Cách Sơ Cứu, Cố Định Gãy Xương Đúng – Hướng Dẫn Chi Tiết

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Người bệnh cần được sơ cứu, cố định gãy xương đúng cách để hạn chế vết nứt/ gãy thêm nghiêm trọng. Từ đó ngăn ngừa tình trạng di lệch, tổn thương da, dây thần kinh và mạch máu. Ngoài ra việc sơ cứu gãy xương kịp thời còn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, mất máu và biến dạng chi.

Cách sơ cứu, cố định gãy xương đúng
Tìm hiểu một số thông tin cơ bản, nguyên tắc và hướng dẫn cách sơ cứu, cố định gãy xương đúng

Tổng quan về gãy xương

Gãy xương là tình trạng cấu trúc xương bị nứt hoặc đột ngột gãy và tách rời nhau, thường xảy ra sau một cú va chạm hoặc té ngã mạnh. Tình trạng này khiến hệ xương khớp mất tính ổn định, xương biến dạng tạo cảm giác đau nhức và gây tổn thương các cấu trúc xung quanh (da, mạch máu, , dây thần kinh).

Các vết nứt/ gãy có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Tuy nhiên các xương thuộc cẳng tay (xương quay, xương trụ), xương cẳng chân (xương chày, xương mác), xương sườn, cột sống, xương đùi… là những vị trí dễ bị tổn thương nhất.

Dựa vào cơ chế, đặc điểm của vết gãy và những tổn thương, gãy xương được chia thành nhiều dạng khác nhau. Dưới đây là những dạng gãy xương được phân theo đoạn và tổn thương mô mềm.

Các đoạn

  • Gãy xương không hoàn toàn (nứt xương): Mất tính liên tục không hoàn toàn.
  • Gãy xương hoàn toàn (tách rời hoàn toàn): Mất tính liên tục hoàn toàn.
  • Gãy xương do gãy: Xương gãy bị tách thành nhiều mảnh.

Tổn thương liên quan đến mô mềm

  • Tổn thương không nhiễm trùng
  • Tổn thương nhiễm trùng
  • Gãy xương kín: Đầu xương gãy không gây rách da và không làm tổn thương mô.
  • Gãy xương hở: Đầu xương gãy làm tổn thương da và các mô. Đồng thời tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Khi sơ cứu và cố định gãy xương, người thực hiện cần dựa vào loại gãy xương để đánh giá tính nghiêm trọng và áp dụng kỹ thuật sơ cứu phù hợp.

Một số triệu chứng và dấu hiện nhận biết gãy xương:

  • Đau nhức nghiêm trọng
  • Biến dạng chỗ gãy xương, xương uốn cong một cách bất thường
  • Sưng tấy
  • Bầm tím tại khu vực bị tổn thương
  • Mất chức năng ở vùng có xương gãy, bệnh nhân không thể chịu lực hoặc cử động
  • Tụ máu
  • Chảy máu nếu đầu xương gãy đâm xuyên qua da
  • Co thắt cơ
Gãy xương là tình trạng cấu trúc xương bị nứt hoặc đột ngột gãy và tách rời nhau
Gãy xương thể hiện cho tình trạng cấu trúc xương bị nứt hoặc đột ngột gãy và tách rời nhau

Tại sao cần sơ cứu, cố định gãy xương?

Gãy xương là một chấn thương nghiêm trọng, người bệnh cần được sơ cứu, cố định gãy xương đúng cách và kịp thời. Việc chậm trễ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng, sốc giảm dịch, tổn thương mô…

Mặt khác, những trường hợp bị gãy xương nghiêm trọng có thể bị sốc và dẫn đến tử vong do mất máu và đau nhức. Đồng thời gây ra những tổn thương thứ phát và tăng mức độ nghiêm trọng của vết gãy.

Chính vì thế ngay khi chấn thương xảy ra, người bệnh cần gọi trung tâm y tế để được hỗ trợ, cố định gãy xương càng sớm càng tốt.

Lợi ích khi sơ cứu, cố định gãy xương

Sơ cứu, cố định gãy xương là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong cấp cứu các tổn thương xương khớp và phần mềm lớn. Khi được áp dụng, người thực hiện sẽ dùng băng và nẹp để bất động chi gãy và ổ gãy.

Một số lợi ích khi sơ cứu gãy xương kịp thời và đúng cách:

  • Giảm đau, cầm máu và phòng ngừa sốc
  • Ngăn ngừa phát sinh những tổn thương thứ phát như tổn thương da, khớp, dây thần kinh, mạch máu…
  • Ngăn vết nứt tiến triển khiến gãy kín thành gãy hở
  • Giúp quá trình điều trị diễn ra thuận lợi hơn
  • Giảm tỉ lệ tàn phế và tử vong cho bệnh nhân

Nguyên tắc khi cố định gãy xương

Khi sơ cứu và cố định gãy xương, người thực hiện cần tuân thủ những nguyên tắc sau:

  • Giảm đau trước khi cố định gãy xương. Có thể giảm đau toàn thân với Dolacgan, Morphin… hoặc giảm đau tại chỗ với Novocain/ Xylocain (phong tế gốc chi hoặc tiêm trực tiếp vào ổ gãy).
  • Nẹp cố định phải đủ dài để bất động đầu dưới và đầu trên của ổ gãy, ổ gãy và đoạn xương lành nối thành một khối thống nhất.
  • Buộc dây cố định nẹp phải nắm phía trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy, khớp dưới chỗ gãy và khớp trên chỗ gãy.
  • Cắt quần áo theo đường chỉ để làm lộ vết thương. Không nên cởi quần áo nạn nhân.
  • Không nắn chỉnh và co kéo chi gãy.
  • Không dùng nẹp cứng đặt trực tiếp vào da người bệnh. Những vùng tỳ đè và những mấu lồi đầu xương cần phải lót bông hoặc khăn mềm rồi mới đặt nẹp.
  • Chọn kỹ thuật vận chuyển thích hợp để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân.

Một số nguyên tắc khác giúp việc cố định gãy xương trở nên hiệu quả hơn:

+ Trường hợp gãy xương kín

  • Bất động chi (xương gãy) theo tư thế cơ năng. Chi trên gấp khuỷu 90 độ, chi dưới duỗi gối từ 170 – 180 độ.
  • Cố định cẩn thận và nhẹ nhàng.
  • Nên nhờ người phụ kéo nắn chi liên tục đến khi nẹp và cố định gãy xương xong.

+ Trường hợp gãy hở

  • Không kéo nắn, cần bất động theo tư thế gãy
  • Kết hợp cố định xương và xử lý vết thương phần mềm.
  • Cầm máu trước khi bất động nếu có tổn thương mạch máu.

+ Sau khi cố định xong

  • Buộc hai chi vào nhau đối với chi dưới.
  • Dùng băng tam giác treo đỡ chi lên đối với chi trên.
Giảm đau trước khi cố định xương gãy
Sử dụng loại thuốc thích hợp để giảm đau và ngăn tình trạng sốc trước khi cố định gãy xương

Các bước sơ cứu, cố định gãy xương cơ bản

Dưới đây là những bước cơ bản giúp sơ cứu và cố định gãy xương:

1. Sơ cứu gãy xương

Sơ cứu gãy xương gồm những bước cơ bản sau:

  • Cầm máu tạm thời
  • Tiêm thuốc giảm đau
  • Băng vết thương
    • Vết thương phần mềm: Áp dụng kiểu băng số tám, băng vòng xoắn, băng đặc biệt tùy vào vị trí vết thương.
    • Vết thương gãy xương mở: Bảo vệ đầu xương gãy bằng cách tạo viền đê trước khi băng.
  • Cố định tạm thời xương gãy
    • Lựa chọn và sử dụng loại nẹp dựa trên tính chất và vị trí của ổ gãy. Nẹp phải có kích thước và đặc điểm phù hợp.
    • Đặt nẹp vào vị trí cố định
    • Dùng đai, băng hoặc dây để cố định nẹp và chi, giúp chúng trở thành một khối thống nhất và vững chắc.

2. Kỹ thuật cố định tạm thời xương gãy

Kỹ thuật cố định tạm thời xương gãy gồm các bước:

  • Xác định vùng cần cố định và đặt nẹp
  • Buộc gá nẹp vào chi
  • Dùng bông y tế hoặc khăn bông mềm để lót vào những vị trí cần tỳ đè, không để da tiếp xúc trực tiếp với nẹp. Điều này giúp hạn chế tổn thương và giảm đau nhức
  • Băng và buộc cố định chi gãy với nẹp.

3. Chườm đá

Sau khi sơ cứu và cố định gãy xương, bạn có thể dùng một túi nước đá áp lên khu vực có xương gãy. Biện pháp này giúp giảm đau và hạn chế sưng hiệu quả. Khi chườm lạnh, cần dùng một mảnh vải hoặc một chiếc khăn bông mềm đặt lên vùng đau hoặc bọc gọn túi đá. Không nên dùng đá chườm trực tiếp lên da.

4. Điều trị sốc

Nếu đau đớn và chảy nhiều máu khiến bệnh nhân bị sốc kèm theo các biểu hiện như thở ngắn, thở nhanh, ngắt xỉu… bạn cần đặt người bệnh nằm xuống với tư thế thoải mái, nâng cao chân và đầu hơi thấp hơn thân. Điều này giúp bệnh nhân thở đều và giảm nhẹ nhiều triệu chứng khác liên quan đến sốc.

Quy trình cố định gãy xương một số vị trí

Dưới đây là những bước cần làm khi thực hiện quy trình cố định gãy xương tại một số vị trí gãy xương thường gặp.

1. Gãy xương cẳng tay

Đối với những trường hợp gãy xương cẳng tay (bao gồm cả gãy một hoặc gãy hai xương cẳng tay), người sơ cứu có thể áp dụng những bước dưới đây để cố định gãy xương hiệu quả.

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương và dấu hiệu sinh tồn.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Hai nẹp gỗ:
    • Nẹp ngoài: Một nẹp dài khoảng 40cm (từ quá khuỷu tay đến đầu ngón tay)
    • Nẹp trong: Một nẹp dài khoảng 35cm (từ nếp gấp khuỷu tay đến lòng bàn tay)
  • Một băng hình tam giác
  • Một băng cuộn
  • Bông, gạc
  • Thuốc chống sốc, thuốc giảm đau

Tư thế bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi hoặc nằm theo tư thế thuận lợi
  • Để lộ chi bị tổn thương

Đặt nẹp

  • Nẹp ngoài: Đặt từ quá khuỷu tay đến đầu ngón tay
  • Nẹp trong: Đặt từ nếp gấp khuỷu tay đến lòng bàn tay

Đệm lót

  • Mu tay
  • Mặt trước cổ tay
  • Khuỷu tay
  • Bốn đầu nẹp

Cố định nẹp

  • Sử dụng băng cuộn cố định cẳng tay gãy với hai nẹp theo thứ tự: Bàn tay, khuỷu tay, trên chỗ gãy, dưới chỗ gãy (băng cố định theo kiểu số 8 ở cổ tay và khuỷu tay).

Đỡ tay nạn nhân

  • Gấp cẳng tay tạo một góc 90 độ với cánh tay trên, bàn tay ở tư thế chức năng.
  • Dùng băng cuộn vòng qua tay và cổ để đỡ cẳng tay nạn nhân. Treo tay trước ngực.

Tham khảo thêm: Gãy xương cẳng tay bao lâu thì lành? Cách phục hồi nhanh

Các bước trong quy trình sơ cứu, cố định gãy xương cẳng tay
Các bước cơ bản trong quy trình sơ cứu, cố định gãy xương cẳng tay

2. Gãy xương cánh tay

Kỹ thuật cố định gãy xương cánh tay gồm các bước:

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương và dấu hiệu sinh tồn.
  • Khám thực thể.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Hai nẹp gỗ:
    • Nẹp ngoài: Một nẹp dài khoảng 40cm
    • Nẹp trong: Một nẹp dài khoảng 20cm
  • Bông, gạc (ưu tiên băng cuộn và bông mỡ)
  • Thuốc chống sốc, thuốc giảm đau
  • Phiếu chuyển thương

Tư thế bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi hoặc nằm theo tư thế thuận lợi
  • Để lộ chi bị tổn thương
  • Quan sát và đánh giá tình trạng chi tổn thương

Đặt nẹp

  • Nẹp ngoài: Đặt ở mặt ngoài cánh tay, bắt đầu từ quá mỏm cùng vai, kết thúc tại quá mỏm khuỷu.
  • Nẹp trong: Đặt ở mặt trong cánh tay, bắt đầu từ đỉnh hõm nách, kết thúc tại nếp gấp khuỷu.

Đệm lót

  • Mỏm khuỷu
  • Mỏm cùng vai
  • Nếp gấp khuỷu
  • Bốn đầu nẹp

Cố định nẹp

  • Một dây dưới ổ gãy và một dây trên ổ gãy
  • Đường băng ở khuỷu tay: Dùng kiểu băng số 8 kép (tương tự như băng vết thương ở vết nếp gấp khuỷu)
  • Đường băng ở khớp vai và 1/3 trên cánh tay: Dùng kiểu băng cơ delta.

Đỡ tay nạn nhân

  • Dùng đường băng tròn băng ép cánh tay vào thân người
  • Thực hiện treo tay ở tư thế chức năng
  • Hoặc dùng băng treo hay băng cuộn vòng qua cổ để treo tay người bệnh. Cẳng tay ở tư thế gấp góc 90 độ, khuỷu tay thấp hơn bàn tay, đồng thời ép vào thân mình.

3. Gãy xương cẳng chân

Những trường hợp bị gãy xương cẳng chân sẽ được cố định xương gãy với các bước:

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương và dấu hiệu sinh tồn.
  • Khám thực thể.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Hai nẹp bằng nhau, có chiều dài 80 – 130cm, dày 1cm và rộng 8 – 10cm
  • Bông, gạc (dùng gạc sạch và bông mỡ)
  • Băng cuộn
  • Thuốc chống sốc, thuốc giảm đau

Tư thế bệnh nhân

  • Để người bệnh nằm với tư thế thoải mái
  • Để lộ chi bị tổn thương
  • Quan sát và đánh giá tình trạng chi tổn thương

Đặt nẹp

  • Nẹp ngoài: Đặt một nẹp ở mặt ngoài cẳng chân, bắt đầu từ giữa đùi, kết thúc ở vị trí quá gan chân khoảng 1cm.
  • Nẹp trong: Đặt một nẹp ở mặt trong cẳng chân, bắt đầu từ giữa đùi, kết thúc ở vị trí quá gan chân khoảng 1cm.

Đệm lót

  • Hai mắt cá
  • Chỏm xương mác
  • Hai lồi cầu xương đùi
  • Bốn đầu nẹp

Cố định nẹp

  • Băng vết thương vùng khoeo: Đường băng ở gối, băng theo kiểu băng số 8 kép.
  • Băng vết thương mu chân: Đường băng ở cổ – bàn chân, băng theo kiểu băng số 8.
  • Thực hiện đường băng giữa đùi để đầu trên hai nẹp được cố định vào đùi, sử dụng đường băng tròn.

Hỗ trợ chân gãy

  • Dùng các vòng băng tròn quấn quanh cả hai cổ chân để cố định 2 chân vào nhau.
Người bị gãy xương cẳng chân sẽ được cố định xương gãy với nẹp, bông, gạc và băng cuộn
Người bị gãy xương cẳng chân sẽ được cố định xương gãy với nẹp, bông, gạc và băng cuộn

4. Gãy xương đùi

Các bước trong kỹ thuật cố định gãy xương đùi (gãy thân xương đùi, gãy cổ xương đùi, gãy liên mấu chuyển xương đùi):

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương
  • Khám thực thể
  • Tìm kiếm những tổn thương phối hợp.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Ba nẹp có kích thước 80cm, 100cm và 120cm
  • Bông, gạc (dùng gạc sạch và bông mỡ)
  • Băng cuộn hoặc băng vải
  • Thuốc chống sốc, thuốc giảm đau

Tư thế bệnh nhân

  • Để người bệnh nằm với tư thế thoải mái
  • Để lộ chi bị tổn thương
  • Quan sát và đánh giá tình trạng chi tổn thương

Đặt nẹp

  • Nẹp sau: Ở mặt sau, đặt nẹp dài 100cm, từ ngang mào chậu đến vị trí quá gót chân khoảng 1cm.
  • Nẹp ngoài: Ở mặt ngoài, đặt nẹp dài 120cm, từ hố nách đến vị trí quá gan chân khoảng 1cm.
  • Nẹp trong: Ở mặt trong, đặt nẹp dài 80cm, từ nếp bẹn đến vị trí quá gan chân khoảng 1cm.

Đệm lót

  • Hai mấu chuyển lớn
  • Hai lồi cầu
  • Hai mắt cá
  • Chỏm xương mác
  • Bốn đầu nẹp

Cố định nẹp

  • Băng vết thương vùng khoeo: Đường băng ở gối, băng theo kiểu băng số 8 kép.
  • Đường băng ở sát nếp bẹn: Thực hiện băng theo kiểu băng vòng tròn.
  • Băng vết thương mu chân: Đường băng ở cổ – bàn chân, băng theo kiểu băng số 8.
  • Thực hiện đường băng giữa đùi để đầu trên hai nẹp được cố định vào đùi, sử dụng đường băng tròn.
  • Đường băng ngang qua hai gai chậu trước trên: Thực hiện băng theo kiểu băng vòng tròn.
  • Đường băng ngang ngực: Thực hiện băng theo kiểu băng vòng tròn.

Hỗ trợ chân gãy

  • Dùng các vòng băng tròn quấn quanh cả hai cổ chân và hai gối để cố định 2 chân vào nhau.

5. Gãy xương đòn

Các bước sử dụng băng cuộn cố định tạm thời gãy xương đòn:

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương
  • Khám thực thể.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Băng cuộn

Tư thế bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi với tư thế thuận lợi
  • Để lộ xương đòn gãy
  • Quan sát và đánh giá xương đòn tổn thương

Cố định xương gãy

  • Cố định xương đòn gãy bằng băng cuộn theo kiểu số 8.
Các bước sử dụng băng cuộn cố định tạm thời gãy xương đòn
Hướng dẫn các bước sử dụng băng cuộn cố định tạm thời gãy xương đòn

6. Gãy xương sườn

Đối với gãy xương sườn, có thể sử dụng băng dính to bản để cố định tạm thời xương gãy và vết thương ngực hở.

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương
  • Khám thực thể
  • Tìm kiếm những tổn thương phối hợp.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Băng dính bản to.

Tư thế bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi với tư thế thuận lợi
  • Để lộ xương sườn gãy
  • Quan sát và đánh giá xương sườn tổn thương, vết thương ngực hở

Cố định xương gãy

  • Sử dụng băng dính to bản thực hiện đường băng vết thương ngực hở để giữ xương sườn ở vị trí đúng.

7. Vỡ xương hàm dưới

Kỹ thuật cố định tạm thời gãy/ vỡ xương hàm dưới bao gồm các bước:

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương
  • Tìm kiếm những tổn thương phối hợp.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Băng dính bản to.

Tư thế bệnh nhân

  • Hướng dẫn bệnh nhân ngồi hoặc nằm với tư thế thuận lợi
  • Để lộ xương gãy, không nắn và kéo
  • Quan sát và đánh giá xương tổn thương

Cố định xương gãy

  • Sử dụng băng dính to bản thực hiện đường băng vết thương cằm để cố định xương hàm gãy/ vỡ.

8. Gãy cột sống cổ

Đối với những bệnh nhân bị gãy cột sống (đặc biệt là gãy cột sống cổ), bạn cần thực hiện kỹ thuật cố định gãy xương một cách thận trọng để tránh tổn thương thần kinh và tăng nguy cơ bại liệt ở bệnh nhận.

Các bước thực hiện:

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương và dấu hiệu sinh tồn
  • Khám thực thể
  • Tìm kiếm những tổn thương phối hợp.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Ván cứng
  • Bộ chống sốc
  • Gối, màn
  • Tám cuộn băng to bản.

Tư thế bệnh nhân

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa trên ván cứng. Bước thực hiện:
    • Người hỗ trợ (thứ nhất) quỳ phía trên đầu nạn nhân. Nhẹ nhàng luồn hai tay để giữ phần vai và phần đầu của nạn nhân
    • Người hỗ trợ (thứ hai) nhẹ nhàng luồn hai tay dưới thắt lưng và lưng của bệnh nhân.
    • Người hỗ trợ (thứ ba) nhẹ nhàng luồn hai tay dưới cẳng chân và đùi của nạn nhân
    • Khi có người điều khiển hô to, tất cả người hỗ trợ cùng nâng nạn nhân lên và đặt nạn nhân trên ván cứng.

Cố định xương gãy

  • Người hỗ trợ giữ đầu nạn nhân
  • Người thực hiện dùng tám cuộn băng để giữ và cố định nạn nhân vào cán cứng. Các vị trí cố định:
    • Trán
    • Qua hàm trên
    • Qua ngực
    • Qua hông
    • Qua đùi
    • Qua khớp gối
    • Qua cẳng chân
    • Băng hai bàn chân

Đệm lót

  • Dùng gối mềm đệm vào hai bên cổ nạn nhân.

Di chuyển nạn nhân

  • Viết phiếu chuyển thương
  • Nhẹ nhàng và nhanh chóng di chuyển nạn nhân bằng những phương tiện sẵn có.
Thận trọng khi thực hiện kỹ thuật cố định gãy cột sống cổ
Thận trọng khi thực hiện kỹ thuật cố định gãy cột sống cổ để tránh tổn thương thần kinh và tăng nguy cơ bại liệt

9. Gãy cột sống lưng – thắt lưng

Kỹ thuật cố định gãy cột sống lưng – thắt lưng gồm các bước:

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương và dấu hiệu sinh tồn
  • Khám thực thể
  • Tìm kiếm những tổn thương phối hợp.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Ván cứng
  • Bộ chống sốc
  • Gối, màn hoặc chăn mỏng
  • Năm cuộn băng to bản.

Tư thế bệnh nhân

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa trên ván cứng. Bước thực hiện:
    • Người hỗ trợ thứ nhất quỳ phía trên đầu nạn nhân. Nhẹ nhàng luồn hai tay để giữ phần vai và phần đầu của nạn nhân
    • Người hỗ trợ thứ hai nhẹ nhàng luồn hai tay dưới thắt lưng và lưng của bệnh nhân.
    • Người hỗ trợ thứ ba nhẹ nhàng luồn hai tay dưới cẳng chân và đùi của nạn nhân
    • Khi có người điều khiển hô to, tất cả người hỗ trợ cùng nâng nạn nhân lên và đặt nạn nhân trên ván cứng.

Cố định xương gãy

  • Người hỗ trợ thứ nhất giữ đầu nạn nhân
  • Người hỗ trợ thứ hai đỡ hai chân bệnh nhân sao cho bàn chân đứng và luôn trong tư thế vuông góc với cẳng chân.
  • Người thực hiện dùng năm cuộn băng để giữ và cố định nạn nhân vào ván cứng. Hoặc có thể giữ và cố định hai chi của nạn nhân vào nhau. Các vị trí cố định:
    • Hông
    • Đùi
    • Đầu gối
    • Cẳng chân
    • Bàn chân

Đệm lót

  • Dùng chăn hoặc dùng gối mềm chèn vào hai bên hông nạn nhân.

Di chuyển nạn nhân

  • Viết phiếu chuyển thương
  • Nhẹ nhàng và nhanh chóng di chuyển nạn nhân bằng những phương tiện sẵn có.

10. Gãy khung chậu

Xương chậu là xương xốp. Vì thế khi bị gãy, xương chậu dễ gây sốc, làm tổn thương cơ quan nội tạng và chảy máu nhiều. Đôi khi gây ra nhiều tai biến nghiêm trọng và tăng nguy cơ tử vong. Do đó khi thực hiện sơ cứu và cố định xương chậu gãy, bạn cần hết sức thận trọng.

Đánh giá tình trạng toàn thân

  • Xác định vị trí gãy xương
  • Khám thực thể
  • Tìm kiếm những tổn thương phối hợp.

Chuẩn bị dụng cụ

  • Ván cứng
  • Gối chăn, màn mỏng
  • Năm cuộn băng to bản
  • Bộ chống sốc
  • Thuốc kháng sinh, thuốc chống sốc

Tư thế bệnh nhân

  • Đặt nạn nhân nằm ngửa và duỗi thẳng chân trên ván cứng. Bước thực hiện:
    • Người hỗ trợ thứ nhất quỳ phía trên đầu nạn nhân. Nhẹ nhàng luồn hai tay để giữ phần vai và phần đầu của nạn nhân
    • Người hỗ trợ thứ hai nhẹ nhàng luồn hai tay dưới thắt lưng và lưng của bệnh nhân.
    • Người hỗ trợ thứ ba nhẹ nhàng luồn hai tay dưới cẳng chân và đùi của nạn nhân
    • Khi có người điều khiển hô to, tất cả người hỗ trợ cùng nâng nạn nhân lên và đặt nạn nhân trên ván cứng.
  • Quan sát và đánh giá tình trạng tổn thương
  • Cầm máu trước khi cố định xương

Đệm lót

  • Dùng màn mỏng, chăn, gối kê ở dưới gối.

Cố định xương gãy

  • Dùng băng to bản buộc hai vòng ở khung chậu
  • Dùng băng to bản băng xung quanh bàn chân và mắt cá chân theo kiểu băng số 8
  • Dùng băng rộng bản băng một vòng ở đầu gối

Hỗ trợ nạn nhân

  • Khuyên nạn nhân bất động
  • Chống sốc và giảm đau khi cần thiết

Di chuyển nạn nhân

  • Viết phiếu chuyển thương
  • Nhẹ nhàng và nhanh chóng di chuyển nạn nhân trên ván cứng bằng những phương tiện sẵn có.
Cần hết sức thận trọng khi thực hiện sơ cứu và cố định xương chậu gãy
Thận trọng khi thực hiện sơ cứu và cố định xương chậu gãy để tránh gây sốc và tổn thương cơ quan nội tạng

Trên đây là những thông tin cơ bản về kỹ thuật sơ cứu, cố định gãy xương. Việc sơ cứu xương gãy kịp thời và đúng cách có thể hạn chế tối đa nguy cơ phát sinh biến chứng, cầm máu, chống sốc và ngăn gãy kín thành gãy hở. Từ đó hạn chế tổn thương nhiều bộ phận khác, tránh đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên để đảm bảo tối đa mức độ an toàn, ngươi thực hiện phải được rèn luyện, am hiểu và có kinh nghiệm để tránh phát sinh sai sót.

Tham khảo thêm:

Câu hỏi liên quan
Thay Khớp Háng Ở Bệnh Viện Nào Tốt Nhất
Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108... có thể giúp trả lời thay khớp háng ở bệnh viện nào tốt nhất. Thay khớp háng mang đến hiệu quả ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Ngón Tay Để Lâu Có Sao Không
Nếu thắc mắc trật khớp ngón tay để lâu có sao không người bệnh nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và có kế hoạch điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Điều trị sớm là cách tốt nhất ...
Xem chi tiết
Bị Đứt Dây Chằng Có Quan Hệ Được Không
Đứt dây chằng là chấn thương phổ biến, đặc biệt là dây chằng đầu gối ở vận động viên và người chơi thể thao. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, người bệnh có thể bị đau ...
Xem chi tiết
Bị Gãy Xương Bánh Chè Bao Lâu Thì Lành
Bị gãy xương bánh chè bao lâu thì lành, có đi lại được không còn tùy thuộc vào phân loại và mức độ tổn thương, quá trình phục hồi chức năng sau điều trị. Đây là một chấn thương nghiêm ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua