Đau cánh tay không nhấc lên được do đâu? Cách điều trị
Đau cánh tay không nhấc lên được là một tình trạng phổ biến có thể liên quan đến chấn thương vai, yếu cơ hoặc tổn thương các dây thần kinh. Ngoài ra, đôi khi tình trạng này cũng liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng hơn, bao gồm tụ máu nội sọ hoặc hẹp động mạch chủ.
Đặc điểm của tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được
Đau cánh tay không nhấc lên được có thể hạn chế phạm vi chuyển động của cánh tay và ảnh hưởng đến hoạt động hàng ngày của người bệnh. Các nguyên nhân phổ biến thường bao gồm chấn thương nghiêm trọng, tổn thương dây thần kinh, chèn ép dây thần kinh ở cổ – lưng trên hoặc do tắc nghẽn mạch máu. Đau không thể nhấc cánh tay trái kèm đau ngực hoặc đau vai trái, có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim và cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.
Đau cánh tay không nhấc lên được đôi khi có thể dẫn đến tình trạng liệt tạm thời. Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến tất cả mọi người, tuy nhiên có một số đối tượng có nguy cơ cao, chẳng hạn như:
- Bệnh cao huyết áp: Huyết áp cao có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là khi người bệnh béo phì hoặc hút thuốc. Đau cánh tay không thể di chuyển là một trong những dấu hiệu phổ biến của đột quỵ.
- Bị rung nhĩ: Người bị rung nhĩ thường có nguy cơ bị đột quỵ cao. Triệu chứng phổ biến là đau, yếu, không thể nhấc một bên cánh tay.
- Làm việc trong nhiều giờ liên tục: Những người lạm dụng cánh tay quá mức hoặc có thời gian làm việc kéo dài có thể bị tê, yếu, đau nhức và mất sức mạnh ở một hoặc hai cánh tay tạm thời. Ngoài ra, làm việc liên tục không nghỉ ngơi cũng có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ.
- Trẻ sơ sinh: Trẻ sơ sinh đôi khi có thể bị yếu một cánh tay tạm thời. Điều này thường là do tổn thương thương dây thần kinh vai trong quá trình sinh nở.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng, tình trạng này thường được mô tả, như sau:
- Đau dữ dội, nghiêm trọng và vượt qua khả năng chịu đựng của người bệnh;
- Rối loạn tâm thần, lú lẫn hoặc mất ý thức;
- Khó nói hoặc không thể phát âm rõ ràng;
- Tê và yếu mặt, ngứa ran hoặc tê ở cánh tay và chân;
- Có vấn đề về thị lực ở một hoặc cả hai mắt;
- Chóng mặt, mất thăng bằng hoặc khó khăn khi đi lại.
Ngoài ra, đôi khi người bệnh có thể gặp một số triệu chứng không phổ biến, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi;
- Sốt;
- Ngứa ran;
- Khó chịu hoặc bị hôn mê;
- Đỏ, nóng hoặc sưng khắp cơ thể.
Trong một số trường hợp, đau cánh tay không nhấc lên được có thể liên quan đến các tình trạng gây đe dọa đến tính mạng, chẳng hạn như đột quỵ hoặc nhiễm trùng nghiêm trọng. Do đó, người bệnh nên gọi cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện ngay khi nhận thấy các triệu chứng như:
- Thay đổi ý thức, mất sự tỉnh táo, chẳng hạn như hôn mê hoặc không phản ứng;
- Sốt cao hơn 38 độ;
- Tê liệt hoặc không có khả năng cử động một phần cơ thể;
- Đột ngột yếu, tê, ngứa ran ở một bên cơ thể;
- Đau đầu dữ dội.
Đau cánh tay không nhấc lên được nguyên nhân do đâu?
Đau cánh tay không nhấc lên được có thể liên quan đến chấn thương, rối loạn cơ, xương, khớp, hệ thần kinh hoặc do vấn đề trao đổi chất. Ngoài ra, tình trạng này có thể là dấu hiệu của các tình trạng toàn thân, chẳng hạn như rối loạn di truyền, bệnh tim mạch hoặc là dấu hiệu của đột quỵ.
Cụ thể, các nguyên nhân chính dẫn đến đau cánh tay không nhấc lên được bao gồm:
1. Chấn thương
Chấn thương đột ngột ở cánh tay có thể dẫn đến yếu, đau cánh tay và khiến người bệnh không thể nâng cánh tay lên. Ngoài ra, các chấn thương trong quá khứ không được điều trị phù hợp có thể tích tụ theo thời gian, trở nên nghiêm trọng hơn và gây đau cánh tay không thể cử động.
Các chấn thương gây đau và yếu ở cánh tay bao gồm:
- Chấn thương trực tiếp: Các chấn thương do té ngã, tai nạn có thể dẫn đến tổn thương thần kinh ở cánh tay. Điều này gây đau đớn và khó cử động tay.
- Chấn thương do sử dụng quá mức: Các chấn thương này còn được gọi là lạm dụng hoặc căng thẳng lặp lại thường xuyên, có thể dẫn đến đau cánh tay mãn tính nếu không được điều trị. Tổn thương lâu dài có thể gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, cơ, gân ở cánh tay hoặc vai và khiến người bệnh gặp khó khăn khi nâng cánh tay. Ngoài ra, tình trạng mệt mỏi quá độ do luyện tập thể dục quá mức cũng có thể dẫn đến chấn thương do lạm dụng và gây đau cánh tay không nhấc lên được.
- Hội chứng ống cổ tay: Hội chứng này xảy ra khi người bệnh sử dụng tay quá mức hoặc chủ quan không điều trị khi cánh tay, cổ tay bị tổn thương. Mặc dù không phổ biến, tuy nhiên Hội chứng ống cổ tay cũng có thể khiến người bệnh gặp khó khăn khi cử động tay.
2. Tổn thương dây thần kinh hoặc đĩa đệm
Tổn thương dây thần kinh hoặc đĩa đệm có thể dẫn đến đau cổ, đau lưng trên và đau vai gáy. Các tình trạng này cũng có thể gây yếu cánh tay và đau đớn khi người bệnh sử dụng cánh tay.
Các nguyên nhân phổ biến bao gồm:
- Vỡ đĩa đệm hoặc các tổn thương khác: Đĩa đệm nằm ở giữa các đốt sống thực hiện nhiệm vụ giảm ma sát và giảm xóc. Khi đĩa đệm bị vỡ, phần nhân nhầy có thể thoát ra bên ngoài, gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn đến đau yếu và không thể nhấc cánh tay.
- Thoái hóa đốt sống: Theo thời gian, xương và sụn có thể bị hao mòn. Điều này có thể gây đau yếu ở cánh tay và gây hạn chế cử động.
- Chèn ép dây thần kinh ở cổ: Điều này có thể dẫn đến đau, yếu và khó khăn khi nâng cánh tay.
- Viêm khớp cột sống: Điều này có thể dẫn đến việc hình thành các gai xương, tác động đến các dây thần kinh và ảnh hưởng đến cử động ở cánh tay.
- Hẹp ống sống: Hẹp ống sống gây chèn ép đến tủy sống, điều này có thể dẫn đến nhiều triệu chứng, bao gồm tê, ngứa, đau và yếu ở cánh tay.
3. Hội chứng lối thoát ngực
Lối thoát ngực là không gian ở hai bên cổ, nơi các dây thần kinh, động mạch và tĩnh mạch đi xuống xương đòn. Nếu không gian này bị chèn ép hoặc tổn thương, được gọi là Hội chứng lối thoát ngực (Thoracic outlet syndrome).
Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là chấn thương nghiêm trọng, chẳng hạn như tai nạn giao thông, té ngã hoặc chấn thương do lặp lại thường xuyên, chẳng hạn như ở vận động viên.
Các triệu chứng và dấu hiệu phổ biến của Hội chứng lối thoát ngực bao gồm:
- Gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh, dẫn đến tê, ngứa ran, đau, yếu, khó nhấc cánh tay và khó cử động bàn tay, các ngón tay;
- Ảnh hưởng đến các động mạch và tĩnh mạch, dẫn đến tình trạng yếu, đau cánh tay không thể nhấc được, cánh tay lạnh và nhợt nhạt. Ngoài ra, người bệnh có mạch đập yếu và chậm.
Hội chứng lối thoát ngực có thể trở nên nghiêm trọng, do đó điều quan trọng là thông báo với bác sĩ chuyên môn để tránh các chấn thương vĩnh viễn.
4. Tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch não
Sự tắc nghẽn hoặc vỡ động mạch não có thể dẫn đến các triệu chứng nghiêm trọng và cần được điều trị ngay lập tức để tránh các rủi ro không mong muốn.
Tình trạng này có thể là thoáng qua, gây đau cánh tay không nhấc lên được và tự cải thiện sau vài phút hoặc vài giờ. Tuy nhiên tình trạng này là dấu hiệu của các vấn đề nghiêm trọng và cần được điều trị y tế ngay lập tức.
5. Bệnh đám rối thần kinh cánh tay
Đám rối thần kinh cánh tay là một mạng lưới các dây thần kinh ở giữa cổ, vai với nhiệm vụ kết nối các dây thần kinh tủy sống với cánh tay. Có một đám rối dây thần kinh ở mỗi bên cổ. Do đó, bất cứ chấn thương nào từ vai đến cổ đều có thể gây tổn thương các dây thần kinh và dẫn đến rối loạn vận động ở cánh tay.
Các chấn thương thể thao, tai nạn giao thông hoặc các khối u và điều trị bức xạ, cũng có thể dẫn đến tổn thương đám rối thần kinh cánh tay.
Các triệu chứng có thể từ nhẹ, chẳng hạn như tê và yếu cánh tay hoặc có cảm giác châm chích nhẹ, hoặc nghiêm trọng hơn với tình trạng mất cảm giác và không thể nhấc cánh tay hoàn toàn. Các triệu chứng này cần được đánh giá bởi bác sĩ ngay lập tức, bởi vì các chấn thương có thể là vĩnh viễn và gây liệt cánh tay hoàn toàn.
6. Mất chức năng cơ
Mất chức năng cơ xảy ra khi cơ không hoạt động hoàn toàn hoặc không thể cử động bình thường. Mất chức năng có thể ảnh hưởng đến bất cứ vị trí nào trên cơ thể, bao gồm ở cánh tay. Tuy nhiên, tất cả các trường hợp mất chức năng cơ cần được xử lý như một trường hợp cấp cứu y tế để tránh các rủi ro liên quan.
Mất chức năng cơ có thể liên quan đến các bệnh lý về cơ, chẳng hạn như loạn dưỡng cơ, viêm da cơ hoặc một tình trạng viêm da nghiêm trọng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể liên quan đến các bệnh lý thần kinh.
7. Bệnh đa xơ cứng
Bệnh đa xơ cứng là một bệnh lý thuộc hệ thống thần kinh trung ương, xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công các sợi thần kinh và vỏ bọc myelin. Điều này có thể dẫn đến sẹo không thể hồi phục được ở các dây thần kinh, được gọi là xơ cứng, dẫn đến cản trở tín hiệu giữa não và cơ thể.
Mặc dù không rõ nguyên nhân, tuy nhiên đa xơ cứng có xu hướng di truyền. Tình trạng này thường phổ biến trong độ tuổi từ 20 – 50 và nữ giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới. Các yếu tố khác bao gồm nhiễm virus, hút thuốc lá hoặc có một số bệnh tự miễn khác.
Các triệu chứng phổ biến bao gồm tê, yếu, đau cánh tay không thể cử động hoặc đau và mất chức năng ở chân. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị mất thị lực ở một hoặc hai mắt, có cảm giác ngứa ran, đặc biệt là ở cổ và gây mất phối hợp tứ chi.
Hiện tai không có biện pháp điều trị tình trạng đa xơ cứng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể được điều trị bằng corticosteroid hoặc trao đổi huyết tương để làm chậm tiến triển của bệnh.
8. Thiếu máu cục bộ thoáng qua
Thiếu máu cục bộ thoáng qua còn được gọi là một cơn đột quỵ nhỏ hoặc đột quỵ cảnh báo. Tình trạng này xảy ra khi dòng máu lưu thông bị tắc nghẽn bởi một cục máu đông. Các yếu tố nguy cơ dẫn đến tình trạng này bao gồm hút thuốc, béo phì hoặc bệnh lý tim mạch, mặc dù bất cứ ai cũng có thể gặp tình trạng này.
Các triệu chứng thiếu máu cục bộ thoáng qua có thể xuất hiện và biến mất trong vài phút, vì cục máu đông có thể di chuyển sang vị trí khác. Các triệu chứng phổ biến bao gồm yếu, tê, liệt ở một bên mặt hoặc cơ thể, đau vai hoặc đau cánh tay không nhấc lên được. Ngoài ra, người bệnh có thể có bất thường về thị lực, đau đầu dữ dội.
Đột quỵ cảnh báo thường không gây ra các biến chứng vĩnh viễn bởi vì thường kết thúc nhanh chóng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể dẫn đến một cơn đột quỵ nghiêm trọng. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện nếu nhận thất các dấu hiệu của một cơn đột quỵ nhỏ.
9. Cơn đau tim
Cơn đau tim xảy ra khi dòng máu đến tim bị tắc nghẽn. Tình trạng này thường liên quan đến sự tích tụ chất béo, cholesterol và các chất khác, tạo thành mảng bám trong động mạch nuôi tim (động mạch vành). Đôi khi các mảng bám có thể bị vỡ và hình thành các cục máu đông gây tắc nghẽn dòng máu. Dòng máu bị gián đoạn có thể làm hỏng hoặc phá hủy một phần cơ tim.
Các dấu hiệu và triệu chứng của một cơn đau tim có thể bao gồm:
- Áp lực, căng tức, đau đớn hoặc có cảm giác chèn ép ở ngực, cánh tay, vai trái;
- Buồn nôn, khó tiêu, ợ chua hoặc đau bụng;
- Khó thở;
- Đổ mồ hôi lạnh;
- Mệt mỏi;
- Chóng mặt hoặc hoa mắt đột ngột.
Không phải tất cả các trường hợp đau tim đều dẫn đến các triệu chứng giống nhau. Một số người có thể có triệu chứng nhẹ, trong khi một số người khác có thể bị ngừng tim đột ngột. Đôi khi một cơn đau tim có thể dẫn đến tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được.
Đau tim là một tình trạng nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng. Do đó, người bệnh cần đến bệnh viện ngay lập tức hoặc gọi cho cấp cứu để được hỗ trợ phù hợp.
Ngoài ra, đôi khi tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được có thể liên quan đến các nguyên nhân khác, chẳng hạn như:
- Mất cân bằng chất điện giải;
- Nhiễm độc kim loại nặng, chẳng hạn như nhiễm độc chì;
- Suy dinh dưỡng;
- Các vấn đề về tuyến giáp;
- Ngộ độc, chẳng hạn như ăn phải thực vật độc, nấm hoặc hóa chất.
Xác định nguyên nhân là cách tốt nhất để điều trị phù hợp và có biện pháp phòng ngừa tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được hiệu quả.
Đau cánh tay không nhấc lên được có nghiêm trọng không?
Mức độ nghiêm trọng của tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được phụ thuộc vào nguyên nhân. Do đó, xác định được nguyên nhân và các yếu tố rủi ro là cách tốt nhất để tránh các biến chứng nguy hiểm.
Cụ thể, mức độ nghiêm trọng như sau:
- Không nghiêm trọng: Tình trạng đau cánh tay không thể cử động xảy ra sau khi hoạt động quá mức hoặc tập thể dục nặng, chẳng hạn như nâng tạ. Tình trạng này thường được cải thiện khi nghỉ ngơi.
- Mức độ nghiêm trọng vừa phải: Cơn đau cánh tay xảy ra cùng với đau cổ, đau vai hoặc đau ngực. Cơn đau này có thể là dấu hiệu của các tình trạng tim mạch hoặc bệnh lý về hệ xương khớp. Tình trạng này cần được đánh giá y tế bởi bác sĩ chuyên môn để có kế hoạch điều trị phù hợp.
- Nghiêm trọng: Đau cánh tay không nhấc lên được xuất hiện đột ngột kèm đau đầu dữ dội hoặc kết hợp với tình trạng khó thở, khó nói và mất khả năng phối hợp, là dấu hiệu của các tình trạng nghiêm trọng cần được điều trị y tế ngay lập tức.
Trong hầu hết các trường hợp, đau cánh tay không cử động được thường không liên quan đến các nguyên nhân nghiêm trọng. Tình trạng này có thể là tạm thời và tự cải thiện. Tuy nhiên, đôi khi đau không thể nhấc cánh tay có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng, nếu không được điều trị có thể dẫn đến các tổn thương vĩnh viễn.
Sau khi chẩn đoán các nguyên nhân, điều quan trọng là tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ để tránh các nguy cơ tiềm ẩn, chẳng hạn như:
- Tê liệt;
- Mất phối hợp vĩnh viễn;
- Mất cảm giác vĩnh viễn;
- Nhiễm trùng hoặc ung thư di căn.
Chẩn đoán tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được
Bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra các triệu chứng và tiền sử bệnh lý của người bệnh để chẩn đoán nguyên nhân gây đau vai. Bác sĩ có thể kiểm tra các hoạt động thể chất, chấn thương tiềm ẩn và lịch sử bệnh lý gia đình.
Sau đó, dựa vào các triệu chứng liên quan, bác sĩ có thể đề nghị các chẩn đoán, chẳng hạn như:
- Yêu cầu người bệnh di chuyển cánh tay hoặc di chuyển, sờ, nắn, ấn vào cánh tay của người bệnh để định vị trí cơn đau.
- Thực hiện chụp X – quang để xác định các xương bị chấn thương, gãy hoặc nứt vỡ.
- Xét nghiệm máu để chẩn đoán các bệnh viêm khớp hoặc bệnh lý liên quan đến hệ thống miễn dịch.
- Nếu nghi ngờ cơn đau ở cánh tay có liên quan đến bệnh tim, bác sĩ có thể đề nghị đánh giá điện tâm đồ và lưu lượng máu qua tim.
- Đề nghị chụp MRI hoặc chụp CT để đánh giá hình ảnh chi tiết về xương và các mô mềm.
Ngoài ra, tùy thuộc vào các triệu chứng, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh thực hiện các kiểm tra chẩn đoán khác.
Cách điều trị tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được
Biện pháp điều trị tình trạng đau cánh tay không nhấc lên được phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Do đó, người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có biện pháp điều trị phù hợp.
1. Chăm sóc y tế
Có một số phương pháp điều trị giảm đau phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của cơn đau. Cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị như:
- Sử dụng thuốc giảm đau: Đối với một số trường hợp, cơn đau ở cánh tay có thể được cải thiện với các loại thuốc giảm đau. Bác sĩ có thể kê thuốc giảm đau gây nghiện cho các cơn đau nghiêm trọng.
- Thuốc chống viêm: Đối với cơn đau liên quan đến viêm, bác sĩ có thể kê thuốc chống viêm, chẳng hạn như corticosteroid, để làm dịu nguyên nhân cơ bản và giảm đau. Thuốc chống viêm có sẵn dưới dạng viên nén, thuốc tiêm hoặc thuốc truyền tĩnh mạch.
- Vật lý trị liệu: Người bệnh có thể cần thực hiện các bài tập vật lý trị liệu để giảm đau và phục hồi các tổn thương ở cánh tay, đặc biệt là khi các cử động bị hạn chế.
- Phẫu thuật: Trong các trường hợp nghiêm trọng hoặc mất khả năng cử động tay hoàn toàn, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để cải thiện các triệu chứng.
2. Tự chăm sóc tại nhà
Ngoài các biện pháp điều trị bởi bác sĩ chuyên môn, người bệnh có thể áp dụng nhiều biện pháp khắc phục tình trạng đau, yếu cánh tay tại nhà. Cụ thể các biện pháp bao gồm:
- Nghỉ ngơi: Đôi khi nghỉ ngơi đầy đủ có thể hỗ trợ phục hồi các tổn thương và cải thiện tính linh hoạt ở cánh tay. Dành thời gian nghỉ ngơi, tránh tập thể dục cũng như tác động đến cánh tay bị ảnh hưởng để hỗ trợ quá trình hồi phục.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh có thể hỗ trợ giảm viêm, sưng, hạn chế lưu thông máu và ngăn ngừa các cơn đau đớn liên quan. Người bệnh có thể chườm đá trong 20 phút mỗi lần và vài lần mỗi ngày.
- Băng nén cánh tay bị tổn thương: Quấn cánh tay bị đau bằng băng thun có thể giảm sưng, hạn chế lưu thông máu và hỗ trợ giảm đau.
- Sử dụng thuốc giảm đau không kê đơn: Các loại thuốc chẳng hạn như aspirin hoặc ibuprofen có thể hỗ trợ điều trị tình trạng khó chịu và đau cánh tay không nhấc lên được. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng để tránh các rủi ro không mong muốn.
3. Điều trị các tình trạng cụ thể
Đau cánh tay không nhấc lên được có thể liên quan đến nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các bệnh lý gây ảnh hưởng đến tính mạng. Do đó, điều quan trọng là đến gặp bác sĩ, xác định nguyên nhân để có kế hoạch điều trị phù hợp.
Ngoài ra, người bệnh cần cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, thay đổi môi trường ngủ, bỏ thuốc lá và tập thể dục thường xuyên để tăng cường sức khỏe tổng thể. Dành thời gian thư giãn, nghỉ ngơi cũng có thể hỗ trợ phòng ngừa các cơn đau tay nghiêm trọng.
Đau cánh tay không nhấc lên được thường không nghiêm trọng và có thể được cải thiện bằng cách nghỉ ngơi hoặc vật lý trị liệu theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu cơn đau nghiêm trọng hoặc đi kèm các triệu chứng khác, chẳng hạn như khó thở, yếu một bên cơ thể, da nhợt nhạt hoặc đau đầu, người bệnh nên đến bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể.
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!