Đau Khớp Gối Khi Trời Lạnh Và Cách Giảm Đau Hiệu Quả
Đau khớp gối khi trời lạnh có thể xảy ra do thay đổi áp suất, độ ẩm không khí cao hoặc lối sống ít vận động. Dưới đây là một số gợi ý về nguyên nhân và cách xử lý tình trạng này, bạn có thể tham khảo để có kế hoạch điều trị, chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Nguyên nhân gây đau khớp gối khi trời lạnh
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh, cơn đau đầu gối có thể trở nên nghiêm trọng hơn khi thời tiết lạnh. Các cơn đau, đặc biệt là ở người có tiền sử chấn thương đầu gối hoặc viêm khớp, có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể trong mùa đông. Do đó, bạn cần xác định nguyên nhân chính xác và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Thời tiết lạnh có thể dẫn đến nhiều vấn đề về sức khỏe, bao gồm đau nhức cơ thể ở hông, đầu gối và mắt cá chân. Cơn đau có xu hướng xảy ra khi đi bộ hoặc chạy, vì điều này tạo thêm áp lực lên các khớp chịu trọng lượng. Các nguyên nhân dẫn đến đau đầu gối khi thời tiết lạnh thường bao gồm:
1. Thay đổi áp suất
Thay đổi áp suất được cho là nguyên nhân chính dẫn đến đau khớp gối khi trời lạnh. Áp suất là phép đo trọng lượng của không khí. Khi không khí lạnh, áp suất sẽ giảm xuống, do đó áp lực từ không khí lên cơ thể cũng sẽ giảm đi. Khi áp suất khí quyển giảm xuống, các mô trong cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách mở rộng ra, điều này có thể dẫn đến đau khớp.
Bên cạnh đó, khi áp suất của không khí lên cơ thể giảm sẽ dẫn đến gân, cơ, khớp hoặc mô sẹo sưng lên. Tình trạng sưng này có thể đè lên các dây thần kinh xung quanh mô và gây đau đớn.
Áp suất khí quyển thay đổi theo sự thay đổi của thời tiết. Những thay đổi nhanh chóng này có thể khiến cơn đau đầu gối trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là ở người thoái hóa khớp gối. Ở người thoái hóa khớp gối, các dây thần kinh bên trong khớp có thể ngày càng nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ. Khi nhiệt độ lạnh kết hợp với độ ẩm cao, cả tế bào xương và sụn đều có thể bị tổn thương, dẫn đến đau đầu gối.
2. Thay đổi lối sống
Thời tiết lạnh có xu hướng khiến mọi người di chuyển ít hơn, điều này gây bất lợi cho sức khỏe khớp. Khi trời lạnh cũng dẫn đến các thay đổi trong tâm trạng, tăng nguy cơ lo lắng, buồn bã, trầm cảm, và khiến cơn đau đầu gối trở nên nghiêm trọng hơn.
Ngoài ra, khi thời tiết lạnh và ẩm ướt, mọi người thường dành ít thời gian ở ngoài trời hơn so với thời tiết ấm áp. Điều này khiến mọi người ít tập thể dục hơn, có khả năng dẫn đến cứng khớp, thiếu linh hoạt và đau nhiều hơn.
3. Tăng nguy cơ chấn thương
Ngoài việc khiến tình trạng thoái hóa khớp gối trở nên nghiêm trọng hơn, thời tiết lạnh cũng làm tăng nguy cơ chấn thương đầu gối. Cụ thể, trời lạnh sẽ làm cơ, gân, dây chằng kém đàn hồi, dễ bị rách, bong gân và đứt hơn.
Các chấn thương ở đầu gối phổ biến trong thời tiết lạnh thường bao gồm viêm gân bánh chè, tổn thương các mô giữa xương bánh chè và xương chày, cứng khớp, căng cơ, chấn thương dây chằng, dây thần kinh.
4. Thay đổi trong dịch khớp
Chất lỏng giữa các khớp được gọi là chất lỏng khớp hoặc hoạt dịch, hoạt động như một lớp đệm. Công việc chính của chất lỏng hoạt dịch là hấp thụ các cú sốc, tác động và cho phép các khớp chuyển động linh hoạt.
Thông thường, chất lỏng hoạt dịch có độ đặc của lòng trắng trứng. Tuy nhiên, chất lỏng hoạt dịch đệm khớp gối có thể trở nên nhớt hơn (dày hơn) trong thời tiết lạnh. Điều này gây ảnh hưởng đến khả năng giảm xóc, ức chế chuyển động, khiến đầu gối dễ bị cứng, viêm và đau đớn.
5. Các nguyên nhân khác
Một số nguyên nhân khác có thể gây đau khớp gối khi trời lạnh bao gồm:
- Không hoạt động: Nhìn chung, mọi người không hoạt động nhiều vào mùa đông, vì thời tiết lạnh thường có thể khó chịu. Thiếu vận động có thể gây ảnh hưởng đến sự linh hoạt của khớp gối và gây đau.
- Độ ẩm cao: Thời tiết lạnh và độ ẩm cao cũng có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc tế bào của xương và sụn, dẫn đến cảm giác giãn ra, co lại, gây ra áp lực khó chịu cũng như đau ở đầu gối.
- Rối loạn cảm xúc theo mùa: Thay đổi thời tiết có thể làm thay đổi tâm trạng và dẫn đến một dạng trầm cảm gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD). Tâm trạng tiêu cực kèm cảm giác buồn bã, chán nản, sẽ làm thay đổi nhận thức về cơn đau và khiến bạn cảm thấy đau đớn dữ dội hơn.
- Thay đổi lưu thông máu: Thời tiết lạnh làm thay đổi lượng máu được phân bổ cho một số bộ phận cơ thể để giữ ấm. Chẳng hạn như, khi trời lạnh, lượng máu đến đầu gối sẽ được đưa đến các cơ quan quan trọng như tim và phổi, điều khiến khiến khớp gối bị tổn thương, đau đớn.
- Cứng cơ bắp: Thời tiết lạnh sẽ khiến cơ bắp cơ lại, dẫn đến sự thiếu linh hoạt, tăng nguy cơ chấn thương và đau đầu gối.
- Vitamin D: Vitamin D đặc biệt quan trọng đối với sức khỏe của xương, cơ và được tạo ra khi cơ thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Thiếu vitamin D có thể gây đau khớp gối. Vào mùa đông, ánh sáng mặt trời thường ít hơn và mọi người cũng hạn chế ra ngoài, điều này dẫn đến thiếu vitamin D, dẫn đến đau khớp.
Trời lạnh đau khớp gối phải làm sao?
Mặc dù thời tiết lạnh là không thể tránh khỏi, tuy nhiên có nhiều cách khác nhau có thể kiểm soát tình trạng trời lạnh đau khớp gối. Các biện pháp kiểm soát cơn đau đơn giản và hiệu quả bao gồm:
1. Giữ ấm
Giữ ấm cơ thể có thể giúp giảm đau khớp gối, tăng cường lưu thông máu, ổn định chức năng khớp và ngăn ngừa các chấn thương liên quan. Giữ ấm cần thiết vì nhiều lý do sức khỏe, chẳng hạn như kiểm soát các triệu chứng viêm khớp, cứng khớp, thư giãn cơ cơ, dây chằng, dây thần kinh.
Để giữ ấm cơ thể, bạn có thể thực hiện các biện pháp như:
- Mặc quần áo ấm, bao gồm đội mũ, khăn quàng cổ và găng tay khi ra ngoài. Sử dụng quần giữ nhiệt và khăn quấn có thể tăng thêm độ ấm cho vùng đầu gối.
- Chườm ấm tại đầu gối để tăng cường lưu thông máu, nới lỏng cơ bắp và giảm đau. Tắm nước ấm cũng có thể kiểm soát cơn đau và tăng tính linh hoạt hiệu quả.
- Sử dụng chăn điện, ủ ấm xe, nhà và nơi làm việc có thể góp phần kiểm soát cơn đau khớp gối khi trời lạnh.
- Ở trong nhà hoặc các nơi ấm áp khi có thể.
- Di chuyển cơ thể thường xuyên thông qua các hoạt động như đi bộ, tập thể dục trong nhà hoặc khiêu vũ. Tuy nhiên cần tránh các hoạt động gây đổ mồ hôi, bởi vì đổ mồ hôi để giảm nhiệt sẽ khiến có thể lạnh hơn.
- Thưởng thức đồ uống và thức ăn nóng trong suốt cả ngày.
- Bịt kín cửa sổ và cửa ra vào có thể hạn chế gió, không khí lạnh, giúp căn phòng luôn ấm áp.
2. Duy trì hoạt động
Điều quan trọng để kiểm soát cơn đau khớp gối khi trời lạnh là duy trì hoạt động thể chất, kể cả khi ở mức độ nhẹ. Vận động khi thời tiết lạnh có thể ngăn ngừa cơn đau khớp, tăng tính linh hoạt và giúp bạn cảm thấy thoải mái, dễ chịu, khỏe mạnh hơn. Các hoạt động thể chất phù hợp khi thời tiết lạnh bao gồm:
Căng cơ tứ đầu:
- Đứng thẳng hoặc bám vào tường, lưng ghế để giữ thăng bằng nếu cần.
- Nắm lấy phần trên của bàn chân trái và uốn cong đầu gối, đưa bàn chân về phía mông, đầu gối hướng thẳng xuống sàn. Lúc này bạn sẽ cảm thấy căng ở phía trước chân.
- Ép hông về phía trước để kéo căng sâu hơn.
- Giữ yên trong 15 – 30 giây. Lặp lại 3 – 5 lần ở mỗi chân.
Duỗi bắp chân khi đứng:
- Đứng đối diện với một bức tường, khoảng cách khoảng 2 bước chân.
- Nâng cánh tay cao ngang vai, đưa về phía trước và chống và tường.
- Bước chân trái về phía trước và hơi cong đầu gối trái. Giữ thẳng chân phải.
- Di chuyển cơ thể về phía trước trong khi chống tay vào tường để giữ thăng bằng.
- Đẩy chân phải xuống khi nghiêng người, lúc này bạn sẽ cảm thấy căng ở chân phải.
- Giữ yên trong 30 giây.
- Đổi chân và lặp lại. Nếu cảm thấy thoải mái, bạn có thể đứng xa tường hơn để kéo dài hơn khi lặp lại.
Căng cơ hình lê:
- Nằm ngửa, đầu gối cong và bàn chân phẳng trên sàn.
- Di chuyển mắt cá chân trái lên đùi phải khi đùi phải đang uốn cong.
- Nhấc chân phải lên khỏi mặt đất và chắp hai tay sau đầu gối bên phải.
- Di chuyển chân về phía ngực, càng gần càng tốt. Lúc này bạn sẽ cảm thấy sự kéo căng ở mặt sau của chân phải, giúp giãn cơ tứ đầu sâu hơn.
- Giữ yên trong 30 giây, đổi bên và lặp lại động tác.
Tư thế bươm bướm:
- Ngồi trên mặt đất, lưng thẳng, ngẩng cao đầu.
- Di chuyển hai lòng bàn chân lại với nhau để tạo thành một hình tam giác ở chân.
- Hạ đầu gối sang hai bên càng thấp càng tốt. Bạn có thể sử dụng cánh tay để ấn đầu gối xuống để kéo giãn tốt hơn.
- Nghiêng về phía trước, giữ cho thân và đầu thẳng hàng nhất có thể. Lúc này bạn sẽ cảm thấy sự kéo căng này ở đùi trong.
- Giữ yên trong 30 giây và lặp lại nếu cần thiết.
Đừng ngừng di chuyển, ngay cả khi bạn không muốn tập thể dục bên ngoài. Tập thể dục làm cho xương và các cơ xung quanh đầu gối của bạn khỏe hơn, giảm bớt áp lực cho khớp . Hãy thử tập yoga , có thêm lợi ích là tăng cường tính linh hoạt. Hoặc bơi trong hồ bơi nước nóng để giảm bớt căng cứng.
3. Nâng cao sức khỏe tinh thần
Tâm trạng có thể gây ảnh hưởng đến khả năng chịu đau. Do đó, nếu bị đau đầu gối khi thời tiết lạnh, người bệnh nên cố gắng cải thiện tâm trạng, giữ thái độ tích cực, điều đó có thể giúp giảm đau khớp. Bên cạnh đó, tâm trạng tốt cũng nâng cao chất lượng giấc ngủ và ổn định sức khỏe.
Để nâng cao tâm trạng vào mùa đông, bạn có thể tham khảo các biện pháp như:
- Ăn uống lành mạnh, nhiều protein thực vật, rau xanh, trái cây và ngũ cốc nguyên hạt. Chế độ ăn uống có thể nâng cao tâm trạng, giảm cân và hạn chế áp lực lên đầu gối.
- Tập thể dục thường xuyên có thể giúp nâng cao hệ thống miễn dịch, duy trì cân nặng khỏe mạnh, ngăn ngừa ung thư và chống trầm cảm, lo lắng quá mức.
- Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời nhiều hơn có thể giúp nâng cao tâm trạng, bổ sung vitamin D và phục hồi sức khỏe khớp gối.
- Ngủ đủ giấc sẽ hỗ trợ phục hồi tâm trí và sức khỏe thể chất, từ đó hỗ trợ kiểm soát cơn đau đầu gối cũng như nâng cao sức khỏe tinh thần.
- Thực hiện kỹ thuật thư giãn, chẳng hạn như thiền định, nghe nhạc, đọc sạch, có thể giúp ổn định tâm trạng, góp phần điều trị cơn đau đầu gối khi trời lạnh.
4. Chế độ ăn uống khoa học
Đối với người đau khớp gối khi trời lạnh, việc thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp kiểm soát cơn đau và chống viêm. Ngoài ra, ăn uống khoa học cũng giúp tái tạo sụn, duy trì cân nặng phù hợp, giảm áp lực lên khớp gối.
Một số lưu ý về chế độ ăn uống cho người đau khớp gối bao gồm:
- Cắt giảm lượng calo không cần thiết: Điều này hỗ trợ giảm cân, hạn chế căng thẳng lên các khớp, đặc biệt là khớp gối. Bạn nên ăn có bữa ăn nhỏ, tránh đồ uống và thực có đường.
- Ăn nhiều trái cây và rau củ: Các loại thực phẩm này chứa nhiều chất chống oxy hóa, có thể giúp bảo vệ các tế bào bị tổn thương.
- Bổ sung acid béo Omega 3: Omega 3 có tác dụng giảm viêm trong cơ thể, từ đó cải thiện cơn đau và giảm cứng khớp khi thời tiết lạnh. Các loại thực phẩm nên tiêu thụ bao gồm cá hồi, cá thu, cá trích, cá ngừ, cá mòi.
- Sử dụng dầu ô liu: Dầu ô liu có chứa các hợp chất chống viêm tương tự như Ibuprofen. Do đó, bạn nên sử dụng dầu ô liu thay cho các chất béo khác, chẳng hạn như bơ thực vật.
- Bổ sung vitamin C: Vitamin C cần thiết để phục hồi sức khỏe đầu gối, xây dựng collagen và mô liên kết. Có nhiều thực phẩm có chứa vitamin C, chẳng hạn như trái cây họ cam quýt, ớt chuông, dâu tây, bông cải xanh, bắp cải, cải xoăn.
Khi chế biến thực phẩm, người đau khớp gối khi trời lạnh nên tránh chế biến ở nhiệt độ cao, điều này có thể góp phần tạo ra các hợp chất gây viêm trong cơ thể. Bạn cũng nên hạn chế tiêu thụ các loại thực phẩm được chế biến bằng cách nướng, chiên, nấu trong lò vi sóng để góp phần cải thiện cơn đau.
5. Sử dụng thuốc giảm đau
Nếu cần thiết, bạn có thể sử dụng thuốc để kiểm soát cơn đau đầu gối khi thời tiết lạnh. Paracetamol là loại thuốc phổ biến nhất, mang lại hiệu quả cao đối với các cơn đau từ nhẹ đến trung bình. Thuốc có thể sử dụng mà không cần toa thuốc, tuy nhiên bạn nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Lạm dụng thuốc có thể gây hại cho gan.
Ngoài ra, các loại kem, miếng dán, gel, chai xịt có chứa bạc hà hoặc capsaicin, cũng mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau, chống viêm. Sản phẩm có thể gây nóng rát, châm chích nhẹ hoặc bỏng rát nếu sử dụng quá thường xuyên. Do đó, hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng.
Các loại thuốc khác, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid (NSAID), có tác dụng chống viêm, giảm đau đầu gối liên quan đến viêm khớp, viêm gân, thoái hóa khớp. Các loại thuốc phổ biến như Aspirin, Ibuprofen và Naproxen.
Nếu cần thiết, bạn có thể trao đổi với bác sĩ về các loại thuốc theo toa, giúp cải thiện cơn đau dữ dội, nghiêm trọng hơn. Điều quan trọng khi sử dụng thuốc là tuân thủ theo chỉ dẫn để đạt hiệu quả tốt nhất và tránh các rủi ro phát sinh.
Đau khớp gối khi trời lạnh thường được kiểm soát bằng cách giữ ấm, tập thể dục, thường xuyên giãn cơ, chế độ ăn uống khoa học và sử dụng thuốc theo chỉ định. Nếu các triệu chứng nghiêm trọng hoặc kéo dài, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc thông báo với bác sĩ để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp.
Tham khảo thêm:
- Bị Đau Nhức Xương Khớp Mùa Lạnh Và Các Cách Khắc Phục
- Đau Nhức Xương Khớp Về Đêm Có Phải Bệnh? Cách Điều Trị
- Đau Nhức Xương Khớp Khi Thay Đổi Thời Tiết Và Cách Xử Lý
- Giải Pháp Châm Cứu Đau Khớp Gối Hiệu Quả Theo Đông Y
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!