra phía sau khi nằm. Chính vì thế một loại nẹp đầu gối đặc biệt sẽ được sử dụng để giữ các xương ở vị trí đúng, ngăn xương chày bị võng ra phía sau.

Ngoài ra bệnh nhân được yêu cầu sử dụng nạng khi đứng hoặc đi lại để phân bổ trọng lượng, không đè nặng lên chân tổn thương. Điều này giúp bảo vệ đầu gối. Trong thời gian bất động sau chấn thương, chườm đá và nâng cao có thể được sử dụng thêm để tăng hiệu quả giảm sưng và đau.

Bất động bằng nẹp
Bất động bằng nẹp để giữ các xương ở vị trí đúng, ngăn xương chày bị võng ra phía sau
  • Vật lý trị liệu

Khi hết sưng, một chương trình vật lý trị liệu sẽ được thiết lập để tăng tốc độ phục hồi chấn thương và khả năng vận động. Hầu hết bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập tăng cường cơ bắp và kéo giãn.

Những bài tập cụ thể giúp tăng sức cơ và khối lượng cơ bắp xung quanh đầu gối bị thương, chẳng hạn như cơ tứ đầu (các cơ phía trước đùi). Đồng thời phục hồi phạm vi chuyển động và chức năng cho đầu gối của bạn.

Thông thường bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo sau được yêu cầu vật lý trị liệu vài lần mỗi tuần kết hợp những bài tập tại nhà vào các ngày nghỉ. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và tốc độ phục hồi, bệnh nhân có thể cần phải vật lý trị liệu đến 6 tháng hoặc hơn.

3. Điều trị phẫu thuật

Những bệnh nhân có khả năng được chỉ định phẫu thuật đứt dây chằng chéo sau:

  • Một hoặc nhiều dây chằng khác ở đầu gối cũng bị tổn thương
  • Đứt dây chằng chéo sau độ III, IV
  • Chấn thương dây chằng chéo sau trong đó có xương gãy, một vài mảnh xương bị kéo và lệch khỏi vị trí ban đầu, đầu gối lỏng lẻo
  • Lỏng lẻo PCL mãn tính kèm theo nhiều triệu chứng, nhất là ở những vận động viên.

Tùy thuộc vào tình trạng, bệnh nhân được chỉ định một trong những phương pháp phẫu thuật dưới đây:

  • Chỉnh hình xương gãy

Nếu một mảnh xương bị tách ra khỏi xương chính, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật chỉnh hình xương, giúp xương về vị trí giải phẫu. Sau đó sử dụng vít buộc chặt xương để xương gãy lành lại và xương mới phát triển bình thường.

  • Tái tạo dây chằng

Đứt dây chằng chéo sau chủ yếu được phẫu thuật tái tạo do khâu hai đầu dây chằng đứt lại với nhau thường khó hoặc không lành. Khi phẫu thuật tái tạo dây chằng, dây chằng bị đứt sẽ được thay thế bằng một mảnh ghép mô (mô được hiến tặng hoặc lấy từ một bộ phận khác của cơ thể). Mô này sẽ kết nối với xương và phát triển theo thời gian. Thông thường những mảnh ghép kết nối với xương và lành lại sau vài tháng.

Phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo sau (xây dựng lại dây chằng) thường được thực hiện bằng cách nội soi khớp. Khi thực hiện, bác sĩ thường tạo hai hoặc nhiều vết mổ nhỏ và một đường rạch thêm ở phía bên đầu gối.

Phẫu thuật tái tạo dây chằng
Tái tạo dây chằng bằng cách phẫu thuật thay thế dây chằng bị đứt bằng một mảnh ghép mô

So với mổ hở truyền thống, phẫu thuật nội soi ít xâm lấn và ít đau hơn, đồng thời có thời gian hồi phục nhanh hơn. Tuy nhiên phương pháp này có thể gây biến chứng do dây chằng chéo sau rất gần với động mạch khoeo và nằm ở vùng khoeo chân.

Một số biến chứng sau phẫu thuật có thể gặp gồm:

  • Tổn thương bó mạch khoeo
  • Nhiễm trùng sau phẫu thuật nội soi làm kéo dài thời gian hồi phục.

Sau phẫu thuật bệnh nhân được hướng dẫn phục hồi chức năng vận động.

Phục hồi chức năng sau điều trị

Phục hồi chức năng là điều cần thiết cho những bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo sau dù không hoặc có phẫu thuật. Chương trình vật lý trị liệu sẽ giúp tăng phạm vi chuyển động và lấy lại sức mạnh của đầu gối. Đồng thời đưa người bệnh trở lại các hoạt động bình thường.

Phục hồi chức năng sau điều trị có thể bao gồm:

  • Tập đi với nạng trong thời gian đầu
  • Tập chống chân và đi bộ với một phần trọng lượng đặt vào chân đau
  • Di chuyển chân trong phạm vi chuyển động với sự hỗ trợ của nhà vật lý trị liệu hoặc máy móc
  • Mang nẹp đầu gối để hỗ trợ phục hồi
  • Thực hiện bài tập tăng cường cơ đùi để ổn định đầu gối
  • Đi bộ hoặc chạy trên máy chạy bộ hoặc trong hồ bơi
  • Huấn luyện cụ thể với một môn thể thao.

Đối với trường hợp đã phẫu thuật, vật lý trị liệu thường bắt đầu sau thủ thuật khoảng từ 1 đến 4 tuần. Thời gian phục hồi tùy thuộc vào mức độ chấn thương. Mặc dù có tiến triển tốt theo thời gian nhưng những chấn thương phối hợp ở đầu gối thường phục hồi chậm.

Nếu chấn thương cần phẫu thuật, bệnh nhân có thể mất vài tháng để trở về với công việc đòi hỏi hoạt động nhiều và vài tuần để trở lại với công việc ít vận động. Thông thường người bệnh cần 6 đến 12 tháng để phục hồi hoàn toàn, có thể trở lại thể thao.

Trong khi phục hồi chức năng, người bệnh cần cam kết tuân thủ quá trình phục hồi với liệu pháp. Mặc dù quá trình phục hồi diễn ra chậm nhưng sau một khoảng thời gian, người bệnh có thể trở lại tất cả các hoạt động.

Phục hồi chức năng sau điều trị
Phục hồi chức năng sau điều trị để tăng phạm vi chuyển động, lấy lại sức mạnh của đầu gối và trở lại hoạt động bình thường

Phòng ngừa đứt dây chằng chéo sau

Để giảm nguy cơ đứt dây chằng chéo sau, bạn có thể thực hiện một số biện pháp sau:

  • Không đột ngột chuyển hướng hoặc thay đổi tư thế khiến đầu gối bị uốn cong quá mức hoặc xoắn, vặn…
  • Luyện tập thể thao đều đặn để tăng cường khối lượng và sức mạnh cơ bắp. Đồng thời tăng cường sự cân bằng của đầu gối và ổn định tổng thể, giảm nguy cơ chấn thương.
  • Thận trọng để tránh tai nạn xe ô tô, té ngã, tai nạn thể thao hoặc lao động.
  • Không tiếp đất với đầu gối cong, va chạm mạnh hoặc khuỵu gối với bàn chân hướng xuống.
  • Khi tiếp đất, không uốn cong đầu gối và không dồn trọng lượng cơ thể vào một chân.
  • Ngăn những chuyển động và những cú va đập mạnh làm ảnh hưởng đến đầu gối.
  • Hạn chế chơi những môn thể thao mạo hiểm. Cần có thiết bị hỗ trợ khi cần thiết.
  • Luôn luôn khởi động trước khi luyện tập và chơi thể thao. Điều này giúp tăng lưu thông máu, ổn định và tăng tính linh hoạt cho đầu gối, giảm nguy cơ chấn thương trong khi vận động.

Đứt dây chằng chéo sau thường gặp ở vận động viên và những người va chạm ô tô/ té ngã với đầu gối va đập mạnh trong khi uốn cong. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng mà các triệu chứng có thể âm ỉ hoặc dữ dội, giảm khả năng vận động và tính ổn định của đầu gối.

Để điều trị và phục hồi chức năng, người bệnh cần chăm sóc, điều trị không phẫu thuật hoặc phẫu thuật theo chỉ định của bác sĩ. Đồng thời tuân thủ chương trình vật lý trị liệu do chuyên gia đề nghị.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Gãy Xương Chày Có Đá Bóng Được Không
Gãy xương chày có đá bóng được không phụ thuộc vào chỉ định của bác sĩ, phương pháp điều trị và quá trình phục hồi của người bệnh. Do đó, nếu bị gãy xương, người bệnh nên đến bệnh viện ...
Xem chi tiết
Rách Sụn Chêm Có Đá Bóng Được Không
Nếu thắc mắc rách sụn chêm có đá bóng được không, người bệnh nên trao đổi với chuyên gia, chẳng hạn như bác sĩ chỉnh hình hoặc bác sĩ y học thể thao để được tư vấn phù hợp nhất. ...
Xem chi tiết
Gãy Xương Bàn Chân Bao Lâu Thì Đi Lại Được
Gãy xương bàn chân bao lâu thì đi lại được, khi nào lành hẳn còn phục thuộc vào mức độ nghiêm trọng của vết gãy. Bàn chân có cấu trúc phức tạp, giúp cân bằng trọng lượng cơ thể và ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Ngón Tay Để Lâu Có Sao Không
Nếu thắc mắc trật khớp ngón tay để lâu có sao không người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Điều trị sớm là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua