Đau Nhức Khớp Gối Về Đêm Có Phải Bệnh? Cách Chữa Trị
Đau nhức khớp gối về đêm có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, chẳng hạn như chấn thương, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, bệnh gút hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Cơn đau này cần được điều trị và chăm sóc phù hợp để tránh gây ảnh đến chất lượng giấc ngủ và kiệt sức vào ban ngày. Bài viết bên dưới sẽ giúp người bệnh xác định các nguyên nhân và có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất.
Đau nhức khớp gối về đêm là dấu hiệu của bệnh gì?
Đau nhức khớp gối về đêm có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và sau đó là chất lượng cuộc sống. Thiếu ngủ có thể làm cho cơn đau tồi tệ hơn, do đó khiến người bệnh khó có được một giấc ngủ ngon. Đau đầu gối là tình trạng rất phổ biến, có thể ảnh hưởng đến mọi người mọi lứa tuổi khác nhau. Tuy nhiên, tình trạng này phổ biến nhất đối với những người trên 50 tuổi, vì đầu gối phải chịu một lượng hao mòn đáng kể trong suốt cuộc đời.
Có một số nguyên nhân gây đau mỏi khớp gối về đêm, chẳng hạn như hoạt động thể chất nặng nhọc, lối sống ít vận động, ngồi yên trong một thời gian kéo dài hoặc cần phải khụy gối suốt cả ngày. Các nguyên nhân khác có thể gây đau đầu gối có thể bao gồm chấn thương, viêm khớp, viêm gân bánh chè hoặc viêm bao hoạt dịch.
Việc xác định được nguyên nhân gây đau là điều vô cùng quan trọng để có kế hoạch điều trị hiệu quả nhất. Dưới đây là các nguyên và yếu tố rủi ro phổ biến nhất có thể gây đau nhức khớp gối về đêm:
1. Thay đổi thời tiết
Thời tiết thay đổi có thể khiến các cơn đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn. Những ngày thời tiết lạnh, ẩm ướt có thể khiến cơ bắp, dây chằng, khớp bị cứng và đau.
Theo một số nghiên cứu, vào ban đêm việc thay đổi thời tiết có thể gây đau đầu gối theo một số cách sau:
- Độ ẩm cao
- Áp suất khí quyển thấp
- Gió mạnh hơn
Áp suất khí quyển đo trọng lượng của không khí trong bầu khí quyển đè lên cơ thể. Áp suất giảm sẽ khiến thời tiết xấu đi, có nghĩa là áp suất không khí lên cơ thể cũng giảm đi một chút. Điều này có thể khiến các mô trong cơ thể hơi sưng lên, gây kích ứng các khớp và gây đau.
Áp suất khí quyển thấp hơn cũng khiến thời tiết lạnh hơn, điều này sẽ làm cho các cơ, dây chằng và khớp trở nên cứng, đau hơn.
Mặc dù các nghiên cứu không rõ ràng, tuy nhiên rất nhiều người đau nhức khớp gối vào ban đêm khi thay đổi thời tiết. Cơ thể một số người nhạy cảm hơn với thời và cảm thấy dễ chịu hơn khi thời tiết ấm áp.
2. Các bệnh viêm khớp
Có nhiều tình trạng viêm đau khớp có thể gây đau nhức đầu gối vào ban đêm. Xác định tình trạng bệnh là cách tốt nhất để có kế hoạch điều trị phù hợp. Các bệnh lý viêm khớp có thể gây đau nhức khớp gối về đêm bao gồm:
- Thoái hóa khớp gối: Thoái hóa khớp gối là nguyên nhân phổ biến nhất có thể gây đau đầu gối vào ban đêm ở người trên 50 tuổi. Tình trạng này xảy ra khi sụn khớp hao mòn, mất đi, khiến các xương cọ xát vào nhau, dẫn đến đau đớn dữ dội. Thoái hóa khớp là tình trạng mãn tính và không có cách điều trị, mặc dù có nhiều cách làm chậm quá trình thoái hóa.
- Viêm khớp dạng thấp: Viêm khớp dạng thấp là một tình trạng tự miễn dịch trong đó các kháng thể tấn công các mô xung quanh khớp, khiến lớp tế bào mỏng bao phủ khớp bị viêm và sưng. Nếu không được điều trị, viêm khớp dạng thấp có thể gây mất hình dạng khớp và sự liên kết, dẫn đến các cơn đau dữ dội, kéo dài. Viêm khớp dạng thấp có thể gây ảnh hưởng đến cả hai đầu gối, dẫn đến đau đớn dữ dội về đêm và gây mất ngủ.
- Viêm khớp sau chấn thương: Cơn đau khớp sau chấn thương đầu rối, chẳng hạn như gãy xương, rách sụn, có thể gây ảnh hưởng đến sụn khớp và phá vỡ cấu trúc bình thường của khớp. Các triệu chứng có thể kéo dài vài năm và bắt đầu gây ra tình trạng đau mỏi khớp gối về đêm.
3. Bệnh gout
Bệnh gout (gút) là một dạng viêm khớp gây đau đớn dữ dội, thường ảnh hưởng đến ngón chân cái, nhưng có thể ảnh hưởng đến bất cứ khớp nào, bao gồm đầu gối. Tình trạng này xảy ra khi cơ thể có nồng độ acid uric cao hơn, dẫn đến việc hình thành các tinh thể sắt nhọn ở các khớp, dẫn đến sưng và đau đột ngột.
Các triệu chứng thường bao gồm đau dữ dội, sưng, đỏ và nóng khi chạm vào. Các đợt bùng phát bệnh gút bắt đầu đột ngột và có thể kéo dài vài ngày hoặc vài tuần, sau đó tái phát kéo dài vài tuần, vài tháng hoặc vài năm và tự thuyên giảm.
Các triệu chứng bệnh gút khi ảnh hưởng đến đầu gối thường xuất hiện mà không có dấu hiệu báo trước vào ban đêm, khi người bệnh ngừng di chuyển, nhiệt độ và lưu lượng máu trong khớp giảm xuống.
Ngoài ra, đầu gối của người bệnh có thể bị nóng, sưng, đỏ và rất đau đớn theo định kỷ.
4. Viêm gân bánh chè
Viêm gân bánh chè là tình trạng viêm gân nối xương bánh chè với xương ống chân, dẫn đến cảm giác đau ngay dưới xương bánh chè. Tình trạng này còn được gọi là đầu gối của người chạy bộ, do thường xuất hiện ở vận động viên điền kinh hoặc người thường xuyên tập luyện môn chạy bộ. Cơn đau này có thể âm ỉ, lan tỏa gần đầu gối hoặc mang đến cảm giác lạo xạo gần xương bánh chè.
Đau bên trong đầu gối thường không liên tục và xảy ra trong khi chạy hoặc ngay sau khi chạy. Cơn đau cũng có thể xảy ra với bất kỳ hoạt động nào gây căng thẳng cho khớp gối. Ngoài ra, viêm xương bánh chè cũng là một trong những nguyên nhân gây đau nhức khớp gối về đêm, đặc biệt khi người bệnh vừa chạy bộ, thực hiện các động tác xoay đầu gối hoặc leo cầu thang.
5. Viêm bao hoạt dịch
Ở đầu gối có cách túi chất lỏng nhỏ, được gọi là bao hoạt dịch, giúp gân hoạt động linh hoạt. Viêm bao hoạt dịch xảy ra khi túi dịch này bị kích thích, sưng, viêm, gây áp lực lên đầu gối, dẫn đến sưng đau trên xương bánh chè hoặc ở một bên đầu gối.
Viêm bao hoạt dịch tương tự như viêm gân bánh chè, có thể xảy ra do quá nhiều áp lực lên đầu gối, chẳng hạn như thường xuyên ngồi xổm, quỳ gối, va chạm, chấn thương.
Các triệu chứng viêm bao hoạt dịch cũng có thể xảy ra vào ban đêm, dẫn đến đau đầu gối, khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
6. Bệnh Osgood-Schlatter
Đau nhức khớp gối về đêm ở trẻ em có thể là dấu hiệu của bệnh Osgood-Schlatter. Tình trạng này không thực sự là một căn bệnh, mà thay vào đó khu vực ngay dưới đầu gối, nơi gân từ xương bánh chè bám vào xương ống chân sẽ bị viêm, sưng tấy và đau đớn.
Cơn đau này thường xảy ra trong giai đoạn dậy thì, khi xương, cơ, gân và các cấu trúc khác đang tăng trưởng thành chóng. Thông thường, trẻ sẽ được chỉ định nghỉ ngơi, chườm đá, sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn, cùng với các bài tập kéo dài, tăng cường sức mạnh để kiểm soát cơn đau theo thời gian.
7. Các chấn thương khác
Vì đầu gối là khớp lớn nhất trong cơ thể, do đó rất dễ bị chấn thương, căng thẳng. Nếu bị ngã hoặc va đập vào đầu gối, người bệnh có thể bị đau và bầm tím. Nếu bị gãy bất cứ xương nào trong ba xương ở đầu gối, người bệnh có thể bị yếu, đau nhói hoặc có cảm giác nhói sâu bên trong khớp gối
Tại sao cơn đau đầu gối nghiêm trọng hơn vào ban đêm?
Nhiều tình trạng gây đau nhức khớp gối về đêm sẽ được cải thiện trong vài tuần nghỉ ngơi, chẳng hạn như viêm gân bánh chè hoặc viêm bao hoạt dịch. Tuy nhiên, nếu cơn đau đầu gối vào ban đêm trở nên nghiêm trọng hơn, các nguyên nhân có thể bao gồm:
1. Cơ thể thư giãn
Buổi tối, khi cơ thể nghỉ ngơi, người bệnh có thể cảm thấy những cơn đau nhẹ đến vừa phải mà tâm trí bận rộn không chú ý đến trong suốt thời gian thức giấc. Ngoài ra, vào ban đêm, khi ngủ, cơ thể sẽ sản xuất ít cortisol hơn. Mặc dù mức cortisol có thể dẫn đến bệnh tim mạch, tuy nhiên ở mức độ vừa phải cortisol có tác dụng giảm viêm trong cơ thể.
Bởi vì hầu hết cơn đau xảy ra do viêm, do đó có một lượng cortisol vừa phải trong cơ thể sẽ giúp kiểm soát tình trạng viêm, hỗ trợ thư giãn, giảm sưng tấy và khó chịu.
Do đó, việc đi ngủ vào ban đêm có thể góp phần tăng viêm ở người có vấn đề sức khỏe ở đầu gối và gây đau đớn, khó chịu.
2. Tình trạng viêm tăng cao
Khi ngủ, cơ thể được nghỉ ngơi và giữ yên một tư thế trong nhiều giờ. Điều này khiến các khớp cứng và kém linh hoạt hơn khi thức dậy. Việc giữ yên một tư thế quá lâu có thể góp phần tăng viêm và gây đau đầu gối.
Mặc dù việc vận động quá mức có thể khiến cơn đau đầu gối trở nên nghiêm trọng hơn, tuy nhiên người bệnh được đề nghị thực hiện các hoạt động lành mạnh, nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội, tập yoga hoặc các bài tập tác động thấp khi ngủ dậy. Điều này có thể giữ cho các khớp linh hoạt, chuyển động trơn tru và ngăn ngừa cơn đau vào ban đêm.
Các chuyển động này cũng giúp gân dẻo dai hơn và góp phần tăng cường các chất lỏng bảo vệ khớp gối. Tập thể dục nhẹ nhàng vào buổi sáng cũng góp phần giảm đau và nâng cao sức khỏe ở người thoái hóa khớp gối.
3. Giấc ngủ kém chất lượng
Đau nhức khớp gối về đêm sẽ gây suy giảm chất lượng giấc ngủ. Tương tự, giấc ngủ kém chất lượng cũng khiến cơn đau trở nên tồi tệ hơn. Giấc ngủ rất quan trọng để chữa lành và trẻ hóa. Nếu ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ có ít năng lượng hơn để sử dụng cho quá trình chữa lành tự nhiên, từ đó khiến cơn đau kéo dài hoặc trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, các tư thế ngủ xấu có thể gây chèn ép lên đầu gối, các dây thần kinh, khiến dẫn đến đau đớn, khó chịu vào ban đêm.
Đau nhức khớp gối về đêm phải làm sao?
Để điều trị tình trạng đau nhức khớp gối về đêm, điều quan trọng là có sự chẩn đoán chính xác. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau, bác sĩ có thể đề nghị nghỉ ngơi, thay đổi lối sống, sử dụng thuốc theo chỉ định để cải thiện chất lượng giấc ngủ cũng như giúp kiểm soát cơn đau.
Các hướng xử lý khi bị đau nhức khớp gối về đêm như sau:
1. Sử dụng thuốc giảm đau
Để kiểm soát cơn đau nhanh chóng, người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như Aspirin hoặc Ibuprofen. Các loại thuốc này có bán ở nhà thuốc mà không cần toa thuốc của bác sĩ.
Đối với các tình trạng cụ thể khác, chẳng hạn như bệnh gút, viêm khớp dạng thấp, cơn đau đầu gối có thể được kiểm soát theo thời gian. Tuy nhiên, nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc giảm đau mạnh hơn, chẳng hạn như Hydrocodone. Các loại thuốc này có thể giúp kiểm soát cơn đau dữ dội, tuy nhiên có thẻ gây lạm dụng và nghiện thuốc. Do đó, thuốc này chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ để tránh các rủi ro phát sinh.
2. Chườm lạnh và chườm nóng
Chườm lạnh, như chườm đá, có thể làm dịu cơn đau trong khi chườm nóng trên vết thương cũng có thể giúp khớp đau dễ chịu hơn. Người bệnh có thể xen kẽ cả hai phương pháp này để đạt hiệu quả tốt nhất.
Theo khuyến cáo, chườm nóng sẽ mang đến cảm giác dễ chịu, tuy nhiên cũng làm tăng lưu lượng máu đến đầu gối. Điều này có thể dẫn đến sưng tấy, đau nhói kéo dài suốt cả đêm. Thay vào đó, các chuyên gia khuyến cáo hãy chườm nóng ban đầu và chuyển sang liệu pháp lạnh sau đó. Sự ấm áp sẽ giúp các khớp cảm thấy dễ chịu hơn và nhiệt độ lạnh sẽ ngăn ngừa tình trạng tụ máu, viêm và đau.
Trao đổi với bác sĩ nếu cần được hướng dẫn hoặc có bất cứ thắc mắc nào liên quan.
3. Cải thiện thói quen ngủ
Mặc dù tình trạng đau nhức khớp gối về đêm có thể làm gián đoạn giấc ngủ, tuy nhiên người bệnh có thể thay đổi thói quen ngủ hàng ngày để có giấc ngủ chất lượng. Các lưu ý bao gồm:
- Hạn chế ngủ trưa vào ban ngày
- Tạo không gian ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh
- Tránh ăn các bữa ăn lớn hoặc tập thể dục ngay trước khi ngủ
- Trao đổi với bác sĩ về các sản phẩm bổ sung hỗ trợ giấc ngủ để đi vào giấc ngủ nhanh và sâu hơn
- Không sử dụng điện thoại, máy tính trước khi đi ngủ, vì ánh sáng xanh từ màn hình có thể làm gián đoạn giấc ngủ
- Sử dụng nệm và gối hỗ trợ để tránh gây căng thẳng ở đầu gối
Nếu cơn đau không thuyên giảm hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh nên hỏi ý kiến của bác sĩ để chẩn đoán chính xác nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.
Phòng ngừa đau đầu gối vào ban đêm như thế nào?
Đau nhức khớp gối về đêm có thể gây ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ và suy nhược cơ thể. Do đó, người bệnh cần có kế hoạch kiểm soát tình trạng này để đảm bảo sức khỏe.
1. Thường xuyên tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên có thể hỗ trợ giảm đau, sưng và cứng khớp do viêm khớp, bệnh gout và các vấn đề mãn tính khác. Thường xuyên hoạt động thể chất cũng giúp duy trì chuyển động hoàn toàn của đầu gối và tăng cường sức mạnh cho các cơ hỗ trợ khớp. Những tác động tích cực này có thể đạt được với các loại bài tập khác nhau, chẳng hạn như aerobic, bài tập tăng cường sức mạnh và phối hợp.
Người bệnh nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, năm ngày mỗi tuần, điều này sẽ giúp tăng khả năng vận động, giảm đau trong 4 – 6 tuần. Thậm chí, người bệnh có thể chia 30 phút thành nhiều lần tập trong ngày, ít nhất 10 phút mỗi lần và tăng dần cường độ.
Nếu cơn đau trở nên tồi tệ hơn trong hoặc sau khi tập thể dục, người bệnh nên:
- Giảm cường độ tập luyện
- Rút ngắn thời lượng
- Trao đổi với bác sĩ hoặc huấn luyện viên để điều chỉnh phương pháp
- Đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị phù hợp
Các mẹo khác để tập thể dục khi bị đau mỏi khớp gối về đêm:
- Khởi động trước khi hoạt động thể chất cũng như hạ nhiệt sau khi tập
- Nghỉ ngơi khi cảm thấy đau hoặc quá tải
- Chạy bộ hoặc đi bộ trên máy tập thể dục để giảm áp lực lên đầu gối
- Tập thể dục trong nước ấm sẽ giảm trọng lượng cho khớp và giúp giữ cho khớp di động, hoạt động tốt
Các bài tập tốt nhất cho người đau nhức khớp gối về đêm:
- Squat: Bài tập này tăng cường sức mạnh cho các cơ ở mặt trước và mặt sau của đùi, cùng với cơ mông.
- Nâng gót chân với đầu gối cong: Bài tập này tăng cường sức mạnh cho các cơ ở mặt trước và mặt sau của đùi cũng như mông của bạn.
- Căng gân kheo: Bài tập này kéo dài và tăng cường sức mạnh cho gân kheo, đó là các cơ ở mặt sau của đùi gắn vào đầu gối.
2. Chăm sóc đầu gối vào ban ngày
Để kiểm soát cơn đau nhức khớp gối về đêm, người bệnh nên dành thời gian chăm sóc và bảo vệ đầu gối vào ban ngày. Các lưu ý bao gồm:
- Nghỉ ngơi thường xuyên và cho đầu gối nghỉ ngơi trong ngày. Hãy nâng cao đầu gối trên ghế để làm giảm sưng và viêm.
- Sử dụng băng ép để giảm sưng và hỗ trợ đầu gối. Tuy nhiên không được băng nén qua đêm.
- Chọn giày hỗ trợ, có đệm và bằng phẳng để giảm áp lực lên đầu gối.
- Không hút thuốc lá bởi vì thuốc lá có thể ảnh hưởng đến sự lưu thông máu, kéo dài thời gian chữa lành các vết thương, dẫn đến chấn thương đầu gối.
- Giảm cân và duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh. Điều này sẽ hạn chế các áp lực lên khớp, đặc biệt là đầu gối.
3. Kiểm soát cơn đau trước khi ngủ
Trước khi đi ngủ, người bệnh có thể thực hiện một số kỹ thuật phòng ngừa cơn đau như:
- Chườm ấm hoặc làm mát đầu gối trong 15 – 20 phút trước khi đi ngủ để làm dịu cơn đau. Nhiệt độ có thể cải thiện lưu thông ở đầu gối, làm mềm các mô cứng. Trong khi chườm lạnh sẽ làm dịu chứng viêm và giảm sưng.
- Nằm ngửa với hai chân nâng cao hơn tim trong 20 phút trước khi đi ngủ. Điều này sẽ giúp giảm lưu lượng máu đến đầu gối và ngăn ngừa cơn đau.
Đau nhức khớp gối về đêm – Khi nào cần đến bệnh viện?
Nếu tình trạng đau nhức khớp gối về đêm trở nên nghiêm trọng hoặc gây lo lắng, người bệnh hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị phù hợp. Một số dấu hiệu cần chăm sóc y tế bao gồm:
- Không có khả năng chịu trọng lượng trên đầu gối
- Đầu gối phát ra âm thanh hoặc không ổn định
- Sưng đầu gối kéo dài, không được cải thiện hoặc trở nên nghiêm trọng hơn
- Không thể mở rộng hoặc uốn cong hoàn toàn đầu gối
- Sốt, đỏ, đau đớn và sưng ở đầu gối
- Đau đầu gối nghiêm trọng
Đau nhức khớp gối về đêm có thể xảy ra do chấn thương lặp đi lặp lại, thoái hóa khớp gối hoặc các tình trạng sức khỏe khác. Các lựa chọn điều trị bao gồm nghỉ ngơi, chườm nóng, chườm đá, sử dụng thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Ngoài ra, người bệnh nên giữ các thói quen tốt để đi vào giấc ngủ nhanh chóng, dễ dàng, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!