Bệnh gút có được ăn ngô (bắp) không? Luộc, xào, xôi…
Các món ăn từ ngô (bắp) như luộc, xào, xôi… đều rất tiện lợi và thơm ngon. Hơn nữa, thực phẩm này còn cung cấp cho cơ thể nhiều dưỡng chất quan trọng. Vậy bị bệnh gút có được ăn ngô không? Cần lưu ý những gì?
Thành phần dưỡng chất có trong ngô (bắp)
Ngô (bắp) là một trong những loại hạt ngũ cốc rất phổ biến trên thế giới. Ngô nguyên hạt có chứa nhiều chất xơ, vitamin, khoáng chất cũng như các chất chống oxy hóa. Đây là loại thực phẩm mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe con người.
Thông thường, trong 100 gram ngô có chứa một số dưỡng chất với hàm lượng cụ thể như sau:
- Nước: 73%
- Calo: 96
- Carbohydrate: 21 gram
- Protein: 3.4 gram
- Chất xơ: 2.4 gram
- Đường: 4.5 gram
- Chất béo: 1.5 gram
- Choline: 29.1 milligram
- Vitamin C: 5.5 milligram
- Vitamin B3: 1.68 milligram
- Phốt pho: 77 milligram
- Kali: 218 milligram
- Magiê: 26 milligram
Ngoài ra, ngô còn chứa một số lượng ít các thành phần dưỡng chất khác. Ví dụ như Omega-3, Omega-6, canxi, các vitamin nhóm B, vitamin A, E, K, kẽm, mangan, canxi, sắt, đồng, selen, folate…
Bệnh gút có ăn ngô (bắp) được không?
Bệnh gút đặc trưng bởi tình trạng viêm khớp gây sưng đau và khó chịu do acid uric dư thừa khiến tinh thể muối urat tích tụ tại khớp. Bệnh lý này có xu hướng tiến triển dai dẳng, mãn tính và chưa thể điều trị hoàn toàn.
Tuy nhiên, lương y Đỗ Minh Tuấn (GĐ chuyên môn nhà thuốc Đỗ Minh Đường, Thầy thuốc Nam tiêu biểu 2020, cố vấn y khoa các chương trình Truyền hình sức khỏe của VTV2, VTC2) cho biết, việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh với các thực phẩm hữu ích có thể hỗ trợ kiểm soát tiến triển của bệnh gút. Đồng thời ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm mà bệnh gây ra.
Nhiều người quan tâm đến vấn đề bệnh gút có ăn ngô được không, bởi đây là thực phẩm rất quen thuộc, bổ sung nhiều thành phần dưỡng chất thiết yếu cho sức khỏe. Hơn nữa, ngô còn là nguyên liệu có thể chế biến được nhiều món ăn thơm ngon.
Theo ý kiến từ các chuyên gia, người bị bệnh gút hoàn toàn có thể bổ sung ngô vào chế độ ăn uống. Bởi thực phẩm này có chứa ít nhân purin và không gây cản trở quá nhiều cho quá trình đào thải acid uric của cơ thể.
Hơn nữa, hàm lượng chất xơ trong ngô tương đối lớn, 100 gram ngô có chứa khoảng 2.4 gram chất xơ. Đây là dưỡng chất đặc biệt cần thiết với cơ thể, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn. Ngoài ra, việc bổ sung đủ chất xơ còn giúp làm chậm quá trình tiêu thụ protein từ đó tránh hình thành quá nhiều acid uric.
Trong ngô còn chứa một lượng kali khá lớn, khoảng 218mg/ 100g, cung cấp 11% nhu cầu của cơ thể mỗi ngày. Ngoài tốt cho huyết áp và tim mạch thì vi chất này còn đặc biệt hữu ích với sức khỏe của thận. Từ đó giúp thúc đẩy tốc độ đào thải acid uric, hạn chế hình thành hạt tophi tại khớp ở những người bị gút.
Tuy nhiên, cần cẩn trọng và không nên bổ sung quá nhiều ngô nếu bệnh nhân gút đang gặp phải một số bệnh lý khác đi kèm. Cụ thể như:
- Người mắc bệnh dạ dày: Việc tiêu thụ quá nhiều ngô ở bệnh nhân dạ dày có thể sẽ gây giãn nứt tĩnh mạch. Từ đó gây chảy máu dạ dày, nhất là những ở những người bị viêm loét dạ dày tá tràng.
- Bệnh nhân đái tháo đường: Trong ngô có chứa hàm lượng đường và carbohydrate cao, việc ăn quá nhiều ngô có thể làm tăng lượng đường trong máu. Việc đường huyết tăng còn có thể gây ức chế quá trình đào thải acid uric của cơ thể.
- Người bị thiếu sắt và canxi: Trong ngô có chứa cả chất xơ và acid phytic. Hai chất này kết hợp với nhau sẽ tạo thành chất kết tủa có thể làm cản trở và làm chậm quá trình hấp thụ sắt, canxi và các khoáng chất khác của cơ thể.
Cách chế biến ngô cho người bị gút
Ngô là thực phẩm mà bệnh nhân gút có thể bổ sung phù hợp vào chế độ ăn uống. Tuy nhiên cần chế biến ngô đúng cách để đảm bảo giá trị dinh dưỡng và không làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh. Các chuyên gia khuyên rằng, người bị gút không nên ăn ngô xào, bỏng ngô, ngô chiên bơ hay kết hợp chế biến ngô với các thực phẩm giàu purin.
Dưới đây là một số cách chế biến ngô đặc biệt phù hợp với người bị bệnh gút:
1. Ngô luộc
Đây là món ăn đặc biệt phù hợp với những người bị bệnh gút. Bởi chế biến theo cách luộc thì ngô sẽ giữ được hương vị ngon ngọt tự nhiên. Đồng thời không phải cho thêm các gia vị như muối, đường, dầu ăn… không tốt cho quá trình kiểm soát bệnh gút.
Hơn nữa, luộc ngô không tốn quá nhiều thời gian, các thành phần dưỡng chất cũng sẽ không bị mất đi quá nhiều. Người bệnh có thể ăn ngô luộc vào buổi sáng cho những ngày quá bận rộn không có thời gian chuẩn bị đồ ăn sáng.
Hướng dẫn thực hiện:
- Chuẩn bị cho gia đình mỗi người 1 bắp ngô
- Đem lột bỏ 2 – 3 lớp ngoài đi rồi rửa sạch, để ráo
- Chặt bỏ phần đầu và cuống
- Cho ngô vào nồi, đổ nước vừa ngập rồi luộc trong khoảng 15 phút
- Thử xem ngô đã chín chưa rồi vớt ra
- Lột sạch vỏ và thưởng thức ngay khi bắp ngô còn ấm
2. Món sữa ngô
Nhiều người quan ngại rằng vị ngọt của sữa ngô sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình kiểm soát bệnh gút. Tuy nhiên nếu biết cách chế biến thì đây không phải là vấn đề đáng quan ngại.
Với người bị gút, nên chọn các loại sữa tươi tách béo không đường để chế biến món sữa ngô. Khi chế biến, tốt nhất không nên cho đường bởi trong ngô đã có sẵn một lượng đường tự nhiên nhất định.
Hướng dẫn thực hiện:
– Chuẩn bị:
- 4 trái ngô ngọt và 500ml sữa tươi tách béo không đường
– Sơ chế nguyên liệu:
- Ngô đem bóc lớp vỏ ngoài và loại bỏ râu, giữ lại phần lá non bên trong
- Rửa sạch rồi cho vào nồi luộc khoảng 20 phút cho ngô chín
- Vớt ngô ra, phần nước luộc vẫn sẽ được chắt ra và giữ lại
- Tách hạt ngô ra để vào tô sạch
– Xay sữa ngô:
- Cho hạt ngô đã tách vào máy xay sinh tố, thêm vào 1.5 lít nước luộc ngô rồi xay nhuyễn
- Đem hỗn hợp này lọc qua rây để loại bỏ phần bã
– Nấu sữa ngô:
- Đổ hỗn hợp vừa chuẩn bị vào nồi, thêm 500ml sữa tươi vào đun sôi và quấy liên tục
- Cứ đun trên lửa nhỏ và khuấy đều cho tới khi sữa mịn thì tắt bếp
Sau khi sữa nguội là bạn có thể mang ra thưởng thức, dùng nóng hay lạnh đều rất thơm ngon. Tuy nhiên người bị bệnh gút không nên uống quá nhiều sữa ngô mỗi ngày. Mặc dù khi chế biến không cho thêm đường nhưng hàm lượng đường trong thức uống này vẫn là tương đối cao.
3. Súp ngô gà
Thịt gà là một thực phẩm tương đối an toàn với bệnh nhân gút do có hàm lượng nhân purin ở mức độ trung bình, không quá cao. Thông thường để làm món súp ngô gà thì sẽ dùng phần ức gà. Tuy nhiên với bệnh nhân gút thì nên dùng phần đùi trên sẽ phù hợp hơn. Bởi đây là vị trí có chứa ít nhất purin nhất, chỉ vào khoảng 68mg/ 100g.
Hướng dẫn thực hiện:
– Chuẩn bị:
- 200g phần thịt đùi trên của gà
- 1 trái ngô ngọt
- 2 lòng trắng trứng
- 1 củ hành tây, 1 ít bột ngô
- 3 nhánh tỏi, 1 mẩu gừng và 1 nhánh hành lá
- Các gia vị thông thường khác
– Cách chế biến:
- Thịt gà đem rửa sạch rồi luộc chín mềm và xé sợi
- Ngô cũng rửa sạch, luộc chín rồi tách hạt
- Hành tây đem lột vỏ, rửa sạch rồi thái nhỏ và đảo với dầu đến khi chín mềm
- Chắt nước luộc gà và luộc ngô lấy 1 lít cho vào nồi, thêm gừng tỏi rồi đun sôi
- Cho ngô ngọt đã tách hạt vào và nêm nếm gia vị
- Thêm lòng trắng trứng vào nồi súp, vừa đổ vừa khuấy nhẹ
- Thả thịt gà và hành lá cắt nhỏ vào
- Sau đó hòa bột ngô với 1 ít nước rồi đổ vào và khuấy nhanh tay
- Tiếp tục đun cho nồi súp sôi lên là có thể tắt bếp và múc ra bát thưởng thức khi còn nóng
4. Canh thịt ngô ngọt
So với các loại thịt đỏ thì thịt heo không chứa quá nhiều purin, thỉnh thoảng người bị bệnh gút vẫn có thể ăn để thay đổi khẩu vị. Trong đó dùng thịt heo nạc nấu canh ngô ngọt là món ăn rất thơm ngon và tốt cho sức khỏe. Đặc biệt đây là món ăn hoàn toàn cho thể dùng được với bệnh nhân gút.
Hướng dẫn thực hiện:
– Chuẩn bị:
- 200g thịt heo nạc rửa sạch, xay nhuyễn
- 1 bắp ngô ngọt
- Hành ngò và các gia vị khác
– Cách chế biến:
- Phi thơm hành trong nồi (nên dùng dầu thực vật) và cho thịt heo xay vào xào rồi nêm gia vị vừa ăn
- Cho khoảng 1 tô lớn nước vào nồi rồi đun sôi lên
- Sau đó rửa sạch ngô ngọt, cắt khúc rồi cho vào
- Đun đến khi ngô chín mềm rồi nêm nếm lại gia vị
- Múc ra tô, thêm hành ngò cắt nhỏ vào rồi thưởng thức khi còn nóng
Một số lưu ý cho bệnh nhân gút khi ăn ngô
Việc ăn ngô được cho là tốt với người bị gút, vừa cung cấp dưỡng chất cho cơ thể lại có khả năng hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh. Tuy nhiên để đảm bảo an toàn, cần chú ý đến một số vấn đề sau:
- Khẩu phần ngô phù hợp dành cho người trưởng thành là 100g hạt ngô/ ngày, tương đương với nửa chén hoặc 1 trái ngô có kích cỡ trung bình.
- Tuyệt đối không nên ăn quá nhiều ngô mỗi ngày.
- Nên chế biến theo các cách luộc, hấp, nấu canh, nấu súp… Tuyệt đối không ăn bắp xào, bắp chiên bơ, bỏng ngô hay các sản phẩm chế biến sẵn từ ngô.
- Trường hợp bị các bệnh đường tiêu hóa, tiêu đường, thiếu canxi, thiếu sắt… đi kèm thì bệnh nhân gút nên tham khảo bác sĩ để được tư vấn lượng ngô phù hợp để ăn mỗi ngày.
- Tuyệt đối không nên chế biến ngô cùng với các loại thực phẩm có hàm lượng nhân purin cao.
Chế độ ăn uống phù hợp với người bị gút
Ngoài việc quan tâm đến vấn đề bị bệnh gút có ăn được ngô không thì người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống lành mạnh. Bởi như đã nói, đây chính là yếu tố đặc biệt quan trọng với quá trình kiểm soát bệnh. Cần nắm rõ bị bệnh gút nên ăn gì và kiêng gì để chủ động thay đổi khẩu phần ăn cho phù hợp.
Các thực phẩm tốt cho bệnh nhân gút bao gồm:
- Sữa tách béo hoặc ít béo
- Trái cây và rau củ tươi
- Các loại ngũ cốc, hạt và bơ đậu phộng
- Dầu thực vật và các thực phẩm giàu Omega-3
- Gạo nguyên cám, khoai tây, mì ống, bánh mì
- Nguồn protein từ thịt trắng và thực vật
Thực phẩm nên kiêng khi bị gút bao gồm:
- Rượu bia và các loại đồ uống chứa cồn
- Thịt nội tạng như tim, gan, lòng non, phổi…
- Các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt cừu, thịt chó…
- Hải sản, nhất là động vật có vỏ
- Một số loại cá như cá cơm, cá mòi, cá trích…
- Thức ăn nhiều đường, đồ cay nóng
- Thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn
- Các loại nước ngọt đóng chai
Ngô là thực phẩm có hàm lượng dưỡng chất cao, tốt cho người bị gút. Tuy nhiên bệnh nhân gút chỉ nên bổ sung ngô với lượng vừa phải và cần chế biến đúng cách. Để xây dựng chế độ ăn uống phù hợp, thúc đẩy hiệu quả kiểm soát bệnh thì nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn nhiều hơn.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!