Đau Cổ Tay Khi Tập Gym Nguy Hiểm Không? Cần Làm Gì?
Đau cổ tay khi tập gym thường do chấn thương, luyện tập quá sức hoặc sai tư thế. Tình trạng này không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể giảm nhẹ triệu chứng bằng các cách chăm sóc. Riêng trường hợp chấn thương nặng và đau đớn kéo dài, cần tham vấn y khoa để được hướng dẫn điều trị.
Nguyên nhân gây đau cổ tay khi tập gym
Đau cổ tay khi tập gym là tình trạng thường gặp, chủ yếu xảy ra vận động gắng sức hoặc sai tư thế, chấn thương gây bong gân và căng cơ. Những trường hợp này thường có cơn đau nhẹ, có thể kèm theo sưng và bầm tím ở khớp. Áp dụng các biện pháp chăm sóc có thể giúp triệu chứng giảm nhanh.
Tuy nhiên tập gym đau cổ tay có thể xảy ra do một số nguyên nhân nghiêm trọng hơn, người bệnh cần được khám và điều trị y tế.
Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến gây đau cổ tay khi luyện tập:
1. Tập sai tư thế
Trong khi luyện tập, việc thực hiện sai tư thế có thể làm tăng áp lực lên cổ tay, dây chằng và cơ bị kéo giãn không đúng cách. Điều này thường tạo cảm giác đau mỏi, âm ỉ và kéo dài. Để giảm nhẹ triệu chứng, cần nghỉ ngơi và xoa bóp nhẹ.
2. Tập gắng sức/ lạm dụng khớp
Đau cổ tay khi tập gym có thể xảy ra do người bệnh luyện tập quá mức hoặc lạm dụng khớp, lặp đi lặp lại một vài chuyển động không phù hợp. Tình trạng này xảy ra lâu ngày khiến khớp sưng đau, tăng nguy cơ chấn thương, viêm khớp cổ tay và thoái hóa khớp cổ tay trong tương lai.
3. Chấn thương cổ tay
Đây là một trong những nguyên nhân gây đau cổ tay khi tập gym phổ biến. Chấn thương cổ tay xảy ra khi khớp cổ tay bị uốn cong quá tầm hoặc đột ngột bị vặn xoắn, bàn tay hướng ra ngoài và lật ngang. Tình trạng này gây tổn thương khớp, xương, gân và các dây chẳng, bệnh nhân đau đớn nhiều, cổ tay sưng to và bầm tím.
Chấn thương cổ tay thường xảy ra ở những người nâng tạ, chống tay không đúng cách, té ngã khi luyện tập, chuyển động cổ tay lặp đi lặp lại. Dưới đây là một số chấn thương gây đau cổ tay khi tập gym:
- Căng cơ
Căng cơ xảy ra khi người tập đột ngột thay đổi chuyển động ở cổ tay hoặc cổ tay chịu một lực tác động lớn. Điều này khiến các xương bị đẩy khỏi vị trí trung tính, các cơ bao quanh bị kéo giãn quá mức dẫn đến xước/ rách hoặc đứt. Căng cơ cổ tay thường gây đau đớn đột ngột kèm theo biểu hiện sưng tấy và căng cứng ở bên tay bị tổn thương.
- Bong gân cổ tay
Bong gân cổ tay là thuật ngữ chỉ tình trạng căng giãn quá mức gây đứt/ rách dây chằng cổ tay. Tình trạng này xảy ra khi người tập vận động gắng sức hoặc thực hiện những bài tập nặng làm tăng áp lực lên cổ tay, cổ tay uốn cong quá tầm khi tập luyện hoặc té ngã.
Bong gân khiến người bệnh đau đớn quanh cổ tay bị thương kèm theo sưng nề, bầm tím và cứng khớp. Người bệnh có thể chườm lạnh để giảm nhẹ triệu chứng.
- Gãy xương do căng thẳng
Gãy xương do căng thẳng có thể xảy ra ở những người tập gym, thường do thực hiện các bài tập nặng hoặc lặp đi lặp lại một vài chuyển động ở cổ tay. Tình trạng này thường không gây đau đớn cho đến khi vết nứt tăng kích thước.
Đau cổ tay khi tập gym có nguy hiểm không?
Đau cổ tay khi tập gym thường không quá nghiêm trọng, các triệu chứng từ nhẹ đến vừa, có thể tự giảm hoặc được khắc phục nhanh bằng các biện pháp chăm sóc.
Tuy nhiên ở một số trường hợp, cơn đau có thể bắt nguồn từ những tổn thương nghiêm trọng hơn (rách/ đứt cơ hay dây chằng). Điều này khiến cơn đau kéo dài kèm theo nhiều triệu chứng khác, đau nhiều và không giảm khi áp dụng các biện pháp chăm sóc.
Ở những trường hợp nặng, bệnh nhân cần thăm khám và điều trị y tế sớm. Việc không điều trị có thể gây ra những vấn đề sau:
- Ảnh hưởng đến phạm vi và khả năng cử động khớp
- Yếu cơ
- Đau mãn tính
- Tăng nguy cơ thoái hóa khớp cổ tay.
Cách khắc phục đau cổ tay khi tập gym
Điều quan trọng trong điều trị đau cổ tay khi tập gym là xác định nguyên nhân và đánh giá mức độ nghiêm trọng. Thông thường cơn đau có thể giảm nhanh khi áp dụng các biện pháp dưới đây:
1. Nghỉ ngơi
Nếu bị đau cổ tay khi tập gym, người bệnh cần ngừng việc luyện tập và dành thời gian nghỉ ngơi. Điều này giúp giảm áp lực lên cổ tay, xoa dịu cảm giác đau đớn. Đồng thời thư giãn và hạn chế dây chẳng căng giãn quá mức.
Cổ tay bị thương nên được nghỉ ngơi từ 2 – 3 ngày. Sau đó thực hiện các chuyển động nhẹ nhàng để phục hồi vận động. Không lặp lại những hoạt động làm khởi phát hoặc kích thích cơn đau.
2. Chườm đá
Khi bị đau do chấn thương cổ tay, người bệnh nên dùng một túi đá lạnh áp lên cổ tay bị thương. Điều này giúp xoa dịu cảm giác đau đớn, co mạch giúp giảm máu lưu thông và ứ tại khớp. Từ đó hạn chế bầm tím và giảm sưng hiệu quả. Ngoài ra chườm đá còn giúp cơ/ dây chằng căng giãn co về vị trí cũ.
Khi thực hiện, hãy bọc một vài viên đá trong túi vải hoặc khăn bông, áp lên cổ tay bị thương từ 15 – 20 phút. Thực hiện 3 lần/ ngày trong vài ngày đầu.
3. Chườm nóng
Sau 2 – 3 ngày chườm đá, người bệnh có thể thử chườm nóng để thư giãn gân xương. Biện pháp này giúp giảm đau, giãn mạch tăng lưu thông máu, thúc đẩy chữa lành tổn thương. Ngoài ra biện pháp chườm nóng còn giúp hạn chế tình trạng cứng khớp, người bệnh hoạt động linh hoạt.
Khi chườm nóng, dùng chai thủy tinh chứa nước ấm hoặc miếng đệm ấm áp lên cổ tay đau. Thực hiện đều đặn mỗi ngày 3 lần, mỗi lần 20 phút cho đến khi hết đau.
4. Nâng cao cổ tay
Nâng cao chi hơn tim có thể giúp giảm sưng và đau cổ tay khi tập gym. Biện pháp này giúp hỗ trợ lưu thông máu về tim và giảm sưng cổ tay hiệu quả. Nâng cao cổ tay nên được thực hiện trong vài ngày đầu sau chấn thương.
5. Sử dụng nẹp hoặc băng ép
Nẹp/ băng ép cổ tay có thể mang đến nhiều lợi ích. Thiết bị này giúp cố định cổ tay tổn thương, giảm đau, bảo vệ khớp xương và mô mềm xung quanh. Đồng thời ngăn những cử động không cần thiết hoặc tác động bên ngoài khiến tổn thương thêm nghiêm trọng.
Nẹp cổ tay cần được dùng trong vài ngày (theo hướng dẫn của nhân viên y tế). Nên mang nẹp khi sinh hoạt, không nẹp quá 20 tiếng/ ngày. Sau khi đau thuyên giảm hãy cử động cổ tay nhẹ nhàng để tránh bị cứng khớp.
Đau cổ tay khi tập gym khi nào cần đến bệnh viện?
Hầu hết bệnh nhân bị đau cổ tay khi tập gym có triệu chứng thuyên giảm sau vào ngày chăm sóc. Người bệnh có thể sinh hoạt và vận động bình thường. Tuy nhiên nếu đau âm ỉ kéo dài trên 7 ngày, đau tăng theo thời gian, người bệnh cần thăm khám và điều trị y tế.
Ngoài ra bệnh nhân cũng cần đến bệnh viện khi đau cổ tay nghiêm trọng kèm theo những vấn đề sau:
- Không thể cử động cổ tay
- Tê bì ở các ngón tay
- Thay đổi cảm giác ở cổ tay, bàn tay và ngón tay
- Sưng khớp và bầm tím lan rộng
- Yếu chi, không thể cử động bình thường sau 3 ngày chăm sóc
Đối với đau cổ tay khi tập gym, phần lớn bệnh nhân được chỉ định dùng thuốc kết hợp vật lý trị liệu. Những trường hợp nghiêm trọng hơn có thể cần bó bột hoặc phẫu thuật.
Phòng ngừa đau cổ tay khi tập gym
Đau cổ tay khi tập gym thường do chấn thương, luyện tập quá sức và sai tư thế. Vì thế tình trạng này có thể được ngăn ngừa bởi những biện pháp dưới đây:
- Khởi động trước khi tập gym. Bởi những chuyển động nhẹ nhàng có thể làm nóng cơ thể, cải thiện tuần hoàn máu, tăng cường sự dẻo dai cho cơ và dây chằng. Từ đó ngăn ngừa chấn thương hiệu quả. Khởi động thường bao gồm các bài tập xoay cổ tay, uốn cổ tay lên – xuống, xoay cánh tay và khuỷu tay…
- Thả lỏng cơ thể khi luyện tập.
- Lưu ý tư thế luyện tập, tránh vận động gắng sức.
- Hạn chế thực hiện những động tác nặng. Nên bắt đầu từ những bài tập nhẹ để tăng cường độ luyện tập.
- Không uốn cong cổ tay quá mức hoặc đột ngột xoắn, vặn cổ tay.
- Hít thở đều khi luyện tập và kiểm soát căng thẳng. Điều này giúp hạn chế tình trạng co thắt cơ dẫn đến tổn thương.
- Không tập gym nếu có chấn thương cổ tay chưa lành hẳn.
- Thận trọng khi luyện tập để tránh té ngã dẫn đến đau cổ tay.
- Thường xuyên massage để thư giãn, tăng lưu thông máu, hạn chế cứng khớp, tăng tính linh hoạt và ngăn đau cổ tay khi tập gym.
- Nên đeo đai thun hoặc dùng những thiết bị hỗ trợ khác khi tập gym.
- Dành thời gian nghỉ ngơi sau luyện tập. Điều này tạo điều kiện cho khớp, xương, cơ và dây chằng được phục hồi. Tuyệt đối không lạm dụng khớp, lặp đi lặp lại một chuyển động để tránh khớp cổ tay căng thẳng và đau đớn.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp là điều cần thiết cho những người tập gym, giúp ngăn ngừa đau cổ tay hiệu quả. Bởi một số thành phần dinh dưỡng như canxi, magie, vitamin D, phốt pho, protein… có khả năng xây dựng xương chắc khỏe, tăng độ dẻo dai cho cơ và dây chằng, hạn chế đau nhức xương khớp. Ngoài ra omega 3, vitamin C, chất chống oxy hóa và nhiều thành phần dinh dưỡng khác còn giúp ngăn viêm, làm chậm lão hóa. Đồng thời tăng cường sự linh hoạt, ngăn ngừa đau cổ tay khi tập gym. Lưu ý chế ăn uống cần đầy đủ chất và cân bằng.
Nhìn chung đau cổ tay khi tập gym không quá nghiêm trọng, dễ xảy ra do luyện tập gắng sức, tư thế sai và các chấn thương. Tuy nhiên người bệnh nên nghỉ ngơi và áp dụng các cách chăm sóc khi bị đau. Tránh chủ quan, lạm dụng khớp. Bởi điều này có thể khiến tổn thương thêm nghiêm trọng và phát sinh nhiều vấn đề khác.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!