Bệnh Gút Ăn Lạc (Đậu Phộng) Tốt – Nhưng Cần Lưu Ý
Người bị bệnh gút có thể ăn lạc (đậu phộng) để bổ sung dưỡng chất cho cơ thể và hỗ trợ quá trình kiểm soát bệnh. Thực tế, loại thực phẩm này chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe nhưng cần bổ sung đúng cách để nhận được tối đa lợi ích.
Thành phần dưỡng chất có trong lạc (đậu phộng)
Hạt lạc (đậu phộng) có tên khoa học là Arachis hypogea, có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Đây là thực phẩm có hương vị thơm ngon và chứa nhiều thành phần dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng, hạt lạc rất tốt cho việc giảm cân và làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề tim mạch.
Theo phân tích, trong 100 gram hạt lạc sẽ có các thành phần dưỡng chất với hàm lượng cụ thể như sau:
- Năng lượng: 567cal
- Nước: 7%
- Protein: 25.8 gram
- Đường: 4.7 gram
- Chất xơ: 8.5 gram
- Chất béo bão hòa: 6.28 gram
- Carbohydrate: 16.1 gram
- Chất béo không bão hòa đa: 15. 56 gram
- Chất béo không bão hòa đơn: 24.43 gram
- Omega 6: 15.56 gram
- Kali: 705 milligram
- Canxi: 92 milligram
- Vitamin B3: 12.07 milligram
- Choline: 52.5 milligram
- Vitamin E: 8.33 milligram
- Magie: 168 milligram
- Phốt pho: 376 milligram
Ngoài ra, trong hạt lạc còn chứa một lượng nhỏ các vitamin và khoáng chất khác. Điển hình như vitamin B1, B2, sắt, kẽm, đồng, mangan, selen, natri, folate…
Vì sao bị bệnh gút ăn lạc (đậu phộng) lại tốt?
Gout là bệnh xương khớp phổ biến liên quan tới rối loạn chuyển hóa nhân purin. Hiện nay vẫn chưa có giải pháp điều trị triệt để bệnh lý này. Tuy nhiên để kiểm soát tốt tiến triển của bệnh, bác sĩ khuyên rằng nên điều chỉnh và duy trì chế độ ăn uống phù hợp.
Trong đó, người bệnh cần hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm chứa hàm lượng nhân purin cao. Tuy nhiên vẫn cần đảm bảo bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là các dưỡng chất tốt cho quá trình làm giảm nồng độ acid uric trong máu.
Hạt lạc (đậu phộng) là thực phẩm chứa nhiều dưỡng chất thiết yếu tốt cho sức khỏe. Trong khi hàm lượng nhân purin trong thực phẩm này được đánh giá là chỉ ở mức độ trung bình, khoảng 79mg/ 100g. Con số này vẫn nằm trong khoảng an toàn cho bệnh nhân gút.
Chính vì vậy, người bị bệnh gút có thể ăn lạc (đậu phộng) để cải thiện sức khỏe. Hơn nữa thực phẩm này còn mang lại nhiều lợi ích cho quá trình kiểm soát tiến triển của bệnh gout. Cụ thể như:
- Lượng chất xơ dồi dào trong đậu phộng có thể giúp thúc đẩy hoạt động tiêu hóa. Hơn nữa còn hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu. Đường huyết ổn định chính là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo quá trình đào thải acid uric dư thừa của cơ thể.
- Trong hạt lạc còn chứa một số chất chống oxy hóa, đặc biệt là resveratrol. Thành phần này có tác dụng chống viêm rất tốt, từ đó hỗ trợ làm giảm sưng và ngăn ngừa các cơn gout cấp tái phát.
Ngoài các lợi ích cho bệnh nhân gout thì việc bổ sung lạc đúng cách còn đem lại rất nhiều lợi ích tuyệt vời khác cho sức khỏe, phải kể đến như:
1. Hỗ trợ giảm cân
Mặc dù chứa lượng lớn chất béo và calo nhưng việc tiêu thụ đậu phộng lại không khiến cơ thể bị tăng cân. Hơn nữa nó còn giúp duy trì cân nặng ổn định và làm giảm nguy cơ mắc bệnh béo phì.
Việc ăn đậu phộng có thể khiến cơ thể cảm thấy no hơn so với các món ăn nhẹ khác nên sẽ làm giảm lượng thức ăn được tiêu thụ. Hàm lượng cao chất béo không bão hòa đơn và protein trong đậu phộng còn có khả năng làm hao tổn năng lượng. Điều này rất tốt với những người đang giảm cân.
Trong khi đó, duy trì cân nặng ổn định chính là chìa khóa giúp cơ thể khỏe mạnh. Hơn nữa còn tốt cho sức khỏe xương khớp, nhất là với bệnh nhân gout, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp… bởi có thể làm giảm áp lực lên các khớp bị tổn thương.
2. Tốt cho sức khỏe tim mạch
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc bổ sung đậu phộng với lượng phù hợp mỗi ngày có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Các dưỡng chất magie, đồng, niacin, acid oleic và các chất chống oxy hóa trong thực phẩm này đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch.
3. Phòng ngừa sỏi mật
Theo kết quả của nhiều nghiên cứu, thường xuyên ăn lạc có thể làm giảm nguy cơ bị sỏi mật ở cả nam và nữ giới. Phần lớn sỏi mật được hình thành từ các cholesterol xấu trong cơ thể. Trong khi đó, nhiều thành phần trong đậu phộng có tác dụng làm giảm nồng độ cholesterol rất hiệu quả.
4. Ngăn ngừa lão hóa
Nhiều người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng lạc là một loại thực phẩm có thể giúp ngăn ngừa lão hóa rất tốt. Hàm lượng polyphenol trong lạc tương đối lớn có thể giúp giảm kết tập tiểu cầu và chống lại các tác nhân gây lão hóa trong cơ thể.
5. Đông máu, cầm máu
Lạc chứa lượng lớn dầu béo và rất nhiều loại vitamin. Ngoài ra còn chứa một số thành phần hoạt chất giúp rút ngắn thời gian đông máu và chống lại sự tan rã của mảnh fibrin. Đồng thời tăng cường chức năng sản xuất tiểu cầu của tủy xương nên sẽ rất có lợi cho quá trình tạo máu của cơ thể. Đối với bệnh rối loạn chảy máu, việc tiêu thụ lạc có thể hỗ trợ cầm máu và đem lại nhiều lợi ích với quá trình điều trị bệnh tận gốc.
6. Phòng ngừa ung thư đại tràng
Các chất xơ hòa tan trong lạc khi được cơ thể tiêu hóa và hấp thụ sẽ giống như một miếng bọt biển. Nó có tác dụng thấm hút chất lỏng cùng các chất khác và biến thành dài băng dài chất cặn bã. Sau đó sẽ được thải trừ ra bên ngoài cơ thể qua đường hậu môn cùng với phân. Khi các chất này đi qua đại tràng có thể hấp thu bớt một phần chất độc hại có trong ruột kết và ngăn ngừa nguy cơ bị ung thư.
Tác dụng phụ và các vấn đề đáng quan tâm
Người bị bệnh gút có thể ăn đậu phộng nhưng cần đặc biệt thận trọng. Bởi bên cạnh những lợi ích cho sức khỏe thì thực phẩm này tiềm ẩn không ít vấn đề rủi ro. Cụ thể như:
1. Dị ứng với đậu phộng
So với các thực phẩm khác thì đậu phộng có khả năng gây dị ứng cao, thuộc vào top 8 loại dễ gây dị ứng nhất. Đây là tình trạng dị ứng nghiêm trọng, đôi khi còn có khả năng đe dọa đến tính mạng. Nếu có tiền sử bị dị ứng với đậu phộng thì bạn nên tránh xa các sản phẩm làm từ thực phẩm này.
2. Ngộ độc aflatoxin
Trong một số trường hợp, đậu phộng có thể bị nhiễm nấm Aspergillus flavus (loại nấm sản xuất ra độc tố aflatoxin). Khi ăn có thể gây ngộ độc với các triệu chứng chán ăn, vàng mắt, vàng da và các biểu hiện đặc trưng của bệnh về gan.
Ngộ độc aflatoxin nghiêm trọng có thể dẫn tới suy gan và ung thư gan. Nguy cơ nhiễm độc aflatoxin thường liên quan tới vấn đề bảo quản đậu phộng không đúng cách. Chủ yếu xảy ra trong điều kiện khí hậu ẩm ướt, nhất là các vùng nhiệt đới.
3. Các chất kháng dinh dưỡng
Trong hạt lạc có chứa một số chất kháng dinh dưỡng (các chất làm giảm giá trị dinh dưỡng và khả năng hấp thụ dưỡng chất của cơ thể). Đặc biệt trong đậu phộng chứa khoảng 0.2 – 4.5% acid phytic. Thành phần này có thể làm suy yếu khả năng hấp thụ kẽm và sắt từ đường tiêu hóa.
Lưu ý cho người bị gút khi ăn lạc
Như đã đề cập, hạt lạc chứa nhiều thành phần dưỡng chất có lợi cho sức khỏe. Đặc biệt những người mắc bệnh gút hoàn toàn có thể ăn lạc để duy trì sức khỏe tốt, hỗ trợ quá trình kiểm soát tiến triển của bệnh.
Tuy nhiên việc bổ sung lạc không đúng cách có thể làm phát sinh các vấn đề rủi ro. Thậm chí một số trường hợp còn nguy hại cho tính mạng. Vì vậy cần đặc biệt chú ý đến một số vấn đề sau đây:
– Người bị bệnh gút nên ăn bao nhiêu lạc?
Lạc là thực phẩm có hàm lượng purin nằm trong ngưỡng an toàn cho người bị gút. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên bổ sung một lượng vừa đủ mỗi ngày, tuyệt đối không ăn quá 100 gram lạc/ ngày. Bởi hàm lượng chất béo và protein lớn trong lạc có thể gây cản trở cho quá trình đào thải acid uric dư thừa của cơ thể.
– Không nên ăn lạc để lâu hoặc bị lên mốc:
Lạc để lâu hoặc có dấu hiệu lên mốc rất dễ bị nhiễm nấm Aspergillus flavus. Khi ăn vào, người bệnh có thể bị ngộ độc aflatoxin nghiêm trọng, ngoài gây tổn thương gan thì nhiều trường hợp còn đe dọa cả tính mạng.
– Không ăn lạc đã bị nảy mầm:
Đậu phộng bị nảy mầm có thể sản sinh ra một số thành phần độc tố nguy hại cho sức khỏe. Khi ăn vào, người bệnh sẽ dễ bị nôn ói, co giật. Thậm chí còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh ung thư tiềm ẩn nếu tiêu thụ với số lượng nhiều.
– Nên kết hợp đậu phộng với các thực phẩm khác:
Việc chỉ ăn đậu phộng đơn thuần sẽ khiến cho nhiều người bị nhàm chán. Bạn có thể đổi khẩu vị bằng cách kết hợp với một số thực phẩm khác. Ví dụ như ăn kèm cũng sữa chua, ngũ cốc, thêm vào các món gỏi rau củ.
– Thận trọng với các vấn đề sức khỏe.
Việc ăn lạc có thể sẽ khiến một số vấn đề sức khỏe trở nên nghiêm trọng hơn. Bệnh gút ăn lạc tốt nhưng hãy cẩn trọng với các vấn đề sức khỏe khác đi kèm. Những người bị ngứa da, viêm họng, mắc bệnh đường hô hấp hay bệnh ngoài da thì tuyệt đối không nên bổ sung lạc vào chế độ ăn uống.
– Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn lạc:
Trong một số trường hợp, việc sử dụng đậu phộng có thể không được khuyến khích cho bệnh nhân gút. Trước khi bổ sung thực phẩm này, người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Tùy thuộc vào mức độ bệnh và tình hình sức khỏe liên quan mà bác sĩ sẽ tư vấn liều lượng phù hợp.
Bệnh nhân gút có thể ăn lạc (đậu phộng) để bổ sung thêm các thành phần dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể. Tuy nhiên chỉ nên ăn một lượng vừa đủ để không làm ảnh hưởng tới quá trình kiểm soát tiến triển của bệnh. Có thể tham khảo với bác sĩ để được tư vấn về liều lượng phù hợp trước khi bổ sung nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!