Đau Lưng Do Gây Tê Tủy Sống và Các Thông Tin Cần Biết
Đau lưng do gây tê tủy sống thường xảy ra ở phụ nữ sau sinh, có thể gây khó chịu và ảnh hưởng đến các thói quen sinh hoạt hàng ngày. Cơn đau này cần được chăm sóc và điều trị phù hợp để ngăn ngừa các rủi ro liên quan và tăng cường chất lượng cuộc sống. Tham khảo một số thông tin cần biết trong bài viết bên dưới để có kế hoạch chăm sóc phù hợp.
Gây tê tủy sống là gì?
Gây tê tủy sống (gây tê dưới nhện) là một hình thức gây tê trục thần kinh trung ương. Phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm thuốc gây tê vào khoang dưới nhện (CFS) và vị trí tốt nhất để gây tê tủy sống là đốt sống thắt lưng L2 – L3 – L4. Sau khi tiêm thuốc, hệ thống thần kinh trung ương từ vùng tủy sống sẽ bị tê liệt nhằm ức chế cảm giác đau ở vùng phẫu thuật. Trong suốt phẫu thuật, người bệnh vẫn tỉnh táo nhưng không cảm thấy đau đớn.
Thông thường gây tê tủy sống được chỉ định các các trường hợp như:
- Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
- Phẫu thuật đường tiết niệu
- Phẫu thuật mạch máu
- Phẫu thuật sản phụ khoa
- Phẫu thuật mở ổ bụng
Gây tê ngoài màng cứng là thủ thuật phổ biến, có thể hạn chế được nhiều rủi ro liên quan đến gây mê toàn thân. Tuy nhiên phương pháp này cũng có thể dẫn đến nhiều rủi ro chẳng hạn như gây đau lưng, các biến chứng tim mạch, tổn thương thần kinh hoặc tê toàn bộ tủy sống.
Đau lưng do gây tê tủy sống nguyên nhân do đâu?
Gây tê tủy sống được thực hiện nhằm mục đích giảm đau khi thực hiện phẫu thuật, chẳng hạn như khi sinh mổ. Trong thủ thuật này, bác sĩ sử dụng một kim rất nhỏ, đâm xuyên qua da và các dây chằng để đi vào tủy sống, sau đó bơm thuốc tê vào dịch tủy.
Thuốc tê sẽ gây ức chế các dẫn truyền thần kinh để ngăn ngừa cảm giác đau. Tuy nhiên sau khi thuốc tê hết tác dụng, người bệnh sẽ cảm thấy khó chịu hoặc đau đớn tại vùng phẫu thuật.
Trong một số trường hợp, quá trình gây tê tủy sống có thể gây tổn thương các dây chằng ở thắt lưng, điều này có thể dẫn đến các cơn đau lưng sau thủ thuật. Mức độ nghiêm trọng của cơn đau lưng có thể từ nhẹ, âm ỉ đến đau dữ dội hoặc kéo dài liên tục.
Mặc dù gây tê tủy sống có thể gây đau lưng, tuy nhiên tỷ lệ không cao. Bên cạnh đó, trong những năm gần đây, kỹ thuật gây tê ngoài tủy sống được phát triển, kim gây tê có kích thước ngày càng nhỏ, do đó rất hiếm khi gây đau.
Để hạn chế cơn đau lưng do gây tê tủy sống cũng như hạn chế các rủi ro khác, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Cơn đau lưng do gây tê tủy sống kéo dài bao lâu?
Thông thường cơn đau lưng sau khi gây tê tủy sống kéo dài trong vài tuần đến một tháng. Cơn đau sẽ được khôi phục dần dần và hết hẳn khi người bệnh quay trở lại các hoạt động thường ngày.
Trong trường hợp đau lưng kéo dài, nguyên nhân có thể bao gồm làm việc vất vả, ngủ sai tư thế hoặc có các bệnh về cơ xương khớp khác, chẳng hạn như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm hoặc sút lưng. Điều này có thể khiến cơn đau lưng sau gây tê tủy sống kéo dài và trở nên nghiêm trọng hơn.
Nếu cơn đau sau gây tê tủy sống kéo dài, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về phương pháp điều trị, chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu và các phương pháp giảm đau khác. Điều trị sớm là cách tốt nhất để cải thiện cơn đau nhức và ngăn ngừa các rủi ro liên quan.
Đau lưng do gây tê tủy sống phải làm sao?
Để ngăn ngừa cũng như cải thiện cơn đau lưng sau khi gây tê tủy sống, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
1. Quy trình gây tê tủy sống
Trước khi thực hiện gây tê tủy sống, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về tình trạng bệnh lý và những loại thuốc đang sử dụng, bao gồm thuốc Tây y, thực phẩm chức năng, thảo mộc, thảo được, bài thuốc Đông y và các sản phẩm bổ sung không cần kê đơn khác.
Trong những ngày trước khi thực hiện gây tê tủy sống, người bệnh cần lưu ý:
- Thông báo cho bác sĩ về tình trạng dị ứng hoặc các vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như những loại thuốc đang sử dụng và thuốc gây tê hoặc gây mê đã từng sử dụng trong quá khứ.
- Bác sĩ có thể yêu cầu người bệnh ngừng sử dụng aspirin, ibuprofen, warfarin và bất kỳ chất làm loãng máu nào khác.
- Trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc có thể tiếp tục sử dụng đến ngày làm thủ thuật.
- Nếu hút thuốc, cần bỏ thuốc lá trước thủ thuật ít nhất 5 – 7 ngày. Ngoài ra, người bệnh cũng cần lên kế hoạch bỏ thuốc lá để tránh tình trạng đau lưng sau khi gây tê tủy sống.
Và ngày thực hiện thủ thuật gây tê tủy sống, người bệnh cần chú ý:
- Tránh ăn uống theo hướng dẫn của bác sĩ
- Không uống rượu vào đêm trước khi thực hiện thủ thuật
- Sử dụng các loại thuốc theo chỉ định của bác sĩ và uống một vài ngụm nước nhỏ
Sau thủ thuật người bệnh nên dành thời gian nghỉ ngơi trên giường, tránh hoạt động mạnh. Người bệnh có thể cảm thấy đau bụng và chóng mặt. Tuy nhiên các triệu chứng này thường được cải thiện ngay sau đó và không dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác.
2. Điều trị cơn đau lưng
Đau lưng do gây tê tủy sống không quá phổ biến, tuy nhiên có thể gây ảnh hưởng đến quá trình phục hồi của người bệnh. Để ngăn ngừa cũng như cải thiện cơn đau, bác sĩ hoặc kỹ thuật viên điều trị có thể đề nghị một số biện pháp như:
- Sử dụng máy siêu âm để kiểm tra dây thần kinh, dây chằng, cơ để đảm bảo quá trình gây tê diễn ra thuận lợi, hạn chế nguy cơ tổn thương các mô mềm và ngăn ngừa cơn đau lưng.
- Hướng dẫn người bệnh tập vật lý trị liệu và kết hợp với các bài tập chuyển động chuyên sâu để phục hồi khả năng vận động của các khớp và cột sống nhằm cải thiện cơn đau.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu vào các dây chằng và mô bị tổn thương để cải thiện cơn đau.
Lưu ý sau khi gây tê tủy sống
Để hạn chế nguy cơ đau lưng do gây tê tủy sống, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như:
- Dành thời gian nghỉ ngơi theo chỉ định của bác sĩ
- Hạn chế hoạt động mạnh, di chuyển nhẹ nhàng, tránh các công việc vất vả
- Không sử dụng các chất kích thích chẳng hạn như rượu, bia và thuốc lá
- Cần có người chăm sóc sau khi thực hiện thủ thuật để tránh các vấn đề liên quan.
Khi nào cần đến bệnh viện?
Đau lưng do gây tê tủy sống có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi đầy đủ cũng như tránh các hoạt động vất vả. Tuy nhiên đôi khi cơn đau có thể đi kèm một số dấu hiệu khác, chẳng hạn như:
- Buồn nôn hoặc nôn
- Bí tiểu
- Đau đầu
- Đau vùng chọc kim
- Khó thở, thở nông và một số dấu hiệu hô hấp khác
- Hạ huyết áp
Các dấu hiệu này thường nhẹ và có thể cải thiện trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên nếu cơn đau lưng trở nên nghiêm trọng và đi kèm với các dấu hiệu rủi ro khác, người bệnh nên trao đổi với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!