Chấn Thương Gân Chân Ngỗng (Cơ Hamstring) Và Cách Chữa Trị
Chấn thương gân chân ngỗng là tình trạng phổ biến, gây đau đớn, khó chịu và ảnh hưởng đến chuyển động linh hoạt của người bệnh. Dưới đây là một số nguyên nhân, dấu hiệu nhận biết và cách điều trị chấn thương, viêm gân cơ chân ngỗng, người bệnh có thể tham khảo.
Gân chân ngỗng (cơ Hamstring) là gì?
Gân chân ngỗng (cơ Hamstring) là một nhóm cơ, bao gồm ba cơ lớn chạy dọc phía sau đùi và giúp kiểm soát hông và đầu gối. Các cơ này bao gồm cơ thon (cơ thẳng trong), cơ bán gân và cơ may, có nhiệm vụ giúp con người đứng, đi, chảy, nhảy và thực hiện nhiều hoạt động khác.
Chấn thương gân chân ngỗng có thể bao gồm căng cơ hoặc viêm gân chân ngỗng. Tình trạng này xảy ra khi các sợi cơ hoặc gân bị kéo rách, thường xảy ra khi quá tải cơ bắp, vận động quá sức hoặc tuổi tác cao. Chấn thương này thường xảy ra ở những vận động viên tham gia các môn thể thao chạy nước rút, với các điểm bắt đầu và dừng đột ngột, chẳng hạn như bóng đá, bóng rổ hoặc quần vợt. Ngoài ra, vận động viên điền kinh, chạy tiếp sức và vũ công cũng có thể gặp chấn thương này.
Trong hầu hết các trường hợp, chấn thương này không nghiêm trọng và đáp ứng các phương pháp tự chăm sóc, chẳng hạn như nghỉ ngơi, chườm đá, nâng cao chân hoặc kéo giãn nhẹ nhàng. Tuy nhiên nếu cần thiết, phẫu thuật có thể được chỉ định để sửa chữa gân, cơ và phòng ngừa các biến chứng phát sinh.
Nguyên nhân và các yếu tố rủi ro gây chấn thương gân chân ngỗng
Gân chân ngỗng là một nhóm cơ chạy dọc theo mặt sau của đùi từ hông đến ngay dưới đầu gối. Những cơ này hỗ trợ các hoạt động duỗi chân ra sau và uốn cong đầu gối. Việc kéo căng hoặc lạm dụng bất kỳ cơ nào trong các cơ này đều có thể gây ra chấn thương.
Các nguyên nhân và yếu tố rủi ro có thể dẫn đến chấn thương bao gồm:
1. Lạm dụng quá mức
Chấn thương gân chân ngỗng thường xảy ra do sử dụng quá mức, đặc biệt là trong các môn thể thao như bóng đá, bóng bầu dục, bóng rổ và quần vợt, các môn đòi hỏi việc chạy kết hợp với xuất phát và dừng nhanh. Cơ thon (cơ thẳng trong) đặc biệt dễ bị chấn thương trong các hoạt động thể chất này, do chịu tác dụng nhiều lực nhất so với các cơ khác trong nhóm gân chân ngỗng.
Chấn thương phổ biến nhất là bong gân và rách gân. Tình trạng này có thể dẫn đến một vết bầm tím đáng kể phía sau đùi. Các căng thẳng lặp lại thường xuyên do chạy bộ hoặc đi bộ đường dài cũng có thể gây đau hoặc chấn thương gân.
Thanh thiếu niên và vận động viên lớn tuổi có nguy cơ chấn thương cao hơn. Các yếu tố góp phần dẫn đến chấn thương bao gồm:
- Mất cân bằng cơ bắp
- Căng cơ
- Mỏi cơ bắp
- Không kéo giãn hoặc khởi động không đúng cách trước khi chơi thể thao
- Khả năng điều hòa cơ bắp kém
- Va chạm hoặc bị tấn công trực tiếp và đùi
Nếu các triệu chứng chấn thương gân chân ngỗng kéo dài hoặc gây cản trở khả năng đi lại bình thường, hãy đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị hiệu quả.
2. Các yếu tố nguy cơ
Ngoài vận động quá mức, có một số yếu tố rủi ro có thể làm tăng nguy cơ chấn thương gân chân ngỗng, chẳng hạn như:
- Có tiền sử chấn thương gân chân ngỗng trong quá khứ thường có những cơ tái chấn thương cao hơn, đặc biệt là đối với những người cố gắng quay lại các hoạt động thể chất trước thời gian cơ hồi phục hoàn toàn.
- Cơ bắp mệt mỏi, yếu hoặc co giãn không tốt có khả năng bị chấn thương cao hơn so với người khác. Cơ kém linh hoạt có thể không chịu được lực tác động trong một số hoạt động thể chất, dẫn đến chấn thương.
- Mất cân bằng cơ bắp có thể dẫn đến chấn thương cơ hamstring. Nếu cơ tứ đầu dọc theo mặt trước của đùi mạnh và phát triển vượt bậc hơn so với cơ hamstring thì cơ hamstring có nhiều khả năng chấn thương hơn.
- Tuổi tác cao, đặc biệt là vận động viên lớn tuổi có nguy cơ chấn thương cao hơn.
- Mất nước và các chất điện giải khi tập thể dục quá mức sẽ khiến các dây thần kinh trở nên nhạy cảm, dễ co lại, cuối cùng là gây chấn thương gân, cơ.
- Thiếu khoáng chất, chẳng hạn như quá ít magie, kali, canxi trong cơ thể có thể dẫn đến chấn thương cơ hamstring.
- Người bệnh tiểu đường, rối loạn gan, chèn ép dây thần kinh hoặc rối loạn tuyến giáp cũng có nguy cơ viêm cơ hamstring cao hơn.
Ngoài ra, mang thai và sinh con cũng được xem là một yếu tố làm tăng khả năng viêm gân chân ngỗng ở phụ nữ. Tuy nhiên các triệu chứng này sẽ được cải thiện sau khi sinh con.
Dấu hiệu nhận biết chấn thương gân chân ngỗng
Chấn thương gân chân ngỗng thường dẫn đến một cơn đau đột ngột, dữ dội ở phía sau đùi. Ngoài ra, người bệnh cũng có cảm giác lộp bộp hoặc rách ở cơ. Sau chấn thương vài giờ, người bệnh có thể phát triển các triệu chứng sưng tấy và đau âm ỉ kéo dài.
Viêm gân chân ngỗng cũng có thể dẫn đến việc hình thành vết bầm tím hoặc thay đổi màu da dọc theo mặt sau của chân. Một số người bệnh cũng có thể bị yếu cơ, thay đổi màu da hoặc không thể đặt trọng lượng lên chân bị tổn thương.
Các triệu chứng có thể khác nhau, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Xuất hiện nút thắt cơ cứng ở vùng đùi, dẫn đến việc di chuyển khó khăn
- Có thắt cơ bắp, chuột rút
- Cứng cơ, đặc biệt là sau thời gian hạ nhiệt, thả lỏng cơ thể
Chấn thương gân chân ngỗng nhẹ có thể được điều trị tại nhà. Tuy nhiên người bệnh cần đến bệnh viện nếu không thể chịu được trọng lượng của cơ thể trên chân hoặc nếu không thể đi bộ mà không bị đau đớn. Điều trị đúng cách và kịp lúc là cách tốt nhất để ngăn ngừa các biến chứng.
Chấn thương gân chân ngỗng có nguy hiểm không?
Thông thường chấn thương gân chân ngỗng không nguy hiểm, đáp ứng tốt các phương pháp điều trị và hiếm khi dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Tuy nhiên trong một số trường hợp, đặc biệt là khi không được điều trị phù hợp, chấn thương có thể dẫn đến một số biến chứng, chẳng hạn như:
- Biến dạng phẳng (Flatback syndrome): Bình thường cột sống có hai đường cong, tuy nhiên đối với người biến dạng phẳng, người bệnh sẽ mất một hoặc cả hai đường cong này. Một trong những yếu tố rủi ro dẫn đến biến dạng này là viêm gân hamstring, khiến xương chậu nghiêng quá mức về phía trước. Điều này ảnh hưởng đến các tư thế vận động, gây khó khăn khi di chuyển và thực hiện các hoạt động thể chất khác, đồng thời cũng gây đau đớn dữ dội.
- Chấn thương đĩa đệm: Theo các bác sĩ, gân chân ngỗng bị tổn thương sẽ gây thay đổi độ nghiêng của xương chậu, dẫn đến tăng áp lực lên các đĩa đệm cột sống và dẫn đến chấn thương hoặc thoát vị đĩa đệm.
- Rối loạn chức năng khớp cùng chậu: Gân chân ngỗng tổn thương có thể dẫn đến căng quá mức ở khu vực khớp cùng chậu, gây mất sự ổn định và ảnh hưởng đến chức năng khớp. Rối loạn này cũng góp phần dẫn đến thay đổi dáng đi, tư thế và gây ra các vấn đề cơ, xương, khớp nghiêm trọng khác.
Chẩn đoán chấn thương gân chân ngỗng như thế nào?
Để chẩn đoán chấn thương gân hamstring, bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng, tình trạng sức khỏe chưng và cơn đau dọc theo mặt sau của đùi. Bác sĩ cũng có thể di chuyển chân bị thương sang các vị trí khác nhau để xác định cơ bị ảnh hưởng và sức khỏe dây chằng, gân.
Trong các trường hợp chấn thương cơ hamstring nghiêm trọng, cơ có thể bị rách hoặc tách hoàn toàn khỏi xương chậu hoặc xương ống chân. Nếu điều này xảy ra, một mảnh xương nhỏ có thể bị kéo ra khỏi xương chính, tình trạng này được gọi là gãy xương do chấn thương. Để chẩn đoán chấn thương này, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm hình ảnh như chụp X – quang, siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định vết rách ở cơ và gân.
Điều quan trọng là đến bệnh viện ngay sau chấn thương hoặc xuất hiện cơn đau không được cải thiện ở bắp chân, mặt sau của đùi. Chẩn đoán và điều trị sớm là cách tốt nhất để ngăn ngừa các rủi ro phát sinh.
Cách điều trị chấn thương gân chân ngỗng
Mục tiêu chính của các biện pháp điều trị chấn thương gân chân ngỗng là giảm đau, sưng và phục hồi chức năng vận động linh hoạt. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bác sĩ có thể chỉ định các biện pháp điều trị như:
1. Tự cải thiện tại nhà
Trong hầu hết các trường hợp, chấn thương gân hamstring từ nhẹ đến trung bình sẽ tự lành. Người bệnh chỉ cần dành thời gian nghỉ ngơi và hạn chế vận động cho đến khi gân được phục hồi hoàn toàn. Để tăng tốc độ chữa lành người bệnh có thể:
- Dành thời gian nghỉ ngơi: Tránh việc dồn trọng lượng cơ thể lên chân. Nếu cơn đau nghiêm trọng, người bệnh có thể cần nghỉ ngơi trên giường cho đến khi hết đau. Trao đổi với bác sĩ hoặc nhà trị liệu nếu cần được hướng dẫn.
- Chườm lạnh: Chườm lạnh lên chân có thể giảm đau và sưng. Thực hiện liệu pháp này trong 20 – 30 phút mỗi lần và cứ sau 3 – 4 giờ một lần kéo dài trong 3 – 4 ngày hoặc cho đến khi cơn đau biến mất.
- Băng nén chân: Người bệnh có thể dùng băng thun quấn quanh chân để giảm sưng.
- Nâng cao chân: Khi nghỉ ngơi hãy cố gắng nâng chân bị thương cao hơn chân, điều này có thể giúp giảm sưng tấy và khó chịu.
- Sử dụng thuốc: Có nhiều loại thuốc giảm đau, chống viêm chẳng hạn như Paracetamol hoặc thuốc chống viêm không steroid (NSAID) mang lại hiệu quả cao trong việc giảm đau, chống sưng tấy. Tuy nhiên, các loại thuốc này có thể dẫn đến các tác dụng phụ, chẳng hạn như tăng nguy cơ viêm loét và xuất huyết dạ dày. Do đó, chỉ nên sử dụng thuốc trong thời gian ngắn, trừ khi nhận được chỉ định khác từ bác sĩ.
Nếu cơn đau không được cải thiện sau vài ngày, người bệnh nên đến bệnh viện hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ và có kế hoạch điều trị y tế phù hợp.
2. Vật lý trị liệu phục hồi chức năng
Bác sĩ hoặc nhà vật lý trị liệu có thể hướng dẫn người bệnh các bài tập tăng cường và kéo dài gân chân ngỗng nhẹ nhàng. Các bài tập này có thể tăng tính linh hoạt của gân, giúp ngăn ngừa các chấn thương, cải thiện tính linh hoạt và thúc đẩy quá trình phục hồi. Sau khi cơn đau được cải thiện, nhà trị liệu có thể hướng dẫn các bài tập để tăng cường sức mạnh và phục hồi khả năng vận động linh hoạt.
Căng gân khi ngồi:
- Ngồi trên thảm tập với cả hai chân duỗi thẳng trước mặt sao cho xương ngồi tiếp xúc với sàn nhà
- Cong một đầu gối để trượt bàn chân về phía đầu gối chân đối diện
- Cúi gập người ở hông và vươn tay về phía trước các ngón chân của chân duỗi thẳng, nếu khó chịu người tập có thể uốn cong đầu gối một chút
- Giữ yên trong 15 – 30 giây sau đó đổi bên
Căng khi nằm ngửa:
- Nằm ngửa trên thảm tập
- Nâng một chân về phía trần nhà, duy trì cột sống trung lập
- Nâng cao một chân, chân hướng thẳng lên trần nhà, kết hợp đưa tay ra phía sau đầu gối để duy trì tư thế chân
- Giữ yên trong 15 – 30 giây
- Hạ chân, thư giãn và đổi chân
Căng khi đứng:
- Bắt đầu với tư thế đứng, hai chân cách nhau một khoảng bằng hông
- Đặt hai tay lên hông kết hợp với tư thế hơi ngả người ra sau, cột sống cong về phía trước một cách tự nhiên
- Giữ yên trong 15 – 30 giây sau đó quay về vị trí bắt đầu
Uốn cong đứng về phía trước:
- Đứng thẳng với cánh tay nâng cao, hướng lên trần nhà
- Gập người về phía trước từ hông, vươn tay về phía sàn nhà sau cho hông và mắt cá chân thẳng hàng
- Cố gắng cúi người càng thấp càng tốt, tuy nhiên cần giữ thẳng cột sống và không uốn cong đầu gối
- Giữ yên trong 15 – 30 giây sau đó quay về vị trí ban đầu
Sau khi cơn đau được cải thiện, người bệnh có thể bắt đầu các bài tập tăng cường, chẳng hạn như đi bộ, chạy, leo lên – xuống cầu thang để xây dựng nhóm cơ gân chân ngỗng. Các bài tập gân chân ngỗng phù hợp với tất cả mọi người bao gồm chạy bộ, đạp xe, squat hoặc yoga.
3. Phẫu thuật
Hầu hết các trường hợp chấn thương gân chân ngỗng liên quan đến rách một phần cơ sẽ lành theo thời gian với phương pháp tự chăm sóc và vật lý trị liệu. Trong trường hợp cơ bị kéo ra khỏi xương chậu hoặc xương ống chân, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật chỉnh hình để gắn lại cơ. Tình trạng tổn thương cơ nghiêm trọng cũng có thể cần phẫu thuật để sửa chữa.
Phẫu thuật rất hiếm khi cần thiết. Tuy nhiên, người bệnh cần trao đổi với bác sĩ về lợi ích và rủi ro để có kế hoạch chăm sóc sức khỏe phù hợp nhất.
Phòng ngừa viêm gân cơ chân ngỗng
Điều quan trọng và cần thiết để ngăn ngừa chấn thương gân chân ngỗng là giữ cho gân khỏe mạnh, tập thể dục thường xuyên, đều đặn quanh năm. Điều này bao gồm việc kết hợp các bài tập kéo giãn gân cơ, tăng cường sức mạnh cùng kế hoạch vận động, tập luyện phù hợp.
Ngoài ra, để ngăn ngừa chấn thương tái phát, người bệnh cần lưu ý:
- Luôn căng cơ trước và sau khi tập thể dục
- Trước khi giãn cơ, hãy làm nóng cơ bắp bằng các động tác aerobic đơn giản, chẳng hạn như đi bộ hoặc chạy bộ trong 5 – 10 phút
- Không kéo căng gân chân ngỗng quá mức
- Tập luyện có kế hoạch, tăng dần thời gian và cường độ khi tập để tránh gây áp lực lên gân
- Nếu cảm thấy đau ở đùi, hãy ngừng tập luyện và dành thời gian nghỉ ngơi đến khi cảm thấy tốt hơn
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, đầy đủ các chất dinh dưỡng, nhiều rau xanh, trái cây, protein nạc
Ở trong tình trạng thể chất tốt và thường xuyên thực hiện các bài tập kéo dài, tăng cường sức mạnh có thể giúp phòng ngừa chấn thương gân chân ngỗng. Cố gắng tập luyện và chơi thể thao đúng kỹ thuật để đảm bảo hiệu quả tập luyện cũng như không gây ảnh hưởng đến hệ cơ xương khớp.
Nếu thường xuyên thực hiện các công việc đòi hỏi thế chất, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc nhà trị liệu để được hướng dẫn kế hoạch nâng cao sức khỏe, phòng ngừa chấn thương cũng như đảm bảo sức khỏe tổng thể.
Tham khảo thêm:
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!