Chấn thương cột sống (lưng, cổ): Cách xử lý và điều trị

Đã được tư vấn chuyên môn bởi Thạc sĩ Nguyễn Thị Tuyết Lan | Nơi công tác: IHR Cơ sở TP Hồ Chí Minh
Theo dõi IHR trên goole news

Chấn thương cột sống là chấn thương liên quan đến các đốt sống, tủy sống hoặc cả hai. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, người bệnh có thể cảm thấy đau đớn, khó chịu hoặc mất chức năng ở một số bộ phận cơ thể khác nhau.

Chấn thương cột sống
Chấn thương cột sống có thể gây đau đớn, khó chịu hoặc mất khả năng hoạt động ở tứ chi

Chấn thương cột sống là gì?

Cột sống người được cấu tạo từ nhiều xương nhỏ (đốt sống) xếp chồng lên nhau. Cột sống định hình cấu trúc, nâng đỡ cơ thể và bảo vệ tủy sống. Tủy sống chứa hệ thống dây thần kinh có nhiệm vụ truyền và nhận tín hiệu giữa não bộ và cơ thể. Chấn thương có thể xảy ra khi té ngã, tai nạn giao thông hoặc các lực tác động lớn đến khu vực cột sống. Trong các trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị liệt nếu tủy sống bị tổn thương.

Chấn thương cột sống chiếm khoảng 4 – 6% các trường hợp chấn thương. Trên thực tế, chấn thương có thể là tổn thương ở các đốt sống, đĩa đệm, dây chằng hoặc tủy sống. Tủy sống là phần nằm bên trong của ống sống và có thể bị chấn thương thông qua các tác động ảnh hưởng đến cột sống.

Chấn thương có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cột sống, nhưng thường phổ biến ở các điểm yếu, nơi tiếp giáp giữa đoạn cột sống di động và đoạn cột sống ít di động, chẳng hạn như D12 – L11 và C5 – C6. Thông thường chấn thương gây ảnh hưởng đến một đốt sống, tuy nhiên đôi khi chấn thương có thể ảnh hưởng đến 2 – 3 đốt sống liền kề hoặc không liền kề nhau.

Giải phẫu và sinh lý bệnh chấn thương cột sống

Chấn thương cột sống có thể bao gồm các chấn thương liên quan đến tủy sống, đốt sống, các dây thần kinh và dây chằng ở cột sống. Cụ thể, các giải phẫu và sinh lý chấn thương bao gồm:

1. Giải phẫu bệnh

Chấn thương cột sống có nhiều dạng khác nhau, chẳng hạn như:

  • Vỡ thân đốt sống, thường xuất hiện dưới dạng lệch hoặc có mảnh rời gây tổn thương các mô tủy.
  • Trật khớp cột sống thường xảy ra ở đoạn cột sống cổ và đoạn tiếp chuyển lưng – thắt lưng. Chấn thương này có thể gây hẹp ống sống, bầm tím các mô tủy và dẫn đến một số rủi ro liên quan khác. Ngoài ra, trật khớp cột sống có thể gây ảnh hưởng đến các rễ thần kinh, đĩa đệm, các dây chằng và thận đốt sống, chẳng hạn như liên gai và các động mạch, tĩnh mạch cột sống
  • Tổn thương mô tủy, chẳng hạn như hoại tử mô tủy do thiếu máu hoặc tụ máu ở mô tủy. Tổn thương thường nghiêm trọng hơn ở các đoạn cột sống có tuần hoàn máu thấp.
  • Tụ máu ngoài màng tủy là một chấn thương hiếm gặp. Tình trạng này có thể dẫn đến tổn thương các mô tủy, chẳng hạn như kích ứng tủy hoặc dập tủy.

2. Sinh lý bệnh

Các triệu chứng chẳng hạn như sưng phù, thường xuất ngay sau các chấn thương do co thắt động mạch, mao mạch. Theo lý thuyết, các mô tủy không thể chịu đựng oxy quá 6 giờ. Do đó, sự chèn ép và thiếu máu ở các mô tủy quá 6 giờ có thể tăng nguy cơ để lại các di chứng nghiêm trọng.

chấn thương cột sống cổ
Người bệnh có thể gây sưng phù và viêm ở vị trí chấn thương

Ngoài ra, các chấn thương nghiêm trọng có thể gây va chạm tủy sống và dẫn đến sốc tủy. Các biểu hiện phổ biến bao gồm đình chỉ toàn bộ chức năng ly tâm và hướng tâm từ vị trí bị tổn thương trở xuống. Các triệu chứng sốc tủy có thể kéo dài trong vài ngày hoặc đến 6 tuần.

3. Phân loại chấn thương cột sống

Dựa vào hình thái của chấn thương, chấn thương cột sống được phân thành:

  • Tổn thương cột sống không gây tổn thương tủy: Các chấn thương này có thể bao gồm gãy xẹp thân đốt sống, gãy đốt sống hoặc trật khớp cột sống hoặc tổn thương đĩa đệm. Ngoài ra, tổn thương các dây chằng, chẳng hạn như giãn dây chằng, đứt dây chằng liên gai sau và trước dọc theo cột sống.
  • Chấn thương cột sống có thương tổn tủy sống: Các chấn thương bao gồm chấn động tủy, chảy máu bên trong tủy, tổn thương các phần trước của tủy sống hoặc chùm đuôi ngựa.
  • Chấn thương tủy sống nhưng không tổn thương cột sống: Đây là tình trạng có chấn thương tủy sống thực thể nghiêm trọng nhưng không có dấu hiệu chấn thương cột sống.

Ngoài ba cách phân loại như trên, đôi khi chấn thương tủy sống có thể được chia theo hai thể như sau:

  • Gãy vững: Đây là tình trạng gãy xẹp hoặc rạn thân đốt sống nhưng không có di lệch đốt sống. Dây chằng liên gai sau không bị đứt và không gây ra các mấu khớp.
  • Gãy không vững: Đây là tình trạng gãy đốt sống kết hợp trật khớp, gãy vỡ khiến các mấu khớp đốt sống di lệch và đứt rách các dây chằng.

Nguyên nhân gây chấn thương cột sống

Có nhiều nguyên nhân gây chấn thương tủy sống, trong đó các nguyên nhân phổ biến nhất có thể bao gồm:

  • Tai nạn xe, chiếm khoảng 48%
  • Té ngã, chiếm khoảng 16%
  • Bị hành hung, chiếm khoảng 12%, Tai nạn thể thao hoặc tại nạn lao động, chiếm khoảng 10%

Ở người cao tuổi, té ngã là nguyên nhân phổ biến nhất có thể dẫn đến chấn thương cột sống. Loãng xương và thoái hóa khớp là các yếu tố nguy cơ phổ biến có thể dẫn đến chấn thương tủy sống.

Các dấu hiệu và triệu chứng chấn thương tủy sống

Các triệu chứng tổn thương tủy sống phụ thuộc vào loại chấn thương và vị trí chấn thương (lưng hoặc cổ). Cụ thể các triệu chứng có thể bao gồm:

1. Triệu chứng lâm sàng

Chấn thương cột sống không tổn thương tủy sống:

  • Đau đớn khu trú ở đốt sống bị tổn thương hoặc xuất hiện các điểm đau nhói tại chỗ.
  • Hạn chế vận động, cơn đau trở nên nghiêm trọng hơn khi đi lại và được cải thiện khi người bệnh nghỉ ngơi.
  • Biến dạng cột sống, chẳng hạn như cột sống hơi gồ ra sau (cong vẹo cột sống), bầm tím hoặc sưng nề tại chỗ. Nếu chấn thương cột sống cổ, cổ có thể bị hạn chế hoạt động, chẳng hạn như cứng cổ hoặc cổ có thể ngắn lại.
dấu hiệu chấn thương
Đau đớn khu trú là dấu hiệu chấn thương phổ biến nhất

Chấn thương cột sống gây tổn thương tủy:

Tri giác: Nếu chấn thương cột sống cổ, người bệnh có thể bị rối loạn tri giác nhẹ.

Hô hấp: Chấn thương đốt sống cổ từ C1 – C5 có thể gây ảnh hưởng đến hệ thống hô hấp, gây khó thở, nhịp thở chậm hơn 15 – 20 lần / phút và có thể dẫn đến tử vong. Ngoài ra, nhiệt độ cơ thể có thể giảm xuống khoảng 35 – 36 độ C do rối loạn trung khu vận mạch, trong khu điều hòa thân nhiệt.

Triệu chứng thần kinh:

  • Tổn thương C1 – C4: Đây là dạng chấn thương cột sống cổ nghiêm trọng nhất, có thể dẫn đến tử vong. Các triệu chứng sốc tủy bao gồm liệt mềm, liệt ngoại vi tứ chi và có các biểu hiện qua hệ thống hô hấp và tim mạch, chẳng hạn như khó nói hoặc khó nuốt. Trong giai đoạn nghiêm trọng có thể dẫn đến tăng trương lực cơ hoặc tăng phản xạ tự động.
  • Tổn thương từ C5 – D1: Giai đoạn sốc tủy có thể gây liệt mềm, liệt ngoại vi tứ chi. Trong giai đoạn sau có thể gây tăng phản xạ gân xương và phản xạ tự động tủy.
  • Tổn thương từ D2 – D10: Giai đoạn sốc tủy có thể dẫn đến liệt mềm hai chân, mất toàn bộ cảm giác từ vị trí tổn thương trở xuống. Giai đoạn nghiêm trọng có thể gây phản xạ gân xương và phản xạ tự động tủy.
  • Tổn thương từ D11 – L1: Giai đoạn sốc tủy có thể gây liệt mềm cả hai chân, bụng chướng, mất cảm giác đau ở vị trí ngang bẹn. Trong giai đoạn sau có thể dẫn đến liệt ngoại vi hai chân, chân teo nhanh.
  • Tổn thương từ L2 – đốt sống xương cùng 1: Có các triệu chứng tương tự như Hội chứng chùm đuôi ngựa, chẳng hạn như liệt ngoại vi hai chân, chân teo nhanh, mất cảm giác ở vùng bẹn và vùng đáy chậu. Ngoài ra, người bệnh có thể bị mất cảm giác ở hậu môn và bộ phận sinh dục.

2. Dấu hiệu cận lâm sàng

Xét nghiệm hình ảnh cột sống nghiêng tùy theo vị trí tổn thương lâm sàng để xác định tình trạng gãy cột sống, trượt đốt sống hoặc xẹp đốt sống.

Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để xác định các tổn thương tủy sống.

Chấn thương cột sống có nguy hiểm không?

Cột sống được cấu tạo từ nhiêu đốt sống kết nối lại với nhau. Bên trong cột sống chứa tủy sống, là một bộ phận của hệ thống thần kinh trung ương, tiếp nối với tiểu não và hành tủy để điều khiển quá trình vận động, cảm giác.

Cột sống chịu trách nhiệm nâng đỡ và chức năng thần kinh của cơ thể. Do đó, chấn thương cột sống có thể gây ảnh hưởng đến hoạt động của cơ thể, bao gồm chức năng cơ học và chức năng thần kinh. Khi tủy sống bị tổn thương, người bệnh có thể bị tàn phế, liệt tứ chi hoặc liệt hai chi dưới và cần ngồi xe lăn suốt đời.

di chứng của chấn thương cột sống
Chấn thương tủy sống nghiêm trọng có thể dẫn đến liệt hoàn toàn

Ngoài ra, chấn thương cột sống có thể khiến các dây thần kinh không thể giao tiếp với não. Điều này có thể dẫn đến một số rủi ro, chẳng hạn như:

  • Chức năng bàng quang và ruột
  • Hệ thống hô hấp
  • Nhịp tim và hệ thống tim mạch
  • Trao đổi chất hoặc quá trình cơ thể chuyển đổi thức ăn thành năng lượng
  • Cơ vận động
  • Phản xạ
  • Cảm giác

Chấn thương cột sống khi được phát hiện và điều trị sớm có thể hạn chế nguy cơ để lại di chứng. Do đó, điều quan trọng là người bệnh nên đến bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng chấn thương.

Chẩn đoán chấn thương cột sống

Những người nghi ngờ chấn thương cột sống thường được điều trị cấp cứu. Trong phòng cấp cứu, bác sĩ có thể kiểm tra tình trạng bằng cách kiểm tra chức năng cảm giác và cử động hoặc trao đổi với người bệnh về tai nạn dẫn đến chấn thương.

chẩn đoán tổn thương cột sống
Người bệnh có thể cần phẫu thuật khẩn cấp để tránh các rủi ro liên quan

Trong trường hợp người bệnh bị đau cổ, không tỉnh táo hoàn toàn hoặc có dấu hiệu suy nhược, chấn thương thần kinh, bác sĩ có thể đề nghị một số xét nghiệm chẩn đoán khẩn cấp. Các xét nghiệm có thể bao gồm:

  • Chụp X – quang: Bác sĩ thường chụp X – quang trên các khu vực nghi ngờ bị tổn thương cột sống để xác định các vấn đề về đốt sống, khối u, gãy xương hoặc các thay đổi về cột sống do thoái hóa.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan): Hình ảnh CT Scan có thể giúp bác sĩ quan sát các mặt cắt của xương, đĩa đệm và các vấn đề khác.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): MRI sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh cột sống, tủy sống, thoát vị đĩa đệm, cục máu đông hoặc các khối u khác có thể gây chèn ép tủy sống.

Nếu vết thương phù nề nghiêm trọng, bác sĩ có thể tiến hành kiểm tra thần kinh sau một vài ngày để xác định mức độ chấn thương.

Cách xử lý chấn thương cột sống khẩn cấp

Nguyên tắc đầu tiên khi xử lý người bị chấn thương cột sống là bất động. Tránh di lệch đoạn cột sống bị tổn thương, điều này có thể khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng, thậm chí là gây đứt ngang tủy sống.

Cột sống cần được cố định ngay từ đầu khi tiếp xúc với bệnh nhân nghi ngờ chấn thương cột sống. Tuyệt đối tránh kiểm tra tình trạng người bệnh bằng cách xoay hoặc lật người bệnh để tránh gây nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

điều trị chấn thương tủy sống
Nguyên tắc đầu tiên khi điều trị chấn thương là bất động

Đối với bệnh nhân nghi ngờ chấn thương cột sống cổ, đặt đầu bệnh nhân thẳng trục, ở tư thế trung gian (không gập, ngửa hoặc xoay cổ) trên nền cứng (ván gỗ), chèn đồ vật hai bên cổ để tránh xoay, tuy nhiên tốt nhất là dùng bộ cố định cổ. Đối với bệnh nhân chấn thương cột sống cổ và lưng, đặt bệnh nhân nằm ngửa trên cán cứng hoặc nằm sấp trên cán mềm. Sau đó cố định bệnh nhân ở ba điểm, đầu, vai và ngang khung chậu. Không lôi, kéo, lật bệnh nhân để điều chỉnh tư thế.

Sau khi sơ cứu ban đầu, tiến hành đưa bệnh nhân đến bệnh viện hoặc cơ sở y tế gần nhất. Khi vận chuyển bệnh nhân, cần chú tránh cố định cột sống, tránh tình trạng xóc gây lệch cột sống. Ngoài ra, cần có người theo dõi tình trạng bệnh nhân tránh sốc, co giật hoặc động kinh.

Cần tránh khiêng, vác, xốc bệnh nhân trên vai, cõng trên lưng, khiêng bằng võng, cán mềm, chở bệnh nhân bằng xe đạp, xe máy hoặc gập cột sống trong xe ô tô,… Điều này có thể làm tăng tổn thương cột sống và dẫn đến liệt hoàn toàn, thậm chí là tử vong.

Sau khi vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện cần thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên y tế về tình trạng cột sống, nguyên nhân chấn thương và các tổn thương ở các bộ phận khác của cơ thể. Người bệnh có thể cần được phẫu thuật khẩn cấp để điều trị các tổn thương do chấn thương cột sống gây ra, chẳng hạn như gãy xương, hình thành cục máu đông hoặc tổn thương các mô.

Ngoài ra, người bệnh có thể được tiêm corticosteroid để chữa lành các tổn thương tủy sống. Thuốc nên được sử dụng trong vòng 8 giờ sau khi chấn thương xảy ra. Thuốc mang lại một số tác dụng như:

  • Cải thiện lưu lượng máu
  • Bảo tồn chức năng thần kinh
  • Giảm viêm

Điều trị chấn thương cột sống lâu dài

Mục tiêu dài hạn khi điều trị cho người chấn thương cột sống bao gồm:

  • Tăng cường tính độc lập và chất lượng cuộc sống
  • Giảm nguy cơ phát triển các bệnh lý mãn tính
  • Phục hồi chức năng thần kinh trung ương

Điều trị lâu dài có thể bao gồm thuốc và vật lý trị liệu phục hồi chức năng. Thuốc có thể kiểm soát tình trạng căng cứng cột sống và cơ ở một số bệnh nhân. Tuy nhiên đôi khi thuốc có thể không mang lại hiệu quả điều trị.

phục hồi sau chấn thương
Tập vật lý trị liệu để sau phục hồi chấn thương tủy sống

Phục hồi chức năng sau chấn thương cột sống là một điều cần thiết để người bệnh có thể hoạt động bình thường. Quá trình phục hồi chức năng thường bao gồm vật lý trị liệu, xây dựng kỹ năng và hướng dẫn người bệnh thực hiện các hoạt động thường ngày an toàn.

Vật lý trị liệu tập trung vào các bài tập tăng cường cơ bắp, căng cơ để ngăn ngừa tình trạng cứng khớp. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể đề nghị người bệnh sử dụng các thiết bị trợ giúp như nẹp, khung tập đi hoặc xe lăn để cải thiện khả năng vận động.

Ngoài ra, người bệnh có thể được hướng dẫn các biện pháp kiểm soát cảm xúc, chống trầm cảm và tránh tình trạng mất kiểm soát sau chấn thương cột sống. Chăm sóc cảm xúc là nền tảng để phục hồi chức năng và cải thiện chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Phòng ngừa chấn thương cột sống

Người bệnh có thể giảm chấn thương tủy sống bằng cách:

  • Lái xe an toàn: Tại nạn xe cơ giới là nguyên nhân phổ biến có thể dẫn đến chấn thương tủy sống. Do đó, thực hiện lái xe an toàn để hạn chế nguy cơ chấn thương.
  • Hạn chế nguy cơ té ngã: Sử dụng ghế có thanh vịn khi cần lấy đồ vật trên cao, lắp thanh vịn cầu thang, sử dụng thảm chống trượt hoặc các thanh chắn cửa sổ để ngăn ngừa nguy cơ chấn thương.
  • Áp dụng biện pháp an toàn khi chơi thể thao: Mặc quần áo bảo hộ và tránh các động tác nguy hiểm khi chơi thể thao.
  • Đừng uống rượu khi lái xe: Không lái xe khi sau rượu hoặc ảnh hưởng bởi các chất kích thích. Ngoài ra, không để người say rượu lái xe và không ngồi trên xe của người say rượu.

Chấn thương cột sống là một loại chấn thương có thể gây ảnh hưởng lâu dài và có thể dẫn đến tàn phế. Do đó, người bệnh nghi ngờ chấn thương tủy sống nên đến bệnh viện để được chẩn đoán và hướng dẫn biện pháp điều trị phù hợp.

Thông tin thêm: Gãy xẹp đốt sống là gì? Giải pháp điều trị tốt nhất

Câu hỏi liên quan
Nứt Xương Có Cần Bó Bột Không
Nứt xương có cần bó bột không phụ thuộc vào tình trạng của vết thương, mức độ nghiêm trọng của vết gãy và chẩn đoán lâm sàng của bác sĩ. Do đó, điều quan trọng là đến bệnh viện để ...
Xem chi tiết
Rách Sụn Chêm Có Đá Bóng Được Không
Nếu thắc mắc rách sụn chêm có đá bóng được không, người bệnh nên trao đổi với chuyên gia, chẳng hạn như bác sĩ chỉnh hình hoặc bác sĩ y học thể thao để được tư vấn phù hợp nhất. ...
Xem chi tiết
Trật Khớp Cổ Chân Bao Lâu Thì Khỏi
Trật khớp cổ chân bao lâu thì khỏi là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Tình trạng trật khớp khiến người bệnh đau nhói, cổ chân sưng tấy, bầm tím và biến dạng, ảnh hưởng đến khả năng vận ...
Xem chi tiết
Mổ Rách Sụn Chêm Ở Đâu Tốt
Xác định mổ rách sụn chêm ở đâu tốt là điều cần thiết và quan trọng để có kế hoạch thăm khám, điều trị hiệu quả, an toàn nhất. Người bệnh nên liên hệ trực tiếp với cơ sở y ...
Xem chi tiết
Bong Gân Nên Chườm Gì
Bong gân nên chườm gì (chườm nóng hay chườm lạnh) là thắc mắc chung của nhiều người bệnh. Cả hai liệu pháp này đều mang đến hiệu quả giảm đau nhanh chóng. Tuy nhiên do hoạt động với hai nguyên ...
Xem chi tiết

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Your email address will not be published. Required fields are marked *

Hotline

098 717 3258

Chia sẻ
Bỏ qua