Đau Xương (Chậu, Mu, Mông..) Sau Khi Quan Hệ Do Đâu?

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Đau xương sau khi quan hệ là một tình trạng thường gặp, chủ yếu xảy ra do chấn thương và một số bệnh lý tiềm ẩn. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà người bệnh có thể bị đau xương chậu, đau mu hoặc đau ở mông. Cơn đau thường đột ngột và nghiêm trọng nhưng cũng có thể âm ỉ, kéo dài nhiều ngày.

Đau xương sau khi quan hệ
Tìm hiểu nguyên nhân gây đau xương sau khi quan hệ và cách khắc phục hiệu quả

Hiện tượng đau xương sau khi quan hệ

Đau xương sau khi quan hệ tình dục là tình trạng đau xảy ra ở xương mu, xương chậu, lưng hoặc/ và vùng mông do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hầu hết bệnh nhân bị nhân bị đau do có bệnh lý tiềm ẩn như viêm khớp, thoái hóa khớp… Một số trường hợp bị đau do chấn thương trước đó, sau sinh nở, tần suất quan hệ tình dục không phù hợp.

Tình trạng này khá phổ biến, có thể xảy ra ở cả nam giới và phụ nữ. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà vị trí và đặc tính của cơn đau có thể khác nhau. Phần lớn trường hợp bị đau xương ngay sau khi quan hệ tình dục, đau đột ngột và nghiêm trọng nhưng giảm dần theo thời gian.

Trong nhiều trường hợp khác, cơn đau bắt đầu trong khi quan hệ tình dục, kéo dài từ vài tiếng đến vài ngày, đau âm ỉ khó chịu. Ngoài ra đau thường kèm theo nhiều triệu chứng khác, bao gồm:

  • Co thắt
  • Sưng, nóng đỏ vị trí ảnh hưởng
  • Hạn chế khả năng vận động
  • Sốt
  • Yếu cơ
  • Tê chân hoặc có cảm giác châm chích…

Nguyên nhân gây đau xương sau khi quan hệ

Đau xương sau khi quan hệ xảy ra do nhiều nguyên nhân. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:

1. Hội chứng đau vùng chậu mãn tính

Nếu thường xuyên bị đau xương sau khi quan hệ, người bệnh có thể mắc hội chứng đau vùng chậu mãn tính. Đây là một tình trạng đau xảy ra ở vùng giữa hông và giữa rốn. Đau do hội chứng đau vùng chậu mãn tính thường đến và đi đột ngột, có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Đôi khi cơn đau bắt đầu sau khi quan hệ tình dục, sau khi ăn hoặc trong chu kỳ kinh nguyệt.

Hội chứng đau vùng chậu mãn tính thường là kết quả của một số vấn đề ở tuyến tiền liệt, đường tiết niệu và ruột. Cụ thể như viêm tuyến tiền liệt mãn tính. Khi mắc hội chứng này, người bệnh sẽ có những biểu hiện sau:

  • Đau vùng xương chậu, đau lưng dưới
  • Đau thường khởi phát hoặc nghiêm trọng hơn khi đi tiểu, quan hệ tình dục, rụng trứng ở nữ giới, ngồi lâu
  • Thường xuyên đi tiểu
  • Rối loạn cương dương
Hội chứng đau vùng chậu mãn tính
Hội chứng đau vùng chậu mãn tính có thể gây ra cơn đau xương sau khi quan hệ tình dục

2. Thoát vị đĩa đệm

Bệnh thoát vị đĩa đệm là một trong những nguyên nhân gây đau xương sau khi quan hệ. Bệnh lý này thể hiện cho tình trạng rách hoặc nứt bao xơ của đĩa đệm khiến nhân nhầy bên trong di chuyển ra ngoài. Chúng nhanh chóng tạo thành một khối thoát vị chèn ép hoặc kích thích rễ dây thần kinh dẫn đến những đợt đau nhức nghiêm trọng.

Đau xương do thoát vị đĩa đệm thường khởi phát sau khi quan hệ tình dục. Điều này xảy ra do các hoạt động trong khi quan hệ khiến cột sống bị uốn cong và chịu nhiều áp lực, đĩa đệm và dây thần kinh tổn thương bị kích thích làm khởi phát cơn đau. Trong nhiều trường hợp, cơn đau lan rộng đến vùng xương chậu, hông và háng.

Một số triệu chứng và dấu hiệu giúp nhận biết bệnh thoát vị đĩa đệm:

  • Đau lưng, đau khung xương chậu. Cơn đau có thể lan rộng đến mông, hông và háng
  • Có cảm giác châm chích, tê hoặc ngứa ran
  • Yếu chi
  • Hạn chế khả năng vận động

3. Viêm khớp cùng chậu

Đau xương sau khi quan hệ có thể là dấu hiệu của bệnh viêm khớp cùng chậu. Đây là một tình trạng viêm xảy ra ở khớp xương cùng (nằm ở hai bên cột sống dưới nối với xương chậu ở hông). Tình trạng này khiến người bệnh thường xuyên đau nhức ở hông và lưng dưới. Đôi khi cơn đau có thể làm ảnh hưởng đến háng và chân khiến các hoạt động sinh hoạt thường ngày bị ảnh hưởng.

Đau do viêm khớp cùng chậu thường khởi phát hoặc nghiêm trọng hơn khi quan hệ tình dục, đặt trọng lượng lên một chân, xoay hông, ngồi hoặc đứng lâu. Thông thường bệnh nhân được hướng dẫn dùng thuốc kết hợp với các biện pháp chăm sóc để điều trị.

Viêm khớp cùng chậu
Đau nhức nhiều ở hông và lưng dưới sau quan hệ có thể liên quan đến bệnh viêm khớp cùng chậu

4. Nhiễm trùng đường tiết niệu

Đau xương sau khi quan hệ (đặc biệt là đau xương chậu) thường liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu. Bệnh lý này xảy ra khi đường tiết niệu bị tổn thương do vi khuẩn, thường lây lan do quan hệ tình dục hoặc từ một bộ phận khác của cơ thể.

Khi bị nhiễm trùng đường tiết niệu, người bệnh thường xuyên có cảm giác đau nhiều ở vùng xương chậu hoặc xương mu. Đau nhiều hơn khi đi tiểu, quan hệ tình dục thô bạo. Ngoài ra nhiễm trùng đường tiết niệu còn khiến người bệnh đi tiểu thường xuyên, có cảm giác căng tức ở vùng bụng dưới, đi tiểu có máu.

5. Thoái hóa khớp

Thoái hóa khớp còn được gọi là viêm xương khớp. Đây là một bệnh viêm khớp phổ biến, thể hiện cho sự thoái hóa của sụn khớp và các xương dưới sụn dẫn đến đau nhức, biến dạng khớp và cứng khớp.

Ở những bệnh nhân bị thoái hóa khớp, sụn khớp hao mòn rõ rệt, các đầu xương đối đầu và có xu hướng va vào nhau khi di chuyển. Đôi khi đau khởi phát hoặc nghiêm trọng hơn khi thực hiện các hoạt động sinh hoạt làm ảnh hưởng đến khớp tổn thương. Cụ thể như chơi thể thao, quan hệ tình dục…

Ngoài cảm giác đau đớn, thoái hóa khớp còn gây ra nhiều triệu chứng khó chịu khác, bao gồm:

  • Co cứng khớp
  • Có cảm giác mềm khi ấn vào khớp
  • Nóng ran
  • Mất tính linh hoạt, hạn chế khả năng vận động
  • Xuất hiện gai xương
  • Sưng khớp
  • Phát ra tiếng kêu ở khớp khi di chuyển
  • Dị dạng khớp
  • Tràn dịch khớp
  • Teo sợi cơ

Thoái hóa khớp thường gặp ở người lớn tuổi. Tuy nhiên bệnh cũng có thể xảy ra ở những người trẻ do lạm dụng khớp, chấn thương, tai nạn thể thao hoặc tai nạn giao thông.

Thoái hóa khớp
Thoái hóa khớp ở người trẻ là một trong những nguyên nhân gây đau nhức xương sau khi quan hệ tình dục

6. Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp là một bệnh lý gây viêm khớp. Đặc trưng của bệnh là tình trạng mất vững và những tổn thương ở khớp cùng chậu, cột sống và các khớp ở chi, thường kèm theo viêm ở những điểm bám gân.

Bệnh thường gây ra những đợt viêm cấp từ nhẹ đến trung bình, đau lưng vào buổi sáng hoặc/ và ban đêm. Ngoài ra cơn đau cũng có thể xuất hiện ở các khớp lớn như khớp hông, khớp vai. Đôi khi đau khởi phát sau khi quan hệ tình dục hoặc thực hiện những hoạt động làm ảnh hưởng đến khớp tổn thương.

Một số triệu chứng khác:

  • Vai khòm hoặc tư thế xấu
  • Cứng khớp vào buổi sáng
  • Ăn mất ngon
  • Sốt nhẹ
  • Giảm chiều cao
  • Viêm màng bồ đào
  • Suy giảm chức năng phổi
  • Thiếu máu
  • Giảm cân

7. Chấn thương

Đau xương sau khi quan hệ có thể xảy ra do chấn thương. Sau một cú va chạm hoặc ngã, cột sống hay xương chậu, xương mu… có thể bị tổn thương. Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể không cảm thấy gì cho đến khi vận động mạnh hoặc quan hệ tình dục. Đau do chấn thương thường đi kèm với biểu hiện sưng nhẹ, có vết bầm. Tình trạng này không quá nghiêm trọng, các triệu chứng có thể mất đi sau một thời gian chăm sóc.

Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng kèm theo sưng và bầm tím do chấn thương
Cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng kèm theo sưng và bầm tím do chấn thương

8. Nguyên nhân khác

Ngoài những nguyên nhân nêu trên, đau xương sau khi quan hệ cũng có thể liên quan đến một số vấn đề, bệnh lý dưới đây:

  • Quan hệ tình dục quá mức hoặc thô bạo
  • Khớp xương lỏng lẻo ở phụ nữ sau sinh
  • Bệnh lây truyền qua đường tình dục (lậu, Chlamydia…)
  • Viêm vùng chậu
  • Áp xe vùng chậu
  • Hội chứng tắc nghẽn vùng chậu
  • Các bệnh phụ khoa: U nang buồng trứng, u xơ tử cung, sa tử cung, viêm âm đạo/ âm hộ, mang thai ngoài tử cung, hội chứng tiền kinh nguyệt, lạc nội mạc tử cung
  • Tắc ruột
  • Táo bón
  • Bệnh crohn
  • Viêm loét đại tràng
  • Viêm ruột thừa
  • Thoát vị bẹn

Đau xương sau khi quan hệ khi nào cần đến bệnh viện?

Ở những trường hợp đau nhẹ, chỉ thoáng qua hoặc không thường xuyên, người bệnh có thể điều chỉnh thói quen sinh hoạt và áp dụng những biện pháp chăm sóc để ngăn ngừa cơn đau tái diễn.

Tuy nhiên nếu đau đớn nghiêm trọng, thường xuyên tái phát hoặc đau kéo dài trên 24 tiếng, người bệnh nên liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám. Điều này giúp xác định nguyên nhân và có các phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Ngoài ra bệnh nhân cũng cần đến bệnh viện khi đau xương sau khi quan hệ đi kèm với những biểu hiện khác. Cụ thể như:

  • Sưng, nóng đỏ ở khu vực ảnh hưởng
  • Kém linh hoạt, khó đi lại
  • Cứng khớp
  • Sốt
  • Tiểu buốt, tiểu ra máu
  • Đi tiểu thường xuyên
  • Co thắt ở bụng
  • Có máu trong phân
  • Khó đi đại tiện
  • Tê yếu chân
Người bệnh cần di chuyển đến bệnh viện khi đau nhức nhiều kèm theo sưng, nóng đỏ ở khu vực ảnh hưởng
Người bệnh cần di chuyển đến bệnh viện khi đau nhức nhiều kèm theo sốt, sưng và nóng đỏ ở khu vực ảnh hưởng

Cách khắc phục đau xương sau khi quan hệ

Tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ đau đớn, đau xương chậu sau khi quan hệ có thể được khắc phục bằng một số phương pháp dưới đây:

1. Chăm sóc, giảm đau tại nhà

Đối với những cơn đau cấp tính, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp cơ bản như sử dụng nhiệt, xoa bóp nhẹ nhàng… để khắc phục và ngăn ngừa đau xương sau khi quan hệ tái diễn:

  • Chườm nóng

Chườm nóng mang đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân bị đau xương sau khi quan hệ tình dục. Biện pháp này có tác dụng giảm truyền tín hiệu đau, thư giãn các xương, khớp và mô mềm quanh khu vực tổn thương. Từ đó giúp xoa dịu cơn đau nhanh và hiệu quả.

Ngoài ra việc sử dụng nhiệt độ cao còn giúp người bệnh giảm cảm giác co thắt và cứng khớp, cải thiện khả năng vận động và tính linh hoạt. Đồng thời tăng lưu thông máu, mang đến cảm giác thoải mái, cải thiện tâm trạng.

Khi thực hiện có thể sử dụng miếng đệm nóng, chai nước nóng hoặc khăn ấm áp lên vị trí đau trong 20 phút. Lặp lại mỗi 4 tiếng 1 lần cho đến khi cơn đau mất đi.

  • Nghỉ ngơi

Nêu đau nhiều, hãy nghỉ ngơi để giảm nhẹ tình trạng. Các nghiên cứu cho thấy nghỉ ngơi giúp giảm áp lực lên các khớp xương tổn thương, thư giãn mô mềm. Đồng thời giảm truyền tín hiệu đau và cho phép các mô tổn thương lành lại. Điều này giúp xoa dịu nhanh cảm giác đau đớn.

Nghỉ ngơi
Nghỉ ngơi là một trong những biện pháp tốt nhất giúp xoa dịu cơn đau xương sau khi quan hệ
  • Massage nhẹ nhàng

Hãy thử massage nhẹ nhàng trong khi nghỉ ngơi. Lực tác động từ bàn tay giúp tăng tuần hoàn máu, giảm co cứng cơ, thư giãn xương khớp. Bên cạnh có biện pháp này còn có tác dụng giảm đau và cứng khớp, hạn chế đau sau khi quan hệ tình dục và cải thiện tâm trạng.

Trước khi massage, có thể sử dụng một ít tinh dầu thảo dược (như dầu tràm trà, tinh dầu bạc hà, tinh dầu gừng…) để tăng hiệu quả. Biện pháp này nên được thực hiện trong 15 phút, từ 2 lần mỗi ngày.

  • Tập thể dục

Người bệnh nên duy trì vận động và tập thể dục nhẹ nhàng sau khi cơn đau thuyên giảm. Một số bài tập kéo giãn nhẹ nhàng có thể cải thiện cơn đau, tăng cường sức cơ và sức khỏe của hệ xương khớp. Đồng thời giúp duy trì vận động và tính linh hoạt. Vì thế nên duy trì vận động và luyện tập mỗi ngày để kiểm soát và phòng ngừa đau sau khi quan hệ.

  • Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn

Nếu không có đáp ứng với những bệnh pháp nêu trên hoặc đau nhiều, người bệnh có thể thử sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn. Hầu hết bệnh nhân bị đau xương sau khi quan hệ tình dục cảm thấy thoải mái hơn khi sử dụng một trong hai loại thuốc dưới đây:

    • Acetaminophen: Đau xương sau khi quan hệ có thể giảm nhanh sau khi dùng thuốc Acetaminophen. Thuốc này có tác dụng hạ sốt và giảm đau, thích hợp với người có cơn đau nhẹ và trung bình.
    • Thuốc kháng viêm không steroid (NSAID): Người bệnh có thể sử dụng Ibuprofen, Aspirin hoặc Naproxen để kiểm soát cơn đau. Những thuốc này đều thuộc nhóm kháng viêm không steroid, có tác dụng giảm đau và giảm viêm sưng. NSAID phù hợp với những bệnh nhân bị đau xương sau quan hệ tình dục do viêm hoặc có cơn đau ở mức trung bình.
Acetaminophen
Dùng thuốc Acetaminophen cho những bệnh nhân bị đau xương từ nhẹ đến trung bình

2. Điều trị y tế

Điều trị y tế là điều cần thiết nếu cơn đau không giảm sau 2 – 3 ngày chăm sóc tại nhà, tái diễn nhiều lần hoặc có xu hướng tăng theo thời gian. Tùy thuộc nguyên nhân và tính nghiêm trọng, điều trị nội khoa với thuốc hoặc phẫu thuật có thể được chỉ định.

  • Sử dụng thuốc theo toa

Trong điều trị đau xương sau khi quan hệ tình dục, những loại thuốc dưới đây sẽ được chỉ định dựa trên tình trạng:

    • Thuốc giãn cơ: Nếu đau nhiều kèm theo co thắt cơ, thuốc giãn cơ có thể được sử dụng. Thuốc này có tác dụng điều trị co cứng/ co thắt cơ và giảm đau.
    • Thuốc giảm đau gây nghiện: Thuốc nhóm opioid có thể được chỉ định cho những bệnh nhân không có đáp ứng với thuốc giảm đau không kê đơn (Acetaminophen, NSAID) hoặc có cơn đau từ vừa đến nặng. Thuốc giúp giảm đau nhanh và hiệu quả. Tuy nhiên dùng liều cao hoặc dài ngày có thể gây nghiện.
    • Thuốc kháng sinh: Nếu nhiễm trùng là nguyên nhân gây đau xương sau khi quan hệ tình dục, một loại kháng sinh phù hợp sẽ được chỉ định. Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động và loại trừ vi khuẩn gây bệnh.
  • Vật lý trị liệu

Nếu đau xương sau quan hệ tình dục do các vấn đề về xương khớp như thoát vị đĩa đệm, thoái hóa khớp, viêm khớp cùng chậu… người bệnh có thể được hướng dẫn lý trị liệu để kiểm soát cơn đau và cải thiện khả năng vận động.

Hầu hết bệnh nhân được tập vật lý trị liệu với những bài tập kéo giãn và tăng cường sức cơ. Điều này giúp phục hồi khả năng vận động, tăng tính linh hoạt và sự dẻo dai. Đồng thời giảm đau, tăng cường các hỗ trợ giúp ổn định cột sống và các khớp xương.

Trong nhiều trường hợp, bệnh nhân có thể tập vật lý trị liệu kết hợp với liệu pháp nhiệt, siêu âm trị liệu, massage trị liệu… để cải thiện cơn đau.

  • Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được chỉ định cho những trường hợp nghiêm trọng, đau xương sau khi quan hệ do nguyên nhân phức tạp. Cụ thể như:

    • Vỡ đĩa đệm
    • Tắc ruột
    • Viêm ruột thừa
    • Áp xe vùng chậu
    • Mang thai ngoài tử cung
    • U nang buồng trứng, u xơ tử cung
    • Lạc nội mạc tử cung
    • Sa tử cung
    • Thoát vị bẹn

Ngoài ra phẫu thuật cũng được xem xét cho những bệnh nhân điều trị bảo tồn thất bại. Tùy thuộc vào mục đích điều trị và vị trí tổn thương, người bệnh có thể được phẫu thuật nội soi hoặc mổ mở.

Phẫu thuật được đề xuất cho những trường hợp bị đau nhức nghiêm trọng
Phẫu thuật được đề nghị cho những trường hợp bị đau nhức nghiêm trọng, đau do nguyên nhân phức tạp

3. Thay đổi thói quen sinh hoạt

Ngoài điều trị y tế và các biện pháp chăm sóc tại nhà, người bệnh nên duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh và ăn uống giàu dinh dưỡng để kiểm soát cơn đau và hạn chế đau nhức tái phát sau quan hệ.

  • Điều chỉnh thói quen tình dục

Đôi khi cơn đau khởi phát do một số vấn đề liên quan đến tư thế, tần suất quan hệ tình dục. Vì thế để ngăn đau xương tái phát, người bệnh nên điều chỉnh tần suất quan hệ tình dục, tốt nhất nên thực hiện 2 lần mỗi tuần. Tránh quan hệ tình dục quá mức. Bên cạnh đó người bệnh cần tránh quan hệ tình dục thô bạo, lựa chọn tư thế thích hợp để không gây ra những tổn thương bên trong.

Ngoài ra lựa chọn địa điểm quan hệ phù hợp cũng là một cách ngăn ngừa và giảm đau xương sau khi quan hệ tình dục. Bởi việc quan hệ trên một bề mặt quá cứng hoặc quá mềm, không bằng phẳng, không gian chật hẹp có thể làm ảnh hưởng đến các xương, đặc biệt là cột sống, xương cụt và xương chậu.

Chính vì thế, bạn nên quan hệ tình dục trên nệm có độ cứng vừa phải, không gian rộng rãi. Điều này vừa tạo cảm giác thoải mái vừa giúp bảo vệ các xương. Từ đó hạn chế đau nhức sau mỗi lần “yêu”.

  • Uống nhiều nước

Nên uống từ 2 – 2.5 lít nước mỗi ngày để làm mát cơ thể, tăng khả năng đào thải độc tố và hỗ trợ quá trình trao đổi chất dinh dưỡng. Điều này giúp duy trì sức khỏe tổng thể và hạn chế các tình trạng viêm.

  • Chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng

Người bệnh nên thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng để các mô trong cơ thể được nuôi dưỡng, duy trì sức khỏe tổng thể. Đặc biệt người bệnh nên ăn nhiều thực phẩm giàu canxi, magie, phốt pho và vitamin D.

Các khoáng chất và vitamin nêu trên đều là những chất dinh dưỡng tốt cho hệ cơ xương khớp, giúp tăng mật độ xương, duy trì sự dẻo dai cho khớp xương và các cơ hỗ trợ. Việc bổ sung mỗi ngày có thể hạn chế tình trạng đau nhức xương khớp hiệu quả.

Ngoài ra vitamin C và axit béo omega-3 cũng rất tốt cho quá trình phòng ngừa và điều trị đau xương sau quan hệ tình dục. Trong đó vitamin C có tác dụng kháng viêm, giảm đau. Đồng thời tăng cường sức đề kháng và khả năng chống khuẩn, nâng cao hệ miễn dịch. Loại vitamin này thường được tìm thấy trong các loại trái cây thuộc họ cam quýt, ớt chuông, bông cải xanh, cà chua, kiwi và những loại quả mọng.

Axit béo omega-3 là thành phần dinh dưỡng có khả năng hỗ trợ giảm đau và chống viêm hiệu quả, rất tốt cho những người bị đau xương do viêm. Ngoài ra thành phần dinh dưỡng này còn giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, duy trì hoạt động của các cơ quan, bảo vệ não bộ và hệ tim mạch. Omega-3 được tìm thấy nhiều nhất trong dầu gan cá tuyết, cá hồi, cá trích, trứng cá muối, hạnh nhân…

Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe xương khớp, chống viêm và giảm đau

Đau xương sau quan hệ tình dục xảy ra do nhiều nguyên nhân. Phần lớn trường hợp xảy ra do những vấn đề ở hệ xương khớp, đường ruột và đường tiết niệu. Một số khác xảy ra do vấn đề về sinh sản, chấn thương và thói quen xấu trong tình dục. Để điều trị hiệu quả và phòng ngừa rủi ro, quá trình thăm khám và các phương pháp điều trị nên được thực hiện càng sớm càng tốt.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Đau Khớp Gối Có Nên Đi Bộ Không
Bị đau khớp gối có nên đi bộ không là thắc mắc của hầu hết người bệnh khi cố gắng cải thiện chức năng ở khớp gối. Để biết khi nào cần nghỉ ngơi và khi nào cần luyện tập, người ...
Xem chi tiết
Thay Khớp Gối Bao Lâu Thì Đi Được
Thay khớp gối bao lâu thì đi được là vấn đề được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Thông thường người thay khớp gối phải trải qua quá trình phục hồi chức năng với các bài tập thích hợp. Quá trình ...
Xem chi tiết
Đau Gót Chân Khám Ở Bệnh Viện Nào
Để giải đáp đau gót chân khám ở bệnh viện nào, người bệnh có thể tham khảo thông tin về Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện E... Đây ...
Xem chi tiết
Đau Xương Cụt Khám Ở Đâu
Để giải đáp đau xương cụt khám ở đâu tại TP HCM và Hà Nội, người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ y tế uy tín, có bác sĩ giỏi trong bài viết. Điều này giúp thăm ...
Xem chi tiết
Đau Khớp Háng Có Nên Đi Bộ Không
Người bị đau khớp háng có nên đi bộ không, cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Đây là một bộ môn mang nhiều lợi ích cho hệ xương ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua