Đau, Cứng Khớp Ngón Tay Khi Ngủ Dậy Là Bị Gì? Cách Trị
Đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy thường là triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh gout, thoái hóa khớp… Đôi khi tình trạng này khởi phát do cơ thể bị thiếu hụt canxi làm ảnh hưởng đến các khớp. Để ngăn ngừa và cải thiện, bệnh nhân cần có các biện pháp chăm sóc phù hợp.
Đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy là bị gì?
Đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy là tình trạng các khớp ngón tay co cứng, khó cử động vào buổi sáng kèm theo cảm giác đau nhức. Tình trạng này khiến người bệnh có chịu, hạn chế các chuyển động và ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, đau và cứng khớp xảy ra ở một hoặc nhiều ngón tay, triệu chứng có thể nhẹ hoặc nặng, ngắn hoặc dài hạn. Tuy nhiêu ở hầu hết các trường hợp, cứng khớp giảm nhanh khi xoa bóp/ chườm nóng hoặc chỉ diễn ra trong 30 phút sau khi ngủ dậy.
Đôi khi đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy xuất hiện đồng thời với cứng khớp ở một số vị trí các trên cơ thể. Chẳng hạn như cứng khớp gối, khớp khuỷu tay, cổ tay…
Nguyên nhân gây đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy
Đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy khỏi phát do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên hầu hết các trường hợp có triệu chứng khởi phát do nguyên nhân bệnh lý.
1. Thiếu canxi
Đôi khi thiếu hụt canxi trong chế độ ăn uống gây đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy. Tình trạng này thường gặp ở phụ nữ mang thai, phụ nữ đang nuôi con bú, phụ nữ mãn kinh do nhu cầu bổ sung canxi của cơ thể tăng cao.
Canxi là một khoáng chất quan trọng, thành phần chính giúp xây dựng và duy trì xương khớp chắc khỏe. Vì thế, không bổ sung đủ canxi trong chế độ ăn uống có thể khiến xương khớp suy yếu, tăng tốc độ thoái hóa. Từ đó gây đau và cứng khớp sau khi ngủ dậy, trong đó có các khớp ngón tay.
2. Viêm khớp dạng thấp
Phần lớn bệnh nhân bị đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy liên quan đến viêm khớp dạng thấp. Đây là một bệnh tự miễn làm tổn thương cơ quan và các khớp trong cơ thể. Bệnh lý này xảy ra khi hệ thống miễn dịch bị rối loạn, sản sinh tự kháng thể tấn công vào các mô khỏe mạnh của cơ thể.
Trong giai đoạn tiến triển, bệnh viêm khớp dạng thấp gây ra những triệu chứng sau:
- Sưng khớp, cứng khớp (thường xảy ra vào buổi sáng)
- Đau khớp
- Đỏ, nóng da ở vùng có khớp bị ảnh hưởng
- Xuất hiện nốt thấp, biến dạng khớp
- Ảnh hưởng đến các cơ quan khác (viêm ngoài màng tim, khô mắt, đỏ mắt, đau mắt)
- Chán ăn
- Cơ thể mệt mỏi
- Đau nhức mỏi cơ toàn thân
Không có phương pháp điều trị dứt điểm viêm khớp dạng thấp. Bệnh nhân chủ yếu được dùng thuốc giảm nhẹ triệu chứng, ức chế hệ miễn dịch, giảm và ngăn viêm bùng phát, ngăn ngừa biến chứng.
3. Thoái hóa khớp ngón tay
Đau và cứng khớp ngón tay vào buổi sáng có thể là dấu hiệu của bệnh thoái hóa khớp ngón tay (viêm xương khớp ở ngón tay). Đây là một dạng viêm khớp do thoái hóa. Bệnh xảy ra khi xương dưới sụn bị hao mòn hoặc hỏng, các đầu xương va vào nhau dẫn đến kích thích, đau và cứng khớp. Những trường hợp nặng có thể bị biến dạng khớp.
Các dấu hiệu nhận biết thoái hóa khớp ngón tay:
- Sưng và đỏ khớp
- Đau khớp
- Cứng khớp vào buổi sáng
- Khớp kêu lục cục khi cử động
- Nóng da quanh khớp tổn thương
- Dị dạng khớp
- Giảm phạm vi và khả năng vận động của bàn tay và ngón tay
Thoái hóa khớp ngón tay thường được dùng thuốc và vật lý trị liệu để cải thiện.
4. Bệnh lupus ban đỏ
Bệnh lupus ban đỏ hệ thống có thể là nguyên nhân khiến các khớp ngón tay cứng và đau vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Tương tự như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ là bệnh lý tự miễn, liên quan đến những rối loạn trong hệ thống miễn dịch. Bệnh xảy ra khi các mô bị tấn công bởi hệ thống miên dịch rối loạn.
Khi ảnh hưởng đến khớp, bệnh lupus ban đỏ gây viêm, sưng, đau và cứng khớp. Các triệu chứng có thể xảy ra ở khớp ngón tay, ảnh hưởng đến khả năng và phạm vi vận động.
Một số dấu hiệu nhận biết khác:
- Mệt mỏi nghiêm trọng
- Đau ngực khi hít thở sâu
- Đau đầu
- Phát ban trên má và mũi dạng cánh bướm
- Rụng tóc
- Thiếu máu, biểu hiện về đông máu
- Dấu hiệu Raynaud (đầu ngón tay chuyển sang màu xanh hoặc trắng khi lạnh)
5. Bệnh gout
Bệnh gout (gút) thường ảnh hưởng đến các khớp ở bàn chân, mắt cá chân, đầu gối và ngón chân cái. Tuy nhiên bệnh cũng có thể gây tổn thương các khớp ngón tay dẫn đến đau và cứng khớp vào buổi sáng.
Gout là bệnh viêm khớp khởi phát do rối loạn chuyển hóa nhân purin làm tăng nồng độ acid uric trong máu. Tình trạng này khiến các tinh thể muối urat hình thành, lắng đọng vào các mô dẫn đến viêm và đau khớp.
Dấu hiệu nhận biết:
- Sưng, nóng, đỏ và đau khớp
- Cứng khớp
- Hạn chế khả năng vận động
- Sốt nhẹ
- Toàn thân mệt mỏi
- Nồng độ acid uric trong máu tăng cao
- Tổn thương khớp trên hình ảnh X-quang
Tình trạng viêm do bệnh gout thường được kiểm soát tốt bằng thuốc và chế độ ăn uống lành mạnh.
6. Hội chứng De Quervain
Đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy có thể là dấu hiệu cảnh báo hội chứng De Quervain. Đây là một dạng viêm gân làm ảnh hưởng đến ngón tay cái. Hội chứng De Quervain xảy ra khi bao gân và gân quanh gốc ngón tay cái bị viêm hoặc kích thích quá mức. Từ đó dẫn đến tình trạng sưng, đau và co thắt ở khớp bị ảnh hưởng.
Hội chứng De Quervain có những triệu chứng và dấu hiệu khó chịu sau:
- Đau một bên cổ tay (bên ngón tay cái). Đau dần dần hoặc đột ngột, lan đến cẳng tay hoặc ngón tay cái
- Co thắt
- Sưng một bên cổ tay
- Cứng khớp, có cảm giác dính chặt khi cử động
- Tê bì ngón tay cái và ngón trỏ
- Cảm thấy nóng ở bàn tay
Cứng khớp ngón tay ở hội chứng De Quervain có thể xảy ra vào buổi sáng sau khi ngủ dậy. Những triệu chứng thường khởi phát từ từ và tăng dần mức độ theo thời gian.
7. Khối u
Hiếm khi đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy do sự phát triển bất thường của một khối u, bao gồm cả khối u lành và ác tính (ung thư xương). Khối u phát triển trong xương làm ảnh hưởng đến cấu trúc khớp, dây chằng, gân và các xương lân cận. Điều này dẫn đến đau nhức, cứng khớp, giảm phạm vi và tính linh hoạt, nhìn thấy khối u bất thường.
Một số triệu chứng khác:
- Khu vực bị ảnh hưởng đỏ và sưng to
- Phạm vi và khả năng vận động bị hạn chế (xương ảnh hưởng gần khớp)
- Yếu xương
- Cơ thể mệt mỏi, suy nhược
- Chán ăn
- Sụt cân
- Sốt, đổ mồ hôi về đêm
- Mất ngủ
8. Chấn thương
Chấn thương có thể gây giãn dây chằng hoặc bong gân ngón tay, dẫn đến đau và cứng khớp sau khi ngủ dậy. Tình trạng này thường nhẹ, triệu chứng thuyên giảm theo thời gian hoặc được khắc phục bằng các biện pháp chăm sóc tại nhà.
Ngoài đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ, vùng bị thương còn có một số biểu hiện sau:
- Sưng
- Đỏ hoặc bầm tím
- Có cảm giác nhức nhói bên trong
- Giảm cử động và tính linh hoạt
Đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy nguy hiểm không?
Hầu hết đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy không quá nghiêm trọng. Triệu chứng thường tự giảm sau 30 phút. Ngoài ra triệu chứng được ngăn ngừa và giảm nhanh bằng một số biện pháp chăm sóc tại nhà (xoa bóp, chườm ấm…)
Ở những trường hợp nghiêm trọng hơn, sưng và cứng do bệnh tự miễn hoặc viêm nặng, người bệnh cần dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Điều này giúp ức chế miễn dịch, kiểm soát viêm và giảm nhẹ triệu chứng.
Bệnh nhân không điều trị có thể khiến viêm khớp phát triển, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy tái diễn nhiều lần kèm theo đau nhức, khớp sưng đỏ. Ngoài ra người bệnh còn bị giảm phạm vi và khả năng vận động, biến dạng các khớp ngón tay.
Cách điều trị đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy
Thông thường bệnh nhân được kiểm tra lâm sàng (triệu chứng và tổn thương thực thể, tiền sử bệnh/ chấn thương) để đánh giá tình trạng. Một số dạng viêm khớp có thể được phát hiện thông qua các biểu hiện ở bàn tay, số lượng khớp ảnh hưởng.
Ngoài ra người bệnh được chỉ định một số xét nghiệm hình ảnh nhằm xác định nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng. Các xét nghiệm thường bao gồm xét nghiệm máu (kiểm tra yếu tố viêm), chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ (MRI)…
Sau chẩn đoán, bệnh nhân được hướng dẫn một số biện pháp chăm sóc và điều trị y tế nếu cần thiết. Các biện pháp thường được chỉ định:
1. Thư giãn và cử động nhẹ nhàng
Trước khi rời khỏi giường, các khớp bị cứng nên được vận động từ từ và nhẹ nhàng, không duỗi hoặc kéo. Có thể chuyển động khớp theo chuyển động tròn, mở rộng hoặc uốn cong các khớp. Biện pháp này giúp thư giãn khớp xương, tăng lưu thông máu, làm nóng khớp. Từ đó giảm nhẹ tình trạng đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy.
Sau vài phút khởi động và thư giãn khớp, người bệnh có thể thực hiện động tác kéo giãn để tăng phạm chi chuyển động.
- Kéo căng từng khớp bị ảnh hưởng. Di chuyển chậm, không quá nhanh hoặc kéo căng
- Giữ trong 30 giây
- Lặp lại 2 – 3 lần.
2. Áp dụng liệu pháp nhiệt
Tắm nước ấm vào buổi sáng hoặc đắp một chiếc khăn ấm lên bàn tay có thể giúp giảm bớt tình trạng đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy. Biện pháp này có tác dụng thư giãn các khớp xương và mô mềm, tăng lưu thông máu tại chỗ. Đồng thời xoa dịu cơn đau, giảm cứng và lỏng khớp, tăng phạm vi động.
Chườm ấm nên được thực hiện 2 lần/ ngày (sáng và tối trước khi đi ngủ), mỗi lần từ 10 – 20 phút có thể giúp dễ chịu hơn.
3. Chườm lạnh
Chườm lạnh được áp dụng khi đau và cứng khớp liên quan đến chấn thương. Biện pháp này giúp giảm lưu thông máu về vùng bị thương, giảm đau và sưng, ngăn tình trạng viêm dẫn đến cứng khớp. Khi chườm lạnh, dùng túi nước đá hoặc khăn lạnh áp lên bàn tay và ngón tay trong 15 phút, mỗi ngày vài lần.
4. Xoa bóp nhẹ nhàng
Xoa bóp cũng là một biện pháp giúp giảm đau và cứng khớp hiệu quả. Tác động nhẹ nhàng lên các khớp bị ảnh hưởng có thể giúp thư giãn, tăng lưu thông máu, nới lỏng, giảm co thắt và cải thiện tính linh hoạt cho các khớp.
Ngoài ra xoa bóp vào mỗi buổi sáng còn giúp giảm nhẹ cơn đau, hạn chế cứng khớp ngón tay làm ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt. Khi áp dụng, cần thực hiện các thao tác nhẹ nhàng và chậm rãi. Tránh những chuyển động mạnh để không kích thích cơn đau.
5. Ăn một bữa sáng lành mạnh
Dinh dưỡng là điều cần thiết đối với một cơ thể khỏe mạnh. Ở những bệnh nhân bị đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy, một bữa ăn sáng nhẹ nhàng và bổ dưỡng có thể giúp chống viêm và giảm đau, cung cấp năng lượng cần thiết cho các hoạt động. Đồng thời góp phần hạn chế cứng khớp vào buổi sáng.
Ngoài ra người bệnh cũng cần đảm bảo ăn uống đầy đủ trong ngày với thực phẩm lành mạnh và giàu dưỡng chất. Cụ thể:
- Canxi: Khoáng chất này giúp xây dựng, bảo vệ và duy trì xương khớp chắc khỏe, làm chậm quá trình lão hóa. Đồng thời góp phần ngăn ngừa, giảm nhẹ đau và cứng khớp. Canxi có nhiều trong sữa, rau xanh, đậu hũ, ngũ cốc, sữa chua, cá hồi, phô mai, hạnh nhân, các loại hạt…
- Omega-3: Đây là một loại axit béo lành mạnh, có đặc tính kháng viêm. Việc bổ sung đủ hàm lượng omega-3 cần thiết có thể giúp giảm viêm trong cơ thể, hạn chế đau. Đồng thời tăng tiết dịch nhờn, các khớp cử động trơn tru. Hàu, cá mòi, cá thu, cá hồi, dầu gan cá tuyết, trứng cá muối… là những loại thực phẩm giàu omega-3.
- Vitamin C: Vitamin C sở hữu đặc tính kháng viêm mạnh, chống nhiễm khuẩn, có tác dụng giảm nhẹ triệu chứng đau và sưng khớp. Ngoài ra tăng cường bổ sung loại vitamin này còn giúp tăng tổng hợp collagen, chống lại phân tử gây viêm. Từ đó đảm bảo khớp và xương luôn được tái tạo và bảo vệ. Vitamin C thường có nhiều trong các loại trái cây và củ quả như cam, ớt chuông, cà chua, kiwi, dâu tây, việt quất, bưởi, quýt…
- Dầu ô liu: Dầu ô liu chứa các hóa chất tự nhiên có đặc tính chống viêm. Khi sử dụng có thể giảm nhẹ các tình trạng viêm trong cơ thể (tương tự như thuốc chống viêm không steroid). Ngoài ra dầu ô liu là dầu thực vật rất tốt cho tim mạch, nên thêm vào chế độ ăn uống của người viêm khớp dạng thấp. Cụ thể loại dầu này có thể làm giảm những tác động của bệnh đến hệ thống tim mạch. Đồng thời đảm bảo người bệnh hấp thu tốt và nhận được các chất dinh dưỡng nhanh nhất.
- Tỏi, gừng: Đây đều là những loại gia vị tốt cho bệnh nhân bị viêm khớp gây đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy. Cả tỏi và gừng đều chứa các hoạt chất kháng viêm. Khi dùng có thể giúp ngăn chặn quá trình viêm trong cơ thể, giảm nhẹ triệu chứng sưng, đau và cứng khớp.
6. Thuốc
Các thuốc dùng trong điều trị đau và cứng khớp ngón tay dựa trên mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân. Tuy nhiên triệu chứng được hạn chế và giảm nhẹ khi sử dụng một số loại thuốc dưới đây:
- Kem bôi khớp: Một số loại kem bôi khớp như gel Diclofenac có tác dụng hạn chế và giảm nhẹ tình trạng đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy. Khi điều trị, Diclofenac giúp giảm viêm, thư giãn và hỗ trợ các khớp cử động.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Một số thuốc không kê đơn như Ibuprofen, Aspirin… có thể hữu ích. Những loại thuốc này có tác dụng trị viêm, giảm đau và kiểm soát tình trạng cứng khớp vào buổi sáng.
- Corticoid: Một số loại thuốc kê đơn như Corticoid được dùng cho những trường hợp viêm nặng dẫn đến sưng, đau và cứng khớp. Thuốc có tác dụng ức chế hệ miễn dịch, giảm viêm mạnh, chống dị ứng. Đồng thời kiểm soát triệu chứng cứng và đau khớp khi ngủ dậy.
Nếu cần thiết, các thuốc có thể được để cạnh giường và sử dụng trước khi thức dậy. Điều này giúp thuốc có thời gian phát huy tác dụng, các triệu chứng thuyên giảm trước khi ngủ dậy.
7. Dùng nẹp
Nếu một người nắm chặt các ngón tay khi ngủ, các khớp có thể chịu nhiều áp lực và căng vào buổi sáng. Đối với trường hợp này, bệnh nhân được cung cấp một thanh nẹp giúp giữ các ngón tay ở tư thế nghỉ trong khi ngủ. Từ đó giảm đau và giảm nguy cơ cứng khớp vào buổi sáng.
Ngoài ra nẹp ngón tay cũng được dùng cho bệnh nhân bị chấn thương. Biện pháp này giúp giữ ngón tay trong tư thế nghỉ ngơi, hạn chế các chuyển động bất lợi, giảm đau, tạo điều kiện cho mô mềm lành lại nhanh chóng.
8. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu phù hợp với những bệnh nhân bị đau và cứng do khớp bị viêm hoặc tổn thương nghiêm trọng. Trong vật lý trị liệu, bệnh nhân được hướng dẫn các bài tập kéo giãn nhẹ nhàng. Những bài tập này có tác dụng cải thiện sức cơ, khả năng cử động và tính linh hoạt cho khớp. Từ đó giúp hạn chế đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy.
Ngoài tập vật lý trị liệu, massage trị liệu hoặc nhiệt trị liệu có thể được áp dụng thêm để mang đến cảm giác thư giãn tối đa cho người bệnh.
Ngăn ngừa đau, cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy
Để hạn chế đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp được liệt kê dưới đây:
- Dùng thuốc giảm viêm trong các giai đoạn bùng phát của bệnh (theo hướng dẫn của bác sĩ). Thông thường các thuốc không kê đơn (OTC) như NSAID có thể mang đến kết quả khả quan trong điều trị viêm và ngăn ngừa cứng khớp.
- Chườm ấm hoặc tắm nước ấm có thể giảm viêm trong cơ thể và nới lỏng các khớp.
- Giảm các hoạt động gây căng thẳng hoặc đau khớp.
- Thường xuyên xoa bóp để thư giãn khớp xương, tăng lưu thông máu và nới lỏng khớp. Từ đó hạn chế đau và cứng khớp vào buổi sáng.
- Duy trì thói quen tập thể dục và kéo căng mỗi ngày. Trong đó yoga, thái cực quyền, bài tập chuyển động của tay… có thể giúp thư giãn và vận động khớp nhẹ nhàng, duy trì khả năng chuyển động và tính linh hoạt. Từ đó giúp hạn chế triệu chứng đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy.
- Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D từ thực phẩm lành mạnh. Những thành phần này có thể giúp nâng cao sức khỏe hệ xương khớp.
- Thiết lập một chế độ ăn uống chống viêm. Nên ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, omega-3, chất chống oxy hóa để ngăn ngừa và giảm các triệu chứng của viêm khớp. Tránh tiêu thụ những loại thực phẩm, thức uống có khả năng gây viêm. Cụ thể như thực phẩm chế biến sẵn, chứa nhiều muối và đường tinh luyện; thuốc lá, rượu, bia…
Có nhiều nguyên nhân gây đau và cứng khớp ngón tay khi ngủ dậy. Phần lớn bệnh nhân bị đau và cứng khớp do viêm nhưng thường nhẹ, có thể cải thiện bằng biện pháp chăm sóc. Tuy nhiên người bệnh cần thăm khám và điều trị nếu bị viêm khớp tiến triển; đau, sưng và cứng khớp không giảm; triệu chứng lặp lại nhiều lần hoặc nghiêm trọng theo thời gian.
Sau chẩn đoán, một số phương pháp điều trị chuyên sâu có thể giúp kiểm soát tình trạng viêm, giảm nhẹ triệu chứng, ngăn các đợt viêm khớp cấp và biến chứng của bệnh.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!