Dây Chằng Đầu Gối Là Gì? Nằm Ở Đâu? Có Dễ Đứt?
Dây chằng đầu gối là dải mô kết nối xương đùi với xương cẳng chân, chịu trách nhiệm tạo sự ổn định và kiểm soát đầu gối. Bong gân và rách dây chằng là tình trạng tương đối phổ biến, đặc biệt là ở các vận động viên, có thể dẫn đến đau đớn, khó chịu hoặc mất chức năng ở khớp gối. Điều trị bao gồm dành thời gian nghỉ ngơi, chăm sóc tại nhà hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.
Dây chằng đầu gối là gì?
Dây chằng đầu gối là các dải mô sợi dày nối xương ở cẳng chân trên (xương đùi) với xương cẳng chân (xương chày và xương mác), nhằm tạo sự ổn định, kiểm soát chuyển động và ngăn ngừa các chấn thương.
Dây chằng được cấu tạo từ:
- Collagen, một loại protein liên kết các mô ở động vật.
- Mô liên kết.
- Sợi cơ có tính chất co giãn nhẹ.
Có hai cặp dây chằng chính ở đầu gối là dây chằng chéo ở trung tâm đầu gối (ACL và PCL) và dây chằng phụ ở hai bên đầu gối (MCL và LCL). Các dây chằng có thể bị tổn thương do các chuyển động xoắn đột ngột, chẳng hạn như thay đổi hướng nhanh chóng khi chạy, tác động lực mạnh qua đầu gối, ví dụ như ngã hoặc xoạc bóng trong bóng đá.
Sau chấn thương dây chằng, đầu gối có thể cảm thấy đau đớn, yếu và không ổn định. Tình trạng này thường chỉ kéo dài trong vài ngày, tuy nhiên nếu không được điều trị, các triệu chứng có thể kéo dài trong nhiều tháng và dẫn đến nhiều biến chứng khác.
Do đó, điều quan trọng là xác định các loại dây chằng khớp gối, nằm ở đâu, hoạt động như thế nào, các chấn thương liên quan và các biện pháp khắc phục.
Dây chằng đầu gối có mấy loại? Nằm ở đâu?
Có bốn loại dây chằng chính ở khớp gối bao gồm:
- Dây chằng giữa gối: Là dây chằng được tìm thấy ở mặt trong của đầu gối.
- Dây chằng bên ngoài: Nằm ở phía bên ngoài của đầu gối.
- Dây chằng chéo trước: Là dây chằng nằm ở giữa và phía trước của đầu gối.
- Dây chằng chéo sau: Là dây chằng nằm ở giữa và phía sau của đầu gối.
Các dây chằng bên và dây chằng chéo thường được xem là dây chằng chính ở đầu gối. Tuy nhiên có một số dây chằng khác cũng hoạt động để giữa sự ổn định ở đầu gối. Các dây chằng khác ở đầu gối có thể bao gồm:
- Dây chằng ngang hỗ trợ sụn chêm ở giữa và bên cạnh đầu gối.
- Dây chằng sụn chêm trước có chức năng nối sụn chêm bên với ống sống giữa.
- Dây chằng sụn chêm sau có chức năng nối sụn chêm bên với lõi cầu xương đùi.
- Dây chằng mạch vành nối sụn chêm với xương chày.
- Dây chằng khoeo chéo bắt đầu từ chỗ bám tận của gân cơ bán mạc chạy lên trên đến lồi cầu ngoài xương đùi, có chức năng gắn vào một trong các gân của gân kheo.
- Dây chằng khoeo cung là chỗ dày lên ở bờ lỗ khuyết tại mặt sau bao khớp, vị trí có cơ khoeo chui qua, có chức năng kết nối xương mác với xương chày và xương đùi.
Giải phẫu các loại dây chằng đầu gối
Có hai loại dây chằng chính ở đầu gối là dây chằng bên và dây chằng chéo. Giải phẫu cấu tạo, vị trí và chấn thương liên quan đến các dây chằng này bao gồm:
1. Dây chằng bên
Các dây chằng bên còn được gọi là dây chằng phụ, chịu trách nhiệm cho sự ổn định một bên của đầu gối. Dây chằng này bao gồm dây chằng giữa gối và dây chằng bên gối, chịu trách nhiệm cho sự ổn định về phía trước – phía sau của đầu gối, cung cấp sự ổn định trong các chuyển động xoắn.
Các dây chằng bên ở đầu gối bao gồm:
+ Dây chằng giữa gối (MCL):
Dây chằng giữa gối được tìm thấy ở bên trong (ở giữa) của đầu gối. Đây là một dây chằng dẹt, bản rộng, dài khoảng 10 cm, kết nối xương đùi và xương chày.
Dây chằng MCL giúp chống lại các lực thông qua mặt ngoài của chân đẩy đầu gối vào trong, còn được gọi là lực valgus.
Đôi khi dây chằng giữa gối có thể bị tổn thương, giãn, rách hoặc đứt. Các nguyên nhân có thể bao gồm:
- Chấn thương tiếp xúc: Thường xảy ra khi có một lực tác động thông qua mặt ngoài của đầu gối, chẳng hạn như tranh chấp bóng trong bóng đá, bóng chuyền hoặc bóng rổ.
- Chấn thương do xoắn: Xoạc chân không đúng kỹ thuật, đặc biệt là khi bàn chân cố định, chẳng hạn như thay đổi hướng đột ngột khi chạy, có thể dẫn đến xoắn đầu gối và tổn thương dây chằng.
Bong gân, giãn, rách hoặc đứt dây chằng giữa gối có thể dẫn đến đau đớn, sưng tấy ở mặt trong của khớp gối. Chấn thương này cũng gây không ổn định đầu gối, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các chấn thương.
+ Dây chằng bên gối:
Dây chằng bên gối nằm ở mặt ngoài của đầu gối, kết nối xương đùi và xương mác. Dây chằng này hoạt động để chống lại các lực từ phía bên trong của đầu gối, còn được gọi là lực varus.
Dây chằng bên ngắn hơn nhiều so với dây chằng giữa gối. Do đó, chấn thương dây chằng LCL thường ít phổ biến khi so với dây chằng MCL.
2. Dây chằng chéo
Các dây chằng chéo được xem là dây chằng quan trọng nhất ở đầu gối và có chức năng giữa cho đầu gối ổn định. Có hai dây chằng chéo, bao gồm dây chằng chéo trước (ACL) và dây chằng chéo sau (PCL).
Các dây chằng chéo nằm sâu bên trong khớp gối, nằm bắt chéo với nhau theo dạng chữ X, có nhiệm vụ kết nối xương chày và xương đùi. Mỗi dây chằng chéo đều cực kỳ khỏe mạnh, bền bỉ và có thể chịu sức nặng lên đến 60 kg.
Chức năng chính của dây chằng chéo là kiểm soát chuyển động ra và lùi của khớp gối. Các dây chằng này cũng cần thiết để cơ thể giữ vị trí cân bằng và điều chỉnh các tư thế.
Mỗi dây chằng chéo đầu gối dài khoảng 2 cm. Bất kỳ lực tác động nào đều có thể kéo căng dây chằng thêm 1.7 mm (chiếm 8% tổng chiều dài) và có thể dẫn đến đứt hoàn toàn dây chằng.
+ Dây chằng chéo trước (ACL):
Dây chằng chéo trước nằm sâu ở giữa khớp gối, gắn vào mặt trước của xương chày và mặt sau của xương đùi. Chức năng chính của dây chằng ACL là ngăn chặn đầu gối trượt quá xa về phía trước khi so với xương đùi.
Các hoạt động thể thao như bóng đá, trượt tuyết, có thể gây chấn thương dây chằng chéo trước. Ngoài ra, các động tác xoay người đột ngột, tiếp đất sai kỹ thuật cũng có thể dẫn đến tổn thương dây chằng.
Chấn thương dây chằng chéo trước có thể mất đến một năm để phục hồi. Ngoài ra, chấn thương rất dễ tái phát, do đó người bệnh cần có kế hoạch phòng ngừa và bảo vệ khớp gối phù hợp.
+ Dây chằng chéo sau (PCL):
Dây chằng chéo sau cũng nằm sâu bên trong khớp gối, bám vào mặt sau của xương chày và mặt trước của xương đùi. Dây chằng PCL ngắn hơn ACL (chỉ bằng khoảng ⅗ về chiều dài) nhưng mạnh gấp đôi, do đó PCL thường ít chấn thương hơn ACL.
Dây chằng chéo sau chịu trách nhiệm ngăn ngừa xương chày di chuyển quá xa so với xương đùi. Mặc dù rất bền bỉ và khỏe mạnh, tuy nhiên PCL có thể bị tổn thương do một lực tác động đột ngột xuyên qua đầu ống chân, chẳng hạn như tai nạn giao thông, té ngã hoặc co duỗi đầu gối đột ngột.
Dây chằng đầu gối có chức năng gì?
Dây chằng ở khớp gối có một số chức năng và nhiệm vụ quan trọng, chẳng hạn như:
- Hấp thụ lực tác động khi bàn chân chạm vào bề mặt.
- Nối xương đùi với xương cẳng chân.
- Giữ cho các xương ở đúng vị trí.
- Ngăn đầu gối bị trẹo hoặc xẹp xuống.
- Ổn định khớp gối.
- Không cho đầu gối di chuyển theo các hướng không an toàn hoặc không tự nhiên.
Dây chằng đầu gối có dễ bị đứt không?
Dây chằng đầu gối là một trong những dây chằng dễ bị tổn thương trong hoạt động hàng ngày. Chấn thương bao gồm bong gân hoặc rách dây chằng. Trong nhiều trường hợp, bong gân thường nhẹ và có thể chăm sóc tại nhà.
Tuy nhiên đôi khi dây chằng có thể bị đứt, thường xảy ra trong các tai nạn, va chạm thể thao hoặc tập luyện quá mức. Đứt dây chằng thường xảy ra khi dây chằng bị giãn hoặc rách quá mức. Các nguyên nhân chính dẫn đến đứt dây chằng đầu gối bao gồm:
- Có lực tác động vào mặt sau của đầu gối khi khớp bị gập một phần.
- Lực tác động vào phía trước của đầu gối khi đầu gối cong, thường xảy ra trong tai nạn ô tô khi đầu gối đập mạnh vào bảng điều khiển xe.
- Lực tác động vào mặt bên của đầu gối khi bàn chân cố định trên mặt đất, chẳng hạn như tranh chấp trong bóng đá.
- Khớp gối bị xoay một cách không tự nhiên, chẳng hạn như trong bóng rổ hoặc trượt tuyết.
Bong gân và rách dây chằng được phân loại như thế nào?
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, chấn thương dây chằng có thể được phân loại như sau:
- Mức độ I: Ở mức độ 1, chấn thương thường nhẹ, xảy ra khi dây chằng bị giãn quá mức hoặc rách nhẹ, dẫn đến bong gân khớp gối. Trong trường hợp này, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn, sưng tấy, bầm tím, tuy nhiên người bệnh vần có thể đứng trên chân bị ảnh hưởng và uốn cong đầu gối.
- Mức độ II: Bong gân cấp độ 2 là tình trạng dây chằng bị rách một phần. Các dấu hiệu bao gồm bầm tím, sưng tấy và đau đớn ở một số vị trí nhất định. Ở chấn thương mức độ 2, người bệnh thường khó đặt trọng lượng cơ thể lên chân bị tổn thương hoặc không thể gập đầu gối.
- Mức độ III: Chấn thương mức độ 3 là tình trạng đứt hoàn toàn hoặc đứt gần lìa dây chằng ở khớp gối. Ở mức độ này, chấn thương thường liên quan đến nhiều dây chằng ở khớp gối, dẫn đến bầm tím, sưng tấy và đau nhức dữ dội. Người bệnh cũng không thể dồn trọng lượng lên chân bị ảnh hưởng và không thể gập đầu gối.
Trong một số trường hợp người bệnh có thể bị tổn thương nhiều dây chằng cùng một lúc. Các chấn thương này thường rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến quá trình cung cấp máu đến chân hoặc làm hỏng các dây thần kinh kiểm soát chân. Thông thường, người bệnh có thể cần được phẫu thuật để tránh các rủi ro liên quan và phục hồi chức năng ở đầu gối.
Chẩn đoán và điều trị chấn thương dây chằng
Bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe tổng quát để xác định tình trạng căng ở khớp gối, sưng tấy kèm theo chảy máu hoặc các dấu hiệu khác để xác định chấn thương dây chằng. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể dùng kim để dẫn đến chất dịch, giúp giảm sưng, căng và đau.
Người bệnh có thể cần chụp X – quang để loại trừ nguy cơ gãy xương hoặc chụp MRI để kiểm tra các chấn thương dây chằng hoặc mô mềm khác ở đầu gối.
Chấn thương dây chằng từ nhẹ đến trung bình có thể tự khởi trong một thời gian. Để tăng tốc độ chữa lành, người bệnh có thể thực hiện một số biện pháp chăm sóc như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Tránh gây áp lực hoặc đè nặng lên đầu gối, đặc biệt là khi cảm thấy đau đớn. Người bệnh có thể cần sử dụng nạng trong một thời gian để hỗ trợ đầu gối.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh đầu gối trọng 20 – 30 phút mỗi lần và sau mỗi 3 – 4 giờ có thể giúp giảm sưng tấy, đau đớn. Tiếp tục chườm đá trong 2 – 3 ngày hoặc cho đến khi đầu gối hết sưng.
- Băng đầu gối: Sử dụng băng thun co giãn hoặc nẹp đầu gối để kiểm soát tình trạng sưng tấy và giúp giảm đau.
- Nâng cao đầu gối: Đặt đầu gối trên một chiếc gối khi ngồi hoặc nằm xuống, điều này có thể giúp giảm lưu lượng máu và giảm đau.
- Mang nẹp đầu gối: Các loại nẹp đầu gối có thể giúp ổn định và bảo vệ đầu gối khỏi chấn thương thêm.
- Uống thuốc giảm đau chống viêm: Các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như aspirin, ibuprofen hoặc naproxyn có thể giúp giảm đau và sưng tấy. Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của nhà sản xuất hoặc bác sĩ kê đơn. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu vẫn cảm thấy đau sau 7 đến 10 ngày hoặc khi nhận thấy các tác dụng phụ của thuốc.
- Vật lý trị liệu: Thực hành các bài tập kéo giãn và tăng cường sức mạnh nếu bác sĩ đề nghị có thể giúp cải thiện cơn đau cũng như phục hồi chức năng khớp gối. Nếu cần thiết, hãy đến các trung tâm vật lý trị liệu để được hướng dẫn phù hợp.
Hầu hết các trường hợp tổn thương dây chằng khớp gối không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, khi dây chằng chéo trước (ACL hoặc PCL) bị rách hoàn toàn hoặc giãn quá giới hạn, lựa chọn duy nhất là phẫu thuật tái tạo khớp gối. Trong quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy gân từ các bộ phận khác của chân hoặc người hiến tặng để thay thế cho dây chằng bị rách.
Tuy nhiên, trong các trường hợp không đủ điều kiện phẫu thuật hoặc phẫu thuật có nguy cơ cao hơn lợi ích, người bệnh có thể không cần phẫu thuật và chấp nhận rủi ro đau đớn, bất ổn đầu gối suốt đời. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng nẹp đầu gối hoặc các dụng cụ hỗ trợ khác. Trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Phòng ngừa chấn thương dây chằng
Không thể phòng ngừa tất cả các chấn thương đầu gối, chẳng hạn như tai nạn hoặc té ngã. Tuy nhiên, người bệnh có thể giữ dây chằng khỏe mạnh để hạn chế các rủi ro chấn thương. Các biện pháp bao gồm:
- Tránh các môn thể thao liên quan đến tranh chấp bóng, chẳng hạn như bóng đá.
- Tập thể dục và chơi thể thao trên các bề mặt phẳng để hạn chế nguy cơ lật cổ chân hoặc trẹo đầu gối.
- Giữ cho cơ đùi chắc khỏe bằng cách kéo căng thường xuyên.
- Duy trì trọng lượng hợp lý để giảm áp lực lên đầu gối.
- Khởi động và làm nóng cơ thể trước khi tập thể dục, tăng dần cường độ tập luyện sao đó thả lỏng để giúp cơ thể thư giãn.
- Đi giày tập vừa vặn, phù hợp với môn thể thao và có độ bám tốt để chống té ngã.
- Sử dụng các thiết bị an toàn phù hợp khi chơi thể thao.
Dây chằng đầu gối là dải mô sợi, kết nối xương đùi với xương cẳng chân. Chấn thương dây chằng tương đối phổ biến, đặc biệt là ở các vận động viên. Các triệu chứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng và cần chăm sóc y tế. Đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp, điều này có thể ngăn ngừa các chấn thương tái phát cũng như bảo vệ đầu gối.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!