Đau nhức xương khớp ở người trẻ và thông tin cần biết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Bác sĩ CKII Trần Thị Hương Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ hiện đang ngày càng phổ biến. Thói quen sinh hoạt và lối sống kém lành mạnh thường là nguyên nhân chủ yếu. Ngoài ra trong một số trường hợp, triệu chứng đau nhức có thể là hệ quả của các vấn đề bệnh lý.

đau nhức xương khớp ở người trẻ
Tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ đang diễn ra ngày càng phổ biến

Hiện trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ

Đau nhức xương khớp là thuật ngữ chung dùng để mô tả các triệu chứng phát sinh ở hệ thống xương khớp. Ví dụ như đau nhức, tê bì, sưng khớp, cứng khớp hay khó khăn khi vận động.

Trên thực tế, tình trạng đau nhức xương khớp xảy ra phổ biến ở những người cao tuổi. Nguyên nhân thường có liên quan đến quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể. Tuy nhiên, hiện nay, tình trạng này đang ngày càng trở nên phổ biến ở người trẻ.

Đau nhức xương khớp ở người trẻ thường phổ biến hơn ở một số đối tượng. Điển hình như lái xe, nhân viên văn phòng, công nhân may hay những người phải làm việc mang vác nặng nhọc.

Tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ đặc trưng bởi các triệu chứng sau:

  • Đau nhức ở 1 khớp hay nhiều khớp cùng lúc
  • Khớp xương có dấu hiệu sưng đỏ
  • Có cảm giác ấm nóng khi sờ vào khớp
  • Vận động và di chuyển có thể khiến triệu chứng tồi tệ hơn
  • Một số khớp phát ra âm thanh khi chuyển động
  • Gặp khó khăn khi thực hiện các chuyển động thông thường
  • Đau vai gáy, đau lưng, đau khớp gối…

Nguyên nhân gây đau nhức xương khớp ở người trẻ

Theo phân tích từ các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ bị đau nhức xương khớp. Điển hình nhất là do tư thế xấu, thói quen ăn uống và sinh hoạt thiếu lành mạnh, tính chất công việc… Cụ thể như sau:

1. Tư thế sai lệch

Các tư thế đứng, ngồi, nằm hay vận động sai lệch đều ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống xương khớp. Nhất là khớp háng, khớp gối và cột sống.

Áp lực đè nén lên hệ thống xương khớp thường có xu hướng tăng lên khi duy trì tư thế xấu kéo dài. Ngoài khiến xương khớp tổn thương thì còn kích thích gân cơ, dây chằng và các mô mềm xung quanh. Từ đó làm phát sinh các triệu chứng đau nhức, tê bì và cứng khớp.

2. Thừa cân – béo phì

Thừa cân – béo phì đang là hiện trạng đáng báo động ở những người trẻ tuổi. Không chỉ ảnh hưởng tới ngoại hình và thẩm mỹ, tình trạng này còn tác động rất lớn tới sức khỏe xương khớp.

vì sao người trẻ bị đau nhức xương khớp
Thừa cân béo phì gây ra nhiều áp lực cho hệ thống xương khớp

Cân nặng lớn khiến cho hệ thống xương khớp phải chịu nhiều áp lực. Nhất là khi di chuyển và vận động. Áp lực đè nén lên gân cơ và xương khớp sẽ làm kích hoạt tình trạng đau nhức, tê mỏi.

3. Tính chất công việc

Tính chất công việc là một trong những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe xương khớp. Những người trẻ thường xuyên phải làm việc nặng hay mang vác nhiều. Điều này gây áp lực cho hệ thống xương khớp và dẫn tới đau nhức.

Ngoài ra, những người làm công việc phải duy trì tư thế tĩnh quá lâu cũng bị ảnh hưởng rất nhiều. Điển hình như nhân viên văn phòng, công nhân, học sinh, sinh viên… Duy trì tư thế tĩnh lâu có thể gây ra cứng khớp, căng thẳng và đau nhức.

4. Lười vận động

Lười vận động là một trong những thói quen xấu của rất nhiều người trẻ hiện nay. Nhất là khi các hoạt động thường ngày có thêm sự hỗ trợ của thiết bị, máy móc.

Thói quen xấu này khiến cho các khớp xương trở nên kém linh hoạt và tê cứng. Tình trạng đau nhức rất dễ xảy ra. Hơn nữa nó còn làm tăng nguy cơ bị thoái hóa xương khớp khi còn trẻ.

5. Vận động quá mức

Không chỉ lười vận động mới tác động xấu tới sức khỏe xương khớp. Vận động quá mức cũng có thể là lý do gây ra đau nhức. Bởi trên thực tế, lạm dụng cơ bắp quá mức sẽ dẫn tới căng thẳng và chèn ép.

Tình trạng này thường gặp ở vận động viên thể thao hay những người hoạt động thể chất quá mức. Ngoài gây đau nhức, tê mỏi thì tình trạng này kéo dài còn khiến cho hệ thống xương khớp bị tổn thương. Thậm chí là gặp phải chấn thương khi vận động.

6. Lạm dụng rượu bia và hút thuốc lá

Nhiều người trẻ có thói quen hút thuốc lá và lạm dụng rượu bia. Tình trạng này ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe xương khớp.

người trẻ bị đau xương khớp do đâu
Thói quen hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ bị đau nhức xương khớp ở người trẻ

Các chuyên gia cho biết, nicotine trong thuốc lá và cồn trong rượu bia có thể làm cản trở quá trình hấp thụ canxi. Hơn nữa còn có khả năng phá hủy mô xương. Từ đó dẫn tới loãng xương, chết xương và nhiều rủi ro khác.

7. Ăn uống kém khoa học

Thực tế cho thấy, hiện nay rất nhiều người trẻ có lối sống buông thả, ít quan tâm đến chế độ ăn uống. Họ thường xuyên sử dụng các loại đồ hộp, thức ăn nhanh do có sự tiện lợi.

Tình trạng ăn uống kém khoa học kéo dài ảnh hưởng lớn tới sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng. Đặc biệt sự thiếu hụt canxi, magie, kali và các dưỡng chất thiết yếu có thể dẫn tới đau nhức xương khớp, tê bì chân tay.

Người trẻ có mắc bệnh xương khớp không?

Nhiều người cho rằng, bệnh xương khớp là vấn đề ở những người cao tuổi. Tuy nhiên không thể loại trừ hoàn toàn khả năng người trẻ cũng có nguy cơ mắc phải các bệnh lý về cơ xương khớp.

Số liệu thống kê cho thấy, số lượng người trẻ mắc các bệnh về cơ xương khớp đang ngày càng gia tăng. Nguyên nhân thường bắt nguồn từ chính thói quen sinh hoạt, ăn uống và làm việc hằng ngày.

nguy cơ mắc bệnh xương khớp ở người trẻ
Người trẻ hiện có nguy cơ cao mắc các bệnh xương khớp do nhiều nguyên nhân

Một số bệnh xương khớp có thể ảnh hưởng tới người trẻ bao gồm:

+ Bệnh gout:

Gout là bệnh lý xương khớp mãn tính có liên quan đến sự rối loạn chuyển hóa nhân purin. Điều này dẫn tới làm tăng acid uric trong máu và làm lắng đọng các tinh thể urate tại các mô.

Số người mắc bệnh gout trong độ tuổi từ 30 – 40 đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên người trẻ thường xem nhẹ và không tuân thủ các chỉ định điều trị. Từ đó tạo điều kiện cho các vấn đề rủi ro phát sinh.

+ Viêm khớp dạng thấp:

Tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có xu hướng gia tăng theo độ tuổi. Phổ biến hơn ở những người cao tuổi. Tuy nhiên tỷ lệ này đang dần có sự trẻ hóa.

Thống kê cho thấy, người trẻ tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp là 1/714 đối với nữ và khoảng 1/ 2778 đối với nam giới. Còn ở lứa tuổi từ 2 – 16 là 1/1000 mỗi năm, trong đó nữ gặp nhiều hơn nam.

+ Thoái hóa khớp:

Thoái hóa khớp thường là hậu quả của quá trình cơ học và sinh học của tuổi tác dẫn tới mất cân bằng giữa tái tạo và phá hủy sụn khớp cũng như tổ chức xương dưới sụn. Gần đây, giới y khoa nhận thấy rằng, bệnh lý này đang xảy ra nhiều hơn ở tuổi 30, thậm chí là cả những người dưới 20 tuổi. Trong khi đó, trước đây, thoái hóa khớp chỉ phổ biến ở người cao tuổi.

Chẩn đoán nguyên nhân gây đau nhức xương khớp ở người trẻ

Trong một số trường hợp, tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ có thể là dấu hiệu cảnh báo các vấn đề bệnh lý. Lúc này việc thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị phù hợp là cần thiết.

chẩn đoán đau nhức xương khớp ở người trẻ
Trường hợp các triệu chứng đau nhức xương khớp kéo dài nên chủ động thăm khám bác sĩ

Trước kết, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng để đánh giá mức độ đau, sưng viêm hay khả năng vận động của các khớp xương bị ảnh hưởng. Ngoài ra một số câu hỏi có thể được đặt ra để tìm hiểu về tiền sử bệnh và các vấn đề liên quan khác.

Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện một số xét nghiệm bao gồm:

  • Xét nghiệm máu: Để xác định khả năng bị bệnh gout hay viêm khớp dạng thấp.
  • Chụp X-quang: Giúp đánh giá tình trạng mất sụn hoặc sự xuất hiện của gai xương hay các tổn thương khác.
  • Chụp MRI: Cung cấp hình ảnh chi tiết ở bên trong khớp. Bao gồm cả gân cơ, dây chằng và mô mềm.

Cách điều trị đau nhức xương khớp ở người trẻ

Tình trạng đau nhức xương khớp ở người trẻ có thể được cải thiện khi thực hiện các giải pháp chăm sóc tốt. Tuy nhiên có một số trường hợp cần can thiệp y tế để điều trị triệt để các yếu tố nguyên nhân.

Điều trị đau nhức xương khớp ở người trẻ có thể bao gồm:

1. Tác dụng nhiệt

Tác dụng nhiệt là phương pháp điều trị đau nhức xương khớp cho người trẻ được áp dụng phổ biến. Tùy theo từng trường hợp cụ thể để lựa chọn tác dụng nhiệt nóng hay nhiệt lạnh.

+ Chườm nóng:

  • Trường hợp áp dụng: Đau nhức kèm theo tê bì, cứng khớp và có chèn ép dây thần kinh.
  • Tác dụng: Thư giãn gân cơ, tăng tuần hoàn máu, giảm đau, giảm áp lực và chèn ép.
  • Cách áp dụng: Chuẩn bị 1 túi chườm ấm hoặc chai nước ấm. Sau đó chườm trực tiếp lên các vùng xương khớp bị đau. Thực hiện khoảng 20 phút. Tuyệt đối không chườm với nhiệt độ quá cao.

+ Chườm lạnh:

  • Trường hợp áp dụng: Đau nhức xương khớp kèm theo biểu hiện sưng nóng khớp.
  • Tác dụng: Giảm cấp máu và làm tê tạm thời các dây thần kinh cảm giác. Từ đó giúp giảm đau và giảm sưng viêm hiệu quả.
  • Cách áp dụng: Chuẩn bị vài ba viên đá lạnh cho vào túi. Sau đó chườm đắp lên các khu vực bị ảnh hưởng 10 – 15 phút. Tuyệt đối không dùng đá xoa để xoa trực tiếp.

2. Xoa bóp, massage

Xoa bóp, massage cũng là một mẹo chữa đau nhức xương khớp tại nhà rất dễ thực hiện. Đặc biệt là có khả năng cải thiện tốt triệu chứng ở đối tượng người trẻ.

massage giảm đau xương khớp
Massage là mẹo giảm đau nhức xương khớp tại nhà rất dễ áp dụng

Massage đúng cách giúp làm giảm đau, giảm căng thẳng và thư giãn gân cơ. Đồng thời còn thúc đẩy tuần hoàn máu tới hệ thống khớp xương.

Các bước thực hiện:

  • Chà xát 2 lòng bàn tay vào nhau cho tới khi nóng lên
  • Sau đó nhẹ nhàng xoa bóp, massage lên các vùng xương khớp bị đau
  • Có thể kết hợp cùng một số động tác như lăn, miết, day, ấn
  • Thực hiện trong khoảng 15 – 20 phút bất cứ khi nào bị đau

Những người có làn da không quá nhạy cảm thì có thể thoa một ít tinh dầu trên da trước khi massage. Đối với những vùng khuất của cơ thể, việc tự xoa bóp thường gặp khó khăn. Bạn có thể nhờ tới sự trợ giúp của người thân.

3. Bỏ hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia

Như đã đề cập, thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia ở những người trẻ tuổi ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe xương khớp. Ngoài gây ra thì chúng còn làm tồi tệ thêm các triệu chứng sẵn có.

Do đó, việc bỏ hút thuốc lá và hạn chế uống rượu bia là rất cần thiết. Một ngày chỉ nên uống tối đa 30 – 40ml rượu và 300ml bia. Đồng thời không tiêu thụ các loại thức uống có chứa cồn này thường xuyên.

Đối với nhiều người trẻ, việc bỏ thuốc lá là một vấn đề không dễ dàng. Cần có sự quyết tâm và tham khảo dùng các sản phẩm hỗ trợ cai thuốc khi cần thiết.

4. Duy trì cân nặng phù hợp

Hệ thống xương khớp luôn phải chịu áp lực từ trọng lượng cơ thể. Nếu đang bị thừa cân – béo phì thì bạn nên có kế hoạch giảm cân phù hợp. Bởi đây là yếu tố có thể giúp làm giảm áp lực, đau nhức và cải thiện sức khỏe xương khớp cho người trẻ tuổi.

Cách tốt nhất để giảm cân an toàn là xây dựng chế độ ăn kiêng phù hợp. Đồng thời dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày. Có thể nhờ đến sự giúp đỡ của chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn kế hoạch giảm cân hiệu quả.

5. Tập thể dục

Dành thời gian cho hoạt động thể chất mỗi ngày đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Nhất là với những người trẻ đang thường xuyên bị đau nhức xương khớp.

Thường xuyên tập thể dục giúp tăng cường sức mạnh gân cơ và khả năng chịu lực của khớp xương. Từ đó làm giảm mức độ cũng như tần suất xuất hiện của các triệu chứng đau nhức xương khớp.

Ngoài ra, việc tập luyện còn giúp ngăn ngừa quá trình lão hóa. Đồng thời thúc đẩy chuyển hóa để đảm bảo sức khỏe tốt.

khắc phục đau nhức xương khớp ở người trẻ
Người trẻ nên dành thời gian tập thể dục để làm giảm chứng đau nhức xương khớp

Tuy nhiên khi tập luyện thể dục cần chú ý đến các vấn đề sau:

  • Lựa chọn các bài tập phù hợp
  • Nên dành thời gian cho các bước khởi động trước khi bước vào bài tập
  • Tập luyện với cường độ vừa phải
  • Tuyệt đối tránh tập luyện gắng sức

Trường hợp đang bị đau nhức xương khớp, có thể tham khảo bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn thực hành các bài tập vận động trị liệu phù hợp.

6. Thay đổi tư thế

Như đã phân tích, tư thế xấu cũng là nguyên nhân phổ biến làm tăng tỷ lệ bị đau nhức xương khớp ở người trẻ tuổi. Ngoài ra thói quen này kéo dài còn làm tăng nguy cơ mắc các bệnh cơ xương khớp.

Do đó, để cải thiện cơn đau và bảo vệ xương khớp, bạn cần sớm điều chỉnh các tư thế sai lệch cả khi đứng, ngồi, nằm hay vận động. Đồng thời tránh tình trạng duy trì tư thế tĩnh quá lâu.

7. Ăn uống khoa học

Việc xây dựng và duy trì chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp hệ thống xương khớp chắc khỏe. Đặc biệt là còn hỗ trợ làm giảm và ngăn ngừa chứng đau nhức xương khớp ở những người trẻ tuổi. Bởi thực tế, một số loại thực phẩm có tác dụng làm giảm sưng đau khớp hữu hiệu.

Người trẻ cần chú ý đến một số vấn đề dưới đây khi xây dựng chế độ ăn uống:

  • Đảm bảo chế độ ăn uống cân bằng, bổ sung đầy đủ dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể.
  • Ưu tiên sử dụng rau củ quả tươi và ngũ cốc nguyên hạt.
  • Hạn chế sử dụng rượu bia và các loại đồ uống có cồn.
  • Hạn chế dùng thực phẩm chế biến sẵn, thực phẩm chứa nhiều muối, đường, chất béo bão hòa.
  • Nên tự nấu ăn thay vì sử dụng các bữa ăn tiện lợi.
  • Đảm bảo bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày.

Ngoài việc ăn uống lành mạnh thì người trẻ cũng cần chú ý sinh hoạt điều độ. Nên cân bằng thời gian làm việc và nghỉ ngơi. Đi ngủ đúng giờ, đủ giấc và luôn dành thời gian cho hoạt động thể chất.

8. Điều trị y tế khi cần thiết

Trong một số trường hợp, người trẻ có thể bị đau nhức xương khớp kéo dài và không đáp ứng với các giải pháp khắc phục tại nhà. Lúc này nên chủ động thăm khám bác sĩ để được chẩn đoán cũng như có kế hoạch điều trị phù hợp.

điều trị đau nhức xương khớp ở người trẻ
Bác sĩ có thể chỉ định sử dụng thuốc để làm giảm đau nhức xương khớp

Các phương pháp điều trị được bác sĩ chỉ định có thể bao gồm:

  • Dùng thuốc giảm đau thông thường
  • Thuốc chống viêm không steroid
  • Tiêm corticosteroid
  • Vật lý trị liệu
  • Phẫu thuật

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể mà sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp. Cần nghiêm túc tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sĩ đưa ra. Nếu phác đồ đáp ứng không tốt hãy báo cáo lại với bác sĩ để có sự điều chỉnh kịp thời.

Phòng ngừa đau nhức xương khớp ở người trẻ

Thực tế cho thấy, số lượng người trẻ bị đau nhức xương khớp đang ngày càng gia tăng. Để làm giảm nguy cơ này, cần thực hiện tốt các giải pháp phòng ngừa. Bao gồm:

  • Luôn duy trì các tư thế đúng cả khi đứng, ngồi, nằm, vận động, làm việc hay sinh hoạt.
  • Tránh làm việc hay vận động quá sức, hạn chế mang vác nặng. Nên dành thời gian nghỉ ngơi, nhất là khi cơ thể thông báo tín hiệu mệt mỏi hay đau nhức.
  • Bổ sung đủ nước cho cơ thể mỗi ngày (2 – 2.5 lít). Ngoài nước lọc có thể dùng thêm các loại nước ép từ rau củ và trái cây tươi.
  • Duy trì chế độ ăn uống và sinh hoạt lành mạnh. Đảm bảo cung cấp đủ dưỡng chất cho cơ thể, ngủ đúng giờ, đủ giấc.
  • Luôn dành ít nhất 30 – 45 phút/ ngày cho các hoạt động thể chất vừa sức.
  • Kiểm soát cân nặng ở mức độ phù hợp.

Người trẻ không nên chủ quan khi bị đau nhức xương khớp. Nếu tình trạng này kéo dài dai dẳng hay trở nên nghiêm trọng hãy chủ động tìm gặp bác sĩ. Việc chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ giúp loại bỏ các vấn đề rủi ro liên quan.

Tham khảo thêm: Bị đau nhức xương khớp nên ăn gì, kiêng gì nhanh hết?

Câu hỏi liên quan
Đau Gót Chân Khám Ở Bệnh Viện Nào
Để giải đáp đau gót chân khám ở bệnh viện nào, người bệnh có thể tham khảo thông tin về Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, Bệnh viện E... Đây ...
Xem chi tiết
Đau Xương Cụt Khám Ở Đâu
Để giải đáp đau xương cụt khám ở đâu tại TP HCM và Hà Nội, người bệnh có thể tham khảo một số địa chỉ y tế uy tín, có bác sĩ giỏi trong bài viết. Điều này giúp thăm ...
Xem chi tiết
Đau Xương Mu Có Phải Sắp Sinh
Đau xương mu là tình trạng phổ biến trong thai kỳ, tuy nhiên cơn đau thường nhẹ. Do đó, nhiều thai phụ thắc mắc đau xương mu nhiều có phải sắp sinh không? Tham khảo một số thông tin cơ ...
Xem chi tiết
Đau Khớp Háng Có Nên Đi Bộ Không
Người bị đau khớp háng có nên đi bộ không, cần lưu ý những gì để đảm bảo an toàn là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Đây là một bộ môn mang nhiều lợi ích cho hệ xương ...
Xem chi tiết
Thay Khớp Gối Bao Lâu Thì Đi Được
Thay khớp gối bao lâu thì đi được là vấn đề được nhiều bệnh nhân thắc mắc. Thông thường người thay khớp gối phải trải qua quá trình phục hồi chức năng với các bài tập thích hợp. Quá trình ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua