Chân Vòng Kiềng Có Cao Được Không? Ảnh Hưởng Gì?
Theo dõi IHR trênChân vòng kiềng có cao được không, ảnh hưởng gì đến trẻ nhỏ là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Đây là một tình trạng phổ biến, ảnh hưởng trên 20% trẻ em dưới 3 tuổi. Chân vòng kiềng khiến hai đầu gối xoay vào trong, hai mắt cá chân chạm vào nhau và chân cong ra ngoài.
Chân vòng kiềng là gì?
Chân vòng kiềng là một biến dạng ở chân thường gặp. Trong đó đầu gối bị lệch khiến hai đầu gối có xu hướng xoay vào bên trong, hai mắt cá chân chạm vào nhau và chân cong ra ngoài. Ngược lại những trường hợp bình thường có đầu gối hướng ra ngoài khi đứng thẳng, giữa hai mắt cá chân có khoảng trống từ 2 – 3 inch, chân thẳng hàng.
Có hơn 20% trẻ em dưới 3 tuổi có chân vòng kiềng và 1% trẻ em dưới 7 tuổi bị ảnh hưởng. Tình trạng này chủ yếu do bẩm sinh (chân vòng kiềng sinh lý), phát triển khi không gian trong bụng mẹ quá chật khiến chân bị co lại.
Một số trường hợp khác có chân vòng kiềng liên quan đến bệnh lý. Chẳng hạn như còi xương ở trẻ em, bệnh Blount, các bệnh xương khớp hoặc loạn sản xương di truyền khiến xương ở chi và cột sống bị biến dạng.
Chân vòng kiềng ảnh hưởng đến dáng đi và sự phát triển bình thường của xương khớp. Ở những trường hợp nhẹ, biến dạng chân có thể điều chỉnh theo thời gian, không cần phải điều trị. Chân của trẻ thường bắt đầu duỗi thẳng khi mới biết đi (khoảng 12 – 18 tháng tuổi).
Trong nhiều trường hợp khác, biến dạng kéo dài đến độ tuổi trưởng thành, cần được điều trị y tế. Chính vì thế phụ huynh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa nếu trẻ trên 2 tuổi có chân bị vòng kiềng.
Chân vòng kiềng có cao được không?
Chân vòng kiềng là tình trạng thường gặp, chủ yếu ảnh hưởng đến vóc dáng của trẻ. Vậy chân vòng kiềng có cao được không? Theo các chuyên gia xương khớp, chân vòng kiềng có cao được hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân.
Chân vòng kiềng sinh lý không làm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao tự nhiên của trẻ. Điều này có nghĩa những trẻ có chân vòng kiềng vẫn phát triển chiều cao bình thường. Tuy nhiên, sự biến dạng ở đầu gối và chân cong ra ngoài khiến người bệnh lùn hơn so với chiều cao thực tế.
Đối với những trẻ có chân vòng kiềng do bệnh lý, các tình trạng như còi xương ở trẻ em, bệnh lùn (loạn sản sụn), bệnh Paget xương… làm ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao của trẻ, trẻ chậm phát triển rõ rệt so với những trẻ đồng trang lứa.
Cụ thể trong bệnh còi xương, thiếu canxi, phosphat hoặc/ và vitamin D dẫn đến tình trạng thiếu hụt khoáng chất trong xương. Điều này khiến xương yếu, chậm phát triển hoặc phát triển không bình thường. Từ đó làm tăng nguy cơ thấp bé ở trẻ nhỏ. Trong bệnh lùn, xương không thể phát triển do sự rối loạn tăng trưởng xương.
Chính vì thế phụ huynh cần lưu ý đưa trẻ thăm khám nếu trẻ trên 2 tuổi vẫn bị chân vòng kiềng hoặc có tình trạng tệ hơn. Điều trị kịp thời và đúng cách có thể giúp trẻ phát triển chiều cao bình thường và tránh ảnh hưởng đến tầm vóc trong tương lai.
Những ảnh hưởng khác từ chân vòng kiềng
Ngoài ảnh hưởng đến tầm vóc trong tương lai, chân vọng kiềng nghiêm trọng còn khiến trẻ khó đi lại hay chạy nhảy, ảnh hưởng đến khả năng vận động. Hơn thế viêm khớp chính là hệ quả nghiêm trọng của chân vòng kiềng. Điều này có thể dẫn đến khuyết tật.
Chân vọng kiềng tạo áp lực không cân bằng, tác động xấu đến khớp gối (đầu gối), khớp háng (hông), mắt cá chân và bàn chân. Lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm khớp, dễ chấn thương và tăng tốc độ thoái hóa khớp trong tương lai.
Nếu cần thay khớp gối toàn phần khi còn trẻ, quá trình chỉnh lại xương có thể phải tiến hành khi người bệnh lớn tuổi hơn. Mặt khác phẫu thuật khớp gối ở những trường hợp này thường không suôn sẻ do sự liên kết bất thường của xương.
Điều trị chân vòng kiềng như thế nào?
Để trẻ đạt chiều cao tối đa, chân vòng kiềng cần được điều trị tốt. Thông thường các phương pháp sẽ được chỉ định cho trẻ trên 3,5 tuổi. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và nguyên nhân (sinh lý/ bệnh lý), người bệnh sẽ được chỉ định những phương pháp điều trị dưới đây:
1. Sử dụng dụng cụ chỉnh hình
Một số dụng cụ chỉnh hình như lót giày thường được chỉ định cho những bệnh nhân có sự chênh lệch về chiều dài của chân. Phương pháp này có tác dụng điều chỉnh dáng đi, cải thiện sự mất cân bằng của chiều dài chân. Đồng thời giảm nhẹ cơn đau khi di chuyển hoặc tham gia vào các hoạt động thể chất.
Nẹp chỉnh sửa đầu mắt cá chân (KAFO) có thể được sử dụng cho trẻ em trên 8 tuổi mắc bệnh Blount. Thiết bị này có tác dụng giải phóng lực nén ở đầu gối, hỗ trợ sự phát triển bình thường của hệ xương. Đồng thời giảm sự mất cân bằng của chân. Từ đó giúp trẻ đạt chiều cao tối đa ở độ tuổi trưởng thành.
2. Tập thể dục
Để cải thiện chân vòng kiềng và đảm bảo sự phát triển bình thường về chiều cao, người bệnh có thể được hướng dẫn các bài tập thể dục thích hợp. Trong đó các bài tập kéo giãn và tăng cường được áp dụng phổ biến nhất. Những bài tập này giúp kích thích sự phát triển chiều cao tối đa, phục hồi chức năng và chỉnh hình biến dạng ở đầu gối.
Ngoài ra việc luyện tập còn giúp xây dựng cơ bắp, tăng cường sức mạnh, giảm cân, người có chân vòng kiềng vận động dễ dàng và linh hoạt hơn. Từ đó ổn định hệ vận động và chiều cao của trẻ.
Để luyện tập thể dục đúng cách, người bệnh cần liên hệ với bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và hướng dẫn các bài tập phù hợp nhất. Đồng thời kiên trì luyện tập để đạt chiều cao tối đa.
3. Giảm cân
Những trường hợp thừa cân béo phì được khuyên giảm cân để hỗ trợ sự phát triển bình thường của hệ xương và cải thiện chân vòng kiềng. Bởi trọng lượng dư thừa làm tăng áp lực cho đầu gối và chân, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ xương khớp. Đồng thời khiến các triệu chứng của chân vòng kiềng thêm nghiêm trọng.
Để giảm cân hiệu quả và an toàn, người bệnh sẽ được hướng dẫn tập thể dục thường xuyên kết hợp chế độ ăn uống khoa học.
4. Phẫu thuật
Phần lớn trường hợp có chân vòng kiềng không cần phải phẫu thuật. Phương pháp này chỉ được xem xét cho những bệnh nhân có biến dạng chân nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường, chân vòng kiềng dai dẳng ở người lớn.
Tùy thuộc vào tình trạng mà người bệnh có thể được phẫu thuật cắt xương hoặc cấy thiết bị kim loại.
- Cắt xương: Bác sĩ tiến hành cắt xương và sắp xếp khớp, đảm bảo cẳng chân và đầu gối trở về đúng vị trí. Sau đó sử dụng các tấm kim loại và vít để cố định xương mới.
- Cấy ghép thiết bị kim loại: Một tấm kim loại sẽ được chèn bên trong đầu gối khoảng 12 tháng, sau đó được loại bỏ khi quá trình điều trị kết thúc. Phương pháp này giúp điều chỉnh sự phát triển bình thường của đầu gối, hỗ trợ trẻ phát triển chiều cao bình thường.
Sau phẫu thuật vài ngày, người bệnh đi lại và được hướng dẫn vật lý trị liệu để phục hồi chức năng hoàn toàn.
5. Điều trị chân vòng kiềng theo nguyên nhân
Dựa vào nguyên nhân, phương pháp điều trị chân vòng kiềng cho thể bao gồm:
- Bệnh Osteochondrodysplasia
Những trường hợp có chân vòng kiềng liên quan đến bệnh Osteochondrodysplasia (nhóm các bệnh loạn sản xương và xương khớp di truyền) thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật.
Trong quá trình này, bác sĩ tiến hành chèn miếng kim loại vào đầu gối để các biến dạng được điều chỉnh. Phẫu thuật có thể được thực hiện nhiều lần để duy trì sự liên kết của xương.
- Bệnh còi xương
Tăng cường bổ sung canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống lành mạnh và sản phẩm bổ sung canxi (nếu cần). Điều này giúp đẩy lùi bệnh còi xương hiệu quả và đảm bảo hệ xương khớp phát triển bình thường.
Một số trường hợp được hướng dẫn điều chỉnh lối sống (thường xuyên tập thể dục, ngủ đủ giấc…) để góp phần đẩy lùi bệnh lý. Hậu hết trẻ nhỏ có thể cải thiện triệu chứng (bao gồm cả chân vòng kiềng) sau quá trình điều trị bảo tồn. Những trường hợp nặng hơn, có biến dạng nghiêm trọng hoặc các triệu chứng kéo dài có thể được chỉ định phẫu thuật.
- Bệnh Blount
Những trẻ mắc bệnh Blount thường được sử dụng nẹp để giải phóng lực nén ở đầu gối, điều chỉnh biến dạng và hỗ trợ sự phát triển bình thường của hệ xương. Trong một số trường hợp, phẫu thuật được chỉ định để hạn chế các rủi ro.
Tùy thuộc vào độ tuổi, phẫu thuật có thể bao gồm loại bỏ một thanh xương chày để điều chỉnh (thường chỉ định ở thanh thiếu niên) hoặc điều chỉnh hình dạng xương bằng cách chèn kim loại vào khớp. Sau phẫu thuật bệnh nhân được tập phục hồi chức năng tích cực, lấy lại khả năng vận động linh hoạt.
Trên đây là những thông tin giúp hiểu hơn về vấn đề “Chân vòng kiềng có cao được không, ảnh hưởng gì”. Nhìn chung, chân vòng kiềng có cao được hay không còn phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Tuy nhiên phần lớn các trường hợp phát triển chiều cao bình thường và chân vòng kiềng tự điều chỉnh khi trẻ lớn hơn.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!