Đau Cổ Tay Khi Chơi Cầu Lông Do Đâu? Cách Trị Nhanh
Đau cổ tay khi chơi cầu lông có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng và gây tổn thương đến cấu trúc ở cổ tay. Do đó, điều quan trọng là xác định các nguyên nhân, mức độ của cơn đau và có kế hoạch điều trị phù hợp.
Nguyên nhân gây đau cổ tay khi chơi cầu lông
Cổ tay được cấu tạo từ hai xương cánh tay và tám xương cổ tay. Các xương này được kết nối với nhau bởi nhiều dây chằng. Đau cổ tay khi chơi cầu lông có thể do căng cơ, bong gân hoặc gãy xương do căng thẳng. Tuy nhiên đôi khi cơn đau này có thể liên quan đến nhiều bệnh lý cũng như tình trạng sức khỏe nghiêm trọng khác cần được điều trị ngay lập tức để phục hồi chức năng cổ tay.
Dưới đây là một số nguyên nhân cơ bản có thể gây đau cổ tay khi chơi cầu lông:
1. Căng cơ
Căng cơ dẫn đến đau cổ tay là một chấn thương phổ biến ở những người chơi cầu lông. Điều này xảy ra khi cổ tay chịu một lực tác động đột ngột và thay đổi chuyển động dẫn đến chấn thương cấp tính. Trong một số trường hợp, căng cơ có thể dẫn đến rách hoặc đứt một số sợi cơ ở cổ tay và dẫn đến đau đớn.
Căng cơ có thể xảy ra do đặt tay sai vị trí hoặc cách cầm vợt cầu lông sai. Ngoài ra, vợt quá nặng hoặc quá nhẹ cũng có thể dẫn đến căng cơ và đau cổ tay. Cơn đau thường phát triển dần dần dần, trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Dấu hiệu căng cơ cổ tay ở người chơi cầu lông:
- Sưng tấy quanh vùng cổ tay và đau đớn khi cố gắng di chuyển lên hoặc xuống
- Đỏ hoặc đổi màu ở một vùng cụ thể ở cổ tay và bạn có thể bị đau dữ dội khi chạm vào
- Căng cứng cổ tay khi cố gắng di chuyển hoặc sử dụng
- Đau khi đặt áp lực lên cổ tay
Nếu cơn đau không nghiêm trọng, bạn có thể dành thời gian nghỉ ngơi tại nhà, chườm đá hoặc sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn để cải thiện các triệu chứng. Tuy nhiên nếu cơn đau nghiêm trọng đến mức không thể sử dụng cổ tay, hãy đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
2. Chấn thương gân Extensor carpi ulnaris
Gân là những cấu trúc mềm dẻo, không đàn hồi, chịu trách nhiệm kết nối cơ với xương. Ở những người chơi cầu lông và quần vợt, gân Extensor carpi ulnaris (ECU) là gân dễ bị chấn thương nhất. Do vị trí đặc biệt, nằm ngang rìa cổ tay, và cách gân này gắn vào xương nên gân dễ bị chịu áp lực lớn khi xoay cẳng tay.
Có hai loại chấn thương gân phổ biến là viêm gân và trật một phần gân.
- Viêm gân thường xảy ra do xoay và duỗi quá mức ở cẳng tay. Viêm gân có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi, chườm đá vào gân bị viêm, cố định một phần cánh tay bằng nẹp, sử dụng thuốc chống viêm.
- Trật một phần gân là một vấn đề nghiêm trọng và cần nhiều biện pháp điều trị chuyên môn hơn. Nếu gân bị trật có thể bị trượt khỏi vị trí ban đầu khi chuyển động, điều này có thể dẫn đến đứt gân. Do đó, nếu có dấu hiệu trật gân, chẳng hạn như hạn chế phạm vị cử động hoặc đau đớn dữ dội khi cử động, bạn nên cố định cổ tay và đến bệnh viện để được chẩn đoán phù hợp.
3. Nang hoạt dịch cổ tay
Nang hoạt dịch cổ tay là một trong những nguyên nhân gây đau cổ tay ở người chơi cầu lông phổ biến. Về cơ bản, u nang là một khối chất lỏng ở các mô mềm. Các u nang này có thể gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh, dẫn đến đau đớn và hạn chế khả năng vận động.
Các u nang lớn hơn thường nổi trên mu bàn tay như những cục u nhỏ có thể nhìn thấy được.
Có khoảng 50% các u nang sẽ tự biến mất. Do đó, bạn sẽ cần được điều trị nếu các u nang không tự biến mất.
Trong các trường hợp cần thiết, u nang có thể được điều trị bằng cách chọc hút dịch, tuy nhiên phương pháp này thường dễ tái phát. Ngoài ra, bác sĩ cũng có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ khối u nang.
4. Gãy xương do căng thẳng
Đối với những vận động viên cầu lông hoặc những người chơi cầu lông lâu năm, các căng thẳng có thể tích tụ ở cổ tay và dẫn đến gãy xương khi áp lực quá tải. Thông thường, gãy xương có thể xảy ra sau một cú giao cầu mạnh, lực đánh lớn và không tìm được điểm chạm cầu thích hợp.
Gãy xương do căng thẳng thường khó chẩn đoán, bởi vì vết gãy xảy ra bên trong cơ thể, không có sự di lệch đáng kể và không biểu hiện ra bên ngoài. Do đó, tình trạng gãy xương thường được chẩn đoán khi cơn đau cổ tay trở nên nghiêm trọng hoặc gây ảnh hưởng đến chất lượng công việc.
Điều quan trọng là gãy xương cần được điều trị ngay lập tức để tránh các biến chứng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào chẩn đoán và mức độ nghiêm trọng của cơn đau, bác sĩ có thể đề nghị nghỉ ngơi trong 2 – 3 tuần, nẹp cố định hoặc phẫu thuật.
Cách trị nhanh tình trạng đau cổ tay khi chơi cầu lông
Trong trường hợp các chấn thương nhẹ, bạn nên dành áp dụng các phương pháp chăm sóc nhanh tại nhà trong 2 – 3 ngày để cải thiện cơn đau. Các biện pháp bao gồm:
- Bảo vệ: Bảo vệ cổ tay khi bị chấn thương để tránh các tổn thương thêm. Nếu có thể bạn nên sử dụng các loại dụng cụ hỗ trợ cổ tay để ngăn ngừa tổn thương thêm.
- Nghỉ ngơi: Hạn chế tập thể dục và giảm các nhu cầu hoạt động hàng ngày để cổ tay có thời gian phục hồi.
- Chườm đá: Chườm đá có thể cải thiện cơn đau, giúp giảm sưng, chống viêm và ngăn ngừa các chấn thương thêm.
- Nâng cao cổ tay: Giữ vùng bị thương cao hơn tim để cải thiện lưu thông máu đến cổ tay, điều này có thể giúp giảm sưng và giúp tay nhanh phục hồi hơn.
Khi nào cần chăm sóc y tế?
Nếu cơn đau cổ tay khi chơi cầu lông không được cải thiện sau các biện pháp tự chăm sóc hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị phù hợp. Ngoài ra, bạn cũng nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng như:
- Đau đớn dữ dội, đặc biệt là khi sử dụng hoặc cử động cổ tay
- Sưng nặng, phù nề, gây căng da hoặc trữ nước
- Thay đổi cảm giác ở bàn tay, chẳng hạn như tê tay hoặc mất cảm giác ở tay
- Không thể thực hiện các sinh hoạt bình thường sau 72 giờ
Tùy thuộc vào loại chấn thương cũng như mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị sử dụng thuốc, phẫu thuật hoặc các biện pháp điều trị phụ hợp khác.
Ngăn ngừa đau cổ tay khi đánh cầu lông
Đau cổ tay khi chơi cầu lông là chấn thương cấp tính, chẳng hạn như căng cơ, bong gân hoặc lạm dụng sức mạnh. Những tình trạng này thường không nghiêm trọng và có thể được chăm sóc với các biện pháp tại nhà.
Ngoài ra, để ngăn ngừa chấn thương cũng như đảm bảo an toàn khi tham gia thể thao, bạn có thể tham khảo một số biện pháp như
1. Khởi động
Không khởi động hoặc khởi động không đúng cách khi chơi cầu lông có thể dẫn đến chấn thương. Thực hiện khởi động đầy đủ có thể mang lại một số lợi ích như:
- Tăng cường nhiệt độ cơ bắp, giúp cơ bắp hoạt động tốt hơn và tránh các chấn thương.
- Tăng cường lưu lượng máu và oxy đến các cơ.
- Tăng tốc độ của các xung thần kinh, giúp bạn nhanh hơn và linh hoạt hơn.
- Tăng phạm vi chuyển động của các khớp, giảm nguy cơ rách dây chằng và cơ.
- Tăng cường hiệu suất khi chơi cầu lông.
Khởi động có thể bao gồm:
- Chạy bộ nhẹ nhàng để tăng cường lưu thông máu, cung cấp oxy và tăng năng lượng đến các cơ.
- Thực hiện các bài tập kéo giãn cổ tay, cánh tay và chân trước khi bắt đầu đánh cầu lông.
Ngoài ra, bạn có thể thực hiện một số động tác kéo giãn động, chẳng hạn như chạy với đầu gối nâng cao, nhảy cao tại chỗ hoặc đi bộ xung quanh sân tập. Các động tác này nên thực hiện trong tối thiểu 5 phút và tối đa là 20 phút với các chuyển động tăng dần dần. Các động tác này có thể giúp cơ thể ấm hơn, nhịp tim cao hơn và giúp các khớp linh hoạt hơn.
Khởi động có thể kéo dài từ 15 – 30 phút trước khi đánh cầu lông. Đừng khởi động quá sớm, các tác dụng sẽ biến mất sau 30 phút không hoạt động.
2. Thả lỏng
Thả lỏng và làm giảm nhiệt độ cơ thể cũng có thể giúp tránh chấn thương và tăng cường hiệu suất tập luyện. Mục đích khi hạ nhiệt sau khi tập luyện là:
- Hạ dần nhịp tim
- Tăng cường lưu thông máu và oxy đến các cơ, phục hồi các khớp về tình trạng như trước khi tập
- Loại bỏ các chất thải trong cơ thể, chẳng hạn như axit lactic
- Giảm nguy cơ đau nhức xương khớp và đau cổ tay khi đánh cầu lông
3. Massage
Massage thể thao thường xuyên có thể làm trôi các chất cặn bã trong cơ bắp và giải phóng các nút thắt chặt, cục u và các vết sưng tấy ở các cơ. Nếu không được massage đúng cách, các tổn thương lâu ngày có thể gây căng và rách.
Một nhà trị liệu xoa bóp thể thao giỏi có thể xác định các điểm tổn thương tiềm ẩn rất lâu trước khi chúng trở thành chấn thương.
Do đó, nếu thường xuyên bị đau cổ tay khi đánh cầu lông, bạn có thể trao đổi với một nhà massage hoặc nhà vật lý trị liệu để được hướng dẫn cụ thể.
4. Thiết bị hỗ trợ
Có một số thiết bị được sử dụng trong môn cầu lông để hạn chế chấn thương, bao gồm giày tập và vợt tập. Giày cần có đế chống trượt để tránh té ngã khi di chuyển quanh sân.
Khi chọn vợt tập cần chú ý đến trọng lượng và kích thước tay cầm. Vợt nhẹ hơn sẽ ít gây chấn thương cổ tay, đặc biệt là ở những người mới chơi, khi cơ cổ tay và cẳng tay chưa khỏe. Kích thước vợt sau cũng có thể dẫn đến đau cổ tay khi chơi cầu lông. Tay cầm quá nhỏ sẽ khiến bạn cầm nắm cứng hơn, điều này gây áp lực lên cổ tay và gây đau. Trong khi cán vợt quá lớn có thể gây khó khăn khi di chuyển, dễ trượt tay và gây áp lực lên các cơ khi cố gắng không làm rơi vợt.
Khi chọn vợt cầu lông, hãy thử đo từ giữa lòng bàn tay đến ngón giữa. Đây thường là kích thước chu vi của tay cầm. Chọn vợt theo kích thước tay cầm sẽ mang lại sự thoải mái tối đa.
5. Thay đổi chế độ dinh dưỡng
Chế độ dinh dưỡng hợp lý có thể giúp bạn phục hồi sau một buổi tập và ngăn ngừa các chấn thương. Một chế độ ăn uống phù hợp bao gồm:
- Carbohydrate để cung cấp nhiên liệu cho cơ bắp
- Protein để xây dựng lại cơ bắp
- Uống nhiều nước và nước trái cây để tăng cường lưu lượng máu lưu thông, ngăn ngừa chấn thương
- Vitamin và khoáng chất cần thiết để phục hồi sau chấn thương
6. Dành thời gian nghỉ ngơi
Sau khi tập thể thao, điều quan trọng là để cổ tay có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi. Tập luyện liên tục hoặc lạm dụng các hoạt động thể thao có thể dẫn đến chấn thương. Giấc ngủ cũng là một phần quan trọng trong quá trình tập luyện. Do đó, hãy sắp xếp thời gian tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý.
Ngoài ra, bạn cần dành thời gian tăng cường sức khỏe cơ bắp tổng thể. Sức mạnh bắp tay và vai rất quan trọng khi chơi cầu lông. Cơ khỏe mạnh sẽ ít khi bị rách và tránh được các chấn thương không đáng có.
Đau cổ tay khi chơi cầu lông thường phát triển khi lạm dụng, tập luyện quá mức hoặc do các chấn thương. Điều quan trọng là xác định nguyên nhân, điều trị sớm và đúng cách để phục hồi chức năng cổ tay.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!